Cuối cùng rồi tôi cũng tuột khỏi bàn tay xương xẩu và rắn chắc của cô tôi, dù bà không hề muốn điều đó. Bà không thể cứ giữ rịt tôi ở nhà suốt ngày suốt tháng. Thực ra, cô Gái tôi không phải là người ác. Bên trong vẻ ngoài khắc khổ, nghiệt ngã, ẩn náu một trái tim tốt lành. Nhưng bà chỉ tốt vậy thôi, nghĩa là bà chẳng làm hại ai, chứ bà không hướng tới những việc làm tốt, cái đó quá sức bà. Hồi đó tôi không ưa bà, thậm chí ghét bà, hoàn toàn không ngờ rồi đây mình sẽ có lúc phải cay đắng mà nghĩ rằng được sống với những người không hại mình đã là một sự may mắn.
Tôi bắt đầu lang thang trong cái làng quê nhỏ bé của tôi, vào sâu trong các xóm, làm quen với những người mà sau này trở nên thân thiết bởi một lẽ đơn giản - họ cùng chung với tôi một mảnh đất của tổ tiên. Tôi cũng bắt đầu yêu những mái tranh lè tè sau những hàng rào găng, hàng rào ruối, hàng rào dâm bụt, hàng rào xương rồng và biết bao loại cây khác có thể dùng làm địa giới của gia đình. Tôi thích nghe tiếng hát ru từ trong những mái tranh ấy bay ra cùng với tiếng xa quay ríu rít, tiếng khung cửi kẽo kẹt. Tôi thích ngắm nhìn đồng lúa với những cánh cò trắng muốt bay lên đậu xuống nhẹ nhàng như những mảnh lụa rơi. Tôi nhớ tiếng ru của mẹ:
à ơi
Con cò mà đi ăn đêm
Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao...
Buổi sáng, làng tôi rộn lên tiếng chày đập vải ở mọi ao to ao nhỏ, dọc theo ngòi. Trong các nhà những cái khung cửi bừng tỉnh đưa thoi tanh tách. Càng về trưa những tiếng động càng lắng dần, lắng dần, cho tới đêm thì tắt ngấm. Trong bóng tối lạnh lẽo, những con chó nhát gan tru lên từng hồi dài để tự trấn tĩnh. Lang thang trong các xóm một giọng khàn khàn kéo dài, theo sau từng hồi mõ khô khấc:
Triềng... quan... viên... làng nước... Ai nấy... im... lặng... mà... nghe... ơ... ơ... ơ...
Đó là tiếng của ông Bổng, ông mõ già, người bị khinh rẻ nhất trong làng, tuy cũng chẳng phải là người nghèo nhất. Ông bị khinh bởi nghề mõ. Ông là dân ngụ cư, tức là người từ nơi khác đến kiếm ăn. Trong làng tôi những người nghèo hơn ông nhiều cũng không chịu làm mõ.
Thỉnh thoảng, lâu lắm, mới bùng lên một đám khao, một đám cưới, một đám ăn mừng nhà mới rồi cả làng lại ngủ lịm đi trong tiếng cầu nguyện không bao giờ dứt, trong tiếng chuông nhà thờ gióng giả gọi đàn chiên Chúa sáng đi lễ tối đi chầu.
Những người con gái ít khi ra khỏi nhà. Một số làm hàng xáo. Số đông ngồi suốt ngày dưới con chim gỗ gật gù không biết mệt và luôn tay đưa thoi. Từ tấm bé đám con gái đã thạo nghề quay xa, đánh suốt, giáo vải, hồ vải, dệt vải Đi lấy chồng, họ chuyển từ cái khung cửi nhà mình sang ngồi ở khung cửi nhà chồng, trong khi những người chồng đi biền biệt hàng năm.
Những người chồng lên rừng, làm nghề sơn tràng. Số may mắn trong bọn họ dần trở nên giàu có, đủ tiền của và nhờ tiền của mà có những lối gỗ riêng, trở thành ông lái. Nhà gạch của họ mọc lên san sát trong làng. Bè gỗ của họ đỗ kín con ngòi từ sông cái vào tới làng. Tên của họ được đệm thêm chữ lái, mà danh giá của nó có thể sánh bằng những chữ chánh, lý, phó, cửu... Những người số den vận rủi, không được trở thành lái ngậm ngùi làm thuê cho những người anh em cùng nghề mỗi ngày một trở nên xa cách. Họ đổ mồ hôi, có khi đổ cả máu, ngả cây, đưa gỗ ra sông, cốn thành bè. Bè xuôi, họ đứng chân áp giang. Trong khi các lái - ngày hôm qua còn là bạn họ - sát phạt nhau trong nhà bè (một căn nhà nhỏ làm ngay trên bè gỗ, bên trong thậm chí có cả sập gụ, tủ chè), họ thức thâu đêm đưa bè qua ghềnh qua thác. Có trường hợp một lái thua cháy túi qua một đêm lại rơi xuống hàng áp giang, phải ra đứng đầu bè cùng với người làm công cho mình hôm trước. ở làng tôi, khi người ta có tiền thì người ta đánh bạc. Hầu như đó là trò tiêu khiển duy nhất mà họ biết.
