Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Trung Hoa >> Sử Trung Quốc

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 81851 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Sử Trung Quốc
Nguyễn Hiến Lê

Chương III ( 2)

Họa phiên trấn
Từ thời Cao tôn, nhà Đường đã thường bị các rợ Đột Quyết quấy phá ở biên giới. Tới đời Huyền tôn, phải bỏ chính sách trung ương tập quyền mà tăng quyền cho các miền biên thùy, đặt ra 10 quan tiết độ sứ để phòng ngự các rợ cho có hiệu quả[6]. Các tiết độ sứ được cấp nhiều binh lương, lại được giữ quyền dân chính, tài chính, lần lần trở thành những quân phiệt mạnh mẽ. Thời đó cơ hồ dân tộc Trung Hoa chưa có tinh thần quốc gia, coi các rợ đã Hán hóa ít nhiều là người Hán, không phân biệt, nghi kị, mà ngoại nhân nào được triều đình Hán dùng thì cũng tự coi mình là người Hán. (Trong vụ loạn An - Sử, An Lộc Sơn và Sử Tư Minh đều là người Hồ, ngoại nhân, Quách Tử Nghi là người Hán - cả ba đều là Tiết độ sứ - nhiều tướng dưới quyền Tử Nghi cũng là Hồ).
Họ càng ngày càng lộng quyền, thu được thuế không nộp về triều đình mà giữ lấy chi tiêu, đặc biệt là để nuôi quân lính họ tuyển. Có nơi họ truyền chức cho con, không nhận tướng sĩ triều đình; có nơi lại giết cả chủ trấn mà lên thay mà vẫn được triều đình phong quan tước cho. Từ 750, trung ương không còn quyền hành gì cả, sinh ra cái nạn “trong nhẹ ngoài nặng”. Họa An, Sử là một hậu quả của chế độ đó. Để dẹp loạn An, Sử, triều đình phải nhờ quân Hồi Hột, cởi được họa này thì lại đeo cái họa khác. Quân Hồi Hột không chịu rút về mà đều ở cả kinh đô, buộc Trung Hoa phải mua ngựa của họ với một giá đắt và trả bằng tơ lụa. Triều đình phải nuôi chúng, và chúng như làm chúa tể Tràng An, khi ở thì cướp bóc, khi rút lui thì vơ vét.
Nhưng ngoài việc dẹp loạn cho nhà Đường, Hồi Hột còn làm cái phên che cho Trung Quốc, ngăn rợ Thổ Phồn. Khi họ bị nội loạn suy đi, thì Thổ Phồn mạnh lên, làm khổ cho Trung Quốc hơn nữa. Khi Thổ Phồn vì nội loạn mà suy đi thì rợ Nam Chiếu (ở Vân Nam ngày nay) nổi lên, hãm Giao Chỉ, vây Thành Đô (Tứ Xuyên), xâm lược hoài. Các tiết độ sứ không hăng hái diệt họ, chỉ khi nào thấy nguy mới ra quân, rồi kể công với triều đình, binh phí một, thì họ bắt triều đình phải cung cấp ba, quốc khố càng rỗng.
Họa hoạn quan.
Họa này còn lớn hơn họa phiên trấn vì nó ở ngay tại triều đình.
Mới đầu nhà Đường thấy cái họa hoạn quan ở các triều trước, nên không cho chúng dự việc nước. Nhưng từ đời Túc tôn lại tin dùng hoạn quan; và 2 đời sau, họa phiên trấn càng lớn, Đức tôn không tin cậy các quan văn võ nữa, chỉ chuyên dùng hoạn quan, cho chúng chủ quản đạo quân Thần sách, từ đó thế lực chúng mạnh lên, mới đầu chỉ can thiệp vào việc triều chính, sau quyết định mọi việc. Số hoạn quan lên tới 3.000, vây cánh của chúng rất lớn, chẳng những các triều thần ở trong tay chúng mà các tiết độ sứ cũng là môn hạ của chúng nữa.
Khi vua Đại tôn lên ngôi, tên trùm hoạn quan ra lệnh cho ông: “ông cứ yên ổn ở trong cung cấm, việc ở ngoài để lão nô này lo liệu cho.” Đại Tôn bất bình những phải nuốt hận.
Chúng phế vua, giết vua, lập vua. Đa số các vua cuối đời Đường đều do chúng lập nên cả: Kinh tôn, Văn tôn, Võ tôn, Hi tôn, Chiêu tôn. Một tên hoạn quan vì vậy xưng là “Định sách quốc lão” (bậc quốc lão quyết định việc nước) và gọi vua là “môn sinh thiên tử”, coi vua chỉ là hạng môn sinh của nó.
Có một, hai ông vua như Hiến tôn, Văn tôn, thấy tủi quá, mưu tính với vài đại thần, tìm cách trừ chúng, đều thất bại. Văn tôn phải than rằng: “Ta không bằng Noãn Vương nhà Chu, Hiến đế nhà Hán; các ông ấy bị cường thần áp bức, ta bị gia nô áp bức.”
Đúng. Trong số ba triều đại vẻ vang, văn minh nhất của Trung Quốc: Chu, Hán, Đường, thì Đường bề ngoài có vẻ rực rỡ nhất, mà bề trong loạn nhất, triều đình bê bối nhất, rồi mới tới Hán. Bọn hoạn quan hoành hành, giết hại kẻ hiền năng, bán quan buôn ngục, đục khoét dân chúng, bạo ác không sao kể xiết. Đó là một vết nhơ của chế độ quân chủ Trung Hoa.
4. Mạt vận của nhà Đường
Nỗi điêu đứng của dân.
Hơn một thế kỉ, từ loạn An, Sử, dân tộc Trung Hoa chịu đủ tai trời vạ người, nhiều nhất là vạ người. Vua thì xa xỉ (Hiến tôn cũng giống Huyền tôn), quan lại thì bất lực, tham nhũng, nội chiến rồi ngoại xâm, hết ngoại xâm thì bị ngoại nhân ức hiếp bóc lột, triều đình còn bóc lột mạnh hơn ngoại nhân nhiều, vì kho tàng nhà nước trống rỗng, phải tăng thuế liên miên, giá gạo tăng vọt lên nhất là những năm bị hạn, lụt, giặc giã: đời Thái tôn chỉ có 3 tiền một đấu, đời Huyền tôn 10 tiền, đời Đại tôn 1.400 tiền, đời Hi tôn 3.000 tiền.
Triều đình tăng thuế nhưng dân nghèo quá không thâu được phải xoay cách khác: Cướp tài sản của các ngoại nhân (người Hồ) làm giàu nhờ buôn bán. Bọn thương nhân đó hay tin đem gởi một số lớn của cải vào các chùa chiền, giáo đường. Muốn cướp những tài sản đó, Võ Tôn, năm 843 cấm tất cả các tôn giáo đã được truyền vào Trung Quốc (coi mục sau), kể cả Phật giáo lúc đó đã thành quốc giáo. Các tu sĩ phải hoàn tục hết, ăn mặc như người Trung Hoa, đãi ngộ như người Trung Hoa và chịu pháp luật của triều đình. Hàng ngàn chùa bị đóng cửa, các tượng Phật phải nộp cho triều đình để đúc tiền. Đất cát, tiền bạc của nhà chùa bị tịch thu hết, mà số đó rất lớn vì các đại thương gia, đại điền chủ đã đem gởi vào chùa để khỏi chịu thuế. Phật mà giàu quá thì cũng bị nạn, huống hồ là thường nhân. Chỉ có những điện của Đạo giáo là được yên vì giới sĩ tộc có thế lực ở triều đình và trong nước hầu hết theo đạo đó và đạo Khổng. Đến đời sau, Tuyên tôn, lệnh cấm tôn giáo đó hủy bỏ, có thể vì Tuyên tôn mộ đạo mà cũng có thể vì chùa chiền và giáo đường đã rỗng không rồi.
