"Phi lý hết sức", Donna bảo.
Annette nói: "À, tinh thần chung có thể là thế này. Họ muốn chúng ta phải làm việc, dù đó là việc gì. Suy cho cùng, họ tốn bao nhiêu là tiền để đưa chúng ta đến đây, ở cả tháng trong khách sạn này. Vì thế họ phải đặt ra cả một lô quy định chứ".
Donna quay sang nói với Jurgy tức Mary Ruth Jurgens nếu gọi cho đầy đủ: "Cậu cũng thấy thế chứ?"
"Mình ấy à?"
"Ừ cậu. Mà này, gọi cậu thế nào nhỉ? Mary, Ruth hay là gì?"
"Mary Ruth"
"Phải gọi cả hai tên à?"
Nhiều người gọi mình là Jurgy cho đỡ tốn sức. Cậu có thể gọi thế cũng được".
"Thôi được, Jurgy", Donna bảo. "Cậu nghĩ thế nào về những quy định điên rồ này?"
"Đây là hãng của họ"
"Hẳn thế, nhưng cái đó không cho họ có quyền lùa chúng ta như lùa những con vật".
Jurgy nói: "Họ đâu có đưa giấy mời mình đến đây, mình xin họ đấy chứ. Họ bảo mình phải đeo tất và dây nịt thì được, mình sẽ đeo tất và dây nịt. Thế thôi".
Donna chăm chú nhìn Jurgy: "Trước khi đến đây cậu làm gì?"
"Cậu hỏi để làm gì?"
"Hỏi thế thôi, cô bạn. Chẳng cần phải nổi máu Ái Nhĩ Lan của cô lên. Nếu cô không muốn thì thôi."
"Mình chạy bàn ở khách sạn, ở Buffalo. Trước đó mình chạy bàn ở một nhà ăn .
Donna quay sang Annette: "Annete, trước kia cậu làm gì?"
"À, mình làm thư ký ở một nhà băng".
"Cái nghề cũng nhàn nhã đấy nhỉ?"
"Ừ, rất nhàn. Mà thế lại đâm dở. Nó quá nhàn nhã".
Donna gọi: "Này Alma, cậu nghĩ thế nào về những quy định này?"
"Xin lỗi, cậu bảo gì cơ?" Alma hỏi lại. Nó đang lấy quần áo ra khỏi vali theo đúng thứ tự, gấp quần áo lót để vào ngăn kéo tủ nhỏ cạnh giường. Những người khác ngồi cả trên giường tôi, trừ Jurgy đang đứng tựa lưng vào tường.
Mình hỏi: "Cậu nghĩ thế nào về những quy định này?"Donna nhắc lại. "Con trai không được vào phòng, và đại loại như vậy".
"À , Alma trả lời. "Mình nói với cậu mình nghĩ thế nào nhé. Mình nghĩ con gái Mỹ thật ngờ nghệch. Đấy, mình nghĩ thế đấy."
"Ra vậy đấy", Donna nói.
Alma nhún vai: "Quy định! Quy định là quy định. Nếu theo được thì theo, còn nếu không thì hãy cẩn thận, đừng để cảnh sát ở góc phố túm là được".
"Mình sẽ nhớ điều đó", Donna nói và cười phá lên.
Donna mân mê mái tóc đẹp màu hạt dẻ của Annette. "Các cậu biết không? Mình đang khát chết đi được. Annette yêu quý, cậu xem giúp trong tủ lạnh còn đá không?"
"Được thôi".
"Carol, cậu mở giúp tớ cái vali màu ghi ấy, được chứ?"
Tôi cảm thấy lạ: "Cậu muốn lấy gì trong vali?"
"Mình có chai rượu gin trong ấy. Chúng mình cùng uống một chút cho đỡ căng thẳng".
"Không được", tôi bảo, con Annette đang đi bỗng khựng ngay lại.
"Ô kìa, lấy ra đi chứ", Donna cười nói.
"Không được đâu", tôi bảo.
Cô ta thôi cười và khẽ khàng nói: "Này cậu, thế mà mình lại nghĩ cậu khác người cơ đấy".