Những người đi rừng cứ đi mãi, hết ngược lại xuôi, chạy theo cái mộng trở thành ông lái, theo không được thì trở về khi kiệt lực, tha theo cái bụng báng kỷ niệm của rừng thiêng. Những người đàn ông bị báng có nước da bủng beo, cái nhìn đờ đẫn, cái bụng to như bụng đàn bà chửa đi trước họ, lặc lè Đã bị báng là chắc chết, họ buồn bã đi lang thang trong làng như để lặng lẽ chia tay với quê hương. Khi không đi được nữa, họ nằm xuống, trút hơi thở cuối cùng vào một ngày nào đó, cũng lặng lẽ như thế, để lại người vợ bị cột chặt vào cái khung cửi và lũ con đói khát. So với phụ nữ các làng trong vùng, làng tôi có nhiều người chít khăn trắng hơn cả. Đến nỗi, có thể nhận ra người làng mình trong chợ căn cứ vào những chiếc khăn trắng.
Những người lớn gặp nhau chung quanh những câu chuyện làm ăn và nỗi khốn khổ trong chuyện làm ăn gợi nên trong tôi cảm giác chán ngán.
Tôi tìm đủ cách để khỏi phải ở nhà với cô tôi. Tôi bám chặt anh Cu Nhớn. Nhưng anh bận nhiều công việc. Có khi anh phải xay thóc giã gạo cả ngày để cả nhà có nồi cháo cám. Cháo cám dù sao cũng còn hơn hạt sản rang.
Những khi thấy tôi lang thang một mình, chị Phương, con gái đầu lòng của bác Hai Thực, rủ tôi đi cất vó tép với chị.
Những ngày con nước và những ngày gió bấc thổi, cá ít chịu cắn. Ngồi cả buổi cũng chỉ lôi lên được vài con cá bò nhỏ xíu, tròn lẳn với làn da vàng loang lổ và nhẵn thín, hoặc đôi con bống nâu rộng miệng, là thứ cá ít cắn câu nhưng lại chịu khó kiếm ăn trong mọi thời tiết. Những ngày ấy, cả đến tôm tép cũng không chịu vào vó. Nhưng chị Phương tôi là người nhẫn nại hiếm có. Khi tất cả những người cất vó tép ngồi nhà, thì chị vẫn lang thang bên các bờ ao với cây sào và cái rá. Đi cất vó tép rất thong dong, các chủ ao không bao giờ xua đuổi cái sự kiếm ăn lèm nhèm ấy.
Hơn tôi chừng chục tuổi, chị gầy tới mức có đem cân cũng chỉ nhỉnh hơn tôi chút ít. Đen nhẻm, xương xẩu, chị có gương mặt dễ mến, hiền lành tới mức cam chịu, đôi mắt mở to không chớp, mắt của loài thỏ, ngây thơ và tin cậy. Tôi căng vó giúp chị, chị lấy sào móc vó đặt nhẹ nhàng xuống chỗ nước nông bên bờ ao, gõ vào đầu vó mấy cái cho nó khỏi nổi bềnh lên rồi lấy mồi cám rang giấp nước ném vào giữa vó một mẩu nhỏ. Mẫu cám tan ra thành bụi nâu trong nước, chìm dần.
- Tôm nó không có mũi, vậy mà ngửi được, tài ra quỷ (tức là tài lắm, theo cách nói ở làng tôi).
Chị Phương nhỏ nhẹ nhận xét. Chị nói bằng giọng rụt rè, nâng niu từng chữ, như thể chị sợ chị sẽ đánh rơi chúng xuống đất cứng và chúng sẽ vỡ tan thành từng mảnh.
- Tôm nó cũng có mũi chứ.
- Làm gì có. Đây này - chị đưa cho tôi một con tôm đang bật đuôi tanh tách - Mũi đâu nào? Mắt có, mồm có, mà mũi thì tịnh không.
Tôi soi mói nhìn con tôm.
- Có khi mũi nó liền với mồm, chị ạ.
- Dễ vậy.
Chị không sợ tôm nghe tiếng, vì thế đi cất vó tép với chị tôi có thể nói chuyện thoải mái. Chị hay đặt ra những câu hỏi, rồi lại tự trả lời. Rõ ràng đàng sau những câu hỏi lẩn thẩn ấy, chị Phương tôi muốn tìm kiếm một cái gì đó, một cái gì rất có ý nghĩa đối với chị.
- Giá mà người ta có cánh như các thánh Thiên thần! - đột nhiên chị rẽ sang chuyện khác - Chú tính, nếu lấy lông ngỗng mà đan lại thực khéo làm cánh rồi buộc vào tay, mình có bay được không?
