Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Dài >> Hành Trình Qua Cánh Đồng Chết

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 17810 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Hành Trình Qua Cánh Đồng Chết
Chanrithy Him

CHƯƠNG 18

Đoàn xe vận tải đã đi qua những con đường không trải nhựa bụi bặm giữa những hàng cây và những cánh đồng trống không, hết con đường ngoằn ngoèo này sang con đường khác. Rồi đoàn xe đi vào một cánh đồng cháy xém dưới đất đầy tro than và những gốc cây, rạ đen kịt nhỏ bằng ngón tay đến lớn bằng cổ tay. Trông giống như những que diêm bị đốt cháy.
Trút chúng tôi xuống xong, đoàn xe lại quay ra, lần lượt chạy đi. Một người đàn ông cho chúng tôi biết rằng mấy chiếc xe này quay trở lại đón những người còn lại, và sẽ chở thức ăn nước uống cho chúng tôi.
Trên cánh đồng này không có bóng mát để núp, thế là chúng tôi phải đứng chân trần trên mặt đất nóng bỏng, chân tôi đen kịt và dính đầy tro. Mấy đứa bé khóc đòi uống nước mà không ai trong chúng tôi có một giọt nước nào cả. Map và Savorng cũng vừa khát vừa đói, mặt chúng buồn bã, sầu thẩm, lông mày nhíu tít lại. Xe chở thêm nhiều người tị nạn Cambodia nữa, và sau đó đến tối thì cuối cùng thức ăn và nước uống cũng được mang đến cho chúng tôi. Đêm đến chúng tôi nằm ngủ trên đất, bầu trời là mái nhà.
Đến ngày hôm sau, đoàn xe lại chở đến cho chúng tôi tre, rơm và dây buộc. Mọi người, từ đàn ông, đàn bà và trẻ em đều giúp vào việc dựng lều, chia công việc từ vác tre cho đến mang dây cho cánh đàn ông Cambodia dựng nhà. Trong vài ngày những ngôi lều mái rơm chia thành mười khu cho mười gia đình được dựng lên cạnh nhau, chỉ cách một lối đi nhỏ. Cứ mỗi khu, chỉ định một người trưởng khu đại diện cho các gia đình, nhằm bảo đảm việc nhận đủ thực phẩm. Trại này được gọi là trại Khao I Dang [1], quanh trại rào kẽm gai, gần đó có một vài lính Thái đi tuần tra. Họ làm cho chúng tôi cảm thấy an toàn, không còn sợ Khmer Đỏ nữa.
Chúng tôi được phát đĩa, bát, xô nhựa nhiều màu cùng chăn màn. Tất cả những thứ đó là cả một ân huệ cho chúng tôi, và tôi rất nhớ điều này. Tuy nhiên tôi vẫn ao ước cái ngày chúng tôi không nhận khẩu phần thức ăn nước uống nữa, tức là khi mỗi người chúng tôi tự múc cơm ăn và cháo mà không còn phải lo mình có lấy quá nhiều không.
Vài tuần sau khi chúng tôi đến đây, các con buôn người Thái cũng đến nơi hàng rào, lảng vảng ở đó, cách xa chỗ lính gác. Chúng tôi đói, và thế là họ mang bắp nấu, trứng, rau đến bán cho chúng tôi. Tin này lan ra khắp trại. Vào ban đêm, trẻ em và đàn ông chạy qua hàng rào để buôn bán khiến cho một bé trai bị lính bắn chết.
Một tháng sau, thay vì chạy đến hàng rào để mua bán, các con buôn người Thái mang luôn hàng vào trong trại. Sau nửa đêm, tiếng bước chân nhè nhẹ và tiếng nói khe khẽ, lo âu vang lên dọc theo lối đi hai bên lều chúng tôi. Họ phải cố giữ hoạt động kín đáo đừng cho lính Thái biết.
