Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Tiểu Thuyết >> HUYỀN TRÂN CÔNG CHÚA

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 21025 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

HUYỀN TRÂN CÔNG CHÚA
Hoàng Quốc Hải

Chương 18

Không chỉ riêng có Huyền Trân công chúa học tiếng Chàm và Chàm ngữ, mà cả những người sau này sẽ theo hầu nàng về Chiêm như Bích Huệ, Thúy Quỳnh và cả hòa thượng Minh Thái cũng học.
Học ngôn từ và chữ nghĩa chỉ có Huyền Trân là sáng dạ. Nhưng về khẩu ngữ thì Bích Huệ vẫn dẫn đầu cả nhóm. Tuy nhiên về mặt chữ nghĩa thì Bích Huệ coi như mù tịt. Trao cho Bích Huệ cây bút để viết chữ Chàm, lập tức cô vẽ các chữ đó thành những con đường giun đùn, dế dũi. Thái sư không chê trách gì Bích Huệ mà còn khuyến khích cho cô phát triển mau lẹ, điều mà cô sở trường. Thái sư cũng không ép buộc Huệ phải học chữ.
Song từ dạo thái sư đưa nhóm Chiêm nữ từ Kinh Bắc về sống chung lẫn, và người cấm không cho nói tiếng Việt trong giờ học và cả lúc giao tiếp với người Chàm, thì khẩu ngữ của mọi người hoạt bát hẳn lên. Công chúa và hòa thượng đã đọc lõm bõm được các sách kinh Phật bằng chữ Phạn của Tây Trúc. Hiện thời Huyền Trân vừa học tiếng vừa học chữ, vừa khảo sát về âm nhạc và một vài điệu múa Chàm. Về âm luật, thái sư tự mình dạy cho công chúa sau giờ học chữ mỗi ngày. Ngoài ra, phải nhờ đến một số người Chàm hướng dẫn. Riêng học múa đã có bà Trà Hoa Tuyết, mọi người thường tôn bà là vũ sư.
Vào một đêm đã được chuẩn bị trước, bà vũ sư xin phép công chúa tổ chức vũ hội của dân tộc mình. Đúng dịp thượng hoàng có việc về kinh, Huyền Trân bèn mời vua cha đến dự. Công chúa còn cho mời Trần Khắc Chung. Trần Khắc Chung vừa mới được thăng nhập nội đại hành khiển. Mời quan Tư nghiệp quốc tử giám, và cả Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Trung Ngạn và những sinh đồ nổi tiếng khắp Thăng Long, sắp vào dự thi đình trong năm tới.
Mở đầu dạ vũ là vũ khúc tamane hrung. Ngoại trừ những người đồng bào cùng trong một thôn xóm, không ai nhận ra vũ nữ trẻ măng đang trình diễn kia lại chính là lão bà Trà Hoa Tuyết. Chiếc mũ Chiêm chóp nhọn lấp lánh ánh vàng ôm gọn lấy mái đầu có vành tóc đen nhức. Khuôn mặt tròn đầy đặn, chiếc mũi thẳng với nước da hơi ngăm ngăm đen pha hồng, điểm thêm một nốt ruồi son giữa trán. Chuỗi hoa tai kim cương nạm vàng chảy xuống hai bờ vai trần, nom như hai bông tuyết phát ra những luồng ánh sáng bảy sắc lung linh, làm rạng rỡ thêm khuôn mặt đẹp và chiếc cổ thon duyên dáng. Chiếc áo con che đỡ vừa vặn hai bầu vú, may bằng thổ cẩm thêu chỉ bằng vàng. Hai cánh tay tròn lẳn, nơi hai cổ tay được ốp một loại vòng hình cánh sen bằng vàng, có đính thêm những chiếc nhạc nhỏ xíu như hạt cườm dát ngọc lấp lánh. Bụng vũ nữ để trần. Tấm váy xary, nhất là chiếc cạp váy là cả một công trình nghệ thuật may thêu, cực kỳ tinh xảo. Cùng múa với vũ nữ là một chàng trai có nước da ngăm đen, thân hình chắc lẳn. Đầu chàng đội một thứ mũ trụ bằng vàng, mình trần đóng khố. Chiếc khố thêu, dát tinh xảo bằng những thứ vàng, bạc, đá ngọc đủ màu. Trông chàng khỏe mạnh, đanh chắc, toát ra một vẻ kiên nghị hấp dẫn lạ thường.
