Trong thời gian giữ chức bộ trưởng tài chánh cho chính phủ Nam Kinh, Tống Tử Văn đã đắc lực giúp Tưởng Giới Thạch về tài chánh bằng cách phát hành các công khố phiếu để thu hút tiền bạc của giới thương gia. Họ Tống đã phá hủy sức mạnh của tư bản Trung hoa, biến họ thành nô lệ cho chế độ độc tài của Tưởng. Công khố phiếu thu hút hầu hết tiền bạc của giới tư bản, và do đó tiềm năng phát triển kỹ nghệ của Trung hoa bị ảnh hưởng tai hại. Khi Khổng Tường Hy lên giữ chức bộ trưởng tài chánh thay Tống Tử Văn thì tất cả công trình thuế khoá của Tống Tử Văn đều sụp đổ, và các tỉnh trở lại đường lối thu thuế cũ.
Lúc đó không còn những vụ tống tiền một cách lộ liễu như năm 1927 nữa, nhưng vẫn còn sự ép buộc giới thương gia phải cúng tiền cho Tưởng. Tuy vậy, lợi tức thu được vẫn không đủ cho Tưởng phát động những chiến dịch tiễu trừ cộng sản. Tống Tử Văn yêu cầu tiết giảm quân phí, và đòi thành lập Ủy ban Ngân sách với sự hậu thuẫn của các nhà tư bản Thượng Hải. Tưởng đành phải thiết lập Ủy ban này, nhưng với thành phần là các sứ quân, như Tưởng, Phùng Ngọc Tường, Diêm Tích Sơn và Lý Tông Nhân. Tống Tử Văn là người dân sự duy nhất trong ủy ban. Khi quân đoàn Bắc Phạt tiến tới Bắc Kinh thì các sứ quân say men chiến thắng càng mặc sức vơ vét tiền bạc. Tưởng bắt các ngân hàng cho vay ba triệu, và bắt Tống Tử Văn phải lên Bắc Kinh gây quỹ 50 triệu cho chính phủ bằng cách bán công khố phiếu. Trung hoa hoàn toàn nằm trong tay các sứ quân tham lam, luôn luôn đòi hỏi tiền cho những lính ma và các chiến dịch ma của họ.
Khi các nhà tư bản Thượng Hải tìm cách chống lại Tưởng thì lập tức một cuộc biểu tình tràn vào cơ sở của phòng Thương mại, cướp phá tài sản và cuối cùng phòng Thương mại được tái lập với người và đường lối của Bố già Đỗ Đại Nhĩ.
Năm 1931 khi sứ quân Trương Tác Lâm của Mãn châu đi hàng hai, không chịu hợp tác hẳn với người Nhật thì xe lửa của họ Trương bị phe quá khích Nhật giật mìn nổ. Con trai là thống chế Trương Học Lương lên thaỵ Người Nhật ám sát Trương Tác Lâm với hy vọng Trương Học Lương sẽ hợp tác với Nhật. Nhưng khi Trương Học Lương quyết định liên kết với Nam Kinh thì Nhật chiếm những khu vực kỹ nghệ giầu tài nguyên của Mãn châu, và sát nhập vào Triều Tiên. Quần chúng Trung hoa vô cùng phẫn nộ thái độ thờ ơ của Tưởng Giới Thạch trước sự xâm lăng trắng trợn của Nhật Bản. Tưởng chỉ yêu cầu quần chúng phải "giữ một sự bình tĩnh xứng đáng."
Quần chúng nổi loạn, phá các cơ sở thương mại Nhật Bản tại Thượng Hải, và yêu cầu chính phủ phải tuyên chiến với Nhật. Tưởng vẫn hoàn toàn im lặng. Người ta cho rằng giữa Tưởng và Nhật đã có một thỏa hiệp mật. Ngoài ra Bố già Đỗ Đại Nhĩ và gia đình Tống Mỹ Linh có liên hệ thương mại mật thiết với người Nhật. Trong những trường hợp khó khăn như vậy, Tưởng chỉ đề nghị áp dụng nguyên tắc của môn võ công Thái Cực, nghĩa là khi kẻ địch áp lực mạnh, ta chỉ nên đứng né sang một bên để kẻ địch mất đà và tự ngã.
