Khi Tống Charlie về đến Thượng Hải thì cái thành phố này đang bắt đầu trở thành một thành phố kỹ nghệ và thương mại lớn nhất Trung Hoa. Trên danh nghĩa thì lúc đó nước Trung Hoa đang được vua Quang Tự cai trị, nhưng thực ra thì ông vua trẻ có tinh thần cải cách của nhà Mãn Thanh này đang bị giam giữ trên một hòn đảo nhỏ bên trong Cung Điện Mùa Hạ. Người thực sự nắm giữ vận mạng của mấy trăm triệu người Trung Hoa là Từ Hy, một bà thái hậu đã già và đã nắm quyền từ nhiều năm trước.
Từ Hy là một người đàn bà thông minh, nhưng không hiểu biết gì bên ngoài nước Trung hoa, và do đó đã trở nên lạc hậu trong cái thế kỷ có nhiều tiến bộ tại Tây phương. Từ Hy đã phải nhượng nhiều đất đai cho các cường quốc tây phương, nhưng bà tin rằng một ngày nào đó các nhượng địa sẽ trở về với Trung hoa. Từ Hy được trời cho hưởng tuổi thọ, nhưng bà càng sống lâu càng thấy vương quốc của bà ngày một thu hẹp lại. Nhiều tỉnh trù phú miền duyên hải phải nhượng cho các nước tây phương. Miến Điện bị Anh quốc chiếm; Bồ Đào Nha chiếm Ma Cao; Nga Sô thì chiếm một giải đất mênh mông ở miền bắc, còn Việt Nam rơi vào vòng bảo hộ của Pháp. Từ Hy đã tiếm quyền của vua Quang Tự, nhưng vương quyền ấy đã ung thối vô giá trị từ bên trong, và có thể tan vỡ bất cứ lúc nào. Triều đình nhà Thanh vẫn còn huy hoàng và không thay đổi bên trong Cấm Thành, trong khi thế giới bên ngoài tiến bộ không ngừng. Nhà Thanh còn giữ được sự huy hoàng là nhờ vào tiền thuế hải quan, mô phỏng theo hệ thống thuế hải quan của người Anh.
Thượng Hải thì hoàn toàn nằm trong tay ngoại bang, như những tô giới của người Anh người Pháp. Dần dần cùng với nền khoa học mới, tinh thần văn hóa tây phương xâm nhập vào Thượng Hải và lan ra các vùng kế cận. Các tu sĩ công giáo người Pháp và tu sĩ Thiên chúa giáo của người Anh và Mỹ đã đem theo những tiến bộ y học và tôn giáo của họ đến Thượng Hải. Những phái bộ truyền giáo bành trướng khắp nơi, trên cái đất nước đã cho phép ba tôn giáo khác nhau đồng lưu là Khổng giáo, Lão giáo và Phật giáo. Trong cái không khí phát triển tôn giáo rất nhộn nhịp của cuối thế kỷ 19, giáo hội nào cũng cần có những người như Tống Charlie.
So sánh với khu vực nội địa thì Thượng Hải quả là một thành phố sang trọng. Ngay từ 1843, Thượng Hải đã là một hải cảng dành cho các nước tây phương được quyền khai thác. Sau Hiệp ước Nam Kinh, người Anh phát triển thành phố, biến Thượng Hải thành một thành phố tây phương, và cho phép người Trung Hoa được làm những công việc đầy tớ hoặc mở những cửa tiệm nhỏ. Rồi mỗi khi có nội chiến, Thượng Hải trở thành một trung tâm cho những di dân trốn tránh chiến tranh trong nội địa, và đến sống dưới sự che chở của người ngoại quốc tại đây. Vào lúc Tống Charlie về đến Thượng Hải năm 1886 thì Thượng Hải đã trở thành một thành phố quốc tế, một nơi tiền rừng bạc bể cho những người biết mánh khóe làm giầu, như giới mại bản.
Khi về đến Thượng Hải, Tống Charlie được Dr. Allen, người đứng đầu giáo hội Methodist tại Thượng Hải, phái tới dạy học tại một trường trung học Methodist. Một trong những học sinh đầu tiên của Tống Charlie là Hồ Thích, sau này là đại sứ Trung hoa và là một nhà văn hóa danh tiếng. Hồ Thích không bao giờ quên buổi dạy học đầu tiên của Tống Charliẹ Khi Tống Charlie bước lên bục giảng của giáo sư, tất cả học sinh đều khúc khích cười với nhau, vì thân hình lùn béo và nét mặt xấu trai của Tống Charliẹ Học sinh Trung hoa quen gặp những ông thày trang nghiêm, mảnh khảnh và dáng điệu phong nhã. Hồ Thích tưởng Tống Charlie sẽ bỏ lớp vì xấu hổ khi bị học sinh cười chế nhạo. Nhưng Tống Charlie bình tĩnh lên tiếng, và tất cả học sinh đều im lặng lắng tai nghe cho tới hết giờ. Tống Charlie đã chinh phục lớp học đầu tiên bằng khả năng và lòng tự tin của mình. Các học sinh cũng công nhận Tống Charlie là một nhà giáo xuất sắc, tuy bề ngoài không được hấp dẫn.
