Cũng từ khi có chị Liễu, mấy gian bếp nhà chúng tôi mới đỡ hiu quạnh. Nghề hàng xáo phát triển. Lái gạo trên tỉnh đổ về các chợ quê đong ầm ầm.
Bên nhà bác Hai Thực cũng xoay ra làm hàng xáo. Anh Cu Nhớn, anh Cu Bé suốt ngày xay thóc. Tối đến, cái cối giã ở nhà tôi làm việc không nghỉ. Không phải tại cối nhà tôi tốt hơn, nhưng vì cô Gái không thích chị Liễu và tôi qua nhà bác Hai Thực giã gạo, nên các anh chị bên bác Hai phải sang bên tôi. Giã gạo mà vui thì cối gạo trắng hơn, giã cũng nhẹ nhàng hơn. Bên cối gạo, chuyện nở như pháo ran. Anh Cu Nhớn và chị Phương thuộc rất nhiều câu đố theo vần lục bát. Chị Liễu cũng thỉnh thoảng ra được một câu. Những câu đố thường nhiều người đã biết, nhưng với một đứa trẻ ở tỉnh về như tôi thì vẫn khó giải. Chẳng hạn:
Một mẹ đẻ chín nghìn con
Đến mai chết hết chẳng còn một ai
Còn một ông lão chín hai
Nhăn nhăn nhó nhó chẳng ai muốn nhìn
Tôi, tất nhiên, không giải được và lấy làm thú vị khi hiểu ra rằng đó là trăng, sao và mặt trời.
Chẳng bù với trước đây khi tôi phải giã gạo với cô Gái. Hai cô cháu giã rất chậm. Một cối gạo giã hết cả buổi tối tới khuya mới xong. Những hôm cô Gái bận khách thì còn chậm hơn nữa. Giã một mình thì tôi cứ phải đi từ từ tới đuôi chày, cố dùng sức nặng của tấm thân bé bỏng dấn đuôi chày xuống, cái đầu chày mới chịu run rẩy ngỏng lên rồi rơi xuống với một tiếng thịch nặng nề. Bây giờ cái chày kêu vui vẻ "lịch kịch - xình!" dưới năm cái chân nhịp nhàng của chị em tôi. Đôi khi, cô Gái nghe tiếng chày nhảy lên quá mạnh, có thể bung khỏi hõng, quát xuống:
- Lũ quỷ, nhẹ chân chứ!
Chúng tôi bấm nhau cười, dận nhẹ hơn, nhưng chỉ được một lúc. Cái đà, cái nhịp lại lôi cuốn chúng tôi, cô Gái lại phải quát. Bà thích những cối gạo xong nhanh, nhưng lại lo lắng cho sức khỏe của cái cối. Nó cũng già lão lắm rồi. Mũi chày đã vẹt một bên phơi những vân gỗ bóng loáng, tai chày cũng mòn gần hết tòn ten trong hõng.
Khi sàng gạo thì bận mấy cô Gái cũng xuống với chúng tôi. Chúng tôi cần đến cái đèn, nếu cô ở trên nhà thì phải thắp thêm cái nữa dưới bếp và như thế thì tốn dầu. Cô Gái sàng gạo cùng chúng tôi. Nhưng chúng tôi không cho bà sàng lâu. Trong những buổi tối như thế chúng tôi đòi bà kể chuyện.
Cô Gái ngồi xếp chân bằng tròn trên giường giát, chúng tôi ngồi dưới sàng gạo và bà kể chuyện cái nát cho chúng tôi nghe. Cái nát, theo lối nói của người quê tôi, là ma.
Chuyện ma thì cô tôi không bao giờ cạn: nào ma trơi, ma bình vôi, ma gà, ma cà rồng, ma cụt đầu, ma đưa võng, quỷ nhập tràng, thần trùng, yêu tinh...
- Chúng mày muốn nghe chuyện cái nát thì phải bảo cô Nhung kể cho, mới hay. - bà từ chối, bắt chúng tôi phải nài nỉ - Cô Oanh cũng vậy, cô biết nhiều chuyện cái nát lắm.
- Cô Nhung kể chuyện chán chết, thôi, cô kể đi cô.
