Yeltsin thay đi đổi lại Thủ tướng Chính phủ nhằm mục đích gì vậy? Vì sao nhân vật không tiếng tăm trên chính trường Mátxcơva bỗng nhiên được Yeltsin bổ nhiệm làm Thủ tướng Chính phủ Liên bang Nga. Được bổ nhiệm trong thời cuộc gay go, Putin làm gì để xoay chuyển tình thế? Putin - con “ngựa ô chính trị” nổi danh trong 4 tháng nhậm chức, với thành tích chính trị tuyệt vời trở thành vị “Thủ tướng cứng rắn”.
Thời cuộc chính trị bất ổn, Yeltsin tìm “vật đối trọng”
Ngày 9/8/1999, đối với Putin là một ngày khác thường, Đài Truyền hình quốc gia Nga phát toàn văn bài phát biểu của Yeltsin do phòng Tin tức của Tổng thống Nga phát đi.
Các công dân Nga tôn kính:
Hôm nay, tôi đã ký sắc lệnh về việc bầu cử Duma quốc gia. Cuộc bầu cử này sẽ được tiến hành vào ngày 19/12, hoàn toàn đúng thời gian quy định theo Hiến pháp và pháp luật.
Sự thực cuộc tranh cử kiểu maraton đã mở màn rồi. Đó là một thời kỳ hết sức khó khăn và quan trọng. Cho nên tôi xin mọi người hãy đặc biệt quan tâm, thậm chí đặc biệt cẩn thận để đánh giá những biểu hiện của những người ra tranh cử. Tôi đã hứa việc bầu cử Duma sẽ được tiến hành một cách trung thực, tôi tin rằng người được các bạn bầu ra là xứng đáng và đúng đắn.
Nhưng cũng không nên quên rằng đúng một năm nữa sẽ tiến hành bầu cử tổng thống. Bây giờ tôi quyết định nói ra người mà tôi thấy có thể dựa vào lực lượng chính trị rộng rãi nhất đoàn kết xã hội, bảo đảm tiếp tục cuộc cải cách ở Nga. Người mà có thể đoàn kết xung quanh mình tất cả người làm nhiệm vụ chấn hưng nước Nga vĩ đại bước vào thế kỷ 21.
Người đó là Bí thư Hội đồng An ninh, Cục trưởng Cục An ninh Liên bang Vladimir Vladimirovich Putin. Hôm nay tôi đã quyết định giải tán Chính phủ Sergei Vadimovich Stepasin. Tôi đã căn cứ vào Hiến pháp thỉnh cầu Duma quốc gia phê chuẩn Putin giữ chức Thủ tướng Chính phủ Liên bang Nga.
Tôi tin tưởng Putin trên chức vụ cao cấp đó có thể mang lại lợi ích rất lớn cho quốc gia, người Nga cũng có thể đánh giá công tác và cung cách đối xử của Putin, tôi cũng mong đến tháng 3/2000 (bầu cử tổng thống) được đến trạm bỏ phiếu để làm việc lựa chọn của mình, tất cả mọi người có thể tin tưởng vào Putin. Tôi cho rằng Putin có đủ thời gian để tự thể hiện.
Tôi rất hiểu Putin khi làm Phó Thị trưởng thứ nhất Saint Petersburg, tôi đã chú ý quan sát. Mấy năm nay chúng tôi đã kề vai sát cánh công tác bên nhau. Trên mọi chức vụ, Putin đều rất mạnh dạn và kiên định trong công tác và đạt kết quả tốt. Vladimir Vladimirovich có kinh nghiệm công tác quốc vụ rất phong phú.
Thủ tướng Chính phủ là một công việc nặng nề, là một thử thách to lớn, tôi tin tưởng Putin có thể gánh vác được, người Nga sẽ ủng hộ Putin. Tôi cũng tỏ lòng cảm ơn đối với công tác rất tốt của Sergei Vadimovich, đã thành công trong việc xây dựng một nội các có sức mạnh, duy trì được tình hình chính trị và kinh tế quốc gia ổn định. Tôi tin tưởng Sergei Vadimovich sẽ ủng hộ người bạn và làm người kế thừa mình.
Nước Nga đang bước vào một giai đoạn chính trị mới. Một năm sau vị tổng thống Nga đầu tiên trong lịch sử nước ta sẽ bàn giao chính quyền cho tổng thống mới đắc cử. Các công dân Nga tôn kính, dù thế nào đi nữa người đó sẽ là vị tổng thống giành thắng lợi trong cuộc bầu cử trong sạch và trung thực của mọi người.
Xin cám ơn.
Như vậy, nhân dân Nga lại có một người lãnh đạo mới. Putin lúc này là nhân vật có vai vế trên chính trường Nga, rất nhiều người từ lâu đã dự đoán Putin sẽ trở thành “người đứng đầu” Chính phủ mới, nhưng uy tín trong xã hội chưa cao. Sau khi bài phát biểu của Yeltsin được truyền đi, phóng viên báo “Độc lập Nga" tổ chức một cuộc phỏng vấn trên đường phố Mátxcơva về vấn đề giải tán Chính phủ Stepasin, Putin lên thay Thủ tướng.
Một thương gia tên là Nina Anisenko nói: “Tôi không biết Putin. Tại sao chúng tôi lại phải bầu người do Yeltsin tiến cử. Tôi cho rằng mọi người sẽ không bầu cho ông ta”.
Một thợ nguội tên là Alekxei Phumin nói: “Yeltsin gọi ai là người kế thừa đối với tôi chẳng có nghĩa lý gì. Putin là ai. Tôi không biết. Tôi chẳng biết gì việc quốc gia đại sự. Nay gọi người này, mai gọi người khác kế thừa, tôi thấy chẳng có gì khác nhau, lương cũng chẳng vì thế mà được tăng”.
Một viên chức tên là Maria Khulakova nói: “Bất kể Putin là ai, 2 tháng sau anh ta sẽ bị cách chức, cũng giống như Stepasin mà thôi”.
Một vị giáo sư tên là Igor Tanhin nói: “Tôi không thấy Putin và Stepasin có gì khác nhau. Tôi nghĩ, giá cả ở Mátxcơva sẽ tăng, đồng đôla cũng lên giá. Putin không làm được Tổng thống, mọi người trong nước chẳng ai biết được ông ta”.
Xem ra dân chúng Nga đối với việc thay đổi Chính phủ và thủ tướng như đèn cù của Yeltsin đã chẳng còn coi là lạ nữa, nhưng đối với địa vị của V. Putin bỗng nhiên tăng vọt, đã gây chấn động rất lớn trong giới thông tin đại chúng và trên chính trường Nga. Có một kiểu nói được thêu dệt rất nhiều là “KGB lại trỗi dậy”, “Ngành tình báo bí mật là con đường cao tốc thông đến chức vị cao trong điện Kremlin”.
Cách nói này có sức thuyết phục nhất định và ngoài bản thân Putin đã có gần 20 năm công tác trong ngành tình báo ở trong và ngoài nước, mới đầu là KGB của Liên Xô trước đây, sau này trở thành Cục trưởng Cục An ninh Liên bang Nga, trước Putin còn có 2 vị trùm tình báo, đều là thủ tướng, một vị là Sergei Stepasin mới bị cách chức một tuần, đã từng là người phụ trách Cục An ninh Liên bang; một vị khác là tiền nhiệm của Stepasin, nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Evgheni Primakov, đã từng chủ trì công tác của ngành tình báo đối ngoại.