Lần này dường như quần chúng không chấp nhận sách lược thụ động của Tưởng, vì chờ đợi mãi kẻ thù vẫn chưa tự ngã. Quần chúng tự động đứng lên tẩy chay hàng hóa Nhật. Giữa tháng 1 năm 1932, năm nhà sư Nhật bị dân chúng Trung hoa hành hung ngoài đường phố, một người bị tử thương sau đó. Một toán dân Nhật bạo động trả thù, kết quả là một cảnh sát Trung hoa và một người Nhật thiệt mạng. Ngày 18-1, năm người Nhật bị đón đánh bên ngoài một nhà máy dệt khăn. Hai hôm sau, năm mươi thanh niên Nhật vũ trang kiếm và gậy đi trả thù. Toán người Nhật nổi lửa đốt cháy một nhà máy dệt khăn, và hai người Trung hoa tử nạn.
Chính phủ Nhật chính thức đòi Trung hoa phải xin lỗi, trả phí tổn chữa trị cho nạn nhân Nhật, và giải tán các tổ chức bài Nhật. Tới ngày 24-1, chiến hạm Nhật tiến vào Thượng Hải. Hai ngày sau, trong lúc thị trưởng Thượng Hải chưa trả lời thì lãnh sự Nhật ra tối hậu thư, và thông báo cho các lực lượng ngoại quốc tại Thượng Hải biết quân Nhật sẽ tấn công thành phố ngày 28-1 nếu không được thị trưởng Thượng Hải trả lời thỏa đáng. Hội đồng thành phố Thượng Hải tuyên cáo tình trạng khẩn cấp. Trong hoàn cảnh đó, Tưởng Giới Thạch vẫn giữ im lặng, vẫn theo đuổi nguyên tắc của võ công Thái Cực, mặc dù quân đội của Tưởng đông hơn quân Nhật. Tưởng chỉ kêu gọi hội Quốc Liên can thiệp và dời chính phủ Nam Kinh tới một địa điểm an toàn hơn.
Đô đốc Nhật Shiozawa tuyên bố, "Người Trung hoa chỉ biết kinh sợ sức mạnh thôi." Việc tấn công Thượng Hải có mục đích bắt người Trung hoa phải khiếp sợ và phục tùng Nhật Bản. Nhưng chính tại đây, người Nhật đã đụng phải sức kháng cự anh dũng của Lộ quân 19 dưới quyền chỉ huy của tướng Thái Đình Khải. Lộ quân 19 tự động chiến đấu bảo vệ Thượng Hải không do lệnh của Tưởng. Lộ quân 19 di chuyển từ Quảng Đông và được lệnh đóng tại Thượng Hải để phục vụ cho Bố già Đỗ Đại Nhĩ. Nhưng khi quân Nhật tấn công Thượng Hải thì mọi người kinh ngạc trước sự chiến đấu dũng cảm của lộ quân này. Tướng Thái Đình Khải tuyên bố, "Quân Nhật có tất cả sức mạnh của chiến tranh hiện đại. Họ có chiến xa, pháo binh, phi cơ và một hạm đội mạnh nhất Á Châu, trong khi chúng tôi chỉ có súng trường và súng máy. Nhưng sự kháng chiến của chúng tôi được xây dựng trên nguyên tắc căn bản: quyền của bất cứ dân tộc nào tự bảo vệ chống lại ngoại xâm, đe dọa sự sống còn của quốc gia họ. Quân sĩ thuộc Lộ quân 19 biết rất rõ điều này, và họ chiến đấu với một tinh thần rất cao."
