Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Dài >> Năm cô gái trường bay

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 14043 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Năm cô gái trường bay
Bernard Glemer

Chương 12

Thứ sáu không có vấn đề gì, trừ việc tôi vẫn ghét cái chất dinh dính trên da mặt. Cả buổi sáng chúng tôi tập cách phục vụ bữa ăn, thực ra là chuẩn bị đồ ăn trong bếp rồi phục vụ nhau. Ba cặp ghế trên máy bay được đặt trong lớp để sáu cô gái giả làm hành khách, trong khi hai cô khác tập làm công việc của chiêu đãi viên A và B. Trên chuyến bay thật, chiêu đãi viên A là người chuyển khay ăn cho khách và mỉm cười rất tươi, v...v...trong khi chiêu đãi viên B sắp xếp trong khoang bếp lấy và sấy nóng những đồ cần sấy. Nếu là máy bay có ba chiêu đãi viên, chiêu đãi viên C sẽ phụ giúp chiêu đãi viên A. Thực tế chúng tôi diễn sai kịch bản - A dúng mũi vào công việc của B trong khoang bếp, còn B lại bỏ ấm pha cà-phê để đi hỏi hành khách xem họ có uống sâm-banh không (đây là việc của C), thành thử cứ nháo nhào cả lên như cuộc cách mạng ở Mexico, và mọi người cười khúc khích. Cô Webley điềm tĩnh nói: "Các cô đừng lo, rồi các cô sẽ nắm vững công việc ngay thôi", song nói thật, tôi không tin lời cô. Nếu hai cô lớp tôi mà bay cùng một chuyến, thế nào cũng cứ rối mù cả lên cho mà xem.
Thế là lại qua một tuần. 7h30 sáng thứ Bảy Jurgy sau khi chào gọn lỏn: "Đi nhé", và khi cửa phòng khép lại, Donna hỏi: "Cậu ta đi đâu?". Tự nhiên câu trả lời buột ra khỏi miệng tôi: "À, đi thăm anh em họ ở Palm Beach ấy mà". Alma trông thật đáng ngờ. Nó vừa là một mớ dây rợ và miếng lụa mà nó dám gọi là đồ lót, vừa hát nho nhỏ, miệng tủm tỉm cười bí hiểm. Tôi liền hỏi: "Cậu lại hẹn hò với anh chàng đấm bốc à?". Vì có Donna trong phòng nên tôi hỏi bằng tiếng Ý.
Nó vênh váo bảo: "Sao cậu hỏi câu đó? Mình hẹn hò với ai cậu cũng phải quan tâm à?"
Ở nước Mỹ này, nghệ thuật nói chuyện có thể đã mai một, nhưng ở Ý nó ngang với nhạc kịch, và thường bạn không phân biệt được giữa hai thứ ấy. Tôi nói: "Hãy nghe tớ, Alma thân mến, tớ không muốn dính vào những chuyện hẹn hò của cậu, song tớ nghe nói anh chàng đấm bốc này là người mà ta phải dè chừng. Những người biết rõ anh ta nói rằng đó không phải là người có tính cách tốt nhất".
Nó vừa là hai cái gọi là quần và một cái gọi là xi-lip, vừa nói một thôi một hồi,nào là hãy lo chuyện của mình, đừng có giở trò lính kín, nào là xung quanh toàn những cô gái ghen ăn tức ở, rình mò những chuyện riêng tư. Rồi cuối cùng nó chấm dứt câu chuyện với những lời thế này: "Nếu cậu không quá mù quáng vì ghen tị, hẳn cậu sẽ thấy rằng tớ thừa sức bảo vệ mình. Tớ không cần phải ai báo trước. Vả lại, anh ta chỉ là một thanh niên Mỹ bình thường, có thủ thuật gì ghê gớm lắm đâu".
"Đừng có đùa, cô bạn thân mến. Ở Ý có vô khối trẻ em sinh ra từ những ông bố Mỹ trẻ bình thường này đấy. Họ có đủ thủ thuật để đạt được cái họ muốn, mà vẫn còn chua dùng hết".
"Không đâu, anh ấy thuộc loại người tốt nhất. Anh ấy có cả một chiếc xe hơi của Ý. Cậu cần dẫn chứng nữa không? Một chiếc Lancia hẳn hoi. Ngay cả ở Rôma, chỉ có những người thuộc hạng giàu có nhất mới có một xe Lancia có hai chỗ ngồi".
"Hãy nghe tớ, Alma. Ở Miami, một chiếc xe như vậy gần như là một lời thú tội"
Song nó vẫn chẳng chịu nghe, và tôi phải thú nhận cũng chẳng đủ lý lẽ để bảo vệ lập luận của mình. Ý tôi muốn nói, nếu một năm trước đây có ai bảo tôi: "Này Carol, coi chừng Tom Ritchie đấy. Dưới cái vẻ hào hoa ấy, anh ta chỉ là quỷ sứ đội lốt người", chắc tôi cũng sẽ trả lời giống như nó bây giờ. Có lẽ không dài dòng đến thế, song cách lập luận chắc là giống nhau. Thực ra khi nghĩ lại, tôi ngạc nhiên thấy Alma kiên nhẫn thật. Dẫu sao, tôi cũng đã làm hết sức mình, và khi nó hối hả ra khỏi phòng khoảng gần trưa, tôi chỉ còn biết nhìn theo thở dài.
Một khía cạnh nữa là trông nó thật lộng lẫy, mắt long lanh đầy vẻ háo hức, đến nỗi Donna và tôi thấy nhói lên trong lòng nỗi ghen tị vì chúng tôi chẳng có ai hò hẹn. Và ngay khi Alma vừa đi khỏi, chúng tôi bắt đầu có triệu chứng hưng phấn cao độ. Đó là nỗi rủi ro nghề nghiêp ở tầng 14. Bạn vừa mới còn lo lắng về việc đun nóng thịt bò hầm trong khoang bếp, liền ngay sau đó đã phát cuồng lên khi nghĩ không biết mình có còn được ngửi lại da thịt đàn ông nữa không. Ở tầng này hoàn toàn, tuyệt nhiên không thấy loại sinh vật ấy. Tôi nhớ có một tối, một anh chàng điều khiển thang máy, mặt đầy mụn nhọt và để râu, từ trong thang máy bước ra đưa điện mừng sinh nhật cho một cô nàng. Cô ta cám ơn chứ? Không. Cô ta hét lên: "Anh không nhận ra rằng đặt chân lên tầng này là anh đã cầm chắc cái chết trong tay hay sao?", làm con quái vật nhỏ ấy sợ quá ba chân bốn cẳng chạy vội vào thang máy, bấm thẳng xuống tầng hầm và suốt cả tuần không thấy mặt mũi đâu.