Không những thế, sau khi giữ chức Thủ tướng, Primakov còn đưa nhiều quan chức tình báo bí mật trước đây vào giữ các chức vụ lãnh đạo cao cấp trong các ngành nghề của Nhà nước và thông tin đại chúng.
Văn phòng Tổng thống nơi tụ hội các trợ lý cao cấp của Tổng thống đã từng do quan chức cao cấp KGB Nikolai Bonchiutcha chủ trì, một quan chức KGB khác là Makhlov cũng từng giữ trọng trách này.
Quan chức tình báo đối ngoại trước đây Boritx Ivanov từng được bổ nhiệm làm người phụ trách đầu tiên của Phòng Thông tin báo chí điện Kremlin.
Primakov bổ nhiệm cấp phó cơ quan tình báo trước đây của ông ta là Iuri Chubakov giữ chức Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, bổ nhiệm một quan chức của bộ máy tình báo đối ngoại trước đây Valeri Kanchelov làm người lãnh đạo ngành công nghiệp quân sự an ninh.
Phương tiện thông tin của Nga giải thích việc Yeltsin bổ nhiệm những nhân viên của bộ máy tình báo bí mật giữ các chức vụ mấu chốt, đó là phương pháp để kéo “những người đáng tin cậy” đến với mình trong thời kỳ chính quyền Yeltsin ngày càng suy yếu lung lay.
Những nhân viên tình báo cũ còn được bổ nhiệm làm người phụ trách các xí nghiệp và các ngành có nguồn tài chính quan trọng, tuy rằng một số sau đó đã bị thay thế.
Grigori Rabota là một cấp phó khác trong bộ máy tình báo của Primakov được bổ nhiệm làm người phụ trách Công ty Xuất nhập khẩu Khí tài Kỹ thuật và Vũ khí Nga là công ty vũ khí chủ yếu của Nga, cho đến đầu tháng 8/1999 thì bị thay thế bởi một quan chức có quan hệ mật thiết với Tachiana Chiasenko, con gái của Yeltsin.
Ngành thông tin Nga cũng không nằm ngoài lệ này, Iuri Khbarade người phát ngôn của bộ máy tình báo bí mật trước đây trở thành Phó Giám đốc Thông tấn xã TASS của Nga, trùm phản gián Kosuliakov hoá thân thành người phụ trách bộ phận phục vụ thông tin Đài Truyền hình và Đài Phát thanh công cộng Nga.
Tuy trong cuộc cải cách Chính phủ sau đó, những quan chức của bộ máy tình báo bí mật được Primakov hoặc Stepasin bổ nhiệm có một số bị bãi chức, nhưng họ tiếp tục tìm việc làm trong ngành an ninh, các xí nghiệp Nga hoặc ngân hàng tư nhân.
Do Yeltsin đã tuyên bố ông ta chọn Putin trùm tình báo trước đây làm ứng cử viên tham gia tranh cử tổng thống năm 2000 của điện Kremlin, nên Putin có hy vọng từ vị trí Thủ tướng hiện nay, bước lên ngôi báu tổng thống, Nhưng dân chúng Nga tỏ thái độ thời ơ với việc Yeltsin chọn ai làm người thừa kế cũng có cái lý riêng, trên chính trường Nga đang bị lung lay, Yeltsin đang không ngừng tìm kiếm vật đối trọng.
Do nền kinh tế Nga vẫn không thoát khỏi đáy vực, nhân dân bất mãn với hiện trạng, bắt đầu nuối tiếc đời sống trước đây. Cho nên ảnh hưởng của Đảng Cộng sản Nga do Diuganov lãnh đạo ngày càng lớn. Yeltsin vẫn bám giữ Chính phủ cánh hữu, đang phải tập trung vào vấn đề phát triển kinh tế quốc gia, giải quyết mâu thuẫn dân tộc, lại còn phải đối phó không ngừng với Duma do cánh tả chiếm thế áp đảo, làm cho thời cuộc chính trị Nga lại bước vào một thời kỳ xáo động.
Yeltsin cảm thấy uy quyền của mình bị thách thức, ngày 7/9/1998, trước khi Duma quốc gia họp hội nghị toàn thể, liền triệu tập hội nghị bàn tròn có Tổng thống, quyền Thủ tướng, Bí thư Hội đồng An ninh, đại biểu Thượng và Hạ viện, Thị trưởng Mátxcơva và lãnh đạo công đoàn tham gia, nhưng các bên không thống nhất được ý kiến với ứng viên thủ tướng, đề nghị Duma quốc gia phê chuẩn, đồng thời để cho Chính phủ mới có 6-8 tháng “thử việc”.
Duma cương quyết chống lại sức ép của Tổng thống, trong vòng bỏ phiếu lần thứ hai tại Hội nghị toàn thể Duma quốc gia tiến hành trong đêm đó, một lần nữa lại phủ quyết chức danh Thủ tướng của Cheknomukdin do Tổng thống Yeltsin đưa ra.
Tình hình càng trở lên phức tạp, Yeltsin lại đe doạ, nếu lần thứ 3 mà người ông ta đưa ra không được phê chuẩn, ông ta sẽ thừa hành quyền lực Hiến pháp cho phép, giải tán Duma. Cuộc khủng hoảng Chính phủ của Nga xem ra càng nghiêm trọng.
Ngày 10/9, tình hình đột nhiên dịu xuống, Tổng thống Nga Yeltsin đề cử quyền Bộ trưởng Ngoại giao Primakov làm Thủ tướng Chính phủ lên Duma quốc gia. Đó là sự lựa chọn của Yeltsin trong hai ngày suy tính, sau cuộc bỏ phiếu vòng hai của Duma quốc gia ngày 7/9, phủ quyết đề nghị của Yeltsin đưa Checnomukdin lên làm Thủ tướng.
Duma quốc gia sau cuộc biểu quyết vòng hai đang đợi Yeltsin đưa tên ứng viên thủ tướng lần thứ ba, Ngày 8/9, Yeltsin gặp quyền Thủ tướng Cheknomukdin và Chủ nhiệm Văn phòng Tổng thống Iumaxép, ngày 9/9 lại thương lượng với Cheknomukdin và quyền Bộ trưởng Ngoại giao Primakov, ngày 10/9 gặp Cheknomukdin và Primakov, sau đó mới đưa ra quyết định đưa tên Primakov.
Tiếp đó tại Hội nghị đặc biệt của Duma quốc gia đã ra quyết định, chiều ngày 11 sẽ họp hội nghị toàn thể, thông qua vấn đề đưa Primakov làm Thủ tướng.
Trong các nhân vật quan trọng của nhiều Chính phủ Nga, Bộ trưởng Ngoại giao Primakov là người được hoan nghênh và đánh giá tốt. Tổng thống Yeltsin nói Primakov là “Một nhà hoạt động quốc vụ có kinh nghiệm phong phú, thành thạo công tác tổ chức có con mắt nhìn xa trông rộng và thành thực, chính trực”. Ngay cả đến Giulinovxki Chủ tịch Đảng Dân chủ Tự do, con người soi mói, cũng nói Primakov “còn khá hơn Kovalev Bộ trưởng Ngoại giao trước đây”.