Lộ quân 19 có 45 ngàn binh sĩ tham dự cuộc cách mạng quốc gia năm 1926, và là lộ quân đầu tiên tại Trung hoa và gồm những quân nhân tình nguyện. Lộ quân 19 được coi là đạo quân thiện chiến nhất tại vùng hạ lưu sông Dương Tử. Khi Tưởng Giới Thạch lợi dụng thời cơ chiếm đoạt Thượng Hải thì lộ quân 19 bất mãn, nhưng vốn là những quân nhân có kỷ luật, họ tuân lệnh rút ra khỏi Thượng Hải. Khi quân Nhật tiến vào Thượng Hải thì họ quay trở lại trong quyết tâm bảo vệ Thượng Hải. Trong hai ngày đầu, toàn thể Trung hoa nức lòng ủng hộ họ, theo dõi sự chiến đấu dũng cảm của những đứa con yêu của tổ quốc. Hàng ngàn thanh niên tìm đến hỗ trợ cho Lộ quân 19.
Cuộc chiến diễn ra dữ dội tại từng đường phố. Quân Nhật phải mất 34 ngày hành quân, huy động cả hải quân, không quân và 65 ngàn lục quân mới đẩy lui được Lộ quân 19 ra khỏi Thượng Hải. Lộ quân 19 bị thiệt hại nặng, phân nửa lực lượng bị tiêu diệt và cần phải được tăng cường gấp rút. Trong lúc Lộ quân 19 chiến đấu chống lại một lực lượng địch quá chênh lệch về sức mạnh thì quân đội gồm hai triệu người của Tưởng án binh bất động, đứng nhìn Lộ quân 19 chiến đấu và sắp tan rã. Tưởng hứa tăng cường 100 ngàn quân cho Lộ quân 19, nhưng về sau chỉ phái hai sư đoàn 87 và 88, tổng cộng chỉ có 15 ngàn quân. Hai sư đoàn này mới thành lập chưa có kinh nghiệm tác chiến, và bị tiêu diệt hai phần ba lực lượng.
Tống Tử Văn phải tung đạo quân thu thuế 30 ngàn người của mình vào chiến trường để trợ giúp Lộ quân 19. Tuy vậy phía Trung hoa không chống lại được sức mạnh của quân Nhật có vũ khí quá tối tân. Vào lúc ngưng bắn ngày 3-3-1932 thì 600 ngàn người Thượng Hải trở thành dân tỵ nạn, sự buôn bán ngưng trệ hẳn, lợi tức suy giảm 75 phần trăm, 900 cơ xưởng kỹ nghệ và thương mại bị phá hủy, một sự thiệt hại lên tới 170 triệu.
Đứng trước sự tàn phá khủng khiếp của trận chiến, Tống Tử Văn phải tuyên bố, "Nếu Trung hoa phải lựa chọn giữa cộng sản và quân phiệt Nhật Bản thì Trung hoa phải đi theo cộng sản." Tống Tử Văn rất căm phẫn và tủi nhục khi Trung hoa bị Nhật Bản xâm lăng, thoạt đầu là Mãn châu, và bây giờ là Thượng Hải, trong lúc đó hội Quốc Liên không hề lên tiếng can thiệp. Lời tuyên bố nẩy lửa của Tống Tử Văn đã đưa ông vào vị trí chống đối lại Tưởng Giới Thạch.
Đối với Tưởng thì mối lo tâm phúc là cộng sản, và luôn luôn đòi tiền để chi dùng cho những chiến dịch tiễu trừ quân cộng sản. Tống Tử Văn và giới tài phiệt Thượng Hải rất bất mãn, cho rằng Tưởng đã không nhìn thấy mối nguy thực sự là Nhật Bản. Giới tài phiệt đứng lên tổ chức Phong Trào Chống Nội Chiến, và chống lại việc dùng quân sự để giải quyết những vấn đề chính trị nội bộ. Tuy nhiên Phong trào này không đạt được kết quả mong muốn.
