Tôi tỉnh giấc vì những tiếng động mạnh.
Quờ tay sang bên không thấy mẹ, tôi mắt nhắm mắt mở lồm cồm chui ra ngoài màn. Khi đã hết chói mắt vì ánh điện sáng choang từ phòng ngoài hắt vào, tôi nhìn thấy mẹ tôi đứng tựa lưng vào đố cửa nối liền hai phòng. Mặt mẹ tôi như hóa đá. Hai tay khoanh trước ngực, bà im lặng nhìn ra phòng ngoài, nơi thấp thoáng nhiều người lạ mặt. Tôi bước xuống đất, mãi mới xỏ được chân vào guốc. Loạng choạng vì ngái ngủ, tôi nem nép đi tới bên mẹ. Tưởng tôi định bước ra phòng ngoài, mẹ tôi giữ tôi lại, hai tay đặt nặng lên vai tôi
Bố tôi ngồi trên một chiếc ghế tựa được lôi khỏi bàn ăn, ở sát tường. Vẻ bất cần, ông bình thản hút thuốc, không buồn nhìn đến đám người lạ mặt nhâng nháo đi lại và lục tung mọi vật trong phòng. Tiếng động làm tôi thức giấc là tiếng sách bị quăng xuống sàn. Ngôi nhà gia đình chúng tôi thuê hồi đó có hai phòng thêm một ngăn nhỏ chứa đồ tạp nham và bếp. Phòng ngoài được dùng làm phòng ăn, cũng là phòng làm việc của bố tôi. Một tủ sách lớn chiếm gần trọn bức tường. Bên cạnh tủ sách là cái giường nhỏ, khi nào làm việc mệt, bố tôi có thể ngả lưng tại chỗ. ông có thói quen đọc sách khuya. Chắc bố tôi bị bỏ dở công việc vì những người khách này. Trên bàn, một cuốn sách dày còn để mở.
Trong đám mật thám tới khám nhà tôi đêm đó có một người Pháp. Hắn ngồi ở bàn ăn, đối diện với bố tôi ở một khoảng cách xa, mặt dửng dưng như thể hắn không có ý muốn tham dự vào công việc của đám thuộc hạ. Nhìn thấy tôi, bố tôi mỉm cười. Cái nhìn trìu mến, vỗ về. Tôi hiểu, bố muốn tôi đừng sợ. Không có gì đâu, cái nhìn nói: chuyện thường ấy mà, con đã biết thừa là chuyện gì rồi, phải thế không nào?
Tôi không sợ. Bọn mật thám tới khám nhà tôi không phải đây là lần đầu. Có lần chúng khám chán rồi bỏ đi, có lần chúng bắt bố tôi, mang đi. ít lâu sau, chúng thả. Mật thám là loại người kỳ cục. Chúng chẳng giống ai, nhưng nếu để ý một chút là có thể nhận ra chúng, ngay giữa đám đông. Nét đặc biệt của chúng là không bao giờ đường hoàng, lúc nào cũng thậm thụt, cũng lấm lét, dường như chúng cố giấu đi cái vẻ ăn không ngồi rồi nghề nghiệp in dấu trên mặt chúng, trên hình hài chúng, cái dáng vẻ phân biệt chúng với những người bình thường, những người thế nào cũng phải bận bịu với một công việc lương thiện hoặc không lương thiện nào đó. Vào thời kỳ bấy giờ mật thám thường khoác áo các thầy ký nghèo sở tư, các tay thầu khoán long đong, các gia sư trẻ rạc người lê gót đi kiếm việc. Tùy theo vai phải đóng, những tên mật thám học mặc áo chùng thâm, quần trắng, đi ô, hoặc vận âu phục tàu tàu, giày tây tàng, mũ dạ. Cái chung của chúng là cặp kính râm đen kịt. Tại sao chúng cứ phải kè kè cái cặp kính tố cáo chúng ấy, tôi không hiểu.
Dạo ấy, trong nhà tôi thường xuyên có bè bạn của bố mẹ tôi đến ở. Có người chỉ đến vài ngày, có người ở lại hàng tháng, trở thành người trong nhà. Nhà chật, họ dọn dẹp bàn ghế lại, nằm la liệt trên sàn gạch hoa. Những con người hiếu động, vui vẻ này lúc nào cũng làm ầm ĩ ngôi nhà nhỏ bé của chúng tôi bằng những bữa ăn đông đúc, những cuộc tranh luận ầm ĩ, rất nhiều cãi vã, nhưng không có giận nhau. Đột nhiên, họ biến mất, hầu như tất cả. Ngôi nhà vắng hẳn. Mẹ tôi có vẻ lo âu. Đêm, nhiều lần tôi tỉnh giấc thấy mẹ tôi vẫn chưa ngủ, mắt chong chong.