Evgheni Primakov sinh tháng 10/1929, hơn Yeltsin 2 tuổi. Yeltsin vốn thích người trẻ, nhưng lại trọng dụng Primakov. Tại sao? Primakov tốt nghiệp chuyên ngành Kinh tế Học viện Phương Đông Mátxcơva, đạt học vị Tiến sĩ Kinh tế. Đáng lý ra ông nên tìm con đường phát triển về mặt kinh tế. Không ngờ ông lại gắn bó với công tác thông tin báo chí. Sau khi rời đại học Mátxcơva, ông làm biên tập cho Đài Phát thanh quốc gia, sau làm phóng viên báo "Pravda" thường trú tại Trung Đông. Năm 1970 bắt đầu chuyên tâm nghiên cứu vấn đề quốc tế và giữ chức Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quan hệ quốc tế và Kinh tế thế giới thuộc Viện Khoa học Liên Xô. Ông còn là Viện sĩ Viện Khoa học Nga và Liên Xô.
Primakov có những thành quả học tập phong phú, nhưng ông không phải loại thư sinh “mũ ni che tai”. Từ năm 1995 đến cuối năm 1991, khi Liên Xô giải thể, ông vẫn là đảng viên Đảng Cộng sản Liên Xô. Gorbachov rất khen ngợi học thức và tài năng của ông. Năm 1985 sau khi Gorbachov lên nắm quyền, Primakov rất khen ngợi học thức và tài năng của ông. Năm 1985 khi Gorbachov lên ngôi nắm quyền, Primakov được thăng tiến liên tục; năm 1986 trúng cử Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, năm 1988 trúng cử Nghị sĩ, năm 1989 vào Bộ Chính trị, trong năm được bầu làm Chủ tịch Viện Liên minh Xô Viết tối cao, năm 1990 là thành viên Hội đồng Tổng thống Liên Xô, tiếp đó làm đặc sứ của Tổng thống hoà giải cuộc khủng hoảng vùng Vịnh. Tháng 9/1991 được bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch thứ nhất KGB, phụ trách công tác tình báo đối ngoại. Primakov từ Tiến sĩ đến Viện sĩ, từ phóng viên đến chuyên gia vấn đề quốc tế, từ Nghị sĩ đến Chủ tịch Viện liên minh, từ đảng viên Đảng Cộng sản Liên Xô đến Uỷ viên dự khuyết Bộ Chính trị, từ thành viên Hội đồng Tổng thống đến Đặc sứ của Tổng thống, lần lượt qua các lĩnh vực Thông tin, Học thuật, Chính trị và lĩnh vực Ngoại giao, Điệp báo, một con người lịch lãm trong các nhân vật chính trị quan trọng của Nga. Trong từng lĩnh vực mà ông đã trải qua ông đều bộc lộ tài hoa tuyệt vời, tác phong chắc chắn. Chả trách sau khi Liên Xô giải thể, Yeltsin đã phá lệ giao cho vị “lão thần tiền triều” tuổi ngoại lục tuần giữ chức Cục trưởng Cục Tình báo đối ngoại của Nga.
Trên cương vị Cục trưởng Cục Tình báo đối ngoại, Primakov làm được 4 năm với thành tích tuyệt vời. Ngày 9/1/1996, Yeltsin bổ nhiệm ông làm Bộ trưởng Ngoại giao thay cho Kovalev từ chức trước đó 4 ngày, lúc này Primakov đã 66 tuổi. Quyết định này của Yeltsin được các bên hoan nghênh. Bộ Ngoại giao gọi Primakov là “ứng viên tốt nhất” vào chức Bộ trưởng Ngoại giao, đại biểu Duma quốc gia nói ông “hoàn toàn xứng đáng với chức vụ đó”. Primakov sau khi giữ chức đã không hổ thẹn với sứ mệnh được giao, ông tích cực thực hiện “ngoại giao toàn phương vị”, đặt “ngoại giao phương Đông” và ‘ngoại giao Phương Tây” vào cùng vị trí quan trọng như nhau. Primakov kiên quyết phản đối mở rộng NATO sang phía Đông, nhấn mạnh “không thể làm ngơ chờ đợi” trước thế hung hăng của phương Tây, phải tìm một thế cân bằng lực lượng, để bảo vệ lợi ích quốc gia duy trì địa vị nước lớn của Nga.
Các nhà quan sát cho rằng, sau khi Primakov ra làm Bộ trưởng Ngoại giao Nga, những chỉ trích của Nghị viện Nga đối với Bộ Ngoại giao giảm hẳn. Trong tình hình Yeltsin bị bệnh lâu dài không quán xuyến được công việc, công tác ngoại giao của Nga vẫn tiến triển tốt, hoàn toàn nhờ vào vị Bộ trưởng Ngoại giao tài năng Primakov.
Quyết định đề danh Primakov làm Thủ tướng của Tổng thống Yeltsin thực tế là một sự thỏa hiệp với Duma, Primakov có quan hệ tốt với Duma, Seledniov Chủ tịch Duma quốc gia hoan nghênh quyết định của Tổng thống, ông nói Hạ Nghị viện do Đảng Đối lập chi phối sẽ phê chuẩn Primakov làm Thủ tướng.
Seledniov đảng viên Đảng Cộng sản nói: “Đó là quyết định rất hợp tình hợp lý, đương nhiên Primakov sẽ được Duma quốc gia ủng hộ”.
Khi nhận được thư đề danh chính thức của Yeltsin, Duma quốc gia sẽ phải biểu quyết trong thời hạn một tuần. Nhưng những người lãnh đạo của nhiều phái trong Duma quốc gia nói, ngay ngày mai Duma quốc gia sẽ biểu quyết người được đề cử làm Thủ tướng.
Những người lãnh đạo Duma cũng hiểu rõ nếu lại phủ quyết Primakov, tất sẽ phải tự động giải tán, tổ chức bầu cử Quốc hội mới.
Primakov cũng hiểu rất rõ, cơ hội vượt qua cửa ải của ông rất cao, vì Quốc hội do Đảng Cộng sản Nga chiếm đa số, trong danh sách 5 ứng viên có thể được chấp nhận do Đảng Cộng sản Nga trình lên Tổng thống trong tuần, có tên của Primakov.
Primakov từng là Uỷ viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Liên Xô. Tuy đi theo Yeltsin, nhưng ông ta cũng được sự ủng hộ của phái Yabloko, được các phần tử theo chủ nghĩa dân tộc yêu mến.
Schoev, Chủ tịch Hội đồng Liên bang Thượng Nghị viện Nga cũng hoan nghênh quyết định của Tổng thống. Ông nói: “Quyết định này phù hợp với ý muốn của mọi người”.
Diuganov, lãnh tụ của Đảng Cộng sản Nga cũng tỏ ra hoan nghênh, ông cho rằng Primakov sẽ được sự ủng hộ của Duma. Ông nói với phóng viên: “Tôi cho rằng Duma quốc gia sẽ kiên quyết ủng hộ Primakov.”
Nhưng những người phê phán ông nói, còn có điểm chưa hay là Primakov thiếu kinh nghiệm về mặt kinh tế, đang lúc nước nhà rơi vào khủng hoảng nặng nề, đồng rúp mất giá, giá cả tăng vọt, quốc gia đang cần chính là nhân tài kinh tế.