Nỗi khổ tâm của Tống Charlie không phải đến từ phía học sinh, vì Tống Charlie rất thành công trong nghề dạy học và được học sinh ưa thích. Sự khổ tâm đến từ Dr. Allen. Mỗi tháng Tống Charlie được trả lương 15 đô la và phải chịu sự khắc nghiệt của Dr. Allen. Dr. Allen không ưa Tống Charlie vì họ Tống được giáo dục tại Hoa Kỳ nên không có sự phục tùng hoàn toàn như những giáo sĩ thuần túy Trung Hoa, chưa từng được xuất ngoại. Dr. Allen cũng không thích sự thành công của Tống Charlie trong việc dạy học.
Đối với cấp lãnh đạo thì đã buồn phiền như thế. Ngay dân chúng ngoài đường phố cũng không ưa Tống Charliẹ Mỗi khi đi ra đường, Tống Charlie trở thành đề tài chế riễu cho người dân ngoài phố, vì cái bề ngoài không giống ai của Tống Charliẹ Hầu hết thanh niên Trung hoa thời đó đều để tóc dài kết thành đuôi sam, và mặc một chiếc áo choàng dài bó lấy người. Riêng Tống Charlie thì cắt tóc ngắn và mặc âu phục. Tống Charlie không đẹp trai theo tiêu chuẩn người Trung hoa: người thì lùn lại khá mập, bộ điệu rất tự nhiên vì do lối sống lâu năm tại Hoa Kỳ, nên không biết che dấu xúc cảm như phần đông người Trung hoa khác. Ngoài ra, người Thượng Hải rất khó hiểu được thổ âm Hải Nam của họ Tống. Bởi vậy mỗi khi Tống Charlie đi dạo phố thì người lớn gọi chàng là "thằng lùn", và con nít thì đuổi theo réo gọi "con quỷ lai căng". Do đó những cảm tưởng đầu tiên của Tống Charlie về cuộc đời tại Thượng Hải không hào hứng lắm.
Mấy tháng sau, Tống Charlie được phép về Hải Nam thăm gia đình sau hơn mười năm xa cách. Cuộc đoàn tụ đem lại cho Tống Charlie nhiều niềm vui. Thân phụ của chàng bây giờ đã là người lãnh đạo của người Triều Châu tại Hải Nam, và người anh cả của chàng đã thay thế thân phụ quán xuyến công việc làm ăn của gia đình. Không những thế, Tống Charlie còn được gia đình giới thiệu gửi gấm với những tổ chức làm ăn bí mật của người Triều Châu tại Thượng Hải.
Sáu tháng sau, Tống Charlie được cử tới một nhiệm sở mới tại một thị trấn cổ hủ có trên ba trăm ngàn dân, nằm bên ngoài Thượng Hải, trên đường đi Tô Châu. Tại đây nhà truyền giáo trẻ tuổi bất đắc dĩ này bị cả người bản xứ và người ngoại quốc xa lánh. Người bản xứ thì không chấp nhận lối ăn mặc và bề ngoài của Tống Charlie, mà họ cho là quá ngoại lai. Còn người tây phương, phần đông là giáo sĩ truyền giáo, thì không ưa Tống Charlie vì vấn đề cạnh tranh nghề nghiệp. Tống Charlie thuê một một căn nhà tranh ở khuất xa mọi người. Đây là giai đoạn Tống Charlie cảm thấy chán nản nghề truyền giáo nhất. Cuối cùng, Tống Charlie phải tự thay đổi cho vừa lòng dân chúng. Chàng bắt đầu mặc áo choàng dài, và chụp lên đầu một cái nón tròn nhỏ để hoà mình với quần chúng.