Năm 874, vua Hi tôn thấy dân khổ quá, nổi loạn ở khắp nơi, xuống chiếu tự kể tội mình với quốc dân: tội gây binh đao, bắt lính khắp nơi, bắt dân chở lương hàng ngàn dặm, đánh thuế xe, thuế ngựa, bắt dân làm xâu, phải bỏ hoang ruộng đất... Ông còn tự nhận là có tội giết chóc vơ vét dẫn đến nỗi dân phải tha hương cầu thực, chết đường chết chợ... Nhưng trễ quá, loạn đã nổi lên khắp nơi rồi.
Loạn Hoàng Sào.
Mới đầu, năm 860, nổi ở Chiết Giang, đông tới 3 vạn, chỉ vì đói. Triều đình phải ba lộ quân, toàn là lính Hồi Hột, Thổ Phồn (không dùng lính Hán) đi tiễu trừ, bao vây một thành; nông dân trong thành, già trẻ trai gái đều chống cự kịch liệt; giữ thành được 3 tháng, tới khi hết lương thực mới chịu thua.
Năm 862 xảy ra một vụ loạn nữa ở Từ Châu; năm 868, một vụ nữa ở Quế Châu, triều đình phải cầu cứu với rợ Sa Đà (Đột Quyết); nghĩa quân uất ức, mắng triều đình là “quốc tặc”, đem rợ vào giết dân.
Cuộc khởi nghĩa lớn nhất của nông dân đời Đường xảy ra năm 875, một năm sau bài chiếu của Hi tôn.
Một nông dân, Vương Chi Tiên, lãnh đạo 1.000 dân, nổi loạn ở Hà Bắc, một miền rất giàu ngũ cốc. Vương được Hoàng Sào giúp sức. Hoàng thi tiến sĩ rớt, làm nghề buôn muối, rất giàu, viết văn hay (thảo hịch mạt sát bọn hoạn quan), ăn nói nhã nhặn, cưỡi ngựa giỏi mà múa gươm cũng rất khéo, rất ghét bọn quan liêu và giới sĩ tộc, được nông dân quí mến. Vương và Sào đều có tài tổ chức, chẳng bao lâu làm chủ miền Đông Hoa Bắc. Mấy tiết độ sứ chống lại họ không nổi vì quân lính có cảm tình với nghĩa quân, không ham chiến đấu. Triều đình lại phải nhờ rợ Sa Đà dẹp hộ. Sa Đà thắng, Vương bị chém. Hoàng Sào lên cầm đầu nghĩa quân, đưa họ xuống phương Nam, năm 879 chiếm được Quảng Châu, đốt thị trấn đó. Theo tải liệu của Ả Rập, có tới 12 vạn ngoại nhân chết trong vụ đó. Nghĩa quân trở lên phương Bắc với nhiều chiến lợi phẩm, lại bị quân Sa Đà chặn ở phía Nam sông Dương Tử. Nhưng ít lâu sau Hoàng Sào lại tiến lên Bắc, chiếm được Lạc Dương (880). Vua Hi tôn bỏ kinh đô, trốn vào Tứ Xuyên, Hoàng Sào bèn chiếm nốt Tràng An, lên ngôi Hoàng đế, quốc hiệu là Đại Tề. Lần đó là lần đầu tiên một phong trào nông dân do một thương nhân có học lãnh đạo thắng được giới sĩ tộc đại quan liêu, đại địa chủ.
Hi tôn lại phải cầu cứu với Sa Đà, do một tướng cũng là Sa Đà chỉ huy. Tướng đó có tài, trung với Hi tôn, được Hi tôn đặt tên cho là Lí Khắc Dụng. Khắc Dụng tấn công Tràng An, Hoàng Sào cầm cự được ít lâu, năm 883 thua, bị Sa Đà bắt được, giết. Vậy là cuộc khởi nghĩa của quân nổi dậy đó kéo dài được non 10 năm, khi dẹp được thì Đông đô Lạc Dương chỉ còn trên 100 hộ (mỗi hộ trung bình là 5 người).
Sau vụ Hoàng Sào tới vụ nổi loạn của tiết độ sứ Thái Châu tên là Tần Tôn Quyền, tàn sát, cướp bóc rất tàn nhẫn trong 5 năm; dân chúng phần thì chết, phần thì tiêu tán, có miền cả ngàn dặm không có một bóng người. Tần Tôn Quyền sau bị một hàng tướng của Hoàng Sào, cũng làm tiết độ sứ, tên là Chu Ôn dẹp. Vua đổi tên của Ôn là Toàn Trung.
Nhà Đường chấm dứt
Nhưng Toàn Trung mà lại không trung. Ít năm sau nhà Đường mất chính vì tay hắn. Sự việc xảy ra rất rất rối, mỗi sách tóm tắt một khác, chúng ta chỉ cần biết rằng Tràng An không yên, vua Chiêu tôn phải bỏ cung điện, lại Phượng Tường (Thiểm Tây) nương nhờ tiết độ sứ Lí Mậu Trinh. Toàn Trung đem binh tới vây, Mậu Trinh và Toàn Trung hòa giải với nhau rồi đưa vua trở về Tràng An. Tới kinh đô, Toàn Trung giết hết hoạn quan, được phong là Lương vương. Chẳng bao lâu hắn sai bộ hạ ám sát vua, đưa Ai đế lên, tự phong làm tướng quốc, rồi ép Ai đế nhường ngôi cho mình. Năm đó (907) nhà Đường chấm dứt, Toàn Trung thành vua Thái tổ nhà Hậu Lương.
Nhà Đường mất vì chính sách dùng tiết độ sứ, làm cho ngoài mạnh hơn trong, cán nậng hơn gáo; và cũng vì quá tin ngoại nhân, quên bài học của Tào Tháo (Tháo dùng quân Hồ để dẹp loạn trong nước rồi cho họ định cư ở phía Bắc, sau trị họ không nổi) nhờ các rợ Đột Quyết, Hồi Hột dẹp loạn để bảo vệ ngai vàng cho mình. Ngai vàng tạm giữ thêm được 100 năm nhưng nước nghèo, dân khổ, còn các rợ thì cậy công, hống hách với dân, chưa thời nào Trung Hoa suy nhược vua quan bị dân ghét và khinh như cuối đời Đường. Tổ tiên anh dũng thế, mà cháu chắt mươi đời sau sao tồi tệ thế!
Rợ Ngũ Hồ cuối đời Hán xâm nhập lần lần vào Trung Quốc, tới thời Nam Bắc triều làm chủ giang san, cuối đời Đường tuy không chiếm hẳn giang san mà thực sự làm chủ trong nước, các đời sau còn gây nhiều họa cho người Hán nữa.
5. Kinh tế - Xã hội
Nông
Ở trên tôi đã nói nhà Đường theo chính sách quân điền của các thời Bắc triều, Tùy; mỗi tráng đinh được phát một số ruộng (nhiều ít tùy miền và tùy triều đại), không được bán, khi già không làm được nữa hoặc chết thì trả lại cho triều đình để cấp lại cho người khác; ngoài ra được giữ một số (thường là 20 mẫu) thời đó gọi là “vĩnh nghiệp” làm của riêng, có quyền được bán[7]. Họ phải đóng thuế nhẹ thôi, được giữ một số lúa, vải lụa đủ ăn, đủ mặc, nhưng tráng đinh mỗi năm phải làm xâu 30 ngày và đi quân dịch một tháng.
Quân điền như vậy chỉ là “quân” với người nghèo; còn bọn vương công, đại quan liêu có công thì được cấp ruộng đất nhiều, hằng vạn, ức mẫu.