Primakov cũng hiểu rõ Yeltsin chọn mình, không phải vì có thâm niên công tác, tài năng tuyệt vời, quan điểm chính trị trung dung, các phe phái đều có thể chấp nhận mà thực tại là do không còn cách lựa chọn nào khác. Ngay đến Yeltsin trong lời phát biểu truyền hình sau đó cũng thừa nhận “Chọn lựa Primakov là kết quả của sự thỏa hiệp”. Nói cách khác Yeltsin hy sinh Checnomukdin thay vào bằng Primakov, chủ yếu là để tránh cuộc khủng hoảng giữa lập hiến với chính quyền, không liên quan gì đến việc thoát khỏi khủng hoảng kinh tế trước mắt. Yeltsin không muốn nói rõ là Primakov yếu thế không có mưu đồ chính trị, tương đối dễ chế ngự. Nếu không thế cương vị tổng thống của ông ngày càng không có nền tảng dân chủ, sẽ gặp rất nhiều phiền phức.
Điều đáng nói là, cho đến nay Primakov là vị nguyên lão tiền triều duy nhất còn hoạt động trên vũ đài chính trị (ê kíp chính trị của Gorbachov, trừ ông ra, còn tất cả đều đã trở thành cát bụi của lịch sử), đủ thấy ông có một trí tuệ chính trị khác thường và có khả năng xử lý tình huống. Chỉ có điều vũ đài hoạt động của ông trên cơ bản không tách rời tình báo và ngoại giao, đó cũng là nguyên nhân mà có người dự đoán ông sẽ là thủ tướng chết non, vì đối với công việc kinh tế, cơ bản ông là mù tịt.
Tháng 12/1995, Đảng Cộng sản Nga chiếm đa số ghế trong Quốc hội, Primakov con người được Đảng Cộng sản cho là cùng chí hướng giữ chức Bộ trưởng Ngoại giao. Vị Bộ trưởng Ngoại giao tiền nhiệm thuộc phái thân phương Tây nổi tiếng, cũng là một chủ tướng cải cách cấp tiến bị thay thế bằng Primakov, đương nhiên các quốc gia phương Tây không thích, cho nên Primakov không giành được sự tín nhiệm của các quốc gia này trong một thời gian dài. Nhưng về sau với sự nhanh nhạy, linh hoạt, chắc chắn của mình ông dần dần giành được sự thông cảm của các đồng nghiệp phương Tây, thậm chí giành được tình bạn của Olbrai Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ.
Kinh nghiệm ngoại giao không đủ cho khả năng trị quốc, khi Quốc hội thông qua với đa số áp đảo bổ nhiệm ông làm Thủ tướng, ông đã kêu gọi toàn xã hội này đoàn kết lại, cùng vượt qua thời kỳ khó khăn và ông còn đảm bảo trả hết “tất cả các khoản nợ”, Chính phủ “phải bắt tay vào việc điều tiết chế độ sự vụ kinh tế”. Nhưng, Diuganov lãnh tụ Đảng Cộng sản Nga tuyên bố trước khi biểu quyết, chỉ cho ông hai tháng để cứu vãn nền kinh tế Nga đang đối mặt với sự suy sụp, nếu không...
Thời gian 2 tháng để cứu vãn một xã hội to lớn rách như tổ đỉa, ngay cả thượng đế cũng vị tất làm nổi.
Nhưng Primakov đã làm được, với thời gian 2 tháng ngắn ngủi, không những đã sơ bộ ổn định được tình hình trong và ngoài nước, ông trở thành nhân vật có thực quyền nặng ký ở Nga.
Sau khi giữ chức Thủ tướng, Primakov đã được sự chấp nhận rộng rãi của xã hội và ở các vùng, tầng lớp chính trị cấp trên, đồng thời cũng do Tổng thống thường xuyên ốm đau nên quyền hành chấp chính quốc gia đã có thay đổi rõ rệt.
Duma quốc gia đã phê chuẩn một cách thuận lợi để danh Thủ tướng Primakov của Tổng thống, điều hòa được mâu thuẫn giữa Duma và điện Kremlin. Primakov nắm các lực lượng chính trị trong xã hội. Các đảng phái chủ yếu trong Duma có đại biểu tham gia Chính phủ nên giữa Duma và Chính phủ bình an vô sự. Những biện pháp kinh tế của Chính phủ đã phản ánh lợi ích của phái tả trong Duma, nên phái tả không những không phản đối Chính phủ, mà còn tỏ ra ủng hộ Chính phủ trong một chừng mực nhất định. Cái gọi là “Đảng chính quyền”của phe trung hữu cũng biểu thị không phải là đối lập. Cho nên thủ tướng mới không những được Tổng thống tin tưởng, mà cũng được các lực luợng chính trị chủ yếu của xã hội ủng hộ và sống chung.
Tuy lực lượng chính trị các phái phê phán chính sách kinh tế của ông có khác nhau, nhưng trừ thế lực cực hữu, các phái đều thừa nhận người mà có thể cân bằng thế lực các phái hiện nay trở thành người “giơ mặt chịu báng”cho Yeltsin, ngoài Primakov không còn ai khác. Kirienko, vị Thủ tướng tiền nhiệm tuy không tán thành chính sách của Primakov, nhưng cũng phải thừa nhận tình hình chính trị của Nga được ổn định lại, không thể phủ nhận công của Primakov. Ngay cả đến Yaplinxki trước đây vẫn hay moi móc chính sách của Primakov, cũng phải ca ngợi vai trò đột xuất của Primakov giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị và ổn định thời cuộc. Còn Primakov thì vẫn nhấn mạnh ông không dự định ứng cử Tổng thống, nên tránh được nhiều phiền phức có thể xảy ra do tranh chức Tổng thống kỳ tới với một số nhân vật chính trị hàng đầu.