Cuộc đời vô vị của Tống Charlie cứ thế trôi qua, cho đến một ngày kia vận may của chàng cũng tới. Một hôm Tống Charlie về thăm Thượng Hải. Trong lúc đang lang thang ngoài phố thì tình cờ Tống Charlie gặp Văn Bình Chung, người bạn cũ của những ngày còn ở Boston. Sau khi nghe những lời than thở của Tống Charlie về cảnh sống hiện tại, Văn Bình Chung kết luận Tống Charlie cần phải có vợ, và đó là giải pháp giản dị nhất để giúp Tống Charlie qua được sự buồn phiền. Văn Bình Chung còn tình nguyện làm mai cho Tống Charlie nữa. Thực ra Văn Bình Chung cũng vừa mới lấy vợ, được làm rể Nhiếp gia, một gia đình rất giầu sang, dòng dõi quan tể tướng Văn Định Công đời nhà Minh. Gia đình này đã theo đạo Thiên Chúa từ lâu đời. Chính Văn Bình Chung cũng đã giới thiệu Mai Sơn Châu vào làm rể nhà họ Nhiếp, lấy cô con gái thứ hai của nhà này. Nhà họ Nhiếp còn một cô gái út chưa chồng, và Văn Bình Chung tính làm mai cho Tống Charlie.
Nhiếp phu nhân sinh được ba con gái. Theo tục lệ cổ truyền, bà bó chân cho con gái để giữ được những bàn chân nhỏ xinh đẹp. Việc bó chân cho hai cô con gái đầu lòng thì không có gì trục trặc. Nhưng đến cô gái út thì có phản ứng bất lợi. Mỗi khi bị bó chân thì cô bé đau đớn đến phát sốt lên. Cuối cùng Nhiếp phu nhân phải bỏ ý định ấy. Nhiếp Quế Sương, tên cô gái út, lớn lên với hai bàn chân to bình thường. Nhiếp Quế Sương được gia đình cho đi học theo lối tây phương và biết chơi đàn dương cầm. Chính ba cái khuyết điểm: hai bàn chân to, học cao và chơi đàn là ba yếu tố bất lợi cho đường chồng con của Nhiếp Quế Sương. Thời đó không ai chịu rước về nhà một nàng dâu có tới những ba điều cấm kỵ như thế.
Nếu Nhiếp Quế Sương khó lấy chồng thì Tống Charlie cũng là một thanh niên khó lấy được một người vợ đàng hoàng, vì dáng người thô xấu, mập và lùn, vì thổ ngữ Hải Nam, và vì lợi tức thấp kém trong một xã hội chỉ trọng kim tiền. Bởi vậy hai người gặp nhau thật là tương xứng. Nhiếp phu nhân cũng nhận biết điều này, và bà mau lẹ chấp nhận lời cầu hôn của Tống Charlie do Văn Bình Chung đại diện. Hôn lễ được cử hành vào mùa hè năm 1887. Sau đám cưới, Tống Charlie đưa vợ về nhiệm sở của mình. Với đồng lương 15 đô la một tháng cho hai miệng ăn thì phải giật gấu vá vai mới đủ. Tuy nhiên Nhiếp Quế Sương cũng đem về cho chồng một món hồi môn đáng kể, và gia đình họ Nhiếp có thể đưa Tống Charlie vào các lãnh vực kiếm tiền dễ dàng tại tô giới Anh ở Thượng Hải.
Thực ra Tống Charlie không thiết tha gì với công cuộc truyền giáo. Chàng có một cá tính đặc biệt, một người ưa thích vi phạm luật lệ hơn là tuân giữ luật lệ. Lúc đó xã hội Trung Hoa rất cần những người biết phá bỏ những luật lệ cổ truyền. Những tập tục cổ truyền trở nên một gánh nặng cần phải được cởi bỏ, và đó là thời của giặc cướp trở thành vua chúa. Tống Charlie đang lăm le từ bỏ giáo hội Methodist để tìm một con đường thích hợp với bản chất của mình hơn.
Năm 1888, Tống Charlie được giới thiệu vào các tổ chức bí mật tại Thượng Hải và bắt đầu giai đoạn hoạt động cách mạng. Tống Charlie gia nhập Hồng Hội, một tổ chức chống lại triều đình Mãn Thanh. Chính Văn Bình Chung đã đưa Tống Charlie vào Hồng Hội, và sau này chính Tống Charlie là người đã in những tài liệu bí mật của hội. Hồng Hội giúp đỡ hội viên về tinh thần và vật chất, và nhằm mục đích lật đổ nhà Mãn Thanh. Hồng Hội đã theo đuổi mục tiêu này từ ba thế kỷ trước, kể từ ngày nhà Minh bị nhà Mãn Thanh thay thế.
Tuy nhiên cơ hội giúp Tống Charlie làm giầu chưa đến ngaỵ Chàng rất thành công trong nghề truyền giáo. Năm 1888, Tống Charlie được lên chức mục sư, năm sau được đổi về Thượng Hải, và năm 1890 thì chính thức được bổ nhiệm trông coi một nhà thờ tại Thượng Hải, không còn phải đi thuyết giảng lưu động như trước kia nữa. Chính lúc này Tống Charlie đã thành lập được một nhà in. Bây giờ chàng không còn cần giáo hội Methodist nữa, và từ chức.