Ban nhạc vừa nổi lên giữa tiếng trống pa-ra-nưng, tiếng kèn saranay, tiếng nhị kami và tiếng đàn campi. Những âm thanh dìu dặt, du dương đưa ta vào cõi mộng. Bỗng nhiên, vũ nữ lắc mình như một vị thần đang làm phép hoá thân. Sau cái lắc mình, vũ nữ ngồi xuống, chiếc xary xòe trên sàn diễn. Tiếp theo là những động tác múa dẻo. Đôi bàn tay, nhất là cổ tay và cánh tay của vũ nữ uốn lượn, làm cho mọi người không còn tin ở mắt mình nữa. Như là một thứ ma thuật, rõ ràng vũ nữ uốn được cả những ống xương tay cũng mềm mại như phần cơ bắp. Trong khi vũ nữ rạp người múa trên sàn diễn thì chàng trai nhảy quanh nàng theo tiếng nhạc đưa. Những động tác giao đãi giữa hai vũ công, là cả một sự kết hợp hài hòa giữa nhạc và múa. Đôi cánh tay họ giang ra như chào đón, chân bước nhịp nhàng theo tiếng nhạc rung, mặt tươi cười như chất chứa niềm vui. Vũ khúc tamane hrung biểu hiện một phong tục cổ truyền của Chiêm quốc. Khi chào đón khách quí, tổ chức cuộc vui hoặc hoan ca mừng chiến thắng.
Điệu múa kết thúc, người xem còn sững sờ. Khi vũ nữ Trà Hoa Tuyết lui vào sau sàn diễn thay thường phục ra vái chào quan khách, thì mọi người kinh ngạc cho rằng vũ nữ hóa trang thành bà già, và người ta chờ đón một vai diễn gì sẽ kế tiếp.
Chương trình còn được tiếp tục với nhiều tiết mục đặc sắc, như múa quạt là điệu múa dân tộc cổ truyền được nhiều người hâm mộ. Rồi hát đối ca và hòa tấu trống. Người ta vừa vỗ trống bằng tay vừa hát, những bài hát ca ngợi quê hương, ca ngợi các chiến công và những anh hùng.
Buổi trình diễn hát, múa, nhạc cung đình xen lẫn với những tiết mục dân gian, truyền thống của người Chàm, đã để lại trong lòng người xem một ấn tượng không bao giờ phai nhạt và một sự cảm thông, cũng như cảm phục sâu xa một dân tộc có nền nghệ thuật múa, nhạc khá cao.
Xem xong buổi biểu diễn trở về, hầu như suốt đêm công chúa không ngủ được. Nàng vừa đắm say, vừa thán phục nền nghệ thuật dân tộc độc đáo của đất nước mà mai đây nàng sẽ là con dâu của xứ đó. Bản thân nền nghệ thuật cao ấy lại được các nghệ sỹ cung đình và dân gian trình diễn với một tài nghệ phi thường. Nhưng sao xem xong đêm diễn, công chúa thấy phảng phất một nỗi buồn, một nỗi cô đơn trống trải cứ gậm nhấm tâm hồn. Huyền Trân nhớ lại khi dàn nhạc hòa tấu, nàng vẫn nghe rất rõ bè trầm của trống paranưng như một lời nỉ non than khóc. Còn tiếng kèn saranay đi bè cao như là một tiếng thét kêu đau đớn. Lạ quá, ngay trong điệu vũ tamane hrung là loại vũ hoan ca mừng chiến thắng, nhạc cũng đánh theo một giai điệu buồn. Không có một căn cứ gì có thể nói lại cho người khác hiểu được, nhưng bằng tâm cảm, công chúa mơ hồ nhận thấy qua nền nghệ thuật ca-vũ-nhạc này một tiếng vọng đau thương, chất đầy uất hận. Chẳng lẽ đây lại là điềm báo trước cho một tai họa khủng khiếp của cả một dân tộc?