Ổn định tình hình địa phương là một trong những nhiệm vụ chủ yếu trong công tác của Chính phủ mới. Trong tình thế Tổng thống yếu mệt khủng hoảng kinh tế nặng nề, muốn tránh được xu thế “ly tâm”, Primakov coi những người lãnh đạo các chủ thể trong Liên bang là những nhân vật mấu chốt ổn định, ông tranh thủ giao lưu với những người lãnh đạo địa phương, việc sắp xếp nhân sự trong Chính phủ cũng coi trọng ý kiến của những người lãnh đạo địa phương, hứa giao quyền tự chủ kinh tế và quản lý cho địa phương, đồng ý để địa phương được hưởng nhiều ưu đãi về thuế. Ông mời Gutsov Chủ tịch Bang Leningrad, con người rất có ảnh hưởng giữ chức Phó Thủ tướng thứ nhất Chính phủ và tổ chức thành lập Đoàn Chủ tịch Chính phủ, để cho 8 vị lãnh đạo vùng tham giao vào những quyết sách của Chính phủ, nên được sự tín nhiệm của những người lãnh đạo vùng. Thậm chí một số người lãnh đạo vùng còn biểu thị ủng hộ Primakov ra tranh của Tổng thống khóa tới. Ổn định tình hình cũng là trọng điểm công tác của Chính phủ mới. Tuy cuộc thăm dò ý kiến dân chúng vào hạ tuần tháng 9 cho thấy số ủng hộ Primakov đã đạt 32%, mức căng thẳng xã hội đã giảm. Nhưng ngày 7/10, mâu thuẫn xã hội lại căng thẳng, khắp nơi trong toàn nước Nga đã nổ ra những hoạt động kháng nghị quy mô lớn, đó là thử thách nghiêm trọng sau khi Primakov lên làm Thủ tướng. Theo đánh giá của một số người, có đến hơn 20 triệu người tham gia những hoạt động kháng nghị lần này. Primakov tuy phản đối hoạt động kháng nghị này, nhưng để tránh cho sự việc mở rộng, trong nhiều trường hợp ông vẫn thành khẩn bảy tỏ sự thông cảm với những nỗi khổ của người kháng nghị, kêu gọi những người tổ chức cuộc kháng nghị cùng ghé vai với Chính phủ. Hành động của ông đã có tác dụng lớn trong việc hoá giải sự phẫn nộ của quần chúng. Primakov còn chỉ đạo các ngành hữu quan nhanh chóng điều động ngân quỹ phát 2 tháng lương cho quân đội, phát bù một phần tiền lương, tiền hưu trí và trợ cấp học bổng còn nợ đọng. Theo nguồn tin chính thức ước đoán, toàn quốc chỉ có một triệu người tham gia hoạt động kháng nghị. Do nhà cầm quyền áp dụng biện pháp chặt trong lỏng ngoài nên đã tránh được mâu thuẫn quá căng. Hoạt động kháng nghị đã dịu lại với phương thức văn minh, không xảy ra những hành vi quá khích và xáo động lớn.
Khi Primakov lên làm Thủ tướng, mọi người đều cho rằng ông là một Thủ tướng quá độ, thậm chí có người còn cả quyết Chính phủ mới chỉ tồn tại 4 đến 6 tuần. Nhưng 3 tháng đã trôi qua, công việc của Primakov không có gì trục trặc lớn, các bên bắt đầu hy vọng ở ông. Mọi người tuy không trông mong ông có thể lập nên kỳ tích có hiệu quả ngay, nhưng đa số tin ông có khả năng làm cho quốc gia thoát khỏi hỗn loạn. Cuộc thăm dò ý kiến dân chúng, chứng tỏ tỷ lệ ủng hộ Primakov đang lên theo đường thẳng, thậm chí còn vượt cả mấy nhà chính trị tham gia tranh cử Tổng thống, chứng tỏ ông đã được dân chúng chấp nhận.
Sức khoẻ của Yeltsin ngày càng suy yếu, trong tình hình không thể làm việc bình thường, thực tế Primakov đã thực hiện chức vụ như một Phó Tổng thống. Khi Primakov thành lập nội các, Tổng thống giao cho ông quyền lực lớn hơn nhiều so với mấy đời Thủ tướng trước. Thậm chí Primakov có thể nhúng tay vào công việc của những ngành sức mạnh mà trước đây hoàn toàn do Tổng thống quản, phối hợp hiệp đồng công tác của những ngành này.
Primakov không những được quyền quyết sách kinh tế mà các đời Thủ tướng trước có mơ cũng chẳng được, có quyền lực chủ trì công việc Chính phủ, mà còn được quyền thay mặt Tổng thống giải quyết các vấn đề đối nội, đối ngoại.
Trên trường quốc tế, các quốc gia khu vực khối SNG, vùng biển Baltic đều ca ngợi Primakov và đặt rất nhiều hy vọng vào ông. Ngay cả các Chính phủ phương Tây đối với Chính phủ của Primakov trước nay vẫn giữ thái độ dè dặt cũng đã phải chấp nhận hiện thực, coi Primakov là phái thực quyền của Nga và giao dịch với ông.
Từ khi Primakov bắt đầu chủ trì công việc Chính phủ, ông đã nhấn mạnh phải tiếp tục cải cách làm kinh tế thị trường hướng vào xã hội. Về mặt quyết sách kinh tế, ông có quyền tự chủ lớn hơn các vị tiền nhiệm.
Primakov đề xuất, phải căn cứ vào tình hình của đất nước Nga để tiến hành cải cách kinh tế, tăng cường kiểm sát Nhà nước. Muốn xoay vần được tình hình kinh tế Nga đang tụt dốc nghiêm trọng, Chính phủ do Primakov lãnh đạo đã áp dụng những biện pháp chủ yếu sau: Nhà nước cấp vốn giúp đỡ các xí nghiệp và ngành sản xuất có hiệu quả kinh tế cao, đồng vốn quay vòng nhanh, nâng đỡ các xí nghiệp ngành khoa học kỹ thuật cao kiểu tập trung chất xám, và các xí nghiệp của ngành chế tạo máy có thể sản xuất ra sản phẩm có khả năng cạnh tranh, tổ chức lại ngành ngân hàng, bảo hộ những ngân hàng trọng điểm có tiền đồ phát triển, cung cấp cho họ vốn vay ổn định, sát nhập hoặc cho phá sản những ngân hàng vận hành không tốt, hoàn thiện quy chế thuế, chia giai đoạn hạ thuế suất của thuế giá trị gia tăng giảm thuế suất cao nhất của thuế lợi nhuận hiện hành từ 35% xuống 30% điều chỉnh cơ cấu xuất khẩu, không lấy xuất khẩu nhiên liệu, nguyên liệu làm chính nữa; ổn định hối suất của đồng rúp, ngăn chặn lạm phát.
Nguyên tắc của Primakov là phát triển công nghiệp quốc nội, nhưng không bế quan che chắn; thu hút mạnh mẽ đầu tư của nước ngoài, nhưng không dựa vào vay vốn để sống qua ngày; học tập kinh nghiệm có ích của nước khác, nhưng không thể làm theo yêu cầu của họ.
Những biện pháp và nỗ lực nói trên của Primakov có thể nói chỉ mới thành công bước đầu. Khủng hoảng kinh tế sơ bộ được giải quyết, có hy vọng ngăn chặn được xu thế tụt dốc nhanh của nền kinh tế Nga.
Matxliukov Phó Thủ tướng thứ nhất Chính phủ Nga khi phân tích tình hình kinh tế Nga đã nói, xu thế suy giảm tổng giá trị sản lượng quốc dân Nga sẽ bị chặn đứng, kinh tế nửa cuối năm 1999 sẽ tăng chút ít.
Thậm chí theo kết quả điều tra ý kiến của nhân dân, Primakov trong cuộc bầu cử Tổng thống tương lai sẽ đứng trong hàng ngũ những người có khả năng thắng cử gồm: Ruzkov, Lebed, Diuganov. Mà Primakov sẽ có thế lực rất lớn, sẽ giành được trên 20% phiếu bầu.
Có vẻ như tiền đồ của Primakov rất sáng sủa, nhưng trong đấu trường chính trị nước Nga, tất cả đều có thể thay đổi.
Ngày 7/4, Yeltsin nói bóng gió rằng: “Trong giai đoạn này, Primakov rất có tác dụng đối với chúng ta”, “nhưng sau này ra sao, chúng ta phải chờ xem đã”
Lời phát biểu này lập tức khiến người ta nghi ngờ về việc Yeltsin sẽ bãi chức Thủ tướng của Primakov.
