Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Tiểu Thuyết >> HUYỀN TRÂN CÔNG CHÚA

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 2981 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

HUYỀN TRÂN CÔNG CHÚA
Hoàng Quốc Hải

Chương 21

Lâu đài của công chúa vốn là nơi nghiêm cấm, bỗng dưng mở toang cửa đón khách thập phương lui tới chiêm ngưỡng các của hồi môn, và đồ dẫn cưới của quốc vương Chiêm Thành. Chỉ riêng việc mở cửa cung cấm cho khách vào xem, cũng là điều hấp dẫn với dân chúng kinh kỳ, huống chi lại có thêm sự trưng bày các đồ quý hiếm, các bảo vật lạ lùng trên thế gian.
Lâu đài được chăng đèn kết hoa rực rỡ như một viên ngọc khổng lồ. Người ta tò mò muốn biết xem người sắp trở thành hoàng hậu của một nước đi lấy chồng, được cha mẹ cho những gì làm của hồi môn. Thật là ngoài sức tưởng tượng của dân chúng. Riêng các loại, các kiểu áo quần, khăn, yếm, giầy, dép đã treo chật kín một dãy nhà ba gian. Thôi thì đủ các màu sắc, các loại kiểu may bằng những thứ tơ, lụa, nhung gấm sang quý nhất của trong nước và nước ngoài. lại còn các thứ mũ, áo, giầy, lồng ấp tay bằng lông cừu, lông thỏ trắng như tuyết. Rồi các đồ may bằng da như da hổ, da rái cá…
Vào tới gian bầy các đồ trang sức của công chúa nay mai sẽ đem về Chiêm, mọi người tưởng như lạc vào xứ sở thần tiên. Chao ôi, những chuỗi hạt mã não, hổ phách, ngọc trai, những vòng xuyến bằng ngọc bích, bằng vàng dát, nạm kim cương đua nhau tỏa sáng lấp lánh. Mỗi loại mỗi kiểu một màu và chúng ánh lên một thứ ánh sáng bảy sắc cầu vồng. Những chiếc hộp trầu bằng vàng, những ống đựng vôi bằng đồng đen. Kỳ diệu nhất là những chiếc mũ bằng vàng nạm đủ các hình hoa lá và mỗi chiếc mũ lại đính theo hàng chục viên ngọc. Tới gian bầy các loại đồ chơi mô phỏng các công trình nghệ thuật như điêu khắc, kiến trúc, trạm, khảm người xem đi từ kinh ngạc này đến kinh ngạc khác. Đây là “Chùa một cột”, khắc gọt từ một khối gỗ trầm thơm ngát. Kia là chiếc ngà voi lớn, khắc cả một truyền thuyết “Kéo trâu vàng”. “Tháp báo thiên” đúc bằng vàng ròng, cao tới gần một gang tay. “Tượng Phật nghìn mắt nghìn tay” trạm nổi bằng vàng. Những cảnh kéo co, đánh vật, bơi trải, chọi gà, đánh đu, đi kheo… đều được khảm tinh vi bằng trai ngọc, ốc ngọc trên các khung gỗ quý như trắc, mun, gụ, xà cừ. Các đồ nhạc khí đúc nhỏ lại như chuông, khánh, trống, chiêng, đàn nguyệt, đàn tranh, đàn bầu, kèn, sáo, nhị, hồ… Các loại vũ khí như cung, kiếm, nỏ, kích, chùy, mác, đao, búa… hết thảy đều được gọt rũa tinh vi, nạm bạc, nạm vàng sáng lóe. Các loại cầm thú như công, phượng, họa mi, trĩ, yến, oanh, gà lôi, hổ, báo, voi, rùa, hươu, cá sấu… đều được đúc bằng vàng với kích thước xinh xắn khác nhau. Ngoài ra công chúa còn được mang theo một bộ ba chiếc trống đồng, một bộ chín chiếc cồng cùng nhiều nhạc cụ và cả một ban nhạc theo hầu nàng về Chiêm.
