Bây giờ là cuối năm 1977. Vì một lý do nào đó tôi được gởi đến một trại mới nằm lọt giữa các ruộng lúa rộng cùng với một nhóm trẻ em. Giống như nhiều trại lao động khác, trại này cũng vô danh như những con người đang làm việc trong đó. Tôi cũng không biết chúng tôi đang ở đâu và nơi này gọi là gì nữa. Từ sáng tinh mơ cho đến hoàng hôn, công việc của tôi là đuổi chim bay khỏi đồng lúa chín vàng. Bây giờ đang giữa buổi sáng và mặt trời đang chiếu xuống, ngay lúc này thời tiết dễ chịu và ấm áp.
Nhưng vào buổi sáng sớm tôi luôn luôn bị lạnh vì chiếc áo tôi mặc không đủ giữ ấm. Còn chiếc áo kia thì tôi để trong lều, dùng để thay cho ngày kế tiếp. Sương sớm đọng trên những lá cỏ mọc trên bờ ruộng bám vào đôi chân trần của tôi, càng làm cho buổi sáng sớm lạnh không chịu nổi.
Khi mặt trời chiếu sáng, tôi dang hai cánh tay ra như một con gà con mới nở đang vươn cánh. Đứng thẳng người, tôi cựa quậy, hai bàn tay chà vào nhau, miệng hà hơi thổi phù phù vào hai tay cho ấm. Nơi chân trời xa xa, giữa đám ruộng, tôi thấy bóng những người lớn túa ra gặt. Ở xa trông đầu của họ như nổi bồng bềnh trên ruộng lúa.
Vừa khi con người dậylàm việc thì chim chóc cũng vậy, sẵn sàng bắt đầu ngày kiếm ăn của mình. Chưa chi chúng đã bay lên, ào ào như những làn sóng đen kịt. Chúng chao liệng trên ruộng lúa một lúc như để chọn lựa cây lúa nào chín tới mới làm tiệc. Chúng vừa hạ cánh xuống thì đám trẻ con ùa về phía bầy chim. Đầu của đám trẻ nhấp nhô giữa ruộng lúa. Chúng đuổi theo chim, miệng hô “Su! Su!”. Những cánh tay nhỏ xíu huơ huơ lên trời để đuổi đàn chim.
Bầy chim túa lên, kêu lên những tiếng chít chít, dữ tợn rồi bay sang ruộng khác, đám ruộng của tôi. Thế là tôi cũng chạy về phía chúng, miệng tôi “Su! Su!” Tôi hò theo tiếng vang của đám trẻ kia. Tay tôi vung vẩy lên trời để làm cho chim sợ.
Tiếng cười bật ra trong không trung khi đàn chim bay từ ruộng lúa này sang ruộng lúa khác. Bây giờ nó giống như trò chơi hạ cánh – xua đuổi. Chim kêu chí chóe, còn chúng tôi thì cười vang. Từng giọt mồ hôi chảy ướt cả trán tôi. Tiếng cười đó là thức ăn nuôi dưỡng tâm hồn tôi. Đã lâu lắm rồi tôi không hề cười. Tôi thấy mình sống lại, như một cô gái nhỏ, mặc dù nay tôi đã 13 tuổi.
Phần ăn được cải thiện, khá hơn hồi ở làng, tôi bèn nghĩ về gia đình và ước chi có họ ở đây. Hằng đêm, tôi nao nức đến cháy lòng mong họ được hưởng những gì tôi có: cơm và canh cá nấu với rau. Tôi tự hỏi không biết bây giờ chị Ra ở đâu, chị còn ở trại giáp với khu 3 hay đã chuyển đi nơi khác rồi. Tôi cũng ước phải chi Avy, Vin, Mak và Pa còn sống. Mak hẳn sẽ sung sướng nếu được ăn cơm với muối. “Có được cơm với muối để ăn thì sướng bằng được lên trời”, tôi nhớ mãi câu nói của mẹ, mắt mẹ rực lên niềm ao ước.
Đêm xuống, nằm trên chiếc giường đất lót cỏ khô trong căn lều nhỏ, tôi lại nghĩ về Mak. Hình ảnh khuôn mặt nhợt nhạt, sưng vù của bà ở bệnh viện Choup lại hiện ra trong đầu tôi như trong một giấc mộng. Dường như Map và tôi chỉ mới đến thăm mẹ vài ngày trước thế mà nay mẹ đã mất rồi. Bây giờ sức khoẻ tôi đã khá hơn, trí óc tôi cho phép mình đi ngược lại thời gian lúc còn sống với mẹ. Bồng bềnh trôi vào giấc ngủ, tôi khao khát được nói chuyện với mẹ, ao ước bà có mặt ở đây với tôi.
