Bắt đầu sự nghiệp cải cách của mình, nhà vua bố cáo cho triều đình và cho chúng dân trong cả nước biết, ngài đã lập hoàng tử Harigitatmaja làm thế tử (Sử sách Việt nam và Trung Quốc thường gọi là Chế Đa Đa). Chính sách tô thuế cũng được cải tổ, nhằm khuyến khích nghề nông, kích thích nghề thương. Những người tài, đức tự tiến cử sẽ được triều đình trọng dụng. Những người tiến cử được người tài, đức sẽ được trọng thưởng. Các quan lại triều đình, ai tiến cử được người tài, đức sẽ được thăng thưởng. Ai vì tư tình mà tiến cử người thân thuộc vào loại bất tài vô hạnh, không những kẻ được tiến cử bị trách phạt, mà kẻ tiến cử còn bị trị tội ngang với tội làm giặc. Các quan văn võ ai chưa biết chữ, hạn trong hai năm phải học để biết chữ. triều đình sẽ mở khoa thi cho các quan đại thần từ ngũ, tứ phẩm trở lên. Qua kỳ sát hạch, ai không đỗ sẽ phải đuổi về nhà làm thứ dân.
Bố cáo cuối cùng của nhà vua là huyền chức quan Bố-đề về tội “bất kính quốc vương”, và “có mưu bạn nghịch”. Qua Bố-đề được tha tội chết, nhưng phải đầy đi biệt xứ, ngôi tể tướng tạm thời để trống, chờ khi nào tiến cử được người hiền.
Những cải cách của nhà vua làm chấn động kinh thành Chà Bàn,và làm xôn xao trong khắp cõi Champa. Dân chúng náo nức tung hô “Quốc vương vạn tuế!”.
Và họ xem như đây là một cuộc đổi đời chưa từng có trên đất nước này.
Trước hết việc lập hoàng tử Harigitatmaja vào ngôi thế tử, đã làm yên lòng hoàng hậu Tapasi.
Những kẻ lợi dụng lòng ghen tuông đố kỵ của đàn bà, để khích bác hoàng hậu về vị thứ của mẹ con bà, nay cũng câm họng, không dám lui tới nữa.
Những việc nhà vua định kỳ sát hạch các quan đại thần bằng một cuộc thi âm tả, cùng với việc huyền chức quan tể tướng, đã gây chấn động trong giới quan lại triều đình. Bởi quá nửa số quan võ và gần một phần ba số quan văn đều xuất thân võ học. Họ được xung chức là có luật cha truyền con nối. Thành thử họ có lười nhác, ngu tối thì cũng không vì thế mà bổng lộc của họ bị cắt giảm.
Nắm lấy cơ hội có một không hai này, Lý Quí chánh sứ người Nguyên từ Đại Việt sang, đã cùng với sứ đoàn nhà Nguyên ở Chà Bàn, tụ tập bọn quan lại bị phế truất,và có nguy cơ bị phế truất vì dốt nát, bất lực. y nói:
- Đất nước các ngài đang yên ổn, vua tôi các ngài đang hòa thuận, bỗng có con yêu tinh từ Đại Việt sang, nó làm khuấy đảo lên tất cả. Các ngài thử trù tính xem, liệu đầu các ngài có còn trên cổ được hai năm nữa để dự kỳ thi âm tả không? Đây là một thủ thuật bùa chú của bọn yêu quái, chứ quốc vương các ngài không thể tự nghĩ ra. Cho dù các ngài có đại hồng phúc sống thêm được hai năm nữa, thử hỏi các ngài có đủ khả năng vượt qua kỳ thi âm tả không? Thật là một sự lố bịch, từ trước tới nay có biết chữ nghĩa gì đâu mà các ngài vẫn điều hành được bộ máy quốc gia. Chữ nghĩa là đầu mối của mọi sự rối loạn. hãy xem con yêu tinh đó, nó biết cả chữ Hán cả chữ Chăm, vì thế nó mới nhiễu sự ra để hành hạ các ngài. Nếu các ngài cam tâm chịu chết dưới cái phẩy tay của con yêu tinh ấy, thì các ngài hãy ngoan ngoãn cắp sách đi học như bọn con nít sáu, bảy tuổi. Bằng không, các ngài phải nghĩ tới một cái gì khác chứ?
Thật ra Lý Quí đổ mọi tội lỗi cho Huyền Trân, là nhằm đánh lạc hướng để đối phương mất khả năng phòng bị. Y thừa biết, muốn phá được sự liên kết Chiêm - Việt này, phải diệt được hai người chủ chốt là hòa thượng Thích Minh Thái và quốc vương Chế Mân. Chính hắn được phái từ Đại Việt sang đây là để diệt hòa thượng. Mất hòa thương, Chế Mân không còn chỗ dựa về tinh thần. Mất Chế Mân, phe liên kết mất tất cả.
