Chế Bố Đài là quan chủ sự về lễ nghi của Chiêm Thành, cầm đầu một phái bộ hơn trăm người đã tới Thăng Long. Họ đệ trình lên triều đình Đại Việt tờ điệp xin cầu hôn. Và một bản thống kê dài dằng dặc những thứ quí, lạ như vàng, bạc, trầm hương, ngọc trai, vải bạch bố cùng lụa là, gấm vóc… để làm sính lễ.
Kể từ khi chính thức nhận được thông điệp cầu hôn, vua Anh tôn mới đưa ra bàn trong triều đình. Sự thể thật là gay cấn, triều đình đã bàn nát nước tới ba buổi thiết triều, vẫn chưa đi tới một kết cục nào.
Hầu hết các đại thần đều muốn cất quân đòi lại miền đất hai châu Ô, Lý chứ không muốn gả công chúa Huyền Trân cho Chế Mân, để kết tình hòa hiếu.
Quan tả bộc xạ hết lời mạt sát người Chiêm. Ông phẫn nộ nói:
- Ngày xưa Hung-nô thường quấy phá biên ải Trung Quốc, nên Hán Cao hoàng đem con gái nhà dân giả làm công chúa gả cho Thiên Vu để yên bề can qua. Đấy là một thời. Lại một thời vua Hung-nô là Hồ Hàn Da đến chầu xin làm rể. Nhà Hán đem Vương Chiêu quân gả cho, âu cũng là cái cớ, và tình thế nhà Hán buộc phải chấp nhận như thế. Còn như nước ta tự nhiên đem công chúa - một trang quốc sắc để gả cho chúa Chiêm thì thật là vô lối. Nếu như năm trước, thượng hoàng qua Chiêm mà nhận lời mai mối có hứa gả, thì nay quan gia đổi mệnh ấy đi cũng có sao đâu. Vì rằng vua đang giữ ngôi báu mà Thượng hoàng đã xuất gia. Tôi chưa từng nghe con vua của một nước lớn, lại vô cớ đem gả cho nước phiên thuộc. Việc này nếu không bãi bỏ, sử sách đời sau sẽ xem như là một việc làm trái đạo.
Trong khi các quan tại triều rầm rầm phản đối, thì các quan ở các trấn, các lộ cũng gửi sớ về can gián nhà vua. Các văn thần, nho sĩ trong triều, ngoài nội, nhiều người làm thơ đả kích. Nhiều người còn mượn điển tích nhà Hán gả Chiêu quân cho Hung-nô làm thơ chế giễu. Có giáo phường lấy cả tích Chiêu quân đem công diễn ngay tại kinh kỳ.
Nhân đó quan tả giai đạo lục cũng ra mặt phản bác. Ngài nói:
- Rường mối của quốc gia là kỷ cương lễ luật. Vừa nói được một câu, quan tả giai như sực nhớ việc gì, quan bèn dừng lại, nhả miếng bã trầu ra đút vào túi áo. Quan sửa hai chiếc dải mũ cuốn vào nhau rủ về phía ngực, nhưng gỡ mãi không được, đâm lúng túng.
( Tả giai đạo lục: viên quan coi giữ về đạo giáo. Chức quan này chuyên việc cai quản tăng đạo trong nước, bắt phải giữ kỷ luật thanh giới)
Vua Anh tôn nhìn viên đại thần không khỏi nực cười, nhà vua bèn phán:
- Khanh hãy bình thân. Đội lại mũ. Mũ của khanh đội ngược.
Lúc ấy cả triều thần mới quay nhìn quan tả giai, ai nấy đều bưng miệng cười khùng khục.
