Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Tiểu Thuyết >> HUYỀN TRÂN CÔNG CHÚA

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 2982 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

HUYỀN TRÂN CÔNG CHÚA
Hoàng Quốc Hải

Chương 15

Mấy bữa nay trong lòng Huyền Trân trở nên xáo trộn. Nàng coi Trần Khắc Chung như một thần tượng và ao ước chiếm lấy. Bỗng gặp Nguyễn Trung Ngạn cậu thiếu niên thần đồng và Mạc Đĩnh Chi, chàng thanh niên tài năng vào bậc siêu việt, khiến lòng nàng xao động, không biết hướng tâm thức mình về nẻo nào. Nhưng Trung Ngạn tuổi còn nhỏ quá, thành thử tuy nàng có phục tài, mến đức những người đó, rốt cuộc vẫn cứ phân vân. Với Trần Khắc Chung, sau buổi tao ngộ trong cuộc bình văn, Huyền Trân có lại phủ đường thăm ông. Trong câu chuyện, cũng như qua các buổi xướng họa thơ, phú, Huyền Trân chợt nhận ra một Khắc Chung khác, không giống với Khắc Chung đã xông pha vào trại giặc, giữa muôn chết vẫn khảng khái, ung dung.
Huyền Trân tự hỏi: "Tại sao mình mến mộ ông ta mà ông ta cứ phải lảng tránh. Nghe nói ông ta cũng lảng tránh cả vợ con, gia đình. Lại không thiết gì tới cả việc xây dinh lập phủ. Thế là cớ làm sao? Ông ta là một con người khó hiểu, một viên quan lớn vào loại ương gàn chăng?"
Huyền Trân là một công chúa đài các còn trong trắng, thơ ngây, làm sao nàng có thể thấu hiểu được sự phức tạp ở đời. Nàng đâu biết Khắc Chung còn phải đối phó với biết bao ngón đòn ngầm, của những kẻ không ưa ông. Đâu có phải chuyện ngẫu nhiên ông bỏ vợ bỏ con, bỏ nhà cao cửa rộng, kẻ hầu người hạ với cả một lũ tỳ thiếp xinh đẹp để đến ở nơi công đường tẻ ngắt. Chẳng qua là gia đình ông nhạc của Khắc Chung, hồi quân Thát sang xâm lấn đã đầu hàng người Thát. Vì vậy mà tất cả tài sản của gia đình nhà vợ bị tịch thu. Để tránh sự liên lụy, Khắc Chung bỏ luôn cả gia đình, vợ con để sống cuộc đời đơn độc. Sự ly thân đó, cốt để bày tỏ lòng trung của mình với triều đình. Bỏ lửng lơ thế thôi, chứ ông ta không đoạn tuyệt. Còn việc không xây đình lập phủ, không phải do ông quá liêm khiết như nhiều người tưởng. Mà cái chính là xây để làm gì, xây cho riêng một mình ông ta ở thì thật là không cần thiết. Việc đời u minh uẩn khúc như thế thì Huyền Trân, một nàng công chúa cành vàng lá ngọc trong chốn khuê môn, lại mới chỉ mười lăm  mười sáu tuổi, hiểu sao thấu được.
Còn về phía Khắc Chung, ông ta có biết rằng công chúa tỏ lòng mến mộ ông, gửi gắm tấm lòng nơi ông không? Một người từng trải như Khắc Chung, làm gì ông ta không hiểu điều đó. Chẳng qua là ông ta giả tảng như vô tình không để ý đến chuyện gì cả, cũng chỉ là một cách nén giấu tình cảm của mình. Mặt khác ông ta cũng tự hiểu mình, chẳng qua trời phú cho vóc người và khuôn mặt trẻ lâu, chứ tuổi tác ông ta cũng đã ngoại tứ tuần, con cháu nội ngoại đề huề cả. Bây giờ nếu muốn chiếm được Huyền Trân, ông ta phải tự bộc lộ được một tài năng xuất chúng, khiến cả thượng hoàng và quan gia hết lòng yêu quí, tới mức ông ta xứng đáng được vời làm phò mã. Lúc đó ông ta lại phải tuân thủ một điều thứ hai nữa, là phải bỏ vợ cũ, vì con vua không bao giờ phải làm thứ thiếp đại thần. Nếu như không hội đủ các điều kể trên, mà ông ta vướng vào chuyện tai tiếng với công chúa, chắc chắn sẽ rầy rà, nguy hại. Làm gì ông ta không biết gia pháp nghiêm ngặt của đức Tuyên từ thái hậu, đến quan gia cũng phải khép nép cúi đầu.
