Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Tiểu Thuyết >> HUYỀN TRÂN CÔNG CHÚA

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 2978 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

HUYỀN TRÂN CÔNG CHÚA
Hoàng Quốc Hải

Chương 23

Sách phong hoàng hậu cho công chúa Huyền Trân xong, nhà vua mở tiệc khao thưởng quan quân. Đức vua cũng ra lệnh cho triều thần và đoàn hộ giá, đêm nay nghỉ ngơi tại quán dịch.
Quán dịch nhỏ bé, thường là nơi tiếp đón các quan chức biên ải của Đại Việt qua thăm giao hảo, hoặc có điều gì cần bố cáo lẫn cho nhau. Nó cũng không phải là nơi tiếp đón các sứ bộ Đại Việt. Vì từ Thăng Long hoặc từ Chà Bàn ra, các sứ giả của hai nước đều đi đường thủy. Đã nhỏ bé, quán dịch còn sơ sài, nên không đủ phương tiện để tiếp rước các đấng vương giả. Gần đây, được sắc chỉ của triều đình, các quan bản hạt mới cho tu bổ lại. Đã làm thêm một ít nhà chờ, nhà nghỉ bằng tranh, tre và gom được một ít sản vật tích trữ, chờ có dịp nhà vua ghé qua.
Biết đích xác nhà vua sẽ đón công chúa Đại Việt ở đây, các quan chức sở tại chạy xớn xác, lo đủ thứ. Dân quanh vùng nghe nhà vua cùng hoàng hậu mới, nghỉ lại nơi quán dịch đêm nay, họ nô nức đem tới dâng hiến nhà vua đủ thứ sơn hào hải vị. Nào hải sâm, yến sào, nai, hoẵng, dê rừng, gà rừng… Những mong được thấy mặt vua, và dung nhan hoàng hậu người Đại Việt. Nhưng sau đó các đồ dâng hiến được các quan chức thu dung, dân chúng liền bị đuổi ra ngoài khu công quán.
Tối vui được bắt đầu bằng cuộc trình diễn của ban nhạc, ban vũ cung đình. Những tiết mục được trình diễn ở một nơi mà mọi phương tiện đều thiếu thốn, nên những ai xem biểu diễn ở Chà Bàn rồi đều kém phần hào hứng. Ban nhạc của Đại Việt không tham gia khai diễn, lấy cớ đi đường xa mệt nhọc. Thực ra, hòa thượng Minh Thái không muốn khai diễn chương trình đặc sắc, trước một số công chúng lèo tèo, hơn nữa địa điểm quá chật hẹp và sơ sài. Tối vui sôi động hẳn lên, và ghi dấu ấn sâu sắc nhất, khi Huyền Trân nhảy vũ khúc Tamane hrung với đức vua. Nàng nhảy đẹp và duyên dáng như một vũ nữ Chàm điêu luyện, khiến bá quan và cận thần của Chế Mân hết lòng cảm phục. Vì vậy ngay từ buổi đầu ra mắt, Huyền Trân đã thu phục được thiện cảm của mọi người.
Màn trướng căng trong nhà công quán, một lò trầm được nhen lên, sực nức mùi thơm. Tất cả quân hầu của vua, tì thiếp của hoàng hậu đều bị đuổi hết ra ngoài. Công chúa nằm trong một chiếc giường có trải nệm gấm còn thơm mùi vải mới và mùi hương xạ. Giữa giường đặt một ngọn đèn nhỏ và một khay trầu. Giữa khay trầu là một con dao. Lúc này Huyền Trân mới ý thức một cách mơ hồ rằng mình đã trở thành hoàng hậu.
Một lát sau nhà vua đi vào, ông đã trút bỏ bộ lễ phục mà quấn một chiếc xary bằng nhiễu trắng, mình trần, để lộ những bắp thịt cuồn cuộn và bộ ngực nở căng. Nước da ngăm đen, tóc đen xoăn tít, chiếc cổ cao, gương mặt vạm vỡ với những nét hài hòa, nom nhà vua đẹp như một pho tượng.