Với các đồ dẫn cưới của Chiêm Thành là cả một rừng các chủng loại cực kỳ sang quý. Những thứ như vàng, bạc, châu báu, kim cương, ngọc bích, đồi mồi nhiều vô kể và được gọt rũa, tỉa chuốt bởi những bàn tay tuyệt diệu, của những người thợ kim hoàn có một không hai của kinh đô Chà Bàn. Đặc biệt có những thứ được xếp vào hàng kỳ quan như voi trắng, rùa vàng, chim trĩ trắng - là những thứ mà Đại Việt chưa từng thấy.
Để cuộc ra đi bớt phần ân hận đối với mảnh đất mà ở đấy công chúa sinh ra và lớn lên, mảnh đất mà từng ngọn cỏ, lá cây đã thấm máu cha ông bao đời mới tạo dựng lên và giữ gìn được, Huyền Trân đã làm một cuộc hành hương về phần đất phía nam, tức vùng Thiên Trường tới miền Hoan-Ái. Rồi từ Thăng Long về Kinh Bắc, ghé lộ Hải Đông, quành ra vùng An Bang. Công chúa lên tới cả đỉnh Yên Tử. Nàng đã đi thăm rất kỹ khu tịnh xá của các thiền sư Trúc Lâm. Đã nghe giảng kinh Phật và đi thăm thung chè, rừng trúc. Một bữa nhà vua dẫn công chúa leo mãi tới đỉnh Tử Phong. Mặc dù Yên Tử ở trên độ cao ngàn trượng bốn mùa lộng gió, nhưng Tử Phong thì dường như lại lặng gió, mây lành ở lẫn với người. Và chính nơi đây, vua cha cho dựng am Tiêu. Đứng trên đỉnh Tử Phong công chúa phóng tầm mắt nhìn mãi về tới vùng Cửa Suốt (Nay là vùng biển Cửa Ông, Quảng Ninh) , nơi tướng quân Trần Quốc Tảng trấn giữ rõ mồn một. Tức là cả một vùng biển phía đông của đất nước nằm trong tầm mắt. Lại nhìn sang hướng bắc, về phía hai tỉnh Lạng (Lạng Sơn và Lạng Giang) thấy rõ cả đồn canh biên ải. Lòng rộn lên niềm bâng khuâng trước cảnh đất trời Đại Việt mông mênh, Trần Huyền Trân bèn hỏi vua cha:
- “Thưa phụ hoàng, có phải vì phụ hoàng mến cảnh Yên Tử u nhã, nên phụ hoàng mới chọn nơi đây để lập trường phái, hay còn vì Yên Tử là đỉnh núi cao nhất ở đông bắc này, từ đây có thể phóng tầm mắt ra biển đông hoặc nhìn về biên ải phía bắc. Phải chăng đây là thâm ý của phụ hoàng để giặc bắc không ngờ, còn phụ hoàng rảnh tay làm việc đạo và cả việc canh chừng cho đất nước?”.