Vì lẽ đó mà Trần Khắc Chung không dám mặn mà đáp ứng tình cảm của Huyền Trân, chứ đâu phải ông ta cao đạo không muốn tỏ tình với nàng. Cũng không có trở ngại gì về chuyện đồng tông, đồng tộc. Bởi lẽ nhà Trần cấm con trai, con gái lấy người dị tộc. Ấy là sợ cái họa khác máu tanh lòng, sinh nghi, sinh biến. Mà Khắc Chung đã được ban quốc tính rồi, còn lo gì nữa. Nhẽ đời là thế, Huyền Trân không phân giải được nên càng ấm ức. Giữa lúc công chúa đang đắm chìm trong suy tư thì Bích Huệ nhìn ra cổng, nàng giật mình kinh hãi khi thấy thượng hoàng đã vào tới trước sân, nàng nói líu cả lưỡi:
- Bẩm công nương, thượng hoàng tới !.
Vừa lúc đó Nhân tôn đã bước đến bậc thềm. Công chúa choàng đứng dậy, cả mấy thầy tớ ùa ra đón nhà vua.
Huyền Trân quì trước vua cha nói, giọng thổn thức cảm động:
- Muôn tâu phụ hoàng, con thật có tội. Phụ hoàng đến sao không cho con biết trước.
Nhà vua dang hai tay ra đỡ con gái đứng dậy và nói:
- Ta tới thăm con, sớm mai ta về Yên Tử.
Công chúa òa khóc nức nở, nàng rờ lên tấm vai gầy của vua cha với lần áo mỏng, ngoài khoác thêm chiếc áo cà sa đã cũ. Hai bên khủy tay đã sờn, công chúa nói qua tiếng nấc nghẹn ngào:
- Sao phụ hoàng lại đầy ải tấm thân quí giá thế này. Trời rét đến cây cau, cây nhãn cũng táp lá trắng cả vườn thế kia mà phụ hoàng vận mỏng manh quá. Thiếu chi vóc lụa mà phụ hoàng phải dùng thứ xô gai quê mùa này.
Nhà vua vuốt nhẹ bàn tay lên mái tóc Huyền Trân, với giọng âu yếm, ngài nói:
- Con ngồi xuống đây, đức vua chỉ cái kỷ kê sát tường-ngồi xuống, nhà vua nhắc lại, -nay ta có câu chuyện cần nói với con, kẻo mai ta đi sớm.
Công chúa vừa ngỡ ngàng, vừa bối rối. Nàng không thể đoán biết được vua cha có điều gì quở trách. Hay là có đôi lần nàng gặp gỡ thăm viếng Khắc Chung. Chuyện đến tai vua cha thật ư? Mặt nàng ửng đỏ, như tự thẹn với mình. Chẳng lẽ lại có kẻ nào mách lẻo với vua cha sao? Cứ băn khoăn tự vấn lòng mình, một lúc sau, Huyền Trân mới lên tiếng:
- Lạy trình phụ hoàng, chẳng hay con có điều chi lầm lỡ, phụ hoàng răn dạy, con xin đổi lỗi. Nói xong nàng toan quỳ sụp dưới chân nhà vua.
Vua Nhân tôn vội đỡ công chúa dậy, ngài nói:
- Huyền Trân! Con có tội tình gì đâu. Ta đến đây có việc hệ trọng cần bàn với con.
- Dạ thưa phụ hoàng, phụ hoàng có điều gì dạy bảo con xin lĩnh ý.
- Con thử xem, ta vào Chiêm thành gần một năm trời là vì sự đạo hay vì việc nước?.
- Thưa phụ hoàng, con là phận gái trong chốn khuê môn, con đâu biết được cao ý của phụ hoàng. Nhưng theo sự ngu dại của con phỏng đoán thì phụ hoàng vào Chiêm vì sự đạo.
Vua Nhân tôn mỉm cười, giọng âu yếm ngài phán:
- Con nói có phần đúng nhưng chưa đủ.
- Bẩm phụ hoàng, con không hiểu.
- Có gì khó hiểu đâu con. Con bảo ta vào Chiêm vì sự đạo. Điều đó đúng. Ta muốn đi xem xét và trao đổi về sự truyền bá đạo Phật ở xứ Chiêm thế nào, có gì khác với Đại Việt, và hay hơn Đại Việt thì ta học. Bởi lẽ Đại Việt và Chiêm quốc cùng trong một tông giáo.
