Đang lau tủ, bà Hai bỗng hỏi:
- Ngày mai cậu Trác về, phải không cô Tư?
Buông viết xuống, bà Thuỷ gật đầu:
- Đúng vậy. Lần này cậu ây mời bạn bè đông lắm. Tôi và dì lại cực nữa rồi.
Bà Hai dễ dãi:
- Cực nhưng vui. Phải để cậu ấy nghỉ ngơi vui vẻ với bạn bè, chớ quanh năm suốt tháng cứ làm việc quần quật như vậy tội quá. Cậu chủ cần có vợ để đỡ đần quán xuyết mọi việc trong nhà.
Chống tay dưới cằm, giọng bà Thuỷ dài ra:
- Quán xuyến đỡ đần, chắc khó à. Tôi thấy những cô quen với cậu Trác, chả cô nào ra hồn. Toàn một lũ thích làm bà, nhưng lười làm việc. Thậm chí còn sợ cái trang trại này nữa. Bởi vậy, họ cứ rủ cậu chủ về thành phố hoài.
Giọng bà Hai vô tư:
- Con gái xứ này không ai xứng với cậu ấy hết. Cậu ấy phải tìm chỗ khác chớ sao nữa.
Thiên Di im lặng nghe hai bà bàn về ông chủ. Hầu như những lời này, ngày nào Di cũng nghe. Nếu không về tình duyên của ông chủ, thì cũng so sánh ông với những người khác. Trong mắt của dì Thuỷ, cậu chủ Khuất Duy Trác là một người hùng, một thần tượng thì phải. Suốt ngày cứ nghe hai bà lẩm cẩm lo lắng, thắc mắc, bàn tán về người mình chưa biết mặt mãi. Thiên Di phát chán. Từ tò mò về ông chủ, Di lại mang thêm vào lòng chút ganh tỵ vu vơ của con gái. Cô nôn nao muốn gặp ông ta va cũng ngại ngùng khi nghĩ tới lúc gặp.
Nhiều lúc Thiên Di tự trấn an mình. Chuyện có gì phải lo lắng? Người xin việc nào không phải giáp mặt để ông chủ phỏng vấn cơ chứ. Riêng cô đã được nhận vào làm, đã lãnh lương rồi, sao cư suy nghĩ lung tung mãi thế này? Tốt hơn hết nên tập trung cho công việc sắp tới, nếu không thì nên dành thời gian để đọc sách. Ngôi nhà vắng người này rất nhiều sách. Trong phòng đọc sách, Di thấy rất nhiều gói sách còn để nguyên trong bịch, chứng tỏ người mua sách vì thói quen hay vì một lý do nào đó, chứ không phải để đọc chúng.
Thiên Di nhìn bà Thuỷ, giọng ngập ngừng:
- Con ra chợ gởi thư nha dì?
Bà Thuỷ gạt ngang:
- Thôi. Con ở nhà đi. Ngày mai cậu Trác về rồi. Lỡ có chuyện gì mất công lắm.
Thiên Di ngạc nhiên:
- Dì muốn nói có chuyện gì chớ?
Bà Thuỷ chặc lưỡi:
- Dì lo xa vậy mà. Con phụ dì dọn dẹp, sửa sang nhà cửa cho tươm tất được không?
Định nói đó không phải phần việc của mình, nhưng Di kịp mím môi lại khi thấy gương mặt đăm chiêu của dì Thuỷ.
Gấp cuốn sổ ghi mọi chi phí linh tinh trong trại lại, bà càu nhàu:
- Thế nào lần này cậu Trác cũng đưa Phi Phụng về. Nghe nói cô ta kiêu căng, phách lối lắm. Tôi không muốn nhà này bị coi thường. Phải sửa sang lại tất cả cho thật sang trọng.
Bà Hai nheo nheo con mắt kèm nhèm:
- Nhưng mình dọn dẹp kịp không?
Giong bà Thuỷ chắc nịch:
- Phải xong, phải kịp, cho dù thức suốt đêm nay. Dì đi gọi vợ chồng con Lang, với năm sáu người nừa cho tôi.
Bà Hai ngơ ngác:
- Gọi ngay bây giờ à?
- Ờ. Ngay bây giờ.
Thiên Di đứng sớ rớ bên bà Thuỷ:
- Con sẽ làm gì đây?