*
Mak xuất hiện, ngồi giữa tôi và Map ở cuối cái bàn gỗ sồi giống cái bàn để thuốc của Pa nơi nhà chúng tôi ở Phnom Penh. Dưới ánh đèn huỳnh quang mờ mờ, tôi bị hút hồn vì sự xuất hiện của mẹ - vẻ mặt của bà đẹp và khoẻ mạnh, y hệt như thời còn ở Phnom Penh ngày trước.
Khi bà nhìn tôi, tôi chú ý đến vẻ buồn sâu xa nơi khuôn mặt đẹp ấy, đóng khung trong làn tóc đen chải mượt. Tôi ngừng đút cháo cho Map, đặt muỗng xuống đĩa và đứng dậy ra khỏi ghế. Tôi nhẹ nhàng đi lại phía Mak. Nhưng trước khi tôi kịp nói điều gì, bà đã bồng bềnh bay lên trên trần. Mak van nài “Athy, con chăm sóc em trai con. Hãy cho nó ăn, koon Mak. Săn sóc nó cho Mak…Saniya Mak (Hứa với mẹ đi)!”
“Mak, con muốn…”
“Saniya Mak” Mak ngắt lời tôi trước khi tôi nói xong điều muốn nói. Trông mặt bà rất buồn thảm, và tôi nhìn bà chăm chăm.
“Con xin hưá…” Tôi trả lời, tôi chỉ mong muốn cho vẻ buồn thảm trên mặt bà biến mất đi. Tôi muốn nói cho mẹ biết vì sao tôi không thể đến săn sóc bà ở bệnh viện Choup. Nhưng tôi vừa mới hứa với mẹ, thì bà đột ngột biến đi cũng giống như lúc bà xuất hiện vậy.
“Mak ơi, mẹ hãy trở lại…” tôi khóc nức nở, cố tìm kiếm bà.
*
Mở mắt, tôi thức giấc trong bóng tối. Mình đang ở đâu? Tôi tự hỏi. Tôi quay đầu, âm thanh lạo xạo của cỏ khô dưới lưng làm tôi nhớ lại dần. Rồi nhớ ra, tôi đang ở trong lều, không phải ở nhà tại Phnom Penh với Map hay với Mak. Mak là thật. Mẹ đã nói chuyện với tôi. Mẹ ơi, có phải mẹ trở lại để nói với con điều mẹ không thể nói trước khi mất? Mẹ ơi, xin mẹ nói lại với con một lần nữa. Con đang đợi mẹ.
Nhưng mẹ không trở lại, thay vào đó, một giọng nói chắc nịch đánh thức tôi dậy.
“Dậy đi. Đến giờ làm việc rồi”, tiếng đập vào váhd lều kêu lách cách.
Cái bóng quen thuộc của đồng chí Thore Meta, trưởng đoàn của tôi thò vào lều. Khi tôi bò ra khỏi lều thì bà ta đã biến mất. Bây giờ mới là sáng sớm, trời còn chập choạng. Lại bắt đầu một ngày chạy đuổi theo chim trên ruộng lúa, tôi mệt nhọc nghĩ. Ít nhất thì ở đây cũng không có bọn chỉ điểm rình mò chúng tôi. Tôi có cả một ngày của mình cùng với những đứa trẻ khác.
Thore Meta, một neradey, tức một cán bộ Khmer Đỏ xuất thân từ vùng tây nam Cambodia, không giống như các trưởng đoàn của tôi trước đây. Cô ta chưa từng bao giờ la mắng tôi khi thức dậy đi làm việc chậm. Cô khoan dung và hiểu biết. Có lẽ cô chỉ mới ngoài hai mươi, với khuôn mặt điềm đạm và đôi gò má tròn trĩnh. Mắt cô đậm và to. Mặt cô trắng, tương phản với bộ đồng phục đen mới, sáng hơn của nhiều phụ nữ neradey khác. Mái tóc đen xoăn tự nhiên ôm lấy tai và gò má. Cô thấp người, vì thế cổ cũng vậy. Cô trông như không có cổ, như thể đầu mọc từ vai ra vậy. Mặc dù không đẹp, tính tình dễ thương của cô khiến cho người ta rất dễ gần gũi.