Sau khi Alma đi được khoảng một tiếng, Donna bảo: "Này, nếu chúng mình không nhanh chóng ra khỏi chỗ này, tớ sẽ bắt đầu đập phá hết đồ đạc mất". Và tôi đáp lại: "Thật kỳ lạ, tớ cũng nghĩ đúng như cậu". Tôi cảm thấy tệ hại hơn, bởi vì Ray Duer đang nằm ngay tầng dưới, và tôi càng ngày càng tức vì ngay cả phép xã giao thông thường nhất là gọi điện cho tôi anh ta cũng không thèm làm. Chỉ cần nghe anh bảo: "Carol, chúng ta không được tiếp tục kiểu này" (cứ như chúng tôi đã có gì rồi), hoặc "Carol, chúng ta không nên gặp nhau nữa", cũng đủ làm trái tim cô đơn của tôi ấm lên rồi. Nhưng anh không gọi, làm tôi cảm thấy rất giận.
Donna bảo: "Đừng nhăn nhó nữa, mặc quần áo vào rồi đi". Thế là tôi đánh bộ đồ in hoa gọn gàng xinh xắn, còn Donna mặc đồ màu xanh lá cây và chúng tôi đi, trông hệt như những vườn treo Babylon. Trên đường ra thang máy, Donna bảo: "Chúng mình lấy xe đi", nhưng tôi đã chuẩn bị trước cho tình huống này. Nếu cậu lấy xe thì cậu đi một mình".
Nó thốt lên: "Lạy Chúa, đôi lúc cậu nói cứ như George Washington ấy". Tôi liền bảo: "Đừng có điên, tớ không bao giờ dùng chiếc xe ấy và cậu biết điều đó". Thế là chúng tôi vẫy tắc-xi và bảo cho xuống trước cửa hàng Burdine là chỗ ở trung tâm thành phố mà bọn con gái thường xuống. Khi chúng tôi từ xe chui ra, hai anh chàng không quân cao ráo đẹp trai đi qua, huýt sáo nhặng lên. Tôi không muốn thú nhận điều này, nhưng cái âm thanh ấy ngân lên như tiếng nhạc trong tai tôi. Tôi đỏ mặt, Donna mỉm cười, thầm hài lòng và tôi cảm thấy nó có đúng cái cảm giác rần rật mà tôi đang có - lạy Chúa, tôi lại đang là con gái. Tôi liếc nhanh, nhận ra một tay là đại uý, còn tay kia là trung úy. Còn Donna thì bỗng túm chặt tay tôi, lôi vào cửa hàng làm tôi phát hoảng. Vừa vào tới trong, nó bỗng đứng phắt lại, như thể không biết nhà vệ sinh nữ ở đâu. Hai giây sau, hai chàng không quân gần như đâm sầm vào người chúng tôi - thì ra Donna đã tính toán đến từng milimét, làm họ không thể không va vào bọn tôi - và nó nói như hát: "Kìa, các anh! Tôi chẳng ngại được yêu cho đến chết, song tôi lại ghét việc bị chà đạp thế này", rồi chúng tôi đứng đấy mà cười phá lên như một lũ ngớ ngẩn.

*

Viên đại uý, tên đâu như là Elliot Ewing, và người trung uý kia là Bob Keeler cũng không phải tay vừa. Gần như tôi chưa kịp hiểu chuyện gì xảy ra thì đã thấy được dẫn vào một tiệm ăn sang trọng là nơi mà Eliot nghĩ chúng tôi có thể "ăn chút xíu", theo cách nói của anh ta. Vì cấp bậc cao hơn, anh ta được quyền chọn trước của cướp được, và liền chọn ngay Donna, để phần xương xẩu lại cho cấp dưới. Cũng chẳng sao, tôi không thể làm gì được về chuyện chia bôi ấy, và thực tình trong hai người tôi thích Bob hơn. Nhìn kỹ, Elio trông dữ dằn, to khỏe và tự tin, Bob ít nói, hiền lành hơn - có lẽ vì thế anh ta mới chỉ là trung úy. Trông anh ta trắng trẻo, mắt nâu, tóc rễ tre lởm chởm; điều này làm tôi yên tâm khi giao thiệp với anh ta, bởi vì tim tôi đã bị xẻ đôi bởi một nhân vật mắt xám, tóc đen, làm nghề bác sĩ tâm thần.
Có cái kỳ là tôi vẫn cứ lúng túng mãi, mồm như ngậm hột thị. Chẳng hạn ở Bryn Mawr, bạn có thể đến Philadelphia, rồi một chàng trai nào đó ở Haveford hoặc Swarthmore vớ được bạn, song thế cũng chẳng sao, vì những chàng trai này dẫu sao cũng giống như những người anh của bạn. Ở làng Greenwich, có một luật lệ bất thành văn quy định nếu bạn sống ở đó, ăn mặc, xử sự như người trong làng, bạn mới được coi là thuộc giống người. Nhưng với mấy anh lính không lực Hoa Kỳ này lại khác, lý do tại sao thì tôi nghĩ không ra. Có lẽ mỗi tuổi ta nghĩ một khác chăng? Tôi đã là cô gái 22 tuổi, chín chắn, và khi bạn đạt đến tuổi đó, bạn sẽ cảm thấy tình cờ làm quen với đàn ông là điều không xứng đáng với phẩm hạnh của mình. Ít ra đó cũng là cách suy luận của tôi.
