Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Dài >> Hành Trình Qua Cánh Đồng Chết

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 17840 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Hành Trình Qua Cánh Đồng Chết
Chanrithy Him

CHƯƠNG 6

The New York Times
Ngày 9 tháng bảy 1975.

 
“Tội ác ở Cambodia…” Chỉ vài tuần sau khi phe Khmer Đỏ tiến vào Phnom Penh và sau khi hàng triệu người dân Cambodia ở thành thị bị cưỡng bách di dân bằng chân đến những vùng thôn quê hẻo lánh, tấm màn im lặng vẫn bao phủ lên toàn bộ sự kinh hoàng của những gì đang diễn ra – nhưng điều tệ hại nhất sắp xảy ra đã được đoán trước là cái chết vì nạn đói và bệnh tật.
Chẳng ai biết được đầy đủ về sự thống khổ và suy thoái sẽ tiếp theo sau. Người ta tin rằng có đến mười ngàn người đã gục ngã bên vệ đường, nạn nhân của sự đói khát, kiệt sức và bệnh tật, trong đó có bệnh dịch tả hiện đang lan rộng…
 
Có thể nào đời sống còn tệ hại hơn những gì đã diễn ra không? Câu hỏi này bỗng nhiên trở thành một trò chơi tinh thần, một cách để buông đi các thử thách cảm xúc của chính tôi: Không thể tệ hơn nữa. Không thể tệ hơn nữa. Thế này là đủ. Chúng không thể làm gì hơn được nữa.
Trong tâm trí tôi những tiếng ấy trở thành vừa là một sự táo bạo vừa là niềm an ủi.
Cũng giống như khi chúng tôi bị lùa ép dẹp trong các toa xe lửa, bây giờ chúng tôi toả ra cũng lộn xộn như vậy. Hàng trăm người chúng tôi sải bước vào cánh đồng hoang vắng theo sau bọn Khmer Đỏ. Mang vác những đồ đạc tùy thân còn sót lại, chúng tôi nhọc nhằn lê bước theo sau họ. Trẻ con, các bà mẹ, các ông cha lớn tuổi cố vội vã vượt lên những người đi bên cạnh. Những đứa trẻ khóc ré lên vì liên tục bị kéo đi, cố theo kịp dòng người đang di chuyển. chúng tôi đi qua hết cánh đồng trơ trọi này rồi đến cánh đồng khác, kiệt sức nhưng chỉ hoạt động do thuần ý chí.
Khi chúng tôi bước vào một rừng cây xanh ngắt với các bụi cây um tùm, họ ra lệnh cho một số chúng tôi dừng. Phần  còn lại của nhóm người tiếp tục đi xuống một lối đi hai bên sườn mọc đầy cây lớn và các bụi cây rậm rạp. Trong số những người đó, tôi không thấy ông bà, các cô và các anh chị em họ của tôi. Chúng tôi đã quá đói và sợ đến nỗi chúng tôi không còn có thì giờ để mà lo âu cho đại gia đình nữa. bây giờ thì chúng tôi tuỳ thuộc vào rất nhiều gia đình riêng của mình, và trên mặt mẹ tôi cũng như của các chị, tôi thấy hiện ra một nét sắc nhọn chưa từng thấy trước đây. Lúc này chúng tôi tạm núp gần một khóm cây leo dại quấn quít quanh nhiều cây to cho bóng mát.
Một người đàn ông mặc áo quần đen xuất hiện. Ông ta người cao, mảnh khảnh, làn da sậm, tóc cắt ngắn. Trông ông ta khá bảnh bao, khác với nhiều người nông dân Khmer Đỏ thấp, vạm vỡ mà chúng tôi đã từng gặp. Đứng trước chúng tôi, ông ta giải thích mình là một lãnh đạo của làng Daakpo. Ông ta vừa mở miệng nói, tôi đã chú ý đến giọng nói rất lạ của ông. Tôi chưa nghe ai nói với một giọng như vậy bao giờ nên điều này hầu như làm cho tôi bị chóng mặt.
“Mak, ông này sao nói giọng kỳ cục vậy?” không dừng được, tôi hỏi Mak trong khi tiếp tục vác đồ đạc đi tớ.
Mak mỉm cười trả lời “Vùng này ở gần tỉnh Battambang, người ta nói như vậy, giọng rurdern (lè nhè)”.
“Nghe buồn cười quá” , tôi vừa nói vừa cười nắc nẻ, mới biết rằng thực ra cũng có nhiều người Cambodia nói giọng lè nhè, ê a như vậy. Trong hoàn cảnh khắc nghiệt của chúng tôi, tôi thấy khó mà tin rằng ông ta nghiêm túc được.
“Các đồng chí, đây là chỗ ở mới của các đồng chí”, người lãnh đạo làng tuyên bố, ông ta đứng dưới bóng cây cao mát.
Tôi giật mình, tôi hy vọng mình được đưa đến một nơi có chỗ trú ẩn, có lều hay giường để chúng tôi có thể nghỉ ngơi. Nhưng không có gì khác ngoài trừ cây cối, rừng dày. Có vẻ như chưa hề có ai từng ở đây. Xanh mướt và lặng lẽ, đây là thiên nhiên trong dạng nguyên thuỷ của nó. Cây là tường, bầu trời là mái nhà của chúng tôi.
“Các đồng chí, có một cái ao gần đây, ngay kia kìa” vị lãnh đạo vừa nói vừa đưa tay chỉ. Giọng nói của ông ta không còn làm cho tôi thấy thú vị nữa.
vài ngày sau, tre, lá cọ, dây thừng làm bằng vỏ cây cọ và những thân  cây mới chặt được đem đến cho chúng tôi. Cây và bụi phải được phát quang cho thích hợp với việc dân số tăng lên đột ngột, hàng trăm người chúng tôi tích tụ về đây hay các làng quanh đó chỉ trong có vài ngày. Dân địa phương, nông dân, hoặc “dân cũ” – những người gốc ở tỉnh này, và họ có được vị trí khá hơn nhờ sự kiện đó, xây dựng những bộ sườn lều, chỉ là cái sàn đơn giản dựng trên những cây cột ngắn, được thiết kế thành hai phòng bằng những thanh cọ. Mỗi phòng như thế, bằng kích thước một phòng chứa đồ nhỏ, dành cho một gia đình. Chúng tôi được chia một ngăn, bằng kích thước với hàng xóm bên kia vách ngăn, một gia đình bốn người. Còn phía chúng tôi, chúng tôi có chín người. Có phải đây là điều họ gọi là bình đẳng không?