Nhiều tháng nay, người ta thì thào về những vụ giết chóc khủng khiếp xảy ra ngay sau khi vị neradey đến Daakpo và những làng khác quanh tỉnh Battambang (ở phía tây của Cambodia). Mục đích của họ là nắm lấy quyền ở đây và thanh trừng các lãnh đạo của Khmer Đỏ địa phương. Mặc dù Angka cấm dân chúng nói về chuyện này, nhưng tiếng xì xào về các mệnh lệnh hành quyết những người lãnh đạo này vẫn lan truyền như mùi nồng nặc của chuột chết. Việc giết chóc này làm tôi nhớ đến câu nói của người Cambodia "Domrei gnob khom yok Chongey tao kroob", có nghĩa là "lấy thúng che voi chết".
Theo người ta nói, "voi" ở đây chính là Ta Val, người lãnh đạo Khmer Đỏ cao nhất, coi sóc việc xây dựng các con kênh thủy lợi và các đập ở phía tây của Cambodia. Ông ta cùng nhiều người khác bị bắt, bỏ vào trong bị rồi cho xe máy kéo cán lên. Theo người neradey cáo buộc, tội của ông ta là xây một con đập về hướng Thái Lan để ông ta và những người đồng mưu có thể theo đó mà tẩu thoát. Chấn động vì tin này, tôi tự hỏi tại sao Ta Val và những người kia lại muốn chạy trốn. Họ sợ điều gì? Những giây phút cuối cùng đối với họ hẳn là khủng khiếp lắm, khi tiếng ùng ục của bánh xe máy kéo tiến lại gần, làm rung chuyển mặt đất rồi nghiền nát họ. Người ta bảo rằng neradey là một người dễ sợ, nhưng tôi cám ơn Trời vì Thore Meta không giống cách miêu tả đó.
*
Nhiều ruộng lúa đã chín vàng. Hạt lúa nặng chúc đầu xuống thân. Phụ nữ được gởi đến đây để lo việc gặt và xay lúa. Lều của họ mọc lên cạnh chíếc cầu gỗ như nấm mọc sau cơn mưa phùn. Nơi xay lúa nằm cách lều tôi khoảng nửa dặm. Phía sau đó, phụ nữ lo việc xẩy trấu khỏi gạo vừa xay xong. Tay họ ôm nghiêng thúng gạo, tay trước tay sau. Ngón tay thì xoè ra trên mép thúng, để vỏ trấu rơi ra, tách khỏi những hạt gạo trắng.
Bên trong lều, những phụ nữ khác thì lo xảy trấu trên một chiếc chiếu rộng. Họ chăm chỉ huơ chiếc nia theo một vòng tròn đều đặn và những hạt gạo lọt xuống những lỗ nhỏ trên nia. Trước xuất ăn chiều tôi rất đói, vì thế tôi đứng nấn ná trước lối vào lều. Thấy không có ai la rầy, tôi nhích dần lại các đống gạo rồi lấy tay bốc vài hạt bỏ vào miệng. Mấy đứa bé khác cũng làm theo, vừa liếc nhìn những người phụ nữ kia. Thấy vậy mấy người đàn bà nọ đưa mắt nhìn cảnh cáo trong khi tay vẫn bận rộn làm việc.
"Nếu cứ làm thế chúng mày sẽ bị tiêu chảy đấy", một người phụ nữ chịu trách nhiệm ở nơi này đưa ra lời cảnh cáo, mọi người gọi bà là đồng chí Murn. Bà độ năm mươi ngoài, người thấp khoẻ với làn da sậm, tóc đen nháy, bên ngoài phủ chiếc khăn vải cũ kỹ.
Tôi nhẹ nhõm vì bà cảnh cáo hàm ý chăm sóc, chứ không la mắng hay đánh đập gì. Tiêu chảy là chuyện sau, còn bây giờ tôi đang đói. Tôi nhai nát mấy hạt gạo, chất bột tạo ra vị ngọt, thơm trong miệng. Lợi dụng sự rộng rãi của đồng chí Murn, chúng tôi còn lùa gạo vào túi áo hay vào bất cứ cái gì chúng tôi có, ngay cả trong tay.
Thời tiết càng ngày càng nóng hơn, lúa càng chín nhanh hơn. Từng bao gạo chất đầy sát vách quanh lều. Mấy người phụ nữ bây giờ bận tíu tít, họ toát mồ hôi vì lo xay, xàng xẩy, rồi đổ vào bao tải. Đột nhiên một người gạt thúng thóc đang rây sang một bên "Ôi chao, tôi không còn chịu nổi nữa, tôi đến đái trong xà rông mất!" Bà bước lảo đảo do chân tê vì ngồi quá lâu.