- Thưa phụ hoàng, vậy chớ sự đạo ở Chiêm và ở ta có gì khác nhau không ạ?.
Câu hỏi của công chúa ngây thơ mà giản dị, nhưng thật khó trả lời. Suy nghĩ một lát nhà vua nói:
- Về căn cốt đạo Phật dù ở Chiêm hay ở Đại Việt đều giống nhau con ạ. Nghĩa là đưa chúng sinh từ bể khổ tới bờ vui, từ nô lệ tới giải thoát. Còn khác nhau là ở chỗ vị trí xã hội của đạo Phật ở Đại Việt được triều đình coi là quốc giáo. Nhưng ở Chiêm Thành quốc giáo của họ do phái Bà-la-môn thống trị. Phật giáo ở Chiêm, ta thấy cũng có nhiều người theo. Chùa chiền san sát, kiến trúc nguy nga lắm. Chế Mân cũng có đôi lần theo ta và nhà sư Du Già đi lễ Phật. Ông ta tỏ ra am hiểu về Phật pháp và ngưỡng mộ đạo Phật lắm. ta vào Chiêm, thật lòng vì sự đạo. Ta vun bón cho cây đạo ngày càng sum suê tỏa bóng. Ta nghĩ dù người Việt hay người Chiêm, khi đã cùng một tông giáo thì dễ bề cảm thông nhau lắm. Vì vậy, nói ta vào Chiêm vì sự đạo cũng có nhẽ đúng. Nhà vua ngừng lời. Ngài đăm đắm nhìn vào công chúa mà như nhìn vào cõi hư vô. Tâm trí ngài như đang phiêu diêu nơi miền xa đất lạ. Chợt nhà vua quay lại nhìn con gái với cái nhìn bao dung, trìu mến. Ngài nói:
- Ta vào Chiêm vì sự đạo, hẳn nhiên là thế. Nhưng cũng còn vì sự đời nữa con ạ. Đạo với đời đâu có tách biệt được. Ta có thể ví: đời là thân xác ta, đạo là linh hồn ta. Bởi vậy, ta vun đắp cho đạo, cũng tức là vun đắp cho đời.
Công chúa ấp úng toan nói, mắt nàng long lanh sáng như cầu xin vua cha cho phép nói. Vua Nhân tôn khẽ gật đầu.
Huyền Trân cung kính thưa:
- Bẩm phụ hoàng, chẳng hay bên Chiêm quốc có điều gì làm cho phụ hoàng phải bận tâm lắm không ạ. Đám sứ thần người Nguyên ở bên đó cao ngạo hay họ cũng đã tập biết điều như ở Thăng Long ta?.
Đức vua thở dài như nén giấu một điều gì không tiện nói ra cùng con gái. Đoạn ngài chậm rãi đáp:
- Con đã biết quan tâm đến quốc sự, điều đó làm cho ta vui sướng. Song ta buồn vì phận con chắc là gian truân sóng gió. Chẳng biết ta có còn sống được bao lâu để che chở cho con. Ta chẳng nói con cũng biết. Người Nguyên không lúc nào thôi dòm ngó Đại Việt ta. Ba phen họ đại bại trên đất ta. Hẳn là họ chẳng nguôi hận. Nay vào Chiêm, ta mới rõ họ đang mưu toan câu kết với Chiêm, để có cơ hội đánh ta từ hai mặt. May mà Chế Mân còn tỉnh táo. Nhưng triều đình đã có sự phân tâm. Trong đám đại thần cùng hoàng thân quốc thích, đã có một số người lén lút cố kết với bọn sứ thần nhà Nguyên tại kinh đô Chà Bàn. Hồng phúc Đại Việt ta còn lớn, nên trời xui ta vào Chiêm gỡ được thế cờ đang rắc rối. Giọng nhà vua bỗng nghẹn lại. Người đang lúng túng như không tìm ra lời lẽ để diễn đạt cái ý của mình. Mãi sau, ngài mới nói:
- Ta thật có lỗi với con.
Công chúa kinh ngạc vội quì lạy vua cha. Vua Nhân tôn đỡ con dậy, ngài quay nói với mấy người hầu gái của Huyền Trân:
- Các con tạm lui ra ngoài. Ta có việc cần bàn với công chúa.
Huyền Trân biến sắc mặt. Nàng không hiểu có chuyện quốc gia đại sự hay sắp có tai biến gì đây.
Đức vua nói:
- Con hãy bình tâm, lắng nghe ta nói. Ta muốn biết chủ ý của con. Việc Chiêm quốc như ta đã nói. Vậy theo ý con, nên quyết ra sao?.