- Lông ngỗng chắc không được. Ngỗng có biết bay đâu.
- ờ nhỉ.
Chị sực nhớ đến con ngỗng không biết bay, gật đầu.
Một lát sau, chị lại sang chuyện khác.
- ở Hà nội có bà sờ không chú?
- Bà sờ là cái gì?
- Là người nữ đi tu ấy.
- Thế thì là bà sơ, chị lại gọi là bà sờ. Bà sơ mặc áo đen lụng thụng, có cổ áo trắng, phải không?
- Phải.
- Bà sơ ở Hà nội có mà ối. Họ đeo tràng hạt dài đến bụng, mà hạt to thế này này.
Cái nhìn của chị trở nên xa vắng.
- Tôi cũng muốn làm bà sơ.
- Chị định đi Hà nội à?
- Không. ở làng ta cũng có nhà sơ, gọi là nhà mụ. Tôi muốn vào trong nhà mụ.
- Chị vào đấy làm gì?
- Đi tu chứ còn làm gì. Có điều vào ở nhà mụ thì sướng cái phận mình, nhưng tôi lại thương thầy mẹ. Vào ở nhà mụ rồi thì không được về nhà mình nữa.
- Thế thì đừng vào đấy, chị ạ.
Tôi nghiêm trang khuyên chị. Chị đồng ý, dễ dàng như bất cứ lúc nào.
ở nhà bác Hai Thực mọi người đồng tình trút mọi việc có thể trút được lên đôi vai gầy của chị Phương. Chị lẳng lặng hứng lấy, không phàn nàn, không oán thán, lúc nào cũng bị ai đó sai làm việc gì đó, suốt từ tinh mơ cho tới khuya. Chị tát nước, nhổ mạ, đi cấy, cắt cỏ cho trâu thuê, đưa cơm cho thợ cày, làm cỏ ruộng, xới vườn, xay thóc, giã gạo, đánh ống, đánh suốt, dệt vải, cất vó, đi chợ, làm cơm... Tưởng chừng một con người không thể nào cáng đáng nổi từng ấy công việc, ấy thế mà chị Phương làm được tuốt, lúc ở chỗ này thoắt cái đã ở chỗ khác.
- Tội nghiệp con cái Phương? - cô Nhung, chị gái bác Hai Thực phải kêu lên - Làm nhiều quá, quắt cả người. Chẳng ai thương nó trong cái nhà này.
Bác Hai Thực gái nguýt cô:
- Bà thương nó thì bà đỡ cho nó. Con cái lớn thì phải làm. Không có cái phép ngồi giãi thải ra mà hốc.
Tôi đỏ mặt thay cho cô Nhung. Bà già rồi, lại yếu, mắt kèm nhèm, chẳng làm dược gì, hôm nào khỏe bà cũng chỉ đánh mấy cái suốt, hoặc giã cố một cối gạo, tất nhiên là với sự giúp đỡ của lũ trẻ chúng tôi.
Cô Nhung tủi thân, ra thềm ngồi khóc.
Bác Hai Thực ở nhà trên nghe tiếng, đập mạnh tay xuống giát giừơng
- Các bà. Có để cho người ta yên một thí không nào!
Cảnh Cô Nhung là thế. Vậy mà chị Phương tôi không sợ Chị nói với tôi:
- Tôi rồi sống trọn đời đồng trinh như các cô.
Các cô đây là cô Oanh, cô Nhung và cô Gái. Ba người con gái ở ba ngành không lấy chồng, trở thành ba bà cô. Ngành cả giàu có nhất, xây được một cái nhà tây hai tầng và có một nhà ngang bằng gỗ tứ thiết chạy suốt chiều ngang cái sân nhà ông bà nội tôi. Đứng ở thềm nhà ông bà nội nhìn ra tôi có thể thấy cả cái nghèo nàn của ngành thứ với cái giàu sang của ngành cả. Nếu cửa liếp của ngành thứ thông sang nhà tôi thì cái cổng gỗ của ngành cả lúc nào cũng đóng chặt. Có lẽ ngành cả chỉ giữ lại làm phép cái cổng này để linh hồn tổ tiên khỏi đau lòng khi thấy con cháu mình rào dậu ngăn sân.
Người thấp bé, lầm lì, cô Oanh không mấy khi sang chơi với hai bà em. Bà sợ bẩn. Là người sạch rởm, mỗi khi có khách tới nhà, bà vội vã bưng ghế ra cho khách ngồi kẻo họ suồng sã ngồi vào giường bà. Nếu họ vô tâm cứ ngồi vào đó thì bà nhăn nhó như người bị đau răng trong suốt buổi tiếp khách, khách vừa về là bà vội cuốn chiếu đem ra cầu ao giặt ngay.
Khi cô Gái đưa tôi sang chào cô Oanh, bà nhìn tôi từ đầu đến chân, cái nhìn xa lạ:
- Vậy nó là con ông Tư?