Quan tả giai mặt đỏ như gấc. Sau khi đội lại mũ, sửa lại đai áo, ngài nói tiếp:
- Muôn tâu bệ hạ, Chiêm quốc là một nước man di, chưa biết lễ, nghĩa. Người Chiêm là một giống vô đạo, tráo trở. Thần trộm nghĩ, con chim có tổ, người có tông, cây có cội, nước có nguồn. Vậy mà người Chiêm lại không thờ cúng tổ tiên. Cha mẹ nuôi con công lao tầy núi, thế nhưng lúc chết, con cái lại đem xác cha mẹ thiêu đốt đi. Cho nên một nước có văn hiến như nước ta, không thể giao hảo với một nước di, địch như thế được. Còn như nói, vì trước kia thượng hoàng đã có lời hứa với chúa Chiêm, nay phải giữ chữ tín. Thần xin nói, chữ tín cũng có ba bảy đường. Người quân tử giữ chữ tín với người quân tử, chứ chưa bao giờ người quân tử phải giữ chữ tín với hạng tiểu nhân. Xin bệ hạ cứ đổi mệnh đi cho hợp với chính lệ. Và cũng là để giữ uy tín cho nước lớn.
Chưa bao giờ nhà vua thấy phân vân như lúc này. Nghe các quan đại thần hay nghe thượng hoàng? Vua tự nghĩ: “Ta tự ý quyết cũng không khó. Nhưng ta chưa ép triều đình như thế bao giờ. Phải nhận rằng trong việc này ta cô đơn. Làm thế nào cho mọi người hiểu được cao ý của thượng hoàng”.
Nhà vua tỏ ra mệt mỏi, không muốn gặng hỏi các đại thần thêm nữa. Bỗng nghe Văn Túc vương Đạo Tái xin được nói. Đạo Tái nguyên là con của cố thượng tướng thái sư Chiêu Minh đại vương Trần Quang Khải. Đạo Tái là một người đức hạnh, thư văn nổi tiếng, được thượng hoàng Trần Nhân tôn kính nể. Trước khi thượng hoàng xuất gia, có mời Đạo Tái vào viện Dưỡng Đức ở cung Thánh từ, ăn đồ hải vị và có làm thơ tặng. Đạo Tái nói:
- Không phải thượng hoàng xuất gia rồi mà còn nhiễu sự để vào Chiêm. Cho nên việc vào Chiêm của thượng hoàng là có chủ ý. Cũng không phải thượng hoàng sợ hãi gì Chiêm Thành, mà phải đem con cống nạp như Hán Chiêu quân. Việc đến như thế, các ông còn không rõ sao? Lại phải hiểu thêm rằng, không tình nào sâu sắc như tình cha con cốt nhục. Vậy chớ các ông thương công chúa sao bằng thượng hoàng thương công chúa? Việc hứa gả công chúa cho quốc vương Chiêm Thành, thượng hoàng có cân nhắc kỹ lưỡng trên cả hai phương diện nước và nhà. Các ông thiển cận, hiểu sao được cái ý cao sâu của hoàng thượng. Đã không hiểu được lại xui quan gia đổi mệnh. Tức là xui con chống lại cha. Các ông là rường cột của quốc gia, nắm lễ luật, nắm đạo pháp lại đi xui vua làm điều vô lễ, vô đạo. Chẳng lẽ làm điều vô đạo ấy, lại giữ được uy tín cho nước hay sao? Tôi chắc là quan Tả giai hiểu nhầm cái nghĩa của uy tín. Nếu có uy mà không có tín, uy rồi cũng mất. Nhưng nếu có tín, tất có uy. Hãy xem gương nước Nguyên - Mông kia, biết bao lần dùng uy với Đại Việt ta, nhưng có mảy may tín nghĩa gì với chúng ta. Ba lần dùng uy, là ba lần đại bại!Cho nên, tôi thấy chỉ có nghe lời thượng hoàng, gả công chúa Huyền Trân cho quốc vương Chiêm Thành là thuận lòng người, hợp đạo trời.
Như dồn hết cả sự khinh ghét của mình đối với những kẻ ngu dốt giữ trọng trách trong bộ máy triều đình, Văn Túc vương nhìn thẳng vào từng người và văng vào mặt họ những lời không kiêng nể. Nói xong, lưng áo ông đen sẫm lại vì mồ hôi ra ướt đẫm.