Điều này có nghĩa là sự chia rẽ không ngừng giữa Yeltsin - một người đầy bệnh tật với Primakov - một người mà địa vị đang không ngừng đi lên lần đầu tiên đã được chứng thực công khai. Có người phỏng đoán rằng, Primakov đang nhằm vào ngôi báu Tổng thống.
Tin tức từ điện Kremlin về việc Yeltsin sẽ nhanh chóng thay thế Primakov bằng Cheknomukdin hoặc Tshubai lan truyền khắp Mátxcơva.
Còn có nguồn tin nói rằng, Yeltsin đã gặp Cheknomukdin. Cùng ngày, một Đài Truyền hình độc lập đã thông báo, có người đã thấy xe của Tshubai đỗ trước phòng làm việc của Tổng thống.
Thông qua các thuộc hạ thân tín để ngầm thông báo khả năng có thể bãi chức để giữ cân bằng lực lượng giữa các phe phái là một thủ pháp thường dùng của Yeltsin.
Yeltsin sẽ phải đối mặt với cuộc họp của Duma quốc gia dự tính vào ngày 15/4 để đối chất với sai lầm của mình. Các nhà phân tích nói rằng Yeltsin yêu cầu Primakov lợi dụng ảnh hưởng của mình để ngăn trở hành động vạch tội của Quốc hội
Nhưng đối với Primakov mà nói việc đó quả là rất khó khăn, bởi vì ông ta chỉ dựa vào sự ủng hộ của phái tả, phái phản đối, mà phái này lại lấy việc phản đối Yeltsin làm cơ sở để giành lấy sự ủng hộ cho mình.
Một cuộc đấu tranh quyền lực mới
Đến ngày 27/4, Yeltsin bắt đầu hành động. Trước tiên, ông tiến hành điều chỉnh nhân sự của Chính phủ, bãi chức của Kustov và đưa Stepasin làm Phó Thủ tướng thứ nhất, Yeltsin đã lựa chọn một thứ chiến thuật để buộc Primakov phải xa rời vũ đài chính trị. Yeltsin đã để cho một vài phó thủ tướng trung thành với Kremlin từ đó từng bước gạt ông này ra khỏi “Nhà Trắng” của Nga.
Tuy nhiên, Tổng thống bắt đầu loại bỏ Primakov lại không phải từ Matxliukov - thành viên Đảng Cộng sản Nga phụ trách chính sách kinh tế, mà bắt đầu ra tay từ Kustov, người quản lý chính sách khu vực và quan hệ với các quốc gia SNG. Bản thân ông Kustov không ngờ mình bị thất sủng, vì ông ta vừa mới gặp Tổng thống, Tổng thống không hề nhắc tới chuyện bãi chức, ông ta chỉ nghe các phóng viên nói điều này. Theo lời những quan chức cao cấp điện Kremlin, ông này bị bãi chức không chỉ vì việc đã làm hỏng chính sách khu vực, mà còn vì ông này luôn cố gắng thuyết phục giành những điều có lợi cho Leningrad - quê hương của mình. Kustov còn mắc một sai lầm nghiêm trọng là: Công khai phê bình mệnh lệnh từ chức của ông Sculatov, từ đó có biểu hiện không trung thành với Tổng thống. Khả năng đó không phải là lập trường nguyên tắc của ông ta, mà chỉ là trong khi nói chuyện bình thường với cánh phóng viên đã không biết giữ gìn lời nói, nhưng nói gì đi nữa cũng không bù đắp lại được.
Bản thân việc từ chức của Kustov cũng không thể làm cho Primakov quá lo lắng. Trước đó một tháng, ông ta đã có dự kiến để Kustov và Kulek cùng từ chức. Nhưng ông lại hy vọng sẽ tiến hành việc này trong tình trạng không phải chịu áp lực của điện Kremlin, do đó ông đã đẩy lùi thời gian từ chức của hai người đó. Nay Primakov không thể không tuân theo chủ trương của Yeltsin bắt đầu thực hiện loại bỏ một số những người đang giữ các chức vụ trong nội các của mình. Khi Yeltsin và Primakov gặp nhau, Yeltsin mới thông báo cho ông ta biết việc bãi chức đối với Kustov.
Đối với Primakov, việc địa vị của Stepasin được nâng cao rất nguy hiểm. Sau khi Bộ trưởng Nội vụ - một bộ trưởng rất có năng lực lãnh đạo lên làm Phó Thủ tướng thứ nhất quản lý một số công việc như vấn đề Kapkaz hay là tăng cường thêm công tác của SNG, người lãnh đạo khu vực cũng chẳng quan trọng gì. Điều chủ yếu là Primakov đã có người kế tục thiết thực. Căn cứ vào Hiến pháp, một khi thủ tướng từ chức, quyền thủ tướng sẽ thực thi chức năng thủ tướng. Mà trong vòng hai tháng, Tổng thống cũng không cần phải đưa người được lựa chọn sẽ làm thủ tướng để Duma quốc gia phê chuẩn. Nếu như Primakov bị mất chức thì Stepasin có thể chủ trì công việc của Chính phủ trong hai tháng mà không cần phải đạt được sự đồng ý của số đông phái tả trong Duma quốc gia. Trước đó một tháng, Văn phòng Tổng thống đã thảo luận vấn đề đưa Stepasin lên làm Thủ tướng, đó không phải là ngẫu nhiên.
Ngày mà Stepasin lên làm Thủ tướng xem ra đã đến gần.
Vào hồi 11h33 ngày 12/5, Đài Truyền hình quốc gia Nga đột nhiên ngừng phát chương trình “Thế giới động vật” và tuyên bố:
“Mười phút trước đây, Văn phòng Báo chí Phủ Tổng thống đã phát đi bản tuyến bố của Tổng thống Nga Yeltsin nói rằng, Tổng thống đã cách chức Thủ tướng Chính phủ của Primakov"
Tuyên bố của Tổng thống nêu rõ, ông đã quyết định đưa Stepasin - Phó Thủ tướng thứ nhất kiêm Bộ trưởng Nội vụ lên làm quyền Thủ tướng và đưa tên ông này vào danh sách lựa chọn làm Thủ tướng. Yeltsin nhấn mạnh rằng, Stepasin đã hoàn thành xuất sắc mọi công tác trong Chính phủ và cơ quan bảo vệ pháp luật. Việc đề cử ông làm Thủ tướng đã được Primakov ủng hộ.
Trong tuyên bố này, Tổng thống Yeltsin nói, Primakov đảm nhận chức vụ Thủ tướng trong thời kỳ khó khăn của cuộc khủng hoảng nghiêm trọng của nước Nga, các lực lượng Chính phủ đều ủng hộ vai trò Thủ tướng của ông. Chính phủ của ông đã hoàn thành “nhiệm vụ chiến thuật” “nhưng tình hình kinh tế của Nga vẫn chưa được cải thiện, vấn đề chiến lược kinh tế vẫn được chưa giải quyết”.
Trong cuộc họp Chính phủ lần cuối ngay trong ngày hôm đó, Primakov nói: “Tôi cho rằng, Chính phủ của chúng ta biến thành màu hồng cũng chẳng sao”. Ông cảm ơn nội các cùng ông “làm việc hữu hảo, hợp tác giành được nhiều thành quả”.