Càng về chiều, câu chuyện càng dễ dàng hơn. Eliot pha trò, Donna cười rũ rượi; Bob vẫn dễ thương và chúng tôi cười thoải mái. Thế hoá lại tốt. Tiếng cười là cái làm tan băng giá rất hiệu nghiệm. Và rồi tôi nhận ra rằng hai anh chàng này cũng thuộc cảnh ngộ như tôi và Donna. Cứ nghe họ nói cũng đủ thấy chúng tôi ngồi với họ trong hiệu ăn sang trọng này, ngốn tôm đá Thermidor hết pao này đến pao khác đã là ban ơn cho họ. Theo chỗ tôi hiểu, cả hai đều thấy "bí" lắm rồi. Phần lớn thời gian họ bị nhốt trong một căn cứ bí mật nào đó với nhiệm vụ trông coi kho rượu cho vị sĩ quan chỉ huy, một ông tướng có tên Wuzzy Goof, và họ cũng phải giữ quan hệ tốt với đám lính mới để tránh binh biến. "Thật thế ư?", Donna và tôi thốt lên. Song tôi nghĩ họ ở Mũi Canaveral hoặc các nơi đặt tên lửa khác, và sau này tôi được biết Donna cũng nghĩ đúng như tôi. Từ cái lối chúng tôi phục kích họ như thế, họ hoàn toàn có đủ lý do để cho rằng chúng tôi vừa từ một tàu ngầm của Nga đổ bộ lên bờ.
Eliot có chiếc xe Dodge bóng lộn và sau khi ăn trưa, anh ta nhất định đòi đưa chúng tôi tới thăm Fort Lauderdale. Tôi và Bob ngồi ghế sau và bắt đầu làm quen với nhau. Anh ta hoá ra lại thuộc loại trí thức, và tuy là một trung uý không quân, anh lại rất say sưa với những chuyện của thế hệ lớn lên sau chiến tranh thế giới lần thứ hai. Bạn không bao giờ hiểu hết được người đời, tôi bao giờ cũng thấy ngạc nhiên. Theo chỗ tôi biết, ngoài chuyện phóng tên lửa lên sao Hoả hoặc đâu đó, anh ta chỉ có một hoài bão là làm sao để những câu bất hủ của anh được ghi vào hợp tuyển quỷ quái nào đó ở San Francisco. Tất nhiên tôi không đả động đến chuyện tôi đã sống 6 tháng ở làng Greenwich, ngày đêm đàn đúm với một lũ người ngớ ngẩn. Tôi làm như vô tình cho anh ta biết tôi đã đọc cuốn này, cuốn khác, và anh ta trông cứ như bị bỏ bom. Anh ta không tin vào tai mình, anh đã gặp một cô gái đồng loại mà lại biết về Sartre, về Zen (tiếng Nhật chỉ môn phái Thiền của đạo Phật)! "À thế à", anh ta thốt lên "à thế à", cứ như đó là câu thần chú.
Đáng ra tôi đừng nên ba hoa như thế. Vào lúc chúng tôi đến Fort Lauderdale, anh ta đã say tôi như điếu đổ. Không phải "tôi", mà là cô bạn lòng mà Định Mệnh gửi vào vòng tay anh ta. Anh ta ngồi đây, có lẽ đang mơ đến cái ngày anh cởi bỏ quân phục, bắt đầu để râu, và tôi đột nhiên từ tiệm cà-phê Overnite xuất hiện trong đời anh. Điều đó làm anh ta ngây ngất, còn tôi thì lại có thêm bằng chứng nữa cho thấy đừng bao giờ để cánh đàn ông lạ kéo đi. Trước kia là N.B, bây giờ là Bob Keeler.
Fort Lauderdale làm tôi nhớ đến Venice với rất nhiều kênh rạch, một Venice với nhịp sống nhanh sôi động và trải rộng chật cứng trong những chiếc xe giá 40 000 đôla và những ngôi nhà ngay trên bờ nước giá 50 000 đôla. Donna cứ như bị bùa mê, và chính vẻ háo hức của nó làm Eliot thông báo một chương trình nữa: "Này các em, tối nay ta đi xem trò jai-alai được không?"
Tôi đứng ngay như phỗng vì không biết anh ta nói gì, nhưng Donna lại hiểu. "Ôi, nghe có vẻ tuyệt quá", cô ta hét tướng lên, rồi hỏi: "Nó là cái gì vậy?"
Anh ta giải thích nó giống như bóng ném, nhưng các cầu thủ đeo cái giống như cái rổ ở cánh tay chứ không dùng bàn tay bắt bóng và đó là môn bóng quyết liệt nhất, nhanh nhất và hao sức nhất mà con người biết được. Nghe cũng có vẻ hay hay. Thế nhưng trước đó chúng tôi lại vào một tiệm ăn sang trọng khác mà Eliot nói chúng tôi sẽ ăn một "bữa tối nho nhỏ". Song trước khi gọi món, Donna và tôi luồn vào nhà vệ sinh nữ để thoa lại phấn và trao đổi với nhau.
"Cậu thấy hai tay này thế nào?", nó hỏi. "Dễ thương đấy chứ?"
"Ừ, dễ thương"
"Cậu với tay trung uý xem chừng làm ăn cũng được hả?"
"Anh ta cũng được"
"Tớ nghe anh ta nói đến Zen là cái gì vậy?"
"Zen ư?"
"Ừ, Zen. Nghe như loại thuốc xịt nách khử mùi hôi mới mà họ đang quảng cáo trên TV. Trước là chuyện Zen, sau là chuyện tình", nó cười khúc khích. "Ôi Carol, cảm giác như sống lại thích thật, phải thế không?"
Tôi không trả lời. Tôi cần phải có luồng điện mới cảm thấy mình sống lại, mà quanh đây lại chẳng thấy đâu. Tại sao tôi cứ tơ tưởng cái lão chết tiệt ấy. Tôi tự hỏi, và không trả lời được. Chỉ biết rằng tôi cứ mơ tưởng, mơ hoài.

