Ngày 6/10, Mikhain Michikov, đại diện toàn quyền Tổng thống Nga tại Toà án Hiến pháp nói với phóng viên, căn cứ vào mệnh lệnh của Tổng thống Chechnya, Matxkhadov, thực hiện tình trạng chiến tranh tại nước Cộng hoà Chechnya là việc làm phi pháp. Ông nói, nước Cộng hoà Chechnya là chủ thể của Liên bang Nga, căn cứ vào Hiến pháp Liên bang Nga, chỉ có Tổng thống Liên bang Nga mới có quyền tuyên bố tình trạng chiến tranh. Ông cho rằng Matxkhadov dự định kêu gọi lực lượng quốc tế tiến đóng Chechnya cũng là phi pháp, chủ thể Liên bang không có quyền lực này, vấn đề này cũng do Hội đồng Liên bang và Tổng thống Liên bang giải quyết.
Putin nói, xây dựng một khu vực bảo hộ là nhiệm vụ đầu tiên của quân Nga tiến vào Chechnya, nhưng mục tiêu cuối cùng là diệt tận gốc hoạt động khủng bố. Ông còn nói quân Nga còn cách sông Chiolek Bắc Groznui thủ phủ của Chechnya không xa. Các phương tiện thông tin mấy ngày nay dự đoán, quân Nga không chỉ phòng vệ ở biên giới Nga và Chechnya, mà còn tiến chiếm vùng đông bắc Chechnya, vươn tới tận sông Chiolek. Có tin quân Nga không tiến tới vùng núi phía nam Chechnya nơi có những phần tử vũ trang Chechnya đang ẩn nấp, để tránh giẫm vào “vết xe đổ” cuộc chiến tranh Chechnya năm 1994-1996.
Ngày 9/10 quân Nga đã chiếm được một phần ba lãnh thổ Chechnya, khi mặt trận đẩy tới bờ sông Chiolek xuyên qua khu vực phía bắc Chechnya, đã nổ ra một trận đánh quy mô lớn.
Quan chức Chechnya nói, mờ sáng quân Chechnya đã vượt sông Chiolek kịch chiến với quân Nga 4 giờ, gây thương vong lớn cho quân Nga.
Phủ Tổng thống Chechnya thông báo với phóng viên Thông tấn xã Pháp, binh lính Chechnya xông vào làng Itseskhaia ở bắc sông Chiolek - giết chết 200 lính Liên bang - do quân Nga kiểm soát. Binh lính Chechnya còn bắt được 40 lính Nga và phá 30 xe bọc thép.
Tư lệnh quân Nga tại căn cứ quân sự Mozdok miền Nam nước Nga xác nhận với Thông tấn xã Pháp, đã xảy ra kịch chiến ở Itseskhaia và có thương vong lớn.
Phủ Tổng thống Chechnya nói, sau cuộc công kích, binh lính Chechnya đã rút về bờ nam sông Chiolek. Groznui đưa tin bộ đội Chechnya không bị thương vong nặng.
Trước đó, quan chức của Chechnya tuyên bố, quân đội Liên bang trong cuộc tấn công trên bộ một tuần liền vào Chechnya đã có khoảng 250 binh sĩ Nga tử vong, nhưng Matxcơva nói chỉ 4 người chết, 22 người bị thương.
Cuộc chiến ngày hôm đó là cuộc xung đột nghiêm trọng nhất từ khi xảy ra chiến tranh giữa Chechnya và Nga năm 1994-1996.
Tin tức về cuộc công kích của Chechnya được truyền đi sau khi Tổng thống Chechnya, Matxkhadov đưa ra lời cảnh cáo Nga trong buổi trả lời phỏng vấn của các phóng viên. Matxkhadov đã cảnh cáo Matxcơva, quân đội Nga mở cuộc tấn công Chechnya sẽ lại bị thất bại như lần trước.
Matxkhadov nói với một tờ báo địa phương: “Hành động quân sự đã triển khai và sẽ khó dừng lại. Nhưng tôi dám khẳng định, Nga sẽ bị đánh tơi bời trong cuộc chiến tranh xảy ra ở Chechnya”.