Đêm nào cũng có buôn bán, sau đó là rượt đuổi dọc theo các hẻm nhỏ, sau cùng là việc lục sóat lều của dân tị nạn. Với tất cả các chuyện đó, dầu chúng tôi có dính vào các việc mua bán hay không, chúng tôi cũng bị phiền nhiễu. Nhưng những kẻ khổ nhất là những người Cambodia mua hàng bị bắt, họ bị lính đá và đánh đập bằng báng súng. Cuối cùng thì một cái chợ dã chiến mọc ra vào ban ngày, bán đầy bún, rau, cả những chiếc xà rông và áo hoa rất đẹp.
Còn hôm nay thì căn lều của chúng tôi thơm lừng mùi cà ri ngọt ngào nấu với nước dừa tươi ép ra, thịt bò, hành, đậu tây, khoai. Trong cái bọc nhựa màu xanh đặt trên xô nước là những bó bún sắp theo hình xoắn ốc, dùng để ăn với  cà ri bò, giá, bạc hà. Có mười lăm khách, phần lớn là bạn của chị Ra, anh Vantha, tụ tập trong lều của chúng tôi. Một số ngồi gấp chân trên tấm nệm trải trên nền đất gần chị Ra và anh Vantha. Một số khác đứng gần cửa.
Savorng, Map, chị Ry, anh Than và tôi ngồi trên cái sàn tre nơi chúng tôi thường ngủ, nhìn chị Ra và anh Vantha làm lễ cưới nhau dưới sự chủ trì của một người đàn ông già, có lẽ trước đây là một nhà sư. Nơi góc xa của chiếc sàn tre là đồ cúng mà chị Ra làm để cúng linh hồn của Pa, Mak, chị Chea, em Avy và em Vin, anh Tha và cả linh hồn của tổ tiên nữa. Hai bát cà ri, hai bát bún, hai ly nước, một nén nhang cháy được cắm chắc vào lon đựng gạo. Đồ cúng này là lời mời những người chết đến dự buổi đám cưới, đồng thời cũng có nghĩa là lời cầu xin linh hồn người chết mang lại hạnh phúc và sức khoẻ, hoặc bất cứ điều gì chị Ra cầu xin.
"Xin Ara và Vantha cưới nhau nhiều hạnh phúc và nhiều con cái". Người bạn thân nhất của anh Vantha là chú Lee khấn vái. Mọi người cười ồ lên.
Chị Ra, hai mươi hai tuổi, mỉm cười bẽn lẽn. Mặt chị mịn màng, thanh nhã. Tóc chị chải khéo, uốn cong lên, trông chị giống ngôi sao điện ảnh Trung Hoa với chiếc áo viền đăng ten màu kem từ hồi ở Phnom Penh mà chị cố giữ nguyên lành suốt trong thời gian Khmer Đỏ cai trị.
Chú Lee cười nhiệt thành rồi ngắm chị Ra, ngắm anh Vantha. Trước đây chú thường đến lều chúng tôi và quen biết gia đình chúng tôi. Chúng tôi cũng biết gia đình chú. Chú thường hối anh Vantha cưới chị Ra. Nhiều lần chú cảnh cáo anh trước mặt chúng tôi "Nếu cậu không lấy cô ấy thì chính tôi sẽ cưới cô ấy đấy. Tôi không đùa đâu. Cậu còn đợi gì nữa? Cô ấy là một phụ nữ tốt và thuộc về một  gia đình tốt".
Anh Vantha và chị Ra đã bán sợi dây chuyền vàng hai mươi bốn cara để mua thức ăn cho lễ cưới. Vợ của chú Lee giúp chúng tôi mua thịt, rau, bún, các thứ, cũng như lo việc nấu nướng cho bữa tiệc.
Khi đêm xuống và mọi người đi ngủ, một giọng nhẹ nhàng hát nho nhỏ một bài hát. Một bài hát đầy sự háo hức, ham muốn và tiếc nuối. Đó là chị Ra, phát ra từ căn phòng chị tự làm lấy bằng cách treo màn phủ khắp cái sàn tre phía đối diện nơi chúng tôi ngủ.
"Ô..háo hức biết mấy tất cả các cảm xúc bồn chồn…
Trong đêm mật ngọt này tôi tiếc cho tấm thân tôi
Hm…tiếc, tiếc thay, một tấm thân như nụ hoa sắp nở
Giờ đây con ong đã lấy mất mật ngọt và bay đi xa
Nếu chàng rời bỏ tôi thật, tim tôi sẽ tan nát
Và khi đó sẽ chỉ còn nước mắt.
