Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Dài >> Miền Thơ Ấu

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 40767 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Miền Thơ Ấu
Vũ Thư Hiên

X
Nhà thờ làng tôi là một trong những nhà thờ đẹp thuộc địa phận Bùi Chu. Người ta đánh giá nó đẹp có dễ vì bề thế của nó, vì sự sang trọng bên trong của nó, nhưng quyết không phải vì kiến trúc. Đó là một ngôi nhà kiểu nhà ở nông thôn rất lớn và rất cao, chia thành nhiều gian, mỗi gian trổ ra một cửa gô tích. Hai đầu hồi phẳng lỳ dâng cao hẳn lên với những phù điêu, họa tiết đặc trưng cho Thiên Chúa giáo, chót vót trên cùng là cây thánh giá rườm rà bằng xi măng cốt sắt. Riêng gác chuông mang cốt cách châu Âu. Châu á không có thứ gác chuông nào giống thế. Trước lối vào nhà thờ, lối sau, có một ngôi nhà xây lớn, thềm cao, lúc nào cũng đóng im ỉm, gọi là hội quán. Bên phải hội quán là một ngôi nhà dài, cũng là nhà xây nhưng không có thềm cao, gọi là trường học. Nhưng nó không phải là trường học theo nghĩa thế tục. ở đây người ta dạy kinh bổn, đồng thời là nơi hội họp của một tổ chức thiếu nhi trong bổn đạo, gọi là nghĩa binh.
Chao ơi, sao mà tôi thèm được trở thành một nghĩa binh đến thế? Nhưng tôi không thể vào nghĩa binh được chỉ vì một lẽ đơn giản: tôi không có áo dài trắng, quần trắng, mũ trắng đàng trước có một chữ thập đỏ. Những thứ đó là tiền cả. Cô Gái tôi muốn tôi trở thành một đứa trẻ ngoan đạo, nhưng phải bỏ tiền ra cho ý muốn đó thì bà tiếc. Tôi đành đứng nhìn đoàn nghĩa binh trong đám rước, những đứa trẻ cùng lứa vừa đi vừa nhảy nhót theo một điệu vui mắt vung những chiếc gậy ngắn và gõ chúng vào nhau theo nhịp trống, gọi là đánh rắc. Hoặc tôi phải đứng ở xa nghe những nghĩa binh đứng thành nhóm trong nhà thờ ngân nga trầm bỗng những bản thánh ca êm dịu. Để mau chóng trở thành con chiên lành của Chúa mà không tốn kém, cô Gái gửi tôi đến nhà trường để học kinh.
Thầy dạy kinh tôi là một thày già. Thày già không hề già chút nào, đó là một cách gọi những học sinh lớp cao của chủng viện giúp việc cha. Thày già này, một thanh niên xanh rớt và đạo mạo, chộp lấy tôi, đúng như cách người ta bắt những con vật lạc đàn.
- Bà cứ để cậu ấy cho tôi. Tôi khảo kinh xong, cậu tự về.
Hóa ra tôi thuộc kinh vào loại giỏi. Tôi giỏi là nhờ cô Gái và cái phất trần của cô. Thầy già chỉ dạy tôi thêm một số kinh dài và khó. Một thời gian ngắn sau đó tôi đã có thể đi thi kinh toàn xứ.
Ngày đi thi kinh là một ngày trọng đại. Tôi được mặc quần áo đẹp, được cô Gái nấu xôi cho ăn sáng và dẫn tới tận hội quán.
Chủ khảo là một thày già khác, một ông già thật sự, nhạc sĩ duy nhất của cả xứ đạo. Thày già thường chơi đàn ác-mô-ni-um trong nhà thờ. Mặt ngửa lên trần, ông nhẩn nha thả những ngón tay xương xẩu nhưng lại rất mềm mại xuống dải phím ngà, và cả nhà thờ tràn ngập âm thanh du dương của khúc nhạc ngợi ca Chúa.