Đồng thời với việc tiếp tục hành động quân sự, Nghị viện Nhân dân khoá 1996 nước Cộng hoà Chechnya - Nga đã họp tại Matxcơva, bắt đầu tổ chức thành lập Hội đồng Quốc vụ, cơ quan hành chính tối cao của nước cộng hoà này, bổ nhiệm Sadulaev làm Chủ tịch Hội đồng.
Căn cứ vào quyết định được thông qua tại Nghị viện Nhân dân Chechnya, thành viên Hội đồng Quốc vụ do chủ tịch hội đồng bầu cử, Nghị viện phê chuẩn. Đồng thời Nghị viện đề nghị Tổng thống Yeltsin bổ nhiệm Chủ tịch Hội đồng Quốc vụ là đại biểu toàn quyền của Tổng thống tại Chechnya và “có sự chi viện để bình thường hoá tình hình nước Cộng hoà Chechnya”.
Sadulaev phát biểu với các phóng viên Nga, những ngày mà phần tử khủng bố ở Chechnya muốn làm gì thì làm đã sắp hết rồi. Nhiệm vụ chủ yếu của Hội đồng Quốc vụ Chechnya là phải quét sạch bọn xấu làm hại đến thanh danh nhân dân Chechnya, làm ảnh hưởng đến đời sống bình thường của họ. Ông nói đã thảo luận với Thủ tướng Chính phủ Nga Putin và những người lãnh đạo Văn phòng Tổng thống Nga và các ngành khác của chính phủ, dự kiến trong thời gian gần đây sẽ đi Chechnya.
Nghị viện Nhân dân Chechnya được bầu ngày 16/6/1996. Tháng 10/1996 chính quyền Chechnya rời vào tay phái đối lập do Matxkhadov đứng đầu, Nghị viện Nhân dân bị buộc phải ngừng hoạt động. Ngày 1/10/1996, Nghị viện này khôi phục công việc tại Matxcơva thủ đô Nga, được chính quyền trung ương Liên bang Nga và lực lượng chính trị các phái coi là cơ quan quyền lực hợp pháp duy nhất của Chechnya.
Sau đó, để thống nhất tuyên truyền đối ngoại, Putin tuyên bố thành lập Trung tâm Tin tức Nga phát tin về Bắc Kapkaz và nói tại lễ thành lập Trung tâm rằng việc phong toả Chechnya chỉ là giai đoạn đầu trong chiến dịch của quân đội Liên bang, mục tiêu cuối cùng của quân đội Nga là tiêu diệt toàn bộ các phần tử khủng bố trong nội địa Chechnya. Ông nói: “Hành động quân sự tuy có mang lại tổn thất, nhưng nếu hôm nay chúng ta không ra tay, ngày mai sẽ còn tổn thất lớn hơn”.
Cùng với bước tiến quân của quân đội Liên bang Nga, chiến tranh đã lan rộng trên đất Chechnya. Mọi người nói ở đây đã xảy ra “cuộc nội chiến lần thứ ba”, (lần thứ nhất là cuối năm 1994, lần thứ hai là tháng 8/1996). Các phố lớn mới đây còn huyên náo nay đã lạnh tanh, mọi người sợ bom đạn, không dám ra đường. Thành phố Groznui ban đêm tối mò, không một bóng người. Nguồn cung cấp hơi đốt nóng hoàn toàn bị cắt đứt. Ban ngày chỉ cấp điện mấy giờ. Ban đêm thấy cửa sổ nhà ai có ánh đèn le lói, ở đây ắt có người Chechnya “bướng bỉnh” đang sống, họ phớt lờ tất cả.
Những người buôn bán nhỏ vẫn bán hàng, ngay cả ban đêm họ vẫn ngồi bên quầy hàng thắp nến. Có điều số lượng hàng rất ít, chủng loại cũng không nhiều. Nhưng vẫn có thể mua được chuối tiêu, thịt cừu nướng và cá, thậm chí rượu còn dễ mua hơn năm trước, đương nhiên là với giá chợ đen.
Ở Groznui chẳng ai muốn đánh nhau, nhưng nhiều đàn ông đã phải đi đánh nhau.
Đêm 10/10, một phóng viên đã phỏng vấn Tổng thống Chechnya Matxkhadov.