- Cô Oanh có mấy chuyện đâu, kể đi kể lại, chúng cháu thích nghe cô kể cơ.
Cô Gái đe:
- Đừng có nói thế, cô Oanh giận.
- Chúng cháu chả cần, cô Oanh không kể thì chúng cháu sang đây nghe cô kể.
Cô Gái hởi lòng hởi dạ. Bà ưa nịnh như trẻ con và buồn bực nếu thiếu những lời tâng bốc của lũ cháu. Bà mỉm cười sung sướng, những nếp nhăn dãn ra trên mặt. Hai đối thủ về tài kể chuyện của bà đã nằm sóng sượt dưới chân bà rồi, bà hài lòng, và bà bắt đầu kể.
Cô kể chuyện Hai Tuất nhá? - bà chớp chớp mắt, tìm câu mở đầu cho một trong những câu chuyện thú vị về cái nát ở trong làng - chúng mày biết chuyện Hai Tuất chưa nhẩy? Chưa hả? Vậy, Hai Tuất là người xóm Cố Hương, người ngụ cư chứ không phải người gốc vùng ta.
- Ông Hai Tuất quét chợ, phải không cô?
- Chính hắn ta đấy. Ngày trước, Hai Tuất có một cái lều vó trên đê Vàng. Cái lều vó ấy, hắn ta giữ có tới chục năm, vậy mà hắn ta bỏ. Tại sao hắn ta bỏ, thì chúng mày nghe cô dẫn tích đây. Muốn nghe không?
- Thưa cô, có ạ. - chúng tôi nhao nhao.
Cô Gái không kể vội. Cô đưa cho tôi cái cối răng voi và cơi trầu bảo tôi giã cho bà một cối. Có miếng trầu rồi bà mới nhẩn nha dẫn tích:
- Hắn ta bỏ cái lều vó là tại ma trơi. Ma trơi là thứ ma hiền nhất hạng trong các thứ ma. Nó không hay nát người, không thích làm người ta hãi, mà lại còn hay giúp người nữa. Nhưng thiên hạ vẫn sợ - ma gì cũng là ma, ma tốt mấy vẫn là ma. Hai Tuất thì không, hắn ta tợn nhất cái làng này. Hồi còn con trai, hắn ta còn nghịch đến nước thế vầy: ở cây gạo cuối làng có con ma cụt đầu, ai cũng hãi, hắn ta mới khoác tấm màn trắng đến vai, trông ban đêm đúng là cụt đầu đi đi lại lại dọa mọi người.
- Eo ơi, khiếp quá? - chị Phương kêu lên.
- Ông Lý Cựu một bận đi hội tổ tôm về gặp hắn ta, rông cả xuống ao nhà ông Trùm Tịnh, lội bì bõm dưới ấy, lưỡi líu cả lại mãi mới lần về tới làng được. Người ta biết được, mới vớt lên, đốt lửa, xoa dầu đến sáng ông ấy mới hoàn hồn. Rồi ốm liệt cả tháng. Sau, mới biết là Hai Tuất.
Chúng tôi cười bò ra, nhưng vẫn sởn da gà. Cô Gái tủm tỉm. Bà hài lòng nhìn thấy hiệu quả câu chuyện, đợi chúng tôi giục thêm mới thủng thẳng:
- Ông Lý Cựu sai tuần nọc Hai Tuất ra giữa đình quất cho năm chục roi. Ông Lý Đương cầm triện e hắn ta lại giở trò nát mình, cho thêm năm chục roi nữa để đe trước. Hai Tuất cạch từ đấy. Lại nói chuyện cái lều vó của hắn ta trên đê Vàng. ở đấy nhiều cái nát đến nỗi những lều vó khác chỉ cất ngày, đêm bỏ, người ta hãi. Nhưng Hai Tuất thì cất cả đêm, đã bảo hắn không biết sợ là gì mà. Lũ cái nát ở đấy thường kéo đi hàng đàn, vừa đi vừa hát véo von như thể thợ gặt hay thợ cấy, vậy mà hắn mặc. Chúng nhảy xuống ngòi quẫy thì thùm ở dưới ấy, hắn cũng kệ thây. Có lần cái nát hiện thành người chết trôi, cứ nằm dưới chân lều vó mà khóc ti tỉ nhưng Hai Tuất mặc, hắn ta cứ kéo vó như thường.
