Nhưng Putin lại không có cơ hội tham gia những hoạt động lớn như vậy. Ông vẫn im lặng miệt mài với nghiệp vụ tham mưu tình báo ở trạm công tác Leningrad, để phối hợp hành động của KGB với bộ máy tình báo các nước vệ tinh, trao đổi tin tức tình báo, viết báo cáo tình báo, báo cáo lên cấp trên và phân phát một số tin mật. Những vụ việc này không thể bộc lộ tài trí thông minh của Putin, lại rất mệt mỏi và vụn vặt. Có khi để hoàn thành một bản báo cáo, Putin phải làm việc thâu đêm.
Là một sĩ quan trẻ mới nhận cương vị công tác, ai chẳng muốn làm ở những cương vị dễ tỏ năng lực và tài hoa của mình? Ai chẳng muốn lập thành tích trên cương vị của mình và nhanh chóng được đề bạt?
Nhưng Putin không vì thế mà lơ là công tác, ngược lại ông càng cố gắng hoàn thành mọi nhiệm vụ cấp trên giao, cũng không bất mãn gặp lãnh đạo xin đổi công tác. Putin cho rằng muốn làm một người thành đạt, đặc biệt đối với người làm công tác tình báo, phải biết chịu đựng im lặng, không thể quá lộ mặt, càng không nên ra mắt trước thiên hạ. Phải làm thật chắc công việc hiện nay, dựa vào thực tài, vào thành tích công tác của mình, giành lấy lòng tin của tổ chức, của lãnh đạo, mà công việc hiện nay chính là sự thử thách của tổ chức đối với mình, đó là cơ hội tốt để rèn luyện ý chí và tính cách
Trên cương vị công tác đó, Putin đã làm việc gần 10 năm. Thời gian đó dường như đã rèn giũa con người hiện nay của Putin: già dặn, cẩn trọng, khéo biết điều khiển mọi việc ở hậu trường, rất ít bộc lộ mình, đầy bí hiểm.
Năm 1984, Thiếu tá Putin 32 tuổi, được phái sang Cộng hòa Dân chủ Đức. Danh nghĩa công khai là Chủ nhiệm Hiệp hội hữu nghị Xô - Đức, cơ quan ở Leipzig, danh nghĩa thực là Cố vấn Quân sự do KGB phái đến “Stassy” - Bộ máy Tình báo Đông Đức đặt cơ quan tại Dresden. Nhiệm vụ của Putin là làm địch vận trong nhân viên tình báo Đông, Tây Đức, cài cắm chân rết KGB trong nội bộ, mở rộng hàng ngũ KGB.
Đông Đức thời đó là tiêu điểm mà Liên Xô hết sức quan tâm, có 38 vạn quân Liên Xô đóng tại đây. Thủ đô Berlin là trung tâm chiến tranh gián điệp giữa Đông và Tây. Liên Xô đặt cơ quan Tổng bộ tình báo ở Kasoster ngoại ô Berlin, hàng nghìn quan chức KGB phải báo cáo định kỳ về Tổng bộ. Đương nhiên KGB phải cử nhiều nhân viên thường trú tới Đông Đức, nhưng hoạt động tình báo tối quan trọng đều do “Stassy”, Tổ chức Cảnh sát mật của Đông Đức tiến hành. Nghe nói "Stassy" theo dõi hàng chục vạn người và lập hồ sơ hàng triệu người. Do Liên Xô và Đông Đức có quan hệ tốt đẹp, KGB thường sử dụng mạng lưới tình báo của Stassy để thu thập những tin tình báo nguyên thủy, truyền trực tiếp về Mátxcơva.
Lúc đó, Putin phụ trách một tổ tình báo có 8 nhân viên KGB, tổ này lại đặt dưới sự chỉ huy thống nhất của Tướng KGB, Vladimir Xerkhuv. Địa điểm công tác của họ là tòa lầu nhỏ hai tầng ở số 4 phố Angieli Caxtrasi không có ghi trên bản đồ. Từ đây, có thể nhìn xuống dòng Elber êm đềm. Mỗi khi hoàn thành một công tác quan trọng, Putin thích cùng vợ là Lutmila vừa nhấm nháp rượu Vodka vừa ngắm cảnh mặt trời lặn hoặc ánh trăng trên sông Enbơ. Ở gần khu vực này phần lớn là sĩ quan cao cấp của "Stassy". Đối diện với tòa nhà của Putin ở phía bên kia đường là Cơ quan Tổng bộ "Stassy". Hestơ Bosim, trùm "Stassy", chỉ huy điều hành hàng nghìn nhân viên công tác đặc biệt ở đây. Cách không xa là căn cứ quân sự của quân đội Liên Xô đóng tại Dresden.
Chỗ ở của Putin rất tiện lợi cho công tác vận động và giám sát và cũng tiện cho sinh hoạt hàng ngày. Vợ Putin thường đến cửa hàng Nga để mua sắm, đôi vợ chồng trẻ cũng thường đến căn cứ của quân đội Liên Xô để xem phim. Từ cuối năm 1979, Liên Xô đưa quân vào Afghanistan, đặc biệt là năm 1981, Reagan làm Tổng thống Mỹ, quan hệ Đông - Tây bắt đầu xấu dần đi. Thái độ của các nước phương Tây đối với Liên Xô theo chiều hướng cứng rắn, mở rộng cấm vận thiết bị và kỹ thuật tiên tiến cho Liên Xô, khiến cho việc thu thập thông tin tình báo khoa học kỹ thuật bằng thủ đoạn hợp pháp bị cản trở, nên Liên Xô phải tăng cường hoạt động gián điệp.
Lúc đó, những hoạt động bất hợp pháp của KGB chủ yếu là: 1) Tìm người thay thế, tức là phát triển gián điệp người địa phương; 2) Dựa vào ngành tình báo của các nước Đông Âu; 3) Cài cắm gián điệp bất hợp pháp; 4) Dùng các thủ đoạn kỹ thuật vi tính, máy nghe trộm tinh vi; 5) Đánh cắp; 6) Buôn lậu. Chức trách chủ yếu của phòng D., cục T., Tổng cục I mà Putin làm việc là nhờ vào ngành tình báo của các nước Đông Âu để thu thập những thông tin tình báo khoa học kỹ thuật cần thiết.
Tin tình báo của Liên Xô chủ yếu được thu thập bởi các trạm KGB ở nước ngoài, các trạm này nằm trong các sứ quán Liên Xô ở nước ngoài, là trung tâm chỉ huy các hoạt động điệp báo của Liên Xô ở nước đó. Trạm đóng tại nước ngoài có một trạm trưởng, một số trạm phó. Quyền lực của trạm trưởng rất lớn, phải trực tiếp chịu trách nhiệm với Tổng bộ KGB Mátxcơva, toàn quyền chỉ huy tất cả nhân viên điệp báo với các loại danh nghĩa hợp pháp phái đến nước đó. Ngoài ra, chức trách của trạm trưởng còn bao gồm: Theo dõi và chỉ huy nhân viên tình báo quân đội trong sứ quán; giữ liên hệ với nhân viên tình báo các nước Đông Âu (trừ Romania) và Cuba trong sứ quán ở nước đó; chỉ đạo về chính sách và trang bị kỹ thuật; đọc và ký phát đi các bức điện của người ngoài trạm gửi về Tổng bộ KGB; thầm duyệt kế hoạch bắt mối với điệp viên. Tóm lại, trừ những điệp viên ngầm được phái đi bằng con đường bất hợp pháp do Tổng bộ KGB trực tiếp nắm, trạm trưởng là người duy nhất nắm toàn diện nhân viên KGB đến nước đó.
Trạm bộ của trạm nước ngoài có tổ chi viện kỹ thuật, sĩ quan viết báo cáo và phòng bí thư. Dưới có 5 tổ nghiệp vụ:
Tổ 1 là tình báo: Phụ trách phát triển gián điệp có thể tiếp xúc với những vấn đề cơ mật ở nước đó, thu thập tình báo chính trị, quân sự, kinh tế.