Đức vua lấy chéo áo cà sa lau qua khuôn mặt hiền từ, ngài cũng đưa mắt đảo qua phía biển đông, rồi ngoảnh về phía bắc, phía tây. Ngài gật gù đáp:
- Bấy lâu ta thường canh cánh bên lòng về việc dân, việc nước. Lên đây ta chỉ muốn rảnh tay làm việc đạo. Ta ước sao hội tụ được các trí tuệ Đại Việt lại mà nghiền ngẫm về Phật điển, về các đạo Nho, Lão cũng như về nền văn hóa truyền thống của chúng ta. Rồi từ đó tạo lập lấy nền Đạo của người Đại Việt mình, cho người Đại Việt mình hành hóa. Nền Đạo của ta phải thể được tính quần sinh lợi lạc cho hết thảy sinh linh trăm họ. Có như thế, ta mới thật sự yên tâm về nền độc lập của nước nhà. Ta hằng mong triều đình có những tay anh kiệt giúp rập vào cùng với vương huynh con. May thay khoa thi vừa rồi cũng đã kén được một số anh tài, ta tạm yên tâm. Điều mong mỏi nhất của ta, cốt sao cho dân no, quân mạnh, trên dưới một lòng, cả nước là một nhà, thì lo gì họa phương bắc. Việc ta lập phái Thiền Trúc Lâm, là ta muốn hướng toàn dân về cõi thiện. Ta hằng tâm đem điều đức Phật răn dạy để truyền lại cho chúng dân. Mong sao mọi nhà đều ấm no, hạnh phúc, xã hội đủ đầy hiếu thiện. Muốn làm được việc đó con ạ, trước hết phải bảo đảm cho đất nước có một nền hòa bình trường cửu. Việc này triều đình phải tận tâm tận lực, lại phải khôn ngoan lắm mới lo nổi. Bởi thế, ta vô cùng quí trọng con đã hiểu lòng ta, mới nhận chân được điều đó. Thật quá sức so với tuổi của con, lực của con. Ta chắc là vượng khí của non sông kết tụ lại, con có cái duyên may nên được thụ hưởng. Việc con về Chiêm là trọn hiếu, trọn trung.
Ngừng một lát, hết nhìn công chúa, nhà vua lại đưa tầm mắt nhìn ra bốn phương, ngài thấp giọng nói tiếp:
- Niềm hạnh phúc lớn nhất của ta, là con đã biết đặt việc nước lên trên việc riêng. Ta hiểu lòng con. Nhưng triều đình chưa hiểu lòng ta. Hậu thế có vì việc này mà chê ta, ta đành chịu. Ta không hồ đồ, cũng không cố chấp trong mối bang giao với các nước nhỏ yếu hơn nước mình. Ta chỉ lấy việc thịnh nước, an dân làm trọng, còn việc khen chê của kẻ sĩ hay của bọn thất phu thì cũng có hơn gì.
Nhà vua tự nghĩ: “Muốn làm được việc thiện cũng không dễ. Như ta, tận lòng với dân, với nước, mà đời đâu có hiểu. Ngay đến các bậc đại thần lương đống cũng không đồng tình với ta. Còn Chế Mân, ta thương ông ta một mình phải chống chọi với biết bao thế lực. Hồi ta ở Chiêm về, tưởng như việc nhân duyêt ắt được tiến hành ngay tức khắc. Ai dè chờ đằng đẵng suốt ba năm không thấy hồi âm, mà con ta ngày một lớn. Vì thế ta lại phải phái Đoàn Nhữ Hài vào trấn an Chế Mân. Sự thể rõ ràng là ông ta bị sứ thần nhà Nguyên cùng ông cậu ruột làm tể tướng ngăn trở. Mãi tới cuối năm ngoái, ông ta mới cử hòa thượng Du Già sang trần tình cặn kẽ. Rồi năm nay cuộc cầu hôn mới chính thức đặt ra. Cứ xem thế đủ biết, một việc làm quang minh chính đại, có lợi cho dân, cho nước của cả hai quốc gia, vậy mà cả ta lẫn Chế Mân đều bị người trung kẻ nịnh, người chính kẻ tà, bạn hữu và thù nghịch chống lại. Ô hay, con đường thiện lúc nào cũng thênh thang rộng mở, sao thế gian vẫn lắm kẻ mù lòa nhắm mắt bước qua, để lao đầu vào các nẻo tắt đường ngang “ - Nhà vua cứ triền miên suy tưởng các công việc ở trong đầu.
Thấy vua cha im lặng khá lâu, Huyền Trân nén giấu cảm xúc của mình, nàng không dám nhìn vào khuôn mặt hốc hác của vua cha, mà nhìn ra phía biển, nàng nói giọng đẫm nước mắt:
- Lạy trình phụ vương, chẳng còn mấy bữa nữa con phải về Chiêm. Mọi công việc lo liệu đã có vương huynh con và triều đình. Trước giờ vĩnh biệt, con chỉ cầu mong sao phụ vương cẩn trọng gìn giữ tấm thân quý giá, để còn làm được nhiều việc tốt cho dân, cho đạo. Xin phụ vương cùng hoàng thiên hậu thổ chứng cho lòng con ra đi chuyến này, trước hết là vì nghĩa nước, con quyết vì phụ vương và những ước vọng cao đẹp của người mà làm tất cả, không tiếc chi tấm thân bé mọn.