*

Ông ta cũng đang xem jai-alai cùng ông Garrison, bà Garrison và Peg Webley. Tất nhiên thôi. Giá tôi chịu suy nghĩ một chút lúc tôi và Donna bị định mệnh xô đẩy, rồi bị Eliot và Bob kéo đi, thì sẽ hiểu ngay rằng tối đó không có nơi nào trên hành tinh này chúng tôi đến mà lại không chạm trán Ray Duer và Arnie Garrison. Lẽ ra tôi phải biết điều đó. Bà Garrison và Peg Webley chỉ là phần thêm.
Chúng tôi ngồi trước họ ba hàng ghế, không tránh đi đâu được. Tôi như tê liệt, đến độ người cứng đờ như chiếc cột đèn trong cơn bão tuyết, đầu gối khép lại, mặt ngẩng cao, ngực ưỡn thẳng, v...v... Giá trong trường hợp khác, tôi có thể được coi là một thành công của cô Webley, song trong trường hợp này, tôi chỉ là phường mèo mả gà đồng đi dụ một chàng trai Mỹ ngây thơ tử tế, với ý đồ làm ô uế anh ta và bộ quân phục của anh ta. Tôi ngồi mà cảm thấy bốn cặp mắt đang nhìn xoáy vào gáy tôi với vẻ ghê tởm. Xung quanh chúng tôi là sự hỗn loạn tột độ trong khi các cầu thủ tay buộc rổ đâm bổ vào quả bóng. Người ta hò reo, người ta la hét và cá cược nhau, nhào khỏi ghế, bò về trước, bò về sau, mồm nhai xúc xích. Nhưng tôi hầu như không nghe, không thấy gì. Tình thế càng xấu thêm - cứ như nó còn có thể xấu hơn được nữa - vì càng xem, tình cảm của Bob dành cho tôi lại càng tăng. Tôi chẳng phải là bạn lòng của anh ta đó sao? Tôi chẳng phải là cô gái đang cùng cảnh ngộ như anh ư? Mỗi khi nghĩ đến Zen, anh lại âu yếm cầm tay tôi. Chắc anh ta cũng đã đọc Norman Mailer (nhà văn Mỹ, tác giả các tiểu thuyết viết về cuộc sống trong quân ngũ), bởi vì thỉnh thoảng anh ta lại làm như vô tình thõng tay xuống, sờ gấu váy của tôi và luồn tay lên tận đầu gối tôi. Hoặc giả anh đốt thuốc và cũng hết sức vô tình cầm thuốc để ngón tay chạm vào vú trái của tôi. Hoặc anh bỏ tờ chương trình vào lòng tôi để rồi một phút sau lại quờ quạng tìm. Bây giờ tôi mới hiểu tại sao Hãng Magna cứ dứt khoát yêu cầu chúng tôi phải đeo dây nịt tất mỗi khi ra ngoài. Lạy Chúa, lẽ ra họ phải phát dây trinh tiết có gai cho chúng tôi - đó là điều ít ra họ cũng có thể làm cho chúng tôi trong khu rừng điên đảo được gọi là cuộc đời này. Khổ nhất là tôi cứ phải né tránh mà không tỏ ra né tránh Bob; với 4 cặp mắt đang soi mói nhìn, tôi không thể quay sang và nói với giọng bề trên: bỏ trò ấy đi. Chắc chắn họ sẽ nhìn thấy. Cái tôi có thể làm là cau mày nhếch mép, thành thử anh ta lại nghĩ tôi đang bị kích thích và thế là anh ta càng tăng cường độ.
Hết hiệp một - chả biết có phải gọi thế không - chúng tôi hoà theo đám đông nhốn nháo để đối mặt với số phận. Chúng tôi buộc phải làm thế, cùng một lúc cả Donna và tôi đều nghĩ vậy. Thà cứ mặt dạn mày dày còn hơn là ngồi rúm người trên ghế với vẻ đầy tội lỗi.
Họ đang đợi, không giận dữ mà có vẻ chăm chú theo dõi, rõ ràng đang tự hỏi không biết chúng tôi chuồn theo hướng nào. Ông Garrison nở nụ cười hiền lành. Bà Garrison, một phụ nữ đáng yêu trạc 35 tuổi, mỉm cười hồ hởi, chừng như muốn nói bà cũng đã từng là con gái; cô Webley vẫn với nụ cười: "nào, các cô". Ray Duer vẫn với nụ cười thường lệ, anh đã trải qua mọi chuyện, nên không gì có thể làm anh ngạc nhiên được nữa.
Donna giành ngay thế chủ động: "Ôi, chào ông Garrison và bà...?"
"Bà Garrison", bà ta đỡ lời.
"Rất vui mừng được gặp bà", Donna ngọt ngào nói. "Cô Webley! Bác sĩ Duer! Thật bất ngờ! Trận đấu rất hào hứng, phải không ạ?"
Quả là một cố gắng khôn ngoan. Họ đều bị bất ngờ. "Thưa cô Webley", Donna nói tiếp, vẫn với vẻ phớt tỉnh nhân sự. "Chắc cô còn nhớ cuối tuần trước em xin phép đi Palm Beach thăm người anh họ. Ôi, anh ấy thật đáng yêu. Tuần này anh Elliot đến tận đây thăm cô em họ! Xin phép được giới thiệu, đại uý...Glug"
Mấy cốc Martini cô nàng uống trước bữa tối đã giở trò đểu. Cô nàng quên tên anh ta. Tôi cũng vậy, có chết cũng chẳng nhớ ra. Tên anh ta có liên quan đến cừu thì phải (tên đại uý là Ewing, còn Ewe tiếng Anh có nghĩa là "cừu cái")
"Xin chào, đại uý Glug", ông bà Garrison, cô Webley và bác sĩ Duer lần lượt chào Eliot.
"Xin chào", anh ta lí nhí đáp lại
Donna nhớ được tên của Bob, và khi nó giới thiệu anh ta, Ray Duer và tôi nhìn nhau, nhìn nhau với luồng điện một triệu vôn chiếu sáng chỗ chúng tôi đứng. Anh nhìn thấu trái tim tôi mà anh đã cắt làm hai mảnh gọn ghẽ, và tôi cũng nhìn thấu trái tim anh và hiểu rằng tôi cũng đã xé nó làm đôi. Anh không đẹp trai, không to khoẻ, không là gì cả nhưng là người tôi đem lòng yêu thương, và chỉ có Chúa mới biết tại sao. Tôi muốn nghe anh nói, dù chỉ một lời thôi, để tôi có được niềm vui sướng nghe cái giọng tuyệt vời của anh.
Anh bảo: "Cô thích trò chơi này chứ?"
"Không", tôi trả lời. "Ông thích chứ?"
"Nhịp đấu hơi nhanh", anh đáp.
"Quá nhanh", tôi bảo. "Nó làm tôi chóng cả mặt".
Giữa hai chúng tôi có sự đồng cảm. Thật kỳ diệu, anh hiểu ý tôi muốn nói. Qua những lời ngớ ngẩn của tôi, anh hiểu những điều trong lòng tôi không thể nói ra. Vẻ mặt anh nghiêm trang một lát, rồi anh khẽ mỉm cuời và gật đầu.
"Đối với cô thế là quá nhanh, phải không Carol", cô Webley hỏi.
"Em muốn nó chậm hơn một chút"
Anh lại bảo: "Trò chơi này phải thế"
Không ai có thể đoán ra là chúng tôi đang nói với nhau bằng thứ ngôn ngữ không thể dịch được, và chỉ có hai người hiểu với nhau. Điều tôi nói với anh là: Em yêu anh, em nhớ anh, và anh cũng nói: Anh cũng yêu em, nhưng em hãy chờ, hãy chờ. Bây giờ anh đã nói hẳn ra như thế, thì tôi sẵn sàng chờ anh mãi mãi; và suốt thời gian tối còn lại, anh chàng Bob tội nghiệp không hiểu có chuyện gì xảy ra nữa. Tôi ngồi đó, mỉm cười mà lại không phải là ngồi đó. Anh ta có vẻ vẫn còn ngơ ngác khi chúng tôi chia tay trong hành lang chính của khách sạn Charleroi; tôi tồn tại, mà cũng lại như không tồn tại.
Còn 15 nữa là đến 12h đêm. Tôi lấy cớ đau đầu bỏ về sớm để có thể có những giây phút riêng tư mà suy ngẫm về Ray Duer và tôi. Donna vẫn còn ở ngoài với Eliot Glug!
Tôi nói: "Thôi tạm biệt, trung úy Bob Keeler. Cám ơn anh đã cho tôi một buổi tối hết sức đáng yêu. Thật tuyệt diệu"
Anh ta hỏi: "Tôi sẽ gặp lại Carol chứ?"
Tôi đáp, không phải là không tử tế: "Tại sao lại không giữ quan hệ tốt?"
"Ái chà, tôi thề là cô biết hết các câu trả lời", anh ta nói. "Có nghĩa là cô có bạn trai rồi hay sao?"
Tôi chỉ đứng nhìn anh ta.
"Thôi được, tạm biệt", Bob nói.
"Tạm biệt"
Anh ta dễ thương theo cách riêng của mình, song thế chưa đủ. Về già, tôi đâm ra khó chiều hơn. Nếu ai đó được sờ gấu váy của tôi, tôi biết chính xác, người ấy phải là ai và đang ở ngay dưới tầng tôi. Đó là dấu hiệu chắc chắn nhất của tình yêu mà tôi biết, khi người đàn ông mà bạn yêu chạm trán với một người đàn ông khác mà vẫn có thể nói với bạn bằng thứ ngôn ngữ không thể dịch nổi, và biết rất rõ rằng bạn hoàn toàn thuộc về anh ta.

*

Sáng hôm sau Donna thấy người nôn nao khó chịu, cái kiểu mà tạo hoá đã làm, tức là bạn thấy đầu mình như đút trong máy nhào bột, bạn bị nướng quá lửa, như bột phồng hết cả lên. Tôi rất thông cảm với nó, vì tôi cũng đã qua một vài trận như thế này rồi. Vì vậy, tôi nấu ít sò thảo nguyên bắt nó nuốt, lấy đá đắp lên trán, rồi để nó nằm đấy mà rên rỉ nỉ non., trong khi tôi bắt tay vào dọn dẹp phòng. Jurgy đi chơi, Alma vẫn cứ biền biệt ở đâu, Donna nằm thẳng cẳng như chết, nên công việc dồn vào một người cũng khá nhiều. Người ta yêu cầu chúng tôi phải giữ phòng 1412 sạch bóng, và khi tôi dọn xong, căn phòng trông cũng không đến nỗi tồi.
Bữa trưa Donna ăn có nửa lát bánh, tránh không nhìn tôi đang nhai ngấu nghiến cái bánh mì kẹp thịt. Sau đó nó quyết định thà chết một cách nhẹ nhàng êm ái còn hơn, nên uống một liều Nambutal(một loại thuốc an thần). Tôi đợi cho nó ngủ yên, rồi mặc bộ đồ tắm màu đen quen thuộc, cầm cuốn sổ tay xuống bể bơi. Alma đang ở đó, vẫn trong bộ đồ mỏng dính và chiếc mũ rộng vành che nắng, tay phe phẩy tờ tạp chí; cùng ngồi với cậu ta là anh chàng mũi bẹp, rõ ràng là Sonny Kee.