Lộ quân 19 được quần chúng kính phục như những vị anh hùng và Tưởng Giới Thạch rất khó chịu sự kiện này. Tưởng liền ra lệnh cho Lộ quân 19 tiến vào vùng Phúc Kiến để đương đầu với quân du kích cộng sản. Khi đẩy Lộ quân 19 anh hùng ra khỏi Thượng Hải, Tưởng muốn mượn du kích cộng sản tiêu diệt dần đơn vị được quần chúng ngưỡng mộ. Tống Tử Văn bất mãn và từ chức. Nhưng Tưởng không thể để mất một cây tiền như Tống Tử Văn, và đi đến một sự dung hoà là Tống Tử Văn vẫn tiếp tục giữ bộ trưởng tài chánh, và được kiêm thêm chức phó thủ tướng, và được thực sự nắm quyền thủ tướng. Thủ tướng Uông Tinh Vệ phải tuyên bố từ chức vì lý do sức khoẻ, cần phải đi điều trị tại ngoại quốc, và Tống Tử Văn đảm nhiệm chức vụ quyền thủ tướng.
Trong khi đó quân Nhật tại Mãn châu đang cố gắng chiếm thêm những vùng đất của tỉnh Hồ Bắc, với danh nghĩa là dẹp quân cộng sản. Tống Tử Văn cực lực chống lại sự xâm lăng của quân Nhật, và mở chiến dịch tẩy chay hàng hóa Nhật tại khắp lãnh thổ Trung hoa, và lên án hội Quốc Liên làm ngơ trước sự xâm lăng trắng trợn của Nhật. Khi quân Nhật tấn công Hồ Bắc thì chính Tống Tử Văn đã đích thân lên Hồ Bắc để đối phó với tình thế cùng thống chế Trương Học Lương, trong lúc Tưởng Giới Thạch vẫn im lặng một cách khó hiểu.
Tống Tử Văn trở về Thượng Hải, mở một cuộc bán công phố phiếu để tài trợ cuộc chiến đấu kháng Nhật. Nhưng Tưởng đã ra lệnh rút quân khỏi thủ phủ Hồ Bắc, bỏ mặc cho quân Nhật tiến chiếm. Đúng lúc đó, Uông Tinh Vệ được thông báo đã khỏi bệnh, và trở về nắm lại chức thủ tướng từ tay Tống Tử Văn, và ký một hiệp ước đình chiến với Đông Kinh. Hòa ước này thực ra chỉ là một sự đầu hàng và dâng tỉnh Hồ Bắc cho Nhật Bản.
Tống Tử Văn được một nhà xuất bản Mỹ mời qua Hoa Kỳ. Tại đây Tống đã thành công gây được sự tin tưởng và vay được một ngân khoản 50 triệu mỹ kim. Tống Tử Văn hy vọng phát triển kỹ nghệ Trung hoa. Nhưng khi trở về Trung hoa thì họ Tống bị người Nhật dùng áp lực đòi Tưởng loại Tống ra khỏi chính quyền. Điều tệ hại hơn nữa cho Tống Tử Văn là trong lúc vắng nhà, Tưởng đã xài thâm thủng một số nợ lớn nữa và bắt Tống Tử Văn phải tìm cách bù đắp.
Ngày 25-10-1933, Tống Tử Văn và Tưởng Giới Thạch bàn cãi về các biện pháp tìm thêm ngân khoản khẩn cấp. Tưởng buộc tội Tống Tử Văn đã không kiếm đủ tài chánh khiến cho các chiến dịch tiêu diệt cộng sản bị thất bại. Khi Tống Tử Văn cãi lại thì Tưởng nổi nóng, vung tay tát vào mặt họ Tống. Tống Tử Văn đứng dậy bỏ ra về và nộp đơn từ chức bộ trưởng tài chánh và phó thủ tướng. Khi trả lời báo chí, Tống Tử Văn châm biếm rằng mình "mắc bệnh" nên phải từ chức, nhưng khi nói chuyện riêng, họ Tống thú nhận làm bộ trưởng tài chánh không khác gì làm một con chó cho Tưởng Giới Thạch. Dẫu sao người Nhật đã toại nguyện khi Tống Tử Văn không còn trong chính phủ nữa.