Huyền Trân rất đỗi yên tâm khi thấy Chế Mân bước vào nhà. Nhưng khi ông vén màn vào giường thì nàng có cảm giác sợ hãi. Lưỡi như cứng lại, líu ríu không thốt ra được một lời chào.
- Đóa bạch trà kiều diễm của ta, Chế Mân nói. - Ta phải cảm ơn Thượng đế chí tôn đã ban nàng cho ta. Số mệnh ta từ nay do chính tay nàng nắm giữ. Ông mỉm cười phô hai hàm răng với những chiếc răng trắng muốt, đều tăm tắp. Chế Mân nắm lấy tay Huyền Trân áp lên ngực mình.
Vẫn chưa bình tâm lại được. Nơi lồng ngực công chúa đập thình thịch, cứ như trong đó nhốt một con chim, nó đang thúc bách đòi ra. Đã toan dùng hơi thở sâu như lời hòa thượng căn dặn, nhưng công chúa không thể nào làm được.
Chưa trả lời câu chúc của Chế Mân, thì nhà vua đã dùng bàn tay vuốt nhẹ nơi ngực nàng, rồi liên tiếp đặt lên má nàng những nụ hôn nồng cháy. Chế Mân luôn mồm nói: “Đóa bạch trà kiều diễm của ta!”. Đoạn nhà vua tắt phụt ngọn đèn và dẹp bỏ mọi thứ vào một góc giường.
Công chúa sợ hãi kêu lên:
- Nhà vua đã vi phạm những điều cấm kỵ. Thần linh sẽ trừng phạt!
- Ta biết rồi! - Chế Mân nói - Phải ba đêm trò chuyện dưới ngọn đèn kia, và phải mời nhau ăn trầu cho đằm thắm cuộc nhân duyên, rồi sau đó mới làm lễ hợp cẩn. Nhưng nàng biết không, vừa nói nhà vua vừa ghì chặt công chúa trong vòng tay mình. Ta đã chờ nàng suốt năm năm. Ta không thể chờ thêm một giây, một phút nào nữa. Bọn chó chết đã ngăn trở ta, đã dối lừa ta, ta sẽ quét sạch bọn nhơ bẩn này. Nàng phải biết không một thằng đàn ông nào tuân theo phong tục đó. Thần linh chỉ là chuyện bịa. Chế Mân vừa nói vừa ghì công chúa tới nghẹt thở. từng làn hơi nóng hổi sặc mùi rượu mạnh và mùi thức ăn, hòa trộn thành một thứ men chua chua phả vào mặt công chúa, khiến nàng khó chịu. Nàng có cảm giác tởm lợm, và nghĩ rằng mình đã đánh giá lầm ông ta. Ông ta cũng như tất cả bọn đàn ông phàm phu tục tử.
Dùng hết sức mình, công chúa đẩy Chế Mân ra. Mệt quá, nàng thiếp đi.
Mảnh trăng khuya ném chênh chếch chút ánh sáng xanh nhạt qua khuôn cửa tò vò, kéo theo một làn gió nhẹ làm lay động lá màn, khiến Huyền Trân tỉnh giấc. Nàng nghe mơ hồ tiếng thì thầm của rừng cây êm đềm, in hệt tiếng lào xào từ xa vẳng lại, mãi lâu sau công chúa mới nhận ra tiếng trò chuyện của biển khơi. Rồi tiếng côn trùng rỉ rả, tiếng hoẵng kêu đêm, tiếng vượn hú gọi bầy. Công chúa còn nghe được cả những âm thanh từa tựa như tiếng vỏ cây nứt rạn, tiếng nhựa chuyển lên cành. Lần đầu tiên ngủ trong rừng sâu,nhận ra không phải đêm là mọi sự đều ngưng nghỉ, trái lại chỉ có con người nghỉ ngơi, còn vạn vật vẫn tiếp tục cuộc hành trình sôi động của nó. Công chúa miên man tưởng tượng vùng đất hai châu, mà nay mai sẽ trở thành máu thịt của quốc gia Đại Việt. Và từ nay, những tiếng rì rầm của biển, tiếng thì thầm của rừng, tiếng côn trùng rỉ rả sẽ vĩnh viễn trở thành máu thịt của ta. Ôi mảnh đất ngàn đời thương nhớ, vì ngươi mà ta đánh đổi cả cuộc đời.