Đó không phải là lần duy nhất tôi gặp, và trông Sonny cũng không đến nỗi khó chịu. Anh ta không cao lắm, chỉ khoảng năm fut tám insơ, nhưng người bắp thịt cuồn cuộn. Charlie Hộ Pháp cũng thế, nhưng các bắp thịt của anh ấy chỉ để khoe mẽ, chứ Kee thì lại được việc, tuy không được đẹp. Bắp thịt căng tròn ở lưng, ở bắp tay và ở bụng. Khắp người chỗ nào cũng có lông đen sì. Toàn bộ người Kee chẳng có gì đẹp, thậm chí chân lại còn hơi vòng kiềng. Mặt anh ta không có hồn, cái mũi bẹp làm nó trông trống rỗng, và thực tình anh ta làm tôi nhớ đến con chó bun ở Boston - anh ta thở cũng khó khăn như nó. Tôi chỉ có thể miêu tả mặt anh ta là ôn hoà, mắt tròn và sáng. Và tôi nhận thấy một điều nữa là anh ta luôn khát nước. Trong thời gian tôi ở đó, Kee chạy ra vòi uống nước đến hơn chục lần? Máu của anh ta hình như không đủ nước, còn tại sao lại thế thì tôi chịu. Tất nhiên, có khi chỉ đơn giản là Kee khát nước - có lẽ anh ta ăn jămbông vào bữa trưa. Nhưng tôi nhớ mãi cái lối Kee chạy đến vòi nước và các cơ quanh cổ cứ chạy lên chạy xuống khi anh ta uống lấy uống để.
Rõ ràng anh ta chết mê chết mệt Alma, cứ quấn quýt bên cạnh, sẵn sàng phục dịch cô nàng. Tất nhiên, cô nàng cổ vũ chuyện ấy, động viên anh ta hết mức. Alma làm ra vẻ e lệ, thích được ve vãn, thích được chiều chuộng. Nếu đây là cách gợi tình ở châu Âu,xin mời họ cứ làm việc đó ở châu Âu. Hơn nữa, cô nàng không chịu nhả anh ta cho ai. Anh ta là của riêng nó, chắc chắn nó thấy tôi bơi, biết tôi đang ở gần đó, song không hề nhìn tôi.
Đấy là lần duy nhất tôi thấy anh chàng đấm bốc. Tôi không nói chuyện với anh ta, thậm chí đến cả câu chào cũng không. Tôi không có cơ hội để có thể xem xét anh ta là người thế nào mà tán thành hay phản đối.
Lúc 6g30 Alma lên phòng thay quần áo, trông vênh váo như con rệp có chửa. Cô ả ra ngoài ăn tối với anh chàng kia. Thế là tôi mở mắt cho thật to và hỏi không kịp thở: "Alma, tớ thấy cậu ngồi với người đàn ông nào ở bể bơi thế?"
"Đàn ông?", nó hỏi lại. "Ở bể bơi?"
"Anh chàng Hécquyn tý hon ấy"
Nó cười váng lên. "À, đó là Sonny bạn tớ. Cậu thấy anh ấy à?"
"Thoáng thấy thôi Alma ạ. Nào, cậu sẽ coi chừng anh chàng đó chứ?"
"Carol, cậu buồn cười thật. Anh ấy liếm tay tớ như một con chó ấy mà".
"Hãy coi chừng"
"Ồ, Carol, cậu cứ như con hề ấy. Nào xin lỗi, tớ phải dùng nhà tắm"
Anh ta chắc phải đợi khoảng một tiếng? Khi ra khỏi nhà, cô nàng trông như Carmen (nữ nhân vật tính tình phóng khoáng, bốc lửa trong truyện cùng tên của P. Mérimée-Pháp), có khi còn hơn. "Nhớ đấy", tôi nói theo, "Hãy cẩn thận". Nó nhún vai.
Donna vẫn ngủ. Khoảng 9h30, Jurgy gọi điện thoại. Tôi nghĩ có thể là Ray Duer, liền vồ ngay lấy máy, chân run bắn lên. Nhưng lại là Jurgy, giọng khàn khàn đến nỗi phải đến một lúc tôi không biết là ai gọi.
Carol đấy à"
"Ai đấy ạ?"
"Tớ đây. Mary Ruth Jurgens"
"Ồ chào cậu, Jurgy. Cậu đang ở đâu đấy?"
"Ở tầng hầm, ngoài phòng tắm ấy"
"Cậu câu được con cá nào không?"
"Có, cá chuồn, dài khoảng 6 fut"
"Jurgy! Cậu mang theo con cá đấy không?". Tôi cho đó là lý do duy nhất tại sao nó gọi điện từ bên ngoài nhà tắm.
"Không, chúng tớ lại thả nó ra. Carol này, cậu có bận làm gì không?"
"Không có gì quan trọng"
"Giúp tớ một tí nhé. Xuống đây một lát. Tớ sẽ đợi ngoài bãi biển trước khách sạn"
"Bây giờ ư?"
"Ừ, Carol. Tớ không muốn về phòng, không muốn gặp mấy đứa kia
Được rồi"
"Cám ơn cậu, Carol"
Jurgy ở đúng chỗ nó chỉ, trên bãi biển trước khách sạn. Tôi không thể không nhận ra nó. Nó mặc chiếc áo Lord và Taylor, chân đi giày kẻ sọc của tôi. Trời vẫn còn sáng, trong ánh chiều chạng vạng, và từ kinh nghiệm lần trước, tôi hiểu rằng vẫn có thể nhìn rõ mặt nhau.
Jurgy dẫn tôi xuống gần mép nước, cách xa khách sạn, nơi có mấy cây cọ mọc sát nhau trên bờ cát. Tôi bảo: "Nào, có chuyện gì vậy Jurgy?", nhưng nó không trả lời. Nó bắt đầu đi đi lại lại, mặt cúi gầm, chìm đắm trong suy nghĩ đến quên cả tôi đang đứng đó. Cuối cùng nó dừng lại, đứng nhìn tôi, người lắc lư.
Nó bảo tôi: "Carol, tớ có tin này nói với cậu"
"Tin lành chứ?"
"Chẳng biết nữa. Tớ không nghĩ được câu trả lời"
"Thế thì nói đi"
Nó khịt mũi mấy lần liền, lấy mu bàn tay dụi dụi mũi, rồi nói: "Ông ấy muốn cưới mình"
"Ông Lucas ấy à?"
"Ừ, ông Luke Lucas. Ông ấy đề nghị mình làm vợ". Nó lại gần tôi và bảo: "Cậu xem này". Ngón thứ tư tay phải nó đeo một chiếc nhẫn trơn màu trắng có lẽ làm bằng bạch kim. Nhưng khi nó từ từ lật ngược bàn tay, tôi thấy một viên đá màu trắng rất to lấp lánh trong ánh sáng còn rớt lại của buổi đầu hôm. Tôi thốt lên: "Ôi lạy Chúa, gì thế này?"
