Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Dài >> Hành Trình Qua Cánh Đồng Chết

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 17811 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Hành Trình Qua Cánh Đồng Chết
Chanrithy Him

CHƯƠNG 20 ( Chương kết)

Đêm 20 tháng Sáu năm 1981, chúng tôi đến sân bay Philippines. Chuyến đi từ Thái Lan đến đây tưởng dài như vô tận. bây giờ thì cái ý tưởng được nằm dài trên giường là một điều xa xỉ, chúng tôi cần đáp xe buýt về trại.
Sáng hôm sau khi tôi mở mắt, ánh nắng chiếu vào phòng nơi chị Ry, anh Than, Map và tôi đang nằm ngủ. Tôi ngồi dậy. Chị Ra, anh Vantha, Sytha và Savorng đâu rồi? Mất một lúc sau tôi mới nhớ họ ngủ ở dưới lầu.
Tôi ngồi dậy rồi rón rén đi xuống thang lầu cố không làm ai thức giấc. Tôi chạy dọc theo con đường trải nhựa và nhìn xung quanh. Tôi ngắm nhìn những toà nhà gỗ hai tầng bên tay trái và tay phải. Đó là những khôi nhà rộng dài, chia thành những gian riêng biệt. Có vẻ mỗi gia đình được chia cho một gian, như gia đình chúng tôi, được gian trên lầu và dưới lầu. Ngắm các toà nhà xong, tôi nhìn sang bên phải và nơi kia, ở đàng xa, một ngọn đồi uy nghi với cây cỏ mọc xanh ngắt và một cây thánh giá khổng lồ màu trắng. Mọi thứ đều mê hoặc tôi. Các toà nhà, ngọn đồi xanh ngắt. Những con đường nhựa uốn lượn quanh các khu nhà. Cảnh đẹp của cỏ, cây, bụi hoa ven đường, dọc theo các lối đi rải đá. Tôi mê cái khoảng sân rộng mát trước mỗi toà nhà. Tôi bàng  hoàng đón lấy cái đẹp của toàn trại, lòng vô cùng biết ơn.
Chị Ry và tôi đang rửa bát đĩa sau nhà thì đột nhiên một giọng nói ngọt ngào, dịu dàng cắt ngang cuộc đối thoại giữa chúng tôi "Chào các bạn, các bạn khoẻ chứ?" giọng nói có một trọng âm rõ rệt.
Chúng tôi quay người, thấy một phụ nữ người Phi nhỏ nhắn, da sậm, đứng sau lưng mỉm cười "Các bạn có muốn mua gạo hay mua rau gì không?" Bà đưa cho chúng tôi xem một cái rổ đựng chanh và các thứ rau tươi. Tôi nhìn qua rổ rau, rồi nhìn vào cặp mắt màu nâu sáng và thân thiện của bà. Giọng nói và tinh thần cởi mở của bà làm cho tôi ngạc nhiên. Chúng tôi chưa hề gặp nhau, vậy mà bà đã gọi chúng tôi là "các bạn"! Lời nói và thái độ của bà tỏ ra rất nồng nhiệt. Tôi nhớ lại các trại tị nạn ở Thái Lan nơi chúng tôi đã từng ở và bị đối xử như thế nào. Tôi thấy thích thú trước người phụ nữ Phi này. Bà làm cho tôi có cảm tưởng như mình đang ở nhà.
Sau khi chúng tôi đến, người ta bảo chúng tôi rằng những người tuổi từ 16 đến 55 phải học tiếng Anh như là một sinh ngữ thứ hai (ESL) và học Định hướng văn hoá (CO) trong ba tháng trước khi rời khỏi nơi đây để đi Mỹ. Trong lớp học ESL tập trung, chúng tôi sẽ học về quần áo, nhà cửa, việc làm, bưu điện và vận chuyển. Còn ở lớp CO, chúng tôi sẽ học các chủ đề tổng quát như bảo trợ, truyền thông, lối sống và vệ sinh. Dù tôi trông mong được học các chủ đề này, tôi cũng thấy học về chừng đó chủ đề trong một thời  gian ngắn như vậy thật quá sức. Nhưng dù sao học ở đây miễn phí, và tôi cần được nắm vững trước khi vào Mỹ. Vì thế tôi rất mong được theo các lớp học này.
Trong lớp ESL, chúng tôi có cả học sinh Cambodia lẫn học sinh Việt Nam. Giáo viên của chúng tôi là một bà người Phi. Khi bước vào lớp, bà liếc nhìn chúng tôi và hơi nhíu mày. Tôi tự hỏi không biết bà ta có hẹp hòi như một số giáo viên của tôi thời tôi còn học ở Phnom Penh không. Những người này hay kéo tóc mai của bọn con trai và dùng thanh tre đập lên lòng bàn tay chúng tôi. Bà giáo đặt chiếc xắc tay xuống bàn và nhìn cả lớp. Đôi môi đỏ chói của bà nở ra thành một nụ cười. Tôi cảm thấy nhẹ nhõm. Bây giờ tôi sẵn sàng học bất cứ thứ gì để chuẩn bị cho tôi đi vào nước Mỹ.
Bài học đầu tiên của chúng tôi là chào hỏi bằng tiếng Anh như thế nào, cách bắt tay như thế nào. Khi đến giờ thực hành, bà giáo yêu cầu cô gái  ngồi bên cạnh tôi đứng dậy. Cô phải bắt tay với một người con trai Cambodia trong lớp. Cô gái lắc đầu, mặt đỏ bừng. Bà giáo hỏi một cô gái khác và cô này cũng lắc đầu. Bà bối rối đành phải gọi cánh con trai bắt tay với nhau.
Bà gọi một anh người Cambodia và một anh người Việt Nam lên đứng trước lớp. Họ tự giới thiệu và bắt tay nhau. Bà quay ra nói với cả lớp "Các bạn thấy đó, lên đây và bắt tay nhau có gì khó khăn đâu. Xem tôi đây này. Tên tôi là Marie, bạn có khoẻ không?" Bà bắt tay với một học sinh người Việt Nam. "Đấy, tôi bắt tay với cậu ấy mà tôi có sợ bị mang thai gì đâu. Đừng lo, bạn không có con vì bắt tay đâu. Nào, tiếp tục thực hành đi".
Tôi thấy bực mình vì lời bình luận của bà. Đáng ra bà phải được biết về nền văn hóa của chúng tôi, và biết rằng cách chào hỏi của chúng tôi là ép lòng bàn tay vào với nhau và đưa lên ngang cằm.Ngay tôi đây, người gan dạ trong bất cứ tình huống nào, cũng thấy bối rối trước chuyện bắt tay. Chúng tôi cần có thời gian để thích nghi với lối sống mới.
Khi bà Marie thúc giục đám con gái chúng tôi tình nguyện, tôi bắt đầu lấy lại can đảm.
Bà gọi một nam học sinh Việt Nam tên là Minh lên đứng trước lớp. Vừa  bà vừa nói: "Ai muốn lên đây bắt tay với Minh nào? Cậu ấy đẹp trai đấy chứ". Cả lớp cười ồ. Cả Minh cũng cười, mắt anh ta nheo lại nhìn về phía đám con gái.
Tôi đứng lên, bà giáo mỉm cười dỗ nhẹ "Nào lên đây, Chanrithy. Bạn làm được mà. Giới thiệu tên bạn rồi bắt tay".
Không có vấn đề gì, tôi nghĩ, mỉm cười rồi bước đến chỗ Minh đang đứng và nói "Tên mình là Chanrithy, bạn có khoẻ không?"
Phía dưới bọn con gái khúc khích khiến Minh cũng mỉm cười.
"Chào bạn, tên mình là Minh", anh nói, đưa mắt nhìn bọn con gái "Bạn có khoẻ không?" Anh lại nhìn bọn họ.
Tôi đưa tay ra bắt, anh bước đến định nắm tay tôi nhưng tay anh vừa gần chạm vào tay tôi, tôi rụt lại. Tôi vội quay về chỗ ngồi. Tếng cười vang lên khắp lớp.
Tôi cười nhìn bà giáo, bà đang lấy tay che mặt và cười rung cả người. Cánh con trai phía bên phải tôi cười ha hả. Mặt Minh đỏ như một con gà mái đang cố rặn trứng. Một học sinh nam người Cambodia nói nhỏ gì đó phía sau lưng anh, và anh mỉm cười bẽn lẽn.
Bà giáo hỏi tôi, giọng thiện cảm "Chanrithy, tại sao không bắt tay Minh?"
Tôi cười trả lời "Lần sau em sẽ bắt", đáng đời anh ta, chưa chi đã cười điệu với bọn con gái. Tôi nhìn Minh, mặt anh ta vẫn còn đỏ bừng.
 