Nàng ngắm nhìn Chế Mân qua ánh sáng lờ mờ. Chàng ngủ say, hơi thở trầm sâu, nom khuôn mặt chàng tươi rói, không phảng phất một chút ưu tư phiền muộn, Bộ ngực trần, chân tay nổi cuộn những bắp cơ chắc nịch. Từ con người chàng toát lên vẻ hiên ngang, trung thực với sức mạnh cường tráng của một tay anh hùng có tài vương bá. Công chúa thầm trách: “Vậy mà chàng đã biến ta từ một thiếu nữ thành một người đàn bà”. Nàng tự ngượng với ý nghĩ vừa thoáng qua, vội đưa hai bàn tay lên che mặt.
Tiếng gà rừng như từ đất mọc lên, gáy xao xác từ xa, như một vết dầu loang cứ lan dần vào khu quán dịch, làm Chế Mân giật mình. Tưởng trời đã sáng, Chế Mân choàng dậy. Công chúa vờ ngủ. Lát sau, nàng hé mắt thấy ánh trăng mất hẳn và một thứ ánh sáng bàng bạc đang ló dần. Nàng mở mắt, thấy Chế Mân đang chòng chọc nhìn mình và mỉm cười:
- Chào đóa bạch trà kiều diễm của ta.
Công chúa tươi cười đáp lễ.
Nàng hỏi:
- Bệ hạ thức giấc đã lâu chưa mà thiếp không biết. Ôi, thiếp vô duyên quá, xin bệ hạ thứ lỗi. Chẳng hay đêm qua bệ hạ có được ngon giấc không?
- Cảm ơn nàng, ta ngủ say chưa từng thấy.
Mà từ nay, nàng đừng gọi ta là bệ hạ nữa. Đó là cách xưng hô câu nệ. Với nàng, tước vị là hoàng hậu. Nhưng trước nàng, ta chỉ gọi là “đóa Bạch trà kiều diễm” . Sự thật ta chưa tìm ra được loài hoa nào đẹp đẽ và cao quí hơn, để xứng đáng với sắc đẹp và phẩm hạnh của nàng.
Chợt nghe Chế Mân nói tới phẩm trật, Huyền Trân khéo léo xen vào:
- Tâu bệ hạ, thiếp chịu ơn bệ hạ nhiều lắm. Nhưng lòng thiếp vẫn áy náy về ân sủng mà bệ hạ ban cho.
- Vậy chớ có điều gì phiền muộn mà nàng còn phải băn khoăn, hỡi đóa bạch trà kiều diễm của ta?
- Tâu, đó là việc bệ hạ tấn phong cho thiếp tước vị “hoàng hậu”. Theo như điển lệ của thế gian, vua chỉ có một hoàng hậu chính thất, ngoài ra theo thứ bậc mà phong. Thiếp mới về, bệ hạ đã ban cho quá nhiều ân sủng, e thiên hạ sẽ dị nghị thiếp có ý tiếm ngôi vị của hoàng hậu Tapasi.