- Giê-su, người đâu mà tợn làm vậy - chị Phương lại kêu lên, làm dấu thánh.
- Con mà gặp cái nát vậy thì con chết ngất. - chị Liễu nói.
Hai Tuất hồi ấy không tin Chúa, bố mẹ hắn ta đi lương cả mãi mới đây hắn ta mới trở lại đạo. - cô Gái nói - Giờ giàu nhân đức tin lắm lắm.
- Chắc hẳn Chúa đã soi đường cho hắn?
- Dễ vậy. Lại nói chuyện cái nát hiện thành người chết trôi. Thấy hắn ta không sợ, nó mới đứng lên, đi trên mặt nước, thè cái lưỡi dài bằng đòn gánh mà đỏ lừ ra nát hắn ta. Hắn ta cầm cây sào đâm luôn. Thấy hắn ta tợn quá, cái nát cũng chán, nó bỏ. Chỉ có ma trơi là vẫn đến lều vó của Hai Tuất.
- Ma trơi đến làm gì, hả cô? - anh Cu Bé hỏi, câu hỏi cần thiết cho người kể chuyện.
- Vậy mới ra chuyện. Ma trơi đến là để giúp Hai Tuất mới lạ chứ. Chả là từ lâu rồi, Hai Tuất đánh bạn với giống ma này. Ma trơi giúp là giúp thế vầy: chúng nó cứ chập chờn suốt đêm trên mặt nước giữa bốn gọng vó, rủ cá vào cho Hai Tuất cất - cá ăn đêm chả thích ánh sáng mà. Vào hồi ấy, hắn đã nghe lời bề trên, đã học kinh để xưng tội chịu lễ. Biết chuyện hắn đánh bạn với ma, cha xứ, lúc ấy là cha Thịnh chứ không phải cha Trên bây giờ, mới gọi hắn ta vào tra hỏi. Hai Tuất có thấy ma trơi tới, nhưng chớ hề có nói chuyện với chúng. Cha làm phép trên đầu hắn ta rồi xua ve.
- Cha cũng hãi, cô nhẩy? - chị Phương thắc mắc.
- Cha thì việc gì mà hãi. Có lần cha Thịnh gặp cái nát hiện thành người đàn bà mặc quần áo trắng vừa đi vừa hát, giọng nó nghe lạnh thấu xương, nhưng cha có hãi đâu. Nó cứ lẽo đẽo theo cha, còn cha thì cầu nguyện "Nhân danh Cha và Con..." Nó khóc ti tỉ xin cha tha tội, xin cha cho tiền.
Cha mới quăng cho nó mấy xu, nó lúi húi nhặt, còn cha thì vén áo đi một mạch về nhà xứ.
- Mấy xu hả cô? - anh cu Bé hỏi.
- Biết là mấy xu? Cha kể vậy.
- Cô kể chuyện Hai Tuất đi kìa? - tôi giục, biết rằng nếu không hãm bà lại, bà sẽ rẽ sang chuyện con ma trẻ con ở cổng nhà chung, mà chuyện này bà kể nhiều lần rồi. - Một hôm Hai Tuất uống rượu say. Được ma trơi giúp hắn ta cất một loáng đã đầy giỏ. Hắn ta gác vó, ra về, ma trơi đi trước soi đường cho hắn ta.
- Chắc ma trơi lo cho Hai Tuất ngã xuống ao. - chị Liễu bình luận - Rõ là ma mà lại tử tế quá, chu đáo quá, cô nhẩy?
- Lần này Hai Tuất dở chứng. Lẽ ra, như mọi khi, ma trơi đưa hắn ta về tới nhà thì thế nào cũng được hắn ta đãi trầu cau tử tế (ma trơi, chúng nó thích trầu cau lắm, hay vậy), nhưng lần này Hai Tuất, chẳng biết có phải tại say quá không, lại gọi chó mực ra. Ma trơi kị nhất là chó mực, chúng bèn ù té bay đi. Đêm hôm sau, Hai Tuất vừa ra tới lều vó thì bị lũ ma trơi bu lại đất trụi đầu. Đấy, đến bây giờ tóc hắn ta vẫn chẳng mọc lại được, mọc được sợi nào thì sợi ấy xoăn tít như bụt ốc.