Huyền Trân lúng túng. Vì chưa bao giờ công chúa để tâm đến một việc quá lớn như vậy. Thường là trách phận của triều đình lo các việc đó. Bỗng nàng sực nhớ đến bữa nào đọc :"Tam quốc", và chợt lóe ra kế sách của Khổng Minh dâng Lưu Bị khi ông quyết định chia ba thiên hạ. Huyền Trân đĩnh đạc thưa:
- Lạy trình phụ hoàng, chẳng hay sách lược :"Bắc cự Tào Tháo, đông hòa Tôn Quyền" của Gia Cát tiên sinh, phụ vương nghĩ thế nào ạ?.
- Phải chăng con muốn nói: "Bắc cự Nguyên, nam hòa Chiêm?".
- Thưa vâng.
- Ta cũng chủ trương như vậy. Song le trước mắt ta vẫn mong hòa cả mặt bắc lẫn mặt nam. Hiện thời người Nguyên chưa dám động binh. Họ còn đang mài nanh giũa vuốt chờ cơ hội. Nên chi ta phải phá hợp tung này. Thế của ta không như thế của Ba Thục. Hiện thời người Nguyên vẫn còn phải nể ta, người Chiêm vẫn còn kính trọng ta. Họ nơm nớp lo sợ ta cất quân đòi vùng đất hai châu. Vả lại,ta cũng đang lo dẹp bỏ ý đồ tiến đánh phương nam của một vài vị trọng thần. Đánh phương nam. Đó chỉ là hạ sách.
- Lạy phụ hoàng, con thật không hiểu ý phụ hoàng. Nếu không đánh phương nam thì làm sao thu hồi được đất hai châu? Con thấy các quan bàn tán việc này xôn xao lắm. Nhiều người còn oán phụ hoàng quá nhún với đám người Chiêm.
Vua Nhân tôn mỉm cười độ lượng:
- Trọng trách thu hồi miền đất hai châu, ta đã đặt lên vai con. Chỉ có con mới làm được việc đó. Nếu dùng binh lúc này là trúng kế độc của người Nguyên.
Nghe vua cha nói, có điều gì như quanh co, uẩn khúc. Công chúa lấy làm lo ngại, nàng ấp úng thưa:
- Trình phụ hoàng, con thật không hiểu ý cha.
- Có gì khó hiểu đâu con. Ta chỉ ân hận không hỏi được ý con trước khi ta quyết việc này. Ấy là ta muốn thật tâm hòa hiếu với Chiêm quốc. Ta đã nhận lời mai mối của giáo chủ phật giáo Du Già, muốn ta cho con tác hợp với quốc vương nước họ. Nếu như chiếc cầu nhân duyên giữa con với Chế Mân mà thành đạt mỹ mãn, sẽ là chiếc cầu nhân nghĩa lâu dài và cũng là niềm phúc hạnh cho hai quốc gia. Ta thấy Chế Mân là một vị vua sáng. Lại được con cùng các bầy tôi lương đống giúp rập, hẳn là Chiêm quốc sẽ trở thành một quốc gia giàu mạnh, song song cùng với Đại Việt ta trường tồn. Như thế, cả hai nước đều tránh được can qua. Mà nguy cơ xâm lấn từ mặt bắc cũng ngày càng giảm thiểu. Việc ta hứa gả con cho Chế Mân mới chỉ có vương huynh con cùng vài người tâm phúc được biết. Ta đã cân nhắc kỹ lắm. Cuộc nhân duyên này là cân sức cân tài. Chiêm quốc không phải ở thế mạnh ép buộc được ta. Việc con về Chiêm, không giống như việc nhà Hán đem Chiêu Quân cống cho người Hồ. Vua Chiêm còn không dám tự ý cầu hôn. Chẳng qua ta thấy mến cái đức của ông ta, và cũng vì công việc lâu bền của quốc gia, nên ta chủ trương tác thành cho con. Nhưng ta cũng không muốn ép buộc con. Nếu con cảm thấy việc này là khiên cưỡng, ta sẽ có cách nói lại với Chế Mân. Ông ta cũng là một người diệu lý diệu tình lắm.