*
Sau khi chúng tôi đến đây được một tuần, người ta bảo chúng tôi đến gặp  các viên chức di trú. Anh Vantha cũng đến, nhưng bước qua phía đối diện với văn phòng. Chúng tôi thì ngồi trong văn phòng di trú cùng các gia đình khác, chờ anh đến. Chị Ry và anh Than trách chị Ra đã không bảo anh Vantha vì cách xử sự của anh. Chị Ra bảo anh ấy sẽ đến đây liền, chị còn nói thêm, anh ấy là một tên khùng, gặp việc như ngày hôm nay mà còn đi chơi loanh quanh. Chúng tôi chong mắt ra cửa, nhưng chẳng thấy tăm hơi. Đến khi người ta gọi tên anh, tất cả chúng tôi đều đứng dậy, nhăn mặt nhìn nhau. Rồi đột nhiên khuôn mặt nhơn nhơn của anh xuất hiện ở cửa. Đây không phải là lần đầu tiên anh đùa với sự lo lắng của chúng tôi. Hình như anh rất vui thú khi làm cho chúng tôi tức điên lên.
Sau khi gặp các nhân viên di trú, anh Vantha nói rằng anh đã thay đổi ý định. Anh không muốn chúng tôi đến với chú Seng nữa. Thay vì đến Portland Oregon, anh rất sung sướng được di cư đến nơi khác. Anh nói anh sẽ đến bất cứ nơi nào sở di trú chỉ định và chúng tôi phải đi theo anh.
Anh cười tự mãn. Chị Ra không chú ý đến anh mà chỉ lo bế ẵm Syla trên tay. Chị Ry tức giận, mặt đỏ bừng lên. Anh Than thì im lặng, giữ nguyên suy nghĩ của mình, Savorng và Map thì chau mày nhìn anh Vantha. Nhiều người tị nạn Cambodia mong muốn một cách tuyệt vọng gởi thư và đơn xin nhập cư đến các toà lãnh sự của Mỹ, Úc, Canada hay bất cứ quốc gia nào khác vui lòng đón nhận họ. Họ lo lắng cho số phận của họ và cầu nguyện đêm ngày cho người ta nhớ đến họ, thế mà ông anh rể của tôi thì chẳng hề biết ơn cái vận may của mình chút nào.
 