Bà Thuỷ khoát tay:
- Ra vườn chơi cho dì lên kế hoạch, chừng nào nghe dì gọi thì vào.
Thiên Di lủi thủi ra vườn. Cô có cảm giác cậu chủ Trác là một ông vua mà dưới trướng đầy đủ bá quan văn võ, lính tráng phuc dịch. Ngày mai, vua đem mỹ nữ về cung thì bữa nay nữ tể tướng phải điều động bá quan lo việc tiếp rước.
Dì Thuỷ đúng là tể tướng đầy quyền hành trong ngôi nhà này. Dì ấy dưới một người, nhưng trên biết bao nhiêu người. Trước đây Di không khi nào nghĩ đì mình oai như vậy. Cô cứ tưởng dì Thuỷ chỉ giúp việc nhà như những người giúp việc ở thành phố không thôi, chớ cô đâu ngờ dì là quản lý kiêm kế toán trưởng, kiêm thủ quỹ của trang trại này. Di có cảm giác dì Thuỷ sống vì công việc. Khổ nỗi áp lực công việc quá nặng đối với dì. Bởi vậy, đôi lúc dì Thuỷ vừa nóng nảy vừa cộc cằn như đàn ông. Chắc dì ấy không biết yêu là gì đâu nhỉ?
Gạt thắc mắc vớ vẩn ấy qua một bên, Thiên Di đưa mắt nhìn quanh. Khu vườn rộng thênh thang không được chăm sóc nên cỏ mọc che hết họa Dọc đừơng đi, những nụ cúc trắng duyên dáng, Pensé yếu đuối đủ màu ẩn trong cỏ, trông đẹp nhưng buồn làm sao. Nếu khu vườn được sửa sang, hẳn là ngôi biệt thự sẽ được tôn lên rất nhiều. Thiên Di nhận ra, dường như chủ nhân của nó cố tình cẩu thả để ngôi nhà của mình trở nên hoang phế, đìu hiu. Tự nhiên Di lại liên tưởng đến những đống sách ngổn ngang, nhện giăng bụi bám trong phòng.
Dì Thuỷ từng nói với Di là cậu chủ nhà này tánh tình lập dị. Chẳng hiểu những điều cô cảm nhận có phải là một trong những cái lập dị của cậu ta không.
Vạch cỏ, Di tìm hái những nụ pensé, những nhánh mõm chó tím bó thành một bó. Một lát, cô sẽ mang về phòng, cắm trong ly nước, đặt trên bàn cho đẹp. Cô là người yêu hoa, mà xứ sở này thì hoa đâu có thiếu. Rồi trong sân trường, cô sẽ trồng thật nhiều hoa, thật nhiều hoa cho bù lại lúc còn ở Sài Gòn.
Đang miên man suy nghĩ, Di nghe bà Thuỷ gọi. Cô bước vào nhà, mỉm cười với Lang rồi nghe bà Thuỷ phân công.
Đúng là dì Thuỷ muốn thay đổi tất cả trong nhà. Nào là thay toàn bộ màn cửa, tấm trải bàn, quét màng nhện, rửa cửa sổ, cửa cái, cắt cỏ, tỉa cây.... Ôi! đúng là trăm công nghìn việc, ấy là chưa kể sửa soạn từng phòng trên lầu cho cậu chủ tiếp đón khách quý.
Ai cũng đã có việc và đã tản đi làm, duy chỉ còn mình Thiên Di. Cô thắc mắc:
- Con sẽ làm gì đây?
Giọng bà Thuỷ ngập ngừng:
- Con dọn phòng sách. Lau sạch kệ rồi cho tất cả những sách còn trong bịch vào. Nhớ làm cho cẩn thận, đừng làm hư, rách sách. Vì cậu Trác quý chúng lắm.
Thiên Di buột miệng:
- Nhưng ông ta có đọc chúng đâu mà quý.
Bà Thuỷ nạt:
- Con nít giỏi lắm chuyện. Người khôn ngoan phải biết giữ miệng. Là con gái, ít nói chừng nào tốt chừng ấy. Hiểu chưa?
Thiên Di gật đầu, cô không muốn bị nẹt oan uổng vì chuyện đâu đâu. Dì Thuỷ rất nguyên tắc. Lúc này đang làm việc, Di thuộc cấp dưới, đừng ngốc nghếch cãi bướng sẽ nghe mắng đấy. Nhân công trong trại này răm rắp nghe lời dì Thuỷ, họ sợ dì và đương nhiên cũng ghét dì.