Ngay từ cuối năm 1889 Tống Charlie đã bắt đầu in Thánh Kinh, và được giáo hội Methodist trợ cấp. Sau đó Tống Charlie in Thánh Kinh cho nhiều giáo hội khác nhau và nhận trợ cấp của các giáo hội ấy. Đến khi nhà in của Tống Charlie bắt đầu in các loại sách khoa học, lịch sử và kỹ thuật của tây phương thì lợi tức của họ Tống đã khá lắm rồi.
Đầu năm 1890 Quế Sương sinh con gái đầu lòng và đặt tên là Tống Ái Linh. Đến ngày 27-1-1892, Tống Khánh Linh ra chào đời. Vào lúc sinh Khánh Linh thì Tống Charlie đã giàu có rồi. Dùng của hồi môn của vợ và tiền đầu tư của Văn Bình Chung, và sự trợ giúp của Hồng Hội, Tống Charlie mua thêm máy in, và một căn nhà trong khu tô giới Pháp để thành lập nhà in Hoa-Mỹ Ấn Quán.
Phú quý sinh lễ nghĩa. Tống Charlie biết mình không phải họ Tống và đã lỡ nhận họ Tống rồi thì muốn cho họ Tống có danh tiếng. Tống Charlie bèn cho in bộ sách "Bách Gia" đầu tiên về các dòng họ Trung Hoa mà chàng cho là danh giá cao quý nhất. Dĩ nhiên trong cuốn Bách Gia này có ghi cả họ Tống để được thừa nhận là người quý phái. Trên các tấm danh thiếp, Tống Charlie bỏ hẳn cái tên lai căng Tống Charlie, và thay thế vào đó là cái tên Tống Giáo Nhân thuần túy Trung Hoa. Cùng với cái tên mới Tống Giáo Nhân, tiền vào tay họ Tống mỗi ngày một nhiều hơn, và Tống Giáo Nhân nghiễm nghiên trở thành một phú thương có máu mặt tại Thượng Hải. Các hoạt động bí mật chống triều đình Mãn Thanh của Tống Giáo Nhân không hề bị phát giác, nhờ đức tính rất kín miệng của Tống.
Thời thế tại Trung hoa đã đến lúc phải thay đổi. Giới sĩ phu cho rằng Trung Hoa bị tây phương làm nhục chỉ vì tây phương có vũ khí mạnh hơn. Họ liền tìm cách chế tạo vũ khí mới và đào tạo quân đội Trung Hoa theo kiểu mẫu tây phương. Một số sĩ phu khác có khuynh hướng cải cách, quan niệm rằng sức mạnh của tây phương không phải là ở vũ khí, mà là ở sức mạnh kỹ nghệ. Lập tức kỹ thuật tây phương được khai thác, và các ngành kỹ nghệ mới như tơ sợi, thuốc lá, thực phẩm, ngân hàng, đóng tàu, và các cơ sở buôn bán bành trướng mau lẹ. Chính trong giai đoạn này giai cấp trung lưu của Trung Hoa bắt đầu xuất hiện. Trong hoàn cảnh đó, Tống Giáo Nhân, một người giỏi thổ ngữ Hải Nam, thổ ngữ Thượng Hải, thông thạo Anh ngữ, và trong lúc đàm đạo lại hay trích dẫn những tư tưởng đạo đức trong Thánh Kinh, đã mau lẹ trở thành một người mại bản có thế lực, và rất thành công đại diện cho tây phương. Một chú bé Triều Châu nghèo khó đi hoang, nay nghiễm nhiên trở thành một triệu phú tại Thượng Hải.
Các Bang Hội Và Công Cuộc Phản Thanh Phục Minh
Người Trung Hoa bất mãn và thù ghét triều đình Mãn Thanh, và lấy các nhân vật Lương Sơn Bạc trong truyện Thủy Hử làm kiểu mẫu chống lại nhà Thanh. Rất nhiều tổ chức bí mật, bang hội hoạt động cho mục đích lật đổ nhà Mãn Thanh. Biểu tượng cho các tổ chức Phản Thanh Phục Minh là một hình tam giác, còn gọi là Tam Điểm, tượng trưng cho quan niệm nhân sinh của người Trung hoa, gồm có: Trời, Đất và Người.