Thấy Lý Quí nói: ‘từ trước không cần có chữ nghĩa các ngài cũng điều hành được bộ máy quốc gia”, quan hàn lâm phụng chỉ lấy làm tương đắc, bèn hỏi:
- Bẩm Lý tiên sinh, chẳng hay bên thượng quốc, các quan đại thần cũng thẩy đều không có chứ nghĩa? Thế thì quí hóa quá, gần giống như Champa chúng tôi. Ở Champa có một số người tác yêu tác quái đi học, khiến cho triều đình trở nên xôi đỗ, chứ không được như bên quí quốc có phải không?. Ông này vốn chân thực, nhưng Lý Quí tưởng ông ta xỏ xiên, bèn trợn mắt quát:
- Ai cho ông ăn nói hỗn xược với thiên triều. Bên thiên triều, cứ hễ ai làm quan, dù làm chức lớn, chức nhỏ đều phải tinh thông chữ nghĩa. Các đại thần trong triều phải trên thông thiên văn, dưới tường địa lý. Các khoa y, lý, số đều phải tinh tường cả.
Quan hàn lâm bẻ lại:
- Thế tại sao các quan bên thượng quốc cần chữ nghĩa, mà các quan bên tôi lại không cần?.
- Vì rằng hoàng đế Trung Quốc là thiên tử - tức con trời. Còn triều đình Trung Quốc là thiên triều. Thiên tử thế thiên hành đạo thì thiên triều mới cần chữ nghĩa, để cai trị các nước man di ngoài Trung Quốc. Còn như Chiêm Thành các ông bằng cái mắt muỗi, chỉ nên một quốc vương biết chữ là đủ.
Quan hàn lâm bỗng “à” lên một tiếng, rồi hỏi lại:
- Tôi chắc Lý tiên sinh là người Hán, nên ngài nói về Trung Quốc có phần quá chăng? Cứ như chỗ chúng tôi hiểu thì nhà Tống bị người Mông Cổ diệt. Và bây giờ cai trị trung Quốc là người Mông Cổ chứ làm gì có thiên tử với thiên triều của người Trung Hoa?
Lý Quí đỏ bừng mặt quát:
- Các ông là một lũ vô ơn. Ta đến đây để cứu cho các ông thoát chết, lại còn bắt bẻ cái gì. Các ông biết một mà không biết hai. Ai thống trị Trung Quốc? Người Mông Cổ là một bộ phận của nước Trung Hoa. Cũng như Chiêm Thành các ông khi thì bộ tộc “Cau” ở phía bắc, khi thì bộ tộc “Dừa” ở phía nam cai quản đất nước, chứ ai vào đây thống trị Champa?
( Ở đây Lý Quí đã ngụy biện. Y lấy cái cớ thực của Champa là hai bộ tộc Cau và Dừa thay nhau trị vì đất nước, để so sánh với cái không có thực ở Trung Quốc, tức là Trung Quốc bị đế quốc Mông Cổ đô hộ, lập ra triều Nguyên)
Đến lúc này các quan mới vỡ lẽ rằng người Mông Cổ chính là người Trung Quốc, và người Mông Cổ chỉ có cai trị nước Trung Hoa thôi chứ không phải họ thống trị. Do vậy không còn ai thắc mắc gì nữa!
Quan Bố-đề vừa bị cất chức, từ nãy vẫn suy nghĩ về câu hỏi mà Lý Quí đặt ra: “Các ngài phải nghĩ tới một cái gì khác chứ?”
Bỗng ngài hậm hực lên tiếng:
- Nghĩ tới cái gì? Ông bảo chúng tôi phải nghĩ đến cái gì mới được chứ? Tôi đã cho hoàng hậu Tapasi đầu độc con yêu tinh ấy. Việc chẳng thành, vì con yêu tinh ấy đã thành tinh rồi, nên mấy tì nữ và hoàng hậu không lừa nổi nó.
Lý Quí lạnh lùng nói:
- Định đầu độc hoàng hậu Paramecvari ngay tại dinh hoàng hậu Tapasi, quả là các ông đã tính một nước cờ liều. Đúng là hoàng hậu Paramecvari đã cứu sống các ông. Tại sao các ông không tới dinh hoàng hậu tạ tội, và đền đáp công ơn cứu tử mà còn tụ họp ở đây để mưu tính trò con nít gì hơn?
Có một vị uất quá không chịu nổi, bèn lỗ mãng cướp lời Lý Quí:
- Ông khinh miệt chúng tôi quá lắm. Tại sao chúng tôi lại phải đền ơn trả nghĩa con yêu tinh ấy. Chưa moi gan, móc mắt nó ra được,chúng tôi còn chưa yên.
Với giọng trịch thượng đầy khinh thị, Lý Quí thủng thẳng đáp:
- Paramecvari là vợ yêu của quốc vương các ông. Ông ta yêu vợ còn hơn cả thân thể và đất nước của ông ta. Vậy mà các ông định hạ độc thủ bà ta ngay tại dinh hoàng hậu Tapasi, thì có khác gì các ông sờ vào răng nanh con sư tử trong lúc nó đang đói. Giá như mưu của các ông mà thành, tôi tin rằng tính mạng mẹ con hoàng hậu Tapasi khó có thể toàn vẹn. Và hôm nay, tôi không có cái diễm phúc được thấy mặt các ông ở đây.