Cầm bó hoa vào phòng sách, Di thấy trên chiếc bàn đầy bụi có một cái bình pha lê màu trắng. Di lấy hoa cho vô bình rồi nghiêng đầu ngắm. Như thế này, trông có phải có sinh khí hơn không?
Mở hết các cửa sổ xung quanh và kéo màn ra, Di thích thú nhìn nắng tràn vào phòng. Ở đây sách nhiều quá. Chỉ tiếc rằng nó không được nâng niu trong tay người đọc mà bị xếp xó với bụi thời gian.
Cầm chỗi lông gà, Di nhẹ nhàng quét. Cô lẩm bẩm đọc tên những tựa sách và thấy toàn bộ là sách văn học.
Quét cái kệ trống thật sạch. Di khệ nệ ôm những gói sách còn trong bao đến. Đang loay hoay cắt dây, lấy chúng ra, xếp lên kệ, Di chợt giật thót cả người khi nghe tiếng quát khá to:
- Cô làm gì vậy?
Thiên Di hồn vía lên mây khi thấy người đàn ông cao lớn, xăm xăm bước lại giật mạnh những quyển sách trên tay cô. Ông ta hầm hừ:
- Ai khiến cô vào đây lục lọi, phá phách hả? Cút ra mau!
Thiên Di tức đến xanh mặt. Nhìn thẳng vào đôi mắt đang long lên của người mà cô đoán là cậu chủ Trác, Di gằn từng tiếng:
- Tôi được dì Thuỷ nhờ vào đây dọn dẹp cho ngăn nắp sạch sẽ để ông chủ đón bạn về chơi, chớ không tự ý tới lục lọi phá phách như ông vừa bảo.
Dứt lời, cô đi như chạy về phòng riêng của mình. Trời không nóng, nhưng mồ hôi cô vã ra như tắm. Lần đầu tiên đối diện với đời, cô đã bị sỉ nhục như vậy. Thật quá đáng. Thiên Di giận dữ đấm tay vào gối và nghe bên ngoài giọng Trác vang lên gay gắt, cáu kỉnh:
- Mọi người định biến nơi này thành nhà hàng hay khách sạn đây? Dẹp lại như cũ, tháo ba cái màn ren rua diêm dúa ấy xuống và tái hiện lại mọi cái y như cũ cho tôi.
Bà Thuỷ ngập ngừng:
- Nhưng màn cũ, tôi cho đi giặt cả rồi.
Trác bực dọc:
- Chị Thuỷ à! Ai bảo chị vậy? Chị thừa biết tôi ghét tất cả mọi sự phô trương mà.
Bà Thuỷ nhẹ nhàng:
- Đây là lich sự, là tươm tất, là tộn trọng bạn bè, chớ không phải là sự phô trương. Chúng tôi đều muốn tốt cho cậu.
- Cám ơn. Nhưng tôi không cần và không thích. Nhất là chuyện lục lọi phá tung những nề nếp trong phòng sách của tôi. Hừ! Không phải ai cũng tùy tiện vào đó được đâu.
- Tôi hiểu, thưa cậu. Thế ý cậu muốn sắp xếp thế nào khi khách tới vào ngày mai?
Trác dửng dưng:
- Không có khách nào tới hết. Chị để mọi người trở về công việc cũ của họ đi.
- Vâng, thưa cậu.
Thiên Di bỗng thấy giận dì Thuỷ. Chính dì bảo cô dọn phòng sách, vậy mà vừa rồi dì không hề nói một câu cho cô. Trái lại, dì còn im lặng, xem như việc ông ta giáng tội cho cô tùy tiện vào phòng sách là đúng. Làm công cho người cao ngạo, quyền hành như vậy chắc khó dài lâu. Không hiểu sao dì Thuỷ và các công nhân ở đây lại ca ngợi ông chủ trại Thùy Dương đến thế.
Đang thắc mắc, Di lại nghe giọng Trác:
- Chuyện trường lớp tới đâu rồi chị Thuỷ?
- Dạ. Coi như đã chuẩn bị xong, chỉ chờ cậu về để khai giảng. Cậu định bao giờ đây?