Bang hội là một nét đặc biệt trong xã hội Trung hoa, biểu thị phản ứng của nông dân, thợ thuyền, dân nghèo tại các thành thị, chống lại sự đàn áp của giai cấp thống trị. Lịch sử Trung Hoa là hàng loạt những cuộc nổi dậy của nông dân chống lại những triều đình hà khắc hoặc những triều đại ngoại xâm. Trong những cuộc nổi dậy ấy, các bang hội đóng vai trò lãnh đạo quần chúng. Hoạt động của các bang hội không phải chỉ là những cuộc đấu tranh chính trị hay vũ trang, mà còn bao gồm nhiều hoạt động khác: có thể là một cuộc tấn công vào nha môn để giết tham quan hoặc giải thoát tù nhân - có thể là phục kích cướp đoạt hàng hóa, tiền thuế, lương thực, hoặc bắt cóc người đòi tiền chuộc - có thể là tấn công các nhà giầu, thương gia hoặc địa chủ...
Thành phần chủ yếu của bang hội là các nông dân không có ruộng phải đi lang thang kiếm miếng ăn, hoặc những thợ thuyền đi vào bước đường cùng, và đặc biệt là những binh lính bị giải ngũ. Khi có chiến tranh thì nhà nước bắt nông dân đi lính ồ ạt, nhưng khi hết chiến tranh, nhà nước sa thải lính hàng loạt tại chỗ. Những người này không có phương tiện trở về quê, đành phải sống lang thang, và dễ gia nhập các bang hội để tìm chỗ nương thân. Vả lại sau một thời gian làm lính, những nông dân hiền lành trở thành những tay côn đồ, quen cướp bóc hà hiếp dân chúng, và do đó họ không còn muốn trở lại với nghề nông nữa.
Một bang hội lâu đời nhất tại Trung hoa là Bạch Liên Giáo, bắt đầu ra đời từ thế kỷ 12, và có một vai trò quan trọng trong công cuộc chống lại sự thống trị của người Mông Cổ. Khi nhà Mãn Thanh chiếm được Trung Hoa, Bạch Liên Giáo cũng phát động vài cuộc nổi dậy, nhưng thất bại. Mặc dù không đạt được thắng lợi, nhưng các bang hội cứ tiếp tục tồn tại trong nhiều thế kỷ. Mỗi lần bị đàn áp, bang hội bị tan rã, nhưng những người còn sống sót lại tiếp tục tập hợp và tổ chức lại. Số hội viên của các tổ chức bí mật này gia tăng rất nhanh, và về sau có đủ thành phần trong xã hội tham gia. Có những tổ chức hoàn toàn vì lòng ái quốc, nhưng cũng có nhóm dùng tinh thần ái quốc che dấu những hoạt động tội ác của họ. Vào cuối thế kỷ 19 có ba tổ chức nổi bật nhất là Thiên Địa Hội, Tam Điểm Hội và Tam Hòa Hội.
Tam Hòa Hội ra đời từ thế kỷ 17, khi người Mãn Châu lật đổ nhà Minh và lập nên nhà Mãn Thanh. Người Trung Hoa không phục người Mãn Châu, và nhiều tổ chức bí mật được thành lập với chủ trương Phản Thanh Phục Minh. Các nhà sư chùa Thiếu Lâm cũng tham gia công cuộc này. Bề ngoài chùa Thiếu Lâm giả vờ thần phục nhà Thanh để chờ thời cợ Năm 1678, nhà Thanh mở một cuộc chinh phạt một bộ tộc tại Tân Cương. Các nhà sư Thiếu Lâm xin đi theo tham chiến với quân nhà Thanh, nhưng thực tâm muốn tìm cơ hội liên kết với bộ tộc Tân Cương chống lại nhà Thanh. Nhưng âm mưu của các nhà sư Thiếu Lâm bị bại lộ, và tất cả các nhà sư Thiếu Lâm đều bị quan quân nhà Thanh hành quyết, và ngôi chùa bị hỏa thiêu.
Nhưng có năm nhà sư Thiếu Lâm may mắn trốn thoát, và thành lập Tam Hòa Hội, với mục đích diệt nhà Thanh để phục thù. Tam Hòa Hội đã gây khốn đốn cho triều đình, vì thế những người thuộc Tam Hòa Hội mà bị triều đình bắt được thì thường bị những hình phạt tàn khốc hơn các người thuộc bang hội khác. Thực ra Tam Hòa Hội, Tam Điểm Hội và Thiên Địa Hội đều giống nhau trong mục đích là khôi phục nhà Minh, nên mọi người trong ba hội này đều tự nhận là con cháu nhà Minh, tức là Hồng Nhị Chữ Hồng thoát thai từ chữ Hồng Võ, niên hiệu của Chu Nguyên Chương, ông vua khai sáng nhà Minh.