Lý Quí dừng lời đột ngột, khiến bọn ngồi nghe vừa kính phục, vừa hoảng sợ. Một phút im lặng nặng nề trôi giữa ý nghĩ khác nhau của các đại thần bị Lý Quí khích, đã tự coi mình là thất sủng đang hoang mang đến cực độ đòi Lý Quí phải bầy mưu tính kế giúp.
Như chỉ có cơ hội ấy, Lý Quí, làm ra vẻ hệ trọng, nói cái giọng nửa kín nửa hở:
- Tôi biết đất nước các ông không thể chung sống với người Đại Việt. Quốc vương các ông chẳng qua bị trúng “mỹ nhân kế” của mấy ông vua nhà Trần. Nhưng các ông không thể giết Trần Huyền Trân, mà các ông không bị hại. Cái nhẽ sờ sờ như lúc nãy tôi đã nói. Bây giờ còn một kế hay, tôi xin biếu các ông, để tỏ lòng cao thượng của người Nguyên chúng tôi, lúc nào cũng sẵn lòng đứng về phía kẻ yếu mà bênh vực. Chỉ sợ các ông không có gan làm, và không có đủ mưu trí để làm.
Nói đến đây Lý Quí bỏ lửng, không đả động tới mưu kế gì, khiến các quan càng thêm tò mò, phấn khích. Nhiều người cùng nói:
- Việc gì mà chúng tôi không dám.
- Cũng chẳng có gì khó khăn lắm. Chỉ sợ các ông không đủ can trường thôi. Tôi đã nói: nếu các ông giết hoàng hậu Paramecvari, thì tất cả các ông đều bị giết tới ba họ. Ngược lại, các ông giết quốc vương Chế Mân, thì theo phong tục của người Chiêm Thành, các ông có thể thiêu sống con yêu tinh Đại Việt trên dàn hỏa, cùng với xác của Chế Mân như các ông mơ ước. Vậy là bắn một mũi tên, các ông đạt hai đích. Và cái họa Đại Việt được trừ diệt đến tận gốc. Rồi cứ theo như việc sách lập thế tử lúc sinh thời Chế Mân, các ông đưa thằng nhãi con Chế Đa Đa lên ngôi, vị thế các ông lại vững như bàn thạch. Rồi các ông lại có cớ cất quân đòi lại vùng đất hai châu. Việc này nếu rắc rối, đã có người Nguyên chúng tôi đứng sau các ông. Khi nghe Lý Quí bầy mưu giết quốc vương Chế Mân thì mọi người sửng sốt. Dường như quỉ kế ấy nằm ngoài tầm suy nghĩ của moị người. Bởi trước hết, Chế Mân là một người văn võ toàn tài. Ông lại có một đội cận vệ cực kỳ trung thành với nhà vua. Thứ nữa, là từ khi cưới Huyền Trân tới nay. Ông ban nhiều ân tứ cho lớp cùng đinh. Cho nên ông bị một số quan lại ngấm ngầm chống đối, nhưng ông được toàn dân ngưỡng mộ, tri ân. Trong tình thế như vậy, mà tổ chức một vụ thích khách hay đầu độc, là một điều hết sức khó khăn.
Gần như các quan đều có chung một ý nghĩ như vậy. Riêng quan Bố-đề nghĩ khác. Ông ta nói với vẻ khúc chiết, mạch lạc và bình tĩnh tới mức không ai nghĩ đó là người vừa bị cất chức, và sắp phải lưu đày viễn xứ.
- Tôi cũng nghĩ như các ông. Việc đó làm ngay trong lúc này là không thể được. Mà phải án binh bất động, chờ thời cơ. Phải nhằm lúc kẻ kia hý hửng, tưởng như cả thiên hạ đang ở trong lòng bàn tay y. Ngo ngoe động đậy, sẽ bị bóp chết. Tới lúc đó mới có thể liệu tính được. Bây giờ, sau khi tôi đi rồi, các ông phải làm ra vẻ nhất nhất theo lệnh quốc vương, rồi lại phải luôn xưng tụng tri ân hoàng hậu Paramecvari. Tôi đi, nhưng tai mắt của tôi còn đầy triều, lại có thêm sứ đoàn nhà Nguyên ở đây giúp rập làm hậu thuẫn. Nhất là ngài Lý Quí từ Thăng Long tới, ngài đã hiểu rõ gan ruột người Đại Việt, lại mưu kế như thần, hẳn ngài sẽ giúp ta thành tựu.
Lý Quí lại lên giọng dạy đời:
- Cái ông tể tướng này nói đúng. Các ngài cứ toa rập như thế chắc là thành công.
Trần Huyền Trân từ khi về Chàm, luôn luôn nhớ lời căn dặn của vua cha lúc chia tay trên đỉnh Yên Tử: “Nếu con làm mọi việc đều xuất phát từ lợi ích của người nhiều hơn lợi ích của riêng con, chắc là con sẽ thành tựu cả”.