Thày già chủ khảo hoàn toàn không khe khắt. Ông nghe tôi đọc kinh, đầu cúi thấp, mắt lim dim như buồn ngủ. Chỉ có một lần ông choàng tỉnh, nhắc tôi:
- Vườn Giệt-xi-ma-ni chứ không phải Dệt-xi-ma-ni!
Đó là lỗi của nhà in, không phải lỗi của tôi. Và lỗi của thày dạy kinh, ông đã không chú ý tới lỗi đó.
Tôi đỗ cao trong lần thi kinh đó.
Thày chủ khảo trịnh trọng trao cho tôi mấy quyển kinh và bổn bìa mỏng, một cuốn Phúc âm bìa da. Đó là phần thưởng của xứ đạo cho những đứa trẻ thuộc kinh nhất. Thi kinh chỉ có thưởng chứ không có phạt. Ai thi trượt thì học lại rồi thi lần khác. Mà để thuộc kinh chẳng cần trường lớp gì hết. Bằng chứng là cô Gái tôi thuộc làu làu mọi kinh, nhưng bà lại không biết chữ.
Cô Gái cầm mấy cuốn sách tôi được thưởng, cảm động như chính bà là người được hưởng vinh dự đó. Trong khi tôi thi kinh, bà đi loanh quanh đâu đó và quay lại hội quán chờ tôi. Cô Gái không dắt tôi về lối cổng nhà chúng tôi mà đi lối nhà bác Hai Thực. Bà không dằn lòng được để không khoe với ông anh họ, người đàn ông duy nhất của cả ba ngành còn ở lại trên đất đai của các cụ tố.
- Nhà đạo gốc, con trẻ trước nhất phải am tường lẽ đạo. Cháu nó thuộc kinh bổn được vậy là tốt lắm - bác nghiêm trang nói với bà em họ - Bao giờ cô tính cho cháu xưng tội lần đầu?
- Em định đến mùa chay, được không bác?
- Được
Bác Hai Thực phán. Được phán là một cơ hội hiếm hoi, nhất là đối với bà em khinh khỉnh.
Cô Gái tỏ ra sởi lởi. Cô cho tôi năm xu ăn quà. Tôi tự thưởng cho mình cái công học đến rát họng những bài kinh đáng ngán bằng cách đem cả năm xu mua sâu bà Cơ. Sâu là một thứ bánh rất độc đáo, có dễ chỉ ở làng tôi mới có. Nó là cái bánh rán tí xíu bằng quả trám hoặc củ ấu, làm bằng bột tẻ pha muối và rán trong chảo ngập mỡ. Sâu rất cứng, phải có bộ răng thật khỏe mới có thể nhai vỡ, sâu vỡ rồi phải nhai lâu mới tận hường được vị bùi và béo ngậy của nó. Nó là thứ quà rẻ tiền và là thứ quà tôi thích nhất trong quãng đời ở nhà quê của tôi. Bà Cơ, người sản xuất ra thứ sâu nổi tiếng đó là một bà lão nghèo, có căn nhà tí xíu ở sát cổng nhà bác Hai Thực. Mỗi khi chúng tôi đến mua, bà Cơ mở nút chĩnh, giốc vào lòng bàn tay nhăn nheo đến biến dạng của mình những con sâu vàng nhãy mỡ. Tôi không hiểu chính bà lão hay ai đó đã đặt tên cho thứ bánh nọ là sâu. Nó chỉ là tên gọi quy ước, bởi lẽ nó chẳng giống một con sâu nào. Bà lão đã lẩm cẩm, tôi hy vọng bà sẽ lầm lẫn khi đếm sâu cho tôi, nhưng cho tới khi tôi trở về Hà Nội bà lão chưa đếm nhầm tới một lần.
Cô Gái tỏ ra yêu tôi hơn hẳn sau khi tôi thi kinh. Bà còn tự hào về tôi nữa.
- Cháu nó thi kinh nhất xứ đấy? - bà khoe với họ hàng và những người mà bà quen, có thể khoe mà không trở thành lố bịch.
