Từ quán cà phê qua nhà chị Tư tôi gần xịt, quẹo ngay góc đường chừng một phút là tới. Chị Tư tôi cũng mở quán cà phê nhỏ kiếm sống nhưng tụi tôi lại cứ thích tụ tập bên quán chị Chín tán dóc trước, khi nào chị Chín chuẩn bị về đón con thì tụi tôi mới lại chạy qua đây nhiều chuyện tiếp. Em gái tôi chạy thẳng vào tận bên trong hẻm, dừng lại cho tôi xuống trước rồi mới dắt xe vào trong góc dựng ngay ngắn. Chị Tư và chị Hạ đang ngồi ngay bàn ngoài, thấy tụi tôi cười toe toét hỏi:
- Không đi họp tổ dân phố hả?
- Rồi.
- Sao về sớm vậy?
- Bà mới bị công an hốt nên dạt sang đây.
Tôi kéo ghế ngồi sát cạnh chị Tư, hỏi:
- Ở đây còn cái gì ăn không chị? Đói quá!
- Mày muốn ăn cái gì?
- Cái gì cũng được, kêu bún bò đi cho em đi, nhỏ gì còn bán bún bò không?
- Còn.
Rồi chị đứng dậy chạy đi kêu bún cho tôi. Tôi quay qua chị Hạ hỏi:
- Sài Gòn sao chị? Có vui hơn Hà Nội không?
- Chị mới vào đây đã đi đến đâu mà biết.
- Từ từ sẽ thấy vui chị ạ. Hồi em mới vô, tối nhớ nhà không ngủ được, cứ đứng trên lầu ngó về hướng Bắc khóc thầm một mình, vậy mà khi quen rồi mười mấy năm chẳng thèm về thăm quê. Có sao đâu!
Chị Hạ im lặng không nói gì, chị thở dài, nhìn về hướng xa xăm với gương mặt buồn rười rượi. Tôi biết chị Hạ đang nhớ con mình. Vì cuộc sống vất vả thiếu trước hụt sau, chị không kham nổi phải gởi con về quê cho bà nội nuôi giúp. Chị không bao giờ nhắc đến nhưng anh Quí có kể cho tôi nghe căn nhà của chị nằm ở một khu phố nổi tiếng về tội phạm, bảo là căn nhà cho nó oai chứ thực ra chỉ là gầm cầu thang nhỏ xíu. Tôi chưa đến thăm lần nào nên không tưởng tượng được nó ra sao. Hiểu và thông cảm với hoàn cảnh của chị, tôi khuyên chị nên chuyển vào đây sinh sống, tạm thời ở nhà tôi hoặc ở đây với chị Tư, tìm việc làm cho ổn định rồi đón con vào sau. Chị bảo với tôi để suy nghĩ rồi sẽ quyết định sau.
Bún đã được bê tới, tôi bún nóng hổi bốc ra thơm lừng. Con nhỏ bán bún bò Huế này nấu rất khéo tay, tôi ăn thật vừa miệng. Tôi quay qua hỏi nhỏ em:
- Ăn sáng chưa? Có ăn thì kêu luôn đi.
Nó lắc đầu:
- Hồi nãy em mới ăn rồi.
Chẳng cần khách sáo, tôi cúi xuống ăn tô bún một cách ngon lành.
Ớt cây xè làm môi tôi bỏng rát, cứ hít hà liên tục. Con nhỏ nấu bún bò Huế này ngon tuyệt nhưng có tật quen tay bỏ nhiều ớt vào tô của khách làm tô bún của tôi cay xé lưỡi.
Bà Ba bán thuốc lá ngồi ở bàn bên kia nhìn tôi hít hà cứ típ mắt lại cười. Bà này người gốc Bắc, góa chồng đang sống chung cùng một lũ con cả trai lẫn gái trên lầu hai của khu chung cư này. Bà đã ngoài sáu chục tuổi nhưng trông vẫn còn trẻ chung yêu đời lắm, đôi chân mày xăm xanh lè, cong tít làm gương mặt bà thêm phần dữ, bà rất vui tính và lại ưa hờn mát. Những lúc nổi quạu bà thường mang nho ra xổ, bà chửi có vần có điệu làm tụi tôi khoái chí cứ thích theo ghẹo để bà chửi cho nghe hoài. Bà lại có thêm bệnh hoang tưởng, tiền vào tay bà cứ như gió vào nhà trống chỉ một loáng là hết sạch, mà lại toàn mua những thứ vớ vẩn. Bà có tủ thuốc lá và mấy thứ lặt vặt buôn bán kiếm sống, kiêm thêm giữ xe cho các hộ trên chung cư, thế nhưng lúc nào cũng thiếu trước hụt sau vì có bao nhiêu tiền bà đem nướng vào đề đóm hết. Hễ ai khuyên nhủ hoặc nói động tới bà là bà chửi cho vuốt mặt không kịp. Mấy người cùng xóm luôn tránh né bà. Chỉ có tôi là dân "điếc không sợ súng" hay chọc ghẹo bà nhất vì tôi thích nghe bà chửi, bụng bà chứa cả một bồ thơ mà tụi tôi nghe hoài không biết chán. Một lần tôi ngồi tỉ tê tâm sự với bà:
- Bà ơi…! Thôi đừng đề với đóm nữa. Có ai giầu vì con ma đề đâu.
Đang tươi cười, bà sầm mặt lại, cong mỏ lên:
- Ai bảo với cô là tôi chơi đề? Tôi…tôi…làm chó gì có tiền mà chơi. Tổ cha cái đứa nào ăn không nói có…
Bà Ba chửi đổng thêm một tràng nữa rồi quay lại nói với tôi:
- Cái dân ở đây nó nhiều chuyện lắm con ạ, cô già rồi, cô làm gì kệ cô, chúng nó cứ thích xía vào chuyện gia đình của cô. Rồi bà chậc lưỡi đọc thơ bằng cái giọng khàn khàn nghe ngồ ngộ:
"Vua Ngô có ba sáu cái tàn vàng
Chết xuống âm phủ chẳng mang được gì
Chúa chổm uống rượu tì tì
Chết xuống âm phủ chẳng khác gì Vua Ngô".