Tuần trước, bố tôi sai tôi vẽ một con cò trên bức tường quét vôi vàng ở đầu phố, chỗ ngã tư. Tôi nắn nót vẽ bằng gạch non, rất rõ. Con cò khá đẹp, nhưng đáng tiếc, nó là con cò mù, bởi vì nó không có mắt. Tôi chỉ hiểu tại sao bố tôi lại bảo tôi vẽ con cò mà lại dặn kỹ không được vẽ nó có mắt khi chiều qua bố tôi sai tôi vẽ nốt cho nó con mắt còn thiếu. Thì ra con mắt báo cho những người đến nhà tôi biết có nguy hiểm, họ không được tới nữa, cần phải rẽ ngay sang đường khác. Mối nguy hiểm đó là số lượng mật thám quanh quẩn bên nhà chúng tôi tăng lên đột ngột. Rất có thể chúng sẽ úp một mẻ tại đây. Nhưng chúng tới muộn và đã úp trượt.
Tên mật thám Pháp ngồi thẳng đuỗn, hai tay thả dài trên bàn, mặt bất động, bên trong hai tròng mắt là hai hòn bi ve lạnh lẽo. Điếu thuốc lá kẹp nơi bàn tay phải bốc khói, tàn đã dài nhưng hắn không vẩy đi, cũng không đưa lên hút. Hình như sau cái vẻ thờ ơ bề ngoài ấy, thính giác của hắn đang làm việc căng thẳng. Hắn chăm chú theo dõi tiếng dội lại của viên gạch hoa mỗi lần tên mật thám thấp, bé, mắt hấp háy, dùng ba-toong gõ vào đấy.
Những tên khác lặng lẽ tiến hành việc lục soát. Sách báo trong tủ bị rỡ tung tóe, quăng bừa xuống sàn. Chúng cẩn thận gõ vào từng vách tủ, hi vọng tìm thấy một ngăn bí mật. Một số lục soát quần áo của bố tôi. Chúng lộn tung các túi sờ nắn từng nẹp áo, nẹp quần. Mẹ tôi bĩu môi trong nụ cười khinh bỉ. Cái lũ bẩn thỉu này ra điều sạch sẽ, chúng chỉ đụng tới quần áo bằng ba ngón tay - ngón cái, ngón trỏ và ngón giữa, hai ngón còn lại vểnh ra, nhất là ngón út cong lên với vẻ ghê tởm, dường như chúng sợ những quần áo mà chúng buộc phải đụng đến sẽ dây bẩn ra tay chúng.
Sau phòng ngoài, bọn mật thám lần đến phòng trong. Tôi đọc thấy một thoáng lo ngại trong mắt mẹ tôi. Buổi chiều, có một nhà sư tới, ông đưa cho bố tôi một bức thư nhỏ xíu cuộn tròn như que tăm cài trong tấm khăn nâu quấn trên đầu. Bố tôi xem xong, cuộn bức thư lại như cũ và nhét vào kẽ nứt giữa đố cửa và tường. Thường bố tôi đốt thư đi sau khi xem xong, nhưng lần này ông để lại, chắc còn phải chuyển tiếp đi nơi khác. Tôi thấy tim mình như ngừng đập khi một tên đeo kính trắng lấy tay gõ gõ vào đố cửa. Nhưng ngón tay hắn đi lướt qua chỗ đó, chỗ giấu bức thư, rồi gõ tiếp trên những chỗ khác. Tôi thở phào, nhẹ nhõm. Bố tôi liếc mắt nhìn tôi, bình thản hút tiếp một hơi thuốc.
Bọn mật thám làm việc trong im lặng. Chúng chỉ trao đổi với nhau đôi câu, khi thật cần thiết.
Sau hai giờ lục soát từ trên nhà xuống bếp, chúng chẳng tìm được gì, ngoài mấy cuốn sách tiếng Pháp mà chúng thấy cần thu, coi như tang vật. Nhìn những cuốn sách của mình bị buộc lại, đặt lên bàn ăn, trước mặt tên mật thám Pháp, bố tôi nhún vai, nói bằng tiếng Pháp:
- Hình như các ông lầm, đó là mấy cuốn sách tôi mua ở hiệu, đều là sách do các ông cho phép bán.