Chính sách đó có mục đích chiêu tập những kẻ lưu vong và dễ thu thuế, khác hẳn chủ trương của Vương Mãng đời Hán: san bằng sự giàu nghèo, ức chế bọn mạnh, không cho thôn tính kẻ yếu. Đời Đường cũng như đời Tùy, chính sách đó có kết quả tốt trong mấy chục năm đầu: sản xuất tăng lên, thuế má thu vô nhiều, dân số cũng tăng theo.
Nhưng dân số tăng lên thì không thể phát cho dân số ruộng như cũ nữa, được bao nhiêu mẫu nữa, mà phải giảm đi. Giảm tới một mức nào đó, dân không đủ sống thì phải đi nơi nào đất rộng dân thưa để làm ăn, và như vậy phải bán ruộng vườn của mình đi. Hoặc vì bệnh tật, trong nhà có người chết mà không đủ tiền lo thuốc thang, ma chay thì cũng phải bán đất. Bán thì bán cho chùa hoặc đại điền chủ. Bán rồi thì không được cấp đất nữa, thành dân lưu vong, vô sản, chỉ còn cách làm công cho chùa, cho đại điền chủ, như vậy không còn tên trong hộ tịch nữa, khỏi phải đóng thuế và triều đình mất một số thuế. Chùa và đại điền chủ (đa số là đại quan liêu) được miễn thuế, càng ngày càng giàu thêm, mà triều đình thì càng ngày càng nghèo, tới một lúc số thu của triều đình kém số thu của hai giới đó. Thế là chế độ quân điền tự diệt nó: chiêu tập lưu vong được một thời rồi lại tạo ra lưu vong, thu thuế được một thời rồi lại thất thu. Hoàn toàn thất bại. Tai hại nhất là số dân trong hộ tịch giảm đi, đã không thu thuế được mà cũng không kêu lính được, quân đội của triều đình ít hơn quân đội của tư nhân. Các tiết độ sứ từ đời Huyền tôn trở đi mạnh hơn triều đình chính vì vậy. Mà dân số sau vụ An Lộc Sơn giảm đi tới 2/3, một phần cũng vì số lưu vong nhiều quá, không còn trong hộ tịch, triều đình không cách nào làm thống kê được, chứ có lẽ nào dân chết nhiều tới mức đó, chỉ trong 7 năm, từ 53 triệu xuống 17 triệu (coi tiết Dân số ở dưới).
Vậy chính sách quân điền tưởng là tốt mà hậu quả lại xấu: dân nghèo càng nghèo thêm, kẻ giàu càng giàu thêm, ngược hẳn lại chủ trương “quân vô bần” của Khổng Tử. Các nhà cầm quyền tất thấy điều đó, mà không hiểu tại sao suốt từ đời Nam Bắc triều tới hết đời Đường không kiếm được một giải pháp nào khác.
Kĩ thuật canh tác đời Đường không tiến bộ hơn các đời trước, nhưng vì đất đai mở mang thêm ở phương Nam, lưu vực sông Dương Tử, Tứ Xuyên, nên sự sản xuất cũng tăng theo. Giữa thế kỉ thứ VIII, thời Huyền tôn chưa bị loạn An Lộc Sơn, số thu nhập của triều đình khá lớn: (theo Eberhard) trên một triệu tấn lúa để nuôi kinh đô, trả lương quan liêu; 27 triệu tấm lụa cho triều đình, cung điện và kinh đô; hai triệu quan tiền (mỗi quan là 1.000 đồng tiền đồng) để trả lương và chi tiêu cho quân đội. Số đó lớn hơn đời Hán nhiều.
Công
Công nghiệp tiến bộ, toàn là tiểu công nghiệp.
Đời Thái tôn, người Trung Hoa học được phép ép mía nấu thành đường của Ấn Độ; học được cách làm rượu nho (bồ đào tửu) của người Tây Vực truyền vào (Tây Vực trồng được nho); lại học được cách trồng cây bông vải của Nam Dương, do đó sản xuất được vải.
Nghề nấu muối, chế trà vẫn là những nguồn lợi lớn. Đời Hán trà còn là xa xỉ phẩm, chỉ nhà giàu mới dùng; đời Đường trà được trồng nhiều trong vườn, rồi cách chế, pha mới hoàn bị, thói uống trà mới phổ thông.
Người Trung Hoa đã biết cách sản xuất đồ sứ từ thế kỷ VI hay VII, nhưng tới đời Đường vẫn chưa chế tạo được thứ sứ trắng; tuy nhiên kỹ thuật đã tiến bộ lắm, đã nung được nhưng bộ trà (ấm, chén) khá đẹp.
Đáng kể nhất là sự phát minh nghề in.
Đời Hán, Thái Luân chế tạo được giấy; đời Tam Quốc một người dùng muội (khói) cây thông để chế tạo mực[8], có hai vật đó rồi, người ta nghĩ đến cách in.
Theo Will Duraut (sách đã dẫn) thì năm 1907, một người Âu, ông Aurel Stein, tìm được ở Đôn Hoàng (miền Tây Vực, nay là Cam Túc), trong động “Thiên Phật” (ngàn ông Phật), cuốn sách in cổ nhất hiện nay chúng ta được biết, tức cuốn kinh Kim Cương, trang cuối có mấy hàng chứ này: “Wang Chich (?) in ngày... (tức ngày 11-5-868) để phát không, vì nhớ đến công ơn cha mẹ”. Vậy thuật in xuất hiện trước năm đó đã khá lâu; Theo sách Trung Hoa, Tứ Xuyên là nơi nó phát triển trước nhất, và những cuốn đầu tiên in bằng mộc bản, đều là kinh; đầu thế kỷ thứ X nó truyền qua các tỉnh miền Đông và người ta bắt đầu in các kinh của Nho, Lão, nhờ vậy mà đời Tống triết học được truyền bá rộng, mà trí thức được phục hưng.
Một ứng dụng nữa của thuật in là giấy bạc. Cũng bắt đầu ở Tứ Xuyên từ thế kỷ thứ X.
Hoạt tự cũng là một phát minh của Trung Hoa. Vì họ không có tự mẫu, nên phải dùng tới 4 vạn hoạt tự, mới đầu bằng đất sét, đã xấu lại không bền. Tới cuối thế kỷ XIII, người Triều Tiên chế tạo được chữ đầu tiên bằng kim loại (đồng đỏ). Phát minh đó truyền qua Nhật Bản rồi mới trở về Trung Hoa, nhưng ở Trung Hoa mãi tới cuối đời Thanh người ta vẫn thích in bằng mộc bản hơn. Mặc dầu cách này chậm, người Trung Hoa cũng đưa ra được thị trường vô số sách. Từ 944 đến 1063, người ta in được mấy trăm bộ đoạn đại sử (sử chép riêng về một thời đại), mấy ngàn cuốn kinh Phật.
Được phát minh đó kích thích, văn học Trung Hoa hóa ra phong phú lạ lùng, tiến trước phong trào Phục Hưng ở Ý tới hai thế kỷ.
Thương
Thương nghiệp rất phát đạt. Có thời tiền của triều đình đúc không đủ cho dân chúng dùng, hóa hiếm, lên giá, dân đúc tiền giả. Thương nhân họp nhau thành những hội, phát ra những giấy chứng nhận rằng một thương nhân nào đó đã ký thác một số tiền nào đó; những giấy chứng nhận đó được lưu hành như giấy bạc ngày nay. Người ta lại đặt ra một loại “phi tiền” (tiền bay) như hối phiếu (lettre de change) ngày nay. Một thương nhân ở Chiết Giang chẳng hạn đem trà lên kinh đô Tràng An bán, lời được nhiều; mà các quan lại ở Chiết Giang phải chở tiền thuế thu được về nộp kinh đô. Thương nhân đó gởi tiền cho một viên quan đại diện cho tỉnh mình ở kinh đô và nhận một biên lai, viên quan đó lấy tiền đó nộp thuế cho tỉnh. Trở lại về tỉnh mình, thương nhân trình biên lai cho viên quan ở tỉnh mà lấy lại tiền. Cách đó có lợi cho sự buôn bán.