Bây giờ sáng chủ nhật nào hai cô cháu cũng đi lễ cùng nhau. Trước đó, tôi hay đi với các anh Cu Nhớn, Cu Bé hoặc Chị Phương. Chúng tôi bao giờ cũng đi lễ sớm, từ khi còn tối đất, để còn về kịp buổi chợ. Cô tôi bán thuốc viên ở chợ làng.
Tôi thích những buổi lễ sớm ấy, khi trong bóng đêm đang nhạt dần, con đường trước cổng nhà tôi bỗng nườm nượp bóng người và vang lên những lời chào hỏi niềm nở. Vào giờ ấy, thật đáng tiếc là chỉ vào giờ ấy, làng tôi bỗng trở thành một gia đình. Mọi người đều bộc lộ lòng yêu thương đối với nhau, và trong thâm tâm có dễ người ta chỉ mong cho nhau sự tốt lành. Chuông nhà thờ đổ hồi, vang vang, xua đuổi những mảng đêm cuối cùng còn cố thủ trong những ngõ hẻm, những tán lá rậm, những bụi cây thấp um tùm đầy gai góc. Nghe chuông gọi, ánh ban mai nhợt nhạt bay lên từ phương Đông, tô xanh dần bầu trời mỗi phút một mất đi màu tím. Những vì sao muộn chìm vào trong ánh sáng của một ngày mới. Trước gác chuông cao lồng lộng, những người đi lễ rẽ xuống những bậc đá rộng thênh thang dẫn tới mặt nước còn u tối của cái ao nhỏ để khỏa chân cho sạch trước khi bước vào ngôi nhà của Chúa. Mặt nước âm thầm nuốt chửng những bóng đen đi xuống với nó rồi lại nhả ra cho con đường lát gạch đang sáng dần lên dưới gác chuông. Bước mấy bậc lên thềm cao của nhà thờ, tôi thành kính khuỵu gối, đưa tay lên làm dấu. Bên mỗi cửa vào có một bông hoa đá trong đựng nước mát, có dễ là nước mưa, gọi là nước thánh. Nhúng mấy đầu ngón tay chụm lại vào đó, tôi đưa mấy ngón tay ướt lên trán, làm dấu lần nữa rồi bước theo cô tôi vào bên trong ngôi nhà của Chúa ở đó đàn chiên của Người đang rì rầm cầu nguyện.
Cô Gái bỏ tôi đi tới khu vực dành cho các bà, còn tôi thì tìm tới khu vực trẻ con. Anh Cu Nhớn và anh Cu Bé đã ngồi đấy; hai anh không bao giờ đi muộn hơn tôi. Tôi ngồi xuống bên anh Cu Nhớn, chắp hai tay lại, ngước mắt nhìn lên ban thờ Chúa.
Bóng tối mờ mờ ngự trị trong nhà thờ. ít phút sau một thày già cầm cây sào dài trên có mồi lửa chậm chạp đi thắp từng cây bạch lạp lớn trên bàn thờ, dưới chân các bức tượng, rồi đến các bức tượng trong các tòa gắn trên các cột, các ảnh thánh treo dọc nhà thờ, nhà thờ sáng dần lên cùng với mỗi ngọn bạch lạp được thắp và tiếng cầu nguyện cũng to dần khi đàn chiên Chúa đông thêm. Chuông nhà thờ lại đổ hồi báo tin lễ sớm bắt đầu.
Trên bàn thờ to lớn chiếm gần hết đầu hồi của ngôi nhà Chúa, lộng lẫy ánh vàng của các tòa như nhẹ bổng bởi ánh sáng lung linh của lửa bạch lạp. ở chính giữa là Chúa Giê- su Ki-ri-xi-tô khắc khổ và ưu tư. Đức Mẹ hiền hậu và khoan dung đứng bên dưới, kế đến các thánh tông đồ: ông thánh Phê-rô với chiếc chìa khóa mở cửa Thiên đàng đeo trước bụng, ông thánh Giu-se đầu hói, người cầu bầu cho bộ lạc thợ mộc và chồng của Đức Mẹ, ông thánh Gia-cô-bê, ông thánh Gio-an Bao-ti-xi-ta, ông thánh Ba-tô-lô-mê-ô... Các thánh tông đồ ngày một đông đảo, vì vậy ngoài vị trí trên bàn thờ chính, các vị còn phải đứng trong các tòa nhỏ hơn được đóng vào cột, được treo trên tường. Với vẻ mặt nghiêm trang đầy suy tư, các thánh có vẻ như không chú ý tới những lời nguyện cầu nhao nhao của đám con chiên đen đặc phía dưới. Các con chiên thì, để bắt các vị phải nghe cho rõ những lời van xin của mình, mỗi lúc một la to hơn nữa những bài kinh cầu của họ.