Khổng Tường Hy được chọn lên làm bộ trưởng tài chánh thay thế Tống Tử Văn. Trong suốt 11 năm sau đó, Khổng Tường Hy hoàn toàn làm theo lệnh của Tưởng, và hủy hoại tất cả công trình về tài chánh của Tống Tử Văn. Vào năm 1945, vật giá leo thang tới 2,500 phần trăm so với lúc Khổng Tường Hy mới đảm nhận chức bộ trưởng tài chánh. Người Trung hoa phải gánh tiền ra chợ để mua vài trái trứng. Đó là thành quả của bộ trưởng tài chánh Khổng Tường Hỵ Những thất bại của Khổng Tường Hy khiến Tưởng Giới Thạch cảm thấy cần phải có một tài năng như Tống Tử Văn. Tưởng cho mời Tống Tử Văn trở lại làm bộ trưởng tài chánh, nhưng Tống Tử Văn từ chối.
Thực ra sau khi bị Tưởng làm nhục, Tống Tử Văn có thể bỏ đi Hương Cảng khuyếch trương việc kinh doanh và làm một đại tài chủ thế giới, nhưng Tống Tử Văn vốn còn trẻ tuổi, còn nhiều năng lực, và nhất là còn tinh thần ái quốc, nên ông vẫn nán ở lại, mong làm một cái gì cho đất nước. Tưởng Giới Thạch có quyền, nhưng không biết cách tìm ra tiền. Tống Tử Văn biết cách làm đầy túi tiền, nhưng lại không ưa nổi Tưởng, vì thế Tống chỉ nhận làm cố vấn, và muốn Khổng Tường Hy tiếp tục chức bộ trưởng tài chánh làm trái độn giữa Tưởng và họ Tống. Tống Tử Văn không muốn nhìn mặt Tưởng nữa. Sau đó là những đạo luật mới về ngân hàng, bắt các ngân hàng phải đóng một phần tư tài sản của họ vào công khố phiếu chính phủ. Một số ngân hàng lớn chống đối. Nhưng Tưởng, Khổng Tường Hy và Tống Tử Văn đã hoạch định kế sách quốc hữu hóa các ngân hàng lớn, và anh em nhà họ Tống như Tống Tử Văn, Tống Tử Lương, Tống Tử An và Bố già Đỗ Đại Nhĩ được bổ nhiệm vào các chức vụ điều khiển các ngân hàng mới được quốc hữu hóa. Các ngân hàng mới này được quyền phát hành giấy bạc.
Trong chức vụ mới, Tống Tử Văn có dịp thu đoạt được một tài sản vĩ đại. Người ta đồn Tống Tử Văn có rất nhiều cổ phần trong các công ty General Motors và Du Pont của Mỹ. Bố già Đỗ Đại Nhĩ cũng trở thành "một nhà từ thiện hay giúp đỡ kẻ nghèo" rất nổi tiếng. Số tiền giấy phát hành nhiều hơn số quý kim bảo đảm. Từ năm 1935 đến 1937, tiền giấy được gia tăng từ 453 lên 1477 triệu, mà chỉ một nửa được bảo đảm bằng quý kim như bạc. Còn lại trên 500 triệu chỉ là giấy lộn, không có giá trị gì, do chính phủ in ra để trả nợ. Sau năm 1937, người ta không biết số tiền giấy được in ra là bao nhiêu, vì đó là năm cuối cùng chính phủ Nam Kinh công bố về ngân sách và các sự chi tiêu. Và cũng từ đấy nền tài chánh của Trung hoa đi vào một giai đoạn bi thảm nhất trong lịch sử tiền tệ thế giới. Đó cũng là công trình của Tưởng Giới Thạch và Khổng Tường Hy.