Chế Mân cười vui vẻ, nắm tay Huyền Trân âu yếm nói:
- Đóa Bạch trà kiều diễm của ta ơi, ta không có ý định phế truất Tapasi hoàng hậu. Nhưng ta cũng không thể đặt nàng dưới phẩm hạnh của Tapasi. Nàng xứng đáng được ta yêu trọng. Ta không thể đặt nàng ở cấp hoàng phi chứ chưa nói đến các cấp dưới nữa. ta quyết không theo điển lệ. Ta làm ra lệ. Lệ lâu rồi thành điển. Vả lại, những kẻ đặt ra điển lệ còn lưu lại tới ngày nay, thì chính họ đã vi phạm các điển lệ đã có trước họ rồi. Nếu gọi đây là một sự vi phạm hay một tội lỗi, thì tất cả những kẻ cầm quyền từ trước tới nay đều phạm tội cả. Vả chăng, nàng là biệt lệ của nhân gian, nàng không phải theo thông lệ.
Paramecvari!Cuộc đời ta từ nay sẽ cùng nàng gắn bó cho tới lúc số phận buộc ta phải lìa bỏ cõi đời này. Hãy nhớ lời ta” nếu chẳng may nàng ra đi trước ta. Ta thề có thần Shiva chứng giám, ta sẽ không ngần ngại bước lên giàn thiêu để cùng nàng tiếp tục cuộc nhân duyên ở cõi giới bên kia.
Trời vừa sáng rõ, nhà vua bước thẳng tới viễn vọng lâu, gọi quan tư tế đến và trao cho ông ta một vuông lụa bạch. Đức vua chỉ cho ông ta ba vệt máu loang đỏ sẫm, và dặn:
- Khanh phải cất kỹ trong hộp ngà.
Quan tư tế kính cẩn đón lây vuông lụa va hí hửng đi về phía nhà chờ. Ông tự nhủ: “Đây là một vưu vật, đức vua tin cậy trao cho, mất nó, ta sẽ mất đầu”.
Trước lúc khởi hành, nhà vua gọi viên quan hướng đạo đến và ban lệnh:
- Ta cùng hoàng hậu Paramecvari sẽ du ngoạn trên miền đất từ đây tới “Đèo mây bạc”. Khanh dẫn ta và hoàng hậu đi xem các cảnh đẹp, các kỳ hoa dị thảo của trời, biển, núi, sông mà vùng đất này có. Thuận đi cáng, đi kiệu, đi thuyền, đi voi thế nào tùy khanh định liệu. Lo hoàn thành phận sự cho tốt, xong việc ta sẽ có thăng thưởng.
Thái quan vừa dâng xong bữa ngự thiện cho đức vua và hoàng hậu, bèn lui ra sắp xếp hành trang để theo đoàn hộ giá. Cuộc hành trình tiếp tục, nhà vua và hoàng hậu ngồi trên một thớt voi. Con voi trắng thấy hoàng hậu vuốt ve, nó lim dim cặp mắt hiền từ quì xuống, để đón hoàng hậu lên bành mà không cần người quản tượng ra lệnh. Thấy sự lạ, sử quan vội chép việc này vào thực lục.
Con voi to lớn là thế mà bước đi êm nhẹ, khiến hoàng hậu phải thốt lên:
- Kỳ lạ thật!. Đoạn nàng quay sang hỏi nhà vua:
- Tâu bệ hạ, voi trắng là loài chưa từng thấy có ở Đại Việt. Chẳng hay ở vùng nào trong quốc vương của bệ hạ có nhiều loại voi quí này?.
- Theo như chỗ ta được biết, ngay trên mảnh đấy hoàng hâu đi đây, chếch về phía tây dãy núi xanh xa kia, dưới thung lũng, voi sống từng bầy. người ta săn voi, bẫy voi đem về thuần hóa làm vật nuôi trong nhà.
Hoàng hậu tỏ vẻ ngạc nhiên, một con vật to lớn dường này mà có thể bẫy nuôi một cách dễ dàng như nhà vua nói:
Như hiểu được điều hoàng hậu suy nghĩ, đức vua nói thêm:
- Đóa Bạch trà kiều diễm của ta ơi, bởi nàng chưa từng thấy các điều ta nói. Thực ra, việc thuần hóa loài voi non, là công việc người ta trao cho bọn con nít. Ngay cả việc săn voi bầy, tuy có nguy hiểm, nhưng lại là việc thích thú thường ngày của các phường thợ săn. Thế nào rồi ta cũng phải cho nàng dự một cuộc săn voi. Xa một chút về các buôn làng kia - Chế Mân chỉ về phía ven biển nơi nhấp nhô các rừng dừa, người ta còn dùng voi làm mọi việc như cầy đất trồng lúa. Chuyên chở dừa, cau về nhà. Voi dùng vào các việc nặng nhọc như kéo gỗ. Một con voi làm việc gấp năm chục người khỏe mạnh.
