Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Tôn giáo, Chính Trị >> Ba Chị Em Nhà Họ Tống

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 32890 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Ba Chị Em Nhà Họ Tống
Nguyễn Vạn Lý

Chương 19
Người ta phải sống tại Trùng Khánh mới cảm thấy được ảnh hưởng lớn của những nhân vật cao cấp trong Quốc dân đảng. Chính phủ kiểm duyệt gắt gao mọi tin đồn xấu xa về các tệ đoan của chính quyền, trong khi tham nhũng thối nát thì đầy rẫy khắp nơi. Người ta không còn được công khai bàn thảo những vấn đề thời sự quan trọng hàng đầu của Trung hoa, như: nạn đói, lạm phát, mối liên hệ với ngoại quốc hoặc nhân cách của những viên chức cao cấp trong chính quyền.
Bầu không khí căng thẳng ngột ngạt của Trùng Khánh đã ảnh hưởng tới tâm thần của những người sinh sống tại đây. Tại Trung hoa có tới hai loại mật vụ. Một ngành phục vụ cho Hội đồng Quân sự Quốc gia, và một ngành trực thuộc Quốc dân đảng. Điệp viên và mật vụ của hai ngành này hiện diện khắp nơi. Người dân Trung hoa tại bất cứ đâu cũng có thể bị mật vụ bắt, ném vào trại giam hoặc trại tập trung vì bất cứ lý do gì, hoặc cũng chẳng cần lý do gì.
Quốc dân đảng đang bị chi phối bởi một nhóm người tham nhũng, dưới quyền kiểm soát của anh em Trần Quả Phụ Quốc dân đảng đã thực sự kiểm soát được tư tưởng của quốc gia bằng sự kết hợp của mật vụ, quyền lãnh đạo, gián điệp và quyền hành chánh. Trần Quả Phu, người anh lớn, kiểm soát mọi sự gặp gỡ với Tưởng Giới Thạch. Mọi giấy tờ trước khi chuyển tới tay Tưởng đều được Trần Quả Phu kiểm soát trước. Trần Quả Phu chỉ muốn Tưởng được gặp, được đọc những gì có lợi cho anh em nhà họ Trần. Người em là Trần Lập Phu còn quan trọng hơn nữa. Trần Lập Phu là một người đẹp trai, làm việc không biết mệt. Người ta nói Trần Lập Phu cũng tạo được những thành tích văn chương rất đáng kể.
Tưởng Giới Thạch hoàn toàn xa lìa thực tế. Một hôm Tưởng rất đỗi kinh ngạc khi nghe tin lính Quốc dân đảng chết đói ngoài đường phố Trùng Khánh. Tham nhũng đã bóc lột cả phần ăn ít ỏi của người lính. Tưởng phái người con cả là Tưởng Kinh Quốc đi điều trạ Khi Kinh Quốc xác nhận việc lính chết đói là có thực, Tưởng đòi tự mình đi để trông thấy tận mắt. Kinh Quốc cho Tưởng xem một trại tân tuyển có những người lính mới chết đói vì sự tham nhũng và tắc trách của cấp chỉ huỵ Tưởng nổi giận cầm can vụt vào mặt viên sĩ quan chỉ huy, tống viên sĩ quan ấy vào tù, và bổ nhiệm người khác thay thế. Tuy vậy lính Quốc dân đảng vẫn tiếp tục chết đói. Tháng 8-1944, người ta nhặt được 138 xác quân nhân chết đói ngoài đường phố Trùng Khánh. Con số thường dân chết đói thì rất nhiều, trong lúc các nhà quyền quý mở những bữa tiệc thật lớn, đến nỗi thực khách phải móc họng nôn đồ ăn trong bụng ra, để có thể tiếp tục ăn nữa.
Tưởng Giới Thạch viết một cuốn sách, cuốn Định Mệnh Trung Hoa, cố tình bóp méo sự thực để minh chứng cho hành động của mình. Tưởng đổ lỗi cho các thế lực ngoại quốc đã gây nên nỗi thống khổ của người Trung hoa. Trong số những người trong gia đình nhà họ Tống thì chỉ còn một mình Tống Tử Văn còn hợp tác với Tưởng. Tống Tử Văn đại diện cho Tưởng gặp gỡ những người mà Tưởng không ưa. Họ Tống đảm nhiệm chức vụ quyền thủ tướng, và kiêm chức bộ trưởng ngoại giao. Tống Tử Văn sống một một cuộc đời cực kỳ xa hoa giữa một xã hội thượng lưu tham nhũng thối nát và hàng triệu người Trung hoa chết đói. Cuộc đời của Tống Tử Văn cứ thế lên mãi cho đến khi xảy ra vụ "Quan tiền vàng".