Bố Già Đỗ Đại Nhĩ
Dưới chính quyền Tưởng Giới Thạch, Bố già Đỗ Đại Nhĩ trở thành một nhân vật "khả kính" của Thượng Hải, điều khiển nhiều ngân hàng lớn, kể cả Trung Quốc Ngân Hàng. Tại bất cứ đâu, người ta cũng thấy ảnh hưởng của Đỗ Đại Nhĩ. Tuy vậy, bản chất của Đỗ Đại Nhĩ vẫn là một người thô bạo của thế giới anh chị. Khi hội đồng tiền tệ được thành lập, Khổng Tường Hy đề nghị Đỗ Đại Nhĩ làm hội viên của hội đồng đó thì viên cố vấn Leith-Ross người Anh phản đối vì tai tiếng của Đỗ Đại Nhĩ. Khổng Tường Hy nói thẳng rằng Đỗ Đại Nhĩ là người cầm đầu giới anh chị đông hàng ngàn người sẵn sàng tuân lệnh, và có thể gây rắc rối bất cứ lúc nào.
Những cuộc bàn cãi bí mật về tài chánh diễn ra tại nhà Khổng Tường Hy, và thường có Ái Linh tham dự, vì bà là chủ nhân. Ái Linh nghe được tin tức gì thì lập tức báo cho Đỗ Đại Nhĩ. Một lần Ái Linh cho Đỗ Đại Nhĩ biết tin tức về sự thay đổi hối xuất ngoại tệ. Đỗ Đại Nhĩ hiểu lầm nên đầu tư lầm, và bị mất 50 ngàn bảng Anh, một số tiền lớn vào thời đó. Đỗ Đại Nhĩ không chấp nhận sự thua thiệt này, và đòi Khổng Tường Hy lấy tiền của Ngân Hàng Trung Ương đền bù cho mình. Khi Khổng Tường Hy từ chối, thì ngay tối hôm đó một cỗ quan tài do sáu người phu nhà đòn khiêng đến đặt trước nhà họ Khổng, một cảnh cáo quyết liệt của Bố già. Lập tức sáng hôm sau, Khổng Tường Hy vội vã triệu tập một buổi họp tại Ngân Hàng Trung Ương, và ngân hàng đồng ý đền bồi cho một "công dân ái quốc" mới bị thua lỗ trên thị trường hối đoái.
Dịch vụ nha phiến của Bố già Đỗ Đại Nhĩ được Tưởng Giới Thạch sử dụng như là một quốc sách. Các sứ quân và chính phủ Nam Kinh tận dụng khai thác nha phiến làm nguồn lợi tức chính yếu. Khi tổ chức độc quyền nha phiến của Nam Kinh đụng độ với khu vực của Đỗ Đại Nhĩ tại Chiết Giang và Giang Tô thì lập tức chính phủ rút lui, không dám đụng chạm tới quyền lợi của Đỗ Đại Nhĩ. Lúc đó các nhà trí thức Trung hoa và tây phương cực lực phản đối việc sử dụng nha phiến quá nhiều tại Trung hoa. Đến năm 1928 thì nha phiến xâm nhập vào mọi tầng lớp người Trung hoa. Phòng thương mại Qúi Châu còn dùng nha phiến làm đơn vị hối đoái chính thức. Tại Vân Nam, nơi trồng nhiều nha phiến, 90 phần trăm đàn ông nghiện nha phiến, và con nít sinh ra đã bắt đầu nghiện ngập, vì chúng là sự truyền giống của các bà mẹ nghiện ngập.
Vì sự tranh chấp khu vực buôn bán va chạm nhau nên Tưởng Giới Thạch tìm gặp Đỗ Đại Nhĩ để thương lượng, và hai người đi đến một giải pháp mới. Đỗ Đại Nhĩ được giao phó nhiệm vụ đặc trách tiễu trừ cộng sản, một chức vụ giúp Đỗ Đại Nhĩ tha hồ giết bất cứ ai không ưa, chỉ cần gán cho người đó là cộng sản. Lục Hội của Đỗ Đại Nhĩ được độc quyền bán nha phiến và được chính phủ bảo vệ, ngược lại Đỗ Đại Nhĩ phải đóng thuế trước cho chính phủ Nam Kinh 6 triệu.