Nghe nhà vua nói, Huyền Trân hết từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Điều ngạc nhiên hơn cả là tại sao nhà vua biết được nhiều điều trong cuộc sống dân dã.
Gần trưa thì viên quan hướng đạo xin nhà vua và hoàng hậu xuống voi, đi kiệu để vào xem một cái đầm hoang trong thung lũng kế đó. Vạch lá xuyên rừng chừng ba dặm đường, tới một đầm nước, mà từ xa đã nghe rõ tiếng ồn ào của các loài chim. Càng đến gần, tiếng ồn càng lớn, và không phân biệt được  tiếng của loài nào nữa. Chừng non trăm bước thì mọi người dừng lại, và trước mặt hiện ra cơ man nào là chim. Chúng bơi, chúng tắm, chúng đùa giỡn đen đặc mặt nước đầm. Chúng đậu kín cành cây quanh nước. Chúng bay nhẩy trên bãi trống ven đầm. Cái đầm mà theo ước lượng của Huyền Trân, cũng rộng bằng hồ Dâm Đàm của Thăng Long, vì nàng trông sang bờ bên kia đuối cả tầm mắt. Thôi thì đủ các giống chim. Các loài quen thuộc thường thấy theo mùa bên Đại Việt như giang, le, sếu, thiên nga… Hoặc các loài thường thấy quanh năm như chim sâu, chim thước, chào mào, liếu điếu, vít chè, sáo, vẹt, yểng… tất thẩy đều thấy chúng ở đây. Còn nhiều loại mà Huyền Trân mới chỉ nghe nhũ mẫu kể hoặc đọc trong các sách của phương bắc, ở đây đều thấy cả. Nàng có cảm giác như nơi đây chính là vương quốc của loài chim.
Nắng lấp lóa làm cho những bộ cánh của đàn công đang múa thêm rực rỡ. Thăng Long cũng có công nhốt trong lồng lớn nơi vườn ngự, nhưng Huyền Trân chưa từng được xem công múa bao giờ. Họa hoằn lắm mới thấy con công đực khoe bộ cánh; cong chòm lông đuôi xòe ra như một chiếc quạt quanh con mái. Song ở đây thì vô số kể, cứ từng đôi từng đôi quay cuồng. Chao ôi, không có một vũ nữ nào trên thế gian có được bộ áo đẹp như loài công. Bỗng nàng quay ra hỏi nhà vua:
- Tâu bệ hạ. Những con chim mỏ đỏ, chân dài, mình nửa đen nửa trắng đang múa gần đàn công kia là chim gì, thiếp thấy quen quá mà không thể nhớ ra.
Chế Mân nhìn hoàng hậu cười âu yếm:
- Đó là nàng quen chúng ở trong các sách của Trung Hoa. Nó chính là loài hạc đấy. Loai ấy ở đất phương nam này cũng hiếm. Trẫm đã ra lệnh cấm các phường săn không được tới khu này.