*
Bạn tôi, Sothea, dẫn tôi đến Phase I, một bệnh viện lo chăm sóc y tế cho người tị nạn. Trông giống hệt một bệnh viện ở Phnom Penh, chung quanh trồng hoa đủ màu và cây  cối. Đường đi trải nhựa, đường vườn hoa lát đá. Lâu lắm rồi tôi mới thấy lại được một nơi khang trang như thế này.   
Sothea dẫn tôi đi dạo một vòng trong toà nhà, chỉ cho tôi xem phòng kiểm tra sức khoẻ với những ghế ngồi, bích chương và thiết bị tôi chưa từng thấy bao giờ. Tại bàn phía trước, nơi người ta nhận bệnh nhân, có một quầy gỗ dài, nhẵn bóng với một vài chiếc ghế xinh xinh phía sau. Có cả điện thoại. Chưa bao giờ tôi thấy một nơi dành cho người tị nạn mà lại đẹp đẽ, hiện đại như thế này. Và tiệm thuốc cũng rất đẹp. Trên kệ, chai, hộp thuốc sắp xếp ngăn nắp. Nhãn, tên thuốc đập  vào mắt tôi. Đột nhiên bóng tối của một kỷ niệm vụt đến với tôi. Nó mang tôi lại thời còn ở Phnom Penh, đến bàn đựng thuốc của Pa. Đó là thời mà ông săn sóc tôi khi tôi bị bệnh suyễn.
Sothea giới thiệu tôi với một số nhân biên bệnh viện, Bác sĩ Sophon, một người Cambodia gốc ở Canada, Mary Bliss, một y tá Mỹ tình nguyện và bác sĩ Trần, trước đây là bác sĩ y khoa ở Việt Nam. Lạ thay, tôi bắt tay họ một cách hết sức tự nhiên. Đột nhiên tôi thấy mình là người lớn, đã trưởng thành rồi.
Sothea sắp đi Mỹ và cần một người thay thế cô làm thông dịch viên y tế. Nó hỏi tôi có thích việc này không. Tôi trả lời còn hơn là thích nữa! Nó cũng cười vì sự phấn khích của tôi.
Bây giờ thì một trong những giấc mơ của tôi sắp sửa được thực hiện. Tại Khao I Dang, tôi rất muốn học tiếng Anh. Tôi cũng vô cùng muốn làm thông dịch viên y tế. Đôi khi tôi mơ khi đang học tiếng Anh. Tôi sẽ dịch cho bệnh nhân và làm việc với các y tá và bác sĩ. Đó là một phần thưởng khi được giúp những người tị nạn bạn của tôi, những người đã trải qua nhiều thống khổ đến như vậy. Bây giờ giấc mơ đó đang trở thành sự thật. Có lẽ rồi giấc mơ kia rồi cũng sẽ thành sự thật khi tôi đến Mỹ. Tôi nhớ điều mình đã hưá khi chôn cất chị Chea: "Chị Chea ơi, nếu em còn sống sót, em sẽ học ngành y. Em muốn giúp đỡ người khác vì em đã không giúp được chị. Nếu em chết ở đây, em sẽ học ngành y ở kiếp sau".
 
*
Anh Than phàn nàn rằng không có ai chịu dạy tiếng Cambodia cho Map. Anh nghĩ rằng, Map, đã bảy tuổi, phải học tiếng Cambodia bởi vì đó là ngôn ngữ chính của nó. Anh nói rằng anh sẽ dạy Map, vì chúng tôi không còn Pa hay Mak đảm trách vai trò đó nữa. Tôi hãnh diện vì anh đã nghĩ đến Map. Tôi lắng nghe anh nói và liếc nhìn anh dạy Map trong khi tôi đang học các thuật ngữ y khoa trong cuốn Cẩm nang y khoa Cambodia mà Sothea đã cho tôi. Tôi chú ý anh Than hý hoáy viết vội vào sổ tay. Thật sung sướng khi thấy anh tôi tự nắm lấy trách nhiệm của mình.
Anh Than đọc lại bảng mẫu tự Cambodia, rồi anh bảo Map lập theo anh. Sau vài lần, anh bảo Map lặp lại một mình. Map có vẻ chán, không chú ý. Nó bảo anh Than nó muốn ra ngoài chơi. Anh than bảo nó phải học tiếng Cambodia và yêu cầu nó phải lập lại theo anh. Map lắp bắp đọc theo anh. Sau đó anh bảo Map đọc lại các mẫu tự một mình. Map chỉ có thể nhớ được vài ba chữ. Điều này khiến anh Than giận điên lên, anh nện một cú xuống vai Map.
Map bật khóc. Anh Than đưa tay lên doạ đánh nữa. Map sợ co rúm người lại. Nó nhìn tôi cầu cứu, nhưng tôi không muốn nói gì vì anh Than đã 18 tuổi rồi, lớn hơn tôi. Với lại anh sẽ chẳng thèm nghe tôi vì tôi đã không nghĩ đến việc dạy Map như anh đã làm.
Map vừa khóc tức tưởi vừa lập lại theo anh. Sau đó anh Than bảo nó đọc lại mẫu tự một mình. Map đọc được vài chữ, rồi ngưng lại, mắt nhìn có vẻ chuẩn bị chờ đợi bị đánh thêm. Anh Than lại nện vào vai nó và nói "Chừng đó chữ mà mày không nhớ được à? Có khó gì đâu. Mày ngu lắm!" Anh trừng mắt nhìn Map.
"Nó không có ngu", tôi bảo anh Than, giọng tôi phát ra lớn hơn tôi muốn "Nó mới bắt đầu học, thế mà anh lại muốn nó biết hết mọi chuyện. Thầy giáo gì mà như anh vậy?"
"Mày đừng có bảo tao phải làm gì!" Anh nạt lớn "Tao muốn dạy nó. Nếu không có ai dạy nó cả, làm sao nó đi học được?"
"Anh đâu có dạy nó, anh chỉ hành hạ nó thôi". Tôi không biết từ đâu những lời lẽ đó vọt ra khỏi miệng tôi.
chị Ry hiện ra trên cầu thang và tôi không ngần ngại kể cho chị nghe chuyện đã xảy ra. Tôi cũng bảo chị tôi nghĩ gì về anh Than, về cách anh dạy và phạt Map. Map đứng dậy và chạy đến chỗ chị Ry. Anh Than nhìn tôi, anh bảo tôi chỉ giỏi chỉ trích mà không chịu giúp anh dạy Map. Lúc đó tôi không biết nói sao vì quả thực tôi chưa bao giờ dạy Map cái gì hết.
Rồi tôi nhớ ra điều người lớn thường nói "Một người thầy giáo tốt là một người phải kiên nhẫn mới dạy học sinh được". Quan sát anh Than, tôi thấy anh không phải là người kiên nhẫn, vì thế anh không phải là thầy giáo tốt được. Trái lại, anh chỉ là một ông anh độc đóan. Khiếp sợ vì những gì anh Than đã làm, chị Ry, hai mươi tuổi, bảo anh không cần phải lo âu về Map nữa, nó mới có bảy tuổi. Từ đó anh Than thôi không dạy Map nữa.
Anh Than giận tôi vì tôi đã cao giọng với anh. Nhưng làm sao tôi không cao giọng khi anh đối xử với Map theo kiểu đó? Anh Than muốn tôi xử sự như một cô gái Cambodia đúng cách, nhưng tôi không còn có cách xử sự nào khác được nếu tôi cảm thấy một ai đó bị tổn thương.
Tối hôm sau, nằm ngửa học với cuốn cẩm nang y tế dựng trên ngực, tôi không thể nén cười khúc khích. Tôi vừa buồn cười vừa bối rối . Bụng tôi bắt đầu đau, gò má mệt vì cười. Nước mắt cũng bắt đầu chảy ra trên khoé mắt.
"Em cười cái gì vậy?" chị Ry hỏi và nhăn răng ra cười theo.
"Ồ, có gì đâu", tôi trả lời nhưng vẫn không thể ngưng cười.
"Nếu không có gì, sao em cứ cười mãi vậy?"
Tôi vừa cười như nắc nẻ vừa lắc đầu. Chị Ry đi đến bên tôi, mỉm cười, cố hỏi để cho biết chuyện gì. Cuối cùng tôi bảo "Được rồi". Tôi kể cho chị lâu nay tôi học các thuật ngữ y tế cho công việc của tôi ở Phase I. Chị nhìn tôi như muốn hỏi, như vậy có gì đâu mà buồn cười. Tôi bảo chị học và nhớ các từ ấy thì không có gì đáng cười hết, nhưng điều khiến tôi buồn cười là tôi sẽ bối rối  khi tôi phải dịch cho các ông các bà những danh từ liên quan đến hệ sinh dục, những bộ phận kín của họ. "Em làm thế nào mà dịch cho các bệnh nhân lớn tuổi hơn khi em phải nói những thuật ngữ đó. Em còn nhỏ mà, chị Ry?" Tôi bày tỏ. Tôi đọc lại những từ sẽ gây khó khăn cho tôi khi phiên dịch. Chị Ry cười. Chị nói có lẽ dần dần tôi sẽ bớt mắc cở đi. Nhưng tôi bảo chị rằng tôi sẽ hổ thẹn chết người khi dịch những từ đó.
Chị cười chế giễu và nói "Sao, chứ không phải em là người tình nguyện làm việc trong lãnh vực y tế à?"
"Em biết, em sẽ là một người chuyên nghiệp và em sẽ không bật cười đâu!"
 