Trong một thời gian ngắn, một cộng đồng gồm những túp lều như thế mọc lên giữa rừng rậm. Lều mọc lên như nấm gặp mưa. Ngôl làng thô sơ của chúng tôi là một phòng thí nghiệm xã hội, một cuộc thí nghiệm thô bạo để thử thách, để xem người ta có tồn tại được với lý thuyết ảo vọng của Khmer Đỏ không.
Chúng tôi được gọi tham dự cuộc mít tinh dành cho những “người mới”. Chúng tôi tụ tập nơi khoảng trống giữa các căn lều, dưới bóng râm toả rộng của khóm cây lớn. Người lãnh đạo làng ra lệnh cho chúng tôi phải rũ bỏ khỏi bất cứ thứ gì của “bọn đế quốc Mỹ”. Ông ta ra lệnh “Nó gồm đồng hồ, dây chuyền vàng, vòng đeo tay, nhẫn kim cương”. Tay ông ta chộp lấy một chiếc túi màu xám mà ông sẽ dùng để đựng các món đó, giống như một tu sĩ ra lệnh cho chúng tôi phải từ bỏ tội lỗi. “Những vật này là dơ bẩn. Angka rất ghét, các đồng chí không thể sở hữu nó. Trước đây các đồng chí có nó thì không sao, nhưng bây giờ thì Angka không muốn thấy các thứ đồ đồi truỵ đó. Angka muốn các đồng chí đưa chúng lại cho tôi” ông ta nhấn mạnh.
Sau khi nhận chỉ thị xong, chúng tôi trở về lều.Khi đã an toàn trong lều, Mak và các chị tôi nói chuyện với nhau thật nhỏ, thì thầm và nhíu mày. Họ không đồng ý về việc đem cho người lãnh đạo làng cái gì. Tôi thì núp dưới bóng râm nơi túp lều gần lều chúng tôi. Từ nơi tôi ngồi, tôi quan sát thấy người ta đưa những thứ họ cất giữ cho người lãnh đạo. Ông ta gật gật đầu cứ như thể ông ta là vua chúa vậy. Thì đúng là ông ta có quyền lực, ông ta kiểm sóat mọi chi tiết nhỏ nhất của đời sống chúng tôi.
“Mak, mình chỉ đưa cho ông ta cái đồng hồ của con thôi, đừng đưa tất cả mọi thứ!” Chị Chea nài nỉ, nắm lấy cánh tay mẹ tôi khi bà sắp sửa lấy cái túi nhỏ đựng nữ trang quý đưa cho người lãnh đạo.
Mak nhăn mặt, bà nhìn chị Chea rồi nói: “Vậy thì con đem đưa cho ông ta đi”.
Chị Chea vâng lời, thấy nhẹ nhõm vì chấm dứt được cuộc thảo luận nóng bỏng. Chị đành chịu mất cái đồng hồ. Thật ra bây giờ chị có đồng hồ hay không không còn quan trọng. Chỉ là vấn đề thời gian trước khi phần lớn chúng tôi sẽ chết, và không còn quan trọng nữa trong việc chúng tôi đo lường, đếm lùi từng giờ trên cái đồng hồ đeo tay.
Bằng cách lấy đi đồng hồ của chúng tôi, bọn Khmer Đỏ đã thận trọng cướp đi những vết tích cuối cùng của mối liên lạc giữa chúng tôi với thế giới bên ngoài. Càng ngày bầu không khí ở trại này càng trở nên không thực. Người ta dồn thêm các lều áp sát vào nhau, tất cả đều ngập trong không khí nghi kỵ lẫn nhau. Chúng tôi thường xuyên lo lắng, tự hỏi không biết ai đang nghe lén mình. Truyền thống bị phá vỡ hàng ngày. Chúng tôi rất khó chịu khi thấy mình chỉ cách những nhà hàng xóm có con trai lớn ngồng bằng một bức vách mỏng manh. Trong quá khứ, các bậc ông bà hoặc cha mẹ phải phản đối cách bố trí chỗ ở mới như vậy vì lo rằng nó sẽ gây ra nhiều bất tiện. Nhưng Khmer Đỏ thì làm gì quan tâm đến những nghi thức rất tế nhị và lịch sự tối thiểu đó.
Thế mà ở đây chúng tôi vẫn thấy thấp thoáng những gì của ngày xưa. Ngày nọ chị Chea đang cố gắng tưới đám rau ít ỏi của chúng tôi trồng trên lối đi phía sau lều. Ở sát bên cạnh, người con trai lớn của nhà hàng xóm đang hì hục xới đất.
“Xem kìa!” chị Chea nói. Chị đang quan sát một cách ngạc nhiên khi thấy một cây bầu đang nở ra những bông hoa trắng xoá. “Hoa bầu có màu trắng ư?”
Người con trai cười “Mademoiselle, cô từ đâu đến vậy?”
Mademoiselle. Từ ngữ bộc lộ cái ưu thế được giấu kín của quá khứ. Chị Chea bật cười, vui sướng tìm ra nơi một người khác một dấu hiệu giáo dục.
“Parlez vous francais?” chị hỏi.
Khám phá này tạo ra một tình bạn tức khắc giữa họ. Nói cùng một ngôn ngữ, họ chia xẻ với nhau cùng một nền văn hoá. Dầu Khmer Đỏ có thể kiểm soát mọi khía cạnh của đời sống chúng tôi, họ vẫn không thể xoá sạch được trí óc của chúng tôi, chùi sạch bong trí óc của chúng tôi như chùi một cái nồi đồng rỗng. Ở ngay giữa lòng cái sợ hãi hàng ngày, tại một ngôi làng dưới chế độ Khmer Đỏ, đây thật là một bí mật quý báu. Cho nên tôi lấy làm hãnh diện và vui sướng được làm chứng nhân.