Tổ 2 là phản gián: Bảo đảm tất cả các nhân viên của Liên Xô phái đến nước đó không bị cơ quan tình báo của địch mua chuộc.
Tổ 3 là tình báo khoa học kỹ thuật: Bao gồm các sĩ quan tình báo đã được huấn luyện kỹ thuật, phụ trách thu thập tình báo khoa học kỹ thuật tiên tiến của các quốc gia phương Tây. Mục tiêu chủ yếu là Mỹ, Nhật Bản và Tây Đức.
Tổ 4 là chi viện nằm vùng: Bao gồm những điệp viên nằm vùng được phái đến bất hợp pháp, trực tiếp chịu sự chỉ huy của tổng bộ Matxcơva, không có quan hệ với trạm nước ngoài của KGB, nhiệm vụ của họ là nằm vùng lâu dài ở nước đó, khi xảy ra chiến tranh hoặc khi hai nước cắt đứt quan hệ ngoại giao, phụ trách tổ chức và lãnh đạo tất cả các mạng gián điệp của KGB ở nước đó.
Tổ 5 là hoạt động phá hoại: Phụ trách xây dựng một mạng gián điệp làm nhiệm vụ hoạt động phá hoại khi xảy ra chiến tranh.
Thiếu tá Putin lúc đó là Tổ trưởng Tổ Tình báo khoa học kỹ thuật KGB của trạm Dresden Đông Đức. Đối với Putin, được phái đến Dresden là một cơ hội phát triển lớn, vì thành phố này là một trong 5 thành phố ở Đông Âu có nhà máy kỹ thuật vi điện tử cho toàn phe Đông Âu đương nhiên là cho cả KGB. "Stassy" và KGB đều đưa nhân viên đặc vụ vào làm ở nhà máy. Được sự hợp tác của "Stassy", trạm điệp báo KGB do Putin lãnh đạo đã thông qua việc hợp tác của nhà máy với các xí nghiệp có tên tuổi trên trường quốc tế như IBM, đã đánh cắp được rất nhiều tin tức tình báo mật về khoa học kỹ thuật cho Liên Xô. Ngoài ra, Dresden còn có một trường học quy mô tương đối lớn, nó cũng là trạm trung chuyển học thuật, kỹ thuật quan trọng giữa Đông và Tây lúc đó. Qua các cuộc giao lưu học thuật ở trường, KGB có thể dễ dàng thu thập được rất nhiều tình báo khoa học kỹ thuật bằng thủ đoạn hợp pháp.
Dresden là một thành phố giáp với biên giới Tây Đức, các nhân viên của Đông và Tây qua lại như mắc cửi. Số người qua lại khiến cho Putin có ưu thế trong việc chiêu mộ gián điệp và thu thập tình báo mà các trạm tình báo KGB khác không thể so sánh được. Cho nên tổ tình báo của Putin và "Stassy" Đông Đức đặc biệt chú ý đến những khách sạn Benlovuy sang trọng nhất thành phố, khi phát hiện mục tiêu có giá trị, sẽ dùng mọi biện pháp buộc họ phải khuất phục, để đạt mục đích thu thập tình báo cho KGB
Các biện pháp KGB thường dùng chủ yếu: 1) Bí mật đột nhập, dùng các thủ đoạn kỹ thuật cao đánh cắp tình báo, gồm sử dụng máy ghi âm lắp trong bút máy, bật lửa, máy truyền âm, máy thu siêu nhỏ và những máy phát có thể lắp trong răng giả, núm vú giả, máy thu hình mini (sử dụng thiết kế tụ quang, có thể thu thập được những cảnh xa rõ nét trong đêm nhờ ánh lửa thuốc lá)… 2) Dùng tiền tài để mua chuộc, có thể dùng quan tước, tiền tài để mua chuộc, có thể dùng cách ép buộc, bắt đối phương phải khuất phục, chịu theo.
Về mặt này, tổ của Putin và "Stassy" Đông Đức phối hợp rất tốt, họ luôn thắng lợi và thu được rất nhiều tình báo khoa học kỹ thuật quan trọng. Theo thống kê, trong các nước vệ tinh của Liên Xô, chỉ có Đông Đức, Ba Lan, Tiệp Khắc là có cống hiến lớn nhất cho công tác tình báo khoa học kỹ thuật Liên Xô. Cho nên tổ của Putin và "Stassy" nhiều lần được Tổng bộ KGB khen thưởng. Do có thành tích trong việc xúc tiến quan hệ hữu hảo Đức - Xô, năm 1987, Putin được mời dự Đại hội kỷ niệm 70 năm thắng lợi Cách mạng Tháng Mười do Tổng bộ "Stassy" của Dresden tổ chức, trong hoạt động kỷ niệm đó Hestơ Bosim, Thiếu tướng phụ trách "Stassy" đã tự tay gắn huy chương vàng cho Putin.
Tại tiệc rượu mừng lễ kỷ niệm, Trưởng phòng Hành động 8 của "Stassy" đã cao hứng nâng cốc nói với Putin: "Công việc rất tốt. Chúng ta không có thực lực kinh tế để chạy đua với phương Tây về nghiên cứu kỹ thuật, cho nên chúng ta hãy để cho họ việc đó, rồi chúng ta sẽ đánh cắp kỹ thuật của họ mà chẳng mất một xu".
Nhưng thiếu tá Putin không phải chỉ chuyên xúc tiến hợp tác hữu hảo Xô - Đức, ngoài việc lấy cắp tình báo khoa học kỹ thuật, trong thâm tâm Putin còn ấp ủ một kế hoạch lớn hơn và có hiệu quả lâu dài. Kế hoạch đó được gọi là "Hành động ánh sáng", mục đích của nó là xây dựng một mạng lưới do thám tình báo kinh tế to lớn ở Đông, Tây Đức lúc đó. Như vậy, cho dù chính quyền cộng sản của các nước Đông Âu có đổ bể, vẫn có thể tiếp tục cung cấp tình báo cho Mátxcơva.
Lúc đó một phần công việc chủ yếu của Putin là chiêu mộ và huấn luyện nhân viên đặc vụ cho KGB, xí nghiệp điện tử mà Tổng bộ đặt tại Dresden cũng là nhà chế tạo máy tính lớn nhất và trung tâm nghiên cứu simcard của Tổ chức Hiệp ước Vacsava. Đó là điểm chủ yếu của Putin và "Stassy" đánh cắp tình báo kỹ thuật cao của các quốc gia phương Tây.
Thời đó, máy tính của Tổ chức Hiệp ước Vacsava đã lạc hậu so với các quốc gia NATO, một số nhân viên đặc vụ Tổng bộ "Stassy" thà làm việc trên máy tính cá nhân của quốc gia phương Tây sản xuất, chứ không muốn đụng đến máy tính to tướng trong phòng làm việc của họ.
Lúc đó, Putin thường mượn cớ giao lưu học thuật cử những nhân viên đặc vụ dưới cái vỏ nhân viên kỹ thuật sang các nước phương Tây, hoặc chiêu mộ các chuyên gia phương Tây ở các công ty điện tử cỡ lớn như IBM phái sang Đông Đức công tác để làm việc cho KGB. Putin còn thường xuyên thông qua các nhân mối ở quốc gia phương Tây thu thập tình báo và kỹ thuật điện tử quân sự NATO.