Thế ra đây là tình yêu, mà tôi đã biết trong cái đêm đầu tiên
Xin hãy nhẹ nhàng, dịu dàng với em
Anh yêu, anh yêu, người ta chỉ là trinh nữ một lần duy nhất
Không thể có hai lần"
 
*
Chúng tôi đến Khao I Dang ba tháng trước, vào tháng 11 năm 1979. Bây giờ ở đây có một lớp học tư tiếng Anh được mở ra. Tôi phải kiếm cách để trả tiền học phí, khoảng 150 baht[2]. Đó là một số tiền lớn đối với tôi vì tôi chẳng có lương hay tìền trợ cấp, ngoại trừ khẩu phần thực phẩm. Tôi quyết định dùng số vàng đã mang theo từ Sala Krao và đã không đưa hết cho anh Vantha. Tôi tự bảo, mình sẽ dùng số vàng này để đổi lấy việc học. Tôi sẽ đem bán số vàng ấy đi và tốt hơn là nên giữ chuyện này cho một mình mình biết.
Chị Ra tắt kinh, chị bị đau ốm, thế là sau đó chị phải thôi không đi học lớp tiếng Anh. Các bà hàng xóm bảo rằng chị có bầu. Họ nói khi một người phụ nữ có bầu, họ thường khó chịu vào buổi sáng. Cô ta sẽ nôn oẹ, mệt mỏi và rất thèm những thứ như xoài xanh, me chua.
Mấy người hàng xóm nói, khi không có những thứ đó để ăn, thì mình sẽ thấy đau đớn, cồn cào trong ruột. Và Ra có những triệu chứng của một người bị ốm nghén. Chị háo hức nói với các bà rằng chị thèm ăn, và họ cười vang. Chị Ry và tôi cũng cười, còn chị Ra mỉm cười bẽn lẽn.
 
*
Mọi người bàn tán về cuốn phim sắp được chiếu ở trại. Đó là một cuốn phim về Ki tô giáo, theo những người hàng xóm cho biết, và về Jesus Christ. Tôi có nghe về Jesus Christ trước đây do chị Chea kể khi chị học về Người thời còn ở Phnom Penh và hát một số bài hát cho chị Ra, chị Ry và tôi nghe. Bây giờ tôi muốn biết về Người. Có khác với Đức Phật không? Ngày chiếu phim đến, tôi và gia đình đi ra một cánh đồng trống có nhiều người đứng sẵn trước một màn ảnh lớn cắm chắc trên một gò đất.
Phim bắt đầu chiếu thì trời đổ mưa. Mới đầu là mưa bụi sau là mưa lớn. Một vài người có dù, nhưng phần lớn chúng tôi đứng ướt sũng dưới cơn mưa. Đàn ông cởi áo che lên đầu, phần lớn trẻ con lạnh run cùng với người lớn ra về, cả gia đình tôi cũng thế. Tôi run bắn lên, hai tay ôm chặt lấy người, nhưng vẫn khóc khi thấy tay chân của Jesus Christ bị đóng lên thập tự giá. Dẫu tôi không hiểu điều đang nói trong phim, tôi rất đau buồn và thấy gắn bó với cuốn phim, với Jesus Christ, và với nỗi buồn của những kẻ thương tiếc Người.
Tôi nghĩ đến Pa và việc hành hình ông.
 
*
Chị Ra đi chợ về. Đặt giỏ đồ ăn xuống chị cười rạng rỡ. Bụng chị đã tròn, nhô ra giống như chị đặt một trái dưa hấu dưới lần áo. Chị Ry và tôi nóng lòng nóng ruột muốn biết chị nghĩ gì. Không biết điều gì làm chị sung sướng đến khờ ra như vậy.
Chị cười, chùi hay bàn tay vào nhau như chuẩn bị để trình bày sự phấn khích của mình rồi lại đi ra khu nấu bếp.                   Quá mệt vì căng thẳng, tôi gọi với theo "Chị Ra, chuyện gì vậy? Chị cười vì cái gì vậy?"