Đời sống của chúng tôi teo lại dần. Ít tự do hơn. Mối liên lạc gia đình cũng giảm đi nhiều. Khẩu phần thực phẩm hao hụt dần, cũng như không gian sống của chúng tôi thu hẹp lại nơi túp lều nhỏ, thật sự là một cái chuồng, nơi cả gia đình tôi hiện đang ở. Khẩu phần gạo chỉ còn một phần năm so với những gì chúng tôi nhận được ở Year Piar, và vẫn tiếp tục giảm, chỉ có thể đong bằng lon sữa bò. Đến lúc này, số lượng rút từ vài lon lúa xuống đến mức chỉ đủ nấu cháo lỏng, mà chúng tôi phải thêm vào cám heo và muối. Tuần đầu khi đến đây, chúng tôi còn nhận được vài lạng thịt heo. Rồi giảm cho đến hết, cũng như muối thô, thoạt tiên chúng tôi được nhận vài thìa và cuối cùng là không có gì cả.
Nhưng ngay cả khi khẩu phần thực phẩm bị cắt, yêu cầu lao động của chúng tôi vẫn giữ nguyên như cũ. Chúng tôi phải làm việc nhiều giờ liền trong rừng để trồng những cánh đồng khoai lang và cây ngọc giá. Cứ mỗi buổi sáng, một tên chỉ điểm Khmer Đỏ còn trẻ đi qua làng chúng tôi, rống lên tin xấu “Dậy! Dậy đi làm việc!” Nằm trong lều, chúng tôi nghe thấy tiếng kêu chói tai ấy khi nó tiến tới gần. Tôi cố nhắm mắt, ước chi cả tai của tôi nữa cũng khép lại được. Nhưng nếu bạn không nhúc nhích, có khi hắn còn thò mặt vào trong lều của mình luôn. Nó chỉ mới mười hai, mười ba tuổi nhưng nó mang cái quyền lực đáng sợ của Khmer Đỏ.
Có lần tôi nghe tiếng một phụ nữ lớn tuổi – vốn đẹp và bảnh bao trước khi bị nạn thiếu dinh dưỡng và lao động đồng áng huỷ hoại – đã chửi nhỏ sau lưng tên này. Bà ta mang biệt danh “Bà nội hai ký” từ trọng lượng số đất mà bà có thể mang nổi mỗi khi lao động. Và sáng sớm hôm đó, tôi nghe tiếng bà ta thì thầm càu nhàu một cách độc địa “Mày là đứa sẽ bị bom đánh chết đấy. Tao chưa ngủ đủ giấc, thế mà mày đã đánh thức tao dậy. Mày mà còn trở lại nữa, tao sẽ ném đá vào đầu mày đấy”.
Từ nhà bên cạnh, tôi nghe tiếng người hàng xóm già bật cười sau vách “Thôi bà nội hai ký ơi, đừng có lắm lời thế” ông ta nói nhỏ “Cẩn thận đấy, đừng cố tỏ ra can đảm làm gì”.
Sự thiếu dinh dưỡng bắt đầu gây tác hại lên mọi người. Làn da một thời bóng láng và mái tóc đen mướt của Mak bây giờ cho thấy những dấu hiệu của sự đói khát. Mắt bà sưng lên, tóc bà dễ gẫy và thô, còn làn da phủ lên cánh tay và gò má thì giống như một tấm khăn trải giường mỏng và lỏng lẻo, như thể cơ bắp của Mak bị ăn mất từ bên trong vậy. Thân thể gầy gò vì đói của bà đã phản ánh tình trạng còn lại của những người chúng tôi như thế nào.
Khi Khmer Đỏ đang rút cuộc sống ra khỏi chúng tôi thì chúng tôi cũng vừa cạn hồ nước – thật ra đây chỉ là một cái ao nhỏ mọc đầy tảo và cỏ nước. Ngoài ra còn đỉêm thêm đủ thứ côn trùng, trầm tích và rác rưởi. Nước hôi mùi bùn, nhưng đó là tất cả những gì chúng tôi có, cái hồ khác gần nhất cũng cách chúng tôi nhiều dặm đường. Vì thế chúng tôi đành phải uống, uống cho thật nhanh để khỏi thấy mùi hôi. Dân làng này hành động như thể một chiếc vòi voi khổng lồ hút ngay cả thứ nước hôi hám để làm dịu cơn khát đã. Thêm vào đó, chúng tôi còn dùng nước hồ này để giặt giũ, tắm rửa, rửa nồi niêu chén bát. Những người không chút hiểu biết tối thiểu nào về vệ sinh đã đổ luôn cả nước bẩn lẫn xà phòng bên bờ hồ. Một số nước thấm vào đất sét, số còn lại chảy ngược xuống hồ.
Thế là chẳng bao lâu chúng tôi có thêm một người hàng xóm mới. Thần chết đã đến cư trú tại đây, như một người khách ác tâm không được ai hoan nghênh. Chỉ trong vài tháng, bệnh dịch bắt đầu chạm tay vào những dân cư mới. Bệnh tật mang nhiều dạng, bò vào đời sống chúng tôi một cách lặng lẽ, lén lút. Giống như các người lớn và trẻ em khác, mỗi sáng tôi đều ngồi chồm hỗm trước lều nhằm hứng lấy tia sáng mặt trời đầu tiên, cố gắng để sưởi ấm thân thể mình, cái thân thể hiện giờ đang bị hành hạ bởi những cơn lạnh lúc có lúc không kỳ lạ. Lắc lư người lui tới, cơn lạnh của tôi dịu đi dưới tia nắng mặt trời, nó như bàn tay lắc lư làm tôi thiếp đi trong tư thế ngủ ngồi. Vài tiếng đồng hồ sau, thân thể của tôi chuyển từ chỗ ấm dần thành nóng bỏng. Tôi bước loạng choạng lên lều, chỉ trèo mấy bậc thang, người tôi đã ướt đầm mồ hôi. Rồi những cơn đau nhức xuất hiện từ chân cho đến đầu. Tôi mê man và rối loạn, cuối cùng mệt lả và đói cồn cào, sau đó tôi lấy lại được tri giác.
Cứ thế tình trạng đó xảy ra hàng ngày, chẳng ai hiểu tôi bị bệnh gì. Nhưng tình trạng đó có vẻ không được khá lên, càng ngày tôi càng bị sốt nóng và lạnh dữ hơn. Tôi bắt đầu rơi vào trạng thái hôn mê. Một cách mơ màng, tôi vẫn còn biết được cái gì đang xảy ra cho mình, tuy nhiên tôi chỉ có thể lắng nghe và quan sát như một kẻ ngoại cuộc, chứ không thể điều khiển được lời nói cứ như nhào ra khỏi miệng. Thật là kỳ cục khi ý thức được rằng mình đang làm những điều vô nghĩa. Lạ lùng thay, tôi bắt đầu gào lớn, nài nỉ, đòi hỏi xin thức ăn “Cho một bát cơm với cá chiên trộn me!” – tôi gào lên như thế.