Vì đồng tiền Trung hoa bị lạm phát mất giá nên Tưởng đưa ra một kế hoạch mới, đặt ra một đơn vị tiền tệ mới, có vàng bảo đảm, gọi là "quan tiền vàng". Tưởng muốn quần chúng nộp vàng cho chính phủ và đổi lấy tiền giấy bảo đảm của Tưởng. Tống Tử Văn tiết lộ tin này ra cho một số người thân tín biết, nên họ vội rút vàng trong ngân hàng ra, nếu không sẽ bị Tưởng đổi vàng lấy tiền giấy. Hôm đó là ngày Thứ Sáu. Lệnh mới của Tưởng sẽ áp dụng vào ngày Thứ Hai tuần lễ sau đó. Một số người biết tin lập tức rút vàng cất đi, và đổ xô mua thêm vàng nữa, vì tuần lễ sau đó vàng chắc chắn sẽ lên giá. Ngân hàng hôm đó phải mở cửa tới 9 giờ tối để thỏa mãn nhu cầu của người mua vàng. Cơn sốt vàng lan rộng ra nhiều thành phố khác. Tưởng nổi giận Tống Tử Văn đã biến Tưởng thành một trò hề trước quần chúng, nên yêu cầu Tống Tử Văn từ chức thủ tướng, và bổ nhiệm họ Tống vào chức tỉnh trưởng Quảng Đông. Chức vụ tỉnh trưởng Quảng Đông là một cơ hội may mắn cho Tống Tử Văn, đặt họ Tống một vị trí thuận tiện nhất để chuyển tài sản ra Hương Cảng.
Tưởng Giới Thạch cử người con trai Tưởng Kinh Quốc vào nhiệm vụ thi hành luật lệ tiền tệ mới. Tưởng Kinh Quốc được lệnh giải quyết vùng Thượng Hải trước. Kinh Quốc đã thi hành thật đúng lệnh của Tưởng, tích cực chống lại tham nhũng, thị trường đen và áp dụng luật sắt máu mà Kinh Quốc học được từ Nga sô, như thiết lập tòa án ngoài đường phố và xử tử nạn nhân ngay tại chỗ. Biện pháp mạnh của Kinh Quốc cũng có hiệu quả một phần nào, nhưng Kinh Quốc đã phạm phải hai lỗi lầm lớn. Kinh Quốc đã bắt giam con trai của Bố già Đỗ Đại Nhĩ, vì con trai của Đỗ Đại Nhĩ đã bán hàng triệu cổ phần chứng khoán ra thị trường ngay trước khi luật lệ mới về tiền tệ có hiệu lực. Hiển nhiên Bố già Đỗ Đại Nhĩ đã ngầm báo cho con trai biết sự thay đổi của luật lệ.
Con trai của Bố già Đỗ Đại Nhĩ tốt nhgiệp trường đại học MIT danh tiếng của Mỹ, và đã bị Kinh Quốc đem xử và kết án mau lẹ. Tuy nhiên con trai của Đỗ Đại Nhĩ chỉ bị phạt 8 tháng tù về tội bán các cổ phần chứng khoán trái luật, nhưng hắn không phải ngồi tù ngày nào, nhờ sự can thiệp mạnh mẽ của Bố già Đỗ ĐạI Nhĩ. Sự bắt giữ và xử tội con trai Bố già Đỗ Đại Nhĩ là dấu hiệu của một sự thay đổi mới, và Thượng Hải bây giờ không còn là Thượng Hải trước kia nữa. Có lẽ một phần vì Đỗ Đại Nhĩ đã già yếu rồi, sau nhiều năm nghiện hút, không còn nắm vững được Lục Hội như trước. Cuối cùng bị áp lực từ bên trong Lục Hội, Đỗ Đại Nhĩ bắt đầu di chuyển tài sản sang Hương Cảng, và Đỗ Đại Nhĩ phải sống chuỗi ngày tàn tại Hương Cảng.
Lỗi lầm thứ hai của Kinh Quốc là bắt giam Khổng Lệnh Kiệt, con trai của ÁI Linh và là cháu ruột của Mỹ Linh. Kinh Quốc khám phá được nhiều hàng hóa Mỹ và Âu Châu trong kho hàng của hãng Phát Triển Dương Tử Giang. Kinh Quốc ra lệnh bắt giữ tổng giám đốc là Khổng Lệnh Kiệt. Mỹ Linh đang ở Nam Kinh thì được tin không may đó. Bà tức giận và chất vấn chính Tưởng Giới Thạch, nhưng Tưởng từ chối không trả lời vì không biết gì về nội vụ. Mỹ Linh bay ngay đến Thượng Hải và yêu cầu giao lại Khổng Lệnh Kiệt cho bà. Sau đó Mỹ Linh gửi Khổng Lệnh Kiệt đi Hương Cảng và đi thẳng Florida, Mỹ quốc. Công ty của Khổng Lệnh Kiệt đóng cửa tại Thượng Hải ngay tức khắc.
Kinh Quốc bắt giữ Khổng Lệnh Kiệt và con trai Đỗ Đại Nhĩ có thể là do lòng nhiệt tâm muốn giữ cho luật lệ được thi hành đúng đắn, mà cũng có thể là thâm ý muốn triệt hạ uy tín địch thủ của mình là Tống Mỹ Linh. Cả Mỹ Linh và Kinh Quốc đều muốn kế vị Tưởng. Tuy nhiên sau vụ này, Kinh Quốc bị Tưởng khiển trách. Bị mất mặt, Kinh Quốc từ chức, và thua bà kế mẫu hiệp đụng độ đầu tiên.