- Ngài thấy thế nào trước tình hình hiện nay xảy ra ở Chechnya?
- Matxkhadov trả lời: “Không quân Nga ném bom Chechnya được gần một tháng rồi. Lục quân Nga đã tiến vào trung tâm Chechnya. Hai bên đã đánh nhau ác liệt. Tôi cho rằng chiến tranh đã bắt đầu”.
- Cách đây không lâu mọi người đều nói ngài sẽ gặp Tổng thống Yeltsin. Bây giờ chiến tranh đã bắt đầu, ngài và Yeltsin có thể còn gặp nhau không? Nếu gặp nhau, ngài sẽ nói với Yeltsin những gì?
- Matxkhadov: “Hôm nay chúng tôi vừa gửi đi Matxcơva kế hoạch hoà bình đình chỉ chiến tranh. Nếu đình chỉ được chiến tranh, cho dù một ngày sau, một giờ sau cũng nên gặp nhau. Nếu ngày mai gặp được Yeltsin, tôi sẽ nhắc ông ta về hiệp nghị trước đây. Ngày 30/8/1997 Yeltsin nói với tôi, chúng ta hôm nay ký kết hiệp ước về khung quân sự và kinh tế chung, lần sau sẽ ký hiệp ước thừa nhận lẫn nhau. Tôi nói không được, cần ký luôn một lúc ba hiệp ước. Yeltsin đã đồng ý. Lúc đó chúng tôi có bàn là một tuần sau lại gặp mặt, ký tất cả các hiệp ước… Ngoài ra, nếu hôm nay tôi gặp được Tổng thống Nga, tôi sẽ để ông ta 30 phút xem những hành vi mạo hiểm của những kẻ thân tín của ông ta trước ngày bầu cử Tổng thống. Tôi cho rằng việc quân đội Nga lại khai chiến với Chechnya là có liên quan trực tiếp với việc tranh giành quyền lực và thời cuộc chính trị Nga. Tôi muốn nhắc ông chú ý đến Karamaxi và Sirabarmasi. Hai nơi này đều đã ký hiệp định với cơ quan quyền lực Dagetxtan, hai nơi này thuộc Dagetxtan, nhưng họ có pháp luật riêng, được chế định theo pháp giáo của đạo Islam. Nếu hai làng này bị san phẳng thì ở Chechnya cũng không loại trừ khả năng đó xảy ra".
Putin nhấn mạnh: “Sẵn sàng tăng cường tiếp xúc chính trị với mọi lực lượng lành mạnh ở Chechnya, tuy nhiên theo một điều kiện, nếu không thì nói gì cũng chỉ là vô ích mà thôi”.
Putin nói: “Những người đó không những có thể gây ảnh hưởng đối với bọn phỉ, nhằm thúc ép bọn phỉ thả những người Nga cũng như công dân các nước khác đang bị chúng bắt giữ làm con tin, họ cần phải giao nộp bọn phỉ. Kẻ phải chịu trách nhiệm về cái chết của bao nhiêu thường dân các thành phố lớn thuộc Tajikistan và Nga cũng như các phần tử khủng bố quốc tế cho Nga. Nếu tách rời điều kiện này, thì mọi cuộc đàm phán đều không thể tiến hành".
Đồng thời, Thủ tướng Putin còn tuyên bố, gia đình Tổng thống Maxkhadov hiện đang được “bảo vệ” bởi Cục An ninh Liên bang Nga tại một địa điểm nào đó nằm trong lãnh thổ nước Nga. Putin cho biết Maxkhadov ngay từ rất sớm đã đưa gia quyến ra khỏi Chechnya.
Dưới làn sóng lên án gay gắt của các nước phương Tây, Nga đã thể hiện thái độ xuống nước rõ ràng nhất về thông điệp cuối cùng, người lãnh dạo quân đội Nga bày tỏ rằng thông điệp cuối cùng chỉ là nhằm vào đối tượng bọn khủng bố chứ không hề nhằm vào dân thường.