*
Tôi sung sướng được làm việc tình nguyện tại Phase I. Khi tôi tới đó, tôi trông đợi để được giúp bệnh nhân. Tôi làm việc hăng hái như một người bán hàng. Qua cửa sổ vuông có chấn song của hiệu thuốc, tôi quan sát khách hàng người Cambodia, Cambodia lai Trung Quốc, Việt Nam, Trung Quốc. Vừa thấy họ tới, tôi lao ra bàn giấy phía trước hỏi họ cần gì. Nếu không chắc họ là người Cambodia, tôi sẽ hỏi "Tôi giúp được gì?" Nếu họ là người Việt Nam, tôi sẽ để Bác sĩ Trần khám cho họ. Nếu là người Cambodia, tôi sẽ hỏi họ về bệnh, tập trung thông tin lại trước khi họ gặp người chuyên trách.  
Sau khi dịch xong, tôi sẽ lấy thuốc theo toa của họ. Tôi rất giỏi đọc chữ viết thảo của Mary, bác sĩ Sophon và bác sĩ Trần. Khi chúng tôi không bận, tôi ở luôn trong hiệu thuốc. Tôi nhìn rồi đọc nhãn hiệu trên mỗi chai, lọ hộp thuốc, suy nghĩ về thành phần của mỗi loại thuốc, và cách nó làm cho bệnh nhân khoẻ hơn.
Đôi khi ngồi rảnh, tôi lấy phù hiệu ra khỏi áo và nhìn nó một cách say mê. Trên phù hiệu này có một tấm ảnh nhỏ của tôi đang mỉm cười, tôi cắt ra từ bức ảnh lớn chụp từ buổi tiệc sau khi tôi xong khóa ESL. Vào tuổi 16, tôi hãnh diện về mình. Tôi nhìn vào phù hiệu nhiều lần, và thấy hạnh phúc vì công việc mình đang làm.
 
*
Tôi ngồi trên chiếc ghế đẩu trong hiệu thuốc chờ các bệnh nhân người Việt mà bác sĩ Trần vừa khám xong. Một vài người đàn ông Việt trẻ tuổi tiến lại cái cửa sổ có chấn song của tiệm thuốc. Họ nói chuyện với nhau và mỉm cười. Mỗi người đưa cho tôi toa thuốc của mình và nhìn tôi có vẻ háo hức. Tôi nhặt một toa lên. Tôi đọc tên thuốc rồi tìm thuốc trên kệ. Khi tôi đang gói những viên thuốc trắng đó lại, tôi thoáng nghe các từ "beautiful" và "I love you" do một người trong bọn họ nói. Khi tôi đưa thuốc cho bệnh nhân, tôi nhìn thấy một khuôn mặt bẽn lẽn, lúng túng của anh ta. Tôi trốn chạy bằng cách lấy một toa thuốc khác và tìm thuốc. Khi tôi đang giúp đỡ mọi người, người bệnh nhân bẽn lẽn đó nói với tôi câu "Tôi yêu cô" bằng tiếng Việt. Dù tôi hiểu câu đó, tôi chỉ tặng lại cho anh ta một nụ cười thân thiện, giả vờ như tôi không hiểu gì. Đột nhiên anh ta bước lại gần tôi hơn và nói "I love you" bằng tiếng Anh. Tôi chẳng biết phải phản ứng ra sao nên tốt nhất là không nói gì hết. Bạn anh ta cười nho nhỏ rồi nói điều gì đó với anh ta bằng tiếng Việt.
Thật lạ lùng tuy nhiên cũng rất hấp dẫn khi biết đàn ông bị tôi cuốn hút. Có lẽ Om Soy nói đúng. Rằng dù tôi còn nhỏ, tôi trông chín muồi hơn tuổi. Vì thế người ta xem tôi là phụ nữ chứ không phải là cô gái vị thành niên. Tôi thì không muốn thô lỗ với bất cứ ai, nhưng tôi không hề được hướng dẫn phải xử sự như thế nào trong những thời điểm tế nhị như thế.
 
*
Ratha nói với tôi có một bác sĩ đang cần người thông dịch. Tôi bèn chạy vội xuống phòng sảnh lớn và vào thử một phòng khám sức khoẻ, nhưng không có ai ở đó. Tôi bước qua phòng kế cận, thấy cửa đang khép hờ. Tôi nghe thấy một giọng nói đang cố nói tiếng Cambodia. Tôi nhìn vào, đột nhiên một cặp mắt đen nhìn lại tôi. Chắc là một bác sĩ mới? Tôi tự hỏi. Tôi chưa bao giờ gặp anh trước đây. Anh mang một ống nghe quàng quanh cổ. Anh trông giống người Phi. Trẻ trung, hấp dẫn, mái tóc đen, sáng và đôi mắt đen với hàng mi dài.
Bị bắt gặp đang nhìn trộm, tôi cần thời gian để lấy lại tư thế. Tôi hít một hơi dài, lấy bình tĩnh rồi gõ cửa.
"Mời vào".
Tôi tự giới thiệu, nói tên mình và tôi đang làm gì ở đây. Anh ta đứng lên và nói "Tôi là bác sĩ Tanedo, Achilles Tanedo". Anh đưa tay bắt tay tôi, tôi bắt tay lại, không hề bối rối, ngượng ngùng. Bà Marie hẳn phải hãnh diện vì tôi.
Tôi dịch cho người bệnh nhân, nhưng nói thêm với người bác sĩ là tôi chưa từng thấy anh ở đây. Anh nói phần lớn thời gian anh làm ở bệnh viện. Bệnh viện? Tôi không hề biết trại này lại có cả một cái bệnh viện. Nhưng tôi không hỏi thêm. Cái tôi muốn là thiết lập một mối quan hệ, và điều này xem ra không khó. Tôi hỏi bệnh nhân những vấn đề liên quan đến bệnh của bà. Trong chừng mười phút, bác sĩ Tanedo viết cho bà toa thuốc, và khi đó trí tôi đã nằm nơi tiệm thuốc, cố tìm thuốc của bệnh nhân này ở trên kệ.
 
*
Chị Ry sung sướng gọi tên tôi nhiều lần như thể cố nhớ cái tên đó "Athy, Athy. Chị vừa nhận được thư. Chúng ta sẽ đi đến với chú Seng".
Tôi nhìn  chị, lây theo sự hớn hở của chị. Tôi vừa phấn khích vừa hoài nghi.
Chị Ry lấy hơi, cố bình tĩnh rồi giải thích. Chị nói "Em có nhớ chị kể về một người bạn chị nhờ giúp chị viết một lá thư không? Em có nhớ anh Vantha, anh ấy muốn đi bất cứ nơi nào không?" chị ngừng nói như để tôi kịp hiểu hết những gì vừa nghe đã.
Tôi đưa tay đón lấy lá thư từ tay chị, vừa nhớ những gì chị nói. Chị nhờ một người bạn viết hộ một lá thư nhân danh chúng tôi xin cho chúng tôi được đến với chú Seng ở Oregon chứ không phải được đưa tới đâu một cách tình chờ như anh Vantha đã doạ. Tôi mở lá thư mỏng ra và đọc lời đáp "Xin bảo mấy đứa trẻ rằng P.A. đã xếp ông Leng Seng vào loại có khả năng bảo lãnh và không hề nói "đi bất cứ nơi đâu". (Ký tên) T.P." – tôi há hốc mồm, mắt mở tròn. Cơn vui sướng bùng nổ qua miệng tôi – tôi gào lớn.
 
*
Hôm nay tôi không có nhiều thân chủ, nhưng tôi thấy mệt và đói. Xong việc, tôi đi bộ chầm chậm về nhà. Trời vẫn còn sáng. Một vài gia đình ngồi trước nhà. Rồi một người phụ nữ mặc chiếc váy dài, chạy ra khỏi một căn hộ, a chính là căn nhà của tôi. Chị chạy như thể đang chạy đua về phía tôi. Chị Ry?
Mỉm cười, tôi đứng dừng lại, nhìn chị chạy. Tôi thấy vui – chị tôi lại chạy giống như một cô gái nhỏ đang hớn hở vì được quà. Mặt chị rạng rỡ. Chị nắm lấy vai tôi, lay tôi rồi nói "Chúng mình sắp đến với chú Seng rồi, sắp đi rồi…"
"Thật hả?"
Chị gật đầu, rồi nhảy tưng lên, tôi cũng nhảy theo. Chúng tôi chẳng cần biết trông chúng tôi điên như thế nào trước mắt hàng xóm nữa. Chúng tôi quên hết, chỉ biết đến niềm vui của chính mình. Khi bình tĩnh lại, tôi hỏi có phải chị nghe gọi tên gia đình và số BT (Số phân cho mỗi gia đình) của chúng tôi đọc trên loa phóng thanh không. Chị gật đầu liên tục.       
Đưa mắt nhìn trời, tôi nhắm mắt lại và mỉm cười. Đột nhiên tôi ở trong một thế giới cho tôi hy vọng và khiến tôi trôi nổi bồng bềnh. Mỗi bộ phận trong cơ thể tôi đều thưởng thức cái hương vị lâng lâng, khó tả đó. Chân tôi như tự động nhấc tôi lên, cứ thế tôi nhảy múa trên con đường trải nhựa. Chị Ry quan sát tôi, cười vang. Ngày hôm nay, tôi muốn làm lễ mừng cho vận may của chúng tôi.
Tôi trông mong một đời sống mới ở xứ lạ, tuy vậy lòng tôi vẫn bồn chồn, sợ hãi. Mọi thứ có vẻ đầy hy vọng, tuy nhiên khá trừu tượng. Điều chưa biết làm tôi hoang mang. Có lẽ đôi với những cô gái Mỹ hoặc Cambodia trạc tuổi tôi còn có cha mẹ thì khác. Còn tôi tại Mỹ, tôi là một đứa trẻ mồ côi, tôi không còn Pa, hoặc Mak. Tôi thấy thiếu chắc chă"nó, bất an bởi vì cuộc sống của tôi lâu nay rất khác với cuộc sống trong tương lai. Tôi ước chi mình có thể vạch kế hoạch rõ ràng, sắp đặt nó rõ ràng như một cuốn lịch.
 
*
Tôi chỉ còn vài ngày nữa để chuẩn bị rời khỏi nơi đây. Tôi dựng lên một danh sách trong đầu những người bạn tôi muốn đến chào tạm biệt. Một trong những người đó là một bệnh nhân, một bà già dễ thương, mắt không nhìn rõ và chân yếu. Khi thông dịch cho bà, bà gọi tôi là "con" bằng một giọng trìu mến, còn tôi gọi bà là Om, bà cô, vì có lẽ bà lớn hơn Mak nhiều. Đến thăm bà, bà giữ tôi ở lại rất lâu. Trước khi tôi về, bà còn bảo tôi cầu nguyện Đức Phật với một Kompee, tức là một bó gỗ sồi buộc chặt ghi lời kinh Phật, người cầu nguyện thắp nhang, khấn thầm điều muốn rồi đút nén nhang vào đó. Chỗ đầu cây nhang chạm vào sẽ cho thấy tương lai của mình. Chiều lòng bà, tôi khấn vái Kompee. Tôi khấn "Xin cho con được gặp vận may, vận tốt. Xin Trời Phật giúp con ở Mỹ". Cuối cùng, lời tiên đoán trong Kompee là tôi sẽ gặp vận tốt, một người đàn ông giàu có sẽ tìm ra tôi và giúp đỡ tôi mọi đường. Om mừng, cả tôi cũng cảm thấy nhẹ nhõm.
…Rồi ngày cuối cùng cũng đến. Tôi đã gói ghém mọi thứ: ít áo quần, vài cuốn tập, sổ, cuốn Essential English Book I, các bức ảnh gia đình tả tơi mà tôi còn giấu được, cuốn tự điển y khoa Sothea cho tôi, một gói nhỏ được vài thứ thuốc phòng có ai bệnh trên máy bay. Tôi cũng để luôn vào gói thẻ chứng minh tôi làm ở Phase I phòng có ai hỏi về nguồn gốc số thuốc. Tôi bảo chị Ry tôi đã gói ghém xong mọi thứ, rồi chạy xuống cầu thang và gọi với lên cho chị rằng tôi cần đến Phase I. Tôi phải chào tạm biệt các bạn tôi.
Trên đường ra khỏi trại, tôi chạy ba chân bốn cẳng. Nước mắt tôi ứa ra khi tôi nghĩ đến việc rời bỏ trại PRPC (trại người tị nạn ở Philippines) này. Tôi hy vọng chốc nữa họ vẫn còn ở đó, tôi không muốn rời nơi đây mà không  từ giã họ. Tôi cũng đã báo cho mọi người ở Phase I rằng tôi sẽ đi Mỹ. Nước mắt chảy tràn trên gò má tôi.   
Đột nhiên có tiếng gọi sau lưng tôi "Chanrithỵ Chanrithy".
Tôi quay lại, đưa mắt tìm người gọi. Một người phụ nữ Mỹ đang chạy vội về phía tôi. Mary Bliss? Cô cười và chạy nhanh thêm, nhảy qua cả bồn hoa bên cạnh đường.
Tôi cười nói "Mary, em sắp qua Mỹ ngày hôm nay đây. Em định tìm chị để chào chị đó".
"Thì mình có nghe vậy từ những người trong bệnh viện. Đó là lý do mình đến tìm bạn đây, để mình có thể nói lời từ biệt với bạn". Cô nhìn, rồi ôm choàng lấy tôi.
Cô đưa cho tôi địa chỉ của cô ở Washington DC, và bảo tôi viết thư cho cô, cô có thể viết thư giới thiệu cho tôi một việc làm ở Mỹ. Nhìn vào cặp mắt ướt rượt của tôi, cô xin lỗi không thể chào tôi sớm hơn vì vừa rồi cô đi sang miền quê Thái Lan. Biết tôi còn ít thời gian, cô chào tạm biệt và chúc tôi may mắn ở đời sống mới tại Mỹ.
Tôi chùi nước mắt và chạy vội đến phòng chuyên khoa. Tôi đến bàn giấy phía trước để xem bác sĩ Tanedo có đến bên đó không, nhưng hôm nay anh chỉ làm ở bệnh viện thường thôi. Họng tôi thắt lại. Khi người y tá nghe tôi sắp rời đây, cô liền gọi điện cho Tanedo ở bệnh viện, và nghe anh nói anh sẽ tìm gặp tôi trước khi tôi đi kiểm tra sức khoẻ bắt buộc trước khi lên máy bay.
Tôi cười, cám ơn rồi chạy như bay ra khỏi cửa. Tôi không nén nổi một nụ cười rạng rỡ. Trước đây người xung quanh hay trêu tôi về bác sĩ Tanedo, nhưng tôi chẳng cần. Tôi quả có thích anh và anh tỏ ra rất tốt với tôi.
Tôi về nhà thì bác sĩ Tanedo đã có ở đó rồi. "Chào bác sĩ, cám ơn bác sĩ đã đến chào tạm biệt em". Tôi kêu lên, cười tươi như hoa nhưng cũng bối rối vì anh cứ nhìn mãi vào tôi.
Anh cười đáp lại và bảo rằng anh đến ngay khi nghe tôi sắp rời khỏi nơi đây. Anh thật tốt khi phải bỏ thời gian đến chào tôi. Tôi lúng ta lúng túng, mắc cở. Tôi hạ mắt nhìn xuống đất, rồi mới chợt nhớ phải giới thiệu anh với chị Ra, chị Ry và anh Than chứ. Anh đưa tay bắt từng người. Anh rất nghi thức và thành thạo nữa.
Rồi anh hỏi tôi "Chanrithy, em định làm gì ở Mỹ?"
"Em muốn đi học lại, chắc sẽ học ngành y.Có lẽ em đi học lại cũng là quá muộn. Em đã 16 tuổi. Em đã không học một trường chính thức nào từ bảy năm nay, khi Cambodia sụp đổ và rơi vào tay Khmer Đỏ". Tôi cúi đầu nhìn xuống đất, thấy tủi thân khi thời thơ ấu của mình đã trải qua suốt dưới chế độ Khmer Đỏ và các trại tị nạn. Tôi thấy mình lạc hậu. Tôi sợ hãi nước Mỹ, đất nước mà tôi đợi chờ để đi đến, bây giờ lại làm cho tôi sợ.
"Chanrithy, em vẫn còn trẻ lắm, chỉ mới 16 tuổi. Em vẫn có thể đi học…" Bác sĩ Tanedo nhìn tôi đầy vẻ thông cảm. Anh cúi xuống tìm mắt tôi rồi nói "Ở Mỹ, em có thể học bất cứ cái gì em muốn".
Giọng nói nhẹ nhàng, đây hy vọng của anh giúp tôi can đảm. Tôi đưa mắt lên nhìn anh. Từ trong lòng, tôi muốn nói "Thật hả? Em có thể học bất cứ cái gì em muốn? Thế thì em sẽ học nhiều thứ lắm…"
Cặp mắt anh nói rằng tôi có thể. Tôi cảm thấy dễ chịu, an ủi. Anh là người đầu tiên tôi chia sẻ cả niềm hy vọng và nỗi sợ hãi. Bây giờ tôi thấy gánh nặng đã được cất đi, tôi biết ơn anh biết chừng nào.
"Athy ơi, người ta đã đi đến chỗ kiểm tra sức khoẻ rồi đó!" Chị Ry chỉ về phía sân trước. Nhiều gia đình mang hành lý và trẻ em đi về phía một dãy lều rộng dùng làm nơi kiểm tra sức khoẻ.
Tôi đưa mắt nhìn bác sĩ Tanedo. Tôi không muốn nói lời từ biệt. Anh đề nghị để anh xách hộ cái túi vải len của tôi. Tất cả chúng tôi đi vội về phía lều.
Đến lều, người ta gọi tên anh Vantha. Anh lo lắng chạy ùa vào trong lều, và chị Ra, tay bế Syla cũng bước vào, vừa đưa mắt ra hiệu cho chúng tôi vào theo. Chúng tôi cùng vào. Một phụ nữ người Phi ra lệnh cho anh Vantha cởi bỏ quần áo trước mặt chúng tôi. Anh từ chối ngay lập tức. Khi đó người phụ nữ kia mới ra lệnh cho chúng tôi đi ra ngoài.
Ra khỏi lều, tôi ném cho người đàn bà này một cái nhìn đầy tức giận vì bà đã coi thường chúng tôi. Bác sĩ Tanedo bèn hỏi tôi có chuyện gì, tôi giải thích, anh bèn đề nghị chúng tôi đưa hồ sơ cho anh.
Rồi bác sĩ Tanedo đi hết lều này sang lêu khác, nópi với các nhân viên y tế người Phi bằng chính tiếng nước anh. Chúng tôi chỉ còn việc đứng gần anh là đủ. Các người kia chỉ liếc nhìn chúng tôi, rồi  tập trung chú ý vào bác sĩ Tanedo. Chị Ry cười, liếc nhìn tôi, rồi nhìn Tanedo. Cuối cùng chị cũng thốt ra "Không tệ đâu, Athy. Em có một người bạn bác sĩ   giúp đỡ tụi mình rất nhiều". Thấy tôi cười, chị cũng khúc khích. Chị Ra cũng cười, Savorng và Map hình như cũng hiểu, cười theo. Anh Vantha thì nở một nụ cười yếu ớt.
Liền đó Tanedo trở lại với tôi và nói rằng tất cả chúng tôi đã xong thủ tục. Anh dẫn chúng tôi về phía một hàng xe buýt dọc theo con đường trải đá. Trên con đường nhựa, bên cạnh các chiếc xe, hàng cụm gia đình đứng với hành lý, mặt đỏ bừng, mắt sưng vù. Một cô gái trẻ đứng khóc bên cạnh một người đàn ông vẻ mặt buồn buồn. Nhìn vào cô gái, tôi cũng khóc theo. Chị Ry quệt nước mắt. Ru Syla đang ngủ trong tay, chị Ra cũng cố giấu nước mắt. Phần lớn phụ nữ đều khóc, đàn ông thì chỉ buồn. Người ta nói lời từ biệt và nhắc nhau đừng quên viết thư.
Âm thanh của tiếng nức nở càng vang dội. Rồi người ta gọi từng gia đình. Mọi người lên xe. Đột nhiên tên tôi được gọi. Tôi muốn nói với bác sĩ Tanedo rằng tôi rất nhớ anh. Nhưng khi nhìn anh, tôi chỉ có thể khóc. Người ta nhìn tôi, nhưng tôi chỉ khóc. Không tiếng nào lọt khỏi miệng tôi. Lưỡi tôi như bị dính lại.
"Athy ơi, nhanh lên", chị Ry vẫy tôi từ chỗ xe buýt. Map và Savorng thì nhăn mày nhìn tôi vì thấy tôi quá chậm. Ôm Syla trong tay, chị Ra cũng hối tôi. Chị đứng bên cạnh Vantha khi họ chen chúc bước lên bậc xe. Anh Than thì đã ở  trên xe rồi.
Lúc đó, tôi mới chạy ùa đến xe. Khi lên rồi, chờ được xếp chỗ bên cạnh chị Ry và Map, tôi mới nhớ ra là mình đã quên không chào từ biệt bác sĩ Tanedo lần cuối. Tôi muốn nhìn ra cửa sổ xe, và anh vẫn đứng đó nhìn tôi. Tôi muốn chạy xuống nhưng lúc đó người ta vẫn  chen chúc lên xe.
"Athy, Athy!" có tiếng gọi rồi tiếng đập khẩn cấp nơi cửa sổ gần tôi. Tôi quay người lại, qua hàng nước mắt tôi thấy khuôn mặt mếu máo của Sereya, bạn tôi. Tôi xê lại gần cửa sổ. Khuôn mặt mếu máo của Sereya lại nở ra một nụ cười "Mình cố chạy nhanh hết sức để có thể đến đây trước khi bạn đi mất. Athy ơi, mình sẽ nhớ bạn lắm".
Tôi bảo nó đừng khóc vì nó chỉ làm cho tôi khóc thêm mà thôi. Nhưng nó đâu nghe, nó khóc oà lên và tôi úp mặt vào hai tay.
"Chanrithy?" một giọng nói dịu dàng cất lên, tôi quay đầu về phía tiếng nói. Bác sĩ Tanedo đang ngồi bên cạnh tôi.
"Ôi, bác sĩ Tanedo!" tôi thở ra, hạnh phúc nhưng đồng thời cũng rất buồn.
"Tôi đi với em một quãng, khi gần đến bệnh viện, tôi sẽ xuống ở đó".
"Cám ơn anh", tôi nói nhỏ, đưa tay quệt mắt. Tôi cảm thấy một bàn tay dịu dàng đang nắm lấy tay phải của tôi. Tôi nhìn Tanedo, anh nói nhỏ baỏ tôi đừng khóc. Tôi muốn nói tôi không ngừng được, nhưng tôi chỉ có thể lắc đầu.
"Athy,bạn đang rời chúng tôi. Bạn đi rồi, không ai có thể làm cho chúng tôi cười nữa khi bạn đi rồi", Sereya nói, nhớ lại chuyện đã qua. Tôi nghẹn họng, bật cười rồi lắc đầu.
Quên mất mọi người trên xe ngoại trừ bác sĩ Tanedo, tôi bảo Sereya rằng trong nỗi buồn này, nó nhắc tôi về tiếng cười mà tôi mang đến cho nó và cho bạn bè. Con nhỏ bạn này quái quỷ thật! Tôi trêu nó. Nó cười khúc khích, quên cả buồn.
Cảm thấy mình ngu ngốc vì cười vang trng nước mắt giàn dụa, tôi giải thích với bác sĩ Tanedo. Anh nhìn tôi và nở một nụ cười buồn, rồi tay anh nắm chặt lấy tay tôi. Tôi cảm thấy dễ chịu. Nhưng khi xe buýt khởi hành, Sereya khóc thét lên, lại đập tay vào cửa sổ. "Từ biệt, Athy, từ biệt!" Nó gọi lớn.
Xe chạy, Sereya chạy theo một lúc. Rồi xe tăng tốc, Sereya lại khóc nức. Tôi lấy tay che mặt, khóc nức nở.
"Nào Chanrithy, Chanrithy, đừng khóc nữa" Tanedo thì thầm, tay anh vỗ nhẹ lên tay tôi nhiều lần.
Xe buýt ngừng, Tanedo đứng lên, nhìn tôi một lúc rồi chào tạm biệt và chúc tôi may mắn.
 