Tưởng Kinh Quốc có ba con trai là Tưởng Hiếu Văn, Tưởng Hiếu Vũ, Tưởng Hiếu Dũng, và một con gái là Tưởng Hiếu Chương. Đó là những đứa con chính thức với vợ cả người Ngạ Nhưng hồi năm 1938, khi được 30 tuổi, Tưởng Kinh Quốc được bổ nhiệm làm chuyên viên hành chánh khu Cán Nam. Tại đây Kinh Quốc ban hành lệnh cấm hút thuốc và cờ bạc, và mở lớp huấn luyện thanh niên cả nam và nữ để đào tạo những cán bộ có khả năng hoạt động cho các chương trình của nhà nước. Trong một lớp học, Kinh Quốc chú ý tới một thiếu nữ rất xinh đẹp, và người thiếu nữ này cũng thường nhìn Kinh Quốc một cách khâm phục trìu mến.
Người thiếu nữ ấy là Chương Á Nhược, một người thông minh, lịch thiệp và có một nhan sắc mê hồn. Lúc ấy Kinh Quốc để vợ và các con ở lại Phụng Hóa, và sống một mình tại Cán Nam. Dần dần Chương Á Nhược và Kinh Quốc trở nên thân mật, và Á Nhược giúp Kinh Quốc rất nhiều trong cả công việc hành chánh và đời sống riêng tư của Kinh Quốc. Rồi hai người yêu nhau say đắm, và Á Nhược dọn về sống chung với Kinh Quốc. Người vợ cả của Kinh Quốc là người Nga, nên Kinh Quốc cảm thấy có sự khác biệt về văn hoá, nên khi gặp Á Nhược, một thiếu nữ Trung Hoa dịu dàng khả ái, Kinh Quốc tìm thấy hạnh phúc mà từ trước Kinh Quốc chưa bao giờ được hưởng. Nhưng Kinh Quốc không dám công khai kết hôn với Á Nhược, vì sợ tai tiếng có hại cho sự nghiệp chính trị, nhất là Kinh Quốc đang lép vế trước một Tống Mỹ Linh đầy uy quyền. Kinh Quốc khuyên Á Nhược tạm thời nhẫn nhục và tránh có thai.
Nhưng Á Nhược vừa yêu vừa phục Kinh Quốc nên muốn có một đứa con để ràng buộc với Kinh Quốc, và tạo một địa vị trong gia đình họ Tưởng. Hai người sống chung một thời gian thì Á Nhược hân hoan báo cho Kinh Quốc biết nàng đã có thai. Kinh Quốc lo lắng gửi Á Nhược tới tạm trú tại trường lục quân Quế Lâm. Đến ngày lâm bồn, Á Nhược rất sung sướng khi sinh đôi được hai đứa con trai. Nhưng Á Nhược không sống được lâu để hưởng hạnh phúc chồng con. Chỉ vài ngày sau khi sinh con, Á Nhược chết một cách bí mật, trước khi gặp lại người tình yêu dấu. Cái chết bí ẩn của Á Nhược đã giúp Kinh Quốc vượt qua được một vụ tai tiếng chính trị, nhưng không phải là Kinh Quốc không đau lòng. Kinh Quốc đặt tên cho hai đứa con là Chương Hiếu Nghiêm và Chương Hiếu Từ. Kinh Quốc không dám cho hai con trai của Á Nhược mang họ Tưởng, và gửi chúng về cho cho người em ruột của Á Nhược là Chương Hạo Nhược nuôi nấng.
Hiếu Nghiêm và Hiếu Từ về sau du học tại Hoa Kỳ, cùng đậu tiến sĩ và giữ những địa vị quan trọng tại Đài Loan. Tuy vậy Tưởng Kinh Quốc không dám công khai nhìn nhận hai đứa con trai ngoại hôn, vì quyền lợi chính trị. Có thể Kinh Quốc đã ngầm giúp đỡ Hiếu Nghiêm và Hiếu Từ. Mãi sau này khi Kinh Quốc chết, Tống Mỹ Linh cho phép Hiếu Nghiêm và Hiếu Từ được chính thức về chịu tang thân phụ.
Trong thời gian còn làm chúa tể Hoa Lục, Tưởng Giới Thạch nghiêng về Tống Mỹ Linh trong cuộc tranh chấp quyền thừa kế chính trị giữa Tống Mỹ Linh và Tưởng Kinh Quốc, vì lúc đó vai trò của Tống Mỹ Linh có lợi cho Tưởng Giới Thạch hơn. Nhưng dần dần ảnh hưởng của Mỹ Linh với Tưởng Giới Thạch cũng suy giảm đi, khi mà Tưởng thấy không còn cần đến sự trợ giúp của nhà họ Tống nữa, đặc biệt là sau khi chạy ra hải đảo Đài Loan.
Sau nột năm sống tại Hoa Kỳ, Mỹ Linh trở về Trung hoa khi đệ nhị thế chiến chấm dứt. Bề ngoài người ta tưởng cuộc tình duyên giữa Tưởng và Mỹ Linh vẫn tốt đẹp như trước. Khi Mỹ Linh trở về thì cũng là lúc Trần Khiết Như ra đi. Trần Khiết Như đã sinh được một con trai cho Tưởng Giới Thạch, nhưng hình như đứa bé chết yểu. Trần Khiết Như trở lại California, và cuối cùng quay về sống tại Hương Cảng cho tới lúc chết, đem theo nhiều bí ẩn về cuộc tình giữa nàng và Tưởng.