- Dạ, nó về ở với em, em cho nó sang chào cô.
- Nó sạch sẽ đấy. - cô Oanh nhận xét.
Quên ngay tôi, cô Oanh quay sang hỏi chuyện với cô Gái câu chuyện tầm phào thủng thẳng.
Cùng ở với cô Oanh còn có cô Nhất. Cô Nhất già khọm thấp tè, xấu xí một cách dữ tợn. Suốt đời bà bực dọc với một cái gì đó không ai biết, sống lặng lẽ như một cái bóng. Bà không mặc quần áo nào khác ngoài vài bộ đồ đen, bao giờ cũng vận áo dài, dù ở trong nhà. Bà sống gần như trọn đời đồng trinh. Chồng chết sớm, bà ở vậy cho tới khi trở thành bà lão. Cô Nhất không quát mắng chúng tôi, lũ cháu của bà, nhưng chúng tôi sợ bà, hệt như bà là một con ma sông.
Cái nhà xây thường bỏ không. Người ăn thừa tự của ngành cả là bác cố Tuyển, nhưng ông đã qua đời, bà vợ và các con, những ông anh bà chị của tôi ít khi trở về quê. Họ đều thành đạt, trở thành những ông tham, ông phán. Con của những ông anh bà chị tôi cũng chỉ về quê vào dịp hè, ăn vận sang trọng hơn hẳn lẽ trẻ chúng tôi ở nhà quê. Chúng tôi chơi với nhau như bạn bè, và tôi có niềm hãnh diện nho nhỏ vì những đứa cháu bằng và hơn tuổi mình. Theo truyền thống gia tộc sự ngang hàng trong xưng hô bị coi như sự mất nết.
Tôi cũng chỉ gặp bác cố Tuyển gái vài ba lần. Bác trai đã mất từ lâu, bà là người có quyền cao nhất trong ngành cả Bà bác giàu có không lạnh nhạt với tôi, nhưng cũng chẳng mặn mà. Dường như bà chẳng cần biết đến những đứa cháu họ bên chồng. Bà tiếp tôi như trong lễ triều kiến khi theo khuôn phép, tôi phải tới trình diện để chào bà. Bà hỏi tôi mấy câu lấy lệ, rồi hạch cô Gái:
- Nó đã xưng tội lần đầu chưa?
Thưa chị, chưa. - cô Gái đáp lễ phép.
- Cô phải lo cho nó sớm việc này.
- Thưa chị, vâng ạ..
Căn phòng rộng trên gác nhà tây với đủ thứ đồ đạc sang trọng - sa lông, tủ chè, sập gụ, mấy tấm gương lớn, hoành phi, câu đối, ảnh tượng Chúa, thứ nào thứ nấy bóng loáng và lạnh lẽo. Tôi mong cho buổi triều kiến mau kết thúc. May cho tôi, nó kết thúc sớm hơn dự kiến. Vẫn ngồi nguyên trên sập, bác cố Tuyển gái phán:
- Cô cho cháu về.
Tôi khoanh tay chào từ biệt bà. Cô Gái khép nép dắt tôi xuống thang. Bàn tay khô xác của cô tôi lúc đó sao mà ấm áp.
Cô Oanh riết róng chẳng kém cô Gái. Bà ca cẩm chuyện anh Cu Nhớn câu hết cá ở ao nhà bà.
- Cô Oanh rõ dở hơi - anh Cu Nhớn chằng mảy may quan tâm tới những lời phàn nàn hoặc mắng mỏ của cô Oanh - Ông bà bên ấy để của lại là cho con giai, ao là của bác cố Tuyển chứ đâu của cô mà cô giữ.
Cô Oanh đối với tôi nhẹ nhàng hơn, cũng như đối với các cháu khác trong ngành út. Dù sao các ông em của bà ở ngành này cũng giàu có và danh giá hơn bác Hai Thực.
Thậm chí, bà cho phép tôi được câu cá ở cầu ao nhà bà. Cái cầu ao mấy bậc bằng đá phiến xanh và nhẵn là chỗ ngồi câu thú vị. Không hiểu vì sao ở đây cá rất chịu cắn. Anh Cu Nhớn phát ghen với tôi, anh coi đó là chỗ câu lý tưởng. Có lẽ cô Oanh cho tôi câu vì cô biết tôi không sát cá. Vài con giếc không làm cho bà đau xót. Tôi cũng khôn ngoan dành cho bà vài con cá nhép cho con mèo tam thể béo tốt và lười biếng của bà.
Ngồi ở cầu ao nhà bác cố Tuyển, tôi có thể vừa chờ cá cắn vừa ngắm người qua lại. Những người đàn bà đội cả chồng thúng, ngất nghểu từ chợ về, hai tay ve vẩy bên hông như múa. Vài con trâu đen nháy, béo mập đi những bước chậm chạp và lười biếng, thỉnh thoảng mới cúi xuống vặt một nạm cỏ non nơi vệ đường. Chiếc võng của cha xứ đung đưa trên vai hai người khiêng lực lưỡng. Họ choãi chân, đi lặc lè; cha xứ nằm trên, tay cầm cuốn kinh bìa đen thò ra ngoài màn che. Cha xứ chúng tôi nổi tiếng về đức siêng năng trong việc chăm lo phần hồn cho bổn đạo.
Cô Oanh ngồi bên tôi thắc mắc:
- Không biết cha đi đâu vậy? Dễ đến nhà ông lái Tòng. Ông ấy Chúa rước đến nơi. Mà có khi, cha đến ông trùm Thịnh. Nghe nói, ông ấy mấy bữa rày chẳng cơm cháo gì suất.
Làng tôi nhỏ, mỗi sự kiện đều được truyền đi cho nhau biết, bằng đường báo tin chính thức thì ít mà qua sự ngồi lê đôi mách thì nhiều.
Cô Gái vẫn dạy kinh cho cháu đấy chứ?
- Dạ, vẫn dạy.
- Cháu thuộc nhiều chưa?
- Thưa cô, chưa nhiều ạ.
- Phải học cho thuộc. Nhà ta đạo gốc.
- Thưa cô vâng ạ.
- Cháu nhớ sự tích bà thánh Ve-rô-ni-ca lột mặt Đức Chúa Giê-su không?
- Không ạ.
- Để cô dẫn tích cho mà nghe.
Trời hỡi, thế này thì cá còn cắn gì nữa?
Cô Oanh kể. Những cái phao ì ra, bất động. Tôi cuốn cần câu lại, lễ phép xin cô cho về.
- Hôm nay dễ trở giời, cá không cắn. - cô Oanh ái ngại cho tôi - Để hôm khác vậy, cháu lại sang.
Bà đóng hai cánh cổng hậu lại khi chân tôi vừa bước qua ngưỡng. Tôi ghét cay ghét đắng cái tiếng cài then hấp tấp sau lưng khách của cô Oanh. Và nói chung, tôi không thể ưa được những người vừa tiễn khách ra về là sập ngay cửa lại.
Những ngày lễ, ngày tết, cô Oanh có cái thú gói bánh. Bao giờ bà cũng chỉ gói ba thứ: bánh gai, bánh gấc và bánh trắng. Nhà chỉ có hai chị em, gói bánh là chuyện xa xỉ. Bà gói bánh có lẽ chỉ vì muốn cho cuộc sống cô quạnh và đơn điệu của mình có cái gì giống như ở mọi người. Bánh bà gói được bao nhiêu cũng đem biếu cha xứ gần hết, số còn lại là dành thết khách, hy vọng sau khi ăn xong khách sẽ thết lại một lời khen. Mà có khen bánh của bà cũng không ngoa, bởi vì chúng ngon tuyệt. Lần gói bánh nào bà cũng dành cho tôi mấy chiếc. Bà gọi tôi sang, chỉ cho tôi cái ngưỡng cửa để mà ngồi, rồi đưa cho tôi tấm bánh.
- Bóc đi cháu, cô cho đấy.
Tôi bóc những lần lá chuối khô rồi cắn ngập răng vào cái màu đen ngọt lịm và béo ngậy của tấm bánh gai. Cô Oanh nhìn tôi với vẻ thèm thuồng như chính bà cũng muốn được ăn.
Ngon không cháu?
- Thưa cô, ngon lắm ạ.
- Cô Gái làm cũng ngon vậy chứ?
Tôi lúng búng trong miệng.
- Thưa cô, không ngon bằng ạ.
Đó là sự thật. Nhưng tôi không muốn nói sự thật ấy. Nó có gì giống như sự phản bội đối với cô Gái.
Cô Oanh cười. Vẻ hài lòng thơ ngây hiện trên gương mặt già lão. Về bánh gói, cô Gái là địch thủ đáng gờm của bà.
- Cô Oanh vừa cho mày ăn bánh phải không?
Tôi bất giác đưa tay lên chùi miệng. Cử chỉ đó tố cáo tôi. Vả lại, tuy ngồi ở nhà mình, cô Gái biết mọi việc xảy ra bên nhà chị họ.
- Thưa cô, vâng.
- Đồ ăn chực! - cô Gái ném vào mặt tôi câu mắng tàn nhẫn. Tao cấm, hiểu chưa, tao cấm. Từ rày, không được sang bên ấy mà ăn chực. Cô Oanh cho mày thì cô ấy đem sang đây mà cho. Cứ cho dấm cho dúi, như thể tao bỏ đói mày không bằng. Vào đây.
Tôi run lên. Thế giới thu nhỏ lại trong cái phất trần, mà tôi đã biết độ rắn của cái cán. Nhưng cô Gái không vớ lấy phất trần. Và ra hiệu cho tôi theo bà vào buồng. Cô Gái mở hòm gian, lấy cho tôi một cái bánh gấc.
- Năm nay cô không gói bánh. Nhà mụ nhờ cô gói, nhân tiện cô gói cho nhà ta cả thể. - bà nói hiền lành - ăn đi?
Tôi ăn chiếc bánh gấc của cô Gái.
- Thế nào, ngon không?
Cô Gái đợi tôi ăn xong, hỏi bằng giọng lo sợ và hy vọng.
- Thưa cô, ngon ạ.
- Ngon thế nào? Hơn hay bằng bánh của cô Oanh?
- Thưa cô, ngon hơn ạ.
Tôi nói dối. Tôi hiểu giữa hai bà có sự ganh đua ngấm ngầm và cả hai không bỏ lỡ dịp để hạ uy tín của nhau trước mặt con cháu.
Cô Nhung là người khác hẳn cô Oanh và cô Gái. Người cao, to, ngộc nghệch ở tuổi già bà teo hết thịt, trở thành cái mắc áo. Mặt bà đầy nếp nhăn, làn da như một mảnh vải nhàu nát, nhưng trên gương mặt bị tàn phá đó luôn luôn có một nụ cười hiền hậu và trìu mến.
Cô Nhung thương tôi. Bà thương bố tôi ở nhà pha phải giao con cho cô Gái nuôi, mà cô Gái là người hà tiện thế nào thì bà biết rõ.
Kể ra, cô Nhung thương tôi vì cô nghĩ rằng tôi lẽ ra có thể được sung sướng hơn, chứ bữa ăn ở nhà bác Hai Thực còn tồi tàn hơn bữa ăn của cô Gái và tôi nhiều lắm.
Cô Gái ăn khổ là do nếp nhà, như chính bà thường nói, cái nếp qui định không được vung tay quá trán. Cơm phải đủ no, nhưng nhất thiết không thừa. Vườn nhà đủ thứ rau, trứng gà do gà nhà đẻ, với cái cần câu của tôi, cá rồi cũng chẳng phải mua nữa; mươi con mương cũng đủ nồi canh cá nấu sung, vài chục con vừa rô con vừa bống là xong hai bữa có cá kho, tóm lại mùa nào thức ấy. Thỉnh thoảng cô cháu tôi đào một bụi tróc giong (giong riềng) hoặc rang vài lẻ thóc nếp cắn chắt những buổi tối ngót dạ. Tôi không phàn nàn về chuyện ăn uống. Vào tuổi tôi hồi ấy ăn gì cũng ngon. Cơm nguội rang bằng nồi đất, rắc vài hạt muối, nắm lại thành mấy nắm chim chim đã ngon tuyệt, chẳng cần phải có mỡ. Mỡ là của hiếm, cô Gái chỉ mua thịt ngoài chợ đôi ba lần một tháng, mỗi lần một hai lạng tây.
Cô Gái bực bội khi biết cô Nhung, thỉnh thoảng lại dấm dúi cho tôi khi củ khoai lùi, khi bắp ngô nướng. Bà coi đó là sự phỉ báng lặng lẽ đối với bà. Nhưng tôi biết, khi cho tôi những món quà nhỏ bé đó cô Nhung chẳng nghĩ gì tới tác động của chúng tới bà em họ giàu trí tưởng tượng.
Tối đến, thấy vắng mặt tôi, cô Gái biết ngay tôi ở bên nhà bác Hai Thực. Bà gọi tôi ồi ồi. Cô Nhung phải ra cửa nách nói chõ sang, giọng nịnh nọt:
- Cô cho cháu nó đọc kinh bên này với tôi.
Sau buổi đọc kinh tối, cô Nhung còn cà rầm cà rì kể chuyện cho lũ cháu tới khi chúng tôi lần lượt lăn ra ngủ khì trên ổ rơm của bà.
Cô Nhung kể chuyện về những người đã chết trong ngôi nhà của bố mẹ bà. Cô Nhung kể dài dòng hơn cô Gái, kém mạch lạc hơn. Những người mà giọng nói hụt hơi của bà nhắc tới vừa sinh động, vừa đáng ngán. Họ là những người vui vẻ tinh nghịch, nhưng đáng ngán vì họ làm toàn những việc không đâu, chẳng nhằm mục đích gì, rồi biến mất khỏi thế giới này không để lại cái gì.
Sáng ra, tôi trở về nhà với nhiều nốt muỗi đốt trên mặt.
- Có màn không nằm, thích nằm ổ rơm - cô Gái lắc đầu- Mày rồi đi ăn mày, cháu ạ, mày không biết chọn cái sướng.
Nhưng tôi vẫn bị cuốn hút sang nhà bác Hai Thực.
Về mùa Đông, những buổi sáng có nắng ấm, cô Nhung gọi tôi sang:
- Cháu đưa áo đây, cô bắt rận cho.
- Để cháu bắt lấy.
- ừ, ngồi đây mà bắt với cô. Gớm, chúng nó cắn quá sức lẽ mình, làm cả đêm cô không chợp mắt.
Tôi cởi áo, ngồi xuống thềm. Cả nhà bác Hai Thực đã ngồi sẵn ở đấy thành một hàng. Chúng tôi chăm chú và say mê lùng bắt những con rận cụ đen như trâu, những chú rận nhép trắng trong với một chấm máu tí xíu giữa bụng. Chúng nép mình trong những nẹp áo, nẹp quần, bấu chặt vào các đường chỉ khâu sần sùi. Túm được một con là anh Cu Bé reo ầm lên:
- Một anh kềnh.
- Lại một nhép.
Tiếng reo của anh Cu Bé làm cô Nhung sốt ruột. Cô ngừng bắt, hướng cặp mắt mờ đục lúc nào cũng rỉ nước về phía Cu Bé:
- Mày được bằng nào rồi, Cu Bé?
- Tính cả con này nữa là hai mươi bảy, cô ạ.
- Vậy mà cô được có tám con.
Cô Nhung thở dài, đặt cái áo xuống, quài tay ra sau đấm lưng
Cô Nhung bắt rận chậm lắm. Đôi tay nhăn nheo như những đốt xương bọc trong chiếc găng da mềm màu vàng xỉn dò dẫm theo nẹp áo, chốc chốc lại chìa cái áo rách cho tôi:
- Cháu tinh mắt, nom hộ cô có phải con nhép không?
- Không phải đâu, cô ạ! Cái sợi chỉ lỗi nó gồ lên đấy.
- Cô cứ ngỡ con nhép, gậy mãi gậy mãi không được. Anh Cu Nhớn được bằng nào rồi?
- Ba mươi hai, cô ạ.
- Còn cái Phương?
- Cháu không đếm. Mà lắm lắm.
- Cái tang rét năm nay rận ra nhiều quá thể. Năm ngoái năm kia ít hơn nhiều.
Cô Nhung kết luận. Sự kiện này rồi sau sẽ nhảy vào trong những chuyện kể của bà.
Bác Hai Thực giai sốt ruột, quay vào trong nhà lấy ra một cái chai, trải chiếc áo trắng đã hoàn toàn trở thành cháo lòng lên nền gạch, rồi dùng sức mạnh của đôi tay gầy guộc lăn qua lăn lại trên từng nẹp áo. Ngồi gần, tôi nghe thấy tiếng rận và trứng rận bị đè bẹp, nổ lép bép. Những người đàn bà đưa nẹp áo, nẹp quần lên nhằn từng đoạn một.
- Thày kể cái đoạn Triệu Tử Long đi thày.
Chị Phương cầm lấy cái chai bác Hai vừa đặt xuống, làm theo bố.
Bác Hai Thực đằng hắng lấy giọng, để mọi người chú ý, rồi thủng thẳng:
- Lúc bấy giờ Triệu Tử Long mới một mình một ngựa, tả xung hữu đột quay lại tìm A Đẩu...
- A Đẩu là con Lưu Bị, thày nhẩy?
- Lặng nghe thày kể nào. Thằng Cu Bé, cứ cắt ngang.
- ừ, A Đẩu là hoàng tử, con trai của Lưu Bị - bác Hai Thực chiều cậu út, giảng giải - Cứu được A Đẩu rồi, Triệu Tử Long lại phải phá vỡ bảy lần trùng vi mới đưa được cậu cả nhà ta ra ngoài. Các người phải biết, vậy là khó vô cùng là khó. Thử ngẫm mà xem, phải cắp một thằng bé vào nách, lại vừa phải đánh nhau chí mạng.
- Lạy Chúa tôi? - bác Hai Thực gái kêu lên - Kẹp vào nách thế thì có mà chết tiệt.
- Bà rõ dở hơi? - bác giai bực bội - Kẹp phải có ý chứ, kẹp mà chết con người ta thì còn nói chuyện gì.
Không có ý thì nằm ngủ với con cũng đè chết con. - cô Nhung bình phẩm - Như con dâu nhà Tám ở xóm Cố Hương đấy, ngủ say thế nào mà đè chết con bé thứ hai.
- Triệu Tử Long mang được A Đẩu về dinh. - bác Hai Thực vội ngắt lời, biết rằng nếu ông không tiếp tục câu chuyện ngay lập tức, thì bà chị sẽ rẽ nó sang nẻo khác - Các người bảo rồi sao? Lưu Bị cảm ơn rối rít, ban ân, ban tứ chăng? Thăng chức cho Triệu Tử Long chăng? Đừng hòng nhá. Lưu Bị mới tóm luôn lấy cẳng thằng bé, phùng má trợn mắt quăng đi?
- Lạy Chúa, chết tươi thằng bé chứ còn gì?
Bác Hai Thực giai nguýt bà chị gái nói "Các người sao mà tối dạ làm vậy!". Rồi bác hạ cố giảng giải:.
- Chết thế nào được mà chết. Các người chẳng có hiểu gì suất. Thế vầy: ở đời này, phàm đã có vua là phải có nịnh thần. Lưu Bị tính chán rồi, ném con đi, khắc có khối thằng đỡ.
- Nhưng ném con đi như vậy để làm gì, thày?
- Lưu Bị ném con đi rồi mới giậm chân mà rằng: "Chẳng há vì một thằng bé này mà ta mất đi một tướng tài ru!". Để làm gương cho các tướng, Bị ta sai tả hữu lôi Triệu Tử Long ra chém.
- Ngữ ấy có đem trôi sông cũng đáng - bác gái chép miệng - Làm vua mà bất nhân quá. - Tội nghiệp cái anh chàng gì Long ấy. Rõ làm ân nên oán, làm bạn thiệt mình, dại ơi là dại.
Bác Hai Thực giai lừ mắt nhìn bà chị.
- Kể chuyện cho các người tức anh ách. Đang kể thì đâm ngang, đang kể thì đâm ngang.
- Thày kể nốt đi thày - anh Cu Nhớn giật giật quần bố.
- Thôi, chẳng kể nữa. Nói với các người bằng vạch đáu gối ra mà nói còn hơn. Rõ chán chuyện. Người ta ném con là để ra cái điều quí tướng. Người ta ra lệnh chém tướng cũng là để phô cái sự quí ấy. Quí thì thương, thương quá hóa giận, có vậy, chứ ai định chém thật. óc các người rõ bằng óc đất.
Bác Hai Thực đứng lên, mặc áo rồi đi vào nhà. Giọng bác nói rằng bác không thèm kể thêm chuyện gì cho bọn óc đất nữa.
- Vậy, cái giống vua nó thâm ra quỷ, chúng bay ạ. Cô Nhung nói to để ông em có thể nghe rõ lời khen của bà.
ở trong nhà vang lên tiếng điếu ống tanh tách rồi một làn khói lam nhạt bay ra ngoài như một đám mây nhỏ, từ từ trườn vào trong nắng.
Hồi ấy, những con rận chẳng làm phiền tôi bao nhiêu. Tất nhiên, chúng có làm tôi ngứa ngáy. Nhưng tôi ngứa đâu có phải chỉ vì rận. Tôi còn có cả chấy và đôi lần còn bị ghẻ nữa. Được cái ở làng tôi, người ta không coi cái đó là điều hệ trọng. Danh giá nhất trong làng có dễ là cha xứ. Vậy mà tôi đã thấy trong lúc đi làm phúc cho kẻ liệt, cha đã gãi sồn sột, và kín đáo thả xuống đất một con gì ông túm được.
Bác Hai Thực trong mắt tôi là một người có học vấn uyên thâm. Hứng lên, bác có thể kể chuyện Tam Quốc hoặc Thủy Hử hàng tháng liền, mỗi tối một ít. Chúng tôi ngồi quanh bác, miệng há ra, thán phục và thích thú. Tôi chỉ bớt phục bác khi bắt đầu đọc những cuốn truyện được đóng lại từ những mảnh cắt ra trong các tờ báo, mà lúc bấy giờ người ta gọi là nhật trình.
Bác Hai Thực cho tôi mượn những cuốn sách bìa giấy bản phất cậy với lời dặn:
- Chớ có làm rách. Sách này còn quí hơn vàng.
Tôi leo lên cây sung ở vườn sau, đọc trốn cô Gái. Cô Gái không biết chữ, nhưng đủ thông minh để phân biệt sách kinh với các thứ sách khác mà cô coi tuốt là nhảm nhí. Khi tôi đọc xong một cuốn, tôi trả bác Hai Thực để mượn cuốn tiếp. Bác tôi trân trọng và trìu mến quết những tờ bìa dày cộm mà nhựa cây đã làm cho nó cứng như mo, nhẹ nhàng đặt chúng vào trong tráp rồi đậy nắp lại. Cái tráp của bác lúc nào cũng ở trên giường, kể cả lúc bác buông màn đi ngủ.
- Cái anh Tiều Cái với lại cái anh Tống Giang nào có ra quái gì! Bác bình phẩm - Việc gì cũng toàn đàn em làm ráo, vậy mà lại nghiễm nhiên hưởng tiếng thơm anh hùng. Ngẫm ra, thiên hạ nói cấm có sai: thần thiêng nhờ bộ hạ. ở đời này, thế mới biết, ít cái sự công bằng lắm thay!
Bác rít một hơi thuốc lào cho tới khi viên thuốc cháy đỏ tụt hẳn vào trong nõ. Bác nhìn khói thuốc vật vờ trước mặt, không nhìn tôi. Bác không nói chuyện với tôi mà nói to ý nghĩ của bác.
- Lưu Bị cũng vậy. Trương Phi mới thực là người giỏi, chúng bay ạ, phải cái nóng tính quá?
Rồi thở dài, bác lắc đầu thương Trương Phi.