Về tổ chức, lúc đầu Tam Hòa Hội không có cơ quan trung ương, và mỗi hội viên chỉ trực thuộc vào phân đàn của mình. Tam Hòa Hội có năm phân đàn ở năm tỉnh lớn, tượng trưng cho năm vị sư sáng lập, thuộc các tỉnh Phúc Kiến, Quảng Đông, Vân Nam, Hồ Nam và Chiết Giang. Như vậy sức mạnh của Tam Hòa Hội đều tập trung tại miền nam Trung Hoa, và nhà Mãn Thanh cũng bị chống đối mạnh nhất tại miền nam Trung Hoa. Từ giữa thế kỷ 19, Tam Hòa Hội chuyển hoạt động về các thành phố duyên hải, đặc biệt là Thượng Hải, Quảng Châu...
Một trong những lãnh tụ quan trọng nhất trong phong trào Phản Thanh Phục Minh là Tôn Văn, tự là Dật Tiên. Tôn Dật Tiên sinh ngày 12-11-1866 tại một làng ven biển thuộc tỉnh Quảng Đông. Thuở nhỏ Tôn Dật Tiên học trường làng cho đến năm 13 tuổi thì theo mẹ đến đảo Hawaii, vì có người anh di cư lập nghiệp tại đó. Tại Hawaii, Tôn Dật Tiên theo học trường trung học Iolani, một trường nội trú dành cho con trai được sự bảo trợ của Hội truyền giáo Anh quốc. Sau ba năm, gia đình nghe biết Tôn Dật Tiên đã theo đạo Thiên Chúa, nên không cho học nữa và bắt Tôn Dật Tiên phải xuống tàu về nước. Khi về đến Trung hoa, Tôn Dật Tiên biểu thị tín ngưỡng mới của mình bằng cách đập phá các pho tượng trong một ngôi đền trong làng, và do đó Tôn Dật Tiên bị người làng tức giận, trục xuất ra khỏi làng.
Tôn Dật Tiên quen biết một bác sĩ người Mỹ, và ông ra Hương Cảng theo học ngành y khoa. Tôn Dật Tiên tốt nghiệp bác sĩ năm 1892. Ông hành nghề y sĩ tại Ma Cao một thời gian rất ngắn, khoảng hai năm. Tôn Dật Tiên không quan tâm nhiều đến nghề thày thuốc, và ông bỏ nghề thuốc khi Trung Hoa bị Nhật bản đánh bại năm 1895. Cuộc đời của ông sau đó là những ngày gian lao của một nhà cách mạng lúc nào cũng ở trong tình trạng trốn tránh lưu đày. Ông có hoài bão nâng Trung Hoa lên ngang hàng với các quốc gia khác. Tôn Dật Tiên quyết liệt chủ trương phải lật đổ nhà Mãn Thanh. Ông có tài diễn thuyết lôi cuốn quần chúng nên được nhiều thanh niên đi theo.
Năm 1894, Tống Giáo Nhân gặp Tôn Dật Tiên lần đầu tiên. Cả hai đều thuộc Tam Hòa Hội. Hai người có nhiều điểm tương đồng: cùng nói thổ ngữ miền nam Trung Hoa, cùng theo đạo Thiên Chúa, cùng được giáo dục tại Hoa Kỳ, và cùng có nhiều tham vọng. Do đó hai người trở thành bằng hữu chí thân một cách mau lẹ. Bất cứ khi nào đến Thượng Hải, Tôn Dật Tiên cũng tới cư ngụ tại nhà Tống Giáo Nhân. Con cái nhà họ Tống coi Tôn Dật Tiên như một người trong gia đình, một thứ cha chú. Đối với Tống Giáo Nhân thì Tôn Dật Tiên tượng trưng cho một ngọn lửa tinh khiết của những lý tưởng đã đem lại cho Tống Giáo Nhân một ý nghĩa cao đẹp cho cuộc đời, ngoài những lúc tính toán làm giàu.
Công cuộc Phản Thanh Phục Minh của Tôn Dật Tiên cần phải được quảng bá cho quần chúng, và phương tiện hữu hiệu nhất lúc đó là truyền đơn. Không một nhà in nào dám in truyền đơn cho Tôn Dật Tiên, vì triều đình nhà Thanh lúc nào cũng rình tìm và sẵn sàng dùng những biện pháp trừng phạt đẫm máu cho cái tội bị gọi là "phản nghịch" này. Chỉ có nhà in của Tống Giáo Nhân phải cáng đáng cái việc làm nguy hiểm ấy. Đó là một sự hy sinh lớn lao của Tống Giáo Nhân cho công cuộc cách mạng, vì bất cứ lúc nào gia đình Tống Giáo Nhân cũng có thể bị chính quyền nhà Thanh bắt và hành quyết.