Trác nhấn mạnh:
- Tuần sau. Thứ hai tuần sau. Mọi thứ phải chuẩn bị chu đáo. Sách, vở, bút phát miễn phí cho bọn trẻ. Chị bảo với cô giáo có khó khăn gì cứ gặp trực tiếp tôi.
Thiên Di bỉu môi khi nghe như thế. Cô sực nhớ tới bó hoa dại cô còn để trong phòng sách. Hoa ở đây nhiều vô số kể, nhưng nếu những cánh hoa của cô bị bàn tay thô bạo của lão chủ ném vèo qua cửa sổ thì tội lắm. Dù xót thương những đoá hoa cách mấy, Di cũng không dám trở vào phòng sách mang chúng ra. Với cô, càng tránh gặp lão chủ chừng nào càng tốt chừng ấy.
Thiên Di lắng tai nghe. Bên ngoài hình như sóng gió đã lặng. "Vùng tâm bão" đã di chuyển chỗ khác. Di ngọ nguậy không thôi trên giường, cô cảm thấy tù túng, ngột ngạt nếu phải tiếp tục ở lại trong căn phòng nhỏ hẹp này.
Hôm nay trời rất đẹp, nếu không được ra ngoài lang thang thì thật uổng.
Áp tai vào cánh cửa, Di ngần ngừ rồi bước ra. Trong bếp có mỗi dì Thuỷ và bà Hai.
Hai người đàn bà lại nói về ông chủ. Giọng bà Hai rầm rì như than:
- Thấy cậu Trác về bất ngờ là tôi biết ngay có chuyện không ổn rồi, nhưng còn chuyện gì thì phải hỏi thằng Thi tài xế mới biết được.
Bà Thuỷ vẫn còn ấm ức:
- Thay đổi ý cũng không thèm điện cho hay. May là chưa làm gà, mổ lợn. Thấy điệu bộ của cậu ấy mà phát tức.
Bà Hai móm mém cười:
- Tức, sao cô không phản đối cậu ấy? Bây giờ than với tôi có ích lợi gì.
Bà Thuỷ vênh mặt lên:
- Tôi sợ gì cậu Trác, nhưng cãi lại lúc cậu ấy đang bực bội là không phải cách. Tự động cậu Trác sẽ thấy cái sai của mình. Lúc ấy, tôi khuyên lơn vài ba câu là đủ rồi.
Bà Hai chép miệng:
- Chẳng hiểu cậu chủ đụng chuyện gì mà về nhà quát ầm ĩ như vậy. Chỉ tội nghiệp Thiên Di, mới đến vài ngày đã bị mắng oan.
Bà Thuỷ thở dài:
- Đã bao nhiêu năm rồi mà cậu Trác vẫn còn xem đống sách cũ ấy như bảo vật.
Đợi bà Hai đi khuất, bà Thuỷ nói:
- Cậu Trác bảo thứ hai tuần sau khai giảng. Con thấy được không?
Thiên Di nhếch môi:
- Lệnh chủ truyền rồi, con nói không được sao à dì hỏi?
Bà Thuỷ sa sầm mặt:
- Dẹp cái giọng trả treo ấy đi. Chính con nói đang rất nóng lòng được dạy mà.
Thiên Di làm thinh. Khi quyết định đến chỗ dì Thuỷ xin việc, mẹ đã dặn đi dặn lại cô phải ráng dẹp cái nết bướng. Cô đã hứa với mẹ rất ngọt, bây giờ quên rồi sao?
Cô nhỏ nhẹ:
- Xin lỗi dì. Nhưng thú thật là cách quát tháo của ổng làm con khó chịu quá.
Bà Thúy bênh:
- Cậu Trác có khuyết điểm là rất nóng nảy. Nhưng đàn ông, hết chín mươi phần trăm là nóng tính rồi.
Thiên Di lơ lửng:
- Nóng tính chưa hẳn là khuyết điểm, nhưng sử dụng tính nóng của mình để làm trời làm đất thì... thì....
- Thì thế nào hả?
Giọng đàn ông cáu bẳn vang lên khiến Di giật mình. Quay lại, cô thấy cậu chủ Trác đứng ngay ngưỡng cửa bếp, một tay chống nạnh, một tay cầm tách cà phê, mắt nhìn cô như toé lửa.
Trong lúc Di còn đang bối rối, Trác lại cao giọng:
- Sao? Nói đi chớ cô giáo.