Nó đã lầm nếu nghĩ có thể làm tôi mủi lòng bằng cái lối phỉnh phờ cũ rích ấy. Tôi bảo: "Chúng mình hãy nói thẳng với nhau nhé: mình không phải là kẻ không biết điều. Nếu cậu thích uống, thì cứ việc uống đi. Đó là quyền của cậu".
"Thế cơ đấy".
"Này", tôi nói tiếp. "Lạy Chúa, chúng ta vừa mới đọc xong nội quy cách đây có mấy phút. Đối với mình, lúc nào cậu muốn vi phạm thì cứ việc, và đối với những người khác ở phòng này cũng thế. Bọn mình sẽ không hớt lẻo đâu, nhưng đừng có làm liên luỵ đến bọn mình. Thế được chứ?"
"Thế cũng được", Donna nói. "Thì mình uống một mình vậy. Cậu nào thích thì xin mời".
"Tốt rồi", tôi nói. "Mình sẽ nói cậu phải làm gì. Hãy cầm chai rượu, cốc đá rồi vào buồng tắm và khoá cửa lại. Chúng mình sẽ không làm phiền cậu đâu. Có cậu nào muốn dùng nhà xí trước khi Donna vào đó không?"
"Ha! Ha! Buồn cười thật đấy", Donna bảo.
"Mình nói nghiêm chỉnh"
"Thật chứ?"
"Thật".
Donna nhìn tôi. Nó có đôi mắt xanh đến kinh ngạc, đầy vẻ đanh đá. Nó bảo: "Thôi được, bà cô ạ. Bà đã thắng".
Donna vươn vai đứng dậy. "Không rượu", nó lẩm bẩm. "Mình chẳng bao giờ lại nghĩ là sẽ sống để thấy cái ngày này". Nó nghoẹo đầu, như thể lắng nghe cái đang xảy ra trong người. "Các cậu biết không, tớ đói lả cả người". Nó nhìn đồng hồ: "Trời đất ơi, thảo nào mình đói thế. 9h15. Các cậu có biết là suốt từ 6h sáng tới giờ, mình chưa có gì vào bụng".
"Mình có ít bánh, nếu cậu thích", Annette nói.
"Mình có kẹo đây, xin mời cậu", Jurgy bảo.
"Các cậu chẳng hiểu gì cả. Mình đang đói, mình thèm thịt bò cơ. Nói riêng với các cậu nhé, mình chuồn ra ngoài kiếm miếng bít -tết ngay bây giờ". Tất cả im phăng phắc. Nó nhận thấy điều đó: "Ơ kìa, mình làm thế thì phạm vào điều mấy nào?"Chả lẽ muốn ăn một miếng bít-tết cũng phải chui vào nhà tắm sao?"
Tôi vẫn im lặng. Annette lên tiếng: "Không phải thế. Chỉ có điều cô Pierce đã bảo tối nay chúng ta không được ra khỏi khách sạn. Cậu nhớ chứ?"
Nghe thế Donna nổi xung lên ngay. Giọt nước cuối cùng đã làm tràn miệng cốc. Nó lồng lộn trong phòng, cho đến khi tôi túm lại và nói: "Thôi, bình tĩnh nào, đừng lồng lộn lên thế. Cậu không được ra khỏi khách sạn nhưng tớ chắc ngay trong khách sạn này cũng có quầy bán cà-phê. Đến đấy thể nào cũng kiếm được bánh mì thịt băm".
Donna hét lên: "Tớ thèm vào. Từng này tuổi đầu rồi, tớ cần phải ăn đủ chất. Tớ cần món bít-tết cơ".
"Được rồi", tôi bảo. "Cả ngày hôm nay mình đã ăn gì đâu. Tớ sẽ đi với cậu".
Alma gọi tôi: "Carola, cho mình đi với".
"Cậu cũng đói à? Được. Annette, Jurgy, các cậu có đi không?"
Annette và Jurgy nói họ đã có bánh kẹo mang theo, khỏi cần đi đâu.