“Stassy” vẫn coi KGB là bạn, còn KGB cũng cần sự ủng hộ của "Stassy”. Về sau Ailic Mayenkh, Bộ trưởng An ninh quốc gia Đông Đức muốn hạn chế “Stassy” giúp đỡ KGB. Ngày 2/3/1989, Thiếu tướng Hesto Bosim phụ trách phận bộ Dresden “Stassy” gửi thư tố giác cho cấp trên trực tiếp của Putin, lên án KGB chiêu mộ một số nhân viên hậu bị đang trở về đời sống dân thường của quân đội Đông Đức, họ thường được chiêu mộ tạm thời để làm nhiệm vụ đặc biệt. Về sau, Bosim đã tự sát một cách lạ lùng. Một trợ lý của Bosim bộc lộ rằng lúc đó KGB lấy được kỹ thuật của các quốc gia phương Tây chiêu mộ nhân viên đặc vụ Đông Đức, rất có thể là để làm nhiệm vụ đại loại như thế. Tuy bộ máy tình báo quân sự của Liên Xô và KGB là riêng rẽ, những có thể Putin đã nhằm vào tình báo quân sự các nước phương Tây.
Cứ như thế, kế hoạch “Hành động ánh sáng” của Putin vẫn cứ lặng lẽ thực hiện. Putin đã phát triển được bao nhiêu người, lấy cắp được bao nhiêu tình báo khoa học kỹ thuật, sử dụng phương thức và thủ đoạn gì, đến nay không ai có thể nói rõ. Mọi người dần sẽ quên đi một giai đoạn lịch sử trôi qua cùng năm tháng, cho mãi đến năm 2000, tức mười mấy năm sau đó, khi Putin trở thành quyền Tổng thống Liên bang Nga, tờ báo “Tin Tức” phanh phui đời sống tình báo của Putin ở Đức, nhà đương cục Đức mới vội vàng điều tra truy xét trong toàn quốc. Kết quả là qua đống hồ sơ của KGB để lại khi rút khỏi Đông Đức, mới biết được hồi đó Putin định thực hiện kế hoạch này.
Sau khi phát hiện đường dây này, Chính phủ Đức rất lo lắng, họ sợ kế hoạch hành động mà KGB thực hiện thời đó nhằm do thám tình báo bí mật kinh tế của Đức vẫn còn tiến hành, nghe nói những gián điệp trong kế hoạch đó đều do Putin phát triển trong thời gian giữ chức ở Đông Đức.
Sự lo lắng của Chính phủ Đức không phải là thừa. Hai năm nay trên vũ đài chính trị nước Đức và các nước Đông Âu trước đây, có không ít những vụ tai tiếng gián điệp.
Theo thống kê từ khi “Bức tường Berlin” bị dỡ bỏ năm 1989 đến nay đã phát hiện hơn 100 người từng làm gián điệp cho Bộ An ninh quốc gia Đông Đức và KGB chui vào trong hàng ngũ chính quyền lớp trên. Chỉ từ năm 1990-1992 nước Đức đã phát hiện và hạ bệ mấy nhân vật chính trị chủ yếu vì có dính líu đến gián điệp mật thời kỳ Đông Đức. Trong đó nổi bật nhất là “vụ án gián điệp quan chức ngoại giao” năm 1993, một quan chức ngoại giao nữ của Đức 39 tuổi tên là Lipi. P. đang chuẩn bị đi làm đại sứ, bị tố cáo đã hoạt động gián điệp thời Đông Đức nên bị hủy bỏ, 20 năm trước, khi còn đi học, bà ta đã được chiêu mộ làm gián điệp. Tháng 10/1993, một quan chức ngoại giao 46 tuổi, tên là Karl Heind Lot bị bắt vì đã từng hợp tác với Bộ An ninh quốc gia Đông Đức.
Ở các nước Đông Âu trước đây, những việc như thế này cũng rất nhiều. Như Ilietxcu, Tổng thống trước đây của Rumany bị một tờ báo tố cáo ông đã được KGB chiêu mộ làm gián điệp trong thời gian du học ở Mátxcơva. "Vụ gián điệp Olexi" của Ba Lan, vì Tổng thống và Thủ tướng bất hoà, Tổng thống tố cáo thủ tướng là gián điệp của bộ máy tình báo KGB và Liên Xô.