Thiên Di mím môi nói đại:
- Thì khó khiến người khác tôn trọng mình.
Cô vừa dứt lời đã nghe bà Thuỷ rên rỉ:
- Trời ơi! Con nói bậy bạ gì vậy Di? Mau xin lỗi cậu chủ ngay.
Thiên Di hếch mũi lên:
- Con đâu muốn, tại ông ấy ra lệnh mà.
Trác khoát tay:
- Cứ để cô ấy nói tiếp:
Uống một ngụm cà phê, Trác nói:
- Ý cô trách tôi quát cô trong phòng sách phải không? Quát là đúng thôi. Chỗ đó là cõi riêng của tôi. Tôi không muốn ai vào phá phách, vì tôi rất quý sách.
Thiên Di nhấn mạnh:
- Ông quý những kỷ niệm thuộc về sách thì đúng hơn. Người quý sách, không ai xếp xó và để bụi phủ, móc meo như ông.
Mặt Trác đỏ bừng:
- Cô chỉ trích tôi à?
Thiên Di quệt giọt mồ hôi rịn ra trên trán:
- Tôi chỉ nói điều đang nghĩ trong lòng. Đây chẳng phải là phát hiện mới, tại không ai dám nói với ông thôi.
Trác vung tay:
- Tôi đâu phải nhà độc tài hay tên bạo chúa. Sao lại không ai dám nói chớ?
Thiên Di mai mỉa:
- Vấn đề đó ông rõ hơn tôi.
Dằn tách cà phê xuống bàn, Trác hừ lên khô khốc:
- Cô trở về phòng của mình được rồi đấy.
Thiên Di đứng lên:
- Tôi không phải con nít để bị nhốt vào phòng khi lỡ chọc người lớn giận.
Dứt lời, Thiên Di đi một mạch ra vườn, tai cô nghe giọng dì Thuỷ phân bua, xin lỗi Trác.
Ngồi phịch xuống bậc tam cấp bằng đá, Thiên Di nhớ lại những lời đã nói và thấy lo lắng. Vừa rồi cô thật quá đáng. Sao cô lại không biết nhún nhường kìa? Hỗn hào kiểu này, ông ta đuổi thẳng thì chỉ còn nước cuốn gói trở về khóc với mẹ. Nhưng chẳng lẽ bây giờ trở vào xin lỗi? Đúng ra, Di đâu có lỗi gì. Tại ông ta sỉ nhục cô trước chớ bộ.
Thiên Di rầu rĩ thở dài khi thấy dì Thuỷ hầm hầm bước tới:
- Mày không phân biệt chủ tớ thì cũng phải biết cao thấp, nhỏ lớn chớ. Tao thật không ngờ mày lại bướng một cách ngu ngốc như vậy. Mau vào xin lỗi cậu ấy, nếu còn coi tao là dì mày.
Di liếm môi:
- Bộ dì nghĩ ông ta sẽ chấp nhận lời xin lỗi của con vào lúc này sao? Người tự cao như thế không dễ tha thứ đâu.
- Biết nghĩ vậy, sao còn kiếm chuyện? Ổng cho mày nghỉ việc thì ráng chịu.
Thiên Di tự tin:
- Ở đây đang cần giáo viên. Ông ta không làm thế đâu.
Bà Thuỷ sùng lên:
- Mày đừng chủ quan. Tao sẽ đề nghị cậu Trác đuổi cổ mày đấy con tiểu yêu.
Thiên Di giận dỗi:
- Nếu dì làm thế thì còn gì để nói nữa. Con biết con tới đây đã làm phiền dì. Khi viết thư, dì chỉ toàn nói tốt về ông chủ của mình, về những người sống ở đây. Nhưng sự thật thì sao? Ông ta là người thô lỗ, mới gặp con, chưa hỏi han gì đã quát nạt, đuổi xua. Người tốt mà như vậy sao? Lỡ nhận tiền lương rồi, con sẽ nghĩ khi dạy xong một tháng, chớ không đợi bị đuổi đâu. Dì nói lại với cậu Trác, để cậu ấy lo tìm cô giáo khác.
Bà Thuỷ khoanh tay trước ngực:
- Hừm! Mày thật quá đáng! Rồi tao sẽ bảo cậu Trác tìm người khác. Lúc đó đừng năn nỉ nhé.