Huyền Trân tự kiểm xét sau gần một năm về quê chồng: “Ngay từ bước chân đầu tiên, ta đi là vì sứ mệnh của đất nước, vì một nền hòa hiếu cho hai quốc gia, chứ ta không tham ngôi cao lộc hậu. Mặc dù ta được nhà vua sủng ái, nhưng ta vẫn luôn nhắc ông phải thương đến mẹ con hoàng hậu Tapasi. Chính việc lập thế tử, là do ta thúc ép. Ý ông là muốn chờ ta sinh con đã. Nhưng ta khuyên ông nên nghĩ đến lợi ích quốc gia. Tuy nhiên, tới nay ta cũng phải thú nhận rằng, ta rất yêu ông. Và yêu cả đất nước ông. Ta sẽ vì ông mà làm tất cả để cho quốc gia của ông hưng vượng được. Mới đây, các chính sách cải cách của ông ban ra, khiến ơn mưa móc nhuần thấm trong đám dân đen, làm ta hả lòng hả dạ. Ông luôn dò hỏi ta về các phương sách của Đại Việt. Chính việc cải cách trong quan lại triều đình và việc tìm kiếm người hiền là tự ông ban bố! Việc này quá đột ngột, ta e rằng ông sẽ bị họ ngấm ngầm chống lại. Ông có hỏi ta rất kỹ về kế sách đánh giặc giữ nước, và nhất là cuốn binh thư của đức Quốc công tiết chế Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn. Ta có nói: Đó là cuốn “Vạn Kiếp tông bí truyền thư”. Nhưng ta đã nói rõ ta không đem theo, nếu nhà vua cần có thể tự chép lại đầy đủ. Cuốn sách đó không có gì bí mật cả.
Ông tròn xoe mắt hỏi ta:
- Vậy chớ nàng có giỡn ta đó không hỡi đóa Bạch trà kiều diễm?
- Tâu bệ hạ, ngay như binh pháp Tôn Tử thì có thiếu gì người đọc. Thế nhưng các tướng giỏi của các thời vẫn hiếm hoi thưa vắng?
- Vậy, nàng nói cho ta nghe một điều căn cốt nhất của cuốn binh thư đó, rồi sau nàng có nhã ý viết lại tặng ta hay không là tùy ở nàng. Vì ta cũng biết, sách đó thuộc về tài sản quốc gia, bí mật quốc gia, nàng không được tự ý mang theo.
Huyền Trân sực nhớ, những năm còn thơ trẻ đã ráng đọc, và nhờ yêu thích, nhất là vì kính trọng đức Quốc công, nên đã nhập tâm được, mặc dù hồi đó nhũ mẫu giám sát rất chặt chẽ, chỉ sợ nàng sa vào đám yêu thư. Nàng cân nhắc không biết nói điều gì căn cốt nhất như nhà vua gạn hỏi. Thư thả, nàng đáp:
- Tâu bệ hạ, mở đầu cuốn sách, đức Quốc công viết bằng son hàng chữ: :”LẤY DÂN LÀM GỐC” ( Dân vi bản) . Cho tới khi ngài hấp hối, vương huynh thiếp có vấn kế: “Nếu giặc Bắc lại sang thì làm thế nào?”. Ngài đáp:
- “Bệ hạ hãy khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc”. Từ đó thiếp thấy phụ vương cùng các danh tướng đã luận bàn rằng, đức Hưng Đạo trở thành lỗi lạc, là bởi người có tâm thiện - Tức người là bậc Nhân tướng. Người lại có học rộng và cứu xét các bậc danh tưóng cổ kim. Ở đây thiếp muốn nói đến học thức của các bậc làm tướng quan trọng lắm. Nếu võ không có văn thì gọi là võ biền, vì loại người này như thiên lôi chỉ đâu đánh đấy, chứ không định ra được kế sách hay. Và họ coi mạng lính như cây cỏ. Loại tướng ấy ra trận nếu không bị đối phương giết chết, thì trong đám loạn quân cũng có kẻ sát hại. Còn tướng chỉ có văn không có võ, sẽ là tướng nhát. Như anh em nhà Viên Thiệu, Viên Thuật dù trong tay có trăm vạn quân rồi cũng sa cơ thất thế.
Bệ hạ cứ xem các tướng lĩnh của Đại Việt từ đức Trần Hưng Đạo, Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật đến Trần Bình Trọng, Trần Khánh Dư, Phạm Ngũ Lão... Ai cũng tinh văn giỏi võ, lại thông hiểu cả tiếng các dân tộc thiểu số, và tiếng nước ngoài. Nuôi dân như thế, tướng tài như thế, lại trên dưới một lòng, anh em hòa mục . Một đất nước như vậy còn sợ gì giặc ngoài xâm lẫn.
- Ôi, ta khao khát có được một vương triều như nàng nói. Phải chăng Thượng đế đã phái nàng tới xứ sở này giúp ta. Có nàng, ta cảm thấy có đầy đủ sức mạnh và yên tâm làm bất cứ một việc khó khăn to lớn nào. Nàng ráng giúp ta, hỡi đóa Bạch trà kiều diễm!
- Tâu bệ hạ, thiếp đã về với bệ hạ, suốt đời thiếp sẽ là cái bóng của bệ hạ.