Tôi đã gặp ông Hai Tuất quét chợ và đã nhìn thấy cái đầu lơ thơ những sợi tóc loăn xoăn của ông. Ngoài việc quét chợ, ông làm thuê cho mọi nhà, khi họ có việc. Ông ta có bộ mặt xám xịt, bất động. Rất ít khi có người gợi chuyện được ông.
Sau câu chuyện của cô Gái, một hôm ông đến đánh đống rơm giúp cô Gái, tôi đã đánh bạo hỏi ông về ma trơi. Ông Hai Tuất cười sằng sặc, đưa hai bàn tay nháp như đá mài xoa má tôi.
- Ma trơi ấy à? ở ngoài đồng, có khối ma trơi.
Ông Hai Tuất không nói thêm điều gì về câu chuyện ma trơi mà cả làng đều biết, ông cũng không cải chính, cũng chẳng xác nhận.
Một đêm sàng gạo khác, cô Gái đã kể câu chuyện ma ở cầu Vô Tình, câu chuyện làm tôi nhớ rất lâu.
- Một hôm, có người con trai bên Thái Bình sang vùng ta làm thợ gặt. - cô Gái kể, tất nhiên, sau khi chúng tôi đã vật nài chán chê - Đến chỗ cầu Vô Tình bây giờ, anh ta mới ngồi nghỉ chân. Hồi xưa, cầu Vô Tình còn là cầu tre, mà đường cái quan đi huyện cũng chưa phải đường đá đâu, vẫn là đường đất, lội lắm. Anh con trai nghỉ chân, chả là ban đêm mà, nghe thấy dưới chân cầu có ai khóc ti tỉ. Mới bước xuống, thì thấy một người con gái ngồi úp mặt vào đầu gối mà khóc. Anh con trai hỏi mới biết cô này đi ở cho một nhà giàu từ lúc còn bé. Lớn lên, chủ ức hiếp quá, chịu không nổi, bèn cắp xống áo bỏ đi. Cô ta quyết đi là đi, chứ nào có biết đi đâu. Thân gái dặm trường, tới đây trời tối, ngồi mà khóc cho thân phận mình, vậy. Anh con trai động lòng thương, nhìn kỹ dưới ánh trăng, thấy cô ta cũng xinh gái, mới ướm nhời hỏi làm vợ. Cô con gái lúc đầu không chịu.
- Đúng cô ta là cái nát rồi - anh Cu Bé nhận định - Thế nào anh chàng cũng bị với nó.
- Đừng có cắt ngang, để cô kể. - chị Phương lườm em. - Nhưng rồi nghe anh chàng kể cũng chỉ có một thân một mình, cha mẹ đà chết sớm, cũng nghèo khổ như mình, cô con gái mới thuận tình lấy anh ta. Mà cũng chẳng biết đi đâu nữa bây giờ, thôi thì hai người nghèo dựa dẫm vào nhau, âu cũng là cái duyên, cái số. Ngày anh chồng đi gặt thuê, chị vợ đi mót lúa, xin cây tre, bó rơm thay tiền công, rồi kiếm cơi trầu xin với làng dựng tạm túp lều ở với nhau.
- Vậy mà cô bảo chuyện ma? - anh Cu Bé càu nhàu - Cô kể chuyện khác đi, cô!