Quanh tôi có tiếng thì thào “Đó là thức ăn mà cha nó đòi đấy!” Và họ cho là hồn ma của cha tôi đã chiếm lấy tôi. “Hồn ma của cha nó đã nhập vào đấy!” Có người kết luận.
Tình cảnh thật điên rồ khiến cho tôi bối rối. Tôi có thể biết ai nói, có thể cảm thấy mắt ai đang nhìn vào tôi, nhất là cái nhìn kinh hoàng của mẹ tôi. Rồi tôi nghe tiếng một người hàng xóm đề nghị, chắc là với một thiện ý “Chắc là hồn ma của chồng chị đang đói đấy”. Tâm trí tôi thâu nhận câu nói này, nhưng thân thể tôi cứng đờ, không thể trả lời được.
Mak bay ra khỏi nhà, tuyệt vọng chạy đi tìm một ai đó, bất cứ ai có thể đổi cho bà cá và me. Mẹ không dám đến gặp những “người cũ” mà chỉ gặp những người mới đến như chúng tôi. Nhưng chẳng có ai giúp được bà. Bà đành quay về cúng cho hồn ma cha tôi tất cả những gì chúng tôi có – một bát cháo lỏng. Sau đó Mak lên một cơn đau bao tử dữ dội. Mọi người kết luận rằng bà bị trừng phạt do linh hồn cha tôi tức giận vì đã phải ra đi với bụng đói.
Thật đáng buồn, nhưng đó là điều không tránh được. Trong nền văn hóa Cambodia, chúng tôi cố hết sức để làm hài lòng linh hồn tổ tiên. Bệnh tật, rủi ro, thất vọng…tất cả  thường được quy lỗi cho các linh hồn ra đi mà không hài lòng. Khi tôi cầu xin Phật che chở, tôi thường cầu nguyện cả linh hồn cha tôi nữa. Việc cúng thức ăn được xem như là cảm tạ linh hồn đã cho chúng tôi vận may, và cũng là để bảo đảm cho sự phát đạt, thành công của chúng tôi được tiếp tục. Mẹ tôi tủi nhục vì mình đã không làm thoả mãn linh hồn, nhưng chẳng có cách gì khác được. Nét mặt của bà lộ ra nỗi khổ não của mình, biểu lộ lòng bất tín cao độ “Làm thế nào mình có thể kiếm ra được một con cá vào cái thời buổi này?” bà thì thầm. Đôi mắt bà cầu khẩn. Ở đây chúng tôi chẳng có gì ăn cả. Hỡi linh hồn, sao người nỡ đòi hỏi như vậy?
Chừng nửa tiếng sau, tôi thấy trong người tôi biến đổi, như thể thân hình tôi được đưa bổng lên khỏi sàn nhà rồi rơi xuống đất đột ngột. Khả năng kiểm sóat chui trở lại vào tay chân, bây giờ đã biết nghe theo mệnh lệnh của trí óc tôi. Da tôi dường như mở ra và tôi toát mồ hôi đầm đìa. “Chuyện gì xảy ra vậy?” tôi hỏi.
Chị Chea bèn giải thích rằng hồn ma của cha tôi đã chiếm hữu lấy tôi. Tôi cảm thấy sự sợ hãi trong ánh mắt của chị. Mắt chị tròn xoe khi kể lại câu chuyện vừa qua. Rồi anh Than cất tiếng, có vẻ nhẹ nhõm “Em sung sướng thấy rằng em không phải là koon cưng nhất của Pa”, anh thì thào.
Sự kiện này làm cho sức khoẻ của tôi yếu hẳn, và các cơn sốt vẫn đồng hành cùng với tôi, không hề chùn bước. Ngay cả khi đau ốm, chúng tôi vẫn không có gì để ăn thêm nhằm giúp phục hồi sức khoẻ trở lại. Trước nay sức khoẻ của tôi phụ thuộc vào “phép thuật “ của Pa, thế mà nay ông cũng rời bỏ tôi. Thực phẩm hiếm hoi mà thuốc men thì cũng vậy. Làm sao có “phép thuật” được. Ngay cả nước sạch sẽ để uống cũng không có. Cái hồ gần chỗ chúng tôi ở đã cạn dần, cuối cùng trở thành một vết sẹo do chúng tôi tạo ra. Nó bị xoá đi, bị ô nhiễm, nước bốc hơi hết, lộ ra đáy hồ, một tấm thảm gồm cây cỏ nước khô héo. Không giống như cái hồ, chúng tôi mạnh mẽ hơn, có khả năng thích nghi hơn với trò chơi sống còn này. Chúng tôi vẫn có thể rời đi chỗ khác, tìm nước ở một nơi khác, dầu ở cách xa nhiều dặm, và cho dù là nó không được sạch đi chăng nữa.
Người dân trong làng bây giờ bị nhiễm bệnh tiêu chảy trầm trọng. Bệnh lan tràn đến nỗi người ta coi thường cả sự hổ thẹn, ngượng ngùn. Dấu hiệu của bệnh dịch nằm ở khắp nơi, trên đồng ruộng hoặc ngay torng bụi cây gần nhà. Triệu chứng của bệnh dịch rất rõ ràng – phân đầy máu và mủ, thu hút ruồi nhặng bu đến lúc nhúc. Giấy vệ sinh là bất cứ thứ lá cây nào người ta có thể kiếm được. Tình trạng bất lực trước nỗi đau khổ làm cho người ta tủi hổ - một dạng đau đớn khác cộng thêm vào những nỗi đau có sẵn. Đôi khi chúng tôi cố làm cho chúng nhẹ đi. Sau này, khi dịch tiêu chảy đã qua, người lớn trêu đùa tình trạng bất tiện của mình bằng cách nói đùa giải thích “chẳng qua trong người tôi có một cái bù loong bị hỏng”.