Đấy! Thấy không? Giầu như Vua Ngô, nghèo như Chúa Chổm, chết là hết. được cái mẹ gì đâu! Vừa lúc ấy, một cô gái còn trẻ dắt xe đi ngang qua, cô mặc cái quần jean loại xệ "rún", cái áo thung hai dây hở nguyên một khúc bụng, lòi cả làn da đen thui mốc thếch. Cô không xấu cũng không đẹp và cũng chẳng biết cô có ân oán gì với bà không mà khi nhìn thấy cô đi ngang, bà ngước lên liếc xéo theo xì…một hơi thật dài, trề miệng:
"Chuột chù đứng cạnh vườn hoa
Soi gương đánh phấn vẫn ra chuột chù"
Cả đám tụi tôi ngồi đó phá lên cười sặc sụa. Tôi nhớ có một lần tôi về thăm nhà vào dịp tết Nguyên Đán, tụi tôi qua đây gầy sòng đánh bài. Ở Việt Nam, tết vui nhất là đánh bài, đi đâu cũng thấy sòng bài mọc lên như nấm, đủ các loại, đủ các kiểu, từ bầu cua cá cọp đến tứ sắc, từ bài cào ba lá đến binh xập xám, từ lô tô đến xì dách, từ ka tê qua tiến lên…thứ nào cũng có.
Trong mấy món bài bạc này tôi mê nhất là chơi bài tiến lên mà tụi tôi vẫn gọi là "chặt hẻo". Bài này phải có đủ bốn tay chơi, mỗi người cầm mười ba lá, nhỏ nhất con 3 Bích và lớn nhất con 2 Cơ, có ba đôi thông chặt hẻo, tứ quí chặt ba đôi thông và nếu có bốn đôi thông thì chặt được luôn cả tứ quí. Chơi bài này giao kèo mọi điều khó, đánh không cẩn thận đền cho cả làng, thua cháy túi. Tụi tôi không phải là dân cờ bạc, đánh chơi vui là chính. Mỗi lần gầy sòng thế nào bà Ba cũng đòi tham gia, bà già cả lại có tính hay quên nên mỗi khi bài bà có "hàng" (tức là có tứ quí hoặc ba đôi thông) bà hay xếp gọn để qua một bên, tụi tôi đứa nào cũng biết nên chẳng dại gì ra heo cho bà chặt. Một lần bà đánh lủng bài bị mấy đứa nhỏ hô to: "Bà Ba úp mặt vào tường!", bà ngơ ngác không biết gì cãi sống cãi chết, tới lúc được giải thích rõ ràng bà mới chịu ụp bài xuống và chửi đổng:
- Bà già rồi, bà đánh lủng thì bảo bà đánh lủng, chúng mày lại bảo bà úp mặt vào tường. Thế úp mặt vào tường là cái gì?
Chuông khánh còn chẳng ăn ai
Mảnh chum, mảnh chĩnh ném ngoài bờ tre
Mấy đứa nhỏ huých nhau: " Đấy! đấy… bà lại xổ nho rồi ", và tụi nó khúc khích cười. Bà Ba còn ấm ức nói mãi
Đánh bài tiến lên còn có nhiều thứ vui khác mà tôi khoái chí cứ ngồi cười từ đầu tới cuối. Có đứa trong sòng lâu lâu lại cất tiếng hát, rồi những đứa khác lại tiếp lời cứ y như liên khúc chiều mưa. Có đứa chặt được hẻo thì hét toáng lên, đứng dậy ngoáy ngoáy cái mông như vũ điệu lambada, đứa bị bị chặt mặt mày xám ngoét, nổi cọc, cãi nhau như mổ bò, có lúc còn hằm hè muốn nhẩy vào choảng nhau nữa. Vui ơi là vui! Để rồi khi trở lại Nhật, một mình ngồi trong căn nhà vắng lặng, tôi thèm khát ao ước mơ về những ngày đã qua.
Bà nheo mắt nhìn tôi gật gù. Nói vậy với bà cho vui chứ ngày hôm sau tôi phải về quê viếng mộ mẹ, mấy ngày sau mới trở lên.
Mỗi lần tôi về Việt Nam nhà tôi vui như mở hội, luôn đầy ắp tiếng cười, người người ra vào nhộn nhịp, điện thoại réo gọi liên tục. Nhất là mấy ngày cuối tuần khi bọn trẻ con được nghỉ học, mẹ chúng nó dẫn con cái tụ tập đến nhà tôi cả bầy y như trường mẫu giáo. Ba thằng nhãi ranh đùa giỡn cười nói inh ỏi, thằng con trai tôi tay chơi game, miệng thì la hét om xòm kêu các em giữ im lặng, thế nhưng mạnh ai nấy hét làm tôi váng hết cả đầu óc, không tìm được lấy một phút giây yên tĩnh. Bây giờ tôi mới hiểu được lý do chồng tôi mỗi lần về Việt Nam là nằng nặc đòi ra khách sạn ở, ồn ào quá anh chịu không nổi. Em dâu tôi bảo: "Có chị về nhà cửa mới đông vui như vầy chớ mai mốt chị đi, nhà lại vắng ngoe à".
Nhà tôi có hai cô cháu gái đến tuổi cập kê, điện thoại của các anh réo liên tục, mà quái ác một cái điện thoại lại đặt ngay trong phòng tôi, nửa đêm nửa hôm réo um xùm làm tôi ngủ không được. Cô con gái chị Năm làm phiền tôi nhiều nhất, lần đầu tiên tôi đánh thức nó dậy nghe điện thoại vào lúc 12:30 đêm, kiên nhẫn chờ nó nói chuyện với bạn xong tôi mới ôn tồn bảo nó: "Này cháu! dặn bạn bè có chuyện gì cần thiết lắm thì hẵng gọi điện thoại đến đây vào nửa đêm thế này, còn không thì để đến ban ngày. Sao lại mất lịch sự thế không biết!" Nó im lặng không nói gì rồi đi ra ngoài tiếp tục ngủ. Tưởng việc đó sẽ chấm dứt, không ngờ đám bạn nó lại gọi liên tục vào những đêm kế tiếp như khủng bố tinh thần tôi, càng nói càng làm tới khiến tôi hết kiên nhẫn. Cứ bắt được điện thoại mà hỏi thăm bạn Anh là y rằng tôi xổ ra một chàng: "Kiếm bạn Anh làm gì? Biết giờ này mấy giờ không mà gọi? Nó ngủ rồi". và cúp máy cái rụp. Có bữa vừa cúp xong máy lại réo tiếp, nhấc lên không cần nghe đằng kia nói cái gì, tôi hét vào trong máy: "Đồ khùng điên ba trợn…!" bỗng nghe loáng thoáng bên tai một giọng hoảng hốt " Em ơi, anh đây mà. Có chuyện gì xảy ra mà em giận dữ vậy?" Thì ra đó là điện thoại của chồng tôi gọi về, tôi dịu giọng lại và nói chuyện một cách nhỏ nhẹ. Bên ngoài, mấy đứa cháu tôi chưa ngủ đang cười khúc khích xì xầm: "Khiếp! nói chuyện với chồng sao mà ngọt thế!".