Tình hình quân sự và chính trị của Trung hoa mỗi lúc một thêm đen tối. Lực lượng cộng sản do Mao Trạch Đông lãnh đạo ngày một tiến thêm và mạnh thêm trong khi khu vực của Tưởng ngày một thu hẹp lại. Người Mỹ cũng có một cái nhìn khác về Trung hoa. Trong cuộc tranh cử tổng thống năm 1948, phe Tưởng liên kết với ứng cử viên cộng hòa Thomas Dewey chống lại tổng thống Truman. Nhưng cuối cùng Truman thắng cử. Truman từ chối viện trợ Ồ ạt cho Tưởng để đánh lại cộng sản. Mỹ Linh qua thủ đô Hoa kỳ yêu cầu một ngân khoản trợ cấp 3 tỷ đô la, trong lúc Quốc hội với đa số thuộc đảng Cộng Hòa chỉ chấp thuận cho Tưởng vay một tỷ đô lạ Người Mỹ cho rằng đã quá trễ để trợ giúp Tưởng.
Trong năm 1948, viễn tượng thất bại của Tưởng đã quá rõ ràng. Đúng ngày bầu cử tổng thống Mỹ năm 1948, cộng quân mở cuộc tấn công vào đạo quân Quốc dân đảng trấn giữ vùng đồng bằng Trung hoa tại Hoài Hải. Trận đánh kéo dài hai tháng và quân Quốc dân đảng thất trận. Trong số 550 ngàn quân Quốc dân đảng tại Hoài Hải thì 325 ngàn bị cộng quân bắt làm tù binh. Trong những giây phút cuối cùng của trận đánh, Tưởng ra lệnh oanh tạc chính quân Quốc dân đảng để tránh đồ quân nhu rơi vào tay cộng sản.
Chuyến đi cầu viện của Mỹ Linh hoàn toàn thất bại, và bà chán nản lui về sống ẩn dật trong khu dinh thự của nhà họ Khổng tại New York. Trong lúc đó tổng thống Truman nói về những con người lừa đảo trong chính phủ Trùng Khánh, và cho rằng một tỷ đô la viện trợ của Mỹ hiện đang ở ngay Hoa Kỳ, trong những trương mục của các viên chức thối nát Quốc dân đảng. Khi thế chiến thứ hai chấm dứt, chế độ Quốc dân đảng sụp đổ mau lẹ, như một cây cột đã bị thối mục bên trong.
Cuộc điều tra của Hoa Kỳ cho thấy nhiều trương mục của Khổng Tường Hy và Tống Tử Văn đến từ các ngân hàng của chính hai người này tại Trung hoa. Nhiều người trong nhà họ Tống làm chủ nhiều bất động sản tại khắp nước Mỹ. Tống Tử Văn và Khổng Tường Hy làm chủ nhiều chứng khoán rất lớn. Nhiều nhân viên làm việc tại sứ quán Trung hoa cuối cùng trở thành tù nhân bên trong khu dinh thự của nhà họ Khổng. Những người này không được viết thư về quê nhà, không được ra khỏi khu vực, và không được trả lương. Một số bỏ trốn, nhưng bị bắt lại. Nhà họ Khổng dạy các người dám bỏ trốn này một bài học bằng cách treo họ lên trần nhà, và đánh đập tàn nhẫn.
Sau này trong một cuộc phỏng vấn, tổng thống Truman nhận xét về gia đình nhà họ Tống, "Tất cả họ là những tên ăn cắp, từng người một. Họ ăn cắp trên 750 triệu đô la trong số 3 tỷ 8 mà chúng ta gửi viện trợ cho Tưởng. Họ ăn cắp tiền đó và đầu tư về nhà đất tại Ba Tây và ngay tại New York."
Tại Trung hoa, Tưởng rất bận rộn sửa soạn cho cuộc đào tẩu ra Đài Loan. Một người dám ra lệnh ném bom vào ngay quân của mình để giữ một ít đồ quân nhu khỏi rơi vào tay cộng sản, thì sẽ không bao giờ để lại tài sản của mình mà không mang theo. Tưởng đặt những người trung thành nhất vào công việc vơ vét tiền bạc tại các ngân hàng, và đồ quý vật tại các bảo tàng viện. Từ nhiều năm trước, Tưởng theo lời một cố vấn, đã cất dấu kho tàng nghệ thuật từ thời vua Càn Long, ông vua thứ tư nhà Thanh. Triều đại Càn Long là một thời kỳ vàng son của văn học nghệ thuật Trung hoa, và vua Càn Long đã thu thập nhiều tác phẩm nghệ thuật thành một bảo tàng viện đầu tiên của Trung hoa. Bây giờ Tưởng coi kho tàng này là di sản thuộc về mình. Các nhân viên của Tưởng đóng những nghệ phẩm thành từng kiện hàng, rồi di chuyển từ Bắc Kinh xuống Nam Kinh, và các tỉnh hẻo lánh, để tránh bị Nhật Bản và cộng sản chiếm được.