Tuy nhiên có vẻ như những người khác không bật dậy nổi trước loài ký sinh truyền bệnh ấy. Trong một tuần, đứa em trai ba tuổi Vin của tôi, bị chứng tiêu chảy do viêm ruột. Cứ mỗi ngày nó làm bẩn mấy cái quần rách và mấy cái áo Mak dùng để che cho nó. Trên sàn gỗ của căn lều, thân hình nhỏ xíu của nó nằm bất động, chỉ nghe tiếng thở chầm chậm, đều đều của nó. Vin nằm nghiêng, chỉ mặc cái áo sơ mi. Phía dưới nó ở truồng – không thể nào giữ cho quần của nó sạch được – và chiếc mông nhỏ xíu của nó luôn luôn bị ruồi bu đầy. Thế là chúng tôi bèn có một công việc mới. Phải có một ai đó ngồi bên cạnh nó để quạt xua đàn ruồi. Nghĩ lại chuyện trước, tôi nhớ Pa đã từng chữa cho một người anh em họ của tôi khỏi bệnh tiêu chảy. Nếu có Pa ở đây, hẳn ông đã biết phải làm gì. Cần có muối và nước nhằm giúp cho cơ thể khỏi bị mất nước. Nhưng không có gì trong tay cả. Đuổi ruồi là cách chúng tôi làm để chăm sóc nó, bảo vệ nó. Sự bất lực ám ảnh chúng tôi.
“Mak…Mak… cho con ngủ bên cạnh má, con lạnh lắm!” Vin van xin, giọng nó nhỏ, yếu và buồn bã. “Con lạnh lắm, Mak. Để con nằm cạnh má thêm một đêm nữa”.
“Koon proh Mak (con trai thân yêu của mẹ), Mak không muốn con làm lây bệnh sang các anh chị. Con nằm sang phía bên kia nhé, con trai của má?”
Mak dỗ dành nó.
“Mak, cho con ngủ với Mak một lần nữa, một lần nữa thôi, má. Ngày mai con sẽ đi bệnh viện, rồi con sẽ khỏi. Má cho con nằm cạnh đi, con lạnh lắm”.
Vin lại bật khóc.     
“Mak xin lỗi con”  Chưa bao giờ Mak lại bất lực như thế. Chưa bao giờ Mak tỏ ra ăn năn như thế.
Đứa con này đã được bà mang đến thế giới này nhưng bà không thể làm cho nó hài lòng. Sự kiện khắc nghiệt này sẽ dần dần giết chết bà.
Còn đối với chúng tôi, giống như lắng tai nghe dải băng nhạc của một cuộn phim buồn không có đoạn kết, nằm nép sát vào nhau cạnh Mak các anh chị em tôi cùng chia sẻ chiếc chăn và hơi ấm của nhau. Gió đêm mát lạnh bắt đầu thổi, luồn lách qua những kẽ hở trong lều. Tôi nằm khóc thương Vin. Tiếng thút thít của chúng tôi trở thành khúc nhạc buồn trong đêm mỗi khi chúng tôi đau đớn bên cạnh nó. Vin chỉ mới ba tuổi nhưng cuộc sống này làm cho chúng tôi già nhanh trước tuổi. Chỉ chừng đó tuổi Vin đã có thể diễn đạt lưu loát nhu cầu của mình, nhu cầu vô vọng nhằm sống sót.
Thật lâu trong đêm thâu, Vin khóc trong đêm lạnh tháng mười hai. Gió đập vào tàn lá của những ngọn cây cao sau lều, tạo nên một chuỗi đồng ca hoà nhịp với những cơn rùng mình vì lạnh của Vin. Làn gió lạnh vô hình đó cũng chạm vào tôi, mặc dù tôi đã rúc người dưới chăn.
Rồi sáng đến, chị Ry đã sẵn sàng mang Vin đến bệnh viện của chính quyền Khmer Đỏ, gọi là Peth Preheth Preah, một cái tên còn lại từ thời trước, có nghĩa là bệnh viện Chúa Quan Phòng, hình như cách chỗ chúng tôi sống chừng ba dặm.
Thân hình nhợt nhạt, teo tóp của Vin nằm bất động khi chị Ry quấn quanh nó chiếc xà rông của Mak. Vin buồn rầu nhìn Mak, đôi môi nhợt nhạt của nó chầm chậm hé mở “Mak, con đi bệnh viện, rồi con sẽ khoẻ ngay, con sẽ về nhà. Con sẽ về ngay, Mak”.
Lời lẽ và cặp mắt buồn của nó nói lên một lời chia tay trầm tư. Dẫu còn bé nhỏ như thế, Vin có vẻ hiểu và cố bào chữa, an ủi Mak. Sự đồng cảm của nó giữa lúc nó chịu nhiều đau đớn của riêng mình như thế làm cho tôi bị chấn động đến tận cốt lõi. Vin còn quá nhỏ, thế mà khôn ngoan đến mức ngạc nhiên. Có lẽ đó là sự khôn ngoan sinh ra từ một đứa bé đã bị vùi dập quá nhiều – đời sống của chúng tôi trước cuộc cách mạng, cuộc di tản ra khỏi Phnom Penh, cuộc sống lao động cưỡng bức. Quá nhiều cuộc sống nhồi nhét vào một cuộc đời chỉ có được vài năm. Một đứa bé ba tuổi trong xe đẩy. Một đứa bé ba tuổi phải tìm kiếm thức ăn. Nó đã biết đến quá nhiều đau đớn mà tôi không thể chịu đựng nổi. Tôi muốn quỳ gối, muốn phủ phục xuống đất để cầu xin đức Phật chấm dứt nỗi đau khổ của nó.
Tôi muốn vô cùng.
“Ừ, koon proh Mak, đi đến bệnh viện rồi con sẽ lành sớm. Rồi koon sẽ trở về với Mak”. Mak nói nghẹn ngào, đứt quãng những lời bà biết sẽ sẽ không bao giờ là sự thật.
“Rồi koon sẽ trở về với Mak”, Vin lập lại lời Mak như thể điều đó làm dịu lòng nó.
Nhiều tuần sau Vin vẫn còn ở bệnh viện. Theo chị Ry báo lại cho chúng tôi, tình trạng của nó còn tệ hơn. Chị ở lại luôn ở bệnh viện để chăm sóc cho Vin, vai trò đáng lẽ phải thuộc về chị Chea hay chị Ra, vốn lớn tuổi hơn chị Ry. Nhưng hai chị đã đi khỏi, bị triệu tập để tham gia vào trại lao động cưỡng bách của thanh niên. Họ rời chỗ chúng tôi sau một ngày sau khi một người điềm chỉ, lãnh đạo Khmer Đỏ tên là Srouch ghé lại, ra lệnh cho họ tham dự một cuộc mít tinh. Họ vâng lời tức khắc, giống như binh sĩ bị gọi ra mặt trận. Trách nhiệm của hai chị đối với gia đình không còn nữa. Dầu không có lỗi lầm gì, Mak cũng bị tước mất quyền giữ con cái. Angka Leu đã tự bổ nhiệm mình làm cha mẹ duy nhất. Với việc hai chị phải ra đi, chị Ry phải bước vào, đảm trách vai trò người mẹ.