Thiên Di nhìn dì Thuỷ ngoe ngoẩy bỏ đi và tiếp tục thở dài. Cô lại sai nữa rồi. Hôm nay là ngày gì mà mở miệng là thất bại vậy kìa.
Buồn bã, Di lững thững bước ra khỏi cổng. Cô rẽ vào một đường mòn nhỏ dẫn lên đồi, nơi có một con suối trong vắt lúc nào cũng róc rách, róc rách. Ngồi dựa lưng vào gốc thông già bên suối, Di đắm mình vào những dằn vặt riêng tư.
Mới hơn một tuần mà Di tưởng đâu đã xa nhà lâu lắm rồi. Cô nhớ mẹ, nhớ mọi thứ ở thành phố. Giờ này, mẹ đang làm gì? Chắc đang còng lưng ngồi đan len gia công. Vái Trời cho mẹ đừng sơ ý đan lỗi để phải tháo bất cứ mảnh áo nào. Còn ba nữa? Mất xe rồi, chắc ông đang lè nhè bên chai rượu, chớ không ra khỏi nhà đâu.
Phải chi ba đừng nghiện rượu thì hoàn cảnh gia đình cô đâu phải thiếu trước hụt sau như vầy. Lẽ ra giờ này cô đang ngồi trong giảng đường, vô tư làm cô sinh viên chớ đâu phải lo đối đầu với cuộc sống thế này.
Nhưng mơ tưởng làm chi những cái không thay đổi được ấy. Mỗi người đều có một số phận mà dù xấu tốt thế nào cũng phải sống quyết liệt để đánh đổi số phận mình.
Di lại cười buồn. Từ Sài Gòn xách ba lô ngược lên miền rừng núi này để làm cô giáo vùng cao. Cô nhắm mình sẽ sống quyết liệt ra sao để đánh đổi số phận đây? Cô có thể lao động như nhân công ở đây à? Nếu không, cô sẽ làm được gì, nếu có tiền mua một mảnh đất để lập một trang trại như trang trại Thùy Dương này?
Đúng là ảo tưởng. Đang tự mai mỉa bản thân, Di bỗng nghe có tiếng chân người đạp trên lá. Quay lại, Di thấy một thanh niên. Anh ta đang nhìn cô với vẻ hết sức ngạc nhiên. Trông dáng vẻ bên ngoài, anh ta giống người sống ở thành phố nhiều hơn dân lao động ở đây.
Chẳng lẽ hắn là một trong nhiều người bạn của ông Trác?
Vừa thắc mắc, Thiên Di vừa tò mò nhìn anh ta.
Gã thanh niên ngập ngừng:
- Tôi không làm phiền bạn chứ?
Thay cho câu trả lời, Thiên Di chậm rãi lắc đầu. Gã thanh niên lại hỏi:
- Nghĩa là tôi có thể ngồi lại bên con suối nhỏ này?
Di lại gật đầu. Gã lich sự tự giới thiệu:
- Tôi là Cần, nhà ở gần đây. Còn bạn ở đâu? Sao trông lạ quá?
Thiên Di mím môi không trả lời. Hôm nay mở miệng câu nào là không ổn câu đó. Tốt nhất cứ giả câm cho yên thân.
Di nhặt mấy trái thông khô rồi tung nó trong tay. Cần lại hỏi tiếp:
- Bạn ở trang trại Thùy Dương à?
Di gật đầu. Cần thắc mắc:
- Sao tôi chưa gặp bạn lần nào? Bộ mới đến hả?
Thiên Di lại gật rồi chăm chú quan sát từng mắt trái thông khô. Thái độ của cô khiến Cần tò mò. Anh chàng ngồi xuống gốc cây đối diện:
- Sao không lên tiếng?
Môi Di hơi bĩu ra, cô tiếp tục xem xét trái thông trên tay. Hai người rơi vào im lặng. Cần lấy trong túi ra một quyển sách và tựa lưng vào gốc cây, chăm chú đọc.
Lại sách. Tự nhiên Di dị ứng với sách, dù cô đang thèm có một quyển để đọc như Cần. Ngồi một chỗ với cảm giác phải chịu đựng người khác kế bên mãi cũng chán, Thiên Di đứng dậy, đi dọc bờ suối. Dòng suối trong đến mức Di thấy cả từng xương lá mục, từng hòn cuội nằm bên dưới. Hoa tím mọc dầy đặc hai bên bờ. Di lom khom hái họa Đứng dậy, cô rởn óc khi thấy một người đàn ông đầu trọc lóc, mắt lờ đờ ngây dại đang nhe hàm răng cái mất cái còn cười với cô.