Theo đúng truyền thống gia đình Trung hoa, bà Tống ít khi quan tâm tới hành động của Tôn Dật Tiên, người bạn thân của chồng bà. Bà cũng không thắc mắc khi thấy chồng và Tôn Dật Tiên thức rất khuya bàn luận trong phòng riêng. Bà không hề ngờ rằng cái đầu của Tôn Dật Tiên, một người có bề ngoài hiền lành phúc hậu như thế, đã bị triều đình Mãn Thanh treo một giá rất cao. Chồng bà may mắn thoát tên trong danh sách những tên "phản nghịch" đầu tiên. Tuy vậy khi được chồng cho biết lúc nào gia đình nhà họ Tống cũng phải sẵn sàng chạy trốn thì bà không hề phản đối hoạt động nguy hiểm của chồng, và hết mình ủng hộ và đi theo chính nghĩa của chồng.
Tôn Dật Tiên đòi hỏi những cải cách xã hội cho Trung hoa. Tam Hòa Hội cử Tôn Dật Tiên đi gặp thừa tướng Lý Hồng Chương để đạo đạt những yêu sách. Lúc đó Lý Hồng Chương đang mải lo đối phó với việc quân Nhật đánh chiếm Cao Ly, một thuộc quốc của Trung hoa, nên không tiếp Tôn Dật Tiên. Sau chuyến đi thất bại, Tôn Dật Tiên trở lại Honolulu đảo Hawaii và thành lập Hưng Trung Hội. Ông bôn ba nhiều nơi để tìm sự trợ giúp cho công cuộc Phản Thanh Phục Minh của ông. Mỗi khi ông trở về Thượng Hải, ông thường cư ngụ ngay tại nhà Tống Giáo Nhân. Tôn Dật Tiên được gia đình nhà họ Tống rất quý trọng, và coi ông như người cha đỡ đầu cho các con của Tống Giáo Nhân.
Các tổ chức Phản Thanh Phục Minh luôn luôn tìm cách gây khó khăn cho triều đình Mãn Thanh. Một lãnh tụ Cao Ly thân Nhật đến thăm Thượng Hải, và bị các tổ chức Phản Thanh ám sát chết. Một nhóm của Hồng Hội đem xác của nạn nhân chặt ra làm nhiều mảnh, và gửi trả về Cao Ly bằng một chiến thuyền của hải quân Trung hoa. Người Nhật vô cùng phẫn nộ, và chiến tranh giữa Nhật và triều đình Mãn Thanh có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Vì thế triều đình Mãn Thanh phải dồn hết nỗ lực về miền bắc, và lơi là miền nam; nhờ thế các tổ chức Phản Thanh Phục Minh được tự do hoạt động hơn tại miền nam.
Ngày 1-8-1894, cuộc xung đột giữa Nhật và quân Mãn Thanh xảy ra, và quân nhà Thanh thảm bại nhục nhã. Sự kiện này càng làm dân chúng Trung Hoa căm phẫn sự bất lực của triều đình Mãn Thanh. Tôn Dật Tiên lập tức khởi sự một cuộc nổi dậy tại miền nam trong vùng Quảng Châu. Tống Giáo Nhân được ủy thác ở lại Thượng Hải lo về vấn đề tài chánh cho Tôn Dật Tiên, và làm tai mắt cho Tôn Dật Tiên tại lưu vực sông Dương Tử.
Tôn Dật Tiên chọn ngày Song Cửu (9-9-1895) làm ngày khởi nghĩa, vì ngày đó dân chúng Trung Hoa đi tảo mộ đông đảo, nên việc tập trung và vận chuyển nhân sự của Hồng Hội sẽ không bị quan quân nhà Thanh nghi ngờ. Tại Quảng Châu, Tôn Dật Tiên tuyển được 153 lính đánh thuệ Những người này được lệnh bố trí tại tư gia của viên tổng đốc và các sĩ quan, và sẽ ra tay bắt giữ những người này khi cuộc khởi nghĩa bắt đầu. Sức mạnh chính của cuộc khởi nghĩa là ba ngàn tay anh chị của tổ chức Hồng Hội, và lực lượng này được trang bị bằng một ngàn khẩu súng lục.
Theo kế hoạch dự liệu, tất cả vũ khí và người sẽ tập trung tại Hương Cảng và di chuyển tới Quảng Châu bằng đường biển. Khi nào nhóm anh chị Hồng Hội tới Quảng Châu thì cuộc khởi nghĩa bắt đầu. Một sự trục trặc xảy ra ngay tại bến tầu Hương Cảng. Trong khi vũ khí được chuyển xuống tàu thì các tay anh chị chia làm hai phe, phe nào cũng đòi hỏi phe mình phải được dùng súng, vì số người nhiều hơn súng. Trong khi hai phe còn mải tranh luận trên bờ thì con tàu nhổ neo theo đúng giờ đã ấn định trước. Vũ khí được chở đi Quảng Châu mà không có người đi theo.