Không khí triều hội căng thẳng. Hầu hết các quan mặt tái đi. Không hiểu vì giận Văn Túc vương, hay các quan tự cảm thấy kém hèn. Trái lại, nhà vua thì tươi nhuần hẳn ra. Ông thầm biết ơn người chú của mình. Và Anh tôn tự nhủ: “Đây là một người thông tuệ hơn đời, một người vừa trung vừa dũng, phải được cất nhắc vào các cương vị xứng đáng”.
Bầu không khí vẫn im lặng kéo dài. Chính nhà vua cũng muốn những lời nói của Đạo Tái được ngấm sâu vào tim, vào óc của từng người, để họ thấm thía cái đạo vua tôi và cái nhẽ ở đời.
Một lát lâu sau, quan nhập nội đại hành khiển Trần Khắc Chung mới lên tiếng, ông nói:
- Cầu hôn là đạo thường trong thiên hạ xưa nay. Thuận thì gả, không thuận thì thôi. Vậy mà các ông lăng mạ dân tộc người ta một cách quá đáng. Mỗi nước có một phong tục tập quán riêng, có tín ngưỡng riêng. Hà cớ gì, người ta không giống mình lại gọi người ta là man di. Tôi thấy các ông thuần nói theo cái giọng điệu của bọn nhà Tống, nhà Nguyên đối với nước ta để gán cho nước Chàm. Chúng ta là một nước có văn hiến, nên ta khinh bỉ bọn người gọi ta là man di, là “địch” quốc. Chữ “man” có bộ “trùng”, chữ “địch” có bộ “khuyển”, tức là nó coi chúng ta như loài sâu bọ, chó má. Vậy là ta đã đánh cho chúng bao phen thất điên bát đảo, mảnh giáp không còn.
Chiêm Thành là một quốc gia độc lập, có nền văn hiến cao. Hãy cứ xem đền tháp, tượng thần, tượng Phật của họ tinh xảo, mỹ lệ đến chừng nào. Chỉ vài ba trăm người thất tán sang đây, trình diễn vũ, nhạc cũng làm chúng ta rung động, cảm phục. Ai dám bảo Chiêm Thành là một nước không có lễ, không có đạo?
Đừng thấy người ta không thờ cúng ông bà mà coi nước người ta không có đạo. Chẳng qua chúng ta theo tín ngưỡng truyền thống của dân tộc, nên ta thờ cúng tổ tiên, để nhớ lại cội nguồn của mình. Đạo Phật ta theo, người Chàm cũng theo. Người Chàm còn có đạo lớn thứ hai, được xem là quốc đạo. Tức đạo Bà-la-môn. Đạo ấy qui ước người chết thì thiêu xác để linh hồn chóng được lên cõi thượng giới. Vậy người ta cũng có cái lý của người ta, sao lại bảo là vô đạo, là bất hiếu. Cái gì tồn tại được là đều có nguyên cớ. Cái gì ta chưa biết được thì đừng cho là nó bậy, đừng có báng bổ.
Nay vua Chàm đích thân cầu hôn. Việc này thượng hoàng với nhà vua Chế Mân đã có bàn kỹ. Mục đích là gây tình hòa hiếu cốt nhục, để cùng nhau chống cái họa phương bắc. Hai nước dựa vào nhau làm thế ỷ dốc để cùng nhau trường tồn. Thế là cả hai bên cùng có lợi. Nay người ta dẫn lễ đủ các thứ của quí vật lạ, lại kèm cả vùng đất hai châu làm sính lễ. Vừa gây được tình hòa hiếu lâu dài, vừa không mất mũi tên nào cũng thu phục được đất đai… Kế sách của thượng hoàng như thế còn gì cao kiến hơn, tỏ sáng hơn. Sao các ông còn muốn chống lại cái lợi sờ sờ trước mắt, để chuốc lấy cái hại lâu dài cho trăm họ. Việc đã đến như thế, xin bệ hạ cứ quyết theo ý của ngài.
