* Chuyện cha mẹ ép gả con cái khi chưa đến tuổi tưởng đã thành xưa cũ, vậy mà nay vẫn xảy ra với một cô bé vừa mới bước sang tuổi mười bốn, chăm ngoan, nhiều năm liền là học sinh tiên tiến xuất sắc...
Năm 1997, em Nguyễn Thị H, lúc ấy mới tám tuổi, chia tay với bản làng để ra học tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện. Khi đi học em không biết rằng bố mẹ em đã hứa gả em cho Hà Văn L lớn hơn em một tuổi ở cùng xóm. Vốn chăm chỉ học hành, mặc dù kiến thức ban đầu của em hơi yếu, em đã cố gắng học tập và cuối năm học em đã đạt được học sinh tiên tiến.
Năm 2000, em đang học lớp năm, gia đình Hà Văn L đem lễ vật gồm thịt lợn, gạo, rượu và một số đồ dùng khác trị giá khoảng ba triệu đồng đến gia đình em xin cưới. Mẹ em tìm ra tận trường học bảo em về. Em kiên quyết không về. Sau hai ngày thuyết phục con gái không thành, mẹ em đành trở lại nhà. Đến lúc này H mới biết em đã được hứa gả cho L từ năm 1997. Vậy mà em đã nghĩ khác, em cứ tưởng kết quả tốt trong học tập là niềm mong ước của bố mẹ. Năm ngoái em vừa được nhận học bổng Vừ A Dính do Báo thiếu niên tiền phong trao tặng. Mẹ em về, em lại lao vào học và gần như đã quên chuyện cha mẹ bắt đi lấy chồng.
Ngày 26 tháng 1 năm 2003, bố đẻ em là Nguyễn Văn N và bố đẻ Hà Văn L là Hà Văn T đến trường bảo em về nhà để tổ chức đám cưới, hai gia đình đã chọn được ngày tốt. Một lần nữa em lại phải đứng giữa hai con đường. Nếu em đồng ý đi lấy chồng thì chẳng khác gì mấy chị ở quê, đời khổ lắm, tất bật suốt ngày mà vẫn nghèo. Như mẹ em mới bốn mươi tuổi mà đã già như người nơi khác vào tuổi sáu mươi. Còn đi học, mấy năm vừa rồi em đều đạt học sinh tiên tiến xuất sắc. Em mơ ước sau này được làm cô giáo để dạy chữ cho trẻ em trong bản em. Em cũng muốn làm bác sĩ để chữa bệnh đau ngực cho mẹ em và chữa bệnh cho mọt người trong bản. Em đã nghĩ thực hiện được mơ ước mới khó, chứ lấy chồng thì chẳng khó gì. Sau nhiều đêm đắn đo suy nghĩ em đã viết đơn đề nghị Ban giám hiệu nhà trường, Uỷ ban dân số gia đình và trẻ em huyện can thiệp để em được tiếp tục đi học.
Cuối tháng 2 năm 2003, bố em viết thư ra sau khi đồng ý với ông Chủ nhiệm Uỷ ban dân số gia đình và trẻ em huyện là không bắt em về lấy chồng nữa, trong thư bố em viết là nếu không về thì phải trả cho gia đình Hà Văn L số tiền sính lễ là sáu triệu đồng và em phải trả số tiền đó. Em đang đi học thì làm gì có tiền, bố em muốn ép em về nhà. Em không đồng ý và cũng không có ý kiến gì. Sau đó em gái em viết thư ra khi không thấy em về và hạ số tiền em phải trả xuống ba triệu đồng...
Khi tôi về, cô bé níu lại:
- Cháu chỉ còn biết nhờ chú nói với bố mẹ cháu cho cháu được đi học tiếp, cháu mơ ước sau này được làm cô giáo. Chú hãy giúp cháu nhé!
Mặc dù chưa biết sẽ phải làm thế nào để bố mẹ cô bé thay đổi ý kiến nhưng khi nhìn giọt nước mắt lăn dài trên gò má non tơ ngây thơ tôi đã không nỡ chối từ.
Tranh thủ ngày nghỉ tôi tìm vào gia đình em ở Bản Rắn, con đường gập ghềnh khúc khuỷu, chưa đầy bốn mười cây số mà đi xe mất hơn ba tiếng đồng hồ. Tôi đem các loại luật của Nhà nước cho người đàn ông ấy xem, xen lẫn giữa thuyết phục và các biện pháp cưỡng chế nhà nước. Rất may là sau đó bố em cũng đồng ý và cam kết với tôi là cho em đi học không bắt về lấy chồng nữa.
H vẫn được đi học, em vẫn học giỏi, mơ ước của em vẫn ở phía trước.
Hơn một năm sau nhân chuyến đi công tác tôi ghé thăm gia đình em. Bố em lấy rượu mời tôi, anh ta vừa cười vừa nói: