Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Trung Hoa >> Sử Trung Quốc

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 81300 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Sử Trung Quốc
Nguyễn Hiến Lê

Chương VI

(Trong chương này tôi chỉ giới thiệu triết học và văn học Trung Quốc, còn các môn học như thiên văn, địa lý, y học..., vì thiếu tài liệu tôi không xét tới).
 
1. Triết học
A. Đặc điểm của triết học Trung Quốc
Có lẽ do những nguyên nhân gì đó chúng ta chưa biết, chứ đâu phải ngẫu nhiên mà hầu hết các nhà tư tưởng lớn của nhân loại thời thượng cổ đua nhau xuất hiện trong hai thế kỷ VI và V trước Tây lịch, ở tại ba nơi: Ấn Độ, Hi Lạp, Trung Hoa, ba cái nôi của ba nền văn minh lớn nhất còn tồn tại tới ngày nay.
Đối với cái thế giới của chúng ta này và với cuộc sống con người chỉ có thể có hai thái độ: hoặc là phủ nhận, cho cái gì cũng là hư ảo hết, chỉ muôn thoát li đời sống hiện tại; hoặc là chấp nhận, cho thế giới này có thực, có thể và chỉ có thể tìm hạnh phúc trong cuộc đời hiện tại thôi, mà cuộc sống đáng truyền lại cho các thế hệ sau.
Ấn Độ có thái độ thứ nhất; Trung Hoa và Hi Lạp có thái độ thứ nhì, không xuất thế mà nhập thế rất thực tế, không bàn về vấn đề siêu hình như Ấn, mà chú trọng tới nhân sinh, tới việc cứu đời.
Một đặc điểm của triết học Trung Quốc là có tính cách nhân bản rất cao. Sinh trong thời loạn, triết gia Trung Hoa nào cũng tìm cách lập lại trật tự, và nhà nào cũng bàn về chính trị. Triết gia Hi Lạp cũng bàn về chính trị nhưng ít hơn mà chú ý tới khoa học hơn.
Đặc điểm thứ nhì là Trung Hoa không có tôn giáo với một giáo chủ, những tăng lữ, những kinh kệ... điểm này tôi đã trình bày ở Chương IV-2C, thời Tây Chu.
 
TƯ TUỎNG CHÍNH TRỊ - CÁC PHÁI
Về tư tưởng chính trị thời Tiên Tần, tôi chia làm hai phái:
- Phái hữu vi, can thiệp vào đời sống của dân.
- Phái vô vi, không can thiệp vào đời sống của dân.
Phe hữu vi lại gồm hai chủ trương:
- nhân trị, cho rằng tư cách (đạo đức, tài năng) của người cầm quyền quan trọng nhất; vua phải yêu dân, giáo hóa dân, can thiệp vừa phải vào đời sống của dân thôi;
- pháp trị, trái lại bảo nhà cầm quyền không cần có tư cách, hễ pháp luật nghiêm khắc, thưởng phạt công bằng thì một người không có tài đức cũng có thể trị nước được; phe này cũng có thể gọi là cực hữu vi, rất chuyên chế, can thiệp vào mỗi hành động của dân.
Để độc giả thấy sự biến chuyển của tư tưởng chính trị thời Tiên Tần, tôi theo thứ tự thời gian, lập bảng các triết gia với năm sinh, năm tử, từ cuối đời Xuân Thu đến cuối đời Chiến Quốc với chủ trương của họ.
Hữu vi/Cực hữu vi/Vô vi/Cực vô vi
Khổng Tử (Lỗ) 551-479 Nhân trị
Mặc tử (Lỗ) 480?-397? Nhân trị
Dương tử (?) 440-380? Không thèm trị dân
Lão tử (?) 430-340? còn trị dân
Thương Ưởng (Vệ) 388-338 Pháp trị
Mạnh tử (Lỗ) Nhân trị
Trang tử (Tống) Không thèm trị dân
Tuân tử (Triệu) Nhân trị
Hàn Phi (Hàn) Pháp trị
Những niên đại trên đều theo Vũ Đồng, tác giả cuốn Trung Quốc triết học đại cương.
 
B. Phái nhân trị - Hữu vi.
Bình minh xuất hiện - Khổng Tử
Từ cuối Xuân Thu đến cuối thời Chiến Quốc, xã hội Trung Quốc biến chuyển mạnh, mà phong trào lập thuyết để cứu đời phát triển bồng bột, người đời sau gọi là thời “trăm nhà đua tiếng” (bách gia tranh minh).
Người đầu tiên mở đường cho phong trào là Khổng Khâu (Trọng Ni) và ta có thể nói rằng bình minh triết học Trung Hoa xuất hiện ở nước Lỗ (Sơn Đông ngày nay), một nước nhỏ thôi, nhưng còn giữ được ít nhiều sự giáo hóa của Chu Công.
Triết gia đầu tiên của Trung Quốc đó lại chính là tư tưởng gia phong phú nhất (bàn về chính trị, mà bàn cả về đạo đức, cách tu thân, để tề gia, trị nước); ảnh hưởng lớn nhất, lâu bền nhất, non 2.500 năm rồi ở cả miền Đông Á; ông vừa là chính trị gia, lại vừa là nhà giáo dục đại tài, được đời sau gọi là “vạn thế sư biểu”, có nhiều học trò nhất từ xưa tới nay; hơn nữa, ông còn là một văn sĩ, một sử gia và một nghệ sĩ: nghiên cứu Kinh Thi, phổ nhạc nhiều bài thơ trong bộ đó.
Tư cách của ông siêu quần: nghiêm trang mà ôn hòa, khoáng đạt, cương quyết mà đa cảm (học trò ông là Nhan Hồi chết, ông thương tiếc, khóc tới nỗi các môn sinh khác phải can), học không chán, dạy người không mỏi, khiêm tốn, mà vui tính, đôi khi nói đùa với các môn sinh, rất nhiệt tâm cứu đời: biết rằng việc rất khó thành những vẫn cứ tận lực làm.
 
Nhà chính trị
Ông thuộc dòng dõi quí tộc nhưng sa sút, thời trẻ phải làm những chức lại nhỏ, rồi mở trường tư dạy học, nổi tiếng là học rộng, mãi đến 51 tuổi mới được vua Lỗ dùng làm chức Trung đô tể (chức quan cai trị kinh đô như chức Thừa Thiên phủ doãn đời Nguyễn), rồi thăng chức Đại tư khấu (thượng thư bộ Hình), trong ba bốn năm cầm quyền đó, ông làm cho Lỗ hưởng cảnh thái bình, không cướp bóc, dân chúng biết trọng lễ, pháp luật; nhưng rồi thấy vua Lỗ bỏ bê việc nước, ông chán ngán, rời Lỗ, cùng với một số môn sinh bôn ba các nước Vệ, Trần... tìm một minh quân để thực hiện đạo của mình (thời đó chưa có người quan niệm trung quân hẹp hòi: trung thần bất sự nhị quân), nhưng không ông vua nào chịu nghe ông cả. Năm 68 tuổi, ông mới về Lỗ dạy học, sắp đặt lại Kinh Thi, soạn Kinh Xuân Thu, chép sử nước Lỗ (coi ở sau). Những Kinh Thư (cũng gọi là Thượng Thư, chép sự ba đời Hạ, Thương, Chu), Lễ, Nhạc, Dịch (bói) không chắc của ông san định hoặc giải thích.
Thời ông, chế độ phong kiến đã suy, thiên tử nhà Chu không còn quyền hành gì cả mà đất đai lại rất hẹp, các nước chư hầu lớn như Tề, Tống, Tần, Tấn, Sở... uy hiếp các nước nhỏ, tranh giành nhau đất đai, để làm bá chủ. Nhưng vì Trung Hoa chưa có sắt, canh nông chưa phát triển, đất đai chưa được khai phá nhiều, nước nghèo, dân ít; khí giới thô sơ, chiến thuật lạc hậu, vẫn dùng chiến xa, chưa có kị binh; dù một nước thắng được một hai nước khác thì cũng không đủ binh để chiếm, đủ quan lại để cai trị, nên chưa nước nào có thể thôn tính hết các nước khác mà thống nhất Trung Quốc, lập chế độ quân chủ chuyên chế, phải ba thế kỉ sau chế độ này mới thực hiện được.
Ở vào thời đó, muốn trừ loạn, Khổng Tử cũng như Mặc Tử non một thế kỉ sau, chỉ có mỗi một giải pháp là duy tân chế độ phong kiến do Chu Công đã qui định, mà cải thiện nó thôi.
Ngày nay người ta trách ông là thủ cựu, sao không dẹp chế độ phong kiến đi, như vậy là không hiểu chút gì về thời đại của ông cả.
Ông giữ chế độ phong kiến - ông nói ông “tòng Chu” (theo Chu) là nghĩa vậy - nhưng ông không tôn Chu, không thờ Chu, không trung với Chu, cho nên trong thời ông bôn ba các nước, không lần nào ông ghé Chu cả; ông cũng không trung với cả Lỗ nên mới bỏ Lỗ mà đi. Ông biết rằng Chu và Lỗ không theo được đạo của ông. Đạo đó là đạo “quân quân, thần thần”, “người trên (vua) phải làm tròn nhiệm vụ, có tư cách của người trên, thì người dưới mới làm tròn nhiệm vụ, có tư cách của người dưới”. Nếu người trên (vua) không làm tròn nhiệm vụ của người trên, không yêu dân, trọng ý dân, lo hạnh phúc cho dân, giáo dục dân... mà bóc lột, hiếp đáp, làm hại dân... thì không đáng gọi là vua nữa. Đó là thuyết Chính Danh của Khổng Tử, một thuyết có lẽ không mới mẻ lắm nhưng táo bạo ở đương thời vì chấp nhận thuyết đó thì qui kết tất là phải làm cách mạng. Như trường họp Khoái, Quí và Xuất Công Triếp nước Vệ, cha con tranh ngôi nhau, cha không ra cha, con không ra con, không đáng làm vua, ông bảo phải lựa người khác để thay (Luận ngữ VII-14)[1].
Vì theo thuyết Chính Danh đó mà một thế kỉ sau Mạnh Tử bảo giết một bạo chúa như Kiệt, Trụ không phải là giết vua mà là giết một kẻ thất phu. Mạnh có giọng gay gắt hơn Khổng chỉ vì thời của Mạnh khác, chế độ phong kiến sắp tàn rồi, còn tư tưởng thì chính là của Khổng.
Hai nguyên tắc trị dân, theo Khổng Tử, là “phú, giáo”: làm cho dân giàu và dạy dân- Làm cho dân giàu là khiến cho họ đủ ăn, tài sản không được tập trung vào một số người, mà phải được phân phối quân bình (“quân vô bần”).
Dạy dân bằng lễ, nhạc: lễ để dân biết điều phải mà làm, trọng người trên; nhạc là để hòa nhịp trên dưới. Và dạy dân thì trước hết người trên phải làm gương cho dân: nếu người trên tốt thì người dưới đều theo mà thành tốt, như cỏ nằm rạp theo chiều gió thổi.
Vì trọng sự dạy dân, cho tư cách của nhà cầm quyền là cần nhất, nên ông mở tư thục, dạy đủ các hạng người, không phân biệt giàu nghèo, sang hèn, hi vọng đào tạo được một số môn sinh có phẩm cách, có tài năng để giúp các vua chúa đương thời, và theo truyền thuyết, ông có 3.000 đệ tử mà 72 người vào hạng hiền.
 
Nhà luân lí
Ông bảo mỗi người, từ vua tới thứ dân, đều phải tu thân; trong cuốn Đại Học ông chỉ cách tu thân: “Đời xưa, muốn làm sáng đức trong thiên hạ thì trước hết phải trị nước mình [nghĩa là làm cho nước mình được trị]; muốn trị nước mình thì trước hết phải tề nhà mình; muốn tề nhà mình thì trước hết phải chính cái tâm của mình; muốn chính cái tâm của mình thì trước hết phải tinh thành cái ý của mình, muốn làm cho tinh thành cái ý của mình thì trước hết phải có tri thức xác đáng; tri thức xác đáng ở chỗ xét kĩ mọi sự vật”.
Đoạn đó là một trang bất hủ trong lịch sử triết học, ngang với đoạn giảng về bát chính đạo của đạo Phật. Không triết gia nào coi trọng sự tu thân bằng ông; ông cho rằng phải cải thiện cá nhân rồi mới cải thiện được xã hội.
Trong việc tu thân ông chú trọng đến đủ cả ba đức: nhân, trí, dũng. Ki Tô chỉ chú trọng tới nhân (charité), Socrate chỉ chú trọng tới trí, Nietzsche chỉ chú trọng tới dũng. Ông luyện đủ cả tình cảm, lí trí và nghị lực cho ta.
Trong những sách, tài liệu viết trước ông, chúng ta không thấy nói hoặc nói rất ít đến đức nhân, tới bộ Luận Ngữ mới thường gặp đức đó. Vậy nếu ông không phát minh ra quan niệm nhân thì ít nhất cũng đã có công bổ túc nó, đưa nó lên hàng đầu các đức.
Ông đặt trí gần ngang hàng với nhân, nghĩa. Ông cho rằng bất kì đức nào, nhân, nghĩa, lễ, dũng, hiếu, đễ, trung tín... cũng phải có trí giúp, nghĩa là phải sáng suốt. Ví dụ đức nhân mà không có trí thì không phân biệt được người xấu, người tốt, không biết phải giúp người ra sao, trong hoàn cảnh nào; đức dũng mà không có trí thì sẽ làm bậy, nguy cho mình, cho người...
Do trọng trí mà luân lí của ông có tính cách tự nhiên: con người phải giữ đạo vì nó là lẽ phải, chứ không phải vì một vị thần thánh hay Thượng Đế bắt ta phải giữ. Chính vì điểm đó mà các triết gia Pháp ở “thế kỉ ánh sáng” (thế kỉ 18) như Diderot, Voltaire trọng ông và rất khen văn minh Trung Quốc.
Phải có trí mới biết xứ sự hợp với đạo lí, không thái quá, không bất cập, mới hợp với thời thế, cảnh ngộ, nghĩa là mới giữ được đạo trung dung, tùy thời. Đây cũng là một điểm đặc biệt của Khổng Tử. Tôi chưa thấy triết gia nảo để ý tới đạo đó, mà ông thì rất coi trọng nó. Nhờ nó mà ông có tinh thần “vô khả, vô bất khả”, và người phương Tây gọi ông là “sage” (minh triết).
Giáo lí của ông đầy đủ nhất. Đọc bộ Luận Ngữ gồm 20 thiên, khoảng 500 bài, đại đa số chỉ có 4-5 hàng trở xuống, chép những lời ông dạy môn sinh và đối đáp với mọi hạng người, chúng ta thấy không có vấn đề gì ông không bàn tới, từ vấn đề tu thân đến vấn đề tề gia, trị quốc; cách khuyên can cha mẹ, cách dạy học, cách học, cách đọc sách, cách tế lễ, cách đối đãi với môn sinh, với bè bạn, với kẻ trên người dưới, cả với người mù, người có tang; lối sinh hoạt của ông ở triều đình, ở nhà, ở làng xóm, cả cách ăn mặc nữa; cách xét người, giúp người, khi ngồi xe thì ra sao, khi vào triều nên ra sao, khi tiếp đãi sứ thần nên ra sao, thái độ khi câu cá, khi bắn chim... Riêng hạng trị dân, ông buộc họ phải có hai đức cần thiết này: thương dân và giữ chữ tín với dân.
Chả trách nhà Nho ta hồi xưa, chỉ thuộc lòng bộ đó và ráng áp dụng vào đời sống mà đủ cho xã hội trọng vọng. Một nhà Trung Hoa học, Etiemble, bảo ông mang ơn Khổng Tử cũng bằng mang ơn Montaigne của nước ông, một triết gia Pháp sống sau Khổng Tử khoảng 2.000 năm.
 
Nhà giáo
Đối với môn sinh, Khổng Tử tuy nghiêm mà ôn hòa, thân mật. Ông bắt họ phải gắng sức (học như bất cập) phải suy nghĩ, tìm hiểu (nếu ông vén cho một góc mà không tự tìm ra ba góc kia thì ông không dạy cho nữa), phải tổng hợp thành một mối, tìm điều căn bản mà khái quát, chứ không cần nhớ nhiều; điều gì biết thì nói là biết, điều gì không biết thì nói là không biết; phải nhớ bốn điều này: “vô ý”, xét việc gì thì đừng đem ý riêng (hoặc tư duy của mình) vào; “vô tất”, đừng quyết rằng điều đó tất đúng; “vô cố”, không cố chấp; “vô ngã”, không để cho cái “ta” làm mờ ám (nghĩa là phải chí công vô tư)... Ông tập cho họ gặp việc cũng phải suy nghĩ, tìm một lối xử sự hợp tình, hợp lí, hợp thời. Ở trên tôi đã nói ông đào tạo cho Trung Hoa một giới đặc biệt mà 2.000 năm sau chưa dân tộc nào có, tức giới sĩ để thay giới quí tộc thiếu đức thiếu tài.
Trong bộ Luận Ngữ có cả trăm câu làm châm ngôn cho đời sau. Nhưng phải là người từng trải, năm chục tuổi trở lên mới thấy được cái thâm thúy và quí tinh thần nhân bản trong tư tưởng của ông. Có người hỏi ông nên lấy đức báo oán không, ông đáp: “Thế thì lấy gì báo đức? Cứ chính trực mà báo oán và lấy đức mà báo đức.” Sự minh triết của ông ở đó. Lấy đức báo oán thì đại độ thật, nhưng luôn luôn theo qui tắc đó thì xã hội sẽ loạn mất. Một tư tưởng mới mẻ nhưng phải hợp tình hợp lí, thiết thực, có ích cho nhân quần thì mới đáng quí; còn nói cho sướng miệng mình, sướng tai người nghe mà không dùng được thì có khi chỉ là ngụy biện, không khó gì cả.
Khổng Tử mất năm 73 tuổi. Môn sinh để tang ông ba năm, một số cất nhà ở bên mộ ông suốt thời gian cư tang. Sau dân chúng tụ lại đó trồng cây, dựng nhà thành lập một làng. Vinh dự đó tôi chưa thấy triết gia nào được.
Một môn sinh, Tăng Sâm, chép lại lời ông mà viết cuốn Đại Học; một cháu nội của ông, Tử Tư, cũng chép lại lời ông trong cuốn Trung Dung. Học trò của Tử Tư, Mạnh Kha, để lại cuốn Mạnh Tử - Ba cuốn đó với cuốn Luận Ngữ gọi chung là Tứ Thư, từ đời Đường trở đi, cũng với Ngũ kinh (Thi, Thư, Lễ, Xuân Thu, Dịch) được đem dạy ở khắp các trường trong nước; mà kì thi tuyển nhân tài nào cũng dùng những lời trong cuốn đó làm đề thi. Trước đó, từ đời Hán, Khổng giáo đã được coi là quốc giáo rồi. Có thể nói rằng lịch sử Trung Quốc với lịch sửu ảnh hưởng của Khổng giáo là một.
*
Mặc Tử - Biệt Mặc
Vào khoảng Khổng mất thì Mặc Địch ra đời, 40 năm sau Dương Chu ra đời. Chủ trương hai nhà này ngược hẳn nhau và đều chống Khổng Tử.
Mặc Tử khác Khổng Tử cả về giai cấp lẫn tính khí. Khổng thuộc giai cấp quí tộc nghèo, Mặc sinh trong giai cấp bình dân; Khổng chê giai cấp quí tộc đời đó suy đọa nhưng vẫn còn cảm tình với họ; Mặc đứng hẳn về phía bình dân, bênh vực kẻ nghèo yếu và có tinh thần của Ki Tô 5 thế kỉ sau. Khổng tính tình ôn hòa; Mặc bồng bột, nhiệt tâm có dư. Khổng học rộng, dùng trực giác và lương tri để tìm đạo; Mặc ham lí sự, đưa ra ba tiêu chuẩn (tam biểu) để luận lí:
- Điều gì hợp với công việc các thánh vương đời xưa thì là đúng,
- Điều gì hợp với sự tình mọi người thì là đúng,
- Điều gì ứng dụng vào hình chính mà phù hợp với quyền lợi của nhân dân, nhà nước thì là tốt. Đây là chủ nghĩa công lợi.
Từ phép luận lí đó, ông rán chứng thực rằng ma quỉ có thực vì các thánh vương đời trước tin có ma quỉ, trông thấy ma quỉ, và sau cùng vì tin có ma quỉ thì chỉ có lợi thôi: chúng ta cúng lễ ma quỉ, nếu các ngài thực sự nghe được chúng ta thì dĩ nhiên là có lợi rồi, nếu các ngài không nghe được, thì cũng là một dịp họp bà con ăn uống, vui vẻ, có thiệt gì đâu? Thật là ngây thơ.
Thuyết tam biểu của ông đã ảnh hưởng tới bọn danh gia đời sau.
Mặc bảo đạo nhân của Khổng không có hiệu quả, vì vẫn còn phân biệt người thân người sơ, phân biệt cha mẹ anh em mình với cha mẹ anh em người..., phân biệt mình và người khác; ông muốn bỏ gia đình đi, coi mọi người như mình, thương yêu giúp đỡ mọi người như người thân của mình, như bản thân của mình. Đó là thuyết kiêm ái, và theo ông, và hễ ai ai cũng kiêm ái thì không còn sự tranh cướp, không còn kẻ già nua bị bỏ đói khát, kẻ nhỏ yếu mồ côi không có chỗ nương tựa, mà thiên hạ sẽ trị. Thuyết đó, dĩ nhiên, không thể ai cũng theo được.
Kiêm ái có phải là bình đẳng không? Không chắc. Yêu thì yêu mọi người như nhau, nhưng xã hội vẫn phải có trật tự, ông chủ trương phải tán đồng ngược lên (thượng đồng), nghĩa là cái gì người trên cho là trái thì người dưới cũng phải nhận là trái, tóm lại là phải thống nhất tư tưởng, y như trong các quốc gia độc tài ngày nay. Thống nhất từ trên xuống dưới, tới làng, xóm, nhà. Chủ trương đó có lẽ đã gợi ý cho bọn Pháp gia đời sau như Thương Ưởng bắt năm hay mười nhà kiểm soát hành vi, tư tưởng lẫn nhau, hễ thấy điều gì trái luật nước thì báo cáo với cấp trên, cấp này lại báo cáo với cấp trên nữa... Kiêm ái và thượng đồng là hai điểm chủ yếu trong học thuyết của Mặc.
Mặc thấy bọn cầm quyền thời đó sống xa hoa quá, bắt dân bỏ công ân việc làm để phục vụ cho họ, ông bất bình, muốn mọi người phải sống khắc khổ, bỏ hết lễ, nhạc, tiết táng và đoản tang (chôn cất rất sơ sài, để tang một thời gian ngắn thôi) vô cùng nhau tận lực sản xuất.
Vì ông tin có quỉ thần, mà quỉ thần rất sáng suất, có lòng nhân, nên ông muốn mọi người phải thờ trời và quỉ thần, muốn dựng một tôn giáo trên tín ngưỡng đó, nhưng không đặt ra những lễ nghi như các tôn giáo khác (Ki tô giáo, Hồi giáo chẳng hạn).
Trở lên là những điểm Mặc khác Khổng. Ngoài ra ông cũng như Khổng, giữ chế độ phong kiến, trọng người hiền, và cũng chủ trương nhà cầm quyền phải có đức yêu dân, quí nghĩa.
Về sau môn sinh của ông tổ chức thành một đoàn thể rất chặt chẽ. Người có tài đức được cứ làm “cự tử” (như thủ lãnh) rất có quyền hành, ra lệnh thì bất kể lớn nhỏ, phải tuân lời, dù chết cũng không dám cãi; các người trong đoàn thể hễ làm quan, có lộc, phải nộp cự tử một phần để dùng cho đoàn thể. Nhưng tổ chức đó chỉ được vài thế hệ rồi suy lần, tan rã, và một số học giả Trung Hoa thời nay tiếc rằng dân tộc họ đã mất một cơ hội để biến đạo Mặc thành một tôn giáo như phương Tây, nếu không thì Trung Hoa cũng phát triển và mạnh như Tây!
Một điểm đáng khen của ông là chủ trương phi công. Ông rất ghét bọn đi xâm chiếm nước khác. Ông ngạc nhiên rằng người ta xử tội một kẻ ăn trộm một con bò, con heo mà kẻ đi xâm chiếm nước người thì lại được khen là anh hùng, ghi công trận để lại đời sau. Tương truyền, một kĩ thuật gia thời đó, Công Thâu Ban, chế giúp nước Sở một cái thang máy, sắp đem đánh nước Tống; hay tin ông vội vàng đi từ nước Tề, luôn mười đêm mười ngày đến đất Dĩnh, kinh đô Sở để can Công Thâu Ban và vua Sở; đồng thời ông lại phái một số đệ tử qua Tống giúp nước này chống lại Sở nữa.
Ông là triết gia vị tha nhất trong lịch sử nhân loại. Môn đệ ông chép những lời dạy bảo của ông trong bộ Mặc Tử, lời bình dị, không chút hoa mĩ, mà hay lặp đi lặp lại một ý để đập mạnh vào óc người nghe, như lời thuyết giáo trước công chúng, một giáo chủ, chứ không phải của một triết gia.
Biệt Mặc
Sau, Mặc giáo chia làm hai phái: một phái như Tống Kiên giữ đúng tinh thần của Mặc Tử, cũng khắc khổ, bôn tẩu, giúp đỡ lẫn nhau để cứu loạn cho thiên hạ; một phái gọi là Biệt Mặc có nhiều sáng kiến về tri thức luận.
Không rõ phái Biệt Mặc gồm những nhà nào; chỉ biết tư tưởng của họ chép trong bộ Mặc Kinh (đừng lộn với bộ Mặc Tử) và xét về những vấn đề:
- tri giác (quan năng, cảm giác và tâm)
- thời gian, không gian.
- kí ức.
- danh dự.
Họ bàn về phương pháp căn bản của sự biện luận, lại mở đường cho ngữ pháp học, luận lí học, toán học, vật lí học... gần như khoa học của Hi Lạp thời cổ.
Họ chống kịch liệt phái Biện giả mà sau người ta gọi là phái Danh gia, tức phái dùng cái danh mà định nghĩa, mà suy luận, gồm có Công Tôn Long, có lẽ cả Huệ Thi nữa. Họ chuyên ngụy biện cốt làm cho người khác không cãi được mình, chứ không cần ai tin mình, còn hơn phái ngụy biện (sophisme) ở Hi Lạp, gần đồng thời với họ nữa. Chẳng hạn Huệ Thi bảo: “Trời thấp như đất, núi phẳng bằng chằm; phương Nam không có chỗ cùng tận, mà lại cùng tận”; Công Tôn Long bảo: “Trứng có lông; Ngựa có trứng; Ngựa trắng không phải là ngựa; Cái gậy một thước, mỗi ngày lấy đi một nửa muôn đời cũng không hết”. (thuyết này cũng như thuyết con thỏ không bao giờ đuổi kịp con rùa của Zénon).
Có thể do phái Danh gia mở đường mà phong trào du thuyết phát triển rầm rộ ở gần cuối thời Chiến Quốc. Họ dùng ba tấc lưỡi đi thuyết phục các vua chư hầu để mong được dùng, kiếm chút danh lợi, nay nói thế này, mai có thể nói ngược lại, chứ không có lí tưởng gì cả.
 
Mạnh Tử
Sau Mặc Tử tới Dương Tử và Lão Tử, nhưng nhà này chủ trương vô vi, nên tôi hãy xét tiếp hai nhà nữa, Mạnh Tử và Tuân Tử trong phái hữu vi của Khổng đã.
Mạnh Kha ra đời ở nước Trâu sau khi Khổng Tử mất độ 100 năm, cũng trong một gia đình quí tộc cổ như Khổng, là môn đệ của Tử Tư, cháu nội Khổng Tử, theo đúng học thuyết Khổng Tử và phát huy thêm được vài điều quan trọng.
Thời ông là thời đại loạn: Trung Hoa đã có sắt, khí giới đã bén, đất được khai thác, dân đã đông, các chư hầu tranh giành nhau đất, giết dân đầy đất, tranh giành nhau thành, giết dân đầy thành; các học thuyết nguy hại phát sinh, lôi cuốn được dân chúng, dân không theo Mặc Tử thì theo Dương Tử (coi ở sau), mà đạo Khổng lu mờ.
Tính tình Mạnh Tử khác Khổng Tử, không ôn hòa mà rất nghiêm khắc, không chịu nhượng bộ, thỏa hiệp với các vua chúa, nhiều lần mắng thẳng vào mặt họ; kịch liệt đả kích thuyết vị ngã của Dương Tử, mắng Dương Tử không có vua vì không chịu giúp đời, không thờ một ông vua nào cả; mắng Mặc Tử ở hai điểm: chủ trương kiêm ái là không hợp nhân tình, coi cha mẹ người như cha mẹ mình, tức là không có cha; và chủ trương công lợi mà làm cho người trên kẻ dưới ai cũng nghĩ tới lợi riêng, mà trái lại, cực lực đề cao cái lợi chung; nhưng Mạnh Tử nhất định không chịu nói tới lợi bất kì là tư hay công, muốn xóa bỏ chữ lợi đi trong ngôn ngữ mà thay chữ nghĩa vào. Ông nói đến nghĩa nhiều hơn là nhân, điều đó ông khác Khổng Tử.
Ông hăng hái và rất hùng hồn, có tinh thần một chính trị gia, một chiến sĩ hơn một triết gia.
Ông dạy học, khoảng 40 tuổi mới nổi danh, cũng như Khổng Tử, dắt môn sinh đi thuyết phục các vua chư hầu. Hình như đoàn thầy trò ông khá đông: mấy chục cỗ xe, có thể cả trăm người. Ông qua Tề, một nước mạnh nhất thời đó, văn minh, có truyền thống trọng hiền, kinh đô Lâm Tri là nơi tụ họp các kẻ sĩ bốn phương, rồi qua Đằng, một nước rất nhỏ. Vua Tề Tuyên vương không chịu theo đạo ông; vua Đằng thực tâm theo đạo ông, nhưng bất lực. Ông lại trở về Tề, rồi sau qua Tống, cũng thất vọng nữa. Ở đâu người ta cũng niềm nở đón tiếp ông, chu cấp cho thầy trò ông như những khách quí, khi đi lại tặng ông một số vàng để chi dùng, nhưng trước sau ông vẫn không thi hành được chí của ông là phục hồi chế độ phong kiến và phát huy đạo Khổng.
Sau cùng ông bỏ ý định làm chính trị, lui về quê, soạn chung với môn sinh một cuốn để chép lại những cuộc tiếp xúc của ông với vua chúa đương thời, tức cuốn Mạnh Tử, một trong Tứ thư của đạo Khổng.
Khổng Tử đưa ra thuyết Chính Danh: vua không có tư cách, không làm tròn bổn phận thì không đáng gọi là vua, nhưng không bảo phải nên gọi là gì, có nên lật đổ không. Mạnh Tử dứt khoát hơn, bảo “dân vi quí, quân vi khinh” (trong nước, dân quí hơn vua), phải phế bỏ những ông vua làm hại dân, và nếu là bạo chúa thì có thể giết, có thể làm cách mạng, giết một bạo chúa như Kiệt, Trụ, không phải là giết vua, mà giết một tên thất phu; nhưng phải là một hiền nhân, có tài có đức, được dân tín nhiệm (hạng đó, Mạnh Tử gọi là “thiên lại”) mới được làm cách mạng.
Có hai hạng vua đáng giết: hiếu chiến, xua quân đi chiếm đất nước khác để cho dân chết, như vậy là cho đất ăn thịt dân; không lo nuôi dân, để dân đói khổ mà trong chuồng của nhà vua thì có ngựa mập, như vậy là cho loài thú ăn thịt dân.
Ông rất lo đến vấn đề dưỡng dân. Dân nghèo vì không có việc làm, hóa ra bậy bạ, mắc vòng tội lỗi, rồi cứ chiếu theo pháp luật mà trừng trị tức là bủa lưới bắt dân. Thời ông chế độ tỉnh điền nhiều nước đã bãi bỏ, dân nghèo không đủ sức để tự khai phá những đất đai mới, phải làm nông nô cho một bọn chủ điền, nên ông khuyến khích các vua lập lại tỉnh điền cho hạng dân đó đỡ khổ.
Tuy nhiên, ông vẫn giữ phép tôn ti của chế độ phong kiến, kịch liệt mạt sát Hứa Hành, một triết gia nước Sở có lẽ muốn lập lại chế độ Cộng sản nguyên thủy, chủ trương mọi người hoàn toàn bình đẳng, dù vua chúa cũng phải cày ruộng lấy mà ăn, và mọi hàng hóa ở chợ chỉ có một giá thôi, hễ dài ngắn, nặng nhẹ bằng nhau thì giá tiền như nhau. Mạnh Tử cho như vậy lả làm loạn thiên hạ: không thể nào có sự bình đẳng về trí tuệ, tài năng được: hạng người nhiều tài năng thì lao tâm, ít tài năng thì lao lực, lao tâm thì cai trị người lao lực và được người lao lực nuôi; lao lực thì bị người lao tâm trị và phải nuôi người lao tâm. Qui tắc đó thời nào cũng đúng, ngày nay nhân loại chỉ có thể giảm sự bất bình đẳng phần nào bằng luật pháp thôi. Không có sự phân công thì không thể làm được gì cả.
Một cống hiến của Mạnh Tử là thuyết tính thiện. Khổng Tử chỉ bảo “tính tương cận, tập tương viễn”, nghĩa là tính con người khi mới sinh thì gần giống nhau, do tập tành và thói quen mà lần lần khác nhau. Mặc Tử cho tính người như tấm lụa trắng, nhuộm xanh thì hóa xanh, nhuộm vàng thì hóa vàng. Đồng thời với Mạnh, một triết gia, Cáo Tử, cũng chủ trương tính không thiện không ác, Trang Tử bảo tính là siêu thiện ác, cũng là nghĩa đó. Ngoài ra còn có người bảo tính vừa thiện, vừa ác.
Mạnh Tử bác thuyết của Cáo Tử, bảo tính người ta vốn thiện vì ai cũng có bốn mầm thiện ở trong lòng (Trung Hoa gọi là tứ đoan: bốn mối): có lòng thương người, đó là đầu mối của (đức) nhân; có lòng thẹn, ghét, đó là đầu mối của nghĩa; có lòng từ nhượng, đó là đầu mối của lễ; và lòng biết phải trái, đó là đầu mối của trí. Có cái mầm của nhân, nghĩa, lễ, trí mà biết bồi dưỡng cho nó (tồn tâm dưỡng tính) cho mỗi ngày một phát mạnh lên thì ai cũng có thể thành bậc Nghiêu, Thuấn được. Muốn tồn tâm thì phải giữ cho tư dục đừng làm mờ ám nó. Cái tâm đó gọi là lương tâm. Có lương tâm thì có lương tri, nghĩa là cái khả năng biết một cách mẫn tiệp mà đúng.
Thuyết tính thiện đó sau nảy ảnh hưởng lớn đến triết học đời Tống vả Minh.
Ông khuyên phải làm điều hợp nghĩa để cho cái khí hạo nhiên (rộng lớn) nảy nở. Nó nảy nở mạnh rồi thì ta thành bậc đại trượng phu mà “phú quí bất năng dâm (hóa phóng đãng), bần tiện bất năng di (đổi chí của mình), oai vũ bất năng khuất”.
Chính ông là một đại trượng phu của Trung Quốc. Đọc những đoạn ông mắng các vua chư hầu chúng ta cũng lây nỗi bất bình của ông. Thời đại chúng ta khác gì thời đại của ông.
Chu Nguyên Chương, tức Minh Thái Tổ, rất ghét những đoạn ông đối đáp Tề Tuyên Vương, ra lệnh dẹp hết những phiến đá khắc các bài ấy mà vua Thần Tôn đời Tống sai dựng năm 1084 ở miếu thờ Khổng Tử. Nhưng năm sau, Thái Tổ lại phải cho đặt lại chỗ cũ. Và cho tới cách mạng Tân Hợi 1911, danh vọng và ảnh hưởng của Mạnh Tử chỉ kém Khổng Tử trong lịch sử triết học chính thống. Vậy là trên 1.500 năm sau khi mất, Mạnh Tử vẫn làm cho các vua phải sợ học thuyết của ông.
 
Tuân Tử[2]
Tuân Tử, tên là Huống, kém Mạnh Tử khoảng bốn chục tuổi, sanh ở nước Triệu, sống ở cuối thời Chiến Quốc, tuy cũng là môn đồ Khổng giáo, nhưng không theo hẳn Khổng và có nhiều điểm chống lại Mạnh. Ông có hồi làm một chức quan lệnh ở Lan Lăng nước Sở, và cũng dạy học, có hai môn sinh nổi tiếng là Lí Tư và Hàn Phi sau này giúp Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Quốc, vì vậy mà phái nhà Nho từ đời Hán trở đi không ưa ông.
Ông học rất rộng, xét kĩ tất cả các học thuyết của các nhà khác mà châm chước theo ý mình. Mạnh Tử là một chính trị gia, một chiến sĩ kiêm triết gia; ông thuần túy là một học giả, một triết gia.
Về những điểm chính ông vẫn theo Khổng: tôn quân quyền, trọng tôn ti, lễ, nghĩa, nhưng ông chủ trương tính ác, ngược hẳn với Mạnh.
Ông bảo: “Tính của người vốn ác, những điều thiện là người đặt ra”. (Nhân chi tính ác, kì thiện giả, ngụy dã), vì người ta sinh ra vốn ham lợi, đố kị, muốn thỏa dục; thánh nhân đời trước biết vậy mới đặt ra lễ nghĩa để uốn nắn lại tính của con người cho nó thành ra thiện.
Một điểm nữa khác với Khổng Tử và Mạnh Tử là ông tuy tin rằng có trời, nhưng cho đạo trời không quan hệ gì tới đạo người. Xã hội trị hay loạn là do người cả. Trời có thể sinh ra lụt lội hay nắng hạn, nhưng đói rét là tại người không biết đề phòng, không biết chống với tai nạn chứ không phải tại trời. Vậy chẳng những không nên tranh chức của trời mà còn nên chinh phục thiên nhiên nữa: “Tôn trời mà mến trời thì sao bằng để cho vật súc tích nhiều, tài chế nó mà dùng? Theo trời mà khen trời thì sao bằng tài chế cái mệnh trời mà dùng?”.
Tư tưởng đó rất tấn bộ, chống lại cả Mặc giáo, Lão giáo lẫn Âm Dương gia. Tiếc rằng học thuyết của ông không được đời sau phát huy thêm, thành thử tinh thần chinh phục thiên nhiên không nảy nở mạnh ở Trung Hoa như ở châu Âu.
Vì tin rằng tính ác, ông phản đối tự do cá nhân, muốn khắc phục con người, trọng lễ hơn nhân, đề cao sự tập quyền. Về điểm này ông ở vào giữa Khổng Tử và các Pháp gia, cũng chống Lão, Trang và có phần hơi giống Mặc Tử.
Nhưng khi bàn về tâm thì ông hợp với Mạnh Tử, cho rằng người ta biết phải trái là nhờ tâm; mà tâm muốn cho sáng suốt thì phải hư tĩnh, đừng để cho tư dục làm loạn. Theo truyền thống Khổng học, ông trọng nghi thức, ghét phái ngụy biện; đề cao thuyết chính danh nhưng không đứng riêng về phương diện đạo đức, chính trị như Khổng mà còn đứng về phương diện lí luận, xét tại sao mà có danh, do đâu có sự đồng dị, muốn chế danh thì phải sao, và có những trường hợp nào mà danh và thực hóa loạn. Tuy nhiên cái học của ông vẫn thiên về nhân sinh: người biện luận phải phục vụ điều thiện, đạo nhân ái, phải theo nguyên tắc chính đáng mả ông gọi là “long chính”.
Có thể ông đã chịu ảnh hưởng ít nhiều của Mặc Tử mà đề cao đạo hợp quần của nhân loại. Ông bảo: Người ta sức không bằng con trâu, chạy không bằng con ngựa, thế mà trâu ngựa đều bị người ta dùng được là tại sao? Tại người biết họp quần”. Muốn hợp quần thì phải có trật tự, phân biệt trên dưới. Đó cũng là một lẽ nữa để ông chủ trương tập quyền, hạn chế tự do cá nhân. Trong phái nhân trị, ông là người thực tế nhất.
Vì trọng đạo đức, ông ghét chính sách quyền mưu của bọn Pháp gia, vẫn theo đường lối của Khổng Tử, dùng lễ nghĩa, nhất là lễ để trị dân. Ông phân biệt vương đạo, bá đạo và vong quốc chi đạo. Vương đạo là chính sách của Khổng, Mạnh; bá đạo là chính sách của Pháp gia; còn vong quốc chi đạo là chính sách của bọn cầm quyền phỉnh gạt dân để mưu cái tư lợi nhỏ mọn.
 
C. Phái vô vi
Dương Tử
Thời nào cũng có một số ẩn giả thấy xã hội loạn li quá không thể cứu được, sinh ra bi quan, chỉ muốn “độc thiện kì thân” (giữ cho riêng thân mình được trong sạch), không tham dự việc đời. Thời Khổng Tử, có người đã chê ông là “biết rằng không thể làm được mà cứ làm”, và khuyên ông “ùa ùa như nước chảy một chiều, thiên hạ như thế cả, ai mà theo mình để đổi loạn ra trị”.
Khi Mặc Tử gần mất thì trong nhóm ẩn giả đến sau có một người xuất sắc lập được một thuyết để phản đối thuyết hữu vi của Khổng và Mặc. Triết gia đó là Dương Tử. Ông không viết sách, môn đệ ông nếu có, cũng không chép lời dạy bảo của ông, nên học thuyết của ông chỉ còn rải rác ít trang trong tác phẩm của các triết gia khác.
Đại khái ông chủ trương “khinh vật mà quí thân”, chữ vật ở đây chỉ tất cả những cái gì ngoài cái thân của mình, nghĩa là cả vạn vật lẫn người khác, cả vũ trụ lẫn xã hội. Dù chỉ mất một cái lông chân của ông mà làm lợi cho cả thiên hạ, ông cũng không chịu. Thực trái hẳn với Mặc Tử, người “mòn trán lỏng gót vì thiên hạ”. Mặc vị tha bao nhiêu, ông vị kỷ bấy nhiêu vì ông nghĩ rằng chỉ thuyết vị kỷ mới cứu đời được thôi: nếu người nào cũng chỉ nghĩ tới mình, khinh thường mọi vật, mọi người thì làm gì còn có sự tranh giành nhau nữa. Có vẻ như ngụy biện.
Cá nhân chủ nghĩa cực đoan đó hình như rất thịnh ở đương thời, ngang với chủ nghĩa kiêm ái của Mặc, muốn lấn át Khổng giáo, nên Mạnh Tử cực lực đả kích cả hai như trên ta đây thấy.
 
Lão Tử
Lão Tử được khắp thế giới nhận là một triết gia lớn của Trung Quốc, ngang với Khổng Tử, tuy ảnh hưởng không bằng, và tác phẩm Lão Tử, tức Đạo đức kinh thuộc vào hàng lí thú, hấp dẫn nhất trong lịch sử tư tưởng nhân loại, nhưng nhiều chữ rất khó hiểu. Nó chỉ gồm 5.000 chữ mà từ xưa tới nay có không biết bao nhiêu bản chú thích, bao nhiêu bản dịch (riêng ở phương Tây đã có 80 bản), không bản nào giống bản nào, ai muốn hiểu sao thì hiểu.
Vậy mà chúng ta không biết được điều gì chắc chắn vế đời Lão Tử cả, ngay cả tên ông nữa, cũng vậy, và chúng ta đành tạm gọi “ông thầy già” đó (Lão Tử) là họ Lí, tên Nhĩ. Không biết chút gì về đời sống của ông, sanh ở đâu, chết ở đâu, hồi bao nhiêu tuổi, có thực là giữ thư viện cho nhà Chu không? Có chán đời rồi qua cửa Hàm Cốc để đi về phương tây không? Còn tập Đạo Đức Kinh có thực của ông viết không? Hoàn toàn bí mật. Cũng đành tạm nhận rằng ông sinh trên 100 năm sau Không Tử, khoảng 50 năm sau Mặc Tử - chứ không phải trước Khổng Tử mấy chục năm như Tư Mã Thiên chép - còn tập Đạo Đức Kinh xuất hiện vào thế kỉ IV hay III trước Tây lịch, mà phần chính là tư tưởng của ông, mặc dầu có nhiều chỗ do người đời sau thêm vào.
Ông là người khởi xướng vũ trụ luận ở Trung Hoa, nên địa vị của ông rất quan trọng. Khổng và Mặc đều tin trời, Lão thì cho rằng trước khi có trời đất còn có cái gì nữa, cái đó mới thật là nguyên thủy của vạn vật.
Cái gì đó “trộn lộn mà thành”, “lằng nhằng không dứt”, “thấp thoáng mập mờ, không có hình trạng”, bên trong “sâu thẳm tối mù”, không biết gọi nó là gì, tạm gọi nó là đạo. Khi chưa thành hình thì Đạo là Vô, hiển hiện dưới hình thức rồi thì nó là Hữu. Đạo sinh ra một, một sinh hai, hai sinh ba, ba sinh vạn vật; câu này ai muốn hiểu sao thì hiểu, ta chỉ cần nhớ rằng Đạo sinh ra muôn vật. Rồi phải có cái gì để nuôi nấng muôn vật nữa, cái đó ông gọi là Đức. Đạo Đức Kinh là kinh giảng về cái Đạo, cái Đức đó chứ không có nghĩa là giảng về đạo đức, về luân lí. Ta thấy vũ trụ luận của Lão không có chút gì là thần bí, hơi có vẻ như khoa học đời sau nữa.
Từ vũ trụ quan mới mẻ đó ông tạo nên một nhân sinh quan độc đáo. Chúng ta đều từ Đạo, tức từ thiên nhiên sinh ra, rồi chết lại trở về Đạo, thì nên sống theo thiên nhiên. Sống theo thiên nhiên là phản phác, trở về chất phác.
Triết gia nào cũng trọng trí thức. Ông cho rằng dân khó trị, con người hư hỏng, xã hội loạn lạc vì nhiều trí. Tri thức khiến người ta phân biệt cái hay cái dở, mà phân biệt cái hay cái dở thì muốn tìm sự khoái lạc cho mình, do đó sinh hại: “Năm sắc khiến người ta mờ mắt, năm âm khiến người ta điếc tai, năm vị khiến người ta mất cảm giác của miệng”. Và ông chủ trương “khí trí” (bỏ cái trí đi) và “tuyệt thánh”, bỏ cái ông thánh dạy dân hiểu biết nhiều đi.
Quan sát thiên nhiên, ông thấy luật mâu thuẫn về bề ngoài của vạn vật (Cái yên tĩnh là chủ của cái xáo động, cái quí lấy cái tiện làm gốc, cái cao lấy cái thấp làm gốc, cái gì thực đầy giống như trống không, con người thực khéo thì giống như vụng...), và luật phản phục trong vũ trụ: vật gì phát đến cực điểm thì phản lại, hễ tăng rồi thì phải tổn (trăng tròn rồi khuyết, hết đông sang xuân...). Do đó ông khuyên ta nên trọng “tổn” và “tĩnh”. Tổn là đừng mong phát đạt đến cực điểm, hễ hơi quá thì phải rút đi ngay. Tĩnh là vô vi, cứ theo tự nhiên, đừng ra tay tạo thời thế, chuyển cơ trời làm gì vô ích.
Ở đời thì nên khiêm tốn, nhún nhường, nhu nhược như nước. “Nước làm lợi cho mọi vật mà không tranh giành, ở chỗ mà mọi người không thích”, tức chỗ thấp. “Trong thiên hạ không có gì nhu nhược như nước, nhưng dùng để công phá cái chắc, mạnh thì không gì hơn được nó.”
Về chính trị, ông cũng chủ trương vô vi, chống Khổng, Mặc. Theo ông, càng hữu vi, tức càng can thiệp vào việc dân bao nhiêu thì càng tai hại bấy nhiêu. Bỏ người hiền, bỏ vật quí, không làm gì cả. “Không chuộng người cho dân khỏi sinh tranh giành, không quí những vật khó được, cho dân khỏi làm kẻ trộm, không thấy cái gì đáng ham, cho lòng dân khỏi loạn...”
Bỏ nhân, nghĩa, trí đi, cứ theo luật tự nhiên mà hành động, làm cho dân no bụng, ấm thân là đủ rồi. “Rỗng cái tâm (không tham dục), no cái bụng, yếu cái chí (không tranh đoạt), mạnh cái xương, thường khiến cho dân không tri thức, không ham muốn!”, đó là phép trị dân chỉ có bấy nhiêu. Không triết gia nào trọng tự do của dân bằng ông.
Dĩ nhiên ông rất ghét chiến tranh; nếu có bị tấn công thì nhường nhịn đi: “Nước lớn mà hạ mình trước nước nhỏ thì được nước nhỏ thần phục; nước nhỏ mà hạ mình trước nước lớn thì tất được nước lớn che chở.”
Quốc gia lí tưởng của ông là một nước nhỏ, dân chất phác, có xe thuyền gươm giáo mà không dúng, ai ở yên nhà người ấy, đủ ăn đủ mặc. Chắc ông nghĩ đến thời Nghiêu, Thuấn, thời bộ lạc. Đại văn minh mà giống dã man là thế.
Vậy thuyết vô vi của ông khác thuyết vi kỉ của Dương Tử, ông lại khác Dương ở chỗ không “quí sinh” mà coi đời sống chỉ là một sự tự nhiên: cứ bình tĩnh, vô ưu, vô dục, vô cầu. Phản phục, hư tĩnh, vô vi, khiêm nhu, bất tranh là những điểm chính trong học thuyết của ông.
Ông lật ngược cả nền luân lí của Khổng Tử, cả chế độ tôn ti của phong kiến. Nhiều tư tưởng ngược đời được trình bày rất tài tình khiến ta thấy thú vị, mà phải nhận rằng có phần nào đúng; và khi tới một tuổi nào đó, nhất là ở trong thời loạn, ta chán nản mọi sự, không muốn hoạt động nữa, “làm bạn với hươu nai”, hưởng “gió mát trên sông và trăng sáng trong núi”, thì ta thấy đạo Lão thật thâm thúy, minh triết. Đạo Khổng hữu vi quá, tích cực quá, bắt ta phải tự cường bất tức[3], lúc đó không hợp với tâm trạng ta nữa và ta tìm về đạo Lão, như Đào Tiềm, Tô Đông Pha ở Trung Quốc, như Chu Văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm ở nước ta. Hai đạo đó bổ túc lẫn nhau, như mặt trăng và mặt trời, đều được dân tộc Trung Hoa coi trọng ngang nhau, nên họ mới có được sự quân bình trong tâm hồn, khác hẳn người Ấn Độ và người phương Tây.
 
Trang Tử
Trang Chu cũng sinh ở Tống, sau Lão khoảng 70 năm, sống ở Sở đồng thời với Mạnh Tử, mới là cực vô vi. Bộ Trang Tử, cũng gọi là Nam Hoa Kinh, gồm ba phần: Nội thiên, Ngoại thiên và Tạp thiên. Chỉ Nội thiên là chắc chắn của ông viết, Ngoại thiên của môn sinh ông viết, tư tưởng hợp với ông, còn Tạp thiên thì không tin được.
Trang Tử[4] cho rằng vũ trụ luôn luôn biến hóa. Vạn vật lúc đầu cùng một loại, từ cái “cơ” sau lần lần biến đổi để thích hợp với hoàn cảnh, do đó mới khác nhau. Sự biến đổi đó không ngừng, dường như thình lình và mau, từ loại “kê” tới loại rêu, loại “chân quạ” (cây), loại sâu bướm, ve sầu, chim..., ngựa, người, cuối cùng lại trở về cái “cơ”. Thuyết đó mới mẻ, tạm như thuyết của Darwin.
Vậy vạn vật chỉ là một và sinh tử cũng như nhau, như nhịp tuần hoàn của thiên nhiên, như những đợt sóng trên biển.
Chết chỉ là thay đổi hình thể, thành gì, ta không cần biết; mà chết rồi cũng chẳng cần chôn: để trên mặt đất thì diều quạ rỉa xác, mà chôn dưới đất thì bị giòi, kiến ăn, đằng nào cũng vậy.
Ông cho vạn vật đều ngang nhau, không có lớn nhỏ sang hèn, phải quấy, tốt xấu cũng không có vì hết thảy đều là tương đối cả; mà vật nào cũng có bản tính, cũng thuận cái tính của mình mà biến hóa. Vật có loài thọ cả ngàn năm, có loài thọ chỉ một năm, một ngày, nhưng đều là sống hết cái tuổi thọ tự nhiên của nó mà thôi. Chim có con bay được cả ngàn dặm rồi mới nghỉ, có con chỉ bay được vài chục dặm đã phải nghỉ, cũng là bay hết cái sức tự nhiên của nó thôi. Người sống ở dưới bùn thì đau ốm, con trạch thì không vậy. Người ở trên cây thì run sợ, con khỉ thì không vậy. Thế thì người kém trạch hay hơn trạch, kém khỉ hay hơn khỉ? Mỗi vật có cái hợp với nó, cái đẹp của nó, cái thích của nó, không thể nhất thiết như nhau được mà cũng không thể phân biệt hơn hay kém được.
Một đêm ông chiêm bao thấy mình là bướm, thích chí, bay lượn quên mình là Chu. Chợt tỉnh dậy, ông ngạc nhiên thấy mình là Chu, không biết Trang Chu chiêm bao là bướm, hay bướm chiêm bao là Chu.
Tư tưởng hoài nghi cực độ đó đưa tới tự do và bình đẳng tuyệt đối, trọng cá nhân tới tuyệt đối, vô vi tới tuyệt đối.
Hạnh phúc của vạn vật, của con người là thuận cái bản tính của mình mà hòa hợp với vũ trụ. Vì vậy ông rất ghét chính trị, coi các chính trị gia đương thời như Lỗ hầu cả. Ông đặt ra ngụ ngôn này: Lỗ hầu bắt được một con chim biển, thích lắm, đem về nuôi trong miếu đường bắt các quan tấu nhạc cho nó nghe, làm thịt cá cho nó ăn, chuốc rượu cho nó uống; nhưng nó cứ ủ rũ, không ăn uống gì cả, ba ngày sau nó chết. Cái hại của xã hội là bắt mọi người vào trong một khuôn nếp, không để cho họ theo bản tính tự nhiên.
Lão Tử tuy chủ trương vô vi nhưng còn giữ quốc gia, còn nói đến đạo trị nước. Trang Tử mới thực cực đoan vô vi, ghét các thánh Nghiêu, Thuấn bày đặt ra quốc gia, diệt mất tự do, hạnh phúc của con người. Tương truyền vua Sở mời ông ra làm quan, ông không chịu, bảo sứ thần: “Ta thích làm con rùa sống mà lết cái đuôi trong bùn, còn hơn làm con rùa thần đã chết cất ở miếu đường, trong một cái giỏ có phủ lụa”. Ông hoàn toàn theo chủ nghĩa vô chính phủ.
Nhân sinh quan của ông là tiêu dao, đứng đợi có phú quí rồi mới sung sướng, có danh vọng rồi mới thỏa chí, như vậy là còn phải nương cậy vào phú quí, danh vọng. Con người sở dĩ khổ là vì cứ đợi nương cái này, cái khác rồi mới thỏa mãn; đừng để sự tiêu dao của ta bị cái đợi nương đó hạn chế thì mới là bậc “chí nhân”, tức như bậc thần nhân.
Quan niệm nhàn của phương Đông nguồn gốc ở Lão, Trang, nhất là Trang, và ảnh hưởng mạnh tới hầu hết các văn nhân học giả Trung Hoa. Trái lại, quan niệm tự do và bình đẳng tuyệt đối của ông chỉ được một số người đề cao mà thôi. Ông là một triết gia tư tưởng độc đáo, một nghệ sĩ đa tài, văn ông vừa lãng mạn, nên thơ, vừa trào phúng, cay độc, ông sử dụng thuật ngụ ngôn không ai bằng.
 
D. PHÁI PHÁP TRỊ - CỰC HỮU VI.
 
Hàn Phi
Tôi gọi họ là một phái. Sự thực họ không có liên hệ gì với nhau cả, không ai nhận ai là thầy trò của nhau như Khổng phái, Mặc phái.
Họ xuất hiện từ cuối đời Xuân Thu, như Phạm Lãi, tướng quốc nước Việt, chủ trương “phú quốc cường binh” mà giúp Câu Tiễn thắng được Phù Sai; có thể còn sớm hơn nữa như Quản Trọng nước Tề, Tử Sản nước Trịnh rồi lác đác cho tới cuối thời Chiến Quốc, người ở nước này, người ở nước khác, không thời nào không có như:
+ Thân Bất Hại (thế kỉ thứ IV) người nước Trịnh, chuyên dùng thuật, thủ đoạn, mưu mẹo để trị dân.
+ Thận Đáo (cũng thế kỉ thứ IV) người nước Triệu (?), rất trọng cái thế của nhà cầm quyền. Thế tức là quyền thế, địa vị. Có cái thế mạnh thì dù không có tài đức, cũng bắt được người hiền phải phục mình; không có cái thế thì dù hiền như Nghiêu, Thuấn, cũng không được người nào.
+ Nhất là Thương Ưởng người nước Vệ (cho nên còn có tên là Vệ Ưởng, cũng ở thế kỉ thứ IV), chủ trương dùng pháp cho nghiêm, mà cuối chương IV tôi đã giới thiệu.
Họ chỉ có những điểm này giống nhau:
- hầu hết là ở trong những công tộc đã mất đất, mất quyền, có học, có kinh nghiệm về chính trị và thường làm quân sư hoặc tướng quốc các nước chư hầu (trừ Thận Đáo).
- có tinh thần thực tế, hiểu bản tính người là hiếu lợi, sợ đau đớn. Muốn cho xã hội khỏi loạn thì phải đánh vào hai nhược điểm đó của dân, thưởng phạt cho nghiêm minh: thưởng bằng tiền, bằng danh phận, chức tước; trừng trị bằng những khổ hình nằng. Đừng giảng đạo đức với họ; giảng đạo đức mà mong họ trung thành, tận trung với mình là mơ mộng hão.
- do đó, không cần lựa người hiền để trị dân, như Khổng, Mặc chủ trương. Quan lại chỉ cần có khả năng trung bình, biết sợ vua và tuân lệnh thôi, có thể thay thế lúc nào cũng được. Cũng phải áp dụng chính sách thưởng phạt đối với họ.
- việc gì cũng chỉ có vua mới được quyết định; vua phải nắm hết quyền hành, nếu chia một chút quyền với kẻ dưới thì bọn này sẽ lộng hành, che mắt vua, gây bè gây đảng mà ngôi vua sẽ lung lay.
- vua phải kiểm soát hành vi của họ, dò xét tâm lí họ và đừng cho đoán được ý muốn, sở thích của mình. Vua không cần quan lại thương yêu mình, chỉ cần họ thừa hành đúng lệnh của mình mà không được phê phán; dù lệnh đó, họ thấy hại cho quốc gia, cho bản thân họ, thì cũng phải tuân triệt để.
Tóm lại, pháp gia là chính trị gia, không phải là triết gia. Người có tài nhất là Hàn công tử nước Hàn, môn đồ của Tuân Tử, học rất rộng, tập đại thành tư tưởng của các pháp gia trước ông mà viết một bộ sách, bộ Hàn Phi Tứ. Tần Thủy Hoàng đọc bộ đó, ngưỡng mộ ông lắm, ước ao được gặp ông, thì may mắn cơ hội tới: Vua Hàn sai Hàn Phi đi sứ qua Tần. Có lẽ Hàn Phi thấy cái thế của Trung Quốc thời đó sắp thống nhất được, mà chỉ có thể thống nhất được bằng võ lực nên ở lại Tần để giúp Thủy Hoàng thực hiện việc đó.
Ông theo thuyết tính ác của thầy là Tuân Tử một cách triệt để, bảo không gì thân bằng tình cha con, vậy mà có nhiều người cha sinh con trai thì nuôi, sinh con gái thì giết đi, coi cái lợi của mình nặng hơn tình ruột thịt như vậy là con người bẩm sinh vốn đại ác. Do đó ông không bàn đến nhân nghĩa, cũng không trọng lễ như Tuân Tử, mà đề cao phương pháp dùng thế, dùng thuật, dùng luật của Pháp gia để trị nước.
Ông chủ trương cho dân chúng tự do cạnh tranh trong phạm vi kinh tế để nước được mau giàu. Và ông tin rằng theo chính sách độc tài về chính trị, tự do về kinh tế, thì nhà vua chẳng cần làm gì, cứ ngồi ở trên kiểm soát kẻ dưới, là nước sẽ trị. Chủ trương “vô vi nhi trị” đó thực trái hẳn chủ trương của Lão, Trang; chính ra nó là một thứ cực hữu vi.
Nhưng Hàn Phi chỉ giúp Thủy Hoàng được ít lâu thôi. Hàn bị một bạn học là Lí Tư (lúc đó làm tướng quốc Tần) hãm hại vì ghen tài, và ông phải tự tử ở trong ngục. Mặc dầu vậy, cái học của ông cũng được thi hành ở Tần và giúp Thủy Hoàng hoàn thành được công việc thống nhất Trung Quốc, lập chế độ quân chủ chuyên chế thay chế độ phong kiến.
Thế là các học thuyết của Khổng, Mặc đã thất bại trong việc cứu vãn thời thế; Hàn Phi đã thành công nhờ dùng trọn các thuyết của Pháp gia. Phái nhân trị quá lí tưởng trong thời loạn, phải hạ lần lần lí tưởng của mình xuống: mới đầu Khổng Tử đề cao đức nhân, sau Mạnh Tử hạ xuống mà trọng nghĩa, Tuân Tử hạ xuống nữa, trọng lễ mà chính môn sinh của ông cũng không theo, họ trọng pháp, thấp nhất, và dẹp được loạn. Nhưng chính họ, từ Thương Ưởng đến Hàn Phi, Lí Tư, Triệu Cao, đều bất đắc kì tử và nhà Tần bị diệt. Sẽ tới một thời bình, phe nhân trị sẽ được trọng. Lịch sử loài người như vậy: trị là thời của đạo đức, tự do, loạn là thời của sức mạnh, hình pháp, độc tài.
 
E. ÂM DƯƠNG GIA

Âm Dương

Trâu Diễn
Dân tộc Trung Hoa đã có quan niệm âm dương từ thời. Thương Trên các giáp cốt thời đó, người ta đã thấy hai hình (sau này là chữ) biểu tượng âm và dương (coi ở trên). Mới đầu âm biểu tượng chỗ tối, không có ánh mật trời, dương biểu hiện chỗ có ánh mặt trời, rồi sau âm có nghĩa là đêm, lạnh, giống cái, yếu, suy, tiểu nhân..., dương có nghĩa là ngày, ấm, giống đực, mạnh, thịnh, quân tử... âm, dương thành ra hai trạng thái trái nhau của một sự vật, hai mặt của một vấn đề..., trong vũ trụ cái gì cũng có âm dương. Quan niệm đó đặc biệt của Trung Hoa, áp dụng vào mọi ngành học được; quan niệm négatif, posotif của phương Tây không tiện bằng, bao quát bằng, đủ ý nghĩa bằng, và người Âu đành phải phiên là Yin, Yang.
Âm dương bao trùm cả không gian (như phía nam phía bắc), thời gian (như ngày, đêm), thời tiết (như đông, hè, mưa, nắng); không vật gì hữu hình hay vô hình trong vũ trụ mà không có âm dương: giống cái, giống đực, rỗng đặc, suy thịnh, thăng giáng, thiện ác, quân tử, tiểu nhân... đều là âm dương cả. Âm dương không phải chỉ là 2 cái khí hai 2 nguyên lí, không phải chỉ là những năng lực, khía cạnh, những đặc tính... mà là tất cả những cái đó.
Âm dương tuy trái nhau, như đen với trắng, tuy đối lập nhau, nhưng lại ôm lấy nhau, xoắn lấy nhau như hình bên trên.
Lại thêm: trong âm có dương, trong dương có âm; chỗ hình đen phình ra có một điểm trắng, chỗ hình trắng phồng ra có một điểm đen; chỗ hình đen phồng ra là chỗ hình trắng thót lại; ngược lại, chỗ hình đen thót lại là chỗ hình trắng phồng ra. Như vậy để diễn hai cái ý: âm thịnh lần thì dương suy lần, mà dương thịnh dần thì âm suy lần; và khi âm cực thịnh đã có một mầm dương (điểm trắng) xuất hiện rồi, khi dương cực thịnh đã có một mầm âm (điểm đen) xuất hiện rồi.
Dịch học phái, mà tôi sẽ xét ở sau< dùng quan niệm âm dương để dựng nên một môn bói, sau sách bói đó thành một sách triết.
Ở đây tôi hãy xét về thuyết ngũ hành của Trâu Diễn đã. Người ta gọi Trâu Diễn là âm dương gia, sự thực ông không bàn về âm dương mà chỉ bàn về ngũ hành. Ông sinh sau Mạnh Tử, ở Sơn Đông, không để lại tác phẩm. Nhờ những bộ Sử Kí của Tư Mã Thiên và Lã Thị Xuân Thu mà ta biết đại lược rằng ông có một vũ trị quan khá đặc biệt: đạo trời và đạo người liên hệ mật thiết với nhau. Vũ trụ có âm dương và ngũ hành, tức kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. Ngũ hành là năm nguyên tố của vũ trụ; về điểm này, một số học giả phương Tây cho rằng có thể Trung Hoa đã chịu ảnh hưởng của Zoroastre ở Ba Tư.
Ngũ hành tương sinh: mộc sinh hỏa, hỏa sinh thổ, thổ sinh kim, kim sinh thủy, thủy sinh mộc; mà cũng tương khắc: mộc khắc thổ, thổ khắc thủy, thủy khắc hỏa, hỏa khắc kim, kim khắc mộc.
Cái gì người ta cũng ghép ngũ hành vào: bốn phương thì bắc là thủy, nam là hỏa, đông là mộc, tây là kim, trung ương là thổ; bốn mùa thì xuân là mộc, hạ là hỏa, thu là kim, đông là thủy, khoảng xen vào giữa bốn mùa, tức tháng 3, 6, 9, 12 là thổ.
Cơ thể con người có ngũ tạng thì mỗi tạng cũng thuộc về một hành, chẳng hạn phế là kim, can là mộc, tâm là hỏa... Ngũ âm, ngũ sắc cũng có ngũ hành.
Người ta áp dụng cả ngũ hành vào các triều đại nữa, ví dụ triều đại Tần thuộc thủy, màu đen, thì màu đen là chính, sắc phục nên dùng màu đó; triều đại đó sẽ tới lúc suy và triều kế nó Hán là thời của thổ (vì thổ khắc thủy), và màu chính sẽ là màu vàng, màu của thổ, v.v.. Thuyết đó huyền bí quá, mà các ông vua cũng không ưa. Nhưng các khoa bói, tử vi, địa lí (phong thủy), y học, dược học... đời sau đều dùng âm dương và ngũ hành. Đó cũng là một nét đặc biệt của khoa học Trung Hoa. Thuyết âm dương và ngũ hành có vẻ duy lí rồi và làm giảm bớt uy quyền của quỉ thần, ít nhất là trong giới sĩ, có học.
 
Dịch học phái
Đặc biệt nhất, kì dị nhất, làm cho khắp thế giới ngạc nhiên là Kinh Dịch, chỉ dùng hai vạch: liền - để biểu tượng dương, và đứt - - để biểu tượng âm, rồi chồng hai vạch đó lên nhau hai lần được tám quẻ đơn (bát quái): càn (là trời), khôn (là đất), li (lửa), khảm (mạc), cấn (núi), đoái (chằm), tốn (gió), chấn (sấm); sau cùng lấy tám quẻ đơn đó chồng lên nhau, được 64 quẻ kép. Mỗi quẻ kép này có một tên riêng và một ý nghĩa riêng, mỗi quẻ gồm sáu nét dương hoặc âm, gọi là sáu hào, mỗi hào có một ý nghĩa riêng.

Bát Quái
Quẻ Hỏa Thiên Đại Hữu (một trorng 64 quẻ kép)

Hỏa Thiên Đại Hữu
trên là Li (lửa, hỏa)
dưới là Càn (trời, thiên)
Trên có 3 hào, dưới có 3 hào, cộng là 6 hào.
 
Không rõ những quẻ đó xuất hiện từ đời nào và do sáng kiến của ai, chỉ biết cuối đời Thương người ta đã dùng những quẻ đó để bói, và tương truyền vua Văn vương nhà Chu khi bị giam ở ngục Dữu Lí viết quái từ để giảng ý nghĩa của mỗi quẻ, rồi sau, con ông là Chu Công viết hào từ để giảng ý nghĩa của mỗi hào. Có thể cuối đời Xuân Thu, Khổng Tử nghiên cứu thêm ý nghĩa của Kinh Dịch, nhưng hầu hết các học giả đời sau đều nhận rằng có một nhóm người đời Chiến Quốc và đầu đời Hán - gọi là phái Dịch học - viết Thập dực, cũng gọi là Thập truyện, để giải thích thêm phần kinh tức phần quái từ và hào từ, lần lần biến đổi một bộ sách vốn đùng để bói thành một cuốn dung hòa được đạo Khổng, đạo Lão, và thuyết âm dương, có thể coi là một tổng hợp triết lí Trung Hoa thời Tiên Tần.
Dịch luận về sự phát triển của vạn vật trong vũ trụ; cho rằng hất thảy đều do sự giao cảm của càn khôn mà ra. Vạn vật luôn luôn biến hóa mà vẫn có sự bất biến vì theo một trật tự nhất định (trời cao, đất thấp, sang hèn đã định), và theo một luật tuần hoàn, thịnh cực rồi suy, suy cực rồi lại thịnh.
Về nhân sinh quan, Dịch chú trọng vào sự “tự cường bất tức”, vào đức trung chính, biết tùy thời của đạo Khổng; và đức khiêm, nhu của đạo Lão. Hai quẻ chính: càn là đức tự cường, mà khôn là đức khiêm nhu.
Chỉ có 64 quẻ kép gồm 64 x 6 = 384 hào mà Dịch bàn về mọi vấn đề nhân sinh, từ tề gia, trị quốc, tu thân, ăn uống, dạy trẻ, tới cách xử thế thời bình, thời loạn, khi đi ở nhờ nước ngoài, khi xuất quân, khi kiện cáo, khi lập đảng, khi làm cách mạng, khi cách mạng thành công, khi diệt kẻ tiểu nhân, lúc giàu, lúc nghèo, lúc đắc chí, lúc hoạn nạn...; tùy mỗi thời, mỗi hoàn cảnh Dịch đều chỉ cho ta cách đối phó ra sao để giữ được tư cách người quân tử trung chính, cương mà vẫn nhu. Có thể nói tác phẩm đó là sự minh triết của dân tộc Trung Hoa, và từ đời Hán đến đầu thế kỉ chúng ta, trên 2.000 năm, nó được coi là một bộ kinh ngang hàng với các kinh của Khổng, Lão. Một cuốn sách vốn dùng để bói mà thành một cuốn kinh, hiện tượng đó độc nhất trong Lịch sử triết học của nhân loại.
*
Tôi đã dành tất gần 140 trang cho sử đời Tiên Tần mà riêng triết học đã chiếm mất trên 38 trang, vì từ đó tới nay không thời nào nó thịnh, rực rỡ và nhiều vẻ như thời đó nữa. Nó lâ cống hiến quí nhất của Trung Hoa cho nhân loại. Không một triết học nào khác vừa nhân bản vừa thực tế như nó. Thế kỉ XVIII rất nhiều học giả phương Tây như Leibniz, Wolff, Diderot, Voltaire, Goethe hết lời khen nó; hiện nay nó vẫn còn được phương Tây nghiên cứu và trước sự phát triển của kĩ nghệ, đời sống hóa bận rộn, vô nghĩa vì chỉ lo hưởng thụ người ta càng quí nhân sinh quan giản phác, tự do, yêu thiên nhiên của Lão, Trang.
 
2. Văn học.
Kinh Thi
Từ đời Chu, người Trung Hoa đã đặt ra chức Thái sử quan để lượm thơ hay trong dân gian mà biết về chính trị, phong tục và đời sống của dân tại mỗi nước. Khổng Tử sắp đặt lại tất cả được 305 bài, vừa ca dao ở thôn quê, vừa nhạc chương ở triều miếu, thành một bộ, sau gọi là Kinh Thi, để dạy môn sinh. Những bài ấy làm trong đời Chu từ thế kỉ XII tới thế kỉ VI trước Tây lịch; có thuyết cho rằng một số bài từ đời Thương.
Kinh Thi gồm ba phần: phong, nhã, tụng.
+ Phong tức quốc phong, là ca dao của dân gian các nước.
+ Nhã là những bài dùng trong những trường hợp quan trọng như khi thiên tử họp các vua chư hầu, hoặc tế ở miếu đường.
+ Tụng gồm những bài ca khen các vua đời trước và dùng để hát ở miếu đường trong lúc tế tự.
Hai loại sau do văn nhân (tức giới quí tộc) sáng tác còn loại quốc phong của giới bình dân, mà lại có giá trị nhất về văn học.
Về hình thức, quốc phong là những bài thường dài từ mười đến vài chục câu, mỗi câu bốn chữ, xen vào ít câu năm hay sáu chữ, thỉnh thoảng có vần, nhiều chữ láy đi láy lại, du dương vì là bài ca.
Nội dung dồi dào, nhiều vẻ. Có bài tả công lao cha mẹ, giọng thiết tha, như bài Lục Nga; có bài phát biểu tư tưởng xã hội như Phạt Đàn oán bọn “quân tử” tức bọn trị dân, chẳng làm gì cả mà sống sung sướng nhờ mồ hôi nước mắt của dân; có bài là lời than thở của người lính phải xa gia đình, đi tìm cái chết không hiểu để làm gì, nhiều nhất mà cũng hay nhất là những bài xuân tình, tả tình trai gái nhớ nhau như bài Quan Quan Thư Cưu; bài Tử Khâm mà hai câu cuối bất hủ: Nhất nhật bất kiến, như tam nguyệt hề; lại có bài thiếu nữ trách cha mẹ và anh nghiêm khắc, trách cả thiên hạ lắm lời nữa, không cho tình nhân của nàng gặp nàng (bài Thương Trọng Tử): sự phản kháng của thanh niên, sự mâu thuẫn giữa thế hệ già và thế hệ trẻ đã có từ 3.000 năm trước rồi, đâu phải mới đây.
Những bài đó lời giản dị, tự nhiên, cảm xúc thành thực tự đáy lòng phát ra, đậm đà mà tế nhị, thời nào đọc cũng thấy thích.
Từ khi Khổng Tử dùng Kinh Thi để dạy môn sinh thì mỗi ngày kinh đó càng được trọng, ảnh hưởng lớn đến đời sau, nó thành một nguồn thi hứng để thi nhân mượn đề mục, và lại là một kho điển tích nữa. Nó đã thành bất hủ, đã được phương Tây khen và dịch ra.
 