*
Đêm đón chào chúng tôi tại phi trường. Ánh đèn thành phố chiếu mờ mờ lên bầu trời tối đen. Mang cái xách thức ăn một tay và chiếc xách vải len nơi tay kia, tôi hít sâu cơn gió mát vào người. Tôi đi vội bên cạnh Map, Savorng và chị Ry. Anh Than ở phía trước chúng tôi. Anh Vantha ở phía trước cả anh Than. Chị Ra mệt nhọc lê bước sau anh, tay bế bé Syla vào ngực. Tôi ở đây cùng gia đình, nhưng tâm trí tôi vẫn còn ở nơi trại. Tôi nhớ các bạn hơn bao giờ hết trong đời.
Nhưng khi máy bay cất cánh bay lên bầu trời, tôi thấy dễ chịu ngay. Chúng tôi đang băng qua đại dương, bên trên cái thế giới đã trói buộc chúng tôi. Và chúng tôi còn sống.
Tôi nghĩ về những gì đang đợi tôi ở nước Mỹ. Tôi tưởng tượng chú Seng đang nhìn vào bức ảnh của chúng tôi gởi cho chú, nhớ lại khuôn mặt của những đưá con còn sót lại của người anh ruột mình, những kẻ mà chú không hề thấy mặt suốt sáu năm trời, kể từ ngày chú bước ra khỏi cổng nhà chúng tôi.
Trong chiếc xách vải len tôi mang theo, còn có những bức ảnh khác, những bức ảnh cũ mòn, tả tơi mà tôi đã cố gắng gìn giữ suốt thời Khmer Đỏ, phải dời chúng từ mái lều này sang mái lều khác. Bây giờ chúng đi cùng tôi đến Mỹ, cùng với những ký ức không thể xoá bỏ về những năm tháng bi thảm của Cambodia, về Pa và Mak, về chị Chea, Avy và Vin, về hai mươi tám thành viên của đại gia đình chúng tôi và vô số người khác đã chết. Với tôi, những thứ ấy đang được chuyển an toàn đến Mỹ, một chuyến đi chỉ có thể thành hiện thực nhờ chú Seng. Chú là chiếc cầu dẫn tôi, chị Ra, chị Ry, anh Than, Map, Savorng, Syla và anh Vantha đến với cuộc sống mới. chúng tôi như những hạt bụi của lịch sử bị thổi bay đi, và chú Seng giống như bàn tay chặn cơn gió lại. Chúng tôi bỏ lại phía sau đất nước Cambodia bị nghiền nát bởi bánh xe lịch sử của Khmer Đỏ, và bay đến Mỹ. Nơi đây, chúng tôi sẽ phải tự định nghĩa lại chính mình, một hình thức tái hoá thân cho tất cả chúng tôi.

  
                                    HẾT

<< CHƯƠNG 19 |


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 727

Return to top