Cũng có lần nghe tiếng tôi trả lời máy, đầu giây bên kia vội lên tiếng: "Cô… cô..ơi! cô…làm ơn cho con gặp bạn Anh, con ở quê mới lên không rành đường nhờ bạn Anh chỉ giùm…" và rồi những lần sau này về thăm nhà lại, tụi bạn gọi điện kiếm cháu tôi mà nghe tôi nhấc máy là y rằng điệp khúc cũ lại vang lên "Con ở quê mới lên nhờ bạn Anh chỉ đường…" làm tôi phải bật cười, mang chuyện này kể cho cả nhà nghe, thằng Út bảo: "Bà dữ dằn quá, thằng đó nghe thấy tiếng bà là nó quýnh rồi không biết trả lời sao đành mang cái điệp khúc chỉ đường ra biện hộ "
Sau ngày tôi về quê viếng mộ mẹ lên, tôi nhận được điện thoại của Hương báo tin sẽ vào Sài Gòn vào Chủ Nhật tới, tức chỉ còn ba ngày nữa. Tôi nôn nao mong gặp lại Hương, chẳng biết Hương của tôi đã thay đổi như thế nào?
Ngay buổi chiều hôm đó chị bạn tôi ra nhà chơi và rủ tôi tối đi xem ca nhạc ở rạp hát Hòa Bình, đây là buổi lễ phát giải "Ngôi Sao Bạch Kim năm 2003", chị có đứa con tối nay cũng tham gia hát trong buổi lễ này. Phần thì nể chị, phần vừa muốn xem con chị hát hò ra sao tôi đồng ý liền mặc dù trong người không được khoẻ lắm.
Sau bữa cơm chiều, tôi sửa soạn trang điểm để chuẩn bị đi coi ca nhạc, tôi mặc cái váy đầm mầu đen rất trang nhã, ôm gọn thân mình và ngắn ngang đầu gối, sau lưng là hai miếng vải được cột lại giống như một chiếc nơ. Dùng máy ép cho mái tóc thật thẳng và để xoã tự nhiên. Xong công việc, tôi ngồi chờ chị bạn đến đón. Hơn bẩy giờ tối, chị đã có mặt tại nhà tôi, chị bảo mình nên có mặt ở đó lúc tám giờ. Ngồi nói chuyện một lúc tôi hỏi chị:
- Mình đi bằng gì đến đó hả chị?
- Chị có xe honda, để chị chở em.
- Sao mình không đi bằng taxi cho tiện?
- Thôi! Có xe mà em, đi taxi làm chi cho tốn tiền.
Nghe chị nói vậy, tôi im lặng, suy nghĩ một hồi tôi đứng dậy vào trong thay đồ khác, đi xe honda mặc đầm làm gì cho mệt, và lại sợ ngồi trong rạp hát muỗi chích thì khốn. Tôi quyết định mặc cái quần jean, cái áo thung mầu đen có đính một hàng kim cương ở bâu cổ sáng choé, nhét ít tiền lẻ và ấn cái điện thoại vào tận đáy túi quần, tôi bước ra ngoài hối chị lên đường. Chị nhìn tôi ngạc nhiên hỏi:
- Ủa? Hồi nãy mặc đồ đẹp quá trời sao lại thay rồi.
- Đi xe honda thì mặc quần jean cho tiện chị ơi, với lại mặc đầm phải mang theo bóp, sợ bị giựt, té chết!
Tôi đứng trước kiếng chải tóc rồi cột lên cho gọn, chị bạn xuống trước lấy xe đứng trước cửa chờ. Ra tới nơi, tôi đòi chở chị vì tôi biết tay lái chị rất yếu. Tụi tôi băng qua nhiều con đường mới tới rạp hát Hòa Bình nằm trong khuôn viên Hồ Kỳ Hòa. Tôi đã đến đây một lần dự sinh nhật của người bạn, nhưng là bên vũ trường, không phải rạp hát. Tôi chạy xe vào thẳng bên hông gửi, lấy vé giữ xe xong, hai chị em tôi lững thững đi bộ quay ngược ra ngoài để vào cửa. Đến khu vực rạp hát, một đám phe vé chợ đen áo tới hỏi: "Các chị có vé chưa?" khi tụi tôi trả lời có rồi thì họ lại hỏi "Có bán vé lại không?" Tôi lẩm bẩm, cái bọn này hỏi vô duyên, người ta đi xem ca nhạc mà hỏi có bán lại vé không? Thoát khỏi đám phe vé thì một tốp bán hoa lại ào tới mời rối rít: "Mua bông đi cô, mua giùm một bó đi cô". Tôi nhìn chị bạn hỏi:
- Hay mình mua một bó hoa tí nữa tặng cho con chị hén?
Chị ngần ngừ giây lát:
- Mua thì mua.
- Em mua chút nữa chị mang lên tặng đó nghen.
- Thôi kỳ lắm. Ai lại mẹ tặng con. Em mang lên tặng thì được.
- Không. Nếu chị lên tặng thì em mua, em không tặng đâu, quê thấy mồ.
- Vậy thôi đừng mua, nó có thiếu gì "fan" lên tặng.
Hai chị em tôi bỏ ý định mua hoa, leo lên những bậc thang của rạp hát chìa vé vào cửa.
Vì là vé mời nên tụi tôi được ngồi chỗ khá ngon lành, gần sân khấu. Lúc này đã hơn tám giờ tối nhưng vẫn chưa mở màn. Bên hông sân khấu đặt một màn hình ti vi thật lớn, trên đó đang chiếu cảnh các ca sĩ phô trương sự giàu có của mình bằng một cuộc đón rước với các loại xe hơi đủ kiểu được quay từ lúc nào tôi không biết. Chị bạn thì thầm bên tai tôi:
"Thấy người ta giầu có người ta bỏ tiền lăng xê cho con cái người ta, nghĩ lại con mình nghèo tội em hén".
Chị nhìn lên màn hình với một vẻ mặt buồn hiu, tôi thấy tội nghiệp, an ủi:
"Thôi chị à, thằng con chị được như vầy là có phước lắm rồi còn gì nữa. Chị thấy không có đứa mất mấy trăm triệu mà có được hát trong những chương trình như thế này đâu. Con chị mới đi hát có hơn năm nay, vô được đây là mừng cho nó rồi. Sau này nổi tiếng tha hồ ngồi đếm bạc nhá!"
Ngồi chờ đợi gần cả tiếng đồng hồ, chương trình mới bắt đầu mở màn bằng tốp ca nam với ca khúc đến con nít cũng thuộc "Vì Một Thế Giới Ngày Mai". Mấy ngày về Việt nam, đi đến đâu tôi cũng nghe họ hát bản này. Nghe riết tôi cũng thuộc luôn. Mấy ca sĩ này lạ hoắc tôi chẳng biết ai là ai cả.