Một lúc sau quen mắt, Huyền Trân mới phân biệt các loài chim từ nơi sắc lông của chúng. Trên ngọn những cây cao, đại bàng đậu chen chúc. Đây kia trên chóp đỉnh rừng, một đôi đại bàng đang lượn lờ tìm chỗ, cánh chúng che rợp cả một vùng trời. Lại có những con chim nhỏ xíu, sắc lông đỏ rực như lửa. Có loại có tua, ngù nom như các vị tướng cổ xưa. Có loại vằn, đốm đủ sắc mầu. Nàng ngẫm nghĩ, đây không chỉ là thế giới của sắc màu nữa. Có lẽ những màu vẻ rực rỡ hay êm dịu của các loài chim kia, được tạo ra từ sắc nắng. Bởi nắng ở đất phương nam này sao mà ấm áp, dịu mát vì lúc nào cũng có gió lùa theo. Mà màu nắng mới óng đẹp làm sao. Chợt nàng hỏi nhà vua:
- Tâu bệ hạ, vương quốc của bệ hạ quanh năm nắng đẹp như thế này?.
Chế Mân cười, dường như ông chế giễu sự ngây thơ của hoàng hậu:
- Đóa Bạch trà của ta ơi. Cũng có những ngày mưa đấy. Nhưng đúng ra là quanh năm ấm áp, bốn mùa không có sương tuyết. Mùa nào cũng có trái chín. Rừng cây không bao giờ thay sắc lá, và lúa thì một năm có tới hai, ba vụ gặt.
Nghe nói một năm hai, ba vụ gặt, Huyền Trân sực nhớ đến một giống lúa mà thượng hoàng đem từ Chiêm về, người tạm đặt cho nó cái tên: “lúa Chiêm”. Nàng đáp:
- Vương quốc của bệ hạ vừa đẹp, vừa giầu.
- Nhưng vương quốc của ta không có được một người đẹp như nàng.
Hoàng hậu bẽn lẽn cúi nhìn những con chim non, thảng lại rơi “bộp” từ trên cây xuống như một trái chín.
Cuộc viếng thăm các cảnh đẹp cứ diễn ra ngày lại ngày trên suốt chặng hành trình.
Có một lần, người ta dẫn nhà vua và hoàng hậu tới thăm một khu rừng trầm. xa hàng dặm đường đã thấy mùi thơm ngan ngát, ấy là do những người tìm trầm, đốt rác trầm để xua tan khí lạnh rừng sâu. Thấy nhà vua đến, họ đêm trầm tốt dâng vua. Hoàng hậu hỏi một người thợ tìm trầm:
- Bằng cách nào các ngươi lấy được trầm này?. Vừa hỏi, hoàng hậu vừa chỉ vào khúc trầm đen nhức mà người thợ trầm vừa tiến vua.
- Thưa hoàng hậu xinh đẹp, lũ dân khốn khó của người lấy trầm trong ruột loài cây có chất dầu thơm. Như cây này chẳng hạn. Họ chỉ vào một cây không lớn lắm, nhưng xù xì, khô khốc, tưởng như nó đã mọc ở đây tới cả ngàn năm.
- Cây đốn hạ xuống, ủ cho nó tự mục trong ruột vài năm - Người thợ tìm trầm vẫn tiếp tục nói. - Rác mục, còn trơ lại lõi trầm. Thả xuống nước mà chìm, thì gọi là trầm hương.
 Vừa nói, người thợ vừa bẻ khúc trầm thả xuống dòng suối trong suốt đáy. Khúc trầm chìm nghỉm.
- Thả xuống nước nửa nổi nửa chìm thì gọi là sạn hương. Vì nó không kết thuần một chất mà còn xen rác lẫn vào.
Nghe người thợ tìm trầm nói, trong lòng nhà vua thấy nao nao một nỗi buồn. Ông nhìn sát gương mặt chất phác kia, và thấy như mình có lỗi với họ. Mai đây khi miền đất này trả về Đại Việt, họ sẽ làm ăn sinh sống ở đâu? Chẳng lẽ những đầm chim, những thung voi, rừng trầm này lại không còn ở trong vương quốc ta trị vì nữa sao? Chao ôi, cái thứ trầm hương kia người Ấn Độ, người Ba Tư phải mua nó với giá cứ một cân trầm đổi lấy một cân vàng. Champa của ta được các nước kính trọng vì giàu có. Nay không còn những thứ để trở nên giàu có, liệu có còn ai đoái tưởng đến vương quốc của ta nữa không? Chẳng lẽ đổ vào cuộc hôn nhân của ta phải mất đứt đi một phần non sông cẩm tú? Hậu thế sẽ bằng vào đây mà cho ta là một kẻ si tình. Có dễ việc này ta phải xem xét lại. Chế Mân đang mang trong lòng một nỗi sầu thiên cổ.