Thiên Di còn đang đờ ngời ra vì sợ thì gã đầu trọc đã tiến tới, đưa tay chộp lấy cô. Di vùng ra, la lớn:
- Á! Cứu tôi! Cứu tôi với!
Vừa la, Di vừa chạy ngược về phía Cần, trong khi gã đàn ông hùng hục đuổi theo sau.
Đang cắm đầu thục mạng chạy, Di vấp rễ cây, té nhào xuống, đúng lúc gã đầu trọc ập đến. Thiên Di sợ đến mức lết trên đất. Hàm cứng ngắt, cô không la được khi tay gã đầu trọc đưa ra bấu vào vai cô.
Ngay lúc ấy, Di nghe tiếng Cần quát:
- Buông ra!
Gã đàn ông giật mình rút tay lại. Cả thân hình dềnh dàng của hắn chợt co ro, rúm ró trông thật thảm. Dường như hắn sợ Cần thì phải.
Chỉ về phía đường lớn, Cần gằn từng tiếng:
- Về ngay! Nếu không, chú sẽ bị trói đó.
Gã đàn ông nhăn nhở cười rồi len lén nhìn Di trước khi bỏ đi.
Cần đỡ Thiên Di đứng lên. Anh tự nhiên phủi đất cát dính trên áo cô, giọng ân cần:
- Có sao không?
Di ôm ngực, lắc đầu. Ngồi rũ xuống gốc cây, cô để mặc nước mắt đầm đìa trên mặt. Và những giọt nước mắt ấy tác động ngay tới Cần.
Anh bứt rứt:
- Bạn nói gì đi chớ. Rõ ràng lúc nãy bạn la rất to mà.
Nghe Cần nói thế, tự nhiên Di bật khóc thành tiếng. Vừa khóc, cô vừa lẩm bẩm:
- Tôi ghét chỗ này. Tôi ghét chỗ này lắm.
Cần sốt sắng:
- Vậy tôi sẽ đưa bạn rời khỏi đây. Người bệnh lúc nãy đi rồi, bạn không phải sợ.
Thiên Di thút thít:
- Bữa nay là ngày đáng nguyền rủa nhất trong đời tôi. Muốn tìm sự bình yên, tôi đã rời khỏi ngôi nhà ấy. Để tịnh tâm, tôi đã cấm khẩu không hé môi lấy nửa lời. Vậy mà cũng không được. Sao tôi chán thế này? Híc. Híc.
Cần kiên nhẫn vỗ về:
- Giọng của bạn nghe hay lắm. Bạn cứ nói nữa đi, rồi buồn bực gì cũng vơi mà.
Di cười méo xẹo:
- Anh chọc quê tôi đó hả? Tôi không nói nữa đâu.
Cần tủm tỉm:
- Không muốn nói thì cứ.... la làng như vừa rồi. Ấn tượng lắm đó. Tôi có cảm giác mình là người hùng vừa cứu mỹ nhân thoát khỏi kẻ xấu.
Thiên Di ngập ngừng:
- Cái.... Ông đầu trọc lúc nãy bị tâm thần hả?
Cần thở dài, khổ sở:
- Ổng là chú tôi. Chắc chú ấy đi theo tôi tới đây.
Thiên Di tò mò:
- Sao ổng bị như vậy?
Cần đáp gọn lỏn:
- Thất tình.
Di buột miệng thật ngớ ngẩn:
- Thật hả?
Cần ngần ngừ:
- Chú ấy bị vợ bỏ ngay đêm tân hôn. Thế là điên, điên tới bây giờ.
Di rùng mình nhớ tới ánh mắt của ông ta, cô lẩm bẩm:
- Đã biết ổng có bệnh mà còn để đi lung tung. Lúc nãy lỡ ổng giết tôi thì sao?
Cần vội vàng bênh vực:
- Chú ấy điên.... hiền. Chưa đánh ai bao giờ.
Thiên Di bĩu môi:
- Làm sao tin anh cho nổi, khi vừa rồi ổng xô tôi té xuống đất.