Lễ bắt đầu với hai cậu (hai đứa con trai làm công việc giúp cha hành lễ) trong bộ áo đen thùng thình và áo khoác trắng viền đăng tèn bao bọc cả ngực và lưng, kính cẩn bưng bình hương và chén lễ, từ bên trong cửa nách ở đầu hồi bước ra. Theo sau hai cậu là cha già, hoặc cha xứ, trong bộ áo lễ màu tím lấp lánh kim tuyến với hình thêu thánh giá vàng óng rất lớn ở lưng. Hai cậu đặt bình hương và chén lễ lên bàn thờ rồi lùi lại quỳ xuống trong khi cha tiến lên làm dấu thánh. Ông ngẩng cao mái đầu đội mũ lễ cũng thêu kim tuyến, giơ hai tay hướng về tượng Chúa Giê-su và các thánh, nói một tràng dài bằng tiếng la-tinh rồi quay lại đám con chiên, làm dấu ban phước lành cho họ. Những từ la-tinh lạ tai nhưng rất trang trọng sang sảng bay lướt trên đầu đám đông lúc này im phăng phắc, đập vào mái nhà thờ, rơi xuống và lập tức chìm nghỉm trong tiếng cầu nguyện một lần nữa lại nổi lên như sóng cồn.
Trong tuổi thơ, tôi đã say mê những buổi đi lễ. Chẳng bao lâu tôi đã trở thành một đứa trẻ siêng năng sự đạo đúng như lòng cô tôi nguyện ước.
- Thôi thì bố mày hỏng, nhà này còn được mày, cháu ạ.
Bà ôm tôi vào lòng, nói với tôi. Đó là khi nào bà yêu tôi lắm. Bình thường bà không ôm tôi vào lòng. Giữa hai cô cháu bao giờ cũng có một bức tường lạnh lẽo.
Về sau này, tôi hiểu ra rằng tôi đã say mê đạo Chúa và trở thành đứa trẻ ngoan đạo chính là vì cái gì.
Lễ diễn ra trong cảnh bài trí uy nghi lộng lẫy, trong tiếng ác-mô-ni-um trầm bổng, trong tiếng hát trong trẻo của những giọng đồng ấu ngân nga ngợi ca Chúa của muôn loài. Nhà thờ hơi mờ tối với vòm mái âm u được chiếu sáng bởi rất nhiều ngọn nến lung linh lửa ấm làm tăng thêm vẻ tôn nghiêm và huyền bí của ngôi nhà Chúa Cứu Thế, nơi hoàn toàn chẳng có gì dính dấp với cuộc sống trần tục, với những bận rộn không đâu, những niềm vui nho nhỏ và những đau khổ vẩn vơ so với cái hạnh phúc vĩnh hằng trên nước Thiên Đàng mà Chúa hứa.
Tôi mê tính chất sân khấu của đạo Thiên Chúa đến nỗi lập tức biến nó thành trò chơi.