Những buổi đàm đạo về thế sự giữa Chế Mân với Trần Huyền Trân xảy ra như cơm bữa. Có khi đức vua và hoàng hậu thức thâu đêm, để bàn cho ra nhẽ một việc mà nhà vua dự liệu sẽ phải cải tổ. Tuy nhiên, Huyền Trân vẫn giữ điều tâm niệm, không can dự vào việc triều chính của nhà vua. Hoàng hậu chỉ trình bày cái nhẽ trái, phải, thiệt, hơn, rồi lấy đó so sánh với các quốc gia quá khứ hoặc hiện tại họ làm như thế nào. Còn việc cất chức ai thăng bổ ai, tuyệt nhiên hoàng hậu không có nhời qua tiếng lại, dù nhà vua có gạn hỏi đôi ba lần cũng vậy thôi.
Gần đây nàng được tin từ Thăng Long cho biết, Chế Mân đã trao lại miền đất châu Ô, châu Lý cho Đại Việt. Quan tham tri chính sự Đoàn Nhữ Hài đã tới trị nhậm vùng này. Nghe nói, lúc đầu dân tình nháo nhác định bỏ đi. Nhữ Hài ra lệnh tha tô thuế ba năm, lại cho dân chọn người tài đức trong địa hạt ra tự cai quản lấy. hóa nên dân chúng cũng lấy làm hả hê. Bởi thế, việc lập lại sổ đinh, sổ điền, kê khai các vùng có sản vật quí hiếm, các đồn ải, các cửa sông, cửa biển sâu nông đều được liệt kê đầy đủ và phong phú hơn sổ sách mà các quan cũ của Chiêm Thành bàn giao lại.
Huyền Trân không khỏi tự hào, là đã góp sức mình vào việc thu hồi đất đai cho Tổ quốc mà không tốn một mũi tên, một người lính. Nhưng những việc còn lại, nàng thấy sẽ nặng nề gấp bội. Tức là làm cho đầu óc thiển cận của Chiêm Thành nhận ra mối thực tâm hòa hiếu của người Đại Việt, và thủ tiêu nạn binh lửa giữa hai nước. Và rồi Chiêm Thành cũng phải chấn hưng mọi mặt để trở thành một nước nhỏ nhưng không yếu. Song tất cả những việc đó phải đích thân đức vua đứng ra điều hành. Tuy nhiên, bằng trực cảm, nàng nhận thấy triều đình không thiếu gì kẻ phản phúc, và bọn sứ đoàn nhà Nguyên chắc cũng không khoanh tay ngồi nhìn hai nước Chiêm - Việt kết thân.
Về phía hòa thượng Minh Thái, người ta có cảm giác như không lúc nào không thấy ông làm việc Phật. Từ canh ba, đã nghe thấy tiếng mõ niệm kinh. Chính ngọ làm lễ dâng hương, lại kinh kệ cho tới đầu giờ mùi. Và chớm giờ dậu, ông lại hương đăng kinh kệ. Những lúc thư thái, ông làm vườn. hòa thượng tự trồng lấy hoa trái để dâng Phật, tự quét dọn lấy nơi thờ tự. Thế mà ông vẫn có thì giờ coi các bổn kinh do nhà sư Du Già trao tặng bằng tiếng Phạn. Đối chiếu với các bổn kinh mà người Trung Quốc dịch, ông thích các bản tiếng Phạn hơn. Nhất là kinh Kim Cương, có thể nói sự chuyển dịch đôi khi làm sai lạc cả ý chính của Phật. Việc đi lại thăm viếng giữa hai nhà sư, không những chỉ có việc trao đổi thờ tự, đèn nhang, kinh kệ, mà còn cả những chuyện ngoài xã hội nữa. Hai vị cũng dễ dàng cảm thông nhau, vì cùng đeo đuổi một mục đích cứu vãn chúng sinh thoát khỏi sự chia rẽ hận thù. Và các vị cũng nhận chân được rằng, ngay đức Phật đôi khi cũng phải dấn thân vào sự nghiệp tham gia diệt trừ cái ác. Vì nó ẩn náu một cách dai dẳng và tiềm tàng, đôi khi lại lấp ló dưới dạng cái thiện, khiến người đời khó khăn lắm mới nhận ra.
Ở kinh thành Chà Bàn này, không có sứ đoàn nào của Đại Việt ở lì như sứ đoàn của nhà Nguyên. Nhưng thỉnh thoảng vẫn có người từ Thăng Long qua lại, dưới dạng buôn bán, hoặc trao tặng quà quí giữa hai quốc vương. Vì vậy, hòa thượng vẫn thường xuyên được thư từ qua lại. Những việc làm ở Chà Bàn của đoàn tùy tùng Đại Việt theo công chúa Huyền Trân về Chiêm được thượng hoàng Nhân tôn hết lời khen ngợi. Công chúa cũng được dân chúng Thăng Long tri ân bằng cách lập đền thờ sống. Còn triều đình từ sau khi nhận lại phần đất hai châu, mới thật sự hiểu được tấm lòng sâu nặng của công chúa đối với đất nước, và kế sách nhân hòa thâm viễn của một người trí huệ như Nhân tôn, nhằm ổn cố nền hòa bình của đất nước.