"Em có muốn biết sáng nay chị gặp ai ở ngoài chợ không?"
"Ai vậy?" Chị Ry và tôi hỏi hầu như cùng một lúc.
"Chị gặp cô Eng (em họ của Pa). Thấy cô, chị nghĩ, ai đây nhỉ, mình đã gặp người này trước đây rồi. Sau đó thì chị nhớ ra. Các em có biết cô bảo chị thế nào không?"
"Cô bảo chị cái gì?" tôi hỏi.
Chị Ra kể, cô Eng đã tìm ra chú Seng, người đã rời khỏi Cambodia hai ngày trước khi Khmer Đỏ nắm quyền, hiện giờ chú đang sống ở Mỹ. Cô đã viết thư cho một người bạn của cô sống ở California hỏi cô ấy thử có biết chú Seng không. Bạn cô trả lời quả thực cô có biết một người tên là Leng Seng, hiện sống ở tiểu bang Oregon. Cô Eng bèn viết thư yêu cầu chú bảo lãnh cho gia đình cô qua Mỹ. Hiện giờ chú đang làm thư ký tại đó. Như thế, chị Ra nôn nả nói, chúng mình cũng có thể qua Mỹ.
Tôi nhảy lên, thụp xuống như đang tắm suối. Tôi cười, chụp lấy cái tin kỳ diệu, khó ngờ này một cách háo hức. Sau chừng đó năm nhọc nhằn và mất mát, tôi hồi tưởng, chúng tôi nhận được tin này. Chú Seng, người em trai duy nhất của Pa còn sống, và chú sẽ mang chúng tôi qua Mỹ. Ôi Chúa ơi, xim cảm ơn Người. Tôi nhảy lên, ngâm nga và cười.
Sau hai tháng học tiếng Anh, tôi phải chấm dứt, chị Ra thiếu ăn. Có đêm chị bảo tôi và chị Ry rằng chị thường khóc, ước ao có thức ăn như chị muốn. Vì chị không còn một xu nào sau khi bán sợi dây chuyền vàng, chị thường đi rảo vòng quanh chợ để nhìn ngắm những thức ăn chị thèm, ước ao mình có tiền để mua.
Tôi không đành lòng nhìn bộ mặt bi thảm của chị và quyết định cho chị tất cả số tiền còn lại từ lúc bán vàng. Mắt chị Ra sáng lên khi nhìn thấy sốt tiền ấy. Chị cầm lấy tiền, áp vào tim và mỉm cười. Chị Ry cũng nhìn tôi, ngạc nhiên và hạnh phúc. Sau đó ba người chúng tôi đi ra chợ, mua bất cứ thứ gì chị Ra thấy thèm, và chị là bà bầu sung sướng nhất mà tôi đã từng thấy.
 
*
Vào một ngày nắng, Map, Savorng và tôi đứng sắp hàng chờ lãnh phần nước. Hai đứa con gái, một trạc tuổi tôi, đứa kia bằng tuổi Savorng, đi đến chỗ chúng tôi và gọi Savorng là "Peang". Đứa nhỏ hơn cầm tay Savorng và mỉm cười, Savorng giật tay lại bước sát vào tôi. Đứa con gái hỏi Savorng đang sống ở đâu. Savorng hé mắt nhìn hai đứa con gái, bối rối, rồi nhíu mày, đưa mắt nhìn tôi như thể xin tôi giúp đỡ.
Tò mò, tôi hỏi chúng làm sao chúng biết Savorng. Đứa con gái lớn bèn kể cho tôi nghe câu chuyện của gia đình Savorng. Lúc trước, ở một ngôi làng bên Cambodia, sau khi cha mẹ của Savorng chết, một gia đình Khmer Đỏ đem nó về nuôi. Sau khi bộ đội Việt Nam tiến vào Cambodia vài tháng trước, gia đình này bỏ trốn vào rừng, bỏ Savorng lại. Sau đó khi có nhiều gia đình rời làng, đi di cư tại trại New Camp, nó đi theo họ rồi sống với một bà già trong trại này. Bà già bảo nó đi xin thức ăn và xin tiền, đó chính là lúc chị Ra và anh Vantha gặp nó và mang nó về nuôi.