Cùng với anh Cu Nhớn và anh Cu Bé, tôi bày một bàn thờ ở góc nhà, trên cái bàn con, rồi đặt lên đó tượng Đức Chúa Giê-su Lái Tim cao bằng cút rượu mà tôi mua ngoài chợ làng. Đế tượng là một viên gạch, còn vật trang trí là đủ thứ hoa mà chúng tôi có thể kiếm được, dâm bụt hái ngoài hàng rào, hoa tróc giong từ vườn sau, hoa đại ở vườn trước và cả hoa cứt lợn ở vạt cỏ ven bờ ao. Là kẻ khởi xướng trò chơi, tôi được đóng vai quan trọng nhất và được biểu diễn nhiều nhất: vai cha đạo. Anh Cu Nhớn và anh Cu Bé quết nước bọt nhường cho tôi vai đó. Để trở thành cha, tôi lấy tấm chăn sợi đỏ có sọc đen ở hai đầu của cô Gái, khoác lên mình; anh Cu Nhớn khéo tay dán lên đó cây thánh giá bằng giấy báo xát nghệ. Mũ của cha là cái đấu đong gạo được dán lên trên đủ mọi thứ giấy màu lòe loẹt trông rất ngoạn mục. Hai cậu giúp lễ - anh Cu Nhớn và anh Cu Bé - cũng trong những quần áo tự tạo như thế, hai tay thành kính chắp trước ngực, cầm hai cây bấc trắng muốt giả làm bạch lạp. Y hệt như ở trong nhà thờ, thoạt đầu hai cậu trang nghiêm từ trong buồng cô Gái bước ra. Tôi theo sau, vừa đi vừa túm góc cái chăn sợi bướng bỉnh cứ nhất định xõa xuống lê lết trên mặt đất. Đứng trước bàn thờ, tôi trịnh trọng làm dấu thánh, hai cậu lui lại phía sau, quỳ xuống. Rồi quay lại với đàn chiên tưởng tượng, tôi giơ hai tay chĩa về Chúa trên trời, như một cha chính cống.
- Miăn tôm kho càkhoo... cákhooo...! Miăn miho mihen mi chết bỏ kề nhà miii... A-me.e.e.n.n...!
Tôi lấy giọng nghiêm trang trầm bổng để đọc câu kinh giả La-tinh mà tôi học mót ở những kẻ báng bổ đạo Chúa. Buổi lễ cũng kết thúc ở đó. Chúng tôi chưa kịp chia xẻ với nhau niềm vui thành công thì cô Gái không biết từ đâu đã nhảy bổ vào, cái phất trần lăm lăm trong tay. Chúng tôi không nghe thấy tiếng bà gọi cổng. Hoặc chúng tôi quá mải mê nên không nghe thấy, hoặc bà tự mở được cổng (bà biết cách tự mở nó), nhưng bà đã vào được nhà đúng vào lúc chúng tôi hành lễ.
Giê-su Ma-ri-a? - nữ thần trừng phạt của chúng tôi hét lên, lạc giọng - Chúng mày chết với tao, quân báng bổ!
Hai cậu giúp lễ rúm người lại, run như cầy sấy.
Tôi lúng túng trong chiếc áo lễ định co cẳng chạy thì giẫm phải góc chăn, ngã lăn chiêng. Lập tức trận mưa phất trần đổ rào rào xuống người chúng tôi.
Trận đòn của con chiên mẫu mực đánh con chiên ghẻ thực là khủng khiếp.
Anh Cu Nhớn và anh Cu Bé cũng bị, nhưng nhẹ hơn tôi. Cô Gái còn để phần cho bác Hai Thực. Với tôi, bà đánh thẳng cánh. Khắp người tôi đầy lằn roi. Của đáng tội ở đoạn đầu trận đòn, cái áo lễ đã tỏ ra phép lạ của nó. Cán phất trần của cô Gái giáng xuống chỉ gây ra những tiếng bồm bộp. Nó giảm nhẹ rất nhiều hiệu quả của hình phạt. Nhưng cô Gái rồi cũng hiểu ra phép lạ của tấm chăn. Bà lột phăng nó ra và tiện thể cả cái quần của tôi. May cho tôi, cô Gái đã thấm mệt và những đòn giáng xuống mông cũng không còn được nặng tay.
Cô Nhung nghe tiếng chúng tôi khóc, lật đật chạy sang. Đến khi bà giang cả hai tay ôm ba đứa cháu vào lòng để đỡ đòn và cũng khóc ré lên cùng với chúng tôi, cô Gái mới ngừng tay.