Ngồi phía bên cánh tay trái tôi là đám lau nhau lóc nhóc mà sau này tôi biết là người nhà của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, phía bên tay trái là cặp vợ chồng khá lớn tuổi, sang trọng, cô vợ tóc uốn cao, mặc bộ váy đầm màu nhã, mang chiếc giỏ xách hiệu Louis Vuitton, tay và cổ đeo đầy hột xoàn chớp chớp, hột nào hột nấy ném muốn lủng đầu tôi. Tôi quay qua thì thào với chị bạn:
"Chị ơi! bà ngồi bên cạnh mình bà đeo đồ thiệt hay giả mà sao em thấy hột nào hột nấy bự không à.
" Chị bạn tôi liếc sang nhìn rồi thì thào lại: "Chị cũng không biết nữa, chắc đồ giả quá! Thời này ai dám đeo đồ thiệt cho chúng cướp!", rồi chị ký đầu tôi: "Ca nhạc người ta hay muốn chết không coi, cứ lo liếc hột xoàn hoài"
Trên sân khấu, tiếng nhạc, tiếng hát vẫn xập xình, tôi nghe lùng bùng cả lỗ tai.
Hồi còn nhỏ tôi thích được xem ca nhạc trực tiếp như thế này lắm, xứ khỉ ho cò gáy như quê tôi năm thì mười họa mới có một đợt văn công ở Hà nội lên trình diễn, không thích sao được. Mới chập choạng tối là tụi tôi đã rủ nhau cắp ghế ra dành chỗ trước, nơi gần sát sân khấu để được nhìn rõ mặt ca sĩ. Có khi phải đợi mấy tiếng đồng hồ mới đến giờ mở màn.
Tiếng MC vẫn lanh lảnh vang lên giới thiệu cô ca sĩ này anh ca sĩ nọ nhưng toàn mấy cái tên mà tôi chưa bao giờ nghe tới. Lâu quá rồi tôi không ngó ngàng gì tới làng ca nhạc ở Việt Nam nên giờ đây ngồi coi cứ như ngố Tầu, chẳng biết ai với ai. Bên nhà tôi cũng có một số DVD ca nhạc Việt Nam, nhạc (hải) ngoại cũng có mà nhạc nội cũng có. Nhạc nội do mấy đứa cháu sợ tôi buồn gửi từ bên nhà qua cho tôi giải trí, còn mấy dĩa nhạc hải ngoại do chồng tôi mua sẵn từ khi tôi chưa qua Nhật. Quả thật là tôi không thích nghe nhạc Việt mấy, thời gian rảnh dỗi tôi đều vùi đầu vào đọc truyện, xem tin tức trên mạng, "chát" với bạn bè. Tuy nhiên thỉnh thoảng tôi cũng ghé mắt vào mấy DVD các cháu gửi qua xem chơi nên cũng biết được vài ca sĩ nổi tiếng bên Việt Nam như Mỹ Tâm, Lam Trường, Mỹ Linh, Phương Thanh… còn mấy người mới mới sau này thì không biết đến. Trái lại, chồng tôi là người rất yêu nhạc, anh có cả một bộ sưu tập CD các ca sĩ danh tiếng trên thế giới chất trong tủ. Anh thích đủ các loại nhạc và có cả vài cái máy "Turn Table" và những thứ bậu sậu theo nó nhét dưới gầm giường. Tôi chẳng hiểu gì về giá trị của mấy món đó, mỗi lần dọn dẹp nhà cửa là tôi lại la lối om xòm đòi anh mang chúng ra thúng rác vứt bỏ, không xài đến để làm gì cho chật nhà. Một lần theo anh đến tiệm nhạc cụ, tôi nhìn thấy mấy cái máy giống y chang thứ nhét dưới gầm giường nhà mình, trợn mắt nhìn bảng giá rồi lại quay qua nhìn anh, tôi không nói thêm một lời nào, từ đó trở đi không đòi anh vứt bỏ chúng nữa, tôi tự động gói ghém cẩn thận cho vào hộp và xếp gọn trong góc tủ. Chồng tôi rất thích đọc truyện của Việt Nam dịch ra tiếng Nhật, anh tìm hiểu kỹ càng nền văn hóa của Việt nam cũng như phong tục tập quán của người Việt. Và nhưng tôi phát hiện ra một điều lý thú, anh không thích nghe nhạc Việt. Tôi biết được cái "thóp" đó của anh, mặc dù tôi cũng không thích thú gì nhưng tôi cứ canh me giờ anh đi làm về mang ngay DVD live Show của cô Mỹ Tâm ra mở để trả thù anh vì cái tội mở nhạc pop của Nhật um xùm vào sáng sớm khiến tôi không ngủ được. Anh tức lắm và có lần nói thẳng luôn với tôi: "Anh không thích nghe, làm ơn tắt giùm đi…làm ơn đi mà… Em muốn nghe sao không mở vào thời gian anh đi làm, cứ thoải mái chẳng ai cấm cản em cả". Mỗi lần vợ chồng tôi hục hặc với nhau, tôi vẫn thường dọa mang dĩa nhạc live show của MT ra mở, anh ta liền im re không dám gây với tôi nữa.
Trên sân khấu, ca sĩ chỉ được hát mỗi người một bản, có vài ca sĩ mới thì hình như chỉ được hát có nửa bản vì không có nhiều thời gian, xen kẽ vào đó là phần phát giải thưởng. Tôi không hứng thú mấy vì chương trình nhạc bị cắt đứt, thay vào đó là mấy ông lãnh đạo lên rút giấy ra đọc, tặng hoa, bằng khen tùm lum…Và rồi ca nhạc lại tiếp tục. Vài ca sĩ đạt giải thưởng như Nguyễn Phi Hùng, anh chàng này báo chí hay nhắc đến, cũng đã có mở live show, tôi thấy trong mấy cái poster quảng cáo, hình ảnh anh chàng trông cao lớn đẹp trai, thế mà trên sân khấu, thân thể ốm tong teo, mặc bộ đồ vest giống như bơi ở trong đó. Tiếp theo nữa là nữa ca sĩ Đoan Trang, người được mệnh danh là thỏi sô cô la biết hát. Quả là đúng vậy, cô ta đen bóng lộn như người Việt gốc Miên, nhưng có giọng hát khá hay. Người gây cho tôi "ấn tượng" nhất là nữ ca sĩ Thu Minh, nghe đâu cô này đã có hơn mười năm trong nghề ca hát, tôi cũng chỉ vừa mới biết đến cô tháng trước khi xem DVD cô trình diễn ca khúc đưa tên tuổi cô lên hàng sao "Em nhắn gió mây, đưa anh đến đây…". Lần này cô chơi nổi trong một tiết mục tương đối cầu kỳ, thoạt đầu sân khấu tắt hết đèn tối thui, sau đó chỉ có le lói tí ánh sáng chiếu đoàn vũ nam khênh một người từ từ ra sân khấu, với tiếng nhạc rùng rợn. Người này được bịt kín mặt mũi và thân hình bằng một tấm vải, khi đặt xuống đất, tấm vải được gỡ ra lộ rõ một cô gái mặc quần lụa màu vàng ánh kim tuyến, cái áo lửng hở nguyên khúc bụng, cô lắc qua lắc lại y như cảnh trong phim "A Li Ba Ba Và Bốn Mươi Tên Cướp". Tưởng sao cô ta hát ngay một bản "sến" thiệt là "sến", làm tôi thấy vọng vô cùng thốt lên: "Hát dở thế này cũng bầy đặt đi làm ca sĩ ".