- Gượm, nghe cô kể tiếp. Hai người ăn ở với nhau đã lâu anh chàng mới vỡ lẽ rằng mình ở với em gái. Chả là, nhà bố mẹ anh ta nghèo, năm đói phải dứt lòng bán đứa con gái. Bố mẹ thương nhớ con bé, lúc lâm chung một hai dặn anh ta nhớ mà tìm lấy em, nó có cái nốt ruồi sau dái tai, người mua con bé ở tỉnh Nam Định. Anh ta lần này đi gặt thuê ở Nam Định cũng có ý tìm em đấy, nhưng tìm mãi không thấy, nào ngờ người con gái mình lấy lại chính là em mình, khổ thế. Người con gái thấy một hôm chồng xem kỹ tai mình rồi sau cứ buồn phiền sầu não, đùng một cái nhảy xuống sông tự vẫn. Lúc ấy người con gái đã hồ nghi, sau rồi cũng đoán ra. Chả là, lúc bị bán đi, chị ta tuy vân còn nhỏ, nhưng vẫn nhớ mình còn một người anh trai. Giờ nghĩ lại lúc vợ chồng ăn ở với nhau, nhìn xác chồng, càng thấy đúng. Bèn nhảy xuống sông theo chồng. Đến lúc hai cái xác nổi lên, người ta thấy hai đứa quặp chặt lấy nhau không rời. Cái cầu chỗ hai vợ chồng nhà ấy nhảy xuống tự bấy giờ mới được đặt là cầu Vô Tình nghĩa rằng là họ vô tình mà gặp nhau, vô tình mà lấy nhau...
- Chuyện ấy chỉ có hai người biết với nhau, sao người khác biết được mà đặt tên cho cái cầu, hả cô? - chị Liễu hỏi.
Cô Gái lúng túng. Nhưng rồi bà cũng tìm được câu trả lời:
- Chắc trước khi chết, anh chồng đã kể lại chuyện nhà cho ai nghe, nên mới có người biết mà nói lại. Ai mà chả có bạn bè...
- Dễ vậy. - chị Liễu thấy không nên đòi cô Gái giải thích hơn, chị bằng lòng với câu chuyện được nghe - Sau, hai con ma cầu Vô Tình có hay hiện lên không, cô?
Từ bấy đến nay - cô Gái kể tiếp - những đêm mưa thâm tối trời hay là sáng trăng suông hai vợ chồng lại hiện lên, người ta gặp luôn. Nhưng đôi ma này là ma hiền, hiền lắm, chúng nó chẳng nát ai, ma chồng đi trước thở dài thườn thượt ma vợ theo sau, níu áo chồng mà khóc ti tỉ. Người nào thấy, cứ lẳng lặng mà đi, có đi sát ngay bên cạnh, đôi vợ chồng ma cũng chẳng làm gì.
- Chẳng làm gì cũng làm người ta hết vía? - anh Cu Nhớn rùng mình.
- Những người chết oan ức hoặc giả bất đắc kỳ tử thường hóa thành cái nát. - cô Gái kết luận - Nhưng cái nát cũng dăm bảy thứ. Dữ nhất là loại chết trẻ, chúng chả ghen với người sống mà. Nói ví thử như những người chết đuối, sau hóa thành con nam.
- Con nam là con gì, cô? - anh Cu Bé hỏi.
- Con nam tức thị là người chết đuối hóa ra. Hình thù nó cũng như người, cơ mà nhãy nhụa trơn tuồn tuột. Con nam thường ở nơi mà nó chết đuối, rình người sống bước xuống chỗ ấy để mà dìm. Dìm chết được người khác, nó mới được đầu thai làm người, sống kiếp khác.
Vậy là nó cũng chẳng xuống địa ngục mà cũng không lên Thiên Đàng? - tôi thắc mắc - Sao trong kinh bổn hay là sấm truyền chẳng nói đến con nam, mà cũng chẳng thấy nói đến cái nát, hả cô?
- Trong kinh sách đâu có những chuyện ấy, mày chỉ hay nghĩ vớ vẩn.
Chúng tôi im lặng. Đêm đã khuya. Làng xóm chìm đắm trong giấc ngủ. ở đâu đó, xa lắm, vẳng lại tiếng xay thóc ù của một nhà tham công tiếc việc.
- Thôi đi ngủ. - cô Gái hạ lệnh.
- Kể cũng lạ, - chị Phương nói, giọng ưu tư - cuộc đời con người ta ngẫm cũng chẳng sung sướng gì, vậy mà con nam nó thèm...
Con cái Phương nói gì vậy? - cô Gái mắng chị - Rõ hết khôn thì dồn ra dại!