Tháng bảy năm 1980, bây giờ chúng tôi đang ở trong một trại tị nạn mới. Trại Sakeo II nhỏ hơn trại Khao I Dang, nhưng sạch sẽ và đẹp hơn. Lều không có cửa, được cất thành một nhóm bốn lều, quay mặt vào nhau với một không gian rộng phía trước, được gọi là lều bốn (quad). Dọc theo con đường đất là hàng dãy các lều bốn như vậy, làm bằng gỗ ván dày màu xám, sàn cũng bằng gỗ. Cũng nằm trên con đường đi xuyên qua trại này là một toà nhà gỗ hai tầng rất rộng có tên là "Trung tâm Y tế công cộng" và ở phía bên kia là các lều bốn nơi người ta có thể gởi thư, đơn từ đến các lãnh sự quán Hoa Kỳ, Úc, Pháp, Canada để yêu cầu xin nhập cư.
Là một gia đình bảy người, chúng tôi chia xẻ khu lều bốn với một gia đình khác. Cũng như ở Khao I Dang, chúng tôi nhận khẩu phần nước và thức ăn hàng ngày. Khẩu phần thức ăn ở đây khá hơn ở trại trước nhiều. Dù vậy, vẫn không đủ cho tất cả chúng tôi.
Người tị nạn ở đây cũng không khác gì mấy so với những người tôi thấy ở Khao I Dang. Họ cũng mặc quần áo hoa với xà rông hay quần. TG không thấy ai mặc đồng phục đen giống như của Khmer Đỏ, vì thế tôi không có cảm giác sợ như trước lúc tới đây.
Tôi đi dạo trên con đường chính dẫn đến chợ, lại gần doanh trại của lính Thái. Đột nhiên nghe một bài hát tiếng Thái phát ra từ loa phóng thanh. Trước mặt tôi,một số lính Thái đứng thẳng, súng hạ thấp, đáy súng chạm trên mặt đất. Một số người tị nạn Cambodia chú ý và dừng lại. Tôi cũng làm theo.
Khi bài hát đang tiếp tục, một ông già lướt sát người tôi, vượt qua tôi, mắt nhìn xuống đất. Ông cứ tiếp tục đi dọc tới phía trước. Vừa khi đó bài hát chấm dứt, một trong mấy người lính lao tới phía ông già, đưa súng lên và nện vào lưng ông. Ông ngã úp mặt xuống đất, quằn quại. Khi ông loạng choạng đứng lên, người lính chửi thẳng vào mặt ông bằng tiếng Thái. Rồi sau đó người lính lôi ông ta vào đồn gác, khuất sau cánh cửa kim loại. Ông già bối rối, sợ hãi. Những người tị nạn Cambodia hoảng hồn, đứng chôn chân trên đường, bất lực.
Về sau đồn lính này trở thành một ni người ta thường nghe thấy từ trong đó vang lên tiếng người kêu thét vì đau đ n. Một ngày nọ người ta nghe thấy tiếng một người đàn ông kêu gào vì thống khổ. Đột nhiên có một người đàn ông cao lớn có mái tóc màu nâu nhảy qua hàng rào vào và nhanh chóng bấm máy ảnh. Lính Thái liền ùa tới, lùa ông ta vào một góc. Họ giật máy ảnh, tháo cuộn phim ra, rồi ném trả máy ảnh vào giữa ngực ông ta. Người nhiếp ảnh viên đành bước lui ra trong khi bọn lính chửi rủa ông ta bằng tiếng Thái.
Vài tuần sau, tôi chứng kiến một vụ tra tấn hành hạ người trong gia đình tôi. Có một người bạn chạy tìm chị Ry và tôi, bảo rằng anh Vantha đánh anh Than, sau đó anh Than xách rìu rượt anh Vantha.
Chúng tôi chạy theo đường chính, dáo dác tìm anh Than. Nhưng trước mặt chúng tôi lại là anh Vantha, đang nhởn nhơ đi dạo. Gặp anh, chị Ry hỏi chuyện gì đã xảy ra, anh nói "Tao có đấm thằng Than mấy cái, thế là nó xách rìu rượt tao, thế là tao nói bạn tao bảo lính bắt nó. Bây giờ bọn lính đang nện nó. Đi tới giúp nó đi".
Đến trại lính, chúng tôi nhòm qua cánh cửa sắt, và tự hỏi họ giam anh Than ở đâu. Chị Ry và tôi lay cửa, khóc lóc. Một người lính cho chúng tôi vào, và tôi thấy nằm trên mặt đất là anh Than. Mặt anh sưng vù, đầy máu và đất. Người anh lăn tròn khi bọn lính đá liên hồi vào anh và nện anh bằng báng súng.