Tôi bảo hai đứa con gái bây giờ thì Savorng ổn rồi. Nó sống với gia đình chúng tôi và chúng tôi đã đặt tên lại cho nó. Hai đứa kia có vẻ mừng vì gặp nó và nghe nó đã ổn định. Savorng thì chỉ đứng yên, liếc mắt nhìn hai đứa kia một cái rồi cắm mặt nhìn xuống mặt đất đầy sỏi.
Đứng chờ để được phân phối nước, tôi ngẫm nghĩ về cuộc đời của Savorng. Về cha mẹ đã chết của nó, về gia đình Khmer Đỏ đã mang nó về nuôi. Thật thú vị khi định mệnh đã mang nó lại cho chúng tôi, vốn cũng là những đứa trẻ mồ côi. Tôi buồn khi nghe chuyện nó, nhưng nhẹ lòng vì nó đã ở với chúng tôi, và hy vọng rằng nó cũng sẽ cùng qua Mỹ với chúng tôi nữa.
 
*
Khao I Dang mở rộng rất nhanh. Lều mới được dựng lên để thích hợp với dòng người đổ vào đây. Về sau còn có tin đồn trong chúng tôi rằng một số lớn người dân đã bỏ Cambodia đi và hiện đang sống ở biên gíi. Tôi rằng buồn khi thấy Cambodia trở thành một cái nơi càng ngày càng ít người muốn sống ở đó, mặc dù tôi rất hiểu cái nhu cầu phải lìa quê cha đất tổ khi mà chiến tranh và áp bức đã đè nặng lên cuộc sống của chúng tôi quá lâu.
Một số người không thể đợi để được mang đến Khao I Dang hay những người không có cơ may để đến đó do tình trạng pháp lý của họ khi đến được biên giới, đã trả tiền cho những người Cambodia đưa họ sang biên giới lậu. Một trong số đó là chú Aat, anh em họ của anh Vantha từ tỉnh Kompong Cham. Cứ mỗi người Cambodia nhập lậu vào trại này, phải trả một số tiền cho lính Thái gác trại.
Để phụ thêm vào khẩu phần ít ỏi của chúng tôi, anh Than, lúc này đã 16 tuổi, quyết định cùng với vài người đàn ông lớn hơn đi ra biên giới và đưa người lậu vào. Sau đó anh tổ chức đường dây riêng của mình vì anh biết đường về New Camp trên đất Cambodia và đã học tiếng Thái để tiếp xúc với lính Thái. Khi anh đi lâu hơn anh dặn, tôi rằng lo lắng. Tôi tưởng tượng anh bị bắn và bị lục lấy hết tiền. Khi anh về, tôi nhẹ cả người, nhìn anh ngưỡng mộ và phục sự can đảm của anh và vì anh đã giúp gia đình có tiền mua nhiều thức ăn hơn. Sau đó khi chú Aat và anh Vantha cùng đi với anh, tôi mới yên lòng và ngủ được.
Nỗ lực học tiếng Anh của tôi không ngừng lại mặc dù tôi không còn tiền để trả tiền học phí nữa. Tôi tự học Anh văn một mình. Tôi ôn lại các bài dịch từ cuốn Essential English Book 1 tôi mua được và từ cuốn tập của mình. Tôi tự tìm từ ghép thành câu rồi đọc lớn lên cho mình nghe.
Tôi cũng tìm được một cách khác để học tiếng Anh nữa. Khi đi lang thang quanh trại, có một lần tôi nghe lỏm các từ tiếng Anh phát ra qua một khung cửa sổ nhìn xuống lối đi hẹp. Tôi lần theo tiếng nói và thấy bốn người đàn ông đang đứng trong một ngôi lều dài, đang ghi chép vào trong sổ tay. Nhón gót lên, tôi nhìn qua vai họ vào lớp học và thấy các chữ tiếng Anh cùng các nguyên âm được chép trên bảng đen.