"Kim cương cắt vuông. Ông ấy bảo tớ thế"
"Ôi lạy Chúa, Jurgy, nếu đúng là kim cương, nó là cả một gia tài đấy"
Nó nói chắc nịch: "Kim cương thật"
Tôi bắt đầu chảy nước mắt. Tôi không thể không muốn khóc. Tôi thấy thương bạn, tim tôi như muốn vỡ ra. Tôi muốn ngồi xuống mà khóc, mà than, mà xé quần xé áo, cào đầu bứt tóc. Tôi bảo: "Jurgy, đừng, cậu đừng lấy ông ấy"
"Tớ sẽ lấy"
"Jurgy, cậu điên rồi sao? Cậu là con gái hơ hớ như thế, tương lai đang ở trước mắt, cậu không thể hoài phí cuộc đời lấy ông già này được. Jurgy, không thể như thế được"
"Ông ấy 56"
Tôi hét to: "Lạy Chúa, chả lẽ ngần ấy tuổi lại là trẻ ư?"
Nó bực bội bảo: "Cậu không tin tớ"
"Tớ tin cậu. Tất nhiên là tớ tin cậu chứ. Nhưng thế này thì thật độc ác, thật là tội ác, cần phải có luật pháp trừng trị..."
"Này, Carol, tớ cần phải nói chuyện, tớ phải nói chuyện ấy với một người nào đó. Cậu là người duy nhất mà tớ biết". Nó khóc thút thít. "Carol, cậu hãy nghe tớ nói đã nhé"
Chúng tôi cần phải bình tâm lại, phải cố gắng xem xét tình huống xấu này với đầu óc tỉnh táo hơn, chứ không phải cứ đứng đây mà quát tháo nhau. Tôi bảo: "Cậu hút thuốc không?"
"Ngày hôm nay tớ đã hút hết một bao rưỡi"
"Jurgy, cậu phải hút ít đi. Hút nhiều thế cậu có thể bị ung thư đấy"
"Tớ biết điều đó"
Tuy nhiên nó vẫn rút một điếu, và cái đoạn dừng hút thuốc ấy đã giúp chúng tôi. Cả hai đứa đã qua được giây phút căng thẳng"

Tôi hỏi: "Có những ai đi chơi thuyền cùng cậu?"
"Một chủ chăn nuôi bang Texas tên là Harry Winnaker, cùng vợ là Alice Bee và hai thợ máy là Joe bé, Joe lớn - tớ không biết tên của họ là gì. Mọi người cứ gọi họ như vậy."
"Các cậu câu được nhiều không?"
"Harry Winnaker câu được một con cá chuồn, tớ được một. Thế là khá lắm đấy"
"Được rồi, cứ kể tiếp đi. Tớ vẫn đang nghe"
Nó lại đi tới, đi lui, đầu cúi xuống. "Chuyện thế này. Ông ấy có ba đứa con: đứa 11, đứa 9 và đứa bé nhất 3 tuổi. Vợ ông ấy mất khi sinh đứa thứ ba. Ông ấy cần có người chăm sóc ba đứa trẻ và trông nom nhà cửa, v...v..
"Nhưng Jurgy..."
Nó phẩy tay: "Tớ biết cậu định nói gì. Ông ấy không cần vợ, mà cần một cô bảo mẫu, một người tề gia nội trợ, sao lại chọn tớ chứ gì?"
"Đúng thế. Tại sao lại phải là một cô xinh đẹp, tại sao lại làm hại cuộc đời cô ta? Ông ta chỉ cần người biết công việc ấy là được rồi"
"Ông ấy yêu tớ, thế đấy"
"Thật vậy sao? Rõ là điên khùng"
"Carol, hãy nghe tớ nói đã, được không? Đừng có chửi rủa ông ấy như thế"
"Thôi được", tôi đáp. "Kể tiếp đi"
"Ông ấy bảo là đã chọn ngay tớ từ cái bữa chúng mình vừa từ New York trở về khách sạn..."
Tức là ngay tối đầu tiên?"
"Ừ, tối đầu tiên, khi chúng mình bước vào khách sạn, ông ấy đã "chấm" mình rồi". Ông ấy tìm tớ suốt cả tuần - tớ biết ông ấy nói thật. Vì tớ để ý thấy cái lão già to cao này cứ nhìn tớ hoài. Tối hôm qua ở trên thuyền, tớ hỏi thẳng có cái gì ở tớ làm ông ấy say mê đến vậy. Cậu biết ông ấy bảo thế nào không? Bảo, cũng như khi xem bò thiến, ông ấy nhìn đàn bà một cái là biết ngay".
"Khiếp", tôi thốt lên. "Lời khen mới hay chứ. Lạy Chúa, thằng cha nào mà nói với tớ câu ấy, tớ sẽ đập cho vỡ mặt"
"Đó không phải là lời khen, Carol ạ. Tối qua chúng tớ đã nói hết mọi chuyện. Tớ kể hết về đời tớ, rằng tớ chỉ là chân chạy bàn. Ông ấy bảo cũng đã từng làm chân chăn bò dắt ngựa mãi. Tớ nói bố tớ đã từng phải ngồi tù. Ông ấy bảo cũng đã từng vào tù hàng chục lần, có lần vì đã giết một người. Tớ cũng nói cả chuyện đã một lần sinh con nhưng nó bị chết, và ông ấy bảo tiếc quá, giá nó còn có phải ông ấy được thêm một đứa nữa không"
Mắt tôi ươn ướt. Tôi bảo: "Jurgy, ông ấy có vẻ tốt hơn tớ tưởng. Nhưng ông ấy những 56..."
"Carol, cậu không hiểu những gì cậu đang nói đâu. Ông ấy có đến 100 tuổi thì cũng vẫn cứ như bây giờ. Cậu biết tại sao ông ấy hay tới Miami không?"