Bộ trưởng Nội vụ Rusailo cho biết, sau kỳ hạn cuối cùng vào thứ bảy, thì tại một trạm kiểm soát ở ngoại thành vẫn sẽ cho phép dân thường trong thành phố đi qua. Vì sau ngày thứ bảy trạm kiểm soát này vẫn phải tiếp nhận khá nhiều nạn dân Chechnya, Thủ tướng Putin nói thêm, thực tình thì cú cảnh báo này chỉ là “một lời tuyên bố của quân Nga thể hiện sự quan tâm đối với số phận dân thường ở Groznui”. Vào ngày thứ bảy, Chính phủ Chechnya đã ra lời kêu gọi nước ngoài giúp đỡ việc đưa dân thường Groznui rút khỏi thành phố.
Ngày 7/11, quân đội Nga đã giành được thắng lợi trong trận đánh chiếm vùng Tây Bắc thành phố Ulus - Mantan nằm ở ngoại ô Groznui, quân Nga cho biết là vẫn còn hai nghìn tân binh Chechnya cố thủ trong thành phố, và cuộc chiến đấu vẫn còn tiếp diễn. Ulus - Mantan là thành phố quan trọng cuối cùng còn án ngữ trên con đường dẫn đến Groznui.
Trong 119 cứ điểm dân cư thuộc 7 khu vực của Chechnya quân đội Liên bang đã giải phóng được 98 điểm ra khỏi tay quân phỉ.
Cùng ngày, đại diện của quân chúng ở Sali đã thông báo với Bộ Tư lệnh cụm tập đoàn quân liên hợp ở Bắc Kapkaz của quân Nga đã triệt để đánh đuổi bọn vũ trang ra khỏi Ulus - Mantan.
Theo thống kê ban đầu, thì trong trận đánh đó đã tiêu diệt khoảng 80 tên thuộc lực lượng vũ trang, nhưng thành phố chỉ bị phá huỷ không đáng kể, về phía quân đội Liên bang có một người bị hy sinh, ba người bị thương, Gamtamilov nguyên thị trưởng Groznui đã chỉ huy một đội dân binh tích cực tham gia chiến dịch giải phóng Ulus - Mantan.
Đi đôi với sự phát triển của tình hình trên mặt trận, thì sự chỉ trích của các nước phương Tây đối với Nga đã chuyển từ lời nói sang hành động. Ví dụ ngừng việc cho Nga vay tiền. Nhằm chống lại sức ép của phương Tây, Putin hiểu rõ rằng điều cần thiết nhất lúc này là cần có một hậu phương ổn định, bởi vậy, ông trước hết phải giành được sự ủng hộ của phái cộng sản chiếm đa số trong Viện Duma quốc gia.
Ngày 8/12 Chủ tịch Viện Duma quốc gia Seleznov công khai bày tỏ “hoàn toàn ủng hộ hành động chống khủng bố được áp dụng đối với Chechnya”. Ông nói: “Cần phải chấm dứt hành động truy quét phần tử vũ trang và phần tử khủng bố để những người dân bắt buộc phải rời bỏ nhà cửa sớm trở về quê hương, cần giúp họ ổn định cuộc sống hoà bình, nếu như bọn thổ phỉ và bọn khủng bố không đầu hàng, thì phải tiêu diệt chúng”. Khi đề cập đến vấn đề giới chính trị phương Tây chỉ trích Nga và đòi hỏi chấm dứt hành động chống bọn khủng bố ở Chechnya, ông nói “Nga sẽ không dừng lại, mọi lời tuyên bố của phương Tây đều là hô hào không được ai hưởng ứng”. Ông còn nói “chính họ làm mất thanh danh của mình vì họ đã hủy diệt Nam Tư” thế mà bây giờ họ đang tìm cách đánh lạc hướng sự chú ý của dư luận về những hành động của họ đối với Nam Tư.
Ông cho biết: “Phương Tây không giải quyết được cuộc xung đột sắc tộc ở Nam Tư, trái lại ngày càng tiến sâu vào ngõ cụt. Các nhà chính trị phương Tây không biết làm gì đối với Kosovo, nên chuyển sự chú ý của dư luận sang Nga. Nếu cuộc đấu tranh tuyên truyền của chúng ta làm cho họ phải bị chỉ trích về vấn đề Kosovo và vấn đề Nam Tư được thì chắc họ sẽ giữ thái độ khách sáo với chúng ta hơn một chút”.