Sau khi Đỗ Đại Nhĩ trả 6 triệu cho Tống Tử Văn, thì hắn lại đổi ý và đòi lại số tiền đó. Tống Tử Văn liền trả cho Đỗ Đại Nhĩ cả 6 triệu, nhưng bằng công khố phiếu chứ không phải là tiền mặt. Đỗ Đại Nhĩ hiểu rằng công khố phiếu chỉ là giấy lộn. Lập tức một cuộc ám sát Tống Tử Văn xảy ra tại một ga xe lửa. Khi Tống Tử Văn vừa bước ra khỏi sân ga thì súng nổ loạn xạ liên hồi và thuốc súng bốc lên mù mịt. Tống Tử Văn nhào xuống nấp sau một cây cột. Khi tất cả im lặng, Tống Tử Văn trông thấy viên thư ký của mình bị trúng đạn khắp người, nằm chết gục giữa đống máu, tập tài liệu trong tay viên thư ký cũng rơi tung tóe. Một điều lạ là Tống Tử Văn đứng ngay bên cạnh mà không trúng một viên đạn nào. Thực ra Đỗ Đại Nhĩ chỉ muốn cảnh cáo Tống Tử Văn không được lừa dối mình.
Một trong những vùng sản xuất thuốc phiện giàu nhất là miền bắc Trung hoa, và khi Nhật Bản chiếm vùng này trong những năm đầu của thập niên 1930 thì Tưởng mất hẳn nguồn tài chánh lớn lao ấy. Nhật Bản dùng thuốc phiện nguyên chất của miền bắc Trung hoa để chế tạo chất bạch phiến và có lợi hơn. Tưởng liền cấm người Trung hoa dùng bạch phiến. Và cuối cùng Tưởng kết thúc một hiệp thương với người Nhật Bản, và mua thuốc phiện của Nhật Bản sản xuất tại Trung hoa trong khu vực chiếm đóng của người Nhật.
Bạch phiến là một thứ thuốc vẫn được dùng để chữa trị cho những người muốn bỏ thuốc phiện. Năm 1931, hội Quốc Liên ấn định mức sản xuất bạch phiến, chỉ cho sản xuất dùng cho y học thôi. Cũng năm đó, Bố già Đỗ Đại Nhĩ khánh thành một nhà từ đường rất lớn, mới xây cất cho dòng họ tại Cao Châu. Lễ khánh thành rất náo nhiệt và tốn kém, kéo dài tới ba ngày, và có hàng ngàn nhân vật quan trọng trong chính phủ tới dự. Tưởng Giới Thạch trao tặng Đỗ Đại Nhĩ một bức chướng, ca ngợi sự đóng góp vĩ đại của Đỗ Đại Nhĩ cho nhân loại. Khi buổi lễ khánh thành chấm dứt thì nhà từ đường của Đỗ Đại Nhĩ trở thành một xưởng chế tạo bạch phiến lớn nhất Trung hoa. Xưởng chế tạo bạch phiến này dùng thuốc phiện mua lại của Nhật từ miền bắc Trung hoa. Nhờ công của Đỗ Đại Nhĩ, người Trung hoa được hưởng một nguồn cung cấp bạch phiến rất dồi dào. Người Trung hoa dùng bạch phiến để cai thuốc phiện, nhưng bỏ được thuốc phiện thì họ lại nghiện bạch phiến.
Đỗ Đại Nhĩ trở thành người có nhiều tước vị nhất Thượng Hải. Khi Tưởng Giới Thạch trở thành lãnh tụ Quốc dân đảng thì Đỗ Đại Nhĩ được phong chức đại tướng. Đỗ Đại Nhĩ đã hối lộ chia phần với tổng lãnh sự và cảnh sát trưởng tại tô giới Pháp để được tự do buôn bán bạch phiến. Lần đầu tiên việc này đến tai chính phủ Ba Lệ Lập tức một đô đốc được phái sang dọn dẹp tham nhũng. Đỗ Đại Nhĩ bị loại khỏi hội đồng thành phố. Viên tổng lãnh sự và cảnh sát trưởng chuẩn bị trở về Pháp, dưỡng già với tài sản khổng lồ do Đỗ Đại Nhĩ hối lộ. Đỗ Đại Nhĩ cho rằng đã bị viên tổng lãnh sự và cảnh sát trưởng phản bội. Đỗ Đại Nhĩ liền mời hai người này dự một bữa tiệc tiễn biệt. Đỗ Đại Nhĩ sai bỏ thuốc độc vào đồ ăn, và kết quả là viên tổng lãnh sự và vài người khác chết ngay tại chỗ. Viên cảnh sát trưởng tuy thoát chết, nhưng cũng bị bệnh trong nhiều tuần lễ.