Vào đầu khóa hạ, tức là sau gần một năm hòa thượng Minh Thái vào Chà Bàn, hòa thượng Du Già có lời mời vị hòa thượng của Đại Việt cùng ngồi chung tại chùa Cửu tháp của hòa thượng Du Già. Vì ở đây chùa được xây cất rộng rãi, có đủ các trai phòng và thư phòng cho tăng chúng cả nước về dự hạ. Nhưng hòa thượng Minh Thái đã từ chối, lấy cớ còn phải giúp hoàng hậu Paramecvari thường xuyên lễ bái tại gia. Sự thật hòa thượng đang lo cảnh bị bọn thám tử của sứ đoàn nhà Nguyên, ít lâu nay hay lảng vảng qua lại khu vực dành riêng cho đoàn tùy tùng Đại Việt. Ngay con Pansi, tì nữ của hoàng hậu Tapasi, tặng cho hoàng hậu Paramecvari trong một cuộc mưu sát không thành. Thị chưa để lộ tung tích gì, nhưng cũng không khai thác được ở thị một điều gì cơ mật. Điều đó càng chứng tỏ thị là một tay sai lợi hại, một con dao hai lưỡi. Cộng với những dự cảm tâm linh, hòa thượng tưởng như sắp có một tai họa gì to lớn sẽ xảy ra ở xứ này. Kết hợp với việc xem tinh tượng, thì thấy sao Thái âm lấn vào vị trí của sao Thái dương, ngờ rằng đang có lực lượng mưu toan ám toán. Tuy nhiên, ngôi Thái dương vẫn sáng, chứng tỏ mệnh của nhà vua còn vững.
Vào một đêm hạ tuần tháng hai, cả kinh thành Chà Bàn đang ngon giấc. Tiếng thở phập phồng của tấm ngực kinh thành như hòa với tiếng thở nhẹ êm của biển. Hòa thượng Minh Thái lâu nay có thói quen ôn luyện các môn quyền, cước, võ, vật, côn, đao vào lúc chập tối ngay phía vườn chuối sau am thờ, vừa kín đáo, vừa vào cái giờ không ai ngờ tới. Còn ban đêm hòa thượng tham thiền. Khả năng thiền định của hòa thượng đã đạt tới cấp bốn, cấp năm, trong bậc thiền bảy cấp. Cho nên khi hòa thượng đã nhập định rồi, hơi thở nhẹ đến nỗi đặt một chiếc lông tơ trước lỗ mũi, không hề thấy động đậy. Cũng vì thế mà hòa thượng có thể phân biệt được bước đi nặng, nhẹ của người chính, kẻ tà từ xa hàng dậm đường. Vào một đêm như thế, hòa thượng nhận thấy có kẻ lạ mặt đã vượt qua bức tường thành vào trong vuờn am. Hòa thượng biết ngay đây là một tay võ nghệ cao cường. Sau một hồi rình mò nghe ngóng, người lạ này áp sát tai vào vách am. Một lúc lâu sau có tiếng cú rúc ở phía sau vườn chuối. Rồi lại có tiếng một kẻ khác rón rén đi về phía tiếng cú rúc.
Chúng nó nói thầm với nhau:
- Mi có thấy tên hòa thượng vẫn đang ngủ trong am này chứ?
- Bẩm tiên sinh, lão vẫn ngủ trong am.
- Tại sao ta không hề nghe thấy một hơi thở nào của y? Vô lý.
- Bẩm tiên sinh, đêm nào lão cũng đọc kinh tới cuối giờ tuất mới thôi, và đọc sách tới quá giờ hợi mới đi ngủ. Tiên sinh cứ xem nếu cửa gài then, ắt có lão ngủ trong đó.
Chúng nó mò mẫm ẩy nhẹ từng cánh cửa, cánh nào cũng gài then chắc nịch. Thế là một tên phi thân lên mái ngói, y gỡ ba viên để lộ ra một vòm trời sáng nhạt với vài ánh sao le lói. Y cúi đầu nhòm vào am một lúc, rồi nhẹ nhàng đu mình xuống nền am. Lập tức y rút từ phía sườn trái ra một thanh đoản đao huơ lên nước thép ánh xanh. Bỗng từ đâu đó phóng ra một viên sỏi với sức mạnh phi thường, trúng vào sống thanh đoản đao, phát ra tiếng kêu không lớn lắm, nhưng làm cho cán đao rung, khiến cổ tay tên thích khách tê buốt, đến nỗi hắn phải buông tay, để cây đoản đao bay vèo vào xó tối. Sau một giây hoảng hồn, y biết ngay là gặp một đối thủ siêu việt. Nhưng y lại trấn tĩnh ngay. Biết đâu lão hòa thượng này chỉ có một món phi tiêu sở trường. Còn hắn tinh thông cả thập bát ban. Hắn bèn nấp vào một góc cột, vì nghe đường bay của viên sỏi, y đã xác định được hướng đối thủ. Hắn nói:
- Bớ lão hòa thượng! Nếu lão không nhát gan sợ chết, hãy ra đây đối mặt cùng ta tỉ thí.