Về ngoại thương có hai trung tâm thương mại lớn. Phía Bắc là Tràng An. Ngoài con “đường lụa” mở trở lại nhờ Thái tôn đặt lại cuộc đô hộ Tây Vực, còn nhiều đường khác thông các nước Tây Á, đưa đến Ấn Độ, Đông Âu. Nhờ những con đường đó mà ngoại thương phát đạt: Lụa và ngọc Trung Quốc đổi lấy ngựa của Tây Vực, đà điểu, vũ nữ và những đồ lụa của Ấn Độ, Ba Tư, Ả Rập. Miền Nam phong phú hơn miền Bắc, có ba khu: 1. Khu hạ lưu sông Dương Tử nhiều ngũ cốc, và tại đó xuất hiện những lò nung sứ đầu tiên; 2. Thượng lưu sông Dương Tử có mỏ muối, trà và nghề in (trà đời Đường đã được thông dụng, Lục Vũ đã viết cuốn Trà kinh chỉ nghệ thuật uống trà; và nhiều thương nhân làm giàu về trà); 3. Và khu Quảng Châu thịnh nhất nhớ buôn bán với các nước ngoài bằng đường biển. Thuyền buôn Trung Quốc phía Đông đến Tân La (Triều Tiên), Nhật Bản, phía Tây qua Ấn Độ, đến vịnh Ba Tư, Hồng Hải, nhờ gió mùa Tây Nam (gió bấc), ghé Chiêm Thành, Mã Lai, Tích Lan, Ả Rập. Thời đó là thời vua Haroun Al Rachid trong tập truyện “Ngàn lẻ một đêm”.
Có thể nói đầu đời Đường, Trung Quốc nắm giữ thương quyền ở châu Á, rồi sau quyền đó mới vào tay người Ả Rập. Quảng Châu là nơi người ngoại quốc tụ họp đông nhất. Ở trên tôi đã nói Hoàng Sào năm 867 đốt phá, cướp bóc thị trấn đó, giết tới 12 vạn người Hồi giáo, Do Thái, Ki Tô giáo... Tài liệu Ả Rập đưa ra con số đó còn nói rõ rằng triều đình Trung Hoa căn cứ vào số đó để thu thuế. Đầu thế kỷ VIII, Quảng Châu đã có một ty Thị Bạc để quản lý các thuyền buôn. Bao nhiêu vật lạ: ngà voi, tê giác, san hô, ngọc trai, đồi mồi, quế, hồi, long não... tụ tập ở đó để chuyển lên miền Bắc.
Nghề buôn rất phát đạt nên mặc dầu Trung Hoa có chính sách “ức thương”, có truyền thống coi thường con buôn, mà trong các giai cấp quý tộc và sĩ tộc cũng không thiếu gì người không trực tiếp thì gián tiếp “làm ăn” để mau giàu, và một khi “phú địch quốc”, thì có thể cho cả vua vay tiền, ai mà dám khinh?
Dân số - thị trấn
Ở trên tôi đã nói đầu đời Đường dân số là 15 triệu, đời Huyền tôn là 53 triệu, sau loạn An Lộc Sơn chỉ còn 17 triệu.
Những con số đó tính theo sổ hộ tịch triều đình lập để thu thuế, cứ mỗi hộ trung bình có 5 người, nhân số hộ với 5 thì được số dân. Nhưng có hạn dân quyền quý được miễn thuế, có hạng bần hàn cũng khỏi phải đóng thuế, lại có hạng lưu vong, có hạn trốn thuế vào ở chùa hoặc vào làm công trong một đồn điền của một đại điền chủ, những hạng đó đều không ghi trong hộ tịch, cho nên phép tính trên (nhân số hộ với 5) chỉ cho biết số người phải đóng thuế chứ không phải số dân. Theo Fitzgerald, số dân 53 triệu đời Huyền tôn ít nhất phải nhân lên gấp hai, và ông đưa ra con số 130 triệu (sách Li Che Min đã dẫn). Thuyết của ông có lý và có lẽ tất cả những con số từ đời Hán đến đời Đường chúng tôi đã đưa ra cũng đều phải nhân lên với hai.
Thị trấn lớn nhất đời Đường là Tây Kinh Tràng An.
Theo Eberhard thì kinh đô đó có thời đông tới 2 triệu. Thị trấn chiếm một khu hình chữ nhật, một chiều 9,7 cây số, một chiều 8,6 cây số, ở phía Đông Nam kinh đô đời Hán. Những chi tiết đó hợp với bản đồ Trường An (coi trang sau) in trong cuốn Li Che Min của Fitzgerald. Chắc chắn thị trấn đó lớn nhất Đông Á, có thể lớn nhất thế giới thời đó nữa.
Nó nằm ở bờ phía Nam sông Vị, gồm ba phần: Phía Bắc là cung điện với khu thành nội, phía Nam là khu của dân chúng. Chung quanh có lũy bằng đất.
Khu dân chúng có 11 đại lộ từ Đông qua Tây và 14 đại lộ từ Bắc tới Nam, tất cả đều thẳng góc với nhau, chia thành 108 xóm, mỗi xóm lại có một lũy tre đất bao chung quanh với 2 hay 4 cổng, ban đêm đóng. Những nơi đông đúc nhất là dọc theo đại lộ chính giữa đưa từ Bắc xuống Nam, và xóm chợ Đông và Tây, chỗ có cửa hàng và nhà của các thương nhân ngoại quốc. Có trên ba chục ngôi đền, chùa lớn.
Phía Bắc, ngay trên bờ sông Vị là một vườn thượng uyển mênh mông, trong đó năm 634 cất thêm một cung nữa, cung Đại Minh, nơi ở của vua, gồm ba chục lâu đài cách biệt nhau, rải rác trong vườn. Lâu đài rộng nhất (77,6 mét x 130,4 mét) có một cái nóc lớn chống bằng 164 cột. Trong một góc vườn có sân chơi polo (mã cầu: cưỡi ngựa mà đánh cầu), trò chơi này người Trung Hoa bắt chước của người Ba Tư.
Phía Bắc sông Vị có khu mộ địa của hoàng tộc. Mỗi ông vua khi còn sống cho xây trước một cái lăng cho mình.
Những vật khai quật được gần đây (gương đồng, cây trâm cài tóc, đĩa chén, tượng nhỏ bằng ngọc, đồng...) cho ta biết được đời sống xa hoa của mỗi hạng người sống trong cung thời đó, từ các cung phi bó chân (cuối đời Đường tục bó chân đã bắt đầu lan rồi), các vũ nữ, nhạc công, tới bọn người chơi polo, bọn tôi tớ, bọn giữ ngựa đi những cái ủng thật rộng, mũi quặm, râu quặm, rõ ràng là gốc ở Tây Vực.
Tràng An thời đó là nơi tụ họp của đủ các giống người: Nhà sư Ấn Độ, tu sĩ đạo Cảnh giáo, con buôn Samarcande, quân lính Đột Quyết, sinh viên Nhật Bản…
Dân bốn phương tụ lại: Thư sinh lên kinh để thi tiến sĩ, người đậu rồi thì đợi bổ dụng; bọn hảo hán đi tìm nhà quyền quý biết dùng mình; thương gia buôn muối, trà, thuốc bắc, quan lớn ở tỉnh về kinh để bệ kiến... Cao lâu, tửu điếm, trà thất, kĩ viện mọc lên như nấm, ồn ào suốt đêm tiếng ca tiếng nhạc.
Cả một xã hội thích ca nhạc, mĩ nhân và thơ. Con buôn cũng biết làm thơ. Mê thơ nhất có lẽ là kĩ nữ. Một số ít có thanh, có sắc lại biết làm thơ thì nổi danh khắp nước; không biết làm thơ thì ít nhất cũng thuộc thơ của danh sĩ đương thời.
Phong trào thích thơ bắt đầu từ đời Trung tôn. Ông đặt ra lệ thi thơ trong ngày Thượng nguyên (rằm tháng Giêng). Ngày đó các quan lớn quan nhỏ ở tỉnh, cả thường dân nữa, ai tự thấy mình có tài làm thơ thì đều đổ xô tới Tràng An để thi hoặc xem người ta thi thơ. Một đoàn dài do hoàng tộc dẫn đầu và gồm đủ các giới trong xã hội, diễn qua các đại lộ. Các cô công chúa cưỡi ngựa con, gẩy đàn. Dân chúng bu lại coi. Vua cho dựng trong vườn thượng uyển một cái đài trang hoàng bằng gấm. Mỗi vị đại thần phải tới trình một bài thơ mình mới làm để ca tụng triều đại.
Tới đời Huyền tôn, phong trào còn mạnh hơn nữa. Chính Huyền tôn đón Lí Bạch vào cung để làm thơ, cho nên các công chúa cũng tranh nhau tiếp đón thi nhân và lầu son gác tía của họ là nơi hội họp của các nghệ sĩ.
Ngay bọn ca nhi mà cũng hào phóng xuất tiền ra đặt tiệc đãi thi sĩ Vương Xương Linh, Vương Chi Hoán, Cao Thích. Họ hãnh diện rằng thuộc được nhiều thơ mà thi sĩ còn hãnh diện hơn nữa, khi thơ của mình được nhiều nàng ngâm hơn cả, và bạn bè tôn mình là thi thiên tử. Thật là hoàng kim thời đại của bọn tài tử, giai nhân.
Đại khái đời sống giới phong lưu ở đô thị như vậy, còn đời sống dân gian thì đọc thơ Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị chúng ta sẽ biết được ít nhiều.
6. Văn hóa
Triết học - Tôn giáo.
Đời Đường, Nho giáo thích hợp với chế độ quân chủ, lại được trọng, có lẽ còn hơn đời Tây Hán nữa. Năm 637, vua Thái tôn tôn Khổng Tử làm Tiên Thánh, Nhan Hồi làm Tiên sư, cùng thờ với Chu Công ở nhà Thái học. Năm 739, Huyền tôn xuống chiếu truy thụy Khổng Tử là Văn Tuyên vương. Nhưng Nho học thì lại chỉ thịnh về mặt văn chương và khoa cử, còn về mặt tư tưởng thì rất sút.
Chỉ hai nhà có chút ít cống hiến cho đạo Nho là Hàn Dũ và môn sinh của ông, Lí Cao. Khi Hiến tôn rước cốt Phật về thờ, ông dâng sớ can, lời mạnh mẽ; bị đày đi Triều Châu nội trong một ngày. Ông chỉ công kích cái hình thức bề ngoài của Phật giáo, đứng về phương diện chính trị, xã hội mà xét ảnh hưởng tai hại của Phật giáo tới quốc gia: Chùa mọc lên nhiều quá, điền sản của chùa chiếm tới 1/3 toàn quốc, có tới 2 triệu tăng ni và không biết bao nhiêu người trốn lính, trốn thuế, gởi thân, gởi của cải vào chùa, làm cho nước nghèo và yếu đi. Ông đề cao Nho giáo nhưng tư tưởng không có gì sâu sắc. Trong thiên Nguyên đạo bảo bản nguyên của thế giới là “đạo”, cái đạo đó biểu hiện trong xã hội là tam cương (ba giềng mối: Vua tôi, cha con, vợ chồng) và ngũ thường (năm đức quan trọng nhất trong mọi thời: Nhân, nghĩa, lễ trí, tín). Trong thiên Nguyên tính, ông theo Vương Sung, chia làm ba hạng: thượng (hoàn toàn thiện), hạ (hoàn toàn ác), trung (có thể hóa thiện, hóa ác); không có gì mới.
Ông có công đề cao Mạnh tử và khuyên các học giả chú ý tới sách Đại học. Từ đó người Trung Hoa mới xa Tuân tử mà gần Mạnh tử (trước Hàn, Mạnh và Tuân được trọng ngang nhau); và tứ thư (Luận ngữ, Mạnh tử, Trung dung, Đại học) mới được đặt ngang với ngũ kinh. Rồi tới đời Tống, các triết gia mới đem Mạnh tử, Đại học ra phân tích, bàn về tính, lí, cách vật, trí tri. Cho nên người ta bảo Hàn Dũ đã có công mở đường cho Đạo học đời sau.
Lí Cao chịu ảnh hưởng của Lão, Phật hơn, viết cuốn Phục tính thư bàn về tính, tình và cách tu dưỡng, kết luận rằng người ta phải diệt tình để khôi phục lại tính, tức cái đạo. Ông không hề phản đối Phật giáo như Hàn.
Đạo giáo vẫn chú trọng vào việc tu nhân, bùa phép và cũng thịnh như các đời trước, và cũng được vua Huyền tôn và Hiến tôn tôn sùng. Huyền tôn lập Sùng huyền quán và đặt chức huyền học bác sĩ đề giảng Đạo giáo.
Phật giáo. Một vinh quang lớn của đời Đường là sự toàn thịnh của Phật giáo, các đời sau không sao theo kịp được. Toàn thịnh không phải vì có mấy hoàng đế: Võ Tắc Thiên, Hiến tôn, Tuyên tôn sùng Phật, không phải vì chùa nhiều, tín đồ đông (năm 768, chỉ nội một buổi ở kinh đô có tới một ngàn người quy y vào chùa) mà vì các vị cao tăng thời đó đã có công tìm hiểu tư tưởng huyền vi của Ấn Độ, truyền bá đạo Phật ở Đông Á,, cống hiến được nhiều tư tưởng mới làm giàu cho kho kinh luận của đạo Phật.
Chúng ta đã biết, đời Hán, khi Phật giáo mới vào Trung Quốc, để truyền bá đạo, các vị sư thấy đạo Lão có vài điểm giống với Phật giáo mượn một một số từ ngữ và tư tưởng của Lão để thuyết minh và lí giải Phật giáo, mà việc dịch kinh thời đó không được chính xác.
Tới đời Đông Tấn (đầu thế kỉ V), Pháp Hiển qua Tây Trúc thỉnh kinh về dịch và từ đó mới có phong trào nghiên cứu đạo Phật, bỏ hẳn những bản dịch cũ đi mà dịch lại kinh cho đúng nghĩa hơn, chú thích cho rõ hơn.
Mãi tới đời Tùy, nhất là đời Đường, mới có phong trào sáng tạo riêng của Phật giáo Trung Hoa, nhờ nhiều ông vua khuyến khích và nhờ nhiều cao tăng xuất hiện. Kết quả là Phật giáo Trung Hoa đời Đường thịnh hơn ở Ấn Độ nhiều, có nhiều nét đặc biệt (Đại thừa phát đạt hơn Tiểu thừa, thiền học phát triển mạnh), lập ra được nhiều tôn truyền bá ở khắp Đông Á. Đó là một cống hiến của Trung Hoa cho tư tưởng Ấn Độ.
Vị cao tăng có công nhất là Huyền Trang, rồi tới Nghĩa Tĩnh, cả hai đều qua Tây Trúc thỉnh kinh đem về Trung Quốc như Pháp Hiển đởi Đông Tấn đầu thế kỉ V, nhưng sự nghiệp lớn hơn nhiều. Pháp Hiển chỉ ở Tây Trúc có 3 năm, Huyền Trang và Nghĩa Tĩnh đều ở người trên 10 năm, kẻ trên 20 năm.
Huyền Trang sinh năm 602 ở Hà Nam, năm thứ 3 đời Thái tôn (629), một mình qua sa mạc Qua Bích dài non 500 cây số, tới nước Cao Xương, được vua nước đó rất trọng, rồi leo núi Thông Lãnh cao 7.200 thước trong dãy Thiên Sơn, tiến theo đường chở lụa tới Thiết Môn Sơn một nơi vô cùng hiểm trở. Từ đây ông theo hướng Đông Nam qua nhiều nước nhỏ, vòng qua Đại Tuyết Sơn rồi vào Tây Trúc.
Ông thật là một nhà mạo hiểm, đời sau không chắc có ai hơn; lại có tinh thần nhận xét của nhà khoa học, ghi rất kĩ và rất đúng những điều mắt thấy tai nghe ở các nơi ông đi qua. Ông đi một vòng nước Tây Trúc, coi hết các nơi có di tích của Thích Ca, lại ở hơn một năm tại chùa Nalanda, một ngôi chùa lớn nhất, đẹp nhất mà cũng là một trường đại học cổ nhất. Ông tả cảnh chùa đó, giọng bóng bảy như giọng thi sĩ Tràng An. Ông học hết bộ Du già luận, học thêm triết lí Bà La Môn và Phạn Ngữ, rồi đi chu du Tây Trúc tìm hiểu thêm các giáo phái khác: Thăm xứ Bengale, tính qua đảo Tích Lan mà không qua được (coi bản đồ trước).
Tới đâu ông cũng thuyết pháp, được hoan nghênh, ai cũng muốn lưu ông lại. Lần về ông theo một con đường khác, ghé nhiều nơi để giảng đạo.
Năm 645 ông tới Tràng An sau khi xa quê 16 năm, đi gần 30.000 cây số, qua 128 nước, đem về được 657 bộ kinh, không kể nhiều vật quý khác.
Mới về nước được hơn một tháng, ông bắt đầu ngay công việc dịch kinh đại quy mô và mải miết làm luôn 19 năm cho tới khi tắt thở. Ông tổ chức một ban dịch thuật, mời các vị cao tăng thông cả Hoa ngữ lẫn Phạn ngữ hợp tác. Công việc làm rất có phương pháp và kỹ lưỡng, soát đi soát lại nhiều lần (coi bài Huyền Trang trong cuốn Ý chí sắc đá của tôi - Thanh Tân 1971). Ông dịch những kinh khó nhất và chỉ huy việc dịch những kinh khác. Tới năm 663 ông dịch được 600 quyển.
Ngoài ra ông còn cho hậu thế:
- Bản dịch Đạo Đức kinh ra tiếng Phạn để giới thiệu triết học Trung Hoa với Ấn Độ.
- Bản dịch Đại thừa khởi tín luận từ Hoa ngữ ngược về Phạn ngữ. Nguyên bản chữ Phạn của Ấn Độ đã thất lạc từ lâu, nhưng ở Trung Hoa còn giữ lại được bản chữ Hán. Làm công việc đó ông muốn đền ơn những tôn sư và bạn thân Ấn đã niềm nở dạy bảo, tiếp đón ông.
- Soạn một cuốn ngữ pháp Phạn, giản lược mà sáng sủa và đúng.
- Viết bộ Đại Đường Tây Vực kí gồm 12 quyển chép những điều mắt thấy tai nghe trong chuyến đi thỉnh kinh. Bộ này chứa những tài liệu rất quý cho các nhà khảo cổ Ấn Độ và Trung Á sau này, được dịch ra nhiều thứ tiếng: Anh, Pháp, Nga, Nhật, Đức... và đã giúp các học giả Ấn sửa lại nhiều điều sai lầm trong lích sử của họ về thế kỉ VII.
- Công việc dịch kinh của ông chẳng những làm cho đạo Phật phát triển mạnh ở Đông Á mà còn ảnh hưởng lớn đến ngôn ngữ và văn học Trung Hoa.
- Từ ngữ Trung Hoa đã giàu thêm được 3,5 vạn tiếng, căn cứ vào bộ Phật giáo đại từ điển, có tiếng dịch âm tiếng Phạn như Nát bàn, sát na, phù đồ; có tiếng dịch nghĩa tiếng Phạn như vô minh, nhân duyên, chân nhu... Mà thêm được 3,5 vạn tiếng là thêm được 3,5 vạn ý niệm.
- Văn bạch thoại phát đạt vì lẽ khi dịch, người ta lựa những tiếng bình dị cho dễ hiểu, do đó dùng bạch thoại xen với cổ văn; lại thêm vì là kinh để tụng, cho nên phải chú trọng đến âm vận, và thứ văn đặc biệt đó gọi là biến văn. Do ảnh hưởng của Phạn ngữ, biến văn không dùng hư từ, đối ngẫu mà rất hay đảo trang.
- Văn nhân Trung Hoa ít tưởng tượng mà hay thuyết li, nhờ những truyện tân kì trong kinh Phật mà bắt chước viết những truyện thần quái. Như bộ Sưu thần kí, và những truyện Thủy Hử, Hồng Lâu Mộng sau này đều chịu ảnh hưởng của các kinh Đại trang nghiêm, Hoa nghiêm, Niết bàn...
Huyền Trang tịch năm 664, một triệu người ở Tràng An và tứ xứ đi đưa linh cữu ông.
Nghĩa Tĩnh (631-713) sống ở đời Cao tôn và Võ Tắc Thiên. Huyền Trang tịch được 6 năm thì vị tăng ở Hà Bắc đó cũng qua thỉnh kinh ở Tây Trúc, nhưng không theo đường bộ và dùng đường biển (coi bản đồ trước), ở Tây Trúc 24 năm, năm 695 đem về được 400 bộ kinh nữa. Về tới Lạc Dương, Võ Tắc Thiên rất mộ đạo đi đón và giúp ông mọi phương tiện để dịch kinh tới khi chết. Ông còn viết tiểu sử các cao tăng ở thời ông cũng đi thỉnh kinh, trong có đó có những vị xấu số, chết ở dọc đường.
Các tôn phái. Phật giáo Trung Hoa là Đại thừa, khác hẳn Ấn, Tích Lan, Miến Điện, Thái Lan, Miến, là Tiểu thừa. Việt Nam cũng vậy. Bắc và Trung không có những khất sĩ bận áo vàng, ôm bình bát đi khất thực. Trong Nam càng tiến về miền Tây, nơi có nhiều người gốc Miên, càng thấy nhiều khất sĩ.
Đời Đường, Trung Hoa đã có trên một chục tôn phái mà chỉ có 2 tôn là tiểu thừa. Trong số những tôn phái kia - đều là đại thừa - tôi chỉ kể 4 tôn quan trọng nhất:
Thiền tôn do Đạt Ma thiền sư (cũng gọi là Bồ Đề Đạt Ma) đem từ Ấn qua thời Lương Võ đế (Nam triều) (như tôi đã nói).
Pháp tướng tôn cũng gọi là Duy thức tôn, gốc ở Ấn Độ, giáo lí truyền qua Trung Quốc từ thời Lục triều nhưng đến đời Đường, Huyền Trang mới lập thành một tôn phái, lần lần chiếm được một địa vị rất quan trọng, có ý vị triết lí sâu sắc.
Hoa nghiêm tôn do hòa thượng Đỗ Thuận đời Đường sáng lập, căn cứ vào kinh Hoa Nghiêm.
Thiên thai tôn hoàn toàn do Trung Hoa sáng tạo, sở dĩ có tên đó vì vị sơ tổ của phái đó, Trí Giả đại sư tu ở núi Thiên Thai. Ông căn cứ vào Hoa nghiêm kinh, châm chước Trí độ luận, Niết bàn kinh, Đại phẩm kinh mà lập giáo, đại khái chủ trương điều hòa hai phái “hữu” và “không”.
Độc giả muốn biết đại cương giáo lí các tôn phái đời Đường, xin coi cuốn thượng (tr.81-87) Đại cương triết học Trung Quốc của chúng tôi - Cảo Thơm tái bản năm 1970.
*
Tóm lại, có thể nói ở Trung Hoa, Phật giáo thịnh cực vào đời Đường, mà theo luật tự nhiên, thịnh cực là bắt đầu suy.