Seleznov nhận xét: “Nếu như tổ chức Quỹ Tiền tệ Quốc tế không tiếp tục cho vay nữa” thì “Nga cũng không vì thế mà sụp đổ”, “chúng tôi sẽ tìm đến những chủ cho vay khác không hề dính dáng đến tổ chức Quỹ Tiền tệ Quốc tế”.
Chủ tịch Uỷ ban Liên bang Nga Storev cho rằng trong vấn đề Chechnya không việc gì Nga phải sợ sự đe dọa của phương Tây, ông nói với các nhà báo: “Nga sắp sửa kết thúc hành động quân sự đối với Chechnya, chúng tôi rất cần xây dựng hoà bình, không phải chỉ riêng ở Chechnya mà còn ở nhiều nơi khác như Incosan, Tajikistan, Cratsnoidon và ở vùng biên cương Stavropon đều phải tiến hành xây dựng hoà bình”.
Bàn về lập trường đối phó với sự đe dọa, ông nói: “Chúng ta không dễ bị uy hiếp như Nam Tư đâu, cũng không phải là quốc gia có thể bị đối xử như thế”. Ông thừa nhận Nga đang phải đương đầu với sức ép, nhưng phải chỉ rõ “đó chính là do chúng ta đã tỏ ra mềm yếu và nhượng bộ từng bước gây ra”. Ông không đồng ý với quan điểm cho rằng làm như vậy sẽ đưa Nga vào tình thế cô lập. Storev giải thích: “Không ai có thể đưa chúng ta vào thế cô lập, vì Nga không thuộc loại quốc gia mà ai muốn cô lập cũng được, ngay cả việc trừng phạt bằng đòn kinh tế thì đối với chúng ta cũng không đáng sợ như người ta mô tả”.
Storev cảnh báo: “Trung Quốc, Indonesia, Ấn Độ đều muốn đoàn kết hữu nghị với chúng ta, Nhật Bản phớt lờ lời cảnh cáo từ bên kia bờ đại dương, mặc nhiên cho chúng ta vay tiền, Hàn Quốc cũng cho chúng ta vay tiền”.
Storev nhấn mạnh, thế giới đa cực đã trở thành nền tảng cho sự phối hợp cao hơn nữa giữa các dân tộc”.
Đồng thời, cùng trong ngày hôm đó Bộ trưởng Ngoại giao Liên bang Nga Ivanov nói rằng một số thế lực phương Tây cố nặn ra bầu không khí căng thẳng ở khu vực Bắc Kapkaz, họ cố tình xuyên tạc sự thật. Trong các cuộc nói chuyện điện với Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc, Quốc vụ khanh Mỹ, Bộ trưởng Ngoại giao Anh và Phần Lan đã nói rõ: "Họ thậm chí đã dùng các từ ngữ của thời Chiến tranh lạnh”.
Ivanov nhấn mạnh: “Nga không thể chấp nhận con đường đó, Nga luôn luôn mong mỏi một tư duy lành mạnh đối thoại tích cực”.
Càng ngày, để đáp lại lập trường cứng rắn của Nga, Tổng thống Mỹ Clinton bất đắc dĩ biểu thị rằng nếu chỉ vì Nga áp dụng hành động quân sự đối với Chechnya mà chấm dứt sự viện trợ của Mỹ cho Nga là không phù hợp với lợi ích của nước Mỹ.
Clinton chỉ ra rằng, 2/3 trong số viện trợ của Mỹ dành cho Nga là nhằm mục đích tiêu huỷ vũ khí hạt nhân và bảo đảm an toàn vật liệu hạt nhân, do đó “rất dễ nhận thấy rằng, tiếp tục làm việc đó là phù hợp với lợi ích của chúng tôi”. Ông nói 1/3 số viện trợ còn lại sử dụng vào mục đích thúc đẩy quá trình dân chủ, bao gồm hỗ trợ hệ thống truyền thông độc lập, giao lưu học sinh và các tổ chức phi chính phủ, giúp đỡ xây dựng các xí nghiệp quy mô nhỏ, điều này cũng phù hợp với lợi ích của nước Mỹ.
Clinton vạch rõ, chiến lược quân sự được Nga đem thi thố tại Chechnya sẽ không có tác dụng, ông nói thêm rằng Matxcơva “đã phải trả giá đắt”.