Trước khi trận đánh quyết định Hoài Hải kết thúc, trên hai trăm ngàn họa phẩm, đồ sứ quý, ngọc thạch và tượng đồng được di chuyển qua Đài Bắc. Mười một ngày trước khi trận Hoài Hải chấm dứt, Tưởng từ chức tổng thống ngày 21-1-1949. Tưởng nhận thấy tình thế tuyệt vọng nên từ chức để tránh cái nhục bại trận. Nhưng tuy đã từ chức, Tưởng vẫn giữ quyền lực trong tay, vẫn có quân đội, công chức, vật liệu, phi cơ, tất cả vẫn chờ đợi lệnh Tưởng. Các tướng Quốc dân đảng vẫn mong đợi một cơ hội nắm quyền, và chức tổng thống rơi vào tay một địch thủ của Tưởng trong Quốc dân đảng là tướng Lý Tông Nhân. Việc làm đầu tiên của Lý Tông Nhân là tìm cách thương thuyết với Mao Trạch Đông. Điều kiện của Mao là phải nộp vợ chồng Tưởng Giới Thạch, Tống Tử Văn, và vợ chồng Khổng Tường Hy để xử tội. Tuy nhiên những người Mao Trạch Đông muốn bắt giữ thì đã cao chạy xa bay rồi.
Khổng Tường Hy từ giã chính trường. Khi chiến tranh chấm dứt, Khổng đã 65 tuổi. Hai vợ chồng Khổng Tường Hy và Tống Ái Linh đã thu thập được một tài sản trị giá một tỷ đô là và đã chuyển ra nước ngoài. Năm 1946, vợ chồng Khổng Tường Hy trở lại thăm Thượng Hải một lần cuối cùng để thanh toán tài sản, và chuyển tất cả những gì có thể chuyển được sang Hương Cảng và ngoại quốc. Năm 1947, vợ chồng Khổng Tường Hy trở về thăm quê nhà tại Sơn Tây một lần cuối cùng trước khi lâu đài nhà họ Khổng bị cộng quân chiếm. Vợ chồng Khổng Tường Hy trỏ lại sống tại New York kể từ đó.
Tống Tử Văn cũng vội vã ra đi, vì Tống biết mình bị coi là tội phạm chiến tranh hàng đầu, và có kẻ thù ở cả hai phía cộng sản và Quốc dân đảng. Phe Quốc dân đảng tố cáo Tống Tử Văn đã ăn cắp của công quỹ khá nhiều tiền, và yêu cầu Tống Tử Văn phải trả lại phân nửa tài sản cho quốc gia. Ngày 24-1-1949, Tống Tử Văn thấy thế nguy liền từ chức tỉnh trưởng Quảng Đông, và cùng vợ trốn sang Hương Cảng. Chưa bao giờ Tống Tử Văn trông chán nản như thế. Hai phe quốc gia và cộng sản đều muốn bắt Tống và Tống phải nhờ cảnh sát Anh bảo vệ tại Hương Cảng. Ngày 16-5, Tống Tử Văn sang Pháp "để chữa bệnh", và đến ngày 10-6 thì trở lại Hoa Kỳ.
Tháng hai năm 1949, mặc dầu không còn là tổng thống nữa, Tưởng thu xếp đưa tất cả số vàng dự trữ của quốc gia sang Đài Bắc. Như vậy chính phủ của Lý Tông Nhân không có tiền để trả lương cho quân đội còn đang cầm cự với cộng quân. Khi Lý Tông Nhân thấy công quỹ hết tiền, liền nhờ đại sứ Mỹ cầu cứu chính phủ Hoa Kỳ trợ giúp, để có đủ thời giờ thương thuyết với Mao Trạch Đông. Đại sứ Mỹ khuyên Lý Tông Nhân nên kêu gọi sự đóng góp ái quốc của các viên chức Quốc dân đảng đã ăn cắp hàng triệu đô la viện trợ Mỹ.
Tưởng Giới Thạch xúi giục Tôn Khoa, con trai Tôn Dật Tiên, đứng ra lập một chính phủ độc lập tại Quảng Đông, và Tưởng sẽ giúp Tôn Khoa mở một cuộc Bắc Phạt nữa. Thoạt đầu Tôn Khoa định nghe lời khuyên của Tưởng, nhưng sau nhận ra tình thế tuyệt vọng của Quốc dân đảng, Tôn Khoa bỏ đi sang Pháp sống một cuộc đời lưu vong. Tưởng liền chuyển số quân đội trung thành còn lại qua Đài Loan. Tưởng hy vọng rằng với tài sản khổng lồ mang theo được và có đủ quân số, Tưởng có thể giữ vững được Đài Loan mãi mãi, và nuôi hy vọng chiếm lại Hoa Lục.