Nhờ có chính kiến của Văn Túc vương và nhập nội đại hành khiển, nên ý của nhà vua đã tám chín phần muốn quyết. Nhưng để cho việc nhà, việc nước trọn cả hai, vua Anh tôn bèn lui vào hậu điện xin ý chỉ của Tuyên từ kế mẫu. Bà Tuyên từ là một người ý thức được về các việc làm của Nhân tôn, bà nói:
- Nếu việc này thượng hoàng đã có chủ ý, thì con cứ thế mà làm, không phải hỏi ta nữa.
Nhà vua lại triệu em gái tới triều kiến. Trước bá quan văn võ, vua nói:
- Việc gả công chúa cho quốc vương Chiêm Thành là do chủ ý của thượng hoàng. Nay nước Chiêm cử người sang cầu hôn, triều đình đã bàn tính lợi hại, kẻ nói nên, người nói không nên. Vậy ý công chúa thế nào. Nếu công chúa ưng thuận, việc sẽ thành. Nếu công chúa khước từ, triều đình sẽ tìm cớ thoái thác với người Chiêm.
Trần Huyền Trân không ngờ sự thể lại xảy ra gay cấn đến thế. Bữa trước Trần Khắc Chung có gặp riêng công chúa, nói rằng việc thượng hoàng quyết cho công chúa về Chiêm, ý của các đại thần không thuận lắm. Huyền Trân cũng cho đấy chỉ là câu chuyện làm quà, ai ngờ họ dám chống lại một quyết định sáng suốt của thượng hoàng.
“Rõ là một lũ ngu”, nàng thầm nghĩ. Và nàng cũng trách luôn cả vương huynh: “Trong việc này vương huynh ta lại không có chính kiến sao? Vua chúa gì mà cứ như đàn bà, việc đến không dám quyết”.
Trần Huyền Trân lòng đầy tức giận, mặt đỏ gay, nàng nói:
- Lấy chồng là việc riêng của một người con gái. Gả chồng cho con là quyền ở cha mẹ. Duyên phận của tôi như thế nào là thượng hoàng định đoạt. Song le việc định đoạt của thượng hoàng tới nay đã ngoài khuôn khổ gia đình, mà là quan hệ giữa hai quốc gia. Phận gái, tôi không muốn đem thân tới xứ lạ để thờ người khác giống. Song vì thượng hoàng thương đám lê dân cả hai nước, vô cớ lại cứ phải dính vào chuyện can qua. Người muốn thu hồi miền đất hai châu, muốn bắc một cây cầu hòa hiếu cốt nhục lâu bền giữa hai nước, để tránh cái họa tranh chiến ở phương nam, cùng nhau rảnh tay đối phó với mặt bắc. Cảm thông tấm lòng nhân ái như trời bể của thượng hoàng, là một đứa con hiếu thuận, tôi đã vâng lời. Việc này không còn gì nữa mà triều đình phải bàn.
Công chúa nói xong đi liền. Ra tới kiệu rồi mà lòng tức giận vẫn chưa nguôi. Nàng biết rằng, nếu nàng từ chối thì gần như cả triều đình đứng về phía nàng. Huyền Trân tự biết, thế là từ phút này trọng trách quốc gia đã đặt lên vai nàng.
Công chúa tự nhủ: “Đây là việc ta tự nguyện gánh lấy, chứ phụ vương và vương huynh ta không ép. Khốn thay cả triều đình mù quáng, chỉ có vài người hiểu được cao kiến của phụ vương. Ta quyết vì phụ vương, vì nền hòa bình trường cửu của Đại Việt và Chiêm Thành mà làm tất cả những gì cần thiết”.
Công chúa đi rồi, triều đình mới quyết việc nhận lời cầu hôn của sứ đoàn Chiêm quốc, và chọn ngày lành để đưa công chúa về Chiêm.