- Lại một viên sỏi ném từ phía sau tên lạ mặt, cắt đứt chiếc chỏm mũ hắn trùm kín mặt chỉ để hở đôi mắt.
Lần này hắn có vẻ hốt hoảng thật sự. Hắn nghi là hắn đã sa vào một thế trận chờ sẵn. Và một mình hắn phải đối đầu với nhiều đấu thủ. Hắn có ngờ đâu hòa thượng di chuyển thân hình hộ pháp của ông nhẹ như hơi thở.
Bỗng nhiên hòa thượng xuất hiện chỉ cách hắn chừng ba bước nhẩy, vừa một thế công hoặc thế thủ. Hòa thượng nói:
- Trong giới võ hiệp, nếu đã xuất hiện lén lút như mi, chỉ có thể nói là bọn tiểu nhân, thích khách. Ta không muốn giết một thằng nhãi ranh không tên tuổi như mi. Hãy mau xưng tên tuổi, con cái nhà nào, ai xui mi vào đây rồi ta tha chết cho.
Tên kia không nói lại nửa lời, nhẩy bổ vào tấn công luôn. Hòa thượng lùi ba bước xem miếng đánh của hắn thuộc trường phái nào. Hắn chỉ tìm các huyệt hiểm như bách hội, ngọc chẩm cốt, á huyệt, tàng huyết, tâm kinh, kết hầu... Các miếng đánh khi thì hắn dùng tượng hình quyền pháp, khi hắn lại dùng thần long thám trảo, có lúc hắn nóng lòng dứt điểm dùng tới cả thủ pháp long, hổ, viên tượng mà công kích. Nhưng hòa thượng chỉ bình tĩnh mà né tránh như chơi trò con nít, khiến hắn phát khùng. Và hòa thượng cũng xác định ngay tên này xuất phát từ trường phái “Thiếu lâm võ hiệp”. Đó là một trường phái nổi tiếng của Trung Hoa. Và chẳng cần biết y phải xưng tên, hòa thượng cũng biết y ở trong đám sứ đoàn nhà Nguyên. Rõ ràng là y có ý đồ hạ độc thủ hòa thượng, nên y thuần chọn những miếng hiểm độc nhất để ra tay. Gặp một đối thủ cao cường và bình tĩnh như núi thái sơn, khiến hắn hơi chờn.
Hòa thượng sau khi đã xác định rõ trường phái võ thuật của đối thủ, lại thấy quyền thuật của hắn tuy tinh diệu, nhưng nội lực của y xem ra không được thâm hậu, nên người có ý định vờn cho y mệt rồi bắt sống. Nghĩ vậy, hòa thượng bèn xông thẳng vào đối thủ.
Hai người, một chính một tà, một người cao dỏng, nai nịt gọn gàng, lại có hộ tâm, có mũ che kín mặt, một người đậm đà, quần áo nhà sư lụng thụng, nom có vẻ khoan thai đĩnh đạc. Hai cách quần nhau, lúc đầu như hai mãnh hổ đua tài, cốt vờn cho đẹp và chờ sơ hở của nhau. Đánh chừng ba chục hiệp, hòa thượng liền thay đổi cách đánh, người đánh nhanh như chớp và đòn đánh biến ảo khôn lường, đang dồn dần đối thủ vào một góc. Tên kia cảm thấy núng thế, y tự nghĩ: “Ta đến chủ tâm hạ độc thủ hắn. Ai ngờ hắn lại là tay cao cường trong giới võ lâm. Khá khen, y mai danh ẩn tích thật là giỏi, khiến các thám tử của ta không một ai biết đến”. Nghĩ vậy, y bèn tính kế thoát thân. Y hét lên một tiếng thật to, rồi đánh bằng một hư thế, kỳ thực y nhảy ba bước ra đạp đổ cửa sổ rồi chạy tháo ra sân. Hòa thượng lao theo như một con rồng chụp quấn lấy y. Giữa lúc tính mệnh y đang nằm trong tay hòa thượng, thì có một tên đội lốt hổ lao cho y một cây đoản trượng. Và chính cái con hổ đó lao vào định tóm chân hòa thượng. Hòa thượng thuận chân lia gót vào điểm đúng huyệt cự khuyết của tên đội lốt hổ, khiến y “hự” lên một tiếng rồi nằm ngất lịm.