Primakov nói: “Chúng ta đã mang hết khả năng và quyền hạn của mình, tôi cho rằng đã làm rất tốt công việc của mình”. Ông nhấn mạnh, chúng ta đã ngăn chặn được nạn lạm phát gay gắt đã dự kiến có thể xảy ra. Tỷ suất giữa đồng rúp và đồng đô la 50/1 như ngày hôm này cũng không ngoài dự kiến”.
Ông nói: “Về kinh tế vĩ mô, chúng ta đã xoay chuyển được cục diện xuất hiện sau ngày 17/8 năm ngoái. Dù là trên phương diện kinh tế hay xã hội. Số người bãi công đã giảm đi rất nhiều, điều đó nói lên hình thái xã hội cũng đã được khống chế”. Ông nói rằng, đã xây dựng được kế hoạch phát triển năm 2000. Các ngành đã thông qua kế hoạch này, kế hoạch này đã được các chuyên gia trong tổ chức tiền tệ quốc tế thẩm định, họ cho rằng, trong điều kiện trước mắt, đó là điều rất lạc quan. “Tôi sẽ giao kế hoạch lại cho Stepasin, tôi nghĩ, kế hoạch này sẽ hữu dụng đối với ông ấy”.
Primakov còn nói: “Cảm giác của tôi hiện nay đã khá hơn nhiều và có thể hoàn toàn yên tâm". Cảm thấy ngạc nhiên trước quyết định này của Yeltsin chính là Chủ tịch Duma quốc gia Nga Genadi Selednikov. Sau khi xảy ra sự việc này, ông ta nhớ lại đã nghe trong điện thoại giọng nói của Yeltsin nói rằng tân Thủ tướng sẽ là Nikola Aseneko - ông chủ Bộ Đường sắt chẳng có danh tiếng.
Sau khi nghe điện thoại, Selednikov nói: “Hôm nay, tai tôi nghe rất chính xác, đường dây điện thoại cũng không có vấn đề gì, âm thanh cũng rất rõ, cái tên mà Tổng thống nói với tôi là Aseneko”.
Ông nhớ lại: “Nhưng một lúc sau, Yeltsin đã bổ nhiệm Bộ trưởng Nội vụ Stepasin vào chức vụ này. Từ lúc đó, trên thực tế, Nga có hai vị Thủ tướng: một là Stepasin vừa được bổ nhiệm và một là Asenenko - Phó Thủ tướng chưa được nhận chức Thủ tướng. Hai vị này tranh nhau gây ảnh hưởng đối với chức vụ Bộ trưởng quan trọng của Chính phủ, mà tất cả cũng chỉ là một bộ phận của cuộc tranh chấp với quy mô ngày càng lớn đối với tiền bạc và quyền lực trong đêm tuyển cử của Quốc hội Nga và Tổng thống Yeltsin. Ngoài ra, kết quả mơ hồ này đã khiến cho nhiều người giữ thái độ phủ định đối với Yeltsin, dường như càng ngày ông ta càng nóng nảy, khó nắm bắt, dễ bị tác động từ bên ngoài".
Genadi dùng một câu nói cũ hình dung trạng thái hỗn loạn của Nga để trách móc rằng : “Trong thời gian một tuần của Tổng thống có tới bảy ngày thứ sáu”.
Genadi cho rằng, khi Yeltsin tuyên bố bãi chức Thủ tướng của Primakov, ông nói ông mong muốn có thể có biện pháp cải cách mạnh mẽ hơn. Nhưng sự ra đi của Primakov lại không mang lại kết quả bất ngờ như vậy. Một số người chịu ơn điện Kremlin, gồm một số trợ thủ của Tổng thống như Tachiana Chiasenko và Boritx Beredovxki những người được coi là trong “gia tộc”, đã không để lỡ thời cơ đưa người thân vào trong cơ cấu Chính phủ nơi có nhiều "lộc" nhất. Những người này ủng hộ Asenenko.
Nhưng họ đang tranh chấp với một nhóm người do Anatoni Tshubai cầm đầu. Tshubai là người sáng lập ra phong trào tư hữu hoá của Nga. Nay là ông chủ của Công ty Điện lực lũng đoạn, ông ta có một đường dây gây ảnh hưởng riêng trong vòng quay của Yeltsin.
Cố vấn chính trị Igor Bunkin nói: "Đây là kiểu Chính phủ hai đầu, là cuộc đấu tranh giữa hai dân tộc”.
Một lần nữa, Boritx Beredovxki lại xuất hiện với vai trò của một người có quyền lực. Trong thời gian 8 tháng tại chức của Primakov, ông này đã bị điều tra bởi vụ án giao dịch tiền tệ, thậm chí đã có lệnh bắt, nhưng sau đó đã thu hồi lại.
Khi được hỏi về sự biến động nhân sự gần đây nhất của điện Kremlin, ông ta nói thẳng ra rằng: “Giữa tập đoàn thương mại có thế lực mạnh mẽ và tập đoàn chính trị đang tồn tại sự đấu tranh với nhau. Tôi tham gia cuộc đấu tranh này”.
Các nhà chính trị nói rằng, Asenenko suýt nữa được làm Thủ tướng đã phản ánh trong dự kiến của thành viên “gia tộc” Beredovxki trong đó bao gồm cả Chủ nhiệm Văn phòng Tổng thống Yeltsin trước đây Valentin Iumasev và Chủ nhiệm hiện nay Alekxand Vorosin và Beredovxki có quan hệ khăng khít với nhau.
Cuộc đấu tranh quyền lực mới nhất tại Kremlin đã làm cho công chúng Nga nhận ra một bộ mặt mới - Roman Abulamovich đối tác buôn bán của Beredovxki và chính ông này đã khống chế Công ty Dầu lửa Nga, Công ty Dầu lửa Xibir, có tin nói rằng, cả hai ông này cùng khống chế công ty trên. Vị thương nhân dầu mỏ 33 tuổi này mấy năm gần đây luôn tránh sự chú ý của công chúng. Người ta nói rằng, sự gia tăng ảnh hưởng của ông ta hiện nay đối với người trong êkip của Yeltsin đã vượt qua cả Beredovxki, nhưng Beredovxki không đồng ý với cách nói này.
Điều khiến nhiều nhà phân tích cảm thấy ngạc nhiên là Beredovxki và những người cùng phe phái với ông ta đẩy mạnh tốc độ khống chế cơ cấu có nhiều tiền bạc nhất ở Nga. Những cơ cấu này bao gồm cả Công ty Xuất khẩu Vũ khí của Nga với mức doanh thu 25 tỷ USD một năm và cả hải quan Nga - cơ quan nắm tiền mặt lớn.
Valeri Xolovey - nhà phân tích chính trị của Quỹ Gorbachov nói: Mục đích của họ là khống chế sự lưu thông tiền tệ quan trọng của Chính phủ. Đây là sự đảm bảo cho lợi ích tiền tệ của họ và để phục vụ cho nhu cầu tích luỹ kinh phí.
“Chiếc bánh mì này càng nhỏ đi, ý tôi muốn nói là, tài sản quốc gia ngày càng ít đi, mà người ăn bánh lại không hề giảm. Họ bắt đầu chen lấn xô đẩy, mở rộng địa bàn của mình”.