Dầu đã tiến sát về phía trước, tôi cũng chỉ mới nghe được các từ tiếng Anh từ miệng thầy giáo. Tôi phải tranh thủ đến sớm để giữ được chỗ gần cửa sổ để có thể nhìn thấy bảng đen, trong khi đó cũng có nhiều người khác khám phá ra chỗ này. Phần lớn là đàn ông, cũng có một vài phụ nữ, đến tụ tập phía sau chúng tôi, nhìn qua vai chúng tôi, họ chép lại từ sổ chúng tôi, và những người đàng sau họ lại chép lại từ sổ, giấy của họ. Ngày qua ngày, càng có nhiều người đến đây, làm nghẽn cả con hẻm. Cái đám đông học sinh đói chữ người Cambodia này đứng tràn ra cả con hẻm kế cận, xa đến cả trăm mét, hí hoáy ghi chép dưới ánh mặt trời chói chang.
Sự hiện diện của những người phụ nữ khác ở đây làm tôi cảm thấy thoải mái hơn, ít quan tâm đến điều chị Ra, anh Than, anh Vantha có thể nói với tôi nếu họ trông thấy tôi đứng lẫn trong đám đàn ông. Chúng tôi cùng bẻ cong luật lệ của nền văn hoá cũ. Một người phụ nữ ở giữa đám đàn ông là không thích hợp, những người lớn ở Cambodia thường nói thế, và một số bà con họ hàng của tôi cũng sẽ lập lại quan điểm đó. Nhưng tôi sẽ biện hộ cho mình và nói, tôi ở đây là để tự học. Nếu người ta quan tâm đến sự không thích hợp của hoàn cảnh này, thì người ta hãy cho tôi tiền để cho tôi được ngồi trong lớp học là đúng mực nhất.
Sau nhiều tuần liên lạc bằng thư từ với chú Seng ở Portland, Oregon, gởi cho chú thông tin về ngày sinh, nơi sinh của chúng tôi, chúng tôi lại được báo tin là phải dời về một trại khác, trại Sakeo II. Những người sẽ đi là cô Eng và gia đình, anh Vantha, chị Ra, chị Ry, anh Than, Map, tôi và cả Savorng, người được đăng ký là em gái của chúng tôi. Tất cả, trừ chú Aat, người anh em họ của anh Vantha. Chú đến trại sau khi bảy tên của người trong gia đình chúng tôi gởi sang Mỹ cho chú Seng làm bảo lãnh. Dù vậy, anh Vantha vẫn muốn chú Aat đi Mỹ thay cho Savorng nhưng chị Ra không đồng ý. Chị Ra nói rằng chúng ta không thể để Savorng ở đây, nó chỉ là một đứa bé mới có sáu, bảy tuổi. Mặt khác, chị lý luận, chú Aat là một người lớn, chú có thể xoay sở được. Sau này, giống như nhiều gia đình khác, chú cũng có thể làm đơn xin đi Mỹ hay một quốc gia khác như Pháp, Canada hay Australia. Chú Aat có vẻ buồn, thất vọng, nhưng chắc chú ấy hiểu cho cái khó của chị Ra, buộc phải chọn giữa chú và Savorng, người mà chị và anh Vantha đã đón vào trong gia đình chúng tôi.
Chú Aat đã tỏ ra rất tử tế với chúng tôi, chia xẻ thức ăn với chúng tôi và con cho tôi tiền để tiêu. Chú nói năng rất nhã nhặn với chúng tôi, không giống như anh Vantha, người cư xử hờ hững đôi với chúng tôi kể từ khi anh bắt đầu lui tới với đám người gọi là "bạn bảnh" của anh. Vantha đã thay đổi. Bây giờ anh nổi tính hay gây gỗ, đặc biệt đôi với anh Than, nhất là từ khi anh Than kiếm được tiền từ việc đưa người nhập lậu. Vantha thường tìm cách hạ giá anh Than hoặc gay gắt với anh không có lý do. Anh Than không thèm để ý, nhưng sau đó anh bảo Vantha hãy từ bỏ cách cư xử ấy đi và hành xử như một người lớn, như một người vừa là anh rể vừa lớn tuổi hơn phải làm.
Có đêm anh Vantha về nhà và bảo chị Ra ngay trước mặt chúng tôi rằng bạn anh đã nói "bạn thì khó kiếm, nhưng vợ thì dễ ợt", và anh nói anh đồng ý.