Hôm sau, thượng hoàng Trần Nhân tôn lại cho mời những người đã được xem các nghệ sỹ Chàm trình diễn nghệ thuật đêm hôm trước, tới chầu tại điện Càn đức, để ngài hỏi ý kiến. Khi mọi người đã tề tựu, thượng hoàng bèn lên tiếng:
- Năm trước qua thăm Chiêm Thành, hòa thượng Du Già có đứng ra làm mai công chúa Huyền Trân - con gái út của ta cho quốc vương của họ. Qua tiếp kiến và hội kiến, cũng như đi chu du khắp đất nước của Chế Mân, ta thấy ông này là một người hiền đức. Một người có kiến văn rộng rãi, trọng nghĩa, thương dân, chuộng sự hòa hiếu, biết giữ đạo lân bang. Vì vậy ta đã nhận lời. Chỉ ngày một ngày hai là họ sang ta để cầu hôn. So với Trung Quốc, ta là một nước nhỏ. Nhưng so với Chiêm Thành, ta lại là một nước lớn. Vả lại ta có nền văn hiến cao, không thể để công chúa về Chiêm như một người dân thường. Theo ý của Tá thành thái sư, công chúa trước hết phải học tiếng Chiêm, học chữ Chiêm. Rồi học âm nhạc và hát, múa Chiêm nữa. Để sao cho khi vào đất Chiêm, con ta không còn bỡ ngỡ như một kẻ quê mùa. Vậy theo ý các khanh nên như thế nào?
Công chúa ngồi nép ở mép chiếu phía chân ngai của thượng hoàng. Nàng để ý, không thấy Mạc Đĩnh Chi và Nguyễn Trung Ngạn có mặt trong buổi chầu này. Huyền Trân day dứt hoài, rằng sao những người học thức rộng như vậy, mà không được dự bàn công việc. Mãi lâu sau nàng mới tìm ra được lời đáp. Là bởi các bậc nho sinh kia chưa phải là các bậc đại khoa, chưa có chân trong triều chính, nên không được tham dự. Trong số những "bọn mặt trắng" - nói theo lối nói miệt thị của mấy vị đại khoa bất tài nhưng hách dịch, thường gọi đám nho sinh xuất chúng kia là bọn "bạch diện thư sinh", thì chỉ có Đoàn Nhữ Hài là người được quan gia đặc cách sai khiến. Tức là được vua cất nhắc, bổ dụng, chưa qua các kỳ thi tuyển - "Thảo nào đêm qua, sau khi xem xong, ta có nhìn thấy Mạc Đĩnh Chi, trong lúc chàng cũng đang nhìn ta và có ý như muốn nói điều gì. Ta bèn hỏi ý chàng về buổi diễn. Chàng nói rất nhanh, như là không cần suy nghĩ, hoặc là chàng đã nghĩ kỹ từ trước”. Chàng nói: - "Trình Công nương. Đây là một nền nghệ thuật cao, đáng khâm phục. Công chúa cần biết, chứ không cần học. Tôi nghe nói công chúa đang học đàn và học múa theo lối của người Chiêm. Nhưng theo tôi nghĩ, công chúa nên học kỹ các lối đàn, nhạc, ca, vũ hiện đang được lưu truyền trong dân gian của ta là hay hơn cả. Vì không còn nhiều thời gian nữa, công chúa chớ có tham lam học nhiều thứ quá. Nhất là lối hát, nhạc và múa của mấy người thường diễn trong cung đình, công chúa chớ nên học. Cái đó lố lăng lắm". Đĩnh Chi nói xong cáo từ đi liền, nàng không kịp hỏi thêm chàng một lời nào. Chính những điều Mạc Đĩnh Chi nói, đã làm Huyền Trân trăn trở suốt đêm. Và công chúa bật ra lối nhận xét bằng trực cảm của mình về nền nghệ thuật Chàm, cũng bắt đầu từ sự mất ngủ.