Thời ở Phnom Penh, ở tuổi 13, chị mảnh khảnh nhưng rất khoẻ. Mái tóc đen mướt của chị cắt đều, xoã xuống vai. Tôi nghĩ, trông chị xinh xắn trong chiếc váy xanh và chiếc áo hai màu xanh trắng của chị. Lúc chị đạp xe đạp đi học, chân chị gồng lên trên pê đan xe như chân của một vận động viên.
Ngay từ lúc ấy chị Ry cũng chăm sóc cho chúng tôi và chị Chea lúc đó bị bệnh thương hàn và bệnh máu. Chị Ry là một người điều dưỡng bẩm sinh, chị ở bên cạnh chị Chea để cho Mak rảnh tay chăm sóc chúng tôi ở nhà và Pa có thể đi làm việc. Còn chị Ra dù có lớn hơn , nhưng chị rất sợ hồn ma người chết trong bệnh viện. Không giống như chị Ra, chị Ry không hề sợ bệnh tật. Cho nên chị Ra thường chọn việc ở nhà giúp đỡ Mak giặt rửa, nấu ăn hay đi chợ mua rau quả.
Bây giờ 15 tuổi, trông chị trưởng thành hơn so với tuổi, chị Ry lại đảm trách nhiệm vụ chăm sóc người bệnh. Cũng như trước kia chị chăm sóc chị Chea, bây giờ chị lại ở cả ngày lẫn đêm bên cạnh Vin. Chị ở luôn trong bệnh viện, một hành lang trước đây là một phần của nhà thờ. Sàn nhà dơ bẩn, bệnh nhân một số nằm trên những chiếc giường sắt mỏng mảnh, số khác lại lăn lóc trên miếng vải hoặc tấm nhựa trải trên sàn nhà. Không khí giống như một bệnh viện dã chiến, không có một lối đi qua giữa những người nằm ngồi la liệt. Vin may mắn hơn, vì bệnh nhân quá đông, nó được chuỷên đến nhà phụ, một căn nhà gần đó xây sàn gỗ. Nó được phân một khoảng không hẹp, cách các bệnh nhân khác vài tấc. Trang phục y tế đã được thay thế bằng đồng phục muôn thưở của Khmer Đỏ là áo quần đen và một chiếc khăn rằn. Những người có thẩm quyền của bệnh viện có được giáo dục về y tế hay không thì không ai rõ. Thuốc trị liệu có sẵn để phân phát là “phân thỏ”, tên mà người ta dùng để gọi thứ thuốc viên thô sơ làm từ vỏ cây và mật. Đôi khi bệnh nhân xin thuốc “phân thỏ” này chỉ vì chất mật trong đó, là thứ có thể làm dịu cái bao tử đang trống rỗng của ho. Hình như thực phẩm, chỉ thức ăn thôi, sẽ được cho nhiều đau đớn ở đây.
Giống như một người mẹ, chị Ry đút cho Vin ăn cái khẩu phần khiêm tốn của nó. Vì không có ai trợ giúp cho chị, chị phải tắm, mặc áo quần cho nó. Chị dỗ Vin và truyền hơi ấm, nằm sát bên nó mỗi đêm. Nhưng mặc dù chị chăm sóc vất vả, Vin một ngày một yếu đi. Ngày nào nó cũng khóc đòi Mak, xin chị Ry bảo Mak đến thăm nó. Chị Ry đành chuyển về lời khẩn khoản của nó, van nài Mak cho đến khi Mak kêu lên “Đừng hành hạ Mak nữa koon! Mẹ không thể đi đến bệnh viện được. Nếu đi được thì mẹ đã đi rồi!”
Mak đã nói lên sự thật đau đớn. Khuôn mặt và toàn thân của bà hiện nay đã sưng vù, trương phồng lên do chất lỏng tạo ra trong người bà. Mặt bà chỉ còn là một chiếc mặt nạ xấu xí thay cho khuôn mặt cũ, nhợt nhạt như da heo và phồng xốp, chảy xệ xuống. Đôi mắt bà hé mở, lạc thần nhìn ra từ khuôn mặt mềm nhũn, u ám và buồn tẻ ấy. Chẳng ai hiểu vì sao, chẳng ai biết cái gì làm cho tay chân chúng tôi nặng chình chịch như thế này. Mẹ tôi thì có cách giải thích “Đó là vì chúng ta không có muối”, bà nói, nhún vai. Từ lâu nay, bà đi phải có người dìu. Vào lúc này, tất cả chúng tôi – những người dân mới – đều bị giống bà. Thoạt tiên nó như một vận rủi, một lời nguyền rủa lên trên thân phận của những người mới tới đây. Phải mất một thời gian chúng tôi mới thích nghi được với sự đói kém này. Từ chỉ căn bệnh này là hamn, bệnh phù thủng. Chính tôi nữa, tôi cũng bị phù, cả chân, tay và mặt. Đột nhiên, với căn bệnh này, một việc vô cùng đơn giản như đi bộ cũng thành khó nhọc như chạy trong bùn vậy. Giống như Mak và tôi, cả Avy và Map người nào cũng sưng lên như những con búp bê căng phồng, da mặt căng và kéo ra, chân tay mập mạp so với tuổi. Lớp da giữa ngón chân của Avy làm tôi sợ hãi – nó căng ra và trong suốt, dường như chắc chắn sẽ bùng nổ. Vậy mà nó vẫn khoẻ hơn tôi, vẫn có thể đi xa để tìm nước. Tôi cảm thấy bất lực, hổ thẹn và yếu đuối khi so sánh với nó. Cô em gái khoẻ mạnh này làm tôi ngạc nhiên.
Quanh chúng tôi các thảm kịch cũng bộc lộ. Bệnh tật đã chạm tay đến rất nhiều nhà. Ngay cả “Bà nội hai ký” tính tình khó chịu bây giờ cũng nhẫn nhục, vốn tính lắm lời, bây giờ bệnh tật làm cho bà im lặng. Bệnh tật đã lấy nốt những nét duyên dáng cuối cùng trên một sắc đẹp đã tàn phai.