Anh trở thành tự mãn, kiêu hãnh về mình. Bây giờ chị Ra có bầu, anh tránh đi bên cạnh chị. Chị Ra biết thế, nhưng giữ kín ý nghĩ của riêng mình.
Tối nọ Vantha chọc cho Savorng và Map đánh nhau để anh xem. Anh khiến chúng chộp lấy các thanh tre trên mái lều và bảo Savorng đá vào Map thật mạnh. Chị Ra có vẻ không ngăn anh được, và chúng tôi cũng không thể nói gì vì anh như một kẻ độc tài cai trị gia đình chúng tôi. Cuối cùng, Map và Savorng đều làm nhau đau và cả hai đều khóc. Thường thì Map là kẻ bị đau nhiều nhất do nó không thể quay người nhanh được vì bụng nhô ra, dấu tích còn lại của tình trạng thiếu dinh dưỡng từ thời Khmer Đỏ để lại. Savorng định kết thúc trận đấu bằng cách đá vào bụng Map. Chúng lại tiếp tục đánh nhau cho đến khi Vantha nghĩ rằng chúng đã đánh nhau đủ rồi. Trông chúng khóc và Vantha thì vênh váo, tôi thầm ước giá mà chị Ra lấy chú Lee. Hẳn chị sẽ ăn ở tốt với chú, vì chú kính trọng chị và gia đình tôi. Nhưng bây giờ thì đã quá muộn. Chị đã có bầu và sắp sanh rồi. Và chúng tôi thì sắp di chuyển đến trại Sakeo II, một nơi mà tôi hơi ngờ vực. Tôi nghe nói nơi này chứa nhiều cựu Khmer Đỏ. Thế mà giờ đây chúng tôi đang ở trên xe buýt đợi để được đưa đến đó.
Nỗi sợ của tôi tăng nhanh khi chiếc xe buýt tăng tốc độ và hàng cây, quang cảnh hai bên đường vụt qua. Tôi bật khóc khi nỗi sợ của tôi đổi thành nỗi buồn. Cứ mỗi khắc qua đi, tôi lại bị mang xa hơn khỏi Cambodia. Tôi nhớ Pa và Mak, chị Chea…Tôi quay lui tìm chị Ra và Ry ngồi phía sau. Họ cũng khóc. Nhiều người khác cũng khóc, cặp mắt đỏ biểu lộ nỗi sợ hãi câm nín. Bỗng một bài hát tiếng Anh cất lên làm dịu đi nỗi buồn của chúng tôi. Một người Thái ngồi bên tài xế với tay đến máy phát thanh xách tay và bấm nút. Bài hát tiếp tục và chiếc xe buýt tràn ngập âm nhạc kích động.
Ô là la em yêu anh nhiều hơn em có thể nói
Em yêu anh hai lần nhiều hơn ngày mai…
Mỉm cười qua làn nước mắt, tôi vui vẻ bảo cho chị Ra và chị Ry biết tôi hiểu được lời của bài hát này. Họ cười, có vẻ hãnh diện. Tôi quay trở lại, chùi nước mắt và thưởng thức bài hát.
 
Chú thích:
[1] Cuối năm 1979, trước sự  phản đối gay gắt của quốc tê, chính phủ Thái đã cho phép Cao uỷ về người Tị Nạn Liên Hiệp quốc (UNHCR) mở những trung tâm tị nạn trong lãnh thổ Thái Lan. Khao I Dang được mở ra vào tháng 11 và trong hai tháng đã là một thành phố có 120.000 người. Khao I Dang bỗng chốc trở thành thành phố những Cambodia lớn nhật trên thế gíi. Timothy Carney – một viên ch c tại toà đại sứ Hoa kỳ ở Bangkok đã ghi chú như  vậy (Ủy ban Hoa kỳ về người tị nạn, "Người tị nạn Cambodia tại Thái Lan: những giới hạn của một nơi ẩn núp")
[2] Tiền Thái Lan, theo hối suất lúc đó, 150 baht vào khoảng 7.50 USD

<< CHƯƠNG 17 | CHƯƠNG 19 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 754

Return to top