"Có ai cấm chị đi tiểu đâu" đồng chí Murn vừa nói vừa cười. Mắt sáng, thái dương nhớp nháp vì mồ hôi và bụi, trong khi hai tay bà vẫn mạnh mẽ rây gạo. Những người khác đưa mắt nhìn bà, miệng thoáng cười.
Tôi đưa mắt nhìn cái thúng đặt cạnh chồng gạo và chỗ mới để trống cạnh người phụ nữ. Hăng lên, tôi nhảy vào chỗ đó, trút chỗ gạo còn dính trấu vào mủng, rồi cầm mủng lên rây. Tiếng rây gạo chung quanh ngừng lại. Âm thanh duy nhất tôi nghe thấy là tiếng rây gạo của tôi. Tôi cảm thấy lo trong lòng. Không biết bà Murn có la mình không.
"Nhìn con bé kìa! Nhỏ thế mà đã biết rây gạo như người lớn" đồng chí Murn nói với vẻ ngạc nhiên. "Thế mà nó không phải là một đứa trẻ ở nông thôn đâu nhé".
Koon la-au (đứa trẻ ngoan) là tiếng mà đồng chí Murn gọi tôi. Bà hỏi tôi học nghề này từ ai. Tôi nhìn bà rồi nhìn mọi người. Do quan sát mẹ tôi làm mà tôi học được, tôi giải thích.
Sau khi Pa bị hành hình ở Year Piar, tôi quan sát cách sống ở nông thôn để có gì còn giúp đỡ Mak. Tôi quan sát cách bà xử lý lúa từ giai đoạn đầu đến giai đoạn cuối. Một ngày nọ tôi nghĩ mình đã sẵn sàng áp dụng những gì mình học được. Tôi nghĩ mình có thể làm mọi việc được nên tôi bảo Mak tôi muốn giúp bà và mẹ đồng ý. Nhưng khi rây gạo, tôi mới thấy thật khó. Gạo trong mủng không chuỷên động tròn như khi mẹ rây. Mẹ nói đó là do cái mủng lớn hơn tôi nên tôi phải tập nhiều lần. Tôi toát mồ hôi khi phải vật lộn với số lượng gạo và cái mủng to quá khổ.
Mẹ cười "Koon, quay mủng chứ không quay koot (đít). Nhìn con kìa, mặt mày đỏ bừng, gân nổi phồng lên rồi kìa. Cứ như đang đi vào nhà xí ấy". Bà đưa tay đỡ cái mủng cho tôi nhưng tôi không chịu. Tôi đưa tay đẩy nhẹ tay bà ra và tiếp tục tập rây gạo. Mak cười khi thấy tôi vụng về. Nghe tiếng cười của Mak thật nhẹ cả người.
Bây giờ đồng chí Murn cũng cười, đưa mắt nhìn tôi, các người khác cũng vậy. Tôi ngạc nhiên thấy mình thành trung tâm của sự chú ý. Tôi cảm thấy có một mối dây gắn kết với những người này. Và đột nhiên tôi thấy họ như là gia đình của tôi, một gia đình thay thế.
Tôi đã để dành gạo trong túi và một ít cá muối trong một hộp thiếc, đem giấu trong lều cho Map và chị Chea ở Daakpo. Chị Chea đã ở lại Daakpo để chăm sóc Map, đó là điều chị Ra cho tôi biết khi chúng tôi ở trại lao động gần khu 3. Chị Ry vẫn còn ở lại bệnh viện còn anh Than đã được phái đi xa, chi Ra cũng không nhớ được là ở đâu. Đôi khi tôi ước ao được chạy về Daakpo để mang thức ăn cho họ. Cứ tưởng tượng họ sẽ mừng biết mấy.
Tôi sẽ nói với chị Chea "Chea ơi, chạy đuổi chim khỏi ruộng lúa cũng không nặng nhọc gì lắm. Ngay cả chị cũng muốn làm việc này. Nó không giống như việc đào đất xây đập thuỷ lợi đâu".
Nghe vậy hẳn chị Chea rất vui, tôi nghĩ, như một bà mẹ hãnh diện vì đứa con của mình.