Tôi bảo: "Nào Donna, chúng ta đi thôi"
Cặp mắt xanh của cô ta ánh lên một vẻ là lạ. Cô ta bảo: " Đây là một khách sạn thanh lịch, phải không nào? Mình cược là trong khách sạn thế nào cũng có quán ăn sang trọng". Nó nhìn tôi với vẻ tai quái: "Thompson, cậu không thể mặc thế này mà ra ngoài được".
"Sao không được?"
"Điều 325", nó nói oang oang. "Không được xuất hiện bất cứ nơi nào trong khách sạn nếu chưa ăn mặc nghiêm chỉnh. Điều 699: phải giữ gìn vẻ bên ngoài thanh lịch nhất. Nội quy đấy, nhớ chứ? Mấy tiểu thư khuê các dưới nhà đều mặc đồ buổi tối cả, cậu cũng phải ăn mặc như vậy chứ?"
"Cậu có điên không đấy? Xuống mua bánh mì mà mặc đồ buổi tối".
"Đúng thế". Rồi nó gọi: "Alma, cậu có váy dài mặc tối chứ?"
"Tất nhiên rồi"; Alma đứng bật dậy.
Phải thừa nhận chúng tôi sửa sang vào trông cũng khá được mắt. Tôi mặc bộ đồ màu vàng mua ở hiệu Lord và Taylor, chân mang giày cao gót cũng màu vàng. Alma mặc bộ đồ đẹp tuyệt vời, thắt lưng đen, trước ngực in một bông hồng to tướng, trông lộng lẫy đến mức nín thở. Còn Donna mặc chiếc áo dài lạ kiểu - tôi không hình dung nổi nó được may thế nào, trông thật tinh tế và màu sắc rất dịu, cái màu mà tôi chỉ có thể miêu tả là màu phong rêu Tây Ban Nha hay là màu mạng nhện để lâu. Nó lại càng tôn thêm vóc dáng, đôi mắt xanh và mái tóc hoe đỏ bồng bềnh của cô ta.
Tôi hỏi Donna: "Cậu kiếm đâu ra cái áo tuyệt thế?"
"Schiaparelli", nó đáp gọn lỏn.
Tôi nói: "Tuy là cô gái vùng quê New Hampshire nhưng xem ra cậu cũng tinh tường chuyện ăn mặc gớm. Cậu bảo tớ là chưa bao giờ được tới New York đúng không? Ở cái nơi đèo heo hút gió ấy, làm sao cậu đặt mua được những cái áo như thế này? Cậu đặt mua theo catalogue của hãng Sears hay Rosbuck?"
"Mình mua ở cửa hàng Filene ở Boston. Đã bao giờ cậu nghe nói đến Boston chưa? Có ai nhìn thấy cái ví của tớ ở đâu không? Tớ bỏ nó ở đâu rồi không biết?"
Cái ví nằm ngay trên giường.
Donna ngồi xuống, mở ví và dốc ngược nó xuống. Từ trong ví rơi ra mấy chục đồng tiền xu, tiền hào, hai chiếc nhẫn kim cương và một cục tiền giấy cuộn tròn to bằng nắm tay.
"Donna, tiền kìa", tôi bảo.
"Chính là cái mình đang tìm. Chắc không phải mang cả đi đâu nhỉ".
"Cậu thử nói xem cái cuộn ấy là bao nhiêu?"
"1200 đôla. Ông già mới đưa sáng nay, coi như món quà tiễn biệt". Rồi Donna rút tờ 100 đô, lẩm bẩm: "Bấy nhiêu chắc đủ".
Trong khi đó, Alma mân mê hai chiếc nhẫn kim cương của Donna rồi chọn một chiếc đeo vào ngón giữa tay phải, ngắm nghía một lúc rồi quay sang Donna: "Tớ mượn đeo tối nay, được chứ?"