Trước sau có tất cả bốn lần pháp nạn (đạo Phật bị vua phế, cho là có hại cho văn hóa, quốc gia): Lần đầu ở đời Bắc Ngụy, triều Võ đế; lần nhì ở đời Bắc Chu, triều Võ đế; lần ba ở đời Đường, triều Võ tôn; lần thứ tư ở đời Hậu Chu, triều Thế tôn (trong sử gọi là tam Võ, nhất Tôn pháp nạn); thì lần thứ ba nặng nhất, còn các lần kia, chỉ cấm trong vài năm mà không triệt để.
Nhà Đường rất khoan dung về tôn giáo (coi đoạn dưới), vậy mà Võ tôn phải có thái độ cương quyết chỉ vì đoàn Phật giáo phát sinh ra nhiều tệ hại, gom góp một số lớn đất đai, tài sản (có sách nói bằng 2/3 tài sản quốc gia), chứa chấp một số tăng, ni chỉ biết trục lợi, và một số rất đông trốn chúa đi ở chùa; do đó Phật đoàn thành một tổ chức nguy hại cho quốc gia. Triều đình thu thuế không được, bắt lính cũng không được.

(Thiếu một đoạn)

Tác giả có tên tuổi:
Thẩm Kí Tế viết truyện hồ li, sau được Bồ Tùng Linh mô phỏng trong bộ Liêu trai.
Bạch Hành Giản viết thiên diễm tình của một danh kĩ.
Lí Công Tá viết truyện Nam khả kí.
Có tài nhất là Đỗ Quang Đình viết truyện Cầu nhiệm khách (ông lão râu quăn) mà nhiều người khen là hay nhất đời Đường, chúng tôi đã dịch theo bản tiếng Anh của Lâm Ngữ Đường và cho vào tập Mưa (Tiến Bộ, 1969).
Văn dịch
Công việc dịch kinh Phật rất thịnh ở đời Đường nhờ hai cao tăng Huyền Trang và Nghĩa Tĩnh; công của Huyền Trang với văn xuôi va ngôn ngữ Trung Quốc rất lớn (ở trên).
b. Thơ
Cái vinh quang lớn nhất của đời Đường là thơ, nó hoàn toàn là của Trung Hoa chứ không mượn của Ấn Độ như vinh quang Phật giáo, nó có thể gần bằng cái vinh quang về triết học đời Xuân Thu - Chiến Quốc và được khắp thế giới khen như triết học Tiên Tần. Thơ Lí Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị được mọi nước từ Đông qua Tây dịch đi dịch lại, mỗi ngày một nghiên cứu thêm.
Thơ Đường có một thể đặc biệt, một hình thức rất lạ không giống thơ một dân tộc nào cả: thể thơ luật.
Phần trên chúng tôi đã nói Thẩm Ước thời Nam Triều nghiên cứu về âm thanh, tìm ra được những bệnh về âm vận trong thơ. Thi sĩ thời sơ Đường châm chước luật của họ Thẩm và lần lần thơ luật thành hình: Từ số câu số tiếng, số vần, cách gieo vần, cách đối, cách bố cục (phá, thừa, luận, kết) đều theo những qui tắc nghiêm chỉnh; kết quả là mỗi bài thơ 8 câu, mỗi câu bảy chữ là một khối nhỏ chặt chẽ đầy đủ ý nghĩa, có mở, có khai triển, có đóng; có tình, có cảnh, lại có nhạc du dương, ngâm được, phổ nhạc được. Thật là một viên ngọc nếu thi sĩ có tài cao.
Nhưng có sở trường thì có sở đoản: Niêm luật, qui tắc khắt khe quá, bó buộc thi nhân quá làm cho người, ta cạn hứng, nên ngay khi thơ luật mới xuất hiện đã có người - thi sĩ Hàn Sơn - chê nó là một lối ghép chữ để tiêu sầu khiển muộn.
Cũng may là suốt đời Đường, những thi sĩ nổi danh hiểu lẽ đó, nên không chịu nô lệ luật, biết phá luật để theo hứng, như bài Hoàng Hạc lâu của Thôi Hiệu, Anh Vũ châu của Lí Bạch, Cửu nhật đăng cao của Đỗ Phủ...
Và khi nào họ thấy thể luật không diễn được hết cảm nghĩ của họ thì họ dùng thể cũ gọi là cổ phong (chỉ cần có vần, dài bao nhiêu cũng được và không phải theo niêm luật); hoặc thể từ (sẽ nói ở sau). Nhờ vậy mà thơ Đường vừa hay vừa phong phú.
Thơ Đường chia làm ba thời kì:
Sơ Đường (618-712). Mới đầu còn giữ cái phong khí diễm lệ đời Lục Triều, như Vương Bột, Lạc Tân Vương trong nhóm Tứ kiệt; rồi Thẩm Thuyên Kì, Tống Chi Vấn có công làm cho thơ luật hoàn thành; Hạ Tri Chương, Trương Nhược Hư tiếp tục. Cuối thời, Trần Tử Ngang và Trương Cửu Linh vận động phục cổ, thơ bình dị, tự nhiên.
Thịnh Đường (713-824) là hoàng kim thời đại của thơ, có người (Hồ Vân Dực) bảo từ Sơ Đường tới Thịnh Đường, thơ phát triển như từ đất bằng vọt lên ngọn núi Hi Mã Lạp Sơn.
Về lượng, theo Toàn Đường thơ, thơ thịnh Đường chiếm tới 3/4; trên 1.500 thi sĩ và non 4 vạn bài thơ, riêng Đỗ Phủ có tới ngàn bài.
Về phẩm, thì thật là đủ vẻ đẹp, đủ cảnh, trọng thiên nhiên, trọng xã hội, đủ các tình cảm của con người trong một xã hội thịnh cực rồi lại suy cực đời Minh Hoàng. Được vậy một phần là nhờ chưa thời nào thi nhân được từ vua chúa tới dân chúng trọng vọng như thời đó.
Khuynh hướng nào cũng có, nhưng đại cương mà xét thì có bốn phái: Phái xã hội, phái biên tái, phái tự nhiên, phái quái đản.
Tôi không biết nên đặt Lí Bạch (701-762) vào phái nào trong ba phái đầu vì thơ ông có đủ loại, mà rất tự nhiên.
Ông rất lãng mạn, chỉ yêu thơ, rượu, sơn thủy và mĩ nhân, nhưng có bài ông tả cảnh thương tâm của dân vì giặc giã liên miên như Chiến thành nam (tư tưởng xã hội), có bài tả cảnh biên tái như bài Hành lộ nan, Thục đạo nan, giọng hùng tráng, còn thơ chán đời, ở ẩn trong rừng sâu, núi thẳm, mê tiếng suối, tiếng chim, nhìn mây bay trăng mọc thì ông làm rất nhiều, không một nhà nào trong phái tự nhiên bì kịp. Chỉ cái loại quái đản là ông không ưa: Thơ ông bài nào cũng phát tự lòng ra, không đẽo gọt.
Trong Đại cương văn học sử Trung Quốc tôi đã giới thiệu trên hai chục bài của Lí, nếu trích ra dăm bài thì thiếu quá, mà chép lại nhan đề hai chục bài đó thì vô ích.
- Phái xã hội dùng cây bút để tả nỗi tân khổ của mình và của đồng bào, lựa con đường tả thực, lấy trạng thái xã hội làm đề tài.
Có tài nhất mà có lòng nhất cũng là Đỗ Phủ (712-770). Đời ông rất long đong, nghèo khổ, chỉ làm một chức quan nhỏ, không chịu a dua, nhiều khi tỏ nỗi bất bình về cảnh huống xã hội, nên bị bãi chức. Có hồi đói, vợ con nheo nhóc. Không ai không cảm động khi đọc những bài: Cảnh li biệt của cặp vợ chồng mới cưới, bài Lính lệ Thạch hào trong đó ông tả cảnh khổ của dân bị bắt lính.