Từ lúc thượng hoàng ban ý, không khí trong điện vẫn im phăng phắc. Huyền Trân nghe rất rõ hơi thở của mấy vị quan ngồi gần. Nàng cảm thấy sốt ruột, tay chân động cựa, đã toan nói. Chợt có tiếng ậm è dọn giọng. Nhìn xem ai, hóa ra quan Tư nghiệp quốc tử giám. Ông sửa lại chiếc mũ bình thiên cho ngay ngắn. Rồi rờ lại hàng khuy và chiếc đai áo có thêu đôi chim phượng hoàng thắt hờ trước bụng. Đoạn ông nói:
- Muôn tâu thượng hoàng. Bây giờ không phải lúc bàn nên hay không nên gả công chúa cho phiên vương Chế Mân. Việc đó đã có thượng hoàng và quan gia cùng triều đình quyết đoán. Mà bàn đưa công chúa sang Chiêm quốc như thế nào. Tá thánh thái sư là một người thông kim bác cổ hơn đời, lại hiểu được tiếng nói, phong tục, lễ nhạc của các phiên quốc, nên ngài có chú ý như vậy rất nên theo. Nhưng theo ngu ý của thần, lễ nhạc của nước nào, chính là cái hồn của nước ấy kết tinh lại. Nay mai công chúa vào Chiêm, tức là đem cái hồn của Đại Việt qua Chiêm quốc. Vậy thời cái cần học trong lúc này đối với công chúa là nền lễ, nhạc của Đại Việt chớ không phải là học lễ nhạc của Chiêm quốc. Còn cái phương tiện để biểu cảm nền lễ nhạc của Đại Việt ta, lại chính là tiếng Chiêm và chữ Chiêm. Cái đó công chúa cần phải học.
Nói xong, quan Tư nghiệp vái thượng hoàng ba vái rồi ngồi ngay ngắn như là quan đã ngồi đó từ lâu lắm.
Thượng hoàng đưa mắt nhìn khắp cử tọa rồi dừng lại ở chỗ Trần Khắc Chung, Đoàn Nhữ Hài.
Khắc Chung hiểu ý thượng hoàng, bèn cung kính nói:
- Trình thượng hoàng, người đã vào Chiêm, đã xem xét tường tận phong tục, lễ nhạc của nước đó. Vậy cần như thế nào, người cứ ban thánh chỉ, chúng thần sẽ ráng sức lo liệu. Riêng thần, rất tâm đắc với cao ý của quan Tư nghiệp quốc tử giám, về việc lo cho công chúa có cái vốn của nền lễ nhạc Đại Việt. Nếu thượng hoàng không cho là thần càn rỡ, thì xin thượng hoàng cho lập một dội vũ nữ và nhạc công để theo hầu công chúa vào Chiêm. Đại Việt là một nước văn hiến, không thể không dùng lễ nhạc của mình để cải hóa tâm tính hay tráo trở của người Chiêm.
Quan hành khiển vừa dứt lời, thì quan tham tri chính sự, tức quan ngự sử trung tán vừa được thăng chức sau chuyến đi sứ sang Chiêm mới đây, bèn lên tiếng:
- Trình thượng hoàng, Chiêm quốc là một xứ mê đạo cũng như mê nhạc đến mụ mẫm, mù quáng. Cho nên nắm được nghệ thuật âm nhạc, tức là đã nắm được cái chìa khóa đi vào cõi tâm linh của người Chiêm. Bởi vậy không thể không trù liệu kỹ lưỡng cái vốn âm nhạc và hát múa cho công chúa trước khi vào Chiêm.
Thượng hoàng gật gù tỏ vẻ hài lòng về lời nói và sự hiểu biết của quan tham tri chính sự. Nhà vua nói:
- Đoàn Nhữ Hài còn trẻ mà kiến thức đã uyên bác. Ngươi nói rất hợp ý ta. Nhân đây ta nói thêm một đôi điều để các khanh, nhất là công chúa cần biết mà nhớ lấy.
Nói xong nhà vua co hai chân lên ngồi theo tư thế thiền, đôi mắt ngài khép hờ im lặng. Có người đã nghĩ rằng nhà vua già, sức yếu nên thức ngủ bất thường.