Để làm rõ thời kỳ lịch sử này, cơ quan tình báo Đức thành lập riêng một Uỷ ban điều tra đặc biệt, phụ trách điều tra những hoạt động gián điệp của Putin ở Đông Đức có quan hệ cá nhân mật thiết với Putin trước đây, trong đó có cả trợ lý riêng của Bosim, trùm "Stassy" thời đó, có Hesto Giemilisi từng làm đặc vụ 30 năm, nhưng không thu lại kết quả gì. Giemilisi nói với phóng viên: "Chính phủ Đức rất lo sợ những gián điệp mà Putin chiêu mộ thời đó còn làm việc cho Nga. Họ đã cặn vặn tôi mấy giờ liền, nhưng chúng tôi đâu có biết những hoạt động của người Nga. KGB làm việc hoàn toàn giấu chúng tôi, việc chiêu mộ gián điệp tiến hành rất bí mật. Đến bây giờ tôi mới biết có cái hành động ánh sáng, tôi cảm thấy mình bị bán rẻ".
Đồng thời, bộ máy tình báo Đức còn tìm thấy nhiều tư liệu có liên quan đến Putin trong hồ sơ của KGB để lại. Những tư liệu này chứng tỏ ông đã được mời dự Đại hội kỷ niệm 70 năm thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười do Tổng bộ "Stassy" tổ chức năm 1987. Trong hoạt động kỷ niệm này, Bosim đã gắn huy chương cho Putin, khen thưởng những cống hiến xuất sắc về công tác cho quốc gia xã hội chủ nghĩa. Đồng thời cũng được chứng thực ít nhất có một quan chức cao cấp của Đông Đức thời đó thiếu chút nữa bị Putin mua chuộc được, vì căn cứ vào hồ sơ có ghi, phòng hành động 15 của "Stassy" nhận được chỉ thị yêu cầu phải lắp một điện thoại bí mật trong nhà quan chức đó.
Căn cứ vào những vụ việc trên, Ủy ban điều tra đặc biệt đã viết một bài báo cáo dài 10 trang, gửi về Berlin để tiếp tục nghiên cứu.
Nhưng việc Putin làm công tác điệp báo ở Đông Đức cho đến nay cũng chỉ biết có thế. Từ năm 1984-1989 lúc thống nhất nước Đức, trong 5 năm đó, Putin đã làm những việc gì, để lại cho nước Đức thống nhất cái gì? Không ai được biết. Chính quyền Nga cho đến nay chưa hề tiết lộ công tác cụ thể của Putin khi ở Dresden, nhưng cũng xuất hiện một số lời đồn đại.
Các nhà chính trị chuyên gia tình báo các nước phương Tây phân tích và cho rằng, rất có thể khi ở Đông Đức, Putin còn chấp hành một nhiệm vụ chính trị là tiếp xúc với những người Đông Đức đồng tình với Gorbachev như Hanx Modro, người lãnh đạo Đảng ở Dresden để phòng chính quyền Honek bị lật đổ.
Muốn tìm hiểu rõ giai đoạn lịch sử này của Putin quả là khó, trong quá trình này, một lần nữa mọi người chỉ thấy những bí hiểm của Putin. Viên sĩ quan giấu tên của "Stassy" nói với phóng viên: "Toàn bộ kế hoạch hành động của KGB đều nhét trong óc Putin, ông ta là một người rất thông minh, có sức kiềm chế rất mạnh, hành động hết sức cẩn thận. Ông ta luôn chỉ huy ở hậu trường, xưa nay không để ai chú ý tới mình". Xem ra việc Putin ở Đông Đức, chỉ có thể do Putin tự nói ra.
Năm 1989, Putin là Trung tá KGB, mắt nhìn thấy bức tường Berlin sụp đổ, hai nước Đức thống nhất, khối Hiệp ước Vacsava giải thể, KGB suy yếu, đã nhận thức sâu sắc rằng: Trong những ngày hòa bình nếu vẫn là quân nhân sẽ khó làm nên chuyện, nên quyết định chuyển ngành.