Tôi ngồi ngả lưng dựa vào ghế một cách mệt mỏi, chờ xem thằng cháu mình hát hò ra sao mà mãi chưa đến lượt. Tôi cứ mong nó ra hát mau mau để còn kiếm cớ đòi về không thôi sợ chị bạn giận. Lại tiết mục trao giải thưởng, tôi quay qua nói với chị bạn:
- Từ nãy tới giờ toàn dân bake (Bắc kỳ) lên phát giải không hén?
- Ừa, tụi nó vô đây chiếm mấy chức lớn hết rồi em ơi!
Rồi chị ghé tai tôi nói nhỏ:
- Thôi chị đi toilet đây, nãy giờ uống nước nhiều quá. Em có đi không?
Tôi lắc đầu trả lời:
- Chị đi một mình đi, lẹ lên không thôi con chị ra hát là chị khỏi được coi đó.
Chị đứng lên, lần theo hàng ghế đi ra phía ngoài cửa. Miệng tôi nói thật linh thiêng, chị vừa đi được một tí thì thằng con chị nhẩy xổ ra sân khấu, cu cậu mặc cái áo thung mầu xanh dương, hát được một khúc chẳng ra đầu ra đuôi, tôi nghe không hiểu gì cả. Hát xong cậu ta chui tọt ngay vào toa xe lửa đầu tiên trong đoàn tầu gồm năm toa đặt ngay trên sân khấu và đứng luôn trong đó. Năm toa xe lửa này dành cho năm chàng ca sĩ mỗi người hát một khúc và tới lượt ai hát xong thì chui vào đó đứng.
Tôi ngóng cổ nhìn ra phía ngoài mong chị bạn trở lại sớm. Bà này thiệt xui xẻo! Chị nói với tôi đây là lần đầu tiên chị đi đến rạp xem ca nhạc, mà cũng nhờ có con làm ca sĩ mới chịu đến coi, ấy vậy lại nhằm ngay lúc chị đi toilet thì thằng nhóc nhẩy ra hát. Thế là chị mất luôn cơ hội được xem con mình trổ tài.
Chị bạn tôi nay đã ngoài bốn chục tuổi, không còn trẻ lắm nhưng cũng chẳng gọi là già. Tôi cũng chỉ mới quen biết chị được vài năm nay khi thỉnh thoảng mang quà của người thân bên Nhật về cho chị. Chị có nước da vàng ạch giống như người bị mắc bệnh gan, và những vết nám đang loang dần bên hai gò má. Tuy vậy chị vẫn chưa đánh mất đi nét đẹp dịu dàng thời con gái. Tôi đã được coi tập abum hình chị chụp hồi còn trẻ, so ra cũng chẳng thua kém gì mấy cô hoa hậu thời nay. Chị chỉ có một đứa con duy nhất, còn chồng chị đã bỏ mẹ con chị ra đi trong một lần vượt biển từ thủa nào, tôi thấy rất ít khi chị nhắc đến tên anh ấy. Tôi đoán chị vẫn còn hận thù người chồng bội bạc này.
Những lần tôi về Việt Nam chị hay ghé nhà tôi chơi, chị thủ thỉ với tôi về cuộc đời bất hạnh của mình, chị bảo với tôi: "Em thật là hạnh phúc! Được chồng nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa. Em đừng để đánh mất những gì mình đang có trong tay nghen Cưng. Hãy nhìn tấm gương như chị nè, về già có một thân một mình buồn lắm em à, bạn bè đi nước ngoài hết. Chị sợ cô đơn lắm…" Chị nói chuyện với tôi mà nước mắt lưng tròng. Tôi cứ để im cho chị khóc, khóc được sẽ làm chị vơi bớt đi những nỗi gian truân trong cuộc đời mà chị đã từng phải gánh chịu. Tôi lùa bàn tay mình vào mái tóc mây mượt mà của chị an ủi: "Thôi chị đừng có buồn, mỗi con người sinh ra đều có một ngôi sao chiếu mệnh, sướng khổ tùy vào số của mình. Chị bất hạnh trong tình trường nhưng bù lại chị còn có con an ủi. Thằng con chị vừa đẹp trai vừa có tài lại vừa có hiếu với mẹ. Chị còn muốn gì nữa?" Chị gạt nước mắt nhìn tôi nở một nụ cười mãn nguyện.
Chị đã trở lại chỗ ngồi ngay bên cạnh tôi. Tôi quay sang nói liền:
- Con chị hát mất tiêu rồi, chị có nghe không?
- Ủa vậy hả? Nó đi vô rồi hả? Thiệt tình…!
- Nó còn đứng kia kìa.
- Đâu… đâu, nó đứng ở đâu?
- Trong cái toa xe lửa đầu tiên kìa.
Tôi đưa tay chỉ lên hướng sân khấu. Con trai chị lúc đó đang lơ đãng bám hờ một tay vào ô cửa sổ, còn tay kia cầm điện thoại đưa lên gần tai như đang nói chuyện với ai đó.
Con trai chị năm nay hai lăm tuổi, trước khi trở thành ca sĩ cậu ta đã là diễn viên điện ảnh thủ vai chính vài bộ phim. Dáng người cân đối và gương mặt thật đẹp trai. Tuy chị bảo con mình giống bố nhưng tôi lại nhận thấy nó giống mẹ như lột. Có một lần tôi ghé thăm nhà chị, gặp lúc cả hai mẹ con đều ở nhà, thằng nhóc ngồi ngay trên bậc cầu thang dẫn lên lầu, tôi và chị ngồi cạnh bàn khách. Bất ngờ chị đưa tay chỉ về phía nó:
- Em coi phim nó đóng chưa? Mèng ơi..! Phim đóng kiểu gì mà khi chiếu lên chỉ có vài người tới rạp coi à.