Bỗng ngài cất tiếng nói, giọng vang ấm áp:
- Phần đông người Chàm theo Ấn giáo, tức là giáo phái Bà-la-môn. Hết thảy nền văn hóa của Chàm kể từ kiến trúc, đến âm nhạc đều toa rập theo cung cách Ấn. Bởi vậy ở nước này âm nhạc được coi là một nghệ thuật thiêng liêng. Phần nhiều âm nhạc được dùng trong tế, lễ và các cuộc tiếp rước long trọng. Về thứ bậc, loại nghệ thuật này được xếp trên nghệ thuật kiến trúc, hội họa hoặc sân khấu. Thần Brahma, thần Vishnou và thần Shiva, tức là ba ngôi bất tử của thượng đế chí tôn, đều là những vị nhạc sĩ đầu tiên. Theo thần thoại Ấn Độ mà người Chàm thường kể lại, thần Shiva biểu hiện vị vũ công thiêng liêng với những vũ điệu thần bí, miêu tả những giá trị sáng tạo, bảo trì và phá tán của vũ trụ. Còn thần Brahma bắt nhịp theo âm điệu của những chũm chọe khua vang. Thần Vishnou thì đánh trống mridangan. Thần Krishna một hậu thân của thần Vishnou luôn luôn được biểu hiện bằng một ống sáo với những âm điệu du dương, làm lay động những linh hồn còn đang mải miết trong rừng mơ ảo vọng… Với dân tộc này, qua âm nhạc thần linh biết được nguyện vọng tha thiết của cộng đồng. Cũng qua âm nhạc cộng đồng biết được ý muốn của thần linh, mà người trung gian truyền đạt sẽ là các vị tư tế nắm giữ quyền hành trong các đền tháp. Bởi vậy với người Chàm, âm nhạc được coi như là một thứ ngôn ngữ của thần thánh. Cho nên các khanh dự liệu cho công chúa cái vốn âm nhạc để về Chàm là thượng sách.
Huyền Trân nghe vua cha và các vị đại thần nói, lòng bừng sáng. Nhưng sao lời nói của Mạc Đĩnh Chi vẫn có gì như là một sự mách bảo của thần linh mà công chúa không thể bỏ qua. Nàng mạnh dạn dứt bỏ mọi sự e lệ thường tình, khẽ nói từ phía sau vua cha:
- Xin phụ hoàng cho phép con được nói đôi điều với các vị đại thần.
Vua Nhân tôn ngoảnh lại và cổ súy con gái bằng ánh mắt độ lượng.
Huyền Trân dịu dàng nói:
- Tâu phụ hoàng, trình các chư liệt vị đại thần. Các vị thượng phụ và phụ huynh ban cho những lời vàng ngọc, tiểu sinh vô cùng cảm kích. Chỉ tiếc rằng tấm thân liễu yếu, với đầu óc trì độn, sợ không mang nổi trọng trách quốc gia, xin các bậc tiền bối chỉ giáo cặn kẽ cho kẻ hậu sinh này. Theo như ngu ý của tiểu sinh, chỉ nên học qua âm luật của Chiêm quốc để phân biệt được các loại nhạc tế lễ, cúng thờ với nhạc vui, chớ tiểu sinh không thể luyện để trở thành một vũ nữ hoặc nhạc nữ Chàm được. Cứ xem như tài nghệ của bà Trà Hoa Tuyết thì tiểu sinh dù có chuyên tâm khổ luyện với tấm lòng say mê tha thiết, cũng không thể thành đạt được, với tầm mức như bà ta dưới mười năm. Bởi nhẽ, tiểu sinh sao có được cái hồn của người Chàm để mà dồn vào tiếng hát, điệu múa. Thành thử cái nên học lại chính là nghệ thuật của Đại Việt ta. Tiểu sinh chỉ xin được học một số bài nhạc, một vài điệu múa đang được lưu giữ trong dân gian từ Thăng Long tới các vùng Kinh Bắc, châu Ái, châu Hoan, thế là đủ.
Ngừng một lát như để đắn đo, suy ngẫm, công chúa lại nói:
- Theo lời dẫn giải của phụ hoàng và lời chỉ giáo của quan tham tri, tiểu sinh xin triều đình cho được làm theo ý của đại quan hành khiển, tức là lập một đội vũ nữ và nhạc công, để đem nền văn hiến của ta vào Chàm, ngõ hầu cho hai dân tộc hiểu biết và tôn kính lẫn nhau; cho sự hòa hiếu thêm phần khích lệ.
Nghe lời bạch của công chúa, thượng hoàng muôn phần vui vẻ. Người bước ra khỏi ngai, tươi cười phán:
- Ta y lời tâu của công chúa. Vua Nhân tôn quay về phía Tá thành thái sư Trần Nhật Duật thong thả nói:- Dự liệu việc này thế nào, xin thái sư lo giùm.

<< Chương 17 | Chương 19 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 232

Return to top