Thơ luật của ông rất đẽo gọt mà hay. Danh ông ngang với Lí Bạch.
Bạch Cư Dị (772-864) trái lại, làm quan, sung sướng suốt đời, nhưng cũng bất bình vì nỗi bất công trong xã hội: Kẻ thì quá xa xỉ, kẻ thì chết đói (bài“Khinh phì”). Bài “Ông lão gãy tay ở Tân Phong” (kể nỗi khổ của một người lấy đá đập gẫy cánh tay để khỏi bị bắt lính) nhiều người thời nay đọc tất phải mũi lòng.
Ông còn hai bài thơ dài nổi danh: Tì bà hành và Trường hận ca. Bài trên chép nỗi lòng của một ca nữ, đã được Phan Huy Vịnh dịch ra tiếng Việt; bài dưới tả cái hận bất tuyệt của Đường Minh Hoàng đã phải để cho quân sĩ giết Dương Quí Phi.
Ba nhà trên: Lí, Đỗ, Bạch là ba thi hào lớn nhất đời Đường.
- Phái biên tái. Phái này tả chiến trường, bão cát, mưa tuyết... ở biên cương, có giọng bi hùng, có lẽ chịu ảnh hưởng thơ văn hoặc các bài ca thời Bắc triều. Nổi danh có Cao Thích, Vương Xương Linh, Sầm Tham, Vương Chi Hoán.
- Phái tự nhiên. Chịu di phong của Đào Tiềm, Tạ Linh Vận thời Nam triều, thích nhàn tản và cảnh thiên nhiên. Có nhiều nhà thơ lớn: Mạnh Hạo Nhiên, Liễu Tôn Nguyên, Vi Ứng Vật, Vương Duy, vừa là thi sĩ vừa là họa sĩ.
- Phái quái đản chủ trương viết phải khác người, làm kinh dị người đọc thì mới là khéo, cố tìm những tiếng lạ lùng, những vấn đề khó khăn, như Mạnh Giao, Giả Đảo.
Vãn Đường (847-907) Thời này là thời loạn triều đình bất lực, phong hóa suy đồi, thí nhân lại chủ trương trở về duy mĩ đời Lục Triều, tư tưởng ủy mị.
Đáng kể chỉ có Đỗ Mục, Lí Thương Ẩn...
c. Từ
Đời Đường còn xuất hiện một thể vận văn, biến từ Nhạc phủ[9] ra; nó có vần, có điệu, số chữ không nhất định, ca hát được, đại khái cũng như thể hát xẩm, hát quan họ, hát nói của ta. Ôn Đình Quân sáng tác được nhiều điệu mới, đứng đầu trong nhóm Tứ gia mà tác phẩm gom trong bộ Hoa gian tập.
Từ đời Tống mới toàn thịnh, qua đời Nguyên, Minh biến thanh thể khúc. d. Âm nhạc
Vua Huyền tôn sành âm nhạc, lập giáo phường để dạy tục nhạc, đặt ra lối múa Nghê thường vũ y, vũ nữ bận áo sặc sỡ như cầu vồng múa theo điệu nhạc. Ông lại lập ra một viện gọi là Lê viên (vườn lê), dạy 300 thanh niên múa hát (gọi là Lê viên tử đệ) để làm vui tai mắt cho ông và Dương Quí Phi. Có thể coi đó là bước đầu tiến tới ca kịch.
e. Hội họa
Trước đời Đường, chỉ có những bức vẽ về nhân vật. Từ Đường trở đi mới có môn vẽ sơn thủy gồm hai phái: Bắc phái thì Lí Huấn đứng đầu; nam phái lấy Vương Duy làm tổ. Vương Duy cũng là thi sĩ có danh, được khen là “trong thư có họa, trong họa có thơ”. Phái của ông khác phái bắc là ít dùng màu sắc mà thường dùng mực, nét vẽ đơn sơ mà gợi cảm, lãng mạn chứ không tả chân.
Có nhiều nhà chuyên vẽ hình Phật như Ngô Đạo Huyền, Diêm Lập Bản có tiếng về vẽ chân dung.
g. Kiến trúc - điêu khắc
Về kiến trúc, quan trọng nhất vẫn là những ngôi chùa, không tiến bộ hơn các thời trước.
Về điêu khắc, các tượng Phật cũng vẫn được tạc theo kiểu Hi Lạp, nghệ thuật đã cao.
Võ Tắc Thiên cho xây nhiều chùa rất lớn, đục trong đá ở Long Môn một tượng Phật khổng lồ cao 30 mét; đẽo một tượng gỗ sơn lớn hơn ở Lạc Dương; bà còn tính đúc một tượng đồng cao 300 mét
h. Khoa học
Khoa học đời Đường không phát triển bằng các ngành văn học, tôn giáo. Về y khoa, Tôn Tư Mạo viết bộ Thiên Kim yếu phương, đưa nhiều kinh nghiệm lâm sàng.
Triều đình mở Thái y thự và y khoa học hiệu. Theo Lombard (sách đã dẫn) thì Trung Hoa thời đó đã biết cách trám răng.
Cũng theo Lombard thì về thiên văn học, Yi Xing (?) thử đo một khúc kinh tuyến (méridian) dài 2.500 cây số.
Về địa lí, nhà Đường đã vẽ bản đồ Tây Vực và bản đồ Hải nội Hoa di.
Thuật in đã được xét ở mục Công nghiệp.
Văn minh Trung Quốc truyền qua các nước khác.
Nhà Đường coi người ngoại quốc như người Trung Quốc, không kì thị, và Trung Quốc là nơi các dân tộc Đông Á hỗn hợp. Không những vậy, cả những thương nhân ở Ba Tư và Ả Rập cũng tới lập nghiệp ở Trung Hoa. Văn hóa Trung Hoa và ngoại quốc do đó ảnh hưởng lẫn nhau một cách mật thiết.
Phương Tây học được của Trung Hoa nghề tằm tơ, thuật làm giấy, thuật in, thuật làm đồ sứ, cách dùng la bàn. Và Trung Hoa cũng học được ngoại nhân cách làm rượu nho, nghề trồng bông dệt vải.
[1] có sách báo phải đọc là Khắc Hãn. Vốn là tiếng Mông Cổ, sách Pháp phiên âm là Khan.
[2] Trung Hoa rất trọng thư pháp (thuật viết chữ), coi nó là một nghệ thuật ngang với hội họa.
[3] Đời sau chép lầm là: hai chữ mục目 (con mắt) ở trên, và các tự điển đều theo.
[4] Phương Tây không có tục đa thê, vua không có quí phi, cung tần: dĩ nhiên họ có nhiều tình nhân, cũng bị bọn nầy chỉ huy, như Louis XV của Pháp mê bà Pompadour mà Pháp suy tàn vì chiến tranh 7 năm; nhưng bọn tình nhân đó không tàn nhẫn, tác hại ghê gớm cho hoàng tộc (và quốc dân) như bọn “hậu” của Trung Hoa.
[5] Theo Fitregald trong Li Che-min (Payot - 1953) thì nhưng con số đó sai, phải nhân gấp hai. Coi mục kinh tế ở sau.
[6] Giao Chỉ của mình thời đó thuộc về trấn Lĩnh Nam (trị sở ở Quảng Châu) dưới quyền cai trị của một viên tiết độ sứ (nghĩa là viên sứ có cờ và tiết - thẻ để làm tin - tức có binh quyền lớn).
[7] có sách nói không được bán. Có thể một thời một khác.
[8] Bút lông thì tương truyền đời Tần, Mông Điềm đã chế tạo được.
[9] Thi ca làm theo những khúc nhạc ở trong nhạc phủ (cung vua).

<< Chương III | Chương IV >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 172

Return to top