Thằng nhóc nghe mẹ nói vậy thì mặt đỏ tía tai, chống chế:
- Má nói quá đáng! Gì mà có mấy người đi coi?
Tôi nghe hai mẹ con đối đáp, cứ nhe răng ra cười ngặt nghẽo, mãi mới thốt lên lời:
- Bà vừa phải thôi! Người gì đâu mà cứ thích nói xấu con. Kỳ cục!
- Chị nói thiệt chớ chị nói xấu nó hồi nào.
- Ôi cô Hân đừng thèm nghe lời má con. Con tính đi hát nè…
- Làm ca sĩ hả? Được đấy! Coi bộ đi hát kiếm tiền bộn à nghen, chớ đóng phim ở Việt Nam này chắc nghèo mạt luôn.
- Cô thấy con làm ca sĩ được không?
- Giọng hát của con cũng được. Mà thôi, cần gì hát hay. Ở Việt Nam này đẹp trai như con khỏi cần hát hay cũng nổi tiếng. Mấy đứa nhí nhí khoái đẹp trai lắm. Tin cô đi…!
- Vậy con đi làm ca sĩ cô hén.
Chỉ vài tháng sau tôi nhận được tin con trai chị chính thức trở thành ca sĩ. Đã thấy xuất hiện trên ti vi và chương trình ca nhạc ngoài tụ điểm. Tôi mừng cho chị.
Càng về cuối mấy ca sĩ tên tuổi mới bắt đầu xuất hiện. Mỹ Linh với giọng hát mượt mà điêu luyện. Trong số ca sĩ ở Việt Nam tôi chỉ chấm có mình cô này. Hôm nay trông cô mập ú, tròn núng nính trong chiếc áo dạ hội dài thượt. Mỹ Linh không đẹp lắm nhưng cũng sáng sân khấu ra trò. Chỉ tiếc là sau này cô toàn hát nhạc do chồng sác tác, làm lu mờ cả tên tuổi của mình.
Người tôi muốn nói đến nữa là nữ ca sĩ Mỹ Tâm. Ngôi sao sáng giá nhất hiện nay. Mỹ Tâm mặc đầm mầu nhạt, không dài và cũng chẳng ngắn. Mái tóc uốn dợn xõa xuống ngang lưng, trông cô hình như càng ngày càng đẹp ra, nghe đồn cô qua tuốt bên xứ Hàn sửa sắc đẹp. Nhưng mà sửa như cô thì cũng nên sửa. Tôi có đứa bạn trông khá xinh xắn không đến nỗi tệ, đi coi bói được bà thầy bói chê bai làm sao đó mà về nhà quyết định tới bác sĩ nâng sống mũi cho cao lên. Sửa xong rồi cô vẫn thấy chưa mãn nguyện. Hai năm sau bạn tôi tới bác sĩ khác chịu đau đớn để tháo sống mũi cũ ra, lắp cái mới vào cho cao hơn một tí. Và lần này lại được nghe lời dụ dỗ ngon ngọt của vị bác sĩ "tài ba" kia, cô đồng ý cho ông cắt mí mắt để hợp với cái sống mũi vừa mới sửa lại. Và rồi "trâu lành thành trâu què", mắt bạn tôi cứ trợn ngược lên nhìn phát khiếp. Sửa sắc đẹp theo kiểu này thành ra tiền mất tật mang. Hối hận suốt đời. Mỹ Tâm kết thúc bài hát, tiếng vỗ tay vang lên như sấm gầm. Cô MC bước vội ra sân khấu phỏng vấn đôi điều. Đằng sau lưng tôi nghe tiếng bàn tán vọng đến: "Hát thì hay vậy mà mở miệng nghe giọng "Nẫu" chán quá!". Lập tức một đám đông nhao nhao lên: "Cấm chê à nghen. Chê là wính chết mẹ à!". Tôi quay ngay về hướng đó và cười típ cả mắt. Chắc cái đám phản đối kia là fan của Mỹ tâm nên bênh cô nàng tối đa. Tôi cứ ngóng cổ ra hướng đó xem có chuyện gì xảy ra không, nhưng không thấy có cuộc xung đột nào cả.
Tôi nhớ lại hồi xưa có anh bạn xi mê nữ ca sĩ Phương Thảo. Cuối tuần nào anh chàng cũng tới phòng trà nơi Phương Thảo hát để ngắm nhìn nàng cho thỏa thích, khen cô ta hết lời nào là đẹp, nào là hát hay là… Một lần đi ăn tiệc, cũng ngà ngà xỉn, anh chàng đòi chở tôi về nhà giùm, đường thẳng không chạy mà leo ngay lên lề đường tông vào côt điện làm tôi té văng ra một đoạn, chân tay trầy xước tùm lum. Tôi lồm cồm bò dậy lết đến bên anh ta đang nằm bất động, tôi hết hồn khi thấy mặt anh xám ngoét, máu me toé loe ướt đẫm cả một bên đầu. Tôi hét lên kêu cứu um xùm. Anh được đưa ngay vào bệnh viện Sài Gòn gần đó. Các bác sĩ rửa vết thương và may mấy mũi trên chân mày bên trái, cho nhập viện. Ngày hôm sau tôi vào đó thăm anh, tôi hỏi:"Đường rộng thênh thang sao không đi mà lao lên lề ôm cột điện vậy cha nội? " Anh gượng cười trả lời:" Tại anh thấy Phương Thảo đứng chỗ đó ngoắc anh vô". "Chết tới đít rồi mà cũng còn em Phương Thảo. Lần sau nhớ dừng trước cho tôi xuống nghen". Chẳng biết bây giờ anh bạn có còn là fan của Phương Thảo không nữa?
Tôi quay đầu trở lại nhìn lên sân khấu, nơi Phương Thanh đang hát một ca khúc gì đó tôi quên tựa, cô để cái microphone cách xa miệng cả thước, ngửa cổ, nhắm mắt cố gióng họng để vượt lên câu hát quá cao, nhưng bất lực vì tiếng hát của cô đã bị bể. Cả rạp hát ồ lên. Mấy cô bé ngồi phía bên cạnh tôi la hét: "Hát dở quá, xuống mẹ đi!". Tôi thì lắc nhẹ đầu nói với chị bạn:
- Phương Thanh đã bị bể giọng, sao không giải nghệ cho rồi hén.