Một ngày nọ chị Ry từ bệnh viện trở về báo tin rằng Vin đang hấp hối. Vừa nói ra điều đó, chị co giật, gập người lại vì đau đớn.
“Mak, Vin xin mẹ đến thăm nó. Nó muốn thấy mẹ một lần chót”.
“Mak không thể đi được, koon. Đi lấy nước để uống và nấu ăn Mak còn làm không nổi, mẹ không thể đi xa vậy được”. Mẹ chậm chạp nói, không hy vọng cũng không linh hoạt. Bà bị hoàn toàn đánh sụp bởi chính thân thể của mình.
“Nhưng Vin đang hấp hối, Mak! Nó đòi mẹ, nó nhớ mẹ…” Chị Ry sụp xuống, oà khóc.
“Koon, con không nghe mẹ nói sao? Mẹ muốn đi thăm em con, nhưng chỉ vì mẹ không thể đi xa như vậy được”. Bà quá yếu không còn tranh luận được nữa. Chị Ry phải hiểu điều này. Thế nhưng vai trò của hai người đã đảo ngược một cách kỳ cục. Chị Ry giống như người mẹ, ra lệnh cho con phải vâng lời. Mak phải đến đó. Mẹ không hiểu sao? Chị cao giọng tuyệt vọng.
“Con phải nói sao với nó khi nó đòi gặp mẹ một lần? Con phải làm gì đây, hả Mak?”
“Hãy bảo với em con rằng Mak chưa thể đi xa như vậy được. Khi nào Mak đi được, Mak sẽ đến thăm nó”. Câu trả lời của mẹ là một tiếng thở dài não nuột.
“Nhưng nó đang hấp hối…” chị Ry gào lên.
“Mẹ biết, koon, bảo em con là mẹ nói thế”. Tiếng bà chậm và đều. Dù điều gì diễn ra trong tim đi nữa, tiếng nói của bà không phản ánh nỗi đau giờ phút này. Đơn giản là vì Mak quá bệnh không còn lo gì được nữa. Ngồi bệt trên sàn nhà, thấy ôm đầu gối, Mak bắt đầu run rẩy.
“Mak ơi!” Map chạy tới khi mẹ buông niềm đau của mình. Dường như vừa rồi bà đã nuốt hết nước mắt và tiếng kêu vào lòng, chỉ để thoát ra những sợi tơ nhỏ đang sủi tăm. Tiếng khóc của mẹ như một chiếc ly vỡ lởm chởm, và chúng tôi đành đứng im lặng. Đột nhiên Map hét lên, tiếng khóc của nó làm vỡ tan nỗi đau buồn Mak đang chứa trong lòng. Bà nhìn lên như thể có ai dội lên người một thùng nước lạnh. Bà bỗng tỉnh lại.
“Đừng khóc, Koon proh Mak. Mak ngừng khóc rồi, rồi” Mak dỗ Map, ôm nó trong tay.
Nước mắt của Avy cũng tuôn xuống theo họ, chảy xuống gò má nhợt nhạt và sưng vù của nó. Vì mặt bị phù, trông nó giống như một pho tượng đang khóc. Nước mắt nằm đó, nhưng bệnh phù đã che hết nét diễn đạt của nó. Tiếng khóc nức nở của nó hoà vào tiếng khóc của Map, của Mak và của tôi. Chị Ry không chịu đựng nổi nữa. Chị bước đi. Tiếng khóc của chị kéo lê theo xuống lối đi giữa các túp lều cho đến khi chỉ còn là một tiếng vọng mờ nhạt ở quãng xa. Chị quay về với Vin ở bệnh viện, mang theo một thông điệp buồn. Tôi hình dung Vin đang nằm trên sàn nhà của bệnh viện. Tiếng khóc thảm thương của một đứa bé ba tuổi nghe chị Ry bảo cho nó biết Mak không thể đến được. Từ trong thâm tâm tôi kêu gọi Đức Phật hãy giúp đỡ Vin: Preah, xin người hãy giúp đỡ em con. Xin đừng để nó chết. Nó chi là một đứa bé. Xin cho nó sống để nó có thể gặp Mak một lần nữa. Chỉ một lần nữa thôi, Preah…
Tôi nhớ lại vẻ mặt đầy hy vọng và những lời nó và Mak trao đổi trước khi chị Ry mang nó vào bệnh viện “Mak, con đi bệnh viện rồi con sẽ lành sớm. Con sẽ về nhà. Con sẽ về nhà liền, Mak…” “Ừ, koon proh Mak, đi bệnh viện rồi con sẽ khỏi bệnh liền. Rồi koon trở về với Mak”. “Koon trở về với Mak”. Một trò chơi giả vờ tin tưởng. Một cuộc chia tay nhẹ nhàng. Một lời hứa không thể giữ.   
Vin chết trong bệnh viện vì một căn bệnh có thể chữa trị được. Nhưng cả thế giới chung quanh đều thô bạo, lạnh nhạt với nó. Tiều tuy, khô quắt, thân thể không còn sinh khí của nó nằm trần truồng trên sàn gỗ của bệnh viện – bộ xương của một đứa trẻ nhỏ. Khi chị Ry thức dậy bên cạnh nó, chị chồm lên và lay nó, van xin nó một câu trả lời yếu ớt. không có câu trả lời nào nữa. Liền sau khi Vin chết, chị Ry cởi cái áo sơ mi màu đỏ của nó ra. Ngay cả trong đau buồn lúc đó, chị cũng phải nghĩ về những người còn sống, phải để dành chiếc áo đó lại cho Map. Đó là điều cần thiết, một hành động tuyệt vọng. Rồi lễ tang cho nó. Hình ảnh cuối cùng của chị về nó là một thân thể nhỏ bé, bất động cuốn trong chiếc bao tải thô, do hai những công nhân bệnh viện mang đi. Họ không hề nói gì với chị, những người trông coi cái chết ấy.
Vin được chôn cất bên rìa một ngọn đồi gọi là Phnom Penh preah – Chúa Quan Phòng. Lễ chôn cất lạnh lùng vào một nấm mộ vô danh. Không ai trong chúng tôi có mặt ở dó để chịu tang. Không thân nhân tề tựu, không tu sĩ cầu nguyện. Khi chị Ry mang về nhà tin này, không ai khóc. Kể cả Mak. Khóc là thừa nhận điều chúng tôi không thể thừa nhận. Tâm hồn chúng tôi đã bão hoà vì nỗi đau. Sự im lặng là phương pháp phòng vệ cuối cùng của chúng tôi.