Tôn Dật Tiên ở Quảng Châu lâm vào cảnh tiến thoái lưỡng nan: có vũ khí mà không có quân xử dụng vũ khí. Nếu cứ tiếp tục cuộc khởi nghĩa thì nhất định sẽ thất bại, vì không đủ quân số cần thiết. Tôn Dật Tiên đành phải hoãn cuộc khởi nghĩa, và đánh điện cho Hương Cảng và Thượng Hải biết quyết định mới nhất của mình. Nhưng trước khi điện tín của Tôn Dật Tiên tới được Hương Cảng thì cuộc tranh luận của hai phe anh chị tại bến tầu chấm dứt, và tất cả kéo nhau xuống tầu đi Quảng Châu, trễ hơn một ngày theo kế hoạch dự liệu từ trước.
Đến lúc đó thì cảnh sát Anh tại Hương Cảng nghe biết được tin tức của cuộc khởi nghĩa, liền báo cho nhà chức trách Mãn Thanh tại Quảng Châu biết. Khi con tàu chở ba ngàn tay anh chị cặp bến Quảng Châu thì đã có quan quân nhà Thanh chờ họ trên bến. Các tay anh chị thấy thế nguy liền nhảy cả xuống biển, và hầu hết trốn thoát. Tuy nhiên nhà chức trách cũng bắt được một số cấp lãnh đạo và 50 đoàn viên khởi nghĩa. Ngay tại thành phố Quảng Châu, quan quân nhà Thanh mở cuộc ruồng bố, bắt thêm được nhiều người trong tổ chức, tịch thu được một số vũ khí, quân phục và lá cờ hiệu của quân khởi nghĩa. Tôn Dật Tiên kịp thời trốn sang Ma Cao, và dùng thuyền chạy sang Hương Cảng.
Số phận những người bị bắt thật là thê thảm. Họ bị trừng phạt theo luật lệ khắt khe của nhà Thanh. Nhiều người bị chém đầu; một số khác phải chịu những cái chết đau đớn hơn: bị đánh 600 roi cho đến chết hoặc bị xẻo từng mảnh thịt cho đến chết.
Tuy thế, cuộc khởi nghĩa thất bại cũng đem lại danh tiếng lớn lao cho Tôn Dật Tiên, một người được coi là tượng trưng cho công cuộc lật đổ nhà Mãn Thanh. Trong suốt 16 năm sau đó, Tôn Dật Tiên phải lẩn trốn từ nước này sang nước khác, tìm mọi cách trốn tránh sự truy nã của các tay ám sát bắt cóc cừ khôi của nhà Thanh. Tống Giáo Nhân đã đóng góp rất nhiều cho công cuộc cách mạng của Tôn Dật Tiên bằng cách cung cấp tiền bạc cho Tôn Dật Tiên và các tổ chức bí mật của Tôn Dật Tiên.
Trong thời gian này, Tôn Dật Tiên tổ chức thêm vài cuộc khởi nghĩa nữa, nhưng đều thất bại. Năm 1900 cuộc nổi loạn của Nghĩa Hòa Đoàn chống lại tây phương thất bại. Liên quân tây phương tiến vào Bắc Kinh, và Từ Hy thái hậu và vua Quang Tự phải bỏ chạy khỏi kinh thành. Sự nhục nhã của Trung hoa trước sức mạnh của tây phương đã đến chỗ cùng cực. Nhiều sinh viên trốn qua Nhật, tìm học thuật quân sự và khoa học của Nhật Bản để rửa nhục. Tất cả đều quy tụ quanh Tôn Dật Tiên, coi ông như một nhà cách mạng duy nhất có thể quang phục được nước Trung Hoa. Tôn Dật Tiên nắm lấy thời cơ, thuyết phục các phe nhóm chống lại nhà Thanh đoàn kết với ông, và lập thành một tổ chức duy nhất, gọi là Đồng Minh Hội do ông lãnh đạo.
Cuộc đại hội của Đồng Minh Hội tổ chức ngày 30-7-1905 tại Đông Kinh. Tống Giáo Nhân cũng từ Thượng Hải tới tham dự, và được đại hội cử giữ nhiệm vụ lo tài chánh cho hội, vì mọi người biết Tống Giáo Nhân có nhiều liên hệ với giới tài phiệt Hoa Kỳ. Tống Giáo Nhân có bổn phận tìm ra tiền cho hội có phương tiện hoạt động. Đồng Minh Hội đã chọn đúng người. Thành quả của cuộc cách mạng Trung Hoa phần lớn do công lao tài chánh của Tống Giáo Nhân.