Cô Nhung dắt chúng tôi về nhà bác Hai Thực. Cô Gái sang theo, mặt hầm hầm mách bác Hai Thực. Bác Hai Thực đỏ mặt lên, vớ lấy cái roi mây tiếp tục quần thảo với hai anh tôi.
- Giê-su? Tội nghiệp cháu tôi! - cô Nhung thều thào, cái miệng không còn răng của bà trễ ra, mắt bà đỏ hoe - Ai lại dại vậy, cháu? Sao lại dám báng bổ như vậy? Cô Gái đánh cháu là phải, cháu hư thì phải đánh, nhưng đánh thế nầy thì quá sức lẽ mình. Yên, yên cô xoa cho nào.
Bàn tay nhăn nheo của bà xoa đều trên người tôi. Mùi dầu quất thần hắc đến cay mũi. Một giọt nước mắt đục lăn ra khỏi con ngươi mờ tối của cô Nhung, rơi trên ngực tôi, làm dịu đi rất nhiều cảm giác đau đớn. Tôi thổn thức, ôm chặt lấy bà.
- Lúc cô bé, cô có bị đánh không cô?
Tôi hỏi bà khi cơn đau lắng xuống.
- Có chứ! - cô Nhung chép miệng, tay vẫn không ngừng xoa cho tôi - Trẻ con bao giờ chả bị đòn. Bà sinh ra cô ấy, bà đánh luôn. Ông ít đánh, nhưng đã đánh thì đánh rất dữ.
- Ông có đánh bác Hai không?
- Bác cũng bị ông đánh. Có lần, ông đánh bác từ giường trên lăn xuống giường dưới. Lạy ông, ông cũng không tha.
Lạy Chúa tôi, cái trận ấy ông đánh mới dữ làm sao!
Giọng đều đều, như khi bà đọc kinh, cô Nhung dẫn tích về trận đòn mà bác Hai Thực phải chịu khi còn là trẻ con. Như mọi câu chuyện của bà, nó nhạt nhẽo, không có sinh khí, nhưng nó xoa dịu những vết đau, cả ngoài da và trong lòng.
Tôi giận Đức Chúa Giê-su vô cùng.
Trong trận đòn ghê gớm của cô Gái đổ xuống đầu chúng tôi ông có mặt ở đó, ông nhìn thấy hết, nhưng ông chỉ đứng ỳ ra, lặng lẽ và khoe khoang chỉ vào trái tim đỏ chói đang bốc lửa trên ngực ông mà chẳng hề làm lấy một nửa phép lạ nào để cứu tôi. Mà tôi đã tin tưởng ở ông biết mấy, tôi đã cầu nguyện biết bao nhiêu để xin được ông che chở phần hồn cũng là phần xác.
Tôi giang thẳng cánh đập Đức Chúa Giê-su Lái Tim vào lưng vách. Bức tượng đất nung vỡ tan, để lại những vệt bụi đỏ trên vách và nhiều mảnh vỡ dưới đất.
Mặc dầu tượng Chúa Giê-su là tượng chưa được cha làm phép, nhưng vì quá sợ hãi, anh Cu Nhớn đã làm một hành động phản bội đối với tôi - anh mách cô Gái. Nhưng trái với sự chờ đợi của anh Cu Nhớn, cô Gái khiếp sợ đến thất sắc, đến rụng rời chân tay. Bà ngồi bệt xuống ngay chỗ nghe được tin dữ, úp mặt vào đầu gối mà khóc hu hu.
Anh Cu Nhớn trốn biệt. Nhưng cô Gái tìm ra anh. Không hề hỏi những chi tiết của vụ phạm tội, bà cởi hầu bao cho anh hẳn một hào.
- Cháu chớ nói với ai nhá! - bà năn nỉ - Cả thày mẹ cháu, cả cô Nhung. Chớ. Im tắp, nghe chửa?
- Thưa cô, vâng ạ.
- Vậy cháu kêu tên Chúa mà thề đi!
Trong mười điều răn có một điều cấm kêu tên Đức Chúa Lời vô cớ. Nhưng đây là một cớ lớn, trọng đại, chẳng thế mà cô Gái đã hành động khác hẳn thường ngày, anh Cu Nhớn liền làm dấu thánh mà thề sẽ giữ kín điều bí mật khủng khiếp nọ.