Mak tê dại. Giống như mặt trời buông xuôi trước cuối cùng nhật thực vĩnh cửu, đơn giản bây giờ bà chỉ ngừng cảm nhận. Tôi nhìn kỹ mẹ bây giờ, và thật khó mà tưởng tượng ra cô dâu hạnh phúc, người học sinh nổi loạn, người mẹ cương quyết với nụ cười dịu dàng và lòng hy sinh thầm lặng của ngày trước. Cuộc đời của chúng tôi bây giờ chẳng còn có phần thưởng nào cả. Mỗi ngày sống và đi. Sống cho qua được một ngày khác, đó chính là phần thưởng trong cái thế giới ghê rợn này. Trông Mak đã già hơn tuổi của mình rất nhiều. Tê liệt vì đau khổ, cứng đờ vì cái chết chung quanh. Và quá suy nhược để còn quan tâm đến chuyện gì.
Mak cũng không còn đủ sức để đi bộ không đầy một dặm để thăm mẹ bà đang hấp hối, tức Yiey Srem, bà cũng mới được mang về làng này. Như là một định mệnh, tất cả những người trong gia đình phía bên Mak cũng đều chấm dứt ở Daakpo. Nhưmg thật ra chẳng có gì vui trong chuyện này. Chúng tôi ít gặp nhau. Nạn đói đã làm cho thân thể Yiey Srem sưng phù lên giống con gái bà. Làn da nhăn nheo của bà ngoại tôi sưng múp lên. Một cách khá kỳ cục, có một sự giống nhau mang tính gia đình nơi bệnh phù này. Chúng tôi tất cả đều trở thành bộ lạc của những người phù thủng, tất cả những “dân mới” trong làng. Nó như một thứ huy hiệu khủng khiếp, một cách để nhận dạng chúng tôi. Chúng tôi trở thành những kẻ bị ám ảnhy bởi việc thiếu ăn. Ký ức về nó chỉ còn là một vật sống, đang thở. Nó nhiễm độc chúng tôi, làm chúng tôi mệt mỏi. Nó là mọi thứ.
Ngay cả thời gian cũng khó mà nhớ, tính được. Chúng tôi đánh dấu thời gian bằng cách nói ai đã chết và ai còn sống. Thời gian được chưng cất và nhớ lại bằng cái chết. trước khi Vin chết…Sau khi Pa bị hành hình…Đó là cách nói của chúng tôi. Trước khi bà ngoại mất, tôi có đi đến thăm bà một lúc ngắn ngủi. Việc thăm viếng kiểu như vậy bây giờ rất hiếm, dầu các thành viên trong đại gia đình tôi bây giờ sống gần nhau. Chúng tôi phải cân nhắc các với gặp gỡ như thế với nguy cơ bị trừng phạt vì đã biểu lộ “tình gia đình” – một điều mà Khmer Đỏ không tán thành. Ngay cả khi đang làm việc, chúng tôi cũng không được phép nói chuyện với những người khác trong nhà. Còn lén đi thăm viếng bà con khi đang làm việc thì còn khó hơn nữa. Vả lại, chúng tôi dòn phải quyết định xem có nên tiêu thụ một số năng lượng để đi nửa dặm đường hay là dùng năng lượng đó để kiếm thức ăn, vì tất cả chúng tôi đều đói lả.
Angka thì không màng quan tâm đến chuyện đó. Nó không còn cho chúng tôi bất cứ cái gì nữa. Không muối, không thịt, gạo cũng không. Hàng ngày tôi phải tìm loại lá cây ăn được, nghĩa là bất cứ cái gì để sống sót. Một ngày nọ tôi tìm thấy loại cây dại mọc dưới các tàn cây lớn mà Mak gọi là lá vịt. Chỉ mới vài tháng trước đó là thứ lá mà chúng tôi trộn với gạo để cho heo ăn. Bây giờ, đó là thức ăn qúy của chúng tôi.
“Bây giờ chúng ta còn tệ hơn cả heo nữa” – Mak lẩm bẩm, vừa nấu một nồi lá cây xanh rờn.
Đó là công việc hàng ngày của chúng tôi. Ban ngày chúng tôi nhổ cây dại khỏi ruộng khoai và ngọc giá, rồi xếp lại thành từng bó. Sáng sớm hôm sau, chúng tôi bới rác, tách các bó cây dại ra để tìm các con dế đen nhỏ đang ẩn nấp dưới đó.
“Koon, koon, giúp bà bắt dế với. Bà không chạy được” “Bà nội hai ký” thường nài nỉ “Chỉ cần có hai con dế một ngày là bà sống được”.
Nòng nọc. Dế. Cóc. Rết. Chuột. Bò cạp. Chúng tôi ăn tất. Khi xới đất, chúng tôi tìm rệp như tìm kho tàng vùi dưới đất. Mắt chúng tôi quét khắp mặt đất, chúng tôi lộn ngược lưng quần, túi áo, rũ khăn để tìm xem có được chú rệp nào không. Bắt được chú nào là chúng tôi xiên vào đầu chiếc que và đưa ngay vào lửa. Những người không bắt được gì chỉ còn biết quan sát, đưa mắt van nài theo dõi từng cử động. Chúng tôi phải làm lơ như không thấy họ, và cũng làm lơ như không biết mình đang ăn gì. Chẳng ngại ngùng, kiêng dè gì cả. Thức ăn là thức ăn. Mọi thứ, bất cứ thứ gì cũng đều ngon cả - chỉ cần ngửi mùi dế nướng là bao tử của tôi đã sôi lên sùng sục. Tuy nhiên, cả loài sinh vật nhỏ nhất, từ loài gậm nhấm cho đến côn trùng, đều trở nên hiếm hoi. Có hôm, thức ăn của chúng tôi dành cho cả ngày chỉ gồm có lá nấu chín mà thôi.
Cuộc sống của chúng tôi giảm thiểu lại còn một vòng tròn thật chặt. Mỗi ngày trôi quqa chỉ là tính xem mình có thể kiếm gì ăn vào ngày hôm sau. Và cho đến khi ấy, chúng tôi chỉ nghĩ về ăn.
Suốt ngày. Suốt đêm.
Cái đói đã chế ngự tất cả chúng tôi.

<< CHƯƠNG 5 | CHƯƠNG 7 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 491

Return to top