Vừa nói, Huyền Trân vừa chắp tay vái trời, vái bốn phương. Nghẹn ngào, nàng tiếp:
- Con chắc rằng, khi phụ vương viên tịch để về Tây Trúc, con không có mặt. Xin phụ vương coi như con đã thác mà rộng lượng cho. Nói rồi nàng sụt sùi sụp lậy vua cha.
Vua Nhân tôn cũng không cầm lòng được, nước mắt ngài trào ra. Nhà vua cúi xuống đỡ công chúa dậy:
- Sinh, diệt, tụ, tán là lẽ thường của tạo hóa. Con chớ nên câu nệ mà chuốc lấy sự phiền não. Đường xa, xứ lạ con phải gắng giữ gìn tấm thân muôn qui.
Huyền Trân gạt nước mắt nói:
- Lạy phụ vương, trước khi con về Chiêm, phụ vương có căn dặn thêm điều gì không ạ?.
Nhà vua giật thót mình. Dường như một thứ tình cảm bản năng, khiến nhà vua nhận ra giờ phút vĩnh biệt người con yêu quí đã đến. Người có cảm giác hụt hẫng, như một phần cơ thể mình tan rã ra. Mới hay tình cốt nhục nặng sâu, khiến nhà vua chợt cảm như mình đã có gì tàn nhẫn trong cuộc sắp đặt nhân duyên này. “Sự thể đã như vậy, âu cũng là phận số”. Nghĩ vậy, đức vua bèn nói:
- Những gì cần thiết cho cuộc về Chiêm của con đều đã được chuẩn bị. Ta chỉ thương con phận gái xông pha ngàn dặm, vào nơi đất lạ. Ta chắc tình hình sẽ êm thuận. Rủi có gì không may xảy ra, ta đã có dự liệu và có ý chỉ cho hòa thượng Minh Thái. Mọi việc làm trên đất Chiêm, về các công việc có quan hệ đến hai nước, nhất nhất con phải hỏi ý lão Thái, chớ không được tự tiện. Còn việc riêng giữa con với Chế Mân, là việc gia đình. Con phải ăn ở sao cho trọn đạo vợ chồng lại phải tỏ ra mình là người của một nước có văn hiến. Mỗi việc con làm, nếu phát khởi từ điều nhân hậu, và mưu lợi ích cho người nhiều hơn cho riêng con, ta chắc trăm việc con đều thành tựu cả. Con cứ yên tâm ra đi, thường năm có sứ thần hai nước qua lại, ta sẽ có tin cho con. Cầu đức Phật độ trì cho con an hưởng hạnh phúc trọn đời.
Huyền Trân nhớ mãi cuộc chia tay với vua cha trên đỉnh Tử Phong. Nàng sẽ khắc cốt ghi tâm những điều vua cha căn dặn, và những tình cảm bao la như trời bể của người dành cho. Nay công việc đã gấp lắm. Ngày lên đường đã gần kề. Chẳng biết Chế Mân đã nhận được thông điệp chưa? Huyền Trân nhớ, trong tờ điệp, công chúa có thỉnh cầu đức tân lang một điều: “… Thiếp sẽ đi bằng đường thủy tới điểm tận cùng của biên giới Đại Việt. Xin bệ hạ đón thiếp. Và cho thiếp được hưởng ân huệ sẽ đi đường bộ trên miền đất hai châu: Ô - Lý mà bệ hạ dùng làm sính lễ. Sau đó đi bằng phương tiện gì về Chà Bàn là do bệ hạ định liệu…”

<< Chương 20 | Chương 22 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 591

Return to top