- Phương Thanh nó giải nghệ rồi mà em, bây giờ nó ở nhà may đồ, lâu lâu mới đi hát mà em.
Tôi đã quá mệt mỏi, muốn về lắm rồi mà cứ ngại chị bạn buồn. Mọi ngày cứ chín giờ tối là chị kêu buồn ngủ díp mắt, vậy mà hôm nay bà sung ghê, gần mười một giờ mà vẫn còn tỉnh như sáo sậu. Tôi chẳng hứng thú gì với chương trình ca nhạc này. Đạo diễn cũng dở mà ca sĩ chọn bài hát cũng dở. Nghe trong CD tút (touch) đi tút lại chỉnh sửa này nọ còn khá, nghe hát trực tiếp trên sân khấu thế này chán phèo, để tôi liếc mắt qua mấy cái nhẫn hột xoàn của bà khách bên cạnh còn hấp dẫn hơn nhiều.
Đến phần trình diễn của Đàm Vĩnh Hưng, mấy cô bé người nhà ngồi bên cạnh tôi hú lên như lũ điên, rồi lôi ra một cái khẩu hiệu ghi chữ sẵn Đàm Vĩnh Hưng to tổ bố, hai đứa trong đám cầm lấy hai đầu giơ cao lên. Trông thật chướng mắt. Tôi ngồi vặn vẹo trên ghế, hình như chị bạn biết tôi mệt nên quay sang hỏi nhỏ:
- Em mệt hả? Hay mình đi về đi.
Nghe được câu nói đó, tôi mừng còn hơn buồn ngủ vớ được chiếu manh vội vàng kéo chị đứng dậy đi về. Ra tới bên ngoài tôi bảo với chị:
- Ca nhạc hôm nay dở quá. Đi xem tốn cả tiền vé.
- Mình ngồi vé mời mà, có tốn tiền mua đâu em.
- Ờ há. Nhưng mà tốn thời gian.
Tôi ghé tai chị nói nhỏ:
- Biết vậy hồi nãy bán vé cho chợ đen lấy tiền đi ăn còn sướng hơn.
- Trời đất ơi! Ca sĩ mà gặp khán giả nào cũng như em, chắc tụi nó đói nhăn răng há miệng hết mất.
Nghe chị nói câu đó làm tôi phì cười nhớ lại thằng nhóc lái taxi trở tôi đi ngang qua Bách Tùng Diệp cách đây vài bữa, thấy dân tình đứng tràn cả ra đường xem ké nhạc sống bên trong công viên làm nghẹt lối đi, thằng nhóc bực bội chửi thề rồi bảo với tôi cả đời nó chưa bao giờ đi xem ca nhạc, xem chi cho tốn tiền, mất thời gian, và cũng lập lại câu nói y chang chị bạn nói với tôi hồi nãy "Khán giả nào mà cũng như em bọn ca sĩ hết "cửa" chị ạ!". Khi xe chạy tới InterShop cũ anh chàng "nổ" với tôi: "Hồi khu này cháy chị biết không? Chết cả ngàn người đấy!" Tôi vừa cười vừa trả lời: "Cậu nói chi mà quá đáng, cả cái shop đó chứa giỏi lắm khoảng 600 người, chết hơn 200 là hết cỡ, ở đâu ra mà chết cả ngàn hả ông cố? Bữa cháy tôi cũng đang ở đây chứ đâu" Nghe tôi nói vậy anh chàng cười hí hí không trả lời.
Tôi bảo chị bạn đứng chờ tôi ngoài cổng để tôi vô lấy xe. Cả một dãy xe dài dằng dặc tôi nhìn chóng cả mặt không nhớ hồi nãy dắt vào đâu, cầm tấm vé trên tay ngó tới ngó lui tìm chiếc xe vốn không phải của mình, thỉnh thoảng tôi lại liếc qua tấm vé nhìn số xe cho chính xác kẻo lấy lộn. Ấy vậy mà cũng phải tốn hơn hai chục phút mới tìm ra nó. Trình vé cho người giữ cổng xem xét xong, tôi nổ máy phóng ra hướng chị bạn đang đứng chờ. Tới nơi tôi dừng lại với cái túi bằng bao nylon chị bạn đang xách trên tay máng vào bên sườn xe cho chắc. Tôi bảo với chị:
- Đi ra đường chị đừng mang theo giỏ xách làm gì coi chừng bị giật té oan mạng đó nghen. Chị nhớ Lan không? Bữa nó bị giật giỏ té bầm dập hết cả mặt mũi tay chân, trong giỏ không có tiền, chỉ có cái điện thoại và hai tấm thẻ cào mới mua trị giá 600 ngàn đồng. Tiếc của cô nàng gọi điện thoại cho tụi cướp đó xin chuộc lại, chị biết không bị tụi nó chửi cho một tăng "Trông mặt đẹp thế mà trong túi không có một xu teng!" còn bắt chuộc hai triệu đồng. Lan tức quá chửi cho một chặp rồi bỏ luôn.
- Ủa sao Lan nó không báo cho công an biết.
- Ôi ba cái chuyện vặt này công an hơi sức đâu tụi nó làm. Muốn báo công an thì phải vụ án lớn kìa, công an mới có ăn chớ.
Chị bạn leo lên ngồi phía sau tôi, tôi rồ ga cho xe chạy quẹo vào đường Cao Thắng. Từ đằng sau chị giật giật áo tôi bảo đi chậm lại rẽ vào quán trước mặt ăn tối. Mặc dù tôi không đói nhưng cũng làm theo lời chị bảo.
Vừa dừng lại trước cửa thì có một người đàn ông chạy ra dắt xe lên lề cho tôi. Cả hai chúng tôi bước vào bên trong tìm chỗ ngồi, chị bạn cầm thực đơn lên chọn món ăn, tôi vẫy tay ngoắc cô bồi kêu ly nước uống, tôi không ăn tối. Từ khi qua Nhật sống, tôi bị chồng cấm tiệt không cho ăn bất cứ thứ gì vào buổi tối trước khi đi ngủ, anh còn dí ngón tay vào trán tôi bảo ăn tối là một thói xấu nên bỏ đi, vừa đau bao tử vừa làm bụng bự, em mà mập như heo là tôi ly dị em đấy! Nghe lời hù dọa đó tôi sợ hết hồn răm rắp tuân theo lệnh chàng. Lúc đầu không được ăn tối, bụng đói cồn cào thật là khó ngủ, nhưng chỉ vài ngày sau thì quen dần và đến nay không bao giờ ăn tối nữa.