*
Mùa gặt đã đến tốc độ nhanh nhất. Đàn ông từ các làng khác sẽ đến đây,lời đồng chí Murn nói với tôi, để lấy gạo đem về cho làng họ. Có lẽ một người nào đó ở làng Daakpo sẽ mang giùm gạo tôi đã để dành cho gia đình, bà gợi ý, không biết làm sao bà biết được tôi đã để dành gạo sẵn cho Map và chị Chea.
Vài ngày sau một đoàn xe bò kéo đến đây vừa lúc tôi làm xong công việc trong ngày. Ở cánh đồng bên cạnh là những con bò gầy trơ xương đang nhai cuống rạ khô trước mặt chúng như thể lương thực của chúng cũng bị phân phối. Thân thể của chúng chỉ còn da bọc xương, xương hông của chúng nhô ra giống như mắt chúng vậy.
Tôi lặng lẽ bước đến gần mấy chiếc xe bò. Tôi quỳ xuống, chui đầu bên dưới xe, nơi các người đàn ông đang mệt nhoài nằm nghỉ. Họ ngủ say sưa, tay gác lên trán để che ánh mặt trời. Nhưng riêng một chiếc xe có một người đàn ông già đang đứng tháo dây buộc ra khỏi xe. Trông ông quen quen.
"Xin lỗi bác, có phải bác ở Daakpo không ạ?" Tôi hỏi nho nhỏ. Người đàn ông quay lại nhìn tôi, trán nhíu lại như muốn hỏi cháu là ai.
Rồi ông ngừng tay và trả lời "Đúng vậy".
"Bác có phải là Ta Barang không?" Trí nhớ của tôi bắt đầu hoạt động. "Trước đây có phải bác làm việc trong một nhà máy đường ở gần Daakpo, có phải không ạ?"
"Làm sao mà cháu biết tên bác?" Ông hỏi.
"Bác có nhớ Chea không? Cháu là em gái của chị ấy đó" Tôi trả lời một cách sung sướng.
Tôi kể cho ông một năm trước đây, ông rất tử tế với chị Chea và tôi. Ở xưởng đường gần Daakpo, nơi đây đường từ cây cọ được sản xuất cung cấp cho cả làng. Ông thường để cho chúng tôi vớt thứ bọt trắng nổi lên bên trên mép chiếc nồi lớn và nặng, trong đó nước đường từ cây cọ được nấu cho đến khi keo lại thành một chất đặc màu nâu sẫm. "Đôi khi bác còn cho chị Chea mang đường về. Lần khác bác còn để cho chị ấy nhúng rễ cây ngọc giá vào nước đường cho đến khi rễ cây chín và được bọc một lớp đường. Chị Chea nói bác là người tốt nhất ở làng đó".
Ta Barang liếc mắt nhìn phía sau "Vào thời buổi này," ông ta nói "khi ta tốt với người khác, ta sẽ bị trừng phạt. Họ mang bác đi cải tạo và thay thế bác là một người khác tốt cho Angka. Cháu ơi, bây giờ đất nước chúng ta đã thay đổi nhiều quá, thật khó mà hiểu được". Ông thở dài nhưng đồng ý mang gạo và cá muối của tôi về cho Map và chị Chea.
Một tháng nữa, sau khi hầu hết lúa đã được gặt xong, đoàn của chúng tôi được gởi lại về Daakpo. Người ta bảo chúng tôi về ở với gia đình cho đến khi họ lại cần đến chúng tôi. Sau một cuộc đi bộ dài, cuối cùng tôi thóang nhìn thấy lều của mình. Rồi đột nhiên thấy hai người da bọc xương chạy đến, như từ trong lều bắn ra vậy! Đó là Map và chị Chea! Chị Chea dấn lên trước, trông chị gầy khẳng khiu, với Map phía sau, bụng ỏng ra, dấu hiệu của sự đói kém. Như những người già yếu, chị Chea và Map bước đi chân cứng đơ như những cây gậy. Chị Chea gắng nở nụ cười để che giấu sự đau đớn. Chị dang hai tay ôm lấy tôi.
"Em về làng hồi nào?" Chị hỏi. Giọng chị là sự pha trộn giữa sự phấn khích và đau buồn, chị nói mà nước mắt ứa ra. Trong khi đó Map đưa mắt nhìn tôi một cách hăm hở, tuy nhiên mặt nó lộ vẻ mệt nhọc.