Viên tổng lãnh sự mới tới thay thế hoảng sợ, vội cộng tác với Đỗ Đại Nhĩ, và sai cảnh sát hộ tống tất cả những chuyến giao hàng bạch phiến của Đỗ ĐạI Nhĩ. Việc làm ăn của Đỗ Đại Nhĩ lại phát đạt như cũ. Tuy nhiên bây giờ Đỗ Đại Nhĩ không thấy cần thiết khu vực Thượng Hải nhỏ hẹp nữa, trong khi Tưởng cho phép Đỗ Đại Nhĩ được buôn bán tại khắp các khu vực do Quốc dân đảng kiểm soát. Thỉnh thoảng Đỗ Đại Nhĩ cũng nhắc cho chính quyền Nam Kinh biết sự nguy hiểm của mình. Với lợi tức vô cùng lớn lao thu được nhờ dịch vụ bạch phiến, Đỗ ĐạI Nhĩ bắt đầu khuynh loát chính phủ bằng tiền ấy. Đỗ Đại Nhĩ bỏ tiền mua máy bay của Mỹ và tặng cho chính phủ Nam Kinh từng phi đội. Ngày Tưởng ăn mừng sinh nhật ngũ tuần, Đỗ Đại Nhĩ tặng Tưởng một chiếc phi cơ mới mua, có sơn một hàng chữ "Diệt Trừ Thuốc Phiện Tại Thượng Hải."
Một ký giả Thụy Sĩ phỏng vấn Đỗ Đại Nhĩ và công nhận hắn là một người quyền lực nhất Trung hoa, một người vừa là trùm du đãng vừa là nhà tài phiệt. Đỗ Đại Nhĩ nắm tất cả mọi dịch vụ về ma túy tại Trung hoa. Các hoạt động ma túy của Đỗ Đại Nhĩ vươn tới tận Bắc Mỹ và Nam Mỹ. Tất cả thư tín gửi qua bưu điện Thượng Hải đều được người của Đỗ Đại Nhĩ đọc và kiểm duyệt trước. Chiến dịch diệt trừ thuốc phiện của Tưởng Giới Thạch được coi như là một trò hề. Tất cả thuốc phiện mà chính phủ của Tưởng tịch thu được đều giao lại cho Ủy ban Diệt trừ Thuốc phiện do Đỗ Đại Nhĩ chỉ huỵ Những thuốc phiện này đáng lẽ phải được tiêu hủy đi thì lại tái xuất hiện trên thị trường.
Năm 1936 Bố già Đỗ Đại Nhĩ xin được rửa tội theo đạo Thiên chúa. Mỹ Linh vô cùng xúc động, vì cho rằng Đỗ Đại Nhĩ trở lại đạo là nhờ những buổi đọc kinh và đọc Thánh Kinh theo giáo hội Methodist tại nhà Khổng Tường Hy và Ái Linh. Đỗ Đại Nhĩ chịu lễ rửa tội tại nhà thờ Tống Charliẹ Tống Mỹ Linh tuyên bố về Đỗ Đại Nhĩ vài tuần sau lễ rửa tội, "Ông Đỗ Nguyệt Thăng đang trở thành một tín đồ Thiên Chúa giáo đích thực, vì kể từ ngày ông được rửa tội đến nay, con số người bị bắt cóc tại Thượng Hải giảm xuống rõ rệt."