Hòa thượng cũng rút từ bên thắt lưng ra một chíêc dùi chuông xông vào đón đánh với cây đoản trượng của tên kia. Y có lợi thế với cây trượng dài có thể áp đảo cây dùi của hòa thượng. Nhưng y không làm sao đẩy được hòa thượng ra xa để phát huy lợi thế. Trái lại, y bị hòa thượng bám sát thắt lưng. Thành thử cây trượng của y cứ múa tít lên che chắn cực kỳ kín đáo từ bụng tới đầu, trước sau bao phủ, đón đỡ như hoa bay tuyết rụng. Hòa thượng thầm khen tên này: “Côn, trượng khá hơn quyền cước”. Và một khi y đã phòng bị các yếu huyệt một cách chu đáo như vậy, y lại để sơ hở các điểm lộ lợi hại từ hai đầu gối trở xuống. Nghĩ vậy, hòa thượng bèn áp sát y hơn nữa, vẫn chỉ bằng một tay với chiếc dùi chuông. Còn tay kia hòa thượng thò vào túi móc ra một viên sỏi như chiếc trứng chim sâu. Nhanh như một làn chớp, hòa thượng ném xéo trúng ngay xương bánh chè, khiến tên kia khuỵu xuống. Lúc ấy chỉ cần hòa thượng khẽ gõ chiếc dùi chuông xuống huyệt bách hội, lập tức hắn phải mất mạng. Nhưng hòa thượng đã nới tay, không thèm giết kẻ ngã ngựa. Vậy mà khi y vừa chợt gượng được, y dùng luông cây gậy với tất cả nội lực mà y có được nhằm giữa đầu hòa thượng giáng xuống. Hòa thượng đứng im không thèm đỡ, mà chỉ hơi nghiêng người một chút, khiến tên kia mất đà lao chúi về phía trước. Lần này nữa, hòa thượng lại một phen tha chết cho hắn. Đồng bọn của hắn, tên đội lốt hổ bị hòa thượng điểm huyệt chưa được giải cứu, vẫn còn nằm chết giấc. Coi như hắn phải chiến đấu đơn độc. Xem ra tài nghệ hắn không thể so với hòa thượng được. Đã nhiều lần hắn định dùng các thế võ hiểm độc nhất, nhằm hạ độc thủ hòa thượng cho nhanh. Nhưng tất cả đều vô hiệu trước một đối thủ có bản lĩnh phi phàm. Không tìm cách nào thắng nổi, hắn đang có ý đào tẩu, nếu không, sẽ có nguy cơ bị bắt. Hòa thượng không phải không đoán biết được ý nghĩ của kẻ thù, nên ông càng ráo riết dồn y trở lại một góc sân. Bất chợt y đánh bậy một trượng rồi bỏ chạy. Y vượt qua hàng rào, định tẩu ra ngoài được thì thoát chết. Nhưng khi người y vừa áp được vào thành tường, hòa thượng thấy không cần đuổi nữa. mà khẽ nhón một viên sỏi trong túi, to bằng chiếc trứng gà con so, thuận tay ông ném cật lực vào huyệt linh đài. Tên kia “hự” lên một tiếng, hai tay rời bờ thành toan rơi xuống. Hòa thượng đã tới, và đỡ y lên rồi ném y qua hàng rào, ông nói:
- “Đồ giẻ rách!” Và ông tin, kẻ kia không sống nổi ba ngày nữa.
Trở lại, hòa thượng lật mặt tên đội lốt hổ xem nó là ai. Té ra lại là con Pansa. Hòa thượng không lấy gì làm ngạc nhiên. Ngài không những không giải huyệt cho Pansa, mà trói chị cho chắc thêm rồi vứt nó trước tàu ngựa, chờ sáng để báo tiệp cho đức vua.
Chế Mân tự tay tra hỏi con Pansa - con tì nữ thân cận của hoàng hậu Tapasi, đã mưu mô cho vào hầu cận hoàng hậu Paramecvari. Không những thế, thị còn liên kết với bọn sứ đoàn nhà Nguyên, mưu ha độc thủ hòa thượng Minh Thái - người của thượng hoàng Trần Nhân tôn cử đi theo công chúa, để săn sóc việc kinh kệ và thờ cúng tổ tiên. Đức vua sục sôi toan trị tội Tapasi, và cả phe lũ bọn về hùa với bà ta. Hoàng hậu Paramecvari phải hết sức can ngăn nhà vua mới bình tĩnh lại.
Hòa thượng Du Già cũng trình lên nhà vua một kế sách an dân... “Những công việc cải cách trong ngoài bộ máy triều đình, là công việc phải làm lâu dài và thường xuyên, thì mới không gây sự xáo trộn có nguy cơ đổ vỡ. Vì công việc tuy là nội bộ của Champa, nhưng một đằng thì nhà Nguyên luôn luôn gây sức ép. Lại một đằng là bên Chân Lạp vẫn chưa thôi mưu đồ thôn tính. Nếu nhà vua không tiến hành tế nhị, thì cả thù trong lẫn giặc ngoài sẽ kết cục lại với nhau để xâu xé nước Champa”.
Nhà vua nghiến răng, giậm chân bình bịch xuống thềm điện thề:
- “Nếu ta không diệt hết lũ này, ta thề không làm vua nước Champa nữa!”. Mắt đức vua xếch lên, làn tóc quăn tít như đang tỏa ra, đang dựng ngược lên.
Và cũng chẳng phải chờ lâu mau gì mới biết được tên nào đã lén vào mưu thích khách hòa thượng Minh Thái. Ngay buổi trưa hôm sau, viên Lý Quí, sứ đoàn nhà Nguyên từ Đại Việt sang tăng viện cho sứ Nguyên ở Chà Bàn, đã thổ ra hàng chậu huyết đen mà chết. Từ khi hắn bị ném trúng huyệt linh đài, hắn không khai khẩu nói được một lời nào.