- Con về nhà xem thế nào, vợ thằng Kiên sắp đến ngày chuyển dạ, cần gì thì giúp nó.
Mẹ tôi thì thào những lời yếu ớt, cái dáng gầy gần như dán chặt xuống giường cố nhỏm dậy để nói. Tôi vội giữ lấy cái tay đang cắm kim truyền, lọ đàm được treo lên từ sáng mới vơi đi gần một nửa. Mẹ định nói nữa tôi đã vội gật đầu như đã hiểu. Mẹ nằm im. Tôi nhờ cô bạn là y sĩ trông mẹ hộ rồi vội vã về nhà. Tôi biết tính mẹ hay lo, mẹ coi vợ chồng thằng Kiên là những đứa trẻ, mẹ chăm chút từng ly từng tí một cho chúng, nhiều lúc tôi phải nhắc mẹ rằng chúng nó đã lớn nhưng mẹ gạt đi bảo vẫn chưa biết gì. Công bằng mà nói chúng vẫn chưa thành người lớn, vẫn là trẻ con từ tuổi đời đến trường đời.
Kiên là em trai tôi, năm nay nó mười bảy tuổi. Đang học lớp mười một thì nó bỏ học về nhà lấy vợ. Vợ nó mười sáu tuổi, học lớp mười. Mọi người khuyên bảo nó không thèm nghe. Tôi nói phải học tiếp để sau này làm cán bộ thì nó nổi khùng: "Nhà mình chỉ cần anh làm cán bộ là đủ, tôi không cần, tôi cần lấy vợ." Nó vẫn đi học và chuyện lấy vợ của nó cứ tưởng là nó chỉ nói chơi, ai ngờ thời gian sau nó đem về nhà một cô bé với cái bụng lùm lùm. Mẹ tôi đành chạy ngược chạy xuôi sắm cái lễ mang sang bên nhà gái và nhận cô bé về ở nhà mình. Thế là nó có vợ, chẳng cần cưới xin đình đám gì. Mẹ tôi có con dâu, nhà tôi có thêm người ở trong hoàn cảnh không còn cách nào khác. Ấy thế mà có người còn khen: "Lấy vợ như thằng Kiên là khôn, chẳng tốn kém gì vẫn có vợ đàng hoàng." Nó được nêu lên như là điển hình để cho những cậu con nhà nghèo không có tiền tổ chức đám cưới học tập. Và tôi, đương nhiên trở thành phe đối lập với nó, thành phần tử bị mọi người chê bai. Gần ba mươi tuổi chưa lấy vợ là một điều khó có thể chấp nhận được.Và mọi người cứ tự cho họ cái quyền lên lớp dạy tôi là phải thế này, phải thế kia... nói thánh tướng gì rồi cuối cùng vẫn chốt lại một câu: "Phải lấy vợ ngay đi không thành kẻ hâm đấy!" Và họ coi chuyện lấy vợ của tôi là chuyện phải lo ngay trước mắt, phải nhanh hơn cả nhà cháy nước lụt. Họ còn nói: "Về nhà mà bảo thằng Kiên nó dạy cho cái khoản tán gái ấy, nếu không đến già vẫn không lấy nổi vợ đâu em ạ!..." Tôi thấy tức giận đầy lên cổ, kẻ làm trái pháp luật trở thành người hùng, còn con người tiên tiến lại bị chê là lạc hậu. Rất may tôi đi làm và ở lại cơ quan chỉ thảnh thoảng mới về chứ nếu không khó mà sống nổi trước những "lời vàng ý ngọc ấy".
Con đường vào nhà xưa kia lầy lội giờ đã được bê tông hoá sạch sẽ và đẹp. Không hiểu sao về gần đến nhà tôi bỗng thấy ngại đặt chân lên con đường sạch đẹp ấy, tôi thấy ngại gặp người quen bởi thấy mặt tôi lần nào là họ hỏi thăm về chuyện vợ con ngày ấy và rồi họ ca luôn một bài ca mà lần về trước tôi vừa được nghe chính từ miệng họ. Nhưng lời mẹ buộc tôi phải về nhà chứ không thể làm khác được.
Vừa về đến ngõ, tiếng lợn rít, tiếng gà đá nhau inh ỏi trong chuồng, còn chủ nhà vẫn chưa thèm ngủ dậy. Tôi nhìn đồng hồ, mười giờ kém năm phút. Tôi bước vào trong nhà thấy các thứ bày la liệt tung toé khắp nơi. Mẹ mới ốm có vài ngày đã thế này, rủi thay nếu mẹ có mệnh hệ gì thì tôi không tưởng tượng nổi có còn gọi đây là nhà nữa không.
Vợ chồng thằng Kiên vội vàng vùng dậy khi thấy tôi vào nhà len lét nhìn. Con vợ nhanh nhảu:
- Em bảo anh ấy dậy cho lợn ăn và thả gà ra nhưng cứ nằm lì, em phải gọi mãi...
Thằng chồng vội phân bua:
- Hôm qua nó không ngủ được, không cho em ngủ, sáng ra mới chợp mắt được một tí...
Hai đứa kể tội nhau với tôi như trẻ con mách mẹ. Tôi thấy tức chứ không buồn cười. Vậy mà có lúc tôi nghĩ: "Mẹ đã già thường hay đau yếu, thằng Kiên lấy vợ cũng tốt, có người chăm sóc mẹ." Nhưng giờ đây tôi nhận ra rằng: "Mẹ sẽ còn khổ nhiều với vợ chồng trẻ con này!"