"Em vừa mới về tức thì, chị ạ. Ê, chào Map". Tôi gọi nó, vói tay chạm vào đầu nó. Trải qua biết bao ngày nghĩ về họ, tôi thật sung sướng được trở về cùng với họ. Nhưng sự phấn khích của tôi không kéo dài được lâu. Khuôn mặt khô kiệt của chị Chea và Map làm tôi bàng hoàng. Tôi đã quên rằng đời sống của họ bấy lâu nay rất khác với đời sống của tôi.
Ở khoảng trống nơi lều trong buổi tối mát mẻ, chị Chea, Map và tôi ngồi đối diện với nhau. Map ngồi sát vào chị như một đứa trẻ muốn được mẹ nó ôm vào vòng tay. Khuôn mặt trũng hõm, nhiệt thành của chị Chea diễn tả tình mẫu tử đó thật. Tôi hỏi chị một loạt câu hỏi, nôn nả muốn biết khẩu phần ăn ở Daakpo có tốt hơn khi mùa màng năm nay thật tốt.
"Chẳng thay đổi gì hết" giọng chị thật sầu thảm. "Tụi chị vẫn chỉ ăn có cháo gạo, mà còn không đủ nữa. Chỉ toàn là nước. Hàng ngày điều chị mong ước chỉ là một ngày nào đó được ăn cơm. Chỉ một ngày thôi. Khi bang (chị) hỏi người điều hành là tại sao tụi chị không có được nhiều gạo hơn, ông ta trả lời phần lớn gạo được gởi cho những người ngoài mặt trận, những người xây dựng padewat".
Nước mắt đẫm mặt chị "Athy ơi, cuộc sống thật là khó khăn. Mùa này cũng y hệt như mùa trước. Chị từng cầu nguyện cho mùa gặt sắp đến để tụi chị có nhiều gạo hơn. Nhưng rồi mùa gặt qua, khẩu phần vẫn vậy, vẫn ít ỏi như thế. Athy ơi, nếu đời sống cứ khủng khiếp như thế này, bang chỉ muốn chết cho xong. Chị…" Chea đưa tay lên chùi nước mắt. " Chị chỉ muốn nhắm mắt lại và chết. Nếu chị sống, đời sống cũng chẳng có nghĩa gì cả. Chẳng có chút ý nghĩa nào ngoại trừ sống chỉ để trông có ngày được nhiều gạo hơn một chút, chỉ có thế".
Nước mắt chị tuôn như mưa. Mắt tôi cũng cay xè, Map thì nhìn chị qua chính nước mắt của nó, rồi nó đưa tay vói lấy chị. Thật hết sức đau lòng khi thấy chị khổ não. Nỗi đau khổ của chị bao gồm của cả Map. Gương mặt bốn tuổi trầm uất của nó trông như đầy vết thương. Giữa tất cả những điều đó, tôi bỗng dưng nhớ đến điều tôi muốn hỏi về số gạo và cá khô tôi gởi về, lời hứa của tôi với Mak.
Ý nghĩ đó vụt sáng trong trí tôi "Chị Chea, Ta Barang có mang gạo và cá em gởi cho chị và Map không? Ong ta có đem tới cho chị không?"
Chị nhìn tôi rồi nhìn Map như thể chị cố tìm ra lời thích hợp. Rồi chị trả lời một cách điềm tĩnh "Ông ta có mang cá thôi, một miếng cá nhỏ".
"Bao nhiêu?" Tôi nhíu mày "Em đã gởi cả một bao gạo to như thế này này, và cả một hộp cá muối, đầy lên đến tận mép như thế này này" Tôi dùng tay diễn tả.
"Athy ơi, ông ấy đã xin lỗi là đã dùng hết số gạo đó và ăn gần hết cá" Chị Chea giải thích "Ông ấy đói quá và không cầm lòng được".
"Không! Đó không phải là đồ ăn dành cho ông ta, chị Chea!" tôi gào lên, không muốn tin điều chị vừa nói "Em để dành cho Map, cho chị. Em đã hứa với mẹ. Mẹ đã về gặp em. Trong giấc mơ. Mẹ van em…Ông Ta Barang, ta aarrak (lão già xấu xa)!" Đầu tôi nhức lên, ngực tôi nghẹn lại bởi cơn đau. Tôi cảm thấy mình bị phản bội.
Chị Chea ôm chặt lấy tôi "Athy, em đừng nên nói như vậy, p yoon srey" chị thì thào vào tai tôi "Ông ta đói, ông ta cũng chỉ là người mà thôi. Nếu em là ông ta, em cũng sẽ làm như vậy".
"Nhưng đó không phải là đồ dành cho ông ta, không phải cho ông ta, chị Chea ơi…"