- Cháu chào chú ạ.
Lời chào bất ngờ làm tôi giật mình. Còn trố mắt ra nhìn khi thấy đứa cháu ăn mặc đỏm dáng, tai lủng lẳng hai cái khuyên vàng. Nhà nó vốn nghèo lắm kia mà, những thứ kia lấy ở đâu ra cho nó chưng diện. Bỗng đứa chau nhìn tôi phá lên cười.
- Cháu xinh gái quá hay sao mà chú nhìn kỹ như thế!
Tôi đánh rơi quyển sách xuống nền nhà. Đứa cháu gái nhìn tôi nắc nẻ cười. Tôi chưa biết nói gì thì nó đã bô bô:
- Bố cháu vừa mua nhà, mời chú chiều nay sang cúng thổ công và uống rượu mừng vui với gia đình cháu.
Tôi chưa kịp nói gì thì nó đã chào ra về.
Cũng đã lâu anh em chú cháu tôi chưa gặp nhau, anh bận mải mốt kiếm tiền, còn tôi cũng bận viết lách linh tinh.
Nhìn căn nhà mới của anh chị mới mua trị giá gần bằng mười năm lương công chức của tôi mới thấy anh chị thật tháo vát, giỏi giang. Mới ngày nào với hai bàn tay trắng anh chị dắt díu nhau lên vùng núi non biên giới này làm ăn, nghèo đói rách rưới, khốn khó khổ cực, đã có lần tôi phải thốt lên: "Không biết dưới gầm trời này có còn ai khổ hơn không?!". Vậy mà bây giờ anh chị đã có nhà, có xe máy đi lại, không chỉ tôi mà nhiều người phải thừa nhận anh chị quá giỏi giang. Từ ngày chị sinh được thằng cu, thoả ước nguyện anh như khoẻ ra, không ngại vất vả khó khăn chăm chỉ buôn bán chắt chiu từng đồng bạc lẻ. Chị quán xuyến việc nhà và dạy lũ con gái nghệ thuật bán hàng (trước kia đã một thời chị làm mậu dịch viên). Lũ con gái đứa nào cũng xinh xắn khéo ăn nói nên hàng chị luôn đắt khách mặc dù giá bán có phần cao hơn người khác. Chi tiêu trong nhà hết sức dè sẻn không hề thừa thãi phung phí. Mỗi người cố gắng một tí, ki cóp một tẹo anh chị đã có được vốn liếng làm ăn kha khá. Những đứa trẻ, đứa nào cũng ngoan ngoãn, gọn gàng sạch sẽ. Trong mâm cơm tôi hỏi chị:
- Cai quản sáu con vịt trời và một ông tướng cướp có khó không, chị?
Chị cười, nét cười đã tươi không nhăm nhúm méo mó như ngày anh chị mới lên đây.
- Bình thường, đứa nào việc nấy tuỳ theo sức lực và khả năng.
Quay sang anh, tôi hỏi:
- Anh có cho đứa nào đi học không?
- Có. Ba đứa nhỏ. Ba đứa lớn phải ở nhà hộ mẹ bán hàng.
- Thế còn thằng út?
- Nó chưa đến tuổi mà. Riêng thằng này dù có phải bán cả gia sản tôi cũng phải lo cho nó học đến nơi đến chốn. Lũ con gái chỉ cần chúng biết chữ, biết tính toán là được.
- Sao anh lại phân biệt đối xử như vậy?
- Con gái là con người ta, lớn lên nó đi lấy chồng phục vụ nhà chồng chứ mình chờ đợi mong ngóng gì.
Xem ra tư tưởng trọng nam khinh nữ trong anh chị vẫn còn nặng lắm, tôi ngồi im, cái ăn trong miệng nhạt hẳn đi, rượu uống vào cứ thấy đầy lên cổ. Đứa lớn của anh chị vừa buông bát đũa đã xin phép bố mẹ và tôi cho đi chơi. Anh chị đồng ý. Nhìn nó ăn diện đỏm dáng, tôi hỏi chị:
- Đầu tư cho con gái nhiều thế chị không sợ thiệt à?
- Ối dào, - chị chép miệng. - Thiệt thòi một chút cũng phải chấp nhận chứ biết làm thế nào được. Chỉ mong sao có đám rước mà gả quách đi cho nhẹ nợ chứ không vài năm nữa ế chỏng ế chơ ra đấy thì khổ cả nó lẫn mình.
- Năm nay chúng nó bao nhiêu tuổi mà chị đã lo ế chồng?
- Con chị mười bảy, con em mười lăm. Mười chín hai mươi tuổi mà chưa lấy được chồng là coi như ế chứ còn gì nữa. Con gái nó có thì, sau này già, xấu xí có ma nó dòm à!...
Chị nói nghe mà xa xót. Chuyện lo con ế chồng ở tuổi hoa niên tưởng đã đi vào cổ tích, bao chuyện đau lòng, bao nỗi bất hạnh xảy ra chỉ vì cưới nhanh cưới tảo hôn không chỉ là chuyện nói rồi cất đi mà nó đã hiện hữu rất nhiều trong cuộc đời này. Mong sao các cháu tôi đừg đứa nào rơi vào "vũng lầy số phận" ấy!