Cần thở dài:
- Tôi sẽ nói gia đình để ý tới chú ý hơn. Chắc chắn không có chuyện như vừa rồi xảy ra nữa đâu.
Thiên Di ngồi co người lại:
- Dù anh bảo đảm, tôi cũng hết dám lang thang một mình rồi.
Cần bỗng hỏi:
- Chắc bạn là khách của trại Thùy Dương?
Di bật cười chua chát:
- Sao anh lại nghĩ vậy?
Cần nói ngay:
- Vì trông bạn có phong cách lắm.
Thiên Di tròn mắt:
- Phong cách gì?
- Phong cách của người từ thành phố đến.
- Tôi không hề cảm thấy cái phong cách ấy. Tôi không phải là khách mà chỉ là người công cho chủ trại.
Cần có vẻ không tin:
- Công nhân sao lại rảnh rỗi thế nhỉ?
- Thứ hai này, tôi sẽ bắt đầu công việc của mình. Nhưng bây giờ tôi đã thấy hối hận khi nhận lời tới đây.
- Tại sao bạn lại hối hận? Sợ lao động không quen à?
Thiên Di rầu rỉ lắc đầu. Cần ái ngại:
- Tôi có thể giúp gì cho bạn không?
Di xua tay:
- Cảm ơn. Tôi đã nhận được sự giúp đỡ của nhiều người khi tới đây, và đó chính là điều làm tôi hối hận.
Cần tò mò:
- Công việc cụ thể của bạn là gì?
- Dạy học.
Hay đấy. Nơi này đang rất cần giáo viên. Nhưng trông bạn còn.... nhí lắm để có thể làm cô giáo.
Thiên Di ậm ừ:
- Biết sao đây, khi người ta không tìm ra cô giáo lớn hơn tôi.
Cần xoa cằm:
- Không dám gọi cô giáo là bạn nữa rồi.
Di có vẻ tự nhiên:
- Vậy gọi tôi là Di. Thiên Di.
Cần gật gù:
- Một loài chim di trú. Đã bay tới nơi này, hy vọng Thiên Di không bay đi nữa.
Thiên Di không trả lời. Cô lảng đi:
- Tôi về đây.
Cần luyến tiếc:
- Chúng ta sẽ gặp lại chứ?
Di ngần ngừ:
- Nếu có cơ hội.
Cần đứng dậy theo cô:
- Tôi sẽ đưa Di tới nhà. Như vậy vẫn an toàn hơn.
Di lo lắng nhìn quanh:
- Chẳng lẽ chú anh vẫn còn lẩn quất đâu đây?
Cần gãi đầu:
- Tôi không biết.
Thiên Di bước thật nhanh. Từ giờ trở đi, cô sẽ không tới những nơi vắng vẻ một mình. Nếu dì Thuỷ biết chuyện vừa rồi, cô sẽ bị mắng vì tội lang thang như một kẻ mộng du.
Tự dưng Di không còn hứng thú trò chuyện nữa, cô lặng thinh nghe Cần kể đủ thứ. Thì ra anh ta đang học đại học Đà Lạt, cuối tuần về thăm nhà. Cần là sinh viên năm thứ tư, nghĩa là học trên cô hai lớp. Giá như đừng gặp khó khăn, cuối năm nay cô cũng tốt nghiệp trung học sư phạm, chớ đâu phải bỏ học ngang xương để làm cô giáo không bằng cấp thế này.
Gần tới cổng nhà, Di đứng lại:
- Cảm ơn anh. Tôi tự về được rồi.
Cần mỉm cười:
- Hy vọng lần sau gặp lại sẽ nghe Di nói nhiều hơn.
Di đứng tần ngần nhìn Cần quay đi, lòng thầm nghĩ: sẽ không có lần sau, vì sớm muộn gì ông Trác cũng cho cô nghỉ việc. Tới lúc đó, chẳng biết cô sẽ ra sao? Nghĩ lại, cô thấy mình thật nông nổi. Bướng bỉnh với chủ đúng là bất lợi. Có lẽ Di phải sớm tìm cách xin lỗi ông Trác, may ra....
Khổ sở với suy nghĩ, Thiên Di co chân đá mạnh. Trái thông lăn ngược lên dốc, rồi lăn xuống trước mặt cô. Di không thể như trái thông đang rơi kia. Cô không thể tuột dốc được.