Tưởng ghé Thượng Hải một lần chót vào tháng 4 để gặp Bố già Đỗ Đại Nhĩ lần cuối cùng. Lý do chính Tưởng đến Thượng Hải là muốn nhờ Lục Hội và Đỗ Đại Nhĩ giúp Tưởng cướp Ngân hàng Trung hoa. Tưởng vẫn nhắm cái kho tàng gồm sáu triệu cân vàng của Ngân hàng Trung hoa từ lâu. Phân nửa số vàng này đã đi theo Khổng Tường Hy và Tống Tử Văn. Bây giờ Tưởng muốn lấy nốt phần còn lại. Quân đội của Tưởng bao vây cả khu vực ngân hàng, và hàng trăm đàn em của Đỗ Đại Nhĩ giả làm cu li lũ lượt khiêng vàng xuống tàu đậu ngay dưới bến, trước cửa Ngân hàng Trung hoa. Sau đó Bố già Đỗ Đại Nhĩ trốn sang Hương Cảng vài ngày trước khi hồng quân tiến vào thành phố ngày 25-5. Tại Hương Cảng, Đỗ Đại Nhĩ sống thêm được hai năm nữa. Đỗ Đại Nhĩ bị tê liệt và chết ngày 16-8-1951. Tưởng Giới Thạch gửi một điện tín phân ưu cái chết của Đỗ Đại Nhĩ, trong đó Tưởng ca ngợi Đỗ Đại Nhĩ để lại cho hậu thế một tấm gương trung thành và ngay thẳng.
Đầu tháng 5-1949, Tưởng bỏ chạy sang Đài Loan. Bộ trưởng quốc phòng Trần Thành đã sửa soạn Đài Loan từ tháng 10 năm trước. Nhiều nơi hẻo lánh tại Trung hoa vẫn còn nằm trong tay quân đội Quốc dân đảng. Tháng 8-1949, Tưởng Giới Thạch và Tưởng Kinh Quốc bay trở lại Trùng Khánh. Tại Trùng Khánh lúc đó vẫn còn một người tử tù của Tưởng là sứ quân Dương Hổ Thành, người đã cùng Trương Học Lương bắt cóc Tưởng tại Tây An. Dương Hổ Thành thoạt đầu bỏ trốn qua Pháp, nhưng ít lâu sau tìm cách trở lại Trung hoa, và bị mật vụ của Tưởng bắt được. Trong suốt 11 năm, Dương Hổ Thành cùng với người con trai, con gái và vợ chồng người thư ký trung thành, sống rên siết trong trại tập trung của trùm mật vụ Thái Lý. Bây giờ trước khi vĩnh viễn rời bỏ lục địa, Tưởng làm một chuyến đI đặc biệt để ra lệnh xử tử Dương Hổ Thành và gia đình. Toàn gia Dương Hổ Thành và vợ chồng người thư ký bị hành quyết ngay trước mắt Tưởng.
Tháng 1-1950, bà Tống Mỹ Linh trở về Đài Loan từ New York. Dân chúng trên đảo chống lại phe Quốc dân đảng, và chính phủ của Tưởng đã phải dùng biện pháp khủng bố đàn áp. Đây là một hòn đảo rất thơ mộng và giàu tài nguyên, đủ sức tự túc về kinh tế. Nhưng khi quân đội Quốc dân đảng chạy qua thì hòn đảo trở thành một nơi máu lửa. Đã có nhiều cuộc tàn sát dã man. Trên mười ngàn người gốc Đài Loan bị quân đội tàn sát trong một cuộc nổi loạn tại thủ đô Đài Bắc. Khoảng trên hai chục ngàn người khác cũng bị giết trước khi Tưởng thiết lập được một chính phủ ổn định tại Đài Loan. Các nhà lãnh đạo gốc Đài loan phải trốn tránh, một số trốn sang Nhật Bản. Tại hòn đảo nhỏ này, mật vụ của Tưởng tỏ ra rất hữu hiệu, và mật vụ đã đối xử với dân chúng gốc Đài Loan như họ đã từng đối xử với dân Thượng Hải hồi tháng 4-1927.
Dù những va chạm trước kia với chế độ của Tưởng Giới Thạch, bây giờ Khổng Tường Hy và Tống Tử Văn cũng vẫn là những cây cầu cần thiết nối liền mối quan tâm của Hoa Kỳ với Đài Loan. Các anh chị em nhà họ Tống vẫn họp bàn để tìm cách giúp đỡ chế độ Quốc dân đảng tại Đài Loan. Mỹ Linh trở về Đài Loan năm 1950 với mục đích tranh quyền kế vị Tưởng. Nhưng trong thời gian Mỹ Linh vắng mặt, Tưởng Kinh Quốc được giao phó trọng trách phụ tá cho Tưởng Giới Thạch, và được bổ nhiệm đứng đầu phòng chính trị của bộ quốc phòng. Trong hai mươi năm sau đó, mỗi khi Mỹ Linh quay lưng đi thăm viếng Hoa Kỳ thì ở nhà Kinh Quốc lại tiến lên một nấc thang quyền hành, càng ngày càng tới gần việc thay thế Mỹ Linh để trở thành người thừa kế của Tưởng Giới Thạch. Một lần Mỹ Linh viếng thăm Hoa Kỳ một thời gian dài, từ tháng 8-1952 cho đến tháng 3-1953. Khi trở về Đài Loan Mỹ Linh được tin Tưởng Kinh Quốc được mời viếng thăm bộ ngoại giao và quốc phòng Hoa Kỳ. Tưởng Kinh Quốc còn được mời thảo luận với tổng thống Mỹ Eisenhower, một vinh dự mà Mỹ Linh không có từ năm 1943.