Trong lúc chờ đợi thức ăn mang ra, tôi lại lôi chuyện hát hò ra bàn loạn với chị, tôi bảo:
- Thằng con chị có giọng hát khá lắm đấy, nhưng mà em chưa thấy nó chọn được một bài nên hồn. Muốn nổi tiếng phải tìm được một bài hát thật hay, được công chúng yêu chuộng thì mới thành công.
- Chị cũng chẳng biết nữa, tự nó lo cho sự nghiệp của nó, chị biết gì đâu mà xía vào.
Cô bồi bưng ra tô hủ tiếu mì đặt trên bàn tỏa mùi thơm nức, tôi hối chị ăn cho nóng, còn mình thì ngó ra đường nhìn xe cộ chạy ngược xuôi. Trời đã về khuya, thời tiết bớt oi nồng, khách hàng vẫn kéo tới nườm nượp, chủ yếu là các cặp trai gái còn trẻ tuổi. Bàn bên cạnh tôi một cặp vợ chồng vừa bước vào, cô vợ ẵm theo một con chó kiểng lông xù xinh đẹp, nhìn thấy tôi nó nhe cái răng khểnh ra gầm gừ, tôi cũng nhăn mặt, trợ mắt, dậm chân xì…nó một cái, thế là anh chàng sủa ong ỏng lên làm tôi bật cười. Cô chủ vuốt ve con chó:
- Sao vậy con? Đừng có làm ồn để má kêu đồ ăn!
Và rồi cô ta đặt con chó ngồi sang một cái ghế khác, con chó nhổm dậy rũ mạnh thân mình. Tôi kéo ghế ngồi dạt lại phía bên kia ghé vào tai chị bạn nói nhỏ:
- Chị ăn lẹ lên mình đi về, kẻo lông chó bay đầy tô chị bây giờ.
Ngày xưa lúc tôi còn ở nhà mướn, ông chủ nhà nuôi cả một bầy chó kinh doanh, con nào con nấy nhìn thật đã con mắt. Thế nhưng mỗi lần bước vào nhà là mùi hôi tanh tưởi của chó sộc vào mũi, nhất là chó đẻ con, rồi lông chó bay tá lả mọi nơi, rờ chỗ nào cũng thấy, thậm chí bay cả vào trong chén cơm mình đang ăn. Tôi bực bội lắm nhưng không nói được vì lỡ đặt cọc cho ông một số tiền lớn, đòi lại thì ông bảo chờ có người mới đến mướn ứng tiền ông sẽ trả. Chờ mãi cũng chẳng ma nào tới mướn nhà ông nên tôi cứ đành phải ở cố. Thời gian đó mẹ con tôi luôn bị bệnh nhức đầu sổ mũi hành hạ, đi bác sĩ nào khám cùng bảo là bị viêm xoang, cho thuốc uống, nhưng cứ hết thuốc là y rằng bệnh tái phát. Sau này các bác sĩ Nhật xét nghiệm máu và chụp CT Scan mới kết luận rằng tôi không bị viêm xoang, chỉ bị dị ứng lông chó, mèo, phấn hoa…và các mùi lạ. Từ đó cứ thấy chó hoặc mèo là tôi lảng tránh vội.
Tính tiền xong xuôi, tụi tôi bước ra ngoài lấy xe để về nhà. Ngồi sau lưng tôi, chị bạn lên tiếng:
- Em sống ở nước ngoài lâu vậy rồi mà chạy xe còn xịn quá hén? Không run tay lái sao?
- Có gì đâu mà run, mình chạy quen bao nhiêu năm rồi.
Tôi tự mỉn cười nhớ lại chuyện cũ, cách đây cũng mười mấy năm rồi hồi tôi đi thi lấy bằng lái xe gắn máy. Vì phải đi làm tối ngày nên mọi việc lo thủ tục giấy tờ đều do anh Ba tôi đảm nhận, kể cả ngày đi học luật giao thông cũng anh Ba đi thế luôn. Sáng ngày đi thi tôi dậy sớm hơn để mang bài ra học thuộc, tám giờ sáng phải có mặt tập chung ở trường để thi lý thuyết, xong rồi phải thi thêm phần thực hành chạy vòng số ba, vòng số tám mà không được đạp thắng. Sắp đến lượt mình, tôi thấy hồi hộp, trống ngực đập thình thình, ghé tai nói nhỏ với anh tôi:
- Sao em run quá!
- Gớm..! Tao thấy mày ra đường chạy cứ như "ngựa" mà run cái gì không biết! Lúc loa phóng thanh gọi đến tên tôi, tôi nổ máy vào số rú ga cho xe chạy từ từ rồi tăng tốc lả lướt mấy đường ở vòng số ba và vòng số tám. Cuộc thi chấm dứt, tôi đỗ với điểm số cao, còn bà chị dâu phải đóng tiền thi lại mấy lần mới đậu. Thời đó tôi chạy xe rất "gấu", lạng lách chẳng thua kém đấng mày râu, đã nhiều lần tôi bị cạnh sát giao thông thổi phạt vì cái tội chạy ẩu, đàn bà con gái mà bày đặt lạng lách. Rồi một lần về quê có công việc, tôi làm biếng đi xe đò nên rủ chị Vân Giang chạy xe honda về chung cho đỡ buồn. Lần đó khi trở lại Sài Gòn tụi tôi đã chứng kiến một tai nạn giao thông khủng khiếp mà nạn nhân là cô gái đứng trước mặt tụi tôi trên cùng chuyến phà ở bắc Rạch Miễu. Khi phà cặp bến, chị Vân Giang chở tôi tà tà theo quốc lộ 1 hướng về thành phố. Chạy được một đoạn ngắn tụi tôi thấy một đám đông bu lại phía trước, tôi và chị Vân Giang cùng ghé lại coi và hoảng hồn thấy cô gái đó bị xe cán bay mất cái đầu, bên cạnh đó chừng nửa thước, bộ óc văng ra nằm lù lù một đống, tanh ngòm, máu me be bét, chiếc xe gắn máy bẹp dúm bên cạnh. Cô gái đi cùng mặt tái xanh tái xám, đứng run lẩy bẩy không nói lên lời. Tôi và chị Vân Giang cũng không dám dừng lại ngó lâu, chạy từ từ, nép bên lề đường về thành phố. Chị Vân Giang bảo với tôi rằng từ lúc thấy tai nạn, chị chạy cũng nhát tay lái hẳn luôn. Vụ tai nạn này ám ảnh tôi cả tuần trời không ăn được cơm, nhất là bộ óc, cứ nhắm mắt là hình ảnh đó hiện lên trước mặt. Gớm quá…! Óc người sao lại nhiều thế, văng ra một đống to, nhìn thật rùng rợn. Cả tháng trời tôi không dám chạy xe, và từ đó về sau không bao giờ chạy nhanh nữa.