Khi chúng tôi bước ra khỏi thang máy, trong phút chốc, điều kỳ diệu như vẫn thường đọc thấy trong quảng cáo đã xảy ra. Cả ba chúng tôi đều có chung cảm giác là bầu không khí chung như nhiễm điện, những cặp mắt ngước lên xen lẫn những tiếng trầm trồ. Trước mặt, tôi chỉ thấy toàn đàn ông. Chắc người ta đã kháo nhau về 40 cô gái được chọn lựa đang ở trên tầng thứ 14. Và đây là 3 đại diện tiêu biểu của những cô gái ấy. Tôi những muốn quay người bỏ chạy. Nhưng ngay lúc ấy, từ bên ngoài bầu không khí choáng ngợp ấy, ông Maxwell Courtenay đột nhiên xuất hiện. Vẫn với chiếc gilê đen, áo vét đen, quần kẻ sọc; vẫn khuôn mặt Ceasar và đôi tay nhỏ nhắn trắng ngần. Đừng có đùa với một người như vây. Ông là người cứng rắn đến mức ta phải kính trọng. Ông nhìn tôi mỉm cười. Rồi ông ngước nhìn Donna cứ như đã bị cô ta bắn trúng tim.
Lẽ ra tôi phải nghĩ đến tình huống này.
"Chào các cô. Tôi có thể giúp gì cho các cô?" ông ta nói, nhưng là nói với Donna, và tôi thề là khi nói câu đó, ông kiễng chân lên như muốn nhìn thẳng vào mắt cô ta.
Donna nhấm nhẳng: "À, thưa ông Courtenay, chúng tôi ở tầng 14, trường huấn luyện..."
"Cô không cần phải nói với tôi điều đó. Tôi biết. Cho phép tôi được bày tỏ niềm vui mừng trước sự có mặt của các cô ở khách sạn chúng tôi. Thật vinh hạnh khi chúng tôi được phép tham dự...". Ông ta quá hồi hộp nên định đọc lại từ đầu đến cuối bài diễn văn lúc trước.
Donna nói: "Thưa ông Courtenay, chúng tôi muốn biết ở đây có phòng ăn, hay quầy bán đồ ăn không ạ? Chúng tôi muốn kiếm mấy thứ ăn tối, hoặc quầy cà phê nhỏ có bán bít -tết, hay thứ gì đó cũng được, thưa ông".
Tôi không hiểu sao, nhưng cô ta nói nghe cứ như Scarlett O Hara ấy. Ông ta như bị sét đánh: "Cô bảo chúng tôi có phòng ăn không à?"
"Vâng".
"Thưa cô..." ông ta dừng lại. "Cô có thể vui lòng cho biết quý danh?"
"Tôi là Donna Stewart, còn đây là cô Di Lucca và cô Thompson".
"Rất hân hạnh", ông nói, cúi gập người chào từng đứa chúng tôi. Rồi ông quay sang Donna: "Xin mời cô theo tôi. Chúng tôi có một phòng ăn nhỏ, vâng, đúng thế. Cho phép tôi được làm người dẫn lối".
Ông ta đi cạnh Donna ở phía trước. Nhìn từ phía sau, trông ông vai rộng, chân hơi vòng kiềng và cao chưa tới cằm Donna. Chẳng phải tôi hay chú ý đến chiều cao của người khác, mà chỉ vì tình cờ đỉnh đầu ông ta ở ngay dưới cằm Donna. Rõ ràng ông ta đã mê Donna như điếu đổ, và thế là lịch sử lại đang lặp lại. Ta thường nghĩ đàn ông thấp bé chắc sẽ theo đuổi những phụ nữ nhỏ nhắn. Không phải thế đâu, ít ra là trong trường hợp Donna. Trước tiên là anh dô-kề Muirhead, giờ lại đến lượt ông Courtenay. Tôi khiếp đảm khi nghĩ sự thể sẽ thế nào khi Donna gặp một anh lùn.
*
"Khách sạn to thật", Alma bảo tôi. "Đồ đạc đều rất sang".
Đúng là khách sạn này lớn và đồ đạc đều sang. Chúng tôi đi, cho tới khi đến một hành lang mái vòm rất rộng. Một dây to bằng nhung đỏ chắn ngang, phía ngