Ngay trước sân nhà ông bà nội tôi là một ngôi nhà dài tới bảy gian, nếu tính cả cái chái làm chuồng lợn. Nó quay cái lưng bằng đất nhồi rơm đã xơ xác, nhiều chỗ đã bục, về ba gian nhà trên. Đó là nhà bác Hai Thực.
Cụ nội tôi sinh được ba con trai. Ông thứ hai sinh ra bác Hai Thực. Trái với vẻ tĩnh mịch và hoang vắng của ngôi nhà ông bà nội tôi, ngôi nhà rách đàng trước mặt ồn ào sự sống. Cối xay ù ì suốt ngày, cối giã gạo nện thình thịch cho tới tận đêm khuya. Khi tiếng giã gạo lắng xuống, tiếng xa quay lại nổi lên vè vè như tiếng ve sầu. Bác Hai Thực thuộc lớp nhà nho cuối cùng. Như mọi nhà nho thất thế, bác tôi không động tay động chân đến việc gì. Mọi việc bác phó mặc vợ con.
Bác Hai Thực nghèo, thứ nghèo được gọi là "rớt mồng tơi. Rau mồng tơi nhớt (rớt), nhưng tại sao cái nghèo lại liên quan tới cái nhớt đó, tôi không hiểu. Chắc hẳn, người nghèo thường chỉ được ăn rau mồng tơi nên có câu ví đó. Nhưng nếu vậy thì nó cũng chẳng hoàn toàn đúng với nhà bác tôi. Bát canh mồng tơi nấu cua đồng cũng vẫn còn sang. Hèn nhất có dễ là canh sung nấu muối, món này là thường xuyên trong nhà bác, cũng như món sung muối vậy (người ta muối quả sung như muối cà).
Không một thước tư điền, cả nhà trông vào mấy sào công điền bé bỏng, chẳng bao giờ đúng với kích thước được ghi trong sổ địa bạ, lại toàn là chân chuột với chân trũng. Như mọi nhà trong làng, nhà bác Hai Thực làm nghề hàng xáo và nghề dệt vải. Giữa nghề nông và hai nghề nói trên không có sự phân biệt chính phụ. Về sau này, cái sự nhập nhằng ấy còn làm khổ mấy ông cán bộ kinh tế của nhà nước quen nếp nghĩ rạch ròi, ưa bắt mọi sự chui vào trong những khuôn khổ do mình đặt ra. Họ ngẩn người: "Cái làng này là làng gì? Nông nghiệp hay thủ công nghiệp?". Hai nghề này, lúc cái này lên, lúc cái kia xuống, nhưng cả hai cộng lại cũng đủ nuôi sống con người vào lúc kinh tế ổn định. Nhưng kinh tế luôn luôn không ổn định. Bác giai đổ cho "kinh tế khủng hoảng", bác gái cam chịu "một sợi tóc rơi xuống cũng không ngoài ý Chúa".
Ngay ngày hôm sau khi tôi về quê, anh Cu Nhớn đã mở cửa nách sang rủ tôi:
- Chú Thư! Đi chơi đi!
Anh Cu Nhớn hơn tôi một tuổi, nhưng chỉ cao bằng tôi, suốt ngày cởi trần, trên bộ ngực lép kẹp lủng lẳng một cây thánh giá mạ kền đeo vào một sợi tơ se cáu ghét.
- Chơi gì!
Tôi hỏi trống không, chăm chú nhìn bộ mặt đen đủi, lấm tấm rỗ hoa.
- Trốn tìm. Chơi không?
Tôi lắc đầu.
- Ô ăn quan?
Tôi lắc đầu.
- Giải gianh?
Tôi lại lắc. Nói chung, trò chơi của trẻ con nhà quê chẳng có gì thú vị. Thậm chí, chúng trầm trồ ngắm nghía một hòn bi ve, không biết thế nào là đồng xèng.
Anh Cu Nhớn cắn móng tay một lúc rồi rủ tôi đi câu. Tôi gật đầu.
Hóa ra cái trò chơi này thực là thú vị. Nhưng nó lại chẳng thú vị gì đối với anh Cu Nhớn. Anh dửng dưng. Anh rủ tôi là vì anh nghĩ đối với tôi nó là trò chơi, còn với anh nó là bổn phận. Anh phải kiếm cá cho bữa ăn của cả nhà. Nhà bác Hai Thực không phải hôm nào cũng có cơm. Có khi hàng mấy ngày liền cả nhà sống bằng hạt sản rang. Thứ cây này có lá giống lá me, hoa hình cầu trắng y hệt núm bông trong bộ đồ lấy ráy tai của thợ cạo, quả dài như quả bồ kếp, hạt tựa hạt đậu. Hạt sản rang lên có mùi thơm giống cám rang nhưng vị đắng, khó ăn. Tôi cho rằng hạt sản độc Có người nói nó trị được giun sán. Chỉ biết trong nhà bác Hai Thực chẳng có ai béo. Hết thảy đều rất gầy, bác gái thì chẳng khác gì một bộ xương biết đi. Thế nhưng, khi bác giai ra khỏi nhà, bao giờ bác cũng vận áo dài trắng, quần trắng, che ô trắng. Ông đi những bước chững chạc, tay giương thẳng ô, nghiêm trang đáp lễ những ai chào hỏi ông:
- Đa tạ. Chúng tôi vẫn được bằng an trong tay Chúa.
Cái sự bằng an sao mà khủng khiếp!
Anh Cu Nhớn đi câu trong sự bằng an ấy. Cầu Chúa cho cá cắn, nếu không anh sẽ bị quở mắng, và tôi đi với anh cũng cảm thấy mình có lỗi; tôi len lét tránh mắt mọi người. Anh Cu Nhớn có cái nhìn thương xót đối với tôi. Anh thương tôi không được ở với bố mẹ mà phải ở với cô Gái. Cô Gái là người thế nào thì anh còn biết rõ hơn tôi nhiều.
- Không được rủ nó đi nghịch đất, Cu Nhớn?
- Thằng Cu Nhớn, tao cấm không cho mày rủ nó bơi ở ao, chết đuối có ngày!
- Tao cấm tiệt...
Lúc nào cô Gái cũng có một cái cấm nào đó dành cho anh mỗi khi anh muốn rủ tôi chơi cùng. Anh Cu Nhớn giương cặp mắt ngây thơ nhìn bà, hai tay khoanh lại, hứa đủ điều và xin phép bà cho tôi sang chơi bên bác Hai.
Tôi có thể ngồi cả buổi bên anh Cu Nhớn để xem anh câu cá. Bờ ao nhà bác Cố Tuyển (người đứng đầu ngành cả) là cả một thế giới lạ mắt và thú vị. Những con chuồn chuồn ngô nhàn tản lang thang tìm chỗ nghỉ chân nhẹ nhàng hạ cánh xuống đậu nơi đầu cần câu của chúng tôi. Những con chuồn chuồn lửa lúc lắc hai con mắt to như hai hạt đỗ tương trầm ngâm trên những ngọn ý rĩ, thỉnh thoảng lại lấy chân lau mắt cho sáng thêm để thưởng ngoạn. Mấy bông súng trắng xinh xắn đung đưa gần mép ao. Những chiếc lá tre rơi lềnh bềnh trên mặt nước khẽ rùng mình mỗi khi có gió thoảng. Lũ thờn bơn với cặp mắt đen láy ngo ngoe trên mặt nước. Trên cao, một con bói cá xanh biếc ngồi yên lặng như một nhà hiền triết. Thỉnh thoảng, nó rời cành cây khô lao vút xuống nước như một mũi tên vừa rời cây cung, rồi lộn trở về đậu vào chỗ cũ, hai cánh xòe ra phơi gió. Trên làn nước gần như bất động, những con kéo vó lênh khênh nhẹ nhàng trượt qua trượt lại trong một điệu vũ khó hiểu. Tất cả thu hút tôi, còn anh Cu Nhớn thì thờ ơ, anh chỉ gắn chặt mắt vào những cái phao trắng muốt làm bằng cuống tỏi.
- Kìa, một cái phao bắt đầu động đậy; nó chúi xuống rồi từ từ cắm đầu đi sâu vào làn nước xanh.
- Nó cắn kìa?
Tôi nhắc anh. Nhưng anh Cu Nhớn không vội vã nhắc cần câu. ở lưỡi câu là một con tôm to, đen xì.
- Để làm mồi.
Anh nói và tàn nhẫn ngắt luôn đầu con tôm. Những cái chân tí xíu vô vàn dưới bụng nó còn chuyển động hồi lâu.
- Cái giống tôm chúa hay quấy. - Anh cằn nhằn - Mình định câu cá, y như rằng nó mò đến.
Một cái phao khác động đậy. Nó nhắp nhắp khe khẽ.
- Giếc! - Anh Cu Nhớn nháy mắt với tôi.
Bất thần, cái phao hơi chúi xuống. Anh Cu Nhớn giật mạnh, giật ngang từ trái sang phải, bằng cánh tay, chứ người anh không hề chuyển. ở đầu dây, đúng như anh nói trước, lủng lẳng một chú giếc lực lưỡng. Nó giận dữ thở rốc bằng cả miệng và mang, dữ tợn quật qua quật lại cái đuôi cáu kỉnh.
- Mồi tôm thì ngão thích. - Anh nhẩn nha giảng giải - Còn anh giếc này chỉ nghiện độc thứ mồi giun.
Cuối buổi, anh được một xâu cá, phần lớn là giếc. Anh cuộn cần câu lại, hài lòng.
Cái anh này kho khô ngon đáo để, cơ mà nấu canh sung bùi không chê được - anh nhúng cành tre non có những con giếc và ngão bị xâu từ mang ra miệng xuống ao cho sạch hết kiến lửa.
- Nhưng tôi giao hẹn với chú, đi câu với tôi là phải im như thóc. Nói chuyện, cá nó nghe thấy đấy.
Chẳng bao lâu sau anh Cu Nhớn đã chiếm được cảm tình của tôi hơn tất cả những người mà tôi gặp ở nhà quê cộng lại. Con người nhỏ bé này cư xử đĩnh đạc như một người lớn. Anh gọi tôi một điều chú hai điều chú với giọng tự nhiên và nghiêm trang của một người anh. Trong quan hệ đối với tôi, anh độ lượng và nhường nhịn. Anh cũng thuộc số những người rành lẽ đạo, nghĩa là thuộc kinh bổn, biết các sự tích trong Sấm truyền, cùng là các thứ linh tinh khác mà một con chiên lành không thể không biết.
Nhưng cái mà anh am hiểu hơn cả là nghề câu, nếu ta coi việc đi câu những con cá chép về cho bữa ăn gia đình cũng là một nghề. Với loài cá nước ngọt, theo thứ bậc to nhỏ tính những con bản to chỉ ở mức từ ba ngón tay trở xuống, anh hiểu biết các thói quen và tính nết chúng như thể anh sống với chúng vài đời người.
- Kỳ khu là anh chàng trôi - ta hãy nghe anh kể chuyện thế giới cá của anh - hắn ta thích mắm tôm vô cùng. Làm mồi cho hắn ta công phu nhất hạng. Phải giã gạo cho thật tơi bột, luyện bột với mắm tôm cho tới khi dẻo kẹo mới viên vào đầu lưỡi câu. Trôi không ăn mà cá khác đến rỉa là tan mất cái mồi, mồi bột không bền. Đại phàm ăn là anh giếc. Tôm ươn ư, mai cua ư, giun ư, tuốt tuột. Nhưng tôi đã nói với chú rồi đấy, nhất hạng đối với hắn ta vẫn là anh giun đỏ. Câu giếc chú phải có ý. Thấy phao mới nhắp nhắp hoặc chưa chúi sâu là giếc mới rỉa chứ chưa ngậm mồi... Nhìn phao biết cá gì cắn đã tài, nhưng anh Cu Nhớn của tôi còn thuộc cả tăm cá nữa. Nhìn tăm nổi lên mặt ao, anh biết ngay con cá nào đang đi dưới kia, dấu mình sau làn nước.
- Tăm nhiều mà dày, bọt to bằng dầu mũ đanh ghim là tăm giếc. Tăm chép to bằng đầu đũa, thưa, mà không nhiều. Tôm cũng thi thoảng đùn tăm, làm ta nhầm, đấy nó đấy, cái thằng phá đám.
Tôi phục lăn.
Mấy cái ao của họ hàng ở gần nhà hiếm cá dần. Chúng tôi rủ nhau đi câu trộm.
Câu trộm, hãy gạt bỏ tính chất phi đạo đức của nó, có cái thú đặc biệt. Nó giống như sự mạo hiểm, rất lôi cuốn đối với tuổi thơ. Để câu được kín đáo, có khi chúng tôi phải chui tọt vào một cái hang bằng rễ tre xúm xuê tua tủa trổ ra bờ ao (nước đã làm trôi đi, làm lở đi đất dưới chân bụi tre, nhưng những cây tre vẫn bám được nhờ sự quấn quít với những bụi khác) rồi thò cần ra mà câu. Khi giật được con cá to chúng tôi chỉ im lặng nhìn vào gương mặt rạng rỡ với đôi mắt sáng rực niềm vui của nhau mà biểu lộ sự khoái trá trong lòng. ấy thế mà, mặc dầu đã có nghệ thuật ẩn nấp cao, nhiều lần chúng tôi đã phải vác cần câu mà chạy như ma đuổi qua những vườn sau và ngõ hẻm giữa các nhà, trong tiếng chửi rủa té tát đuổi theo. May ở làng tôi người ta không chửi rủa quá chua ngoa, với những bài bản kinh khủng như ở phố Nhà Rượu. Người ta tránh không dùng những cách nói quá nặng nề hoặc dựng dậy những thế hệ cha ông đã nằm yên dưới mộ để bắt họ ăn những thứ không có bán ở chợ. Tôi đồ rằng họ sợ tội, họ sợ chết sa hỏa ngục nhưng họ phải chửi, bởi lẽ không chửi thì tức không chịu được Mà cũng rất có thể đó là do trong làng ngoài xóm với nhau, tính kỹ ra thì cũng họ hàng hang hốc cả lượt, chửi tổ tiên thằng câu trộm chửa biết chừng lại nhè đúng đầu tổ tiên mình. Lại có người đoán già đoán non biết kẻ câu trộm là ai, nhưng họ chỉ hét toáng lên, răn đe cho chúng tôi sợ, cho chúng tôi chừa. Vả lại, con cá mất bao giờ cũng là con cá to.
Anh Cu Nhớn không hề khoe khoang tài câu cá của mình. Nhưng trong bọn trẻ con chúng tôi, anh cứ nổi tiếng sát cá.
- Cái đứa sát cá là đứa nghèo suốt đời.
Cô Gái nói như vậy.
Hình như cô tôi đúng. Tôi chưa gặp ai sát cá mà giàu. Người đã sát cá thì không câu được cái khác trong cuộc dời.
Tôi không thể dừng được mà không kể các bạn nghe về cái thú đi câu đêm.
Tôi và anh Cu Nhớn, hai chúng tôi ngồi sát nhau, chăm chú căng mắt nhìn đốm lửa lân tinh của con đom đóm mắc vào phao. Mặt ao đen kịt như một hồ thuốc nhuộm. Những vì sao im lặng, khẽ xao động trong bầu trời thứ hai nằm dưới chân chúng tôi. Quanh chúng tôi, những con đom đóm sáng lên từng nhịp như mạch đập, bay vơ vẩn. Gió xào xạc trong những bụi tre.
- Suỵt!
Anh Cu Nhớn nhắc tôi khi tôi phát mạnh vào chân để giết một con muỗi.
Bóng đêm ôm lấy chúng tôi. Chúng tôi không bao giờ câu vào đêm có trăng. Trong tuần trăng cá không cắn, thảng hoặc có thì cũng lười biếng. Theo anh Cu Nhớn, khi trăng lên, cá đi nhởn.
Chúng tôi im lặng giật lên những con cá trê đen như bóng đêm. Chỉ có thể nghe thấy tiếng ộp ộp giận giữ của chúng khi chúng quật mình trên cỏ. Trong đêm tối, phải sờ soạng để tháo chúng khỏi lưỡi câu. Công việc này đòi hỏi sự cẩn thận và thói quen của người câu đêm - những con cá trê điên cuồng có thể nẻ cho những cái đau điếng và vết đòn thù này có thể sưng tấy lên nhiều ngày.
Anh Cu Nhớn không phải chỉ giỏi câu. Anh có những cần câu tuyệt vời, tự làm lấy. Hóa ra nghệ thuật làm cần câu chẳng đơn giản chút nào. Anh phải ngắm nghía, chọn lựa những cành tre đực thẳng và đẹp từ khi chúng còn ở trên cây, xanh rờn và mềm oặt. Phải chờ cho đúng đủ già, anh mới bắt, hơ lửa uốn cho thẳng rồi sau đó mới lấy dao thật bén mà gọt mấu. Gọt cũng phải nhẹ nhàng, không được phạm, nghĩa là vô ý để lưỡi dao ăn quá sâu vào thịt tre. Rồi gác cái cần câu đã được chế tạo lên ránh để cho khói và thời gian làm cho nó lên nước, sau đó hạ xuống đánh bóng bằng xơ tre, rồi ngâm xuống ao cho cần câu dẻo lại, khi ấy mới dùng được. Một cái cần câu như thế sẽ dẻo đến nỗi gặp cá to nó sẽ uốn mình cong vút tới tận cán nhưng không chịu gãy.
Dây câu làm bằng tơ mảnh chập lại rồi se cho thật săn ngâm nước nâu chát xít vài lần. Lưỡi câu uốn bầng dây thép các cỡ tùy theo loại cá. Nghệ thuật uốn lưỡi câu của anh Cu Nhớn cũng hết chê luôn. Tôi không hề phóng đại, đường cong của lưỡi câu có cái đẹp riêng của nó mà chỉ những người đã từng tự tay uốn lưỡi câu hoặc những người mê câu nhiều năm mới biết. Thành thử, bây giờ tôi nghi ngại nhìn những người câu bằng dây cước cong queo với cái lưỡi câu thô kệch sơn đen - con cá ngốc nào sẽ đâm đầu vào ăn mồi của một tay câu như thế?
Tôi không thể tự tay làm lấy bộ đồ nghề tuyệt vời như thế. Tôi có thể mượn anh Cu Nhớn vài lần, nhưng nhường tôi như vậy, số cá câu được hụt đi tỉ lệ thuận với số cần câu bị giảm sút. Tôi nóng được làm chủ vài cái cần câu như của anh Cu Nhớn. Tôi không dám xin anh, bởi vì tôi hiểu làm ra một cái cần câu tuyệt như thế anh phải tốn công thế nào. Tôi đưa cho anh hào bạc mà mẹ tôi giúi cho khi chia tay. Anh ngần ngừ đưa cho tôi cần câu đẹp nhất của anh. Cô Gái phát hiện ra việc mua bán đó. Bà hầm hừ:
- Thằng Cu Nhớn thế mà hỏng, ăn dỗ của em.
Anh Cu Nhớn trả lại tiền cho tôi. Tôi phải trả lại anh cần câu. Tôi tiếc hai cái cần câu đến phát khóc.
Nỗi đau khổ của tôi làm cho cô Gái mủi lòng. Bà hạ lệnh cho anh chỉ được lấy tôi năm xu:
- Năm xu là đắt rồi. Đáng lẽ mày phải cho em, nó bé. Đồ tồi!
Anh Cu Nhớn bậm môi lại, nghe lời cô.
Người lớn thường có cái tật là can thiệp vào lẽ công bằng của trẻ con. Năm xu hai cái cần câu như thế là quá rẻ.
Bọn trẻ trong làng vẫn bán cần câu cho nhau và giá một cái cần câu bằng cái anh Cu Nhớn chế tạo ít nhất cũng phải một hào.
Tôi lén lút đưa nốt năm xu cho anh Cu Nhớn. Anh không lấy. Nói thế nào cũng không lấy. ít lâu sau, anh còn cho tôi hai cái cần câu tôm nữa. Chắc anh nghĩ rằng cô Gái nói phải, nhưng có lẽ anh sợ cô thì đúng hơn.
Có nhiều người không tin có sự câu tôm. Vậy mà nó có đấy. Cần câu tôm vót bằng mảnh tre đực già, cật nhiều, thịt ít hoặc giả bằng nứa ngâm loại tốt. Đầu cần phải vót rất mảnh, chỉ nhỉnh hơn đầu que tăm một chút. Vậy mà khi gặp cá lớn quá sức chịu của cần câu, nó hay gãy ở phần dưới chứ không gãy ở đầu.
Dây câu tôm là thứ dây đặc biệt. Đó là một sợi tóc nguyên vẹn, rất dài, không được phép nối. Vào thời bấy giờ, tóc dài là một trong những vẻ đẹp của nữ giới. Có người tóc dài đến nỗi mỗi khi gội đầu phải đứng lên ghế để thả tóc mình vào chậu nước bồ kết. Thứ tóc tốt nhất là tóc đen, óng và mượt. Tóc rễ tre bề ngoài có vẻ mập hơn, chắc hơn, nhưng lại dễ đứt. Để có những dây câu tốt cho những cần câu tôm của mình, chúng tôi phải thuộc hết tóc của các cô gái làng. Trong việc đi sưu tầm tóc tôi quan sát nhiều loại tóc khác nhau và có một phát hiện lý thú là tóc người cũng nói về chủ nó chẳng kém gì đôi mắt, giọng nói, gương mặt hoặc dáng đi. Nhưng nói về phát hiện này thì quá dài, đành phải để dịp khác.
Tôi ngạc nhiên về độ bền dai của tóc người. Nó mảnh mai là vậy, nhưng không hiếm lần tôi đã giải lên khỏi mặt nước những con mương bản lớn bằng hai ngón tay bằng thứ dây câu kỳ lạ ấy. Gặp cá to, tất nhiên là so với con tôm, tim tôi nhảy lên trong lồng ngực, tay tôi run lên, cái cần câu uốn cong tới tận cán, sợi tóc căng như dây đàn, tưởng chừng nó đứt đến nơi, rồi vụt một cái, con mương đã vật mình trên cỏ lấp lánh ánh bạc.
Nhưng thú nhất đối với người câu hay sốt ruột như tôi là câu cá rô ron. Anh Cu Nhớn có cái nhìn khinh khỉnh đối với những ai thích câu dễ dãi. Tôi đành câu một mình. Mùa hè, ao nào cũng đầy cá rô ron. Chúng to bằng ngón tay cái, bằng ngón chân, màu vàng ngả sang xanh, với một chấm đen ở đuôi. Đó là lũ cá trẻ con, rất hiếu động và rất ngây thơ. Từ dưới đáy ao chúng ve vẩy cái đuôi tí xíu phóng vút lên mặt nước, đớp một ngụm không khí rồi khoái trá lặn xuống tung tăng đi chơi trong nước xanh. Những con rô mẹ vô tư, tưởng con mình đã lớn chúng mặc cho con cái vui chơi, không hề chăm sóc, không cần bảo vệ.
Tôi vỗ một con ruồi đậu ở chân, mắc vào lưỡi câu rồi quăng xuống nước. Con ruồi nhẹ bổng cộng với cái lưỡi câu bé nhỏ bằng thép go nổi trên mặt nước, cả sợi dây câu bằng tóc cũng xếp ngoằn ngoèo bên cạnh. Tôi quên không nói, để câu cá rô ron tôi dùng cần câu tôm. Con ruồi không chết ngay, tôi cố ý vỗ nhẹ để cho nó chỉ bị ngất đi, nó vẫy cánh loạn xạ trên mặt nước. Cái vật động đậy liên hồi đó kích thích tính tò mò của một con cá rô ron, có khi cả hai ba con một lúc. Một con dạn nhất, hoặc tham ăn nhất, ve vẩy đôi vây mỏng tang, bơi bổng lên, lưỡng lự vài giây rồi lao tới con ruồi như một làn chớp vàng. Con ruồi đã bị đớp gọn; nó lao ngược trở lại, cũng nhanh như thế. Cái cung cách kiếm ăn như một tên cướp giật chẳng bao giờ cứu nó thoát cái giật nhẹ nhàng của tôi. Chỉ một lát ngồi câu tôi đã được vài xâu cá rô ron.
- Chúng nó là trẻ con, chưa có trí khôn..
Anh Cu Nhớn không khen khi tôi câu được nhiều những con cá nhóc nhách ấy.
- Được bữa rán đấy - tôi chống chế.
- Ra cái gì? - anh nói.
Tôi còn thích câu cá mương. Giống cá này có nhiều ở con ngòi chạy quanh co từ chợ vào sâu trong làng. Cá mương cũng thích mồi nổi như cá rô ron, nhưng mồi mỡ sống được chúng ưa nhất. Thứ mồi này tiện, bắt hàng chục con mà vẫn không phải thay. Cá mương cũng ham mồi, nhưng chúng đùa bỡn chung quanh mồi nhiều hơn ăn.
- Câu mương làm gì, chú. Thịt nó nhão, mà tanh. - Anh Cu Nhớn nhận xét.
Anh Cu Nhớn chê cá mương tanh, chứ nấu canh sung cũng ngọt. Anh không thích câu mương là vì anh chê cái sự câu dễ dàng, như anh chê câu cá rô ron vậy.
Cá tanh nhất phải kể cá lằn đất. Nó to bằng cá ngão, hình dạng tựa cá ngão, nhưng dẹt mình, lưng có ánh xanh. Anh Cu Nhớn ghét thậm tệ cá lằn đất. Buổi câu nào mà giật phải hai con lằn đất là anh cuốn câu, đi về.
- Cái giống này xúi quẩy nhất hạng. - anh giải thích - Nó cắn đầu buổi là đừng hòng câu, tôi nghiệm như vậy.
Tôi trố mắt nhìn anh. Anh Cu Nhớn của tôi thực uyên bác, thực từng trải, thực sành sỏi.
Trái với điều tôi chờ đợi, cô Gái tỏ ra hài lòng khi thấy tôi mang cá về nhà. Bà lăng xăng làm cá, rán ròn cá rô ron trong cái xanh đất, ăn béo ngậy. Nhưng rán thì tốn mỡ, bà kho khô trong niêu đất, vùi tro cho tới khi cá khô cong, xương mục ra, ăn bùi và ngọt lịm.
Thế rồi, một hôm cô Gái bảo tôi ở nhà câu với bà. Hóa ra cô Gái cũng có một cái cần câu giắt ở chái chuồng lợn. Thế mà tôi không hề biết. Cô Gái câu rất vụng. Bà luôn làm vướng dây câu vào các cành cây ở bờ ao. Chốc chốc tôi lại phải lấy sào gỡ cho bà, có khi phải trèo lên để gỡ. Một lần bà giật quá mạnh, lưỡi câu mắc phải gộc tre hay cành củi nằm dưới ao, dây câu đứt luôn. Tôi đành bấm bụng hy sinh, lấy cho bà cái lưỡi câu dự trữ mà anh Cu Nhớn tự tay uốn cho tôi. Mà ao nhà tôi nào có cá. Đó là một ao tù phủ đầy bèo Nhật bản, cá cũng có nhưng chỉ có mấy con chuối, mấy con cá rô cụ. Thành thử sự hy sinh của tôi cũng bằng thừa. Bà câu được mấy con săn sắt. Tôi chỉ thích những con săn sắt trong lọ được vài buổi. Trong bộ cánh sặc sỡ, chúng bơi qua bơi lại trong phẫu đựng đường sứt miệng, ra cái điều hãnh diện, nhưng rõ ràng là những con cá háu ăn, ngu ngốc và đoảng vị. Có thể câu săn sắt bằng thứ dây câu tồi tệ nhất, tầm thường nhất, bằng chỉ trắng cũng xong, cả lưỡi câu cũng vậy, một cái đinh ghim uốn cong là đủ, chúng vẫn cắn như thường. Chẳng bù với những con cá rô cụ. Khi đã ở tuổi già, cá rô có đức tính thận trọng đáng kính phục.
Cô Gái ghen tị nhìn tôi mang những con cá từ nơi khác về Bà biết tôi không muốn câu với bà. Mà bà thì muốn câu. Vì buồn, chứ không phải vì muốn được cá.
Tôi vẫn lang thang với anh Cu Nhớn. Nếu biết tôi đi câu cô Gái chẳng cho tôi ngồi lâu. Có khi vừa tìm được một chỗ nấp kín đáo, cái phao đầu tiên vừa động đậy, anh Cu Nhớn đã huých tôi:
- Cô Gái gọi chú kìa?
Tôi lắng nghe. Từ phía nhà tôi vẳng lại tiếng réo của bà. Đã không gọi thì thôi, chứ đã gọi thì bà làm như hò đò sông cái:
- Thư ơi, Ơ Thư? Thưuư ơơơiii!
Tôi cuốn cần câu lại, thở dài.
Cô Gái chờ tôi ở thềm, sừng sững như một cái phất trần:
- Đi đâu mà tao réo hết hơi mới chịu dẫn xác về, thằng kia? - bà thét lên - Ngữ mày rồi hỏng, tao truyền đời báo danh cho mà biết. Bé đi câu, nhớn đi hầu, già đi làm khách nợ.
Tôi cúi mặt xuống, nước mắt trào ra trước câu tiên tri tàn nhẫn về cuộc đời mình.