Ông cho biết “Theo tôi thì chiến lược đó không hề có tác dụng, vì những kẻ phản loạn Chechnya tiến hành hoạt động khủng bố ở Matxcơva, tôi cũng không hề tỏ ra đồng tình với họ, tuy nhiên nhân dân Chechnya không đáng bị trừng phạt về những việc làm của quân phiến loạn”, ông nói rằng “cuộc tấn công của quân Nga đã gây ra làn sóng tị nạn hết sức trầm trọng” nó sẽ “làm cho quốc tế ngày càng xa lánh Nga hơn”.
Trước đó khá lâu, người phát ngôn của Nhà trắng Michael Hamer đã tuyên bố “Washington đã và sẽ tiếp tục thúc giục các cấp Chính phủ Nga kìm chế trong quá trình tìm cách kết thúc cuộc xung đột ở Chechnya, chớ nên sử dụng vũ lực một cách bừa bãi.
Ngày 13/12, quân đội Nga đã đánh chiếm vùng ngoại ô ở mạn Tây Bắc Groznui và đang tìm cách phá vỡ tuyến phòng thủ của Chechnya, áp sát vào trung tâm, đội trinh sát đã tăng cường hoạt động trong vực nội thành thành phố Groznui đang nguy khốn trong vòng vây.
Làng Sali nằm ở phía nam Groznui cách 40 km đã hoàn toàn bị bao vây, tư lệnh cánh quân phía đông của cụm tập đoàn liên hợp, trung tướng Trosev cho biết: cuộc truy quét tàn dư phỉ tại làng Sali đã được bắt đầu triển khai vào ngày 14/12, tuy nhiên không ai có ý định áp dụng biện pháp cứng rắn, có điều “sẽ trừng trị nghiêm khắc với những tên phỉ dám ra mặt chống trả”.
Quân đội Nga đã chiếm cứ hầu hết phần thung lũng nằm ở miền Nam được coi là trái tim của Chechnya, họ bây giờ đang chuyển hướng xuống phía nam, chĩa mũi nhọn tấn công vào các cứ điểm quân phiến loạn nằm sâu trong các hẻm núi ở vùng đồi núi phía nam.
Quân đội Liên bang đã điều tra rất rõ thiết bị khí tài, địa điểm tập kết, căn cứ, kho tàng của các phần tử vũ trang miền núi Chechnya và trút bão lửa vào đó. Theo thống kê của giới quân sự, thì chỉ qua một ngày đêm kịch chiến, đã tiêu diệt khoảng 50 tên phiến loạn vũ trang, phá huỷ 8 chiếc ô tô, đồng thời, đội bảo vệ cũng đã triển khai hành động tại Gemensu và làng Cômxômôn, bắt sống 9 tên vũ trang giải thoát được 1 con tin, về phía quân đội Liên bang hy sinh 1 người, bị thương 6 người.
Giới thạo tin cho hay, những người lãnh đạo lực lượng vũ trang ly khai Chechnya vẫn đang tìm cách mở lối thoát ra khỏi Groznui. Nghe nói một phương án được coi là chính yếu để thoát khỏi Groznui của họ là luồn theo đường ống ngầm dưới lòng đất thành phố, vì thế mà bọn phiến quân với tâm trạng vô cùng hãi hùng, hoảng hốt đang thúc ép nhân dân dọn sạch các giếng tiêu nước của thành phố, xây dựng kho tàng, công sự che chắn và đường ngầm thông ra ngoài thành phố tại các địa điểm đó. Dân thường Chechnya ngày càng tỏ thái độ căm ghét đối với quân phiến loạn và những hành động của chúng. Dân cư các nơi như Groznui, Ulus - Mantan và Sali đều bày tỏ quyết tâm không tiếp tục ủng hộ bọn theo chủ nghĩa cực đoan, phần lớn bọn phiến quân đã bị tống cổ ra khỏi những điểm dân cư này và chạy vào trong rừng núi để ẩn náu.
Cùng ngày, Viện Duma quốc gia Nga thông qua quyết định đặc xá cho những người đã có hành động phạm pháp trong chiến dịch chống khủng bố.