Do đó, Asenenko lập tức nắm lấy quyền khống chế Công ty Xuất khẩu nguyên liệu, Công ty Công nghiệp Quân sự và các công ty công nghiệp lớn của Nga. Vikto Khaleoznuik được nhận chức Bộ trưởng Nhiên liệu và động lực mới đã nhanh chóng phục hồi định mức từng bị huỷ bỏ của Công ty Dầu lửa Xibir của Beredovxki, làm cho công ty này có khả năng mua được dầu mỏ của Iraq trong kế hoạch của Liên Hợp Quốc. Khaleoznuik còn cho rằng, làm Bộ trưởng, ông ta có thể tiếp quản 37,5% cổ phần Nhà nước trong Công ty Khí đốt thiên nhiên của Nga.
Đối với cơ cấu tiền tệ tư doanh của Nga mà nói, quản lý nhà nước với kim ngạch rất lớn trong các lĩnh vực quốc phòng, nhiên liệu và giao thông vận tải cũng thường có lợi nhuận rất lớn. Chính phủ sẽ định đoạt việc gửi tiền vào Ngân hàng mà mình ưa thích, những ngân hàng này có thể dùng số tiền đó để kinh doanh.
Trong cuộc đấu tranh dành quyền lực gần đây, Tshubai đã đứng ra diễn một vai.. Khi Yeltsin định bổ nhiệm Asenenko, ông ta vội vã tới chỗ Yeltsin, làm cho Tổng thống tin tưởng Stepasin hơn. Tshubai thường xuyên ca ngợi ông này một cách thái quá và cố gắng đấu tranh để giữ lại một số nhân vật trung gian của phái cải cách trong Chính phủ mới như Mikhain Chatonov. Tshubai muốn giữ ông này ở chức Bộ trưởng Tài chính nhưng vẫn chưa toại nguyện.
Duma quốc gia muốn gây áp lực với Yeltsin, đã chuẩn bị một loạt vấn đề chất vấn Tổng thống, hiện nay Yeltsin đã giải tán Chính phủ, Duma lập tức triển khai tấn công ngay, Chủ tịch Duma Xeleznikov cho rằng, bãi miễn chức Thủ tướng của Primakov "là một sai lầm lớn nhất, nghiêm trọng nhất mà Yeltsin phạm phải trong thời gian gần đây". Và biểu thị phủ quyết việc đề cử tân Thủ tướng của ông ta.
Một cuộc đấu tranh quyền lực mới lại nổ ra.
Lúc đó, Putin vốn là Thư ký Hội đồng An ninh Liên bang kiêm Cục trưởng Cục An ninh Liên bang đã thay đổi, hạ thấp giọng điệu và sự thần bí của một "giáo chủ áo chùng thâm", ngày 13 đã đột ngột tuyên bố với giới báo chí rằng, nếu Duma quốc gia không đồng ý việc Yeltsin bổ nhiệm ông Stepasin làm Thủ tướng, cũng không đồng ý việc Yeltsin đề cử ông Asenenko - Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải là ứng cử viên thứ hai lên giữ chức Thủ tướng, thì Yeltsin sẽ phải tuyên bố giải tán Duma, và sau 3 tháng sẽ tiến hành bầu cử Duma trước thời hạn. Putin là người lãnh đạo các ngành có sức mạnh, lúc ấy ông ta đại diện cho Yeltsin phát biểu lời tuyên bố này, một mặt nói rõ địa vị của ông ta trong mặt trận của Yeltsin, mặt khác, ông ta là người luôn có tác phong cứng rắn, lại luôn làm cho người khác không thể không nghe lời ông ta.
Duma quốc gia cũng không cam chịu, chuẩn bị sử dụng quyền lực Hiến pháp để tiến hành luận tội Tổng thống. Như vậy, Duma quốc gia có thể tạm thời hủy bỏ một số quyền lực của Tổng thống, nếu như Duma đưa ra một bản cáo trạng phản đối Yeltsin trình lên Viện Kiểm sát tối cao và Tòa án tối cao, thì hai cơ quan này nhất thiết phải tiến hành bỏ phiếu biểu quyết ở Duma và sau khi cự tuyệt tiếp nhận kiến nghị của Yeltsin rồi sẽ tiến hành điều tra những điều buộc tội đó của Duma.
Yeltsin - con người đầy mưu mẹo trên vũ đài chính trị Nga đứng trước tình hình bị Duma công kích này đã loại bỏ ngay Primakov, trên thực tế, cuộc đấu đá này rất có khả năng đưa nước Nga lún sâu vào sự hỗn loạn trong màn kịch chính trị đầy bão táp này. Kết quả đúng như mong muốn của Yeltsin, một lần nữa ông ta đã thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng chính trị. Chiều ngày 15/5, các thành viên Duma quốc gia Nga tiến hành bỏ phiếu quyết việc có nên đưa Yeltsin ra truy tố hay không, kết quả được Duma chính thức công bố như sau: Ủng hộ việc lên án Yeltsin phạm tội giải thể Liên Xô được 239 phiếu, 73 phiếu phản đối; 263 ủng hộ việc lên án Yeltsin phạm tội gây ra vụ thảm sát tại Mátxcơva mùa thu năm 1993, 60 phiếu phản đối; 241 phiếu ủng hộ việc lên án ông ta mắc tội làm suy yếu quân đội Nga, 77 phiếu phản đối; 283 phiếu lên án Yeltsin phạn tội gây ra chiến tranh tại Chechnya, 60 phiếu phản đối; 238 phiếu lên án ông ta phạm tội làm nguy hại chủng tộc nhân dân Nga, 88 phiếu phản đối. Nhưng số phiếu lên án 5 tội của Yeltsin đều không đủ số phiếu có hiệu lực mỗi lần là 300 phiếu, do đó Duma quốc gia Nga phủ quyết bản án đối với Yeltsin.
Ngày 19, cục diện chính trị nước Nga đang đi theo hướng khó có thể dự đoán được một lần nữa lại xuất hiện sự thay đổi mang đầy kịch tính theo đường hướng cũ. Trong lần biểu quyết đầu tiên của Duma quốc gia tiến hành trong ngày hôm đó đối với người được đề cử lên làm Thủ tướng của Yeltsin, Stepasin đã "qua cửa ải" một cách thuận lợi với 297 phiếu ủng hộ, 55 phiếu phản đối và 14 phiếu trắng. Kết quả lần này đã làm cho điều mà trước đó mọi người lo lắng là cuộc "quyết đấu" để đưa người lên làm Thủ tướng giữa Yeltsin và phái tả phản đối của Nga đã biến thành số 0, hóa giải được cục diện căng thẳng trước mắt trong chính trường nước Nga.
Xem xét từ tình hình lúc đó, hành động của Duma quốc gia Nga đối với Stepasin đã giải tỏa được cục diện trên chính trường nước Nga do việc Primakov bị bãi chức gây ra, thế nhưng điều này chỉ được lý giải là thời gian tạm thời hòa hoãn của chiêu "cuối cùng" của Tổng thống Yeltsin với phái đối lập mà thôi. Bởi vì phái tả đối lập và Tổng thống Yeltsin còn có sự chia rẽ căn bản trên rất nhiều vấn đề quan trọng, và thời gian bầu cử Duma cũng đang đến gần, hai bên đều có thể lại xảy ra mộc cuộc xung đột ác liệt mới.