Khác với Chế Mân, Huyền Trân nghĩ: Đất Ô-Lý giàu đẹp, quả như người ta đồn đại. Thảo nào mà người Chàm cố níu giữ không chịu trả về cho Đại Việt. Hơn nữa, một ngàn năm người Chàm chiếm cứ, biết bao xương máu của các chiến sĩ Đại Việt đã đổ trên mảnh đất này. Ta vào Chiêm với sứ mệnh đem đất này về lại cho tổ tiên, dòng giống. Ta vào Chiêm với sứ mệnh chấm dứt tranh chiến, can qua. Ôi, nếu đạt được điều này thì tấm thân liễu yếu đào tơ của ta có sá gì. Mong sao hậu thế đừng lầm sứ mệnh của ta, mà coi ta như một Hán Chiêu quân!
Tới một buổi khác, quan hướng đạo lại dẫn nhà vua và hoàng hậu lên đỉnh ngọn núi cao, mà ở đó thuần là rừng thông. Những cây thông cao, to sừng sững đứng giữa trời, nom cứ như là những người anh hùng hiên ngang trấn trị một vùng. Hoàng hậu Paramecvari tung tăng như một con thỏ. Nàng trèo lên đỉnh cao nhất trong dải rừng thông trùng điệp, và nhận ra dải rừng vòng theo hình cánh cung, như một tấm bình phong khổng lồ che chắn cho cả một thung lũng bao la ở phía chân đồi. Rõ ràng không một nơi nào trong vùng đất hai châu có địa thế đẹp như ở đây. Từ đây có thể nhìn thấy những chân trời xa khoáng đãng tít tắp ngoài biển khơi, Nhưng đẹp nhất theo hoàng hậu, vẫn là dòng sông. Dòng sông như một dải lụa xanh bất tận, chia thung lũng làm hai phần, Rực rỡ nhất là hai bờ, hoa lốm đốm đủ màu, nom có vẻ như hai bờ của một dải sông ngân. Hoàng hậu xin với nhà vua cho mình được đi ngược dòng sông. Điểm bắt đầu từ chỗ ngã ba phía xuôi ra biển kia, và cứ thế đi ngược lên tới tận nguồn. Ý muốn của hoàng hậu được thỏa mãn ngay tức khắc. Đoàn thuyền chầm chậm đi ngược dòng sông nước xanh màu da trời trong suốt đáy. Cá từng đàn nhởn nhơ đớp nắng. nước lặng lờ, khiến người ta có cảm giác dòng sông này không có thủy chế. Lúc đứng trên đỉnh chóp rừng nhìn xuống, hoàng hậu ngờ rằng đôi bờ của dải sông kia, chỉ có một khúc có hoa. Nhưng hoàng hậu cũng ngờ dọc theo triền sông từ hạ lưu đến thượng nguồn, tất cả đều là hoa thơm. Bất chợt hoàng hậu hỏi nhà vua:
- Tâu bệ hạ, chẳng hay bệ hạ đã có một lần đi trên dòng sông này chưa?.
- Chính nàng đem lại cho ta hạnh phúc đó, đóa Bạch trà kiều diễm của ta. Có đôi lần ta qua lại dòng sông này, nhưng chỉ sang ngang. Và những đám hoa mọc kia, ta xem chúng như một loài hoa dại chẳng có gì đáng lưu tâm. Ngược lại bây giờ…
- Thưa bệ hạ, thiếp chưa hề được thấy một dòng sông nào kỳ lạ như dòng sông này. Chẳng hiểu sao ngay từ dưới hạ lưu ngược lên, thiếp đã thấy thi thoảng một mùi hương. Càng đi, mùi hương càng đậm đặc. Thiếp ngờ rằng dòng sông có hòa trộn với một nguồn nước thơm nào, từ đâu đó chảy ra. Đã có đôi lần thiếp vốc nước lên để nếm, để ngửi. Song nhạt nhẽo như nước của mọi dòng suối, dòng sông khác.