Tuy vậy Mỹ Linh vẫn thân cận Tưởng Giới Thạch, và trong nhiều trường hợp, nói thay cho Tưởng Giới Thạch. Nhiều tướng lãnh và nhân vật cao cấp Quốc dân đảng cũng không dám làm mất lòng Mỹ Linh. Ngay Tưởng Kinh Quốc cũng phải e dè Mỹ Linh, vì Mỹ Linh rất dễ nổi giận, và thường là có sự trả đủa ngay khi bà nổi giận. Tháng 4-1954, Mỹ Linh thăm viếng Hoa Kỳ sáu tháng để tranh đấu chống lại việc nhận Trung Cộng vào Liên Hiệp Quốc. Khi bà trở về Đài Loan để dự lễ thọ 67 tuổi của Tưởng Giới Thạch thì thấy quyền hành đã tuột khỏi tay bà rồi. Năm 1958, Tưởng Kinh Quốc được thăng chức một lần nữa, và Mỹ Linh tức giận bỏ sang Hoa Kỳ 14 tháng. Lúc đó bà đã 61 tuổi. Sau khi Mỹ Linh đi Hoa Kỳ được hai tháng, Tưởng Kinh Quốc được bổ nhiệm chức bộ trưởng không bộ. Mỹ Linh trở lại Đài Loan và sống tại đó luôn sáu năm nữa.
Năm 1965 Mỹ Linh thăm viếng Hoa Kỳ cùng với Tưởng Kinh Quốc, lúc đó là bộ trưởng quốc phòng. Người Mỹ muốn quân đội của Tưởng Giới Thạch tham chiến tại Việt Nam, trong lúc họ Tưởng chỉ muốn người Mỹ hỗ trợ một cuộc đổ bộ tấn công chiếm lại Trung hoa lục địa. Mỹ từ chối giúp Tưởng vì nghĩ rằng Tưởng không có hy vọng thắng Trung Cộng, và do đó Tưởng cũng không chịu đem quân sang tham chiến tại Việt Nam. Năm 1966 Mỹ Linh mua một căn nhà sang trọng tại khu Manhattan, New York. Sức khoẻ của bà bây giờ rất suy kém, và những chuyến đi thăm Hoa Kỳ của bà chỉ là để dự tang lễ của thân nhân hoặc là để chữa bệnh.
Trong suốt hàng chục năm, Mỹ Linh vẫn được coi là một trong số mười người đàn bà nổi tiếng nhất thế giới. Nhưng vinh dự đó chấm dứt năm 1967, và những tin tức về bà chỉ xuất hiện trên các trang phụ của báo chí Mỹ.
Khổng Tường Hy vẫn tích cực hoạt động về tài chánh khi sang sống tại Hoa Kỳ. Mãi năm 1966 Khổng Tường Hy mới từ chức giám đốc Ngân hàng Trung hoa vì sức khỏe suy kém. Tháng 8-1967, Khổng Tường Hy được đưa vào bệnh viện New York và ngày 15-8 thì từ trần, hưởng thọ 87 tuổi. Sáu năm sau Ái Linh cũng từ trần theo chồng, hưởng thọ 85 tuổi. Đây là người đàn bà giầu nhất thế giới, và tài sản của bà do chính tay bà tạo dựng lên.
Cuộc đời lưu đầy của Tống Tử Văn lúc nào cũng đầy hoạt động, cả chính trị lẫn tài chánh. Tống Tử Văn có nhiều cơ sở thương mại tài chánh lớn, và lúc nào cũng hoạt động cho quyền lợi chính trị của chế độ Quốc dân đảng. Tuy vậy Tống Tử Văn không bao giờ dám trở về Đài Loan, mặc dầu nhiều lần được Tưởng mời. Những đảng viên Quốc dân đảng cao cấp căm thù Tống Tử Văn làm giàu phi pháp, nhưng cũng không có cách gì trả thù được, trái lại họ rồi cũng chết dần. Trùm mật vụ Thái Lý chết trong một tai nạn máy bay sau khi cuộc chiến Quốc Cộng chấm dứt, có lẽ phi cơ bị đặt bom. Kẻ thù thứ nhì của Tống Tử Văn là Trần Quả Phu thì chết tại Đài Bắc năm 1951, lúc được 60 tuổi. Khi người anh chết, Trần Lập Phu cũng từ bỏ việc điều khiển mật vụ, và về hưu tại Đài Loan.
Tháng 4-1971, lúc được 77 tuổi, Tống Tử Văn cùng vợ đi thăm San Francisco một lần nữa để thăm họ hàng và bạn bè. Vào tối ngày 24-4, các bạn bè cũ tại Ngân hàng Trung hoa mở đại tiệc khoản đãi Tống Tử Văn. Trong bữa dạ tiệc sang trọng có nhiều món ăn ấy, Tống Tử Văn có vẻ rất vui vẻ hưởng của ngon vật lạ. Bỗng Tống Tử Văn đang ăn thì chợt ngừng lại, trông có vẻ ngơ ngác, đứng dậy ho khan rồi gục xuống. Một lát sau Tống Tử Văn tắt thở. Cuộc giải phẫu tử thi cho biết một miếng đồ ăn mắc kẹt vào ống khí quản khiến Tống Tử Văn bị chết nghẹn. Tay đại tham nhũng của Quốc dân đảng chết nghẹn vì ăn! Tổng thống Nixon và ngoại trưởng Kissinger vội đánh điện chia buồn, nhưng điện văn lại gửi cho Tưởng Giới Thạch và Mỹ Linh.