Chị Ry gào lên, và tôi kêu thét mỗi khi họ đánh vào anh Than. Chúng tôi ép bàn tay vào nhau, van lay xin họ ngừng, nhưng họ vẫn tiếp tục đánh, rồi họ đổ nước vào người anh, khi anh cất tiếng rên thì họ lại đánh.
"Xin ngừng tra tấn anh trai tôi. Xin ngừng lại!" tôi gào le^nó, chạy lại gần bọn lính. "Anh ấy chỉ là một đứa bé thôi mà. Xin ngừng đánh anh tôi…."
Tất cả mấy người lính khác đứng nhìn, trong đó có một người mặc thường phục. Họ vẫn tiếp tục nhìn khi chị Ry và tôi van xin họ tha. Nắm tay chị Ry đập xuống đất như thể sự đau đớn mà họ xuống người anh Than là quá lớn không thể chịu đựng nổi. Quay mình khỏi cảnh anh Than bị đánh đập, tôi khẩn nài người lính lớn tuổi nhất, đang ngồi trên ghế, để ông bảo ngừng cuộc đánh đấm này lại. Ông ta nhìn đi chỗ khác, nét mặt lạnh lùng. Rồi cuối cùng thì họ cũng thôi đánh và chúng tôi mang anh về nhà.
Chị Ry, anh Than, Map và tôi dời qua lều cô Eng với chồng cô cùng hai đứa con gái. Chúng tôi ngủ trong lều, còn cô và gia đình ngủ ở phía trước. Savorng thì ở lại với chị Ra và Vantha. Chị Ra không nói gì nhiều về chuyện này. Có vẻ như anh Vantha đã một lần nữa thành công trong việc thuyết phục chị rằng chuyện đánh nhau đó không phải là lỗi của anh mà là lỗi của anh Than. Có lẽ chị quá theo chồng, hay chị đã chịu chấp nhận vai trò của một người vợ phục tùng chồng. Dù gì đi nữa, việc chị mất khả năng giải quyết một tình huống như vậy, cùng với sự ngỗ ngược của Vantha và thái độ thô lỗ của anh đôi với chúng tôi, đã khiến gia đình chúng tôi tách ra xa nhau. Chúng tôi hiếm khi gặp chị Ra và Savorng nữa.
*
Có một vài lớp Anh văn tư được mở. Tôi theo học tất cả các lớp đó, nhưng rời lớp ngay sau khi giáo viên nhắc học sinh mang tiền theo để đóng học phí.
Sau đó khó khăn của tôi được giải quyết. Có một trường công tên là Sras Sang được mở ra ngay trong trại. Trường nằm trong khoảng đất rộng, trống nơi vùng phụ cận của trại Sakeo II, gần rừng. Dựng trên cột với cầu thang và chỗ trống rộng, trường này có năm lớp học từ lớp sáu đến lớp chín. Tiếng Anh được dạy cùng với môn toán, ngữ văn Cambodia và thể dục.
Đã sáu năm rồi kể từ khi tôi theo học một trường chính thức. Bây giờ ở tuổi 15, tôi đăng ký vào lớp bảy, cao hơn hai lớp so với lúc tôi còn ở Phnom Penh. Hôm nay, trong lớp, tôi nhẩm đếm số học viên, có lẽ chừng năm mươi người cả thảy. chúng tôi ngồi trên sàn vẫn còn thơm mùi gỗ mới. Con trai ngồi một phía, con gái một phía. Tôi ngồi với bọn con gái, gấp chân ngồi gần cửa vào lớp với tập, bút, bút chì ở trước mặt.
Cũng như tôi, anh Than, bây giờ đã 17, đã phục hồi sau khi bị bọn lính đánh đập, cũng ghi tên vào lớp bảy, nhưng học khác lớp với tôi, giáo viên cũng khác. Còn chị Ry thì theo lớp tám – chín, nằm ở dưới nhà. Sau đó chị định theo học khóa giảng dạy – chị nói vậy. Mục tiêu của chị là trở thành giáo viên, dạy trẻ em tiếng Cambodia.
*
Chị Ra đã sinh ra một bé gái ngày 30 tháng chín, 1980, sớm hơn một tuần. Một buổi chiều chị và Savorng mang đứa bé tên là Syla, đến lều chúng tôi. Khi chị Ry, anh Than và tôi đi học về, họ đang ngồi trước lều nơi chúng tôi nấu ăn. Cùng ngồi ở đó là Map, cô Eng và hai cô con gái của cô.
Syla nhỏ, da sậm với mái tóc dày. Mắt nó nhắm nghiền, miệng mút chíp chíp, tay nắm lại thành nắm đấm. Savorng ru Syla, nó ngủ yên lành. Chúng tôi nhìn đứa bé, nói chuyện, hỏi han về nó, chứ không nói chuyện gì khác nhiều.