Ngừng một lát như để suy ngẫm thêm, nhà vua lại nói:
- Cũng chưa có gì phải vội vã đâu con. Bởi lẽ bây giờ đang thời bình, ta không muốn thúc bách con. Nhà vua ngừng lời, như để nén giấu một điều gì cay đắng rồi tiếp: - Nay được sống trong cảnh thái bình, nhớ lại thời loạn giặc Thát, ta cũng thấy thương hoàng cô An Tư. Vì nước mà hoàng cô phải đem thân làm mồi cho giặc dữ, chỉ mong cầm chân chúng chậm đường tiến binh trong giây lát. Ấy là nói lúc thế nước đang nghìn cân treo sợi tóc. Chứ bây giờ thế ta vững như bàn thạch. Lo gì.Vậy ý con ra sao? Nhà vua nhìn vào tận mắt Huyền Trân gặng hỏi.
Công chúa bậm môi, ứa lệ, nàng không hề có mặc cảm gì oán thán vua cha, hoặc tiếc nuối cho thân phận mình, mà chỉ thấy xót thương cho vua cha. Vua cha suốt một đời lận đận hết lo đánh giặc lại lo an dân. Nay muốn an thân nương mình nơi cửa Phật, người vẫn không đành tâm phó thác việc nước cho vương huynh và triều đình. Việc gì người cũng phải để tâm tới. Người tác thành cho ta, ôi cái chuyện lương duyên đó, biết đâu chẳng phải là vận số. Vả lại, người chẳng nói đặt lên vai ta một trọng trách thu hồi miền đất hai châu. Vậy đó còn là nghĩa vụ đối với quốc gia nữa. Công chúa chợt nhớ tới một câu trong kinh sách: "Quốc gia hữu sự, thất phu hữu trách". Kẻ thất phu còn có trách nhiệm với non sông đất nước, huống chi ta đã có học hành, đã biết được đôi điều phải quấy. Sao ta nỡ chối từ các sự việc lớn lao mà người đã chủ trương. Nghĩ vậy, Huyền Trân bèn quì xuống vái vua cha rồi nói:
- Lạy trình phụ vương, phận con là gái, phụ vương dạy thế nào con xin vâng.
Đức Nhân tôn đỡ con dậy, ngài mỉm cười sung sướng:
- Con là một đứa con chí hiếu, tận trung. Ta biết lấy chi ban khen cho tấm lòng ưu nghĩa ấy của con. Chính con sẽ góp phần làm cho vương triều của ta thịnh vượng, sự nghiệp của các tiên đế để lại vì thế mà trường tồn với non sông Đại Việt.
Ngài như còn muốn biểu dương cả công lao giáo dưỡng của hai hậu (Hai bà Khâm từ thái hậu và Tuyên từ thái hậu là vợ vua và cũng là hai chị em ruột, con của Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn. Bà Khâm từ mất sớm, Huyền Trân được bà Tuyên từ nuôi dạy. Tuyên từ không có con, nên coi các con của Khâm từ như con mình) . Nhưng Huyền Trân đã kịp thưa:
- Bẩm phụ vương, ơn sinh thành của phụ vương cao sâu như trời bể, con dẫu có xông vào nước lửa hiểm nguy muôn chết, cũng chưa hồ dễ báo đền được gang tấc, xin phụ vương chớ có bận tâm nhiều tới tấm thân bé mọn của con.
Vua Nhân tôn lặng thầm giây lát rồi ân cần nói:
- Con yêu dấu của ta! Ta vui mừng vì con còn nhỏ mà chí lớn. Hẳn rằng con sẽ xứng đáng với kỳ vọng của ta. Không phải con cứ thế này mà về Chiêm được đâu. Nếu con đã an lòng, để ta nói với đức Tá thánh thái sư, dạy con biết những điều lễ nghĩa, những phong tục tập quán của Chiêm quốc. Người cũng dạy con cả ngôn ngữ văn tự của xứ Chiêm nữa. Sao cho khi về làm dâu đất người, con không còn bỡ ngỡ. Rồi ta cũng sai người triệu các vữ nữ Chiêm hiện còn ngụ ở thôn Bà Già, nằm trong các ấp thang mộc của các đời vua nhà Lý bên Kinh bắc, về đây luyện cho con ngón đàn cùng những điệu múa xứ Chiêm. Có nhẽ rồi con cũng phải đến luôn cái làng Chiêm bên đó, để xem xét, rèn tập những điều cần thiết nhất trong đời sống của người Chiêm. Chẳng hay ý con thế nào?.
- Bẩm phụ hoàng, con xin lĩnh ý.
Sau cuộc trò chuyện với công chúa, vua Nhân tôn lấy làm đẹp ý, ngài lui về hậu điện- nơi ấy Anh tôn đang chờ vua cha trở lại.

<< Chương 14 | Chương 16 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 586

Return to top