"Đoán chừng thôi"
"Thứ nhất là để câu cá, thứ hai là kiếm gái gọi. Tối qua trong lúc nói chuyện ông ấy bảo thế. Tớ bảo ông ấy là đồ nói dối xấu xa; rằng ông ấy đến Miam thứ nhất là để kiếm gái gọi, thứ hai mới là câu cá. Ông ấy thú nhận là có thể tớ nói đúng, nhưng biết làm thế nào được, trời đã sinh ra ông ấy như thế".
"Giê-xu-ma", tôi thốt lên. "Già rồi mà còn đổ đốn thế! Nghĩ mà thấy tởm, Jurgy ạ"
"Cậu nghĩ thế à?"
"Jurgy, thật thà là tớ không biết nói thế nào. Tớ cảm thấy choáng váng"
Nó cay đắng khoc thút thít: "Chả lẽ cậu nghĩ tớ có tâm trạng khác à? Tớ đến đây để học làm chiêu đãi viên. Tớ nghĩ thế cũng là tốt lắm rồi. Và bây giờ thì xảy ra chuyện này"
"Cậu có yêu ông ấy không?"
Nó cắn môi: "Tớ cũng chẳng biết nữa. Tớ kính trọng ông ấy. Trong đời tớ chưa từng gặp được người nào như Luke. Tớ kính trọng ông ấy. Đó là điều tớ chưa bao giờ nghĩ tới"
Tôi dùng đầu mẩu thuốc đang hút châm tiếp điếu khác. Nó bảo: "Carol, cho tớ một điếu". Chúng tôi đứng hút thuốc, im lặng đến mấy phút. Những tàu cọ xào xạc trên đầu, sóng nước rì rào cách chỗ chúng tôi mấy bước và điệu nhạc Nam Mỹ từ phía khách sạn vẳng theo ngọn gió dìu dịu.
Tôi bảo: "Sao cậu lại đeo nhẫn tay phải?"
"Tơ bảo Luke: tớ không muốn đính hôn khi còn đang học. Nhưng ông ấy cứ bắt tớ phải cầm"
"Cậu muốn nói cậu sẽ tiếp tục làm ở hãng Magna?"
"Ừ. Tớ muốn làm trên máy bay sáu tháng rồi mới lấy chồng"
"Tại sao?"
Nó cáu với tôi: "Tớ cần phải thế, Carol ạ. Cậu không nhận thấy chỉ trong một thời gian ngắn ở trường, họ đã làm tớ khá lên bao nhiêu. Tớ cần phải được học làm người trước khi có thể quản lý một gia đình, của Luke hay của ai cũng vậy"
Tôi bảo: "Cậu biết không, Jurgy. Tớ đã thay đổi ý kiến"
"Về chuyện gì?"
"Về cậu và ông Lucas"
"Thật không?". Nó có vẻ ngờ vực.
"Tớ nghĩ rồi sẽ tốt đẹp"
"Carol, cám ơn cậu"
Chúng tôi hút nốt điếu thuốc, rồi bắt đầu lê về khách sạn. Cô ta rút chiếc nhẫn ra, cẩn thận cho vào túi xách và tôi hỏi chơi một câu, như kiểu bình luận một tin tức: "Chắc ông ta phải có khối tiền giấu đâu đó mới có thể mua tặng cậu cái nhẫn như thế, và cả cái lắc vàng nữa"
Nó bảo: "Ừ, ông ấy có khoảng ba mươi triệu đôla"
Bầu trời như sập thẳng xuống đầu tôi; bãi biển như vọt cao quật vào cằm tôi. Tôi sững người, tay níu chặt cánh tay cô ấy vì tôi bỗng thấy hoa hết cả mắt. Tôi hổn hển hỏi:
"Cậu nói đùa?"
"Alice Bee kể với tớ sáng nay"
"Jurgy! Cậu nói đùa!"
"Bà ấy kể với tớ thế, Carol ạ. Tớ không có cách nào kiểm tra xem có đúng không. Bà ấy bảo ông ấy là một trong những chủ chăn nuôi gia súc giàu có nhất nước Mỹ"
"Ôi, lạy Chúa", tôi lẩm bẩm. Ba mươi triệu đôla! Không thể có chuyện đó
"Tớ chỉ nói lại lời Alice Bee"
Tôi hoa mắt vì choáng váng. Bầu trời đêm quay cuồng trên đầu tôi. Tôi bảo: "Thề có Chúa chứng giám, Jurgy. Cậu có thể mua cả Hãng hàng không quốc tế Magna. Cậu có thể sắm máy bay riêng Boeing 707"
Nó sẵng giọng: "Tớ không cần mua gì cả. Tớ chỉ cầu Chúa nếu lấy ông ấy, tớ sẽ là người vợ tốt của ông ấy và lần đầu tiên trong đời, tớ được sống yên vui". Nó bật khóc, ôm chầm lấy tôi và thổn thức trên vai tôi. "Cái lão chó đẻ bẩn thỉu ấy! Lão mà đi với đứa gái gọi nào nữa, tớ sẽ vặn cổ lão. Thật đấy, tớ thề sẽ làm như vậy"
"Cậu nói với ông ấy thế à?"
"Đánh cuộc với cậu là tớ đã bảo ông ấy thế, tớ làm ông ấy sợ hết vía". Nó cười trong nước mắt, giọng khàn khàn như tiếng quạ kêu. "Mặt ông ta trắng bợt như tờ giấy"
Tôi ôm chặt, cứ để Jurgy khóc; sau đó nó buông tôi ra, lau nước mắt và bảo: "Đừng nói chuyện này với ai nhé", và tôi đáp: "Cậu có thể tin ở tớ". Rồi nó lại nói: "Ba mươi triệu đôla, nghe thật khó tin phải không?". Tôi trả lời: "À, tớ nghĩ nó cũng làm cậu cảm thấy an lòng". Nó bảo: "Không, thế mới buồn cười chứ. Cái đó không quan trọng, Luke mới là quan trọng, còn những thứ khác chỉ là lớp kem bôi trên mặt chiếc bánh thôi".
Tôi hiểu ý nó và cảm thấy hơi ghen tị.

<< Chương 11 | Chương 13 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 968

Return to top