- Đấy, bệ hạ cứ hít hà trong gió thoảng mà xem. Đúng là trong hương thơm có vương cả mùi mật ngọt…
Càng ngược lên thượng nguồn, dòng sông càng hẹp dần, nhưng hương thơm đặc sánh, tới mức mọi người đều có ý ngồ ngộ: con thuyền đang đi trên một dòng mật ngọt giữa hai bờ hoa thơm. Không ai có thể đếm hết được các loài hoa, cũng như không thể biết hết tên gọi các màu hoa. Trên hai bờ không chỉ có hoa dại thân mền mọc cao hơn mặt đất dăm bảy gang tay, mà còn có cả rừng hoa với những cây gỗ thân cao to tới mấy người Càng lên sát thượng nguồn, càng nghe rõ tiếng rì rầm của bướm, của ong. Đôi lúc có những đàn bướm bay rợp dòng sông, khiến người trên thuyền ngỡ rằng một lốc xoáy vừa ập đến, đã bốc cả ngàn hoa ném lên không trung.
Khi bắt gặp những hòn đá mồ côi to như những đống rạ nằm chắn ngang dòng nước, cũng là lúc viên quan hướng đạo cố rướn thuyền của mình lên cho kịp với thuyền ngự. Một thoáng ngần ngừ, Huyền Trân hỏi nhà vua:
- Tâu bệ hạ, dòng sông này tên gọi là gì?.
Nhà vua như sực tỉnh, chính ông cũng không biết tên con sông này là gì. Quốc vương bèn quay sang hỏi viên hàn lâm phụng chỉ và viên ngự sử. Họ cũng không biết gì hơn nhà vua. Với vẻ thanh thản và bằng một thứ giọng trầm sâu, nhà vua nói:
- Cái gì rồi cũng phải có tên gọi, Gọi lâu thành quen. Nay qua chơi một dòng sông đẹp, ta chắc hoàng hậu hài lòng. Vả chăng miền đất này nay mai ta sẽ giao trả về Đại Việt. Nên chăng hoàng hậu đặt cho nó một cái tên, để lưu dấu chút tình.
Chế Mân thầm nghĩ: “Dòng sông máu thịt của ta ơi. Từ nay ngươi sẽ đi vào tâm trí ta như một DÒNG SÔNG NỖI NHỚ”.
Huyền Trân chưa dự liệu cho tình huống này. Song nàng tự nghĩ: Cứ như bên Đại Việt ta, theo hình thù của vật mà đặt tên. Dòng sông lớn nhất Đại Việt có màu nước lúc nào cũng ngầu đỏ, người ta gọi nó là “Sông Hồng”. Còn quãng chảy qua Thăng Long, dòng sông chia làm hai nhánh, lại có tên: “Nhị Hà”. Ôi, miền đất hai châu, sao lắm thứ quí, lạ. Yến sào, voi trắng, trầm hương, với biết bao nhiêu thứ sản vật dị thường. Đến dòng sông cũng khác lạ. Những sản vật này, núi sông thành quách này, và những con dân thuần hậu này, sẽ làm cho non sông Đại Việt ta trở nên cẩm tú, hùng cường.
Sực nhớ việc đặt tên cho dòng sông. Huyền Trân nhẩm tính: “Còn dòng sông này vừa có hoa đẹp, vừa có hương thơm…”. Buột miệng nàng nói luôn:
- Đội ơn bệ hạ, cho thiếp được vinh hạnh này. Vậy thiếp xin đặt cho nó cái tên đúng như nó có : SÔNG HƯƠNG.

<< Chương 22 | Chương 24 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 618

Return to top