Sở Từ
Trong khi ở phương Bắc có Kinh Thi thì ở phương Nam có Sở Từ. Sở Từ chính nghĩa là lời của nước Sở, sau chỉ một lối văn có vần của Sở.
Kinh Thi chỉ là những bài ca ngắn, Sở Từ là những bài trường thiên, có khi dài vài trăm vài ngàn chữ.
Kinh Thi dùng những câu có điệp tự, Sở Từ dùng những câu có đối.
Kinh Thi thuộc loại tả chân. Sở Từ thuộc loại lãng mạn.
Kinh Thi nói nhiều đến nhân sự, Sở Từ dùng nhiều thần thoại.
Kinh Thi phần nhiều là tác phẩm của bình dân, Sở Từ là tác phẩm của văn nhân.
Tác giả có danh nhất về Sở Từ là Khuất Nguyên.
Khuất Nguyên (343-277?) là người trong hoàng tộc nước Sở, học rộng, giỏi về chính trị, lại có tài về văn chương, có lòng ái quốc nhiệt liệt. Ông giúp Sở Hoài vương được nhiều việc, sau bị một quan đại phu ghen tài, gièm pha với vua, vua ghét ông, ông âu sầu viết thiên Li tao để tả nỗi lòng. Hoài vương không nghe lời can của ông, bị Tần đánh thua rồi chết ở Tần; Tương vương nối ngôi, bọn phản đối ông càng đắc chí, ông bị đày ra Giang Nam, thất chí, suốt ngày ca hát như điên, làm bài phú Hoài Sa rồi ôm một phiến đá gieo mình xuống sông Mịch La.
Tác phẩm quan trọng nhất của ông là thiên Li Tao (nghĩa là xa vua mà buồn), một bài trường thiên dài 370 câu, lời triền miên bi thảm, dùng phép tượng trưng, phép nhân cách hóa và dẫn rất nhiều thần thoại. Tình cảm ông thay đổi kì dị: mới cười đó đã khóc, mới muốn đi xa rồi lại đổi ý, đòi lên chầu Thượng Đế rồi lại muốn bói, muốn trở về cố hương, muốn tự tử. Thật là chân tình, mỗi chữ là một tiếng thở dài, một giọt nước mắt, ít thấy văn nhân nào đau khổ, thác loạn đến bực ấy.
Trong bài Thiên Vấn, giọng cũng lâm li cùng cực: ông hỏi trời luôn một hơi 172 câu. Sức tưởng tượng của ông thật vô địch.
Ngoài Khuất Nguyên, còn Tống Ngọc, có tài miêu tả văn điêu luyện.
Sở Từ mở đường cho thể phú đời Hán, Kinh Thi là nguồn gốc của thơ năm chữ và bảy chữ các đời sau.
 
Văn xuôi
Ở Trung Hoa cũng như ở các nước khác, văn xuất hiện sau thơ. Những bài thơ đầu tiên trong Kinh Thi xuất hiện vào khoảng thế kỉ XII trước Tây lịch hoặc trước nữa, mà tác phẩm đầu tiên bằng văn xuôi, bộ Thượng Thư xuất hiện vào khoảng thế kỉ VIII hoặc VII.
Tác phẩm sử học có trước tác phẩm triết học, nói cách khác là văn kí sự có trước văn luận thuyết; về phương diện nghệ thuật thì những tác phẩm bất hủ đầu tiên là những tác phẩm triết học.
 
Kí sự
Về sử học, dân tộc Trung Hoa tiến sớm nhất, có thể có sử quan từ đời Thương, và chắc chắn là đời Chu, nước nào cũng có sử quan rồi; Ấn Độ trái lại, triết học rất phát đạt mà không có một bộ sử nào cả. Các sử quan của Trung Hoa có một truyền thống rất đẹp: chép đúng sự thực, dù là vua hay tể tướng đương thời có những ngôn hành xấu xa thì cũng chép hết, không sợ chết. Như thời Chiến Quốc, tể tướng nước Tề là Thôi Trữ giết vua. Một quan thái sử chép: “Thôi Trữ giết vua”, bị Thôi đem chém. Em người đó lãnh chức Thái sử thay anh, cũng chép như vậy, cũng bị chém. Nước láng giềng có một người hay việc ấy, sợ sau khi hai anh em ấy bị Thôi giết rồi, không còn ai dám chép sự thật nữa, bèn qua xin làm chức Thái sử. Thôi thấy vậy, phải than và sợ những quan thái sử.
Một vụ khác, cũng thời Chiến Quốc, một sử quan nước Tấn là Đổng Hồ chép: “Triệu Thuẫn giết vua”. Triệu Thuẫn là một đại phu có đức, cãi: “Người khác giết vua trong lúc tôi xuất vong mà, sao ông ghép tội tôi”. Đổng Hồ đáp: “Sao lúc về nước, ông không khảo tội thí quân của kẻ đó. Như vậy là ông đồng mưu với kẻ giết vua, cũng như ông giết vua.”
Những trường hợp như vậy chắc chắn là hiếm, nhưng xét chung thì các sử quan Trung Hoa đa số có đức, chức tuy nhỏ mà được trọng và các vua chúa không xen vào công việc của họ. Đường Thái Tôn (thế kỉ VII sau Tây lịch) một hôm hỏi viên sử quan: “Khanh chép cả những lỗi lầm của trẫm sao?”. Đáp: “Cái tốt cái xấu của bệ hạ, hạ thần đều có bổn phận chép hết để làm gương cho hậu thế”. Lại hỏi: “Khanh cho trẫm xem khanh chép những gì về trẫm nào.”. Đáp: “Không có ông vua nào đòi xem như vậy.”
Một chức vụ nữa tuy cũng không lớn nhưng rất được trọng, chức gián quan; một số gián quan dám can bạo chúa mà không sợ chết, làm vẻ vang cho giới nho sĩ (coi các trang sau).
Đó là một nét văn minh của dân tộc Trung Hoa, một ảnh hưởng của Khổng học.
Trong thời Xuân Thú, ngoài bộ Thượng Thư ra, có bộ Xuân Thu của Khổng Tử. Ông dùng sử biên niên của nước Lỗ tu chính lại theo ý ông, chỉ ghi những đại cương, lời rất khô khan, mục đích là chính danh, định phận, ngụ ý bao biếm hơn là kí sự. Người tốt được ông khen, người xấu bị ông chê, mà bị ông chê thì còn nhục hơn bị tội búa rìu nữa.
Bộ ấy được Tả Khâu Minh, đồng thời với Khổng Tử làm Thái sử ở Lỗ, phô diễn, phê bình cho thêm rõ ràng, hứng thú, thành hai bộ sử khác: Tả Truyện chép theo biên niên và Quốc Ngữ chép việc theo từng nước. Thuật miêu tả, tự sự trong Tả Truyện đã cao rồi.
Cuối thời Chiến Quốc có thêm bộ Chiến Quốc sách, tựa như có tính cách lịch sử (nhiều nhân vật có thực, biến cố cũng vậy, nhưng việc chép không chắc đúng) mà sự thực thì có tính cách luân thuyết, đúng hơn là biện thuyết. Bộ đó chép lại những kế hoạch, phương lược, chính sách của các nhà cầm quyền và các chính khách trong thời Chiến Quốc. Chắc do nhiều người viết vì giá trị nghệ thuật các bài không đều, người đời sau không lựa chọn gì cả, thu thập hết rồi sắp đặt theo từng nước (như bộ Quốc Ngữ). Có nhiều sự cố li kì, hấp dẫn như tiểu thuyết; lời văn không khô khan, lúc có giọng hùng biện, lúc có giọng phúng thích, thường khi cảm động, nhờ thuật tự sự, và miêu tả đã đạt tới một mức cao. Có được mươi bài đáng gọi là bất hủ.
 
Luận thuyết
Về triết học tôi đã xét qua tư tưởng ở trên rồi, đây chỉ nói thêm về nghệ thuật.
Bộ Luận Ngữ có thể xuất hiện sớm nhất, trong khoảng trăm năm sau khi Khổng Tử mất. Thời đó phải khắc vào thẻ tre hoặc dùng một cây nhọn chấm vào sơn rồi viết lên thẻ tre, nên lời ghi chép cần thật gọn. Các môn sinh của Khổng Tử chỉ chép lại lời của thầy để nhớ rồi truyền lại cho đời sau, không giảng thêm gì cả, nên nhiều chỗ ta phải suy nghĩ mới tìm thấy mạch lạc tư tưởng; cũng không ghi trong hoàn cảnh nào, Khổng Tử nói một câu nào đó, cho nên có nhiều bài, người đời sau không nhất trí về cách giải thích.
Trong cả bộ chỉ được dăm ba bài dài mười lăm, hai mươi hàng, còn thì rất ngắn, vài ba hàng. Những bài ngắn thường là cô đọng, thâm thúy như châm ngôn, mà những bài dài thì tự sự rất linh động, mặc dầu là gọn, ý nghĩa hàm súc, và có khi bút pháp tinh diệu. Bài Tiên tiến 25 chép lần Khổng Tử hỏi chí hướng của môn sinh rồi cuối cùng ông ước ao được hưởng cảnh nhàn, cùng với đàn đồng tử đi tắm mát trên sông; bài Quí Thị 1 chép lời Khổng Tử mắng Nhiễm Hữu, tự sự hành động, lời hùng hồn mà tư tưởng thâm thúy; bài Thuật Nhi 14 bắt đầu bằng câu: “Phu tử có vị vua Vệ không? “, bút pháp rất mới mẻ, ba bài đó đều là những viên ngọc cả.
Bộ Luân Ngữ mở đầu cho thể “ngữ lục” thời sau.
Văn Mạnh tử không cô đọng bằng, nhưng rất hùng hồn, bừng bừng nhiệt huyết, lời thao thao bất tuyệt, dùng nhiều thí dụ tài tình đập mạnh vào óc người nghe.
Đạo Đức Kinh còn cô đọng hơn Luận Ngữ nữa, thuộc thể cách ngôn, ý tưởng thâm thúy mà hình ảnh mới mẻ, lời cân đối, đôi khi có vần, đọc rất hứng thú.
Nghệ thuật cao nhất nhưng có chỗ khó hiểu là bộ Trang Tử. Tài tưởng tượng của Trang ít ai bằng, biến hóa một cách kì ảo, ông đặt ra được nhiều ngụ ngôn, vận dụng được nhiều cố sự trong khi biện thuyết. Văn ông có tiết tấu, nhiều câu dùng phép biền ngẫu, lời luôn luôn bóng bảy, ảnh hưởng đến đời sau. Cả trong thơ văn lẫn trong tiểu thuyết, hí kịch.
Tuân Tử đưa văn nghị luận lên mức cao: lời gọn mà sáng, bố cục chặt chẽ, phân tích khéo léo.
Hàn Phi cũng có tài, tập đại thành những sở trường của các nhà nghị luận thời Chiến Quốc: lí luận xác đáng, chặt chẽ, dẫn chứng nhiều, dài mà không rườm, lời mạnh mẽ lại nhiều tình cảm. Bộ Hàn Phi Tử có giá trị hơn bộ Le Prince của Machiavel (ở Ý - thế kỉ 15) cả về tư tưởng lẫn bút pháp. 

---
[1] Khổng Tử không nói rõ ra, nhưng cứ xét nhưng điểm này: ông coi Nghiêu, Thuấn là những vị thánh, khen thời Nghiêu, Thuấn là hoàng kim thời đại; khen Nghiêu, Thuấn không truyền ngôi cho con mà cho người hiền; thì chúng ta biết rằng ông không ưa chế độ quân chủ truyền tử của nhà Chu mà mong có một chế độ truyền hiền, nhưng ở thời ông, không thể nào khuyên các ông vua bỏ chế độ truyền tử được, nên ông đành đưa thuyết Chính Danh ra, để sửa đổi được phần nào cái xấu của chế độ truyền tử.
[2] Tiết này tôi chép lại trang 57-59 trong Đại cương thiên học Trung Quốc của Giản Chi và Nguyễn Hiến Lê - Cảo Thơm 1970. Chỉ thêm ít hàng.
[3] Bất tức là không nghỉ.
[4] có thể chỉ là một môn đồ của Trang Chu.

<< Chương V | PHẦN II >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 152

Return to top