Sau khi dàn xếp với anh Cu Nhớn, cô Gái cũng không quên cho tôi một trận. Trận này so với trận trước còn dữ hơn rất nhiều, nhưng cô Gái cẩn thận đã đánh tôi ở gần chuồng lợn, cách xa tai hàng xóm. Tôi không được phép ra khỏi nhà cả tuần.
- Tao sẽ giả mẹ mày! - cô Gái rít lên, đay nghiến tôi - Thằng vô đạo đốn đời, thằng chết sa Hỏa Ngục, tao sẽ tống mày đi cho khuất mắt để khỏi ô danh nhà đạo gốc. Ôi, thằng quỷ, con cháu của Sa-tăng, của Luy~xi-phe!
Bà đến quỳ hàng nửa buổi trước tòa Đức Mẹ để tạ tội vì trong nhà bà có một thằng cháu hư đốn đến thế. Vì chuyện đó, việc xưng tội lần đầu của tôi phải hoãn lại. Mặc dầu luật đạo cấm không được giấu giếm điều gì khi xưng tội, nhưng tội của tôi quá ứ gớm ghiếc, nên cô Gái quyết định để nó chìm vào quá khứ. Bà tin rằng mặc dầu cha có nghĩa vụ giữ kín tội lỗi mà con chiên xưng với mình, nhưng rất có thể ông sẽ nổi nóng đến mức ông sẽ lên tòa giảng mà rao to cho cả làng biết cháu bà Gái đã làm việc gì. Cô tôi không chịu đựng nổi mối nhục lớn đến như vậy. Anh Cu Nhớn đã giữ lời thề với cô Gái. Nhưng anh băn khoăn.
- Chú phạm tội trọng. - anh nói, giọng đứng đắn, hệt như một người lớn - Cô Gái cho tôi một hào là để tôi đừng nói tội của chú cho ai biết. Tôi nể cô, nhưng như vậy là tôi cũng phạm tội. Khốn cô bắt tôi kêu tên Chúa mà thề rồi, tôi sẽ không nói ra đâu. Có điều, chú cầm lấy đồng hào cô đưa cho tôi đi. Tôi cầm, tội tôi nặng thêm.
Anh đưa cho tôi đồng hào. Rõ ràng, anh Cu Nhớn đã phải trải qua một cuộc đánh nhau dữ dội với bản thân. Tôi nhìn thấy trong mắt anh nỗi buồn và sự tiếc rẻ. Nhưng anh cương quyết đưa nó cho tôi. Tôi rất thích đồng hào, nhưng cử chỉ của anh Cu Nhớn làm tôi lây cái sợ của anh.
Sau một hồi lâu nhùng nhằng, cái đầu bị thịt của tôi đã cho ra một sáng kiến. Tôi rủ anh Cu Nhớn dùng một hào đó mua sâu bà Cơ và hai chúng tôi sẽ ăn chung. Tội thì đã tội rồi, không có cách nào gỡ lại được, anh Cu Nhớn cũng phải nhận như vậy, nhưng nếu chia nó làm hai thì hiển nhiên tội sẽ nhẹ hơn. Chúng tôi thết cả anh Cu Bé lẫn chị Phương số sâu bà Cơ, họ cũng sẽ gánh đỡ chúng tôi một phần tội cũng nên.
Anh Cu Nhớn ngần ngừ. Nhưng rồi anh xiêu lòng trước lý lẽ của tôi. Và tất nhiên, trước cả sự cám dỗ của sâu bà Cơ
Thời gian trôi qua, tôi không thấy mình bị Đức Chúa Giê-su trừng phạt. Hoặc giả ông độ lượng, không thèm chấp trẻ con, hoặc giả ông cũng không linh thiêng như người ta khẳng định. Dù sao thì sau vụ này, quan hệ giữa tôi và Chúa cũng đã bị rạn nứt.

<< IX | XI >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 418

Return to top