- Rất có thể là như vậy- tên mật thám Pháp trả lời, hắn cũng chẳng buồn nhìn đến những cuốn sách ấy - Những cuốn sách có bán ở hiệu trong thời kỳ Mặt trận Bình dân đã trở thành không còn hợp pháp. Vào thời kỳ Mặt trận đó đã hết uy thế, ông hiểu chứ?
- Không, tôi không hiểu. Nói chung, nền văn minh Pháp ở thuộc địa trước nay vẫn là một nền văn minh khó hiểu.
Tên Pháp, đứng lên, hờ hững đỡ cái ba-toong từ hai tay tên thấp bé có cặp mắt hấp háy. Cuộc đối thoại ngắn ngủi đó tôi ghi lại theo lời mẹ, nhiều năm sau. Bà thường kể lại cho chúng tôi nghe những kỷ niệm vui buồn trong đời bà. Một tên mật thám trẻ nhất bọn, lực lưỡng, nước da đen sạm tiến về phía bố tôi, đôi mắt nhiều lòng trắng hắt ra những tia lạnh lẽo.
- Xin lỗi!
Tên Pháp nói, nhìn vào tay bố tôi. Bố tôi nhếch mép cười, đưa hai tay ra. Một tiếng cách khô khan, cái còng đã ngậm chặt hai cổ tay bố tôi.
Tên mật thám Pháp bước ra cửa, những tên còn lại lục tục theo sau.
Trong bóng đêm phố vắng, tôi nhìn thấy bố tôi bị du mạnh vào trong chiếc xe hòm màu đen đã mở máy chờ sẵn. Tên mật thám Pháp bước lên theo. Lũ thuộc hạ leo lên một xe khác. Tiếng động cơ nổ vang trong đêm. ánh đèn đỏ ở sau xe xa dần rồi tắt ngấm.
Chị Tường, người trông chúng tôi, òa khóc. Mẹ tôi ôm lấy chị dìu vào trong nhà.
- Quân Luy-xi-phe! Chúng nó làm tanh bành trong bếp, có vại dưa mới muối cũng làm đổ cả ra kia, mợ xuống mà xem!
Đáng lẽ phải nguyền rủa quân Luy-xi-phe đã bắt bố tôi mang đi, chị lại không nói ra điều đó, mà oán trách chúng làm lộn tùng phèo cái bếp mà chị mất bao công phu giữ gìn cho nó luôn gọn gàng ngăn nắp.
Tội nghiệp, chị là người bạn thời thơ ấu của bố tôi, và chị thương bố tôi biết mấy. Chúng tôi gọi chị bằng chị theo thói đời bấy giờ, vì chị là người nhà nhưng ở vị trí người làm. Gần bằng tuổi bố tôi, mồ côi cả cha lẫn mẹ từ thuở còn thơ, chị được ông bà nội tôi đón về nuôi, chị lớn lên trong nhà ông bà tôi như một đứa con, nhưng không hiểu sao vẫn không được coi như con nuôi. Khi tôi ra đời, bố tôi đưa chị lên Hà nội, từ đó chị trông nom chúng tôi chẳng khác gì người mẹ thứ hai.
Mẹ tôi không khóc. Bà ngồi thần ra một lúc, như thể bà không tin việc vừa xảy ra là có thật, và giờ đây bà cần phải khẳng định với chính mình rằng việc đó đã xảy ra, rằng bố tôi đã bị bắt thật, rằng ông sẽ không được ngủ đêm nay ở nhà mà phải chịu thức trắng với những cực hình mà ông đã từng nếm trải tại Sở Liêm Phóng. Rồi bà tần ngần nhặt từng cuốn sách lên, vuốt lại cho khỏi quăn mép và xếp vào chỗ cũ. Chị Tường ngồi bên cạnh, vừa khóc thút thít vừa giúp mẹ tôi thu dọn lại phòng ngoài. Hai người thức cho tới khi trời sáng.
Điều đáng ngạc nhiên là không hiểu vì lẽ gì bọn mật thám chỉ xem qua loa phòng ngủ chứ không khám kỹ như trong bếp và phòng khách. Vì thế các em tôi vẫn ngủ say. Chúng chẳng biết chút gì về việc xảy ra trong đêm. Sáng dậy, chúng vẫn nô đùa, vẫn vòi mẹ. Bố tôi thường vắng nhà, chúng đã quen, thậm chí cũng chẳng buồn hỏi bố đâu. Tôi khác, tôi có một trí nhớ đáng nguyền rủa. Những gì tôi chứng kiến tôi nhớ rất lâu, đến từng chi tiết. Có một trí nhớ như vậy thật chẳng hay ho gì.
Nó là một cái vạ.