Trong thời gian này, giữa Hoa Kỳ và Trung Cộng chưa có quan hệ ngoại giao chính thức, nhưng Hoa Kỳ đang bí mật thương thuyết với Trung Cộng trong mưu lược tách Trung Cộng ra khỏi Nga Sộ Tổng thống Nixon gửi điện văn sang Bắc Kinh, trịnh trọng mời bà Tống Khánh Linh sang Hoa Kỳ tham dự tang lễ của Tống Tử Văn. Trung Cộng trả lời bức điện văn của tổng thống Nixon như sau: "Về việc bà Tống Khánh Linh sang Hoa Kỳ dự tang lễ Tống Tử Văn: vì hai nước Hoa Kỳ và Trung Hoa chưa thiết lập quan hệ ngoại giao nên không có chuyến bay trực tiếp từ Trung Hoa sang Hoa Kỳ. Chúng tôi đã liên lạc với một công ty hàng không Anh quốc để bà Tống Khánh Linh sang Luân Đôn trước, sau đó sẽ đi từ Luân Đôn sang Hoa Kỳ."
Đồng thời tổng thống Nixon cũng nhận được điện văn của bà Tống Ái Linh cho biết sẽ đến dự tang lễ của em bà. Lúc đó Tống Ái Linh đang sống tại Hoa Kỳ. Còn Tống Mỹ Linh cũng cho biết sẽ dùng chuyến phi cơ bay thẳng từ Đài Loan sang Hoa kỳ để tham dự tang lễ của người anh ruột. Tổng thống Nixon tin tưởng cả ba chị em nhà họ Tống đang trên đường sang Hoa Kỳ, và ông dự định lợi dụng cơ hội ba chị em nhà họ Tống hội ngộ nhau để thúc đẩy công việc bang giao với Trung Cộng.
Nhưng khi Tống Mỹ Linh dừng chặng đầu tiên tại phi trường Honolulu, thì bà nhận được một điện tín của Tưởng Giới Thạch như sau: "Bà đang rơi vào cái thòng lọng của Trung Cộng. Hãy dừng ngay việc sang Mỹ dự tang lễ Tống Tử Văn." Ngày hôm sau gia đình Tống Tử Văn nhận được điện thoại của Tống Ái Linh cho biết Tống Ái Linh quyết định không tham dự tang lễ của Tống Tử Văn nữa. Tổng thống Nixon liền đánh điện cho Tưởng Giới Thạch xác nhận việc tang lễ của Tống Tử Văn là vấn đề riêng tư của gia đình nhà họ Tống, và không liên quan gì đến Trung Cộng.
Hai ngày nữa trôi qua, Tống Mỹ Linh vẫn ở lại Honolulu, và không có ý định tiếp tục cuộc hành trình nữa. Khi chỉ còn một ngày trước lễ an táng của Tống Tử Văn, chính phủ Hoa Kỳ nhận được điện văn của Trung Cộng cho biết không thuê được chuyến bay thẳng, nên bà Tống Khánh Linh không sang Hoa Kỳ được. Nixon chỉ biết thở dài và thông báo cho Tưởng Giới Thạch biết không có bà Tống Khánh Linh trong tang lễ, và đề nghị hai bà Tống Ái Linh và Tống Mỹ Linh hãy vì tình ruột thịt mà sớm đến dự tang lễ của người thân.
Mọi cố gắng của tổng thống Nixon đều thất bại. Tống Mỹ Linh sợ mắc bẫy vào ý đồ chính trị của Trung Cộng nên quay trở về Đài Loan. Tống Ái Linh cũng do dự không dám quyết định. Gia đình Tống Tử Văn vẫn mong đợi, cố kéo dài thêm nửa ngày nữa, hy vọng các chị em sẽ tới. Cuối cùng tang lễ của Tống Tử Văn phải cử hành mà không có sự tham dự của ba chị em nhà họ Tống. Tổng thống Nixon phải thốt lên: "Mối quan hệ của chị em nhà họ Tống tế nhị đến mức không sao hiểu nổi." Các báo chí New York loan tin Tống Tử Văn chết đi chỉ để lại gia tài một triệu đô la, chia cho vợ và các con. Bản tin này làm nhiều người tại các thủ đô tài chánh trên thế giới phải mỉm cười.
Ngày 5-4-1975, Tưởng Giới Thạch từ trần, hưởng thọ 87 tuổi. Ba tuần lễ sau, Tưởng Kinh Quốc lúc đó đã là thủ tướng, trở thành chủ tịch Quốc dân đảng và tổng thống Đài Loan. Mỹ Linh bị loại ra ngoài chính trường và bà trở lại cuộc sống lưu vong tại Hoa Kỳ. Mỹ Linh sống âm thầm tại khu dinh thự của Khổng Lệnh Kiệt, và chỉ có vệ sĩ mới vào được khu vực bà cư ngụ. Mỹ Linh sống một cuộc đời âm thầm lặng lẽ tại Hoa Kỳ cho tới năm 1986 thì trở về Đài Loan. Trong những năm cuối của tuổi già, Mỹ Linh khi thì sống tại Đài Loan, khi thì tại Hoa Kỳ. Hiển nhiên bà là người thọ nhất trong ba chị em nhà họ Tống.

<< Chương 18 | Chương 20 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 717

Return to top