*
Ngày đó người ta háo hức đi học giống như bị đói vậy. Mỗi đêm tôi đều mong mau sáng để được trở lại trường. Sau khi ở lớp về, tôi chăm chỉ học toán và Anh ngữ. Vừa về đến lều là tôi lo chuyện trường, xem lại chỗ ghi chép và những gì sẽ được dạy vào ngày hôm sau.
Một ngày kia thầy giáo của tôi, mà tôi gọi là Lok Kruu (Lok nghĩa là ngài, còn Kruu nghĩa là "thầy"), trả lại tôi bài tập toán. Biết rằng mình làm bài này rất đúng, tôi hăm hở nhận lại bài tập. Nhận bài, tôi thấy có dâu đỏ chỉ số điểm là mười chín trên hai mươi. Tôi kiểm tra lại thấy mình trả lời đúng nhưng điểm ghi sai.
Tôi trình bày với Lok Kruu, và thầy đã sửa lại điểm cho tôi. Tôi rất mừng, tôi vừa mỉm cười vừa quay lại chỗ ngồi. Tôi đưa bài tôi cho một bạn học ngồi sau lưng tôi xem. Con bé nói tôi thật giỏi khi làm mọi câu đều đúng cả. Nó có làm sai vài điểm. Nó hỏi tôi nó mượn bài tập. Tôi nghe có tiếng cười khúc khích sau lưng. Sida đưa trả lại tôi bài làm, rồi đi lên chỗ Lok Kruu với bài làm của nó trong tay. Nó quay trở về, có vẻ tự mãn, bảo tôi "Thy này, tao cũng được thêm điểm đấy. Hai mươi trên hai mươi đó".
Giật mình, tôi không nói được tiếng nào. Làm sao mà nó có thể hãnh diện vì gian lận, chép lại câu trả lời của tôi để được thêm điểm! Nhưng rồi tôi còn khiếp hơn nữa. Hai đứa con gái ngồi sau tôi, cả vài đứa con trai nữa, cũng đi lên chỗ Lok Kruu sau khi Sida đưa bài của mình cho họ xem.
Mặt của Lok Kruu đỏ bừng lên vì giận khi cả mấy đứa đều kéo lên chỗ thầy khiếu nại vì điểm chấm sai. Thầy bảo chúng trở về chỗ ngồi, rồi ông lao ra khỏi phòng. Khi ông trở lại lớp, ông không nói gì, ngồi vào bàn giấy, dằn cơn giận lại.
Tiếng bước chân rầm rầm nơi hành lang. Rồi ông hiệu trưởng, chừng khoảng ngoài bốn mươi, xuất hiện. Tôi muốn đứng dậy và nói cho ông rõ chuyện xảy ra. Tôi muốn chỉ Sida và những người đã "cóp" các câu trả lời trong bài của tôi.
Vừa bước vào lớp học, ông hiệu trưởng hỏi ngay "Ai khởi xướng cái trò gian lận này? Ai làm đầu tiên?" Ông chống nạnh vào hông.
Tôi đứng dậy giải thích "Em".
"Em?" ông hiệu trưởng phủ đầu tôi, ngón tay chỉ liên tiếp vào mặt tôi "Tại sao em khởi xướng việc gian lận? Em là loại học sinh nào vậy, lại là con gái nữa? Đồ…"
Choáng váng, tôi nhìn vào ông ta, đứng chôn chân trên sàn nhà. Mặt tôi đỏ bừng.
Từ khi còn là một đứa con gái nhỏ, tôi đã được dạy bảo phải kính trọng người lớn, nhưng giờ đây làm sao tôi kính trọng người đàn ông này được? Tôi từng bị Khmer Đỏ áp bức, tước đoạt tự do của tôi, nhưng không ai có quyền đối xử với tôi theo kiểu này! Tôi nhìn lại ông ta trong khi ông tiếp tục nổi đoá.
Tôi chống tay vào hông, giống hệt như cách ông đứng, tôi bảo ông "Nếu thầy không biết sự thật, thì đừng vội buộc tội tôi xúi giục gian lận. Nếu ông ngu ngốc, đừng làm như ông đã biết hết mọi chuyện". Lời nói tuôn ra khỏi miệng tôi, những lời mà tôi không thể nào tưởng tượng mình dùng khi nói với một người lớn. Tay tôi giơ lnó, ngón trỏ của tôi cũng chỉ ngược lại phía ông "Ông là người lớn thì hãy xử sự cho ra người lớn. Nếu không, không ai kính trọng ông, dù ông có là hiệu trưởng đi nữa".
Ông ta rủa lên một tiếng, chỉ tôi và gọi tôi là đứa con gái mất dậy. Cố trấn tĩnh, tôi bảo ông xử sự cho đàng hoàng và lắng nghe ông nói như một người lớn bảo ban một đứa trẻ động kinh cố tỉnh táo lại. Lok Kruu chạy đến bên ông hiệu trưởng, nói một cách vững chắc "Học sinh này không hề xúi giục việc gian lận".
Ông hiệu trưởng giật mình lùi lại, mắt ông tìm mắt Lok Kruu, như thể ông ta cố gắng hiểu điều Lok Kruu vừa nói với mình. Đột nhiên tôi cảm thấy như mình ở trong một hành lang của sự yên lặng. Ông hiệu trưởng đi ra cũng vội vàng như khi ông vào.
*
Trên bức tường của nhà bưu điện, tôi đọc tin tức và thông báo về những gia đình bị mất tích. Có thể một số bà con đã thất lạc từ lâu đang tìm kiếm chúng tôi. Sau đó tôi dò danh sách tên của những người có thư từ thân nhân. Tôi thấy ngay tên của tôi trong đó.
Tôi bèn mở ra, thư viết "Gởi cháu Thy, ông đã tới Khao I Dang và đang ở với cha của bạn cháu là Sonith tại chùa. Các cô của cháu, Chin và Leng cùng gia đình của họ vẫn còn ở Phnom Penh. Sau này họ cũng sẽ đến Khao I Dang…Còn về phía bên gia đình của mẹ cháu, thì các dì và cậu cháu cùng gia đình của họ cũng hiện đang sống tại Phnom Penh…"
Tôi không thể tin rằng ông lại tìm ra tôi sau bao nhiêu thời gian kể từ khi ông, cô Chin, cô Leng cùng với gia đình rời chúng tôi ở làng trước khi đến Kerkpongro. Cách đây cả năm rồi. Bây giờ chúng tôi lại tái hợp qua một lá thư.
Vài tuần sau, tôi lại nhận được một lá thư từ Khao I Dang. Kèm theo thư là một bức ảnh cô Chin và con cô, cô Leng chụp với người chồng thứ hai, cũng có cả người anh họ Navy, đó là người sống sót duy nhất trong gia đình bảy người của cô. Mọi người trên được mang đến Khao I Dang an toàn. Tôi cảm tạ trời đất. Chỉ vài năm sau chúng tôi có thể cùng nhau cười về những nỗi nguy hiểm trong cuộc hành trình của họ. Vì biết rằng đến Khao I Dang nguy hiểm như thế nào, họ bèn giấu nữ trang gồm vàng và ngọc vào hậu môn. Nhưng rồi khi kiệt sức vì cuộc hành trình dài và nhọc mệt, không ai còn nhớ gì về kho báu của mình nữa. Chồng cô Leng, trên đường đến New Camp, phải đi đại tiện sau một bụi cây, và đó chính là nơi ông để lại mấy viên ngọc giấu kín! Chuyện tương tự như vậy cũng xảy ra với người con gái của cô Chin.
Những câu chuyện khác thì hoàn toàn không vui. Những vụ giết người man rợ ở Year Piar cuối cùng đã đi giáp vòng. Những thân nhân còn sống sót của những người bị Khmer Đỏ hành hình liền trở lại phục thù sau khi được giải phóng. Trên cánh đồng ấy, họ bắt giữ những người trước đây có dính dáng vào việc hành quyết gia đình họ. Tại đây, bằng dao, họ hành quyết những người kia, chặt ra từng khúc.
Như vậy, những năm tháng hung bạo đã được đáp lại theo cùng một cánh tay, tuy nhiên, tôi chẳng thoả mãn chút nào khi biết những điều này. Tôi rất buồn khi thấy rằng những người còn lại đã sống sót trong chế độ Khmer Đỏ nay cũng giảm xuống ngang cấp độ của Khmer Đỏ. Việc báo thù rửa hận như vậy chẳng thay đổi được gì, tôi nghĩ. VÀ tôi mừng rằng mình đã không phải chứng kiến việc trả thù đó.
Nghĩ mình gặp điều không may ở trường Sras Srang kể từ khi xảy ra vụ với ông hiệu trưởng, tôi quyết định thôi học ở đây. Bây giờ tôi đã có kinh nghiệm mới về việc hoạch định tương lai. Chị Ry và tôi đăng ký theo học một chương trình huấn luyện giáo viên thể dục. Có một đỉêm tiện lợi là tôi vừa có thể học tiếng Anh, và như chị Ry gợi ý, tôi sẽ sang Mỹ và sẽ có cơ hội để học nhiều thứ. Theo học chương trình này, chúng tôi sẽ được lãnh lương tháng là 150 baht. Chúng tôi được huấn luyện làm giáo viên, và được trả lương.
Chị Ry bảo tôi phải nói với người chiêu sinh rằng tôi 19 tuổi, vì phải ít nhất 18 tuổi mới được đăng ký. Chị bảo họ sẽ tin vì tôi cao hơn nhiều cô gái Cambodia tuổi 18. Tại Cục Giáo dục Thể chất và giải trí, một số đàn bà con gái, chừng tuổi hai mươi, đã đến ghi danh để làm huấn luyện viên thể dục. Ngồi trên cái bàn giống như ghế dài, chúng tôi đọc về luật lệ của môn bóng chuyền, được miêu tả trong bốn trang giấy phát cho học viên. Sau khi đọc nghiên cứu trong hai buổi sáng, chúng tôi bắt đầu thực sự huấn luyện bóng chuyền, và người phụ trách Cục báo là chúng tôi sẽ nhận được đồng phục, điều này khiến chúng tôi cười tươi như hoa. Chúng tôi nôn nóng đợi được phát áo.
Nhưng môn này lúc đầu khó khủng khiếp. Càng tập, chúng tôi mới càng khá hơn. Tôi rất yêu môn bóng chuyền và trở thành một trong những tay chơi giỏi nhất. Các trận đấu tập của bóng chuyền nữ này không những chỉ thu hút người tị nạn Cambodia mà còn cả người ngoại quốc và một số lính Thái mang súng đến xem nữa. Có lần sau một trận đấu, Rey – một trong những cầu thủ không chơi ván cuối này – đã bấm tôi, nói rằng cô chú ý thấy bọn lính Thái chăm chú nhìn tôi, nói thầm với nhau ra vẻ thích tôi lắm. Tôi quay lại nhìn họ, họ vẫn đứng đó, gần sân bóng chuyền và nhìn về phía chúng tôi. Một cơn sợ hãi phủ lên người tôi. Tôi bồn chồn, lo âu, nhớ lại những câu chuyện phụ nữ Cambodia tị nạn bị cưỡng hiếp ở Thái Lan.
Hai trong ba người lính lại đến sân bóng chuyền. Một trong mấy cô gái nói họ có vẻ "mết" tôi lắm, nhưng tôi không sợ bởi có đám đông chung quanh, và tôi thường ra về một lần với mọi người khi tập xong.
Một chiều thứ ba, khi tôi một mình đi qua bưu điện về lều, tôi nghe thấy bước chân vội theo đàng sau. Một tiếng nói đột ngột cất lên "Sawatdee khup (xin chào)".
Tôi quay lại, giật mình. Cái nhìn của người lính gặp tôi. Anh ta đúng là một trong số những người lính chăm chú nhìn tôi ở các buổi tập! Anh ta mang súng trên vai. Nhận ra người này, tôi ba chân bốn cẳng ù té chạy về lều.
Khi về đến lều, bên trong không có ai ngoại trừ Om Soy. Tôi bình tĩnh kể cho bà nghe chuyện xảy ra. Om Soy nhắc tôi phải cẩn thận.
Đã được hai tháng kể từ khi tôi tham gia lớp bóng chuyền. Tôi đã tìm được ý nghĩa mới của cuộc sống trong trại tị nạn, nơi tôi vẫn có thể tự làm cho mình vui mặc dù tôi phải gắn chặt vào trại này, bị ngăn chặn về mặt thể chất với thế giới bên ngoài. Ở sân bóng chuyền, tôi thấy tự do, sung mãn. Có tự do, tôi thấy phơi phới, thích tranh đua và vui nhộn. Đời sống đã dần dần trở lại bình thường, và bây giờ lại có điều này – sợ hãi những người lính!
Một chiều muộn khác, khi tôi đang nói chuyện với Om Soy lúc bà đang nâu ăn ngoài sân, đột nhiên mắt bà lộ vẻ chú ý khi bà nhìn phía sau lưng tôi. Bối rối tôi quay lại và thấy người lính bấy lâu nay đi theo tôi – hiện giờ anh ta đứng ngay bên phải tôi. Mắt anh ta nhìn thẳng vào mắt tôi. Tim đập mạnh, tôi nhảy vọt vào trong lều sợ hãi, trong khi Om Soy nói chuyện với anh ta bằng tiếng Thái.
"Athy ơi, Athy ơi," giọng khàn khàn của Om Soy gọi. "Ra đây đi, ra nào. Anh ta đi rồi".
sau đó Om Soy giải thích "Người lính đó muốn lấy cháu. Anh ta đã yêu cháu ngay từ lần đầu tiên trông thấy cháu. Nhưng cô bảo anh ta rằng cháu đã có chồng chưa cưới ở bên Mỹ đang đợi cháu sang để làm đám cưới. Nào cháu đã có ai đâu, cô chỉ phịa ra thế để anh ta để yên cho cháu. Trông có vẻ buồn, anh ta chào cô rồi đi".
Mới tuổi 15, tôi ở trong tâm trạng không nghĩ tới, thậm chí khước từ cái chuyện lấy chồng, nhất là với một người lính Thái kể từ khi tôi chứng kiến sự hung bạo của họ đối với người tị nạn, trong đó có anh Than. Nhưng trong thâm sâu, tôi thấy tội cho anh ta vì đã yêu tôi. Tôi chẳng những không thể đáp trả lại lòng anh ta mà còn cảm thấy sợ hãi nữa. Tôi lo lắng vô cùng.
Sau đó tôi viết một lá thư cho chú Seng và Om Soy bảo tôi giục chú cố đưa gia đình tôi ra khỏi trại này sớm chừng nào hay chừng đó. Có vẻ như bà đọc được ý nghĩ của tôi.
Tôi xé một tờ giấy trong cuốn tập và bắt đầu viết:
"Kính thưa chú,
Các anh, chị cháu và cháu đã ở trong trại tị nạn một thời gian dài. Hiện tụi cháu đang ở trại Sakeo II một thời gian rồi. Trước đây cháu cứ tưởng sống trong trại tị nạn này an toàn hơn sống dưới chế độ Pol Pot, nhưng sự thật là ở đây cũng không được an toàn. Cháu đã nghe kể về việc lính Thái cưỡng hiếp các cô gái Cambodia đi kiếm củi trong rừng. Còn bây giờ cháu cũng gặp vài vấn đề rắc rối. Một người línhThái đã đeo đuổi cháu. Ngày hôm nay anh ta đến tận lều của cháu. Cháu sợ lắm, chú ơi. Xin chú bảo lãnh cho tụi cháu đi khỏi đây sớm. Tụi cháu chẳng còn cha mẹ, xin chú giúp tụi cháu. Tụi cháu chỉ có thể nhờ cậy vào chú vì chú bây giờ là người duy nhất mà tụi cháu có thể xin giúp đỡ. Xin chú hãy đưa tụi cháu ra khỏi Thái Lan ngay.
Cháu của chú
Chanrithy Him"
Vào chiều ngày 27 tháng Giêng 1981, tất cả các học viên tại Cục Giáo dục thể thao và Giải trí tụ tập để làm lễ tốt nghiệp cho chúng tôi trước chừng hai trăm khách đến dự. Nơi chỗ trống của Cục, dưới mái che, bàn ghế đã được sắp đặt ngay ngắn. Ở góc xa bên kia văn phòng chính, có một sân khấu nhỏ để đầy trống, đàn ghi ta, micro…
Nhưng cái thật hấp dẫn là các cô gái đều trong rất đẹp. Chị Ry mặc chiếc áo dài tay trắng với chiếc váy màu lục đậm. Bạn tôi, Arom, cũng mặc chiếc áo tay dài màu lục nhạt trên chiếc váy xanh sậm. Chị của nó là Anny mặc chiếc áo màu vàng rất đẹp có nơ phủ phía trước. Còn tôi mặc một chiếc áo nhung ngắn tay có màu đỏ sáng với chiếc váy có bốn hàng màu kế tiếp nhau – xanh tươi, lục nhạt, cam nhạt và đỏ tươi.
Một bữa ăn đặc biệt được dọn ra và bàn ghế được sắp xếp lại để chừa chỗ khiêu vũ. Ban nhạc chơi một bản nhạc tôi đã nghe lâu rồi từ hồi còn ở Phnom Penh. Tôi thấy ấm lòng nhưng bản nhạc cũng làm tôi thấy nhớ nhà da diết. Nhưng cảm xúc của tôi thay đổi liền. Tôi xúc động thấy nhiều người đứng dậy nhảy một điệu dân gian Cambodia. Đàn ông vỗ tay và đặt tay dưới cằm – họ mời phụ nữ khiêu vũ. Tôi đã trải qua một buổi tối tuyệt vời, một cuộc vui lớn nhất tôi có kể từ khi sống dưới chế độ Khmer Đỏ.
Vài ngày sau khi tốt nghiệp, tôi chiêu mộ trẻ em lại và dạy chúng chơi bóng chuyền. Các cậu và các cô nhỏ rất thích chơi môn bóng này. Chúng cười vang, cười rúc rích, rất sung sướng. Chơi với chúng thấy mình hăng hái hơn. Nhưng tôi nghe sẽ có buổi khai mạc Trung Tâm Y tế công cộng. Từ khi ở Khao I Dang, tôi đã hy vọng được làm thông dịch y tế. Có một người bạn bảo tôi rằng trung tâm đang tìm người tình nguyện để giúp giáo dục những người tị nạn hiểu về bệnh lao và các biện pháp phòng ngừa. Nó nói, nếu tôi thích, chỉ cần có mặt lúc tám giờ sáng ở trước cửa trung tâm. Tôi liền bảo rằng tôi sẽ tới đó.
Sáng đó một chiếc xe đón những người ở trung tâm lên, rồi thả nhiều nhóm khác nhau ở các nhánh khác nhau của trại. Đi từ lều này sang lều khác, tôi làm việc cùng hai người đàn ông Cambodia và Janice – một y tá người Mỹ tình nguyện. Trách nhiệm chính của tôi là nói cho những gia đình biết về triệu chứng của TB (bệnh lao) và các biện pháp phòng ngừa. Khi Janice tiêm chủng TB cho các em bé, tôi vuốt má chúng, hy vọng làm chúng quên đi mũi kim đang chích vào da.
Công việc này rất quan trọng đối với tôi. Nhưng nó không kéo lâu vì gia đình chúng tôi phải chuyển đến trại Mairut. Một phần của thủ tục nhập cư vào Mỹ bao gồm việc đi qua các trại quá cảnh. Gia đình của cô Eng đã được chuyển đến một trại khác. Chưa chi tôi đã bắt đầu thấy nhớ các bạn của mình ở đây.
*
Chiếc xe buýt chở chúng tôi dừng lại sau một chiếc xe buýt khác giữa một vùng quang cảnh xanh ngắt nơi những cây cỏ cao kều và những cây dừa đứng bệ vệ, lắc lư theo ngọn gió nhẹ. Thế ra đây là Mairut, tôi nghĩ, thật đẹp. Không khí có mùi khang khác. Tươi mát, như chúng tôi đang ở một vùng gần nước. Chúng tôi được đưa tới một trại có lều rộng gần gấp hai lần rưỡi các lều ở Sakeo II. Chúng giống như lều ở Sakeo II, lều ở đây được dựng quay mặt vào nhau theo từng nhóm bốn lều. Trước lều là một khoảng không gian rộng trồng hoa theo hình vuông nhỏ. Chỗ chúng tôi được cấp là một gian giữa, rộng, có cả bóng đèn huỳnh quang dài. Điện! Chỗ ở đây thật tốt!
Thật khó khăn khi phải sống lại cùng với chị Ra, anh Vantha, Savorng và bé Syla. Chúng tôi không hề nói chuyện với anh Vantha kể từ khi bọn lính Thái đánh đập anh Than. Bây giờ lại phải cùng chia xẻ một không gian sống, thật bất tiện khi chỉ nói chuyện với chị Ra, Savorng hay chơi với bé Syla. Khi có mặt anh Vantha, mỗi người chúng tôi, chị Ry, anh Than, tôi, cứ làm như người kia không hề hiện diện.
Trên vùng ngoại vi của trại Mairut, chị Ry và tôi cùng đi thám hiểm với Arom và Anny, hai người này cũng được chuyển đến đây. Khi chúng tôi gặp một tháp canh, tôi bèn leo lên đó. Từ chỗ này, nhìn qua các cành cây, tôi thấy cả một vùng nước xanh biếc với những đợt sóng gợn lăn tăn ở phía xa. Lên đến đỉnh tháp, tôi thấy có vài người đang nhìn ra xa. Tôi vội nhìn theo hướng họ nhìn. Tôi không tin vào mắt mình nữa. Một đại dương! Đây là vịnh Thái Lan. Cả một vùng nước xanh mênh mông, dọc theo đó là hàng dừa. Tôi gọi lớn để chị Ry, Arom và Anny cùng leo lên. Đây là lần đầu tiên tôi thấy đại dương. Tôi tạ ơn Trời là mình còn sống sót.
Sau đó chúng tôi ra biển. Bãi biển đầy người. Có người nằm dưới bóng dừa, những người khác, như anh Than và tôi, lội xuống biển và chơi té nước vào người nhau.
*
Nhiều người, có lẽ đến cả trăm, tụ tập tại các văn phòng thuê người tị nạn để làm các công việc có trả lương khác nhau, như là thông dịch viên hoặc giáo viên. Hai ngày đầu tôi không gặp may. Ít nhất thì tôi cũng tìm được một trường công mở các lớp dạy Anh ngữ. Lớp học d.ng bằng cột tre, mái rơm. Trong lớp có bảy chiếc bàn trông như ghế dài, một dãy bên trái, một dãy bên phải. Con gái ngồi bên trái, bọn con trai chọn phía bên tay phải gần bàn thầy giáo tiếng Anh, cũng là một người tị nạn. Chúng tôi học ngữ pháp và tập đối thoại.
Nhưng đến tháng Năm, 1981, gia đình chúng tôi lại được chuyển đến một trại khác sau khi ở Mairut được hai tháng. Đây là một đoạn đường dài từ Mairut đến Pananikom Holding Center. Cổng trại mở ra khi xe của chúng tôi đến gần. Trời nóng và ẩm. Map và Savorng khát nước, chúng nhăn nhó. Còn bé Syla thì khóc nhặng xị cả lên.
Với bảy gia đình khác, chúng tôi được dẫn qua những dãy lều như ở Sakeo II. Chúng tôi bước qua chiếc cổng thép gai bao quanh khu lều trống. Đất ở chính giữa bị xói mòn và đầy bùn. Đây là nơi để chuyển bớt số dân tị nạn. Người ta cho chúng tôi biết không còn chỗ nào khác cho chúng tôi ngoài những căn lều này, nơi trước đây lính Thái dùng để nhốt người tị nạn Việt Nam.
Chúng tôi ở đây hai tuần trước khi được chuyển đến một trại khác gọi là Lompini. Mọi người đều đã đi ra cái chợ dã chiến. Chị Ry và anh Than cũng dẫn Map và Savorng đi chợ và giục tôi cùng đi. Nhưng tôi không muốn đi.
Để giữ cho mình có việc làm, tôi ngồi học ôn tiếng Anh, tôi xem lại các cuốn tập, ôn lại ngữ pháp. Cho đến khi mệt vì phải nhớ các thì khác nhau, tôi bèn đọc cuốn Essential English Book I, trí óc tôi nhất thời chìm vào các cuộc đối thoại của các nhân vật trong sách.
Ở đây tôi được an toàn, nhưng sự buồn chán đè nặng lên tôi. Tuần lễ đầu tiên, khi mọi người ra chợ chơi, tôi cảm thấy mình lẻ loi, và có cảm tưởng như mình là một tên tù. Đến tuần thứ hai, chị Ry và anh Than mang về cho tôi mấy cuộn băng bài hát Cambodia mà chúng tôi thường nghe thời còn ở Phnom Penh.
Ngày nào tôi cũng nghe những bài hát này. Những bài ca trữ tình được hát bởi các siêu sao mới đây là Sinsee Samuth và Ros Sarey Sothea vang khắp lều trại. Tôi nhớ mình rất thích ngắm các vũ công cổ điển Cambodia trình diễn ở Phnom Penh lúc Pa dẫn chúng tôi đi xem, và tôi rất muốn học những vũ điệu này. Tôi nhớ lại niềm say mê của Pa đối với vũ điệu cổ điển.
Vì Pa, một ngày kia tôi sẽ trình diễn những vũ điệu ấy. TG sẽ múa thật đep trong tiếng chuông trống xập xình. Giống như người vũ công tôi xem ở Phnom Penh, tôi sẽ nhẹ nhàng bước tới một bước, ngón tay cong cong quét qua không khí khi tôi bước lại gần khán giả. Khi tôi múa xong, người ta sẽ vỗ tay ầm vang, và tôi sẽ hãnh diện vì tôi đã biểu diễn tốt đẹp – vì Pa.
Chúng tôi lại chuyển tiếp đến một trại khác vào ngày 8 tháng Sáu năm 1981. Một viên chức người Thái dẫn chúng tôi qua một con hẻm tráng xi măng, qua các dãy nhà và dây phơi áo quần. Chúng tôi sẽ ở trong một nơi giống nhà để xe, nền và tường nhà mốc meo. Một cơn gió mát thoảng qua, mang lại mùi nước tiểu gay gắt, như thể quanh chúng tôi toàn là nhà vệ sinh.
Nằm dài trên miếng vải nhựa trải trên nền xi măng, tôi đợi chị Ry và anh Than mang phần thức ăn về. Khi họ trở lại, họ giải thích rằng những người Thái phân phối thức ăn phải kiểm tra hình của chúng tôi chụp theo nhóm, được nhân viên di trú ở trại Sakeo II thực hiện, đối chiếu với tài liệu của họ. Sau đó họ còn nhìn vào mặt chị Ry và anh Than để xác định cho chắc chắn. Ai đến mà không mang theo hình chụp đều bị từ chối phân phát thức ăn.
Map, tôi và Savorng ngồi quanh một chiếc nồi nhỏ đựng canh, và một tô cơm. Anh Than xới cơm vào đĩa, chị Ry thì múc canh vào chén. Bỗng chị Ry buông cái nồi canh xuống và la lên "Có sâu trong nồi canh đó!" , chị lùi lại. Anh Than bước nhanh tới, múc sâu trong nồi canh vứt đi. Tôi biết chúng tôi còn ăn uống tệ hơn thế nữa trước đây, nhưng đó là dưới thời Khmer Đỏ.
May mắn thay, sau khi ở đây một tuần, chúng tôi trải qua kỳ khám sức khoẻ, chúng tôi được phép rời khỏi Thái Lan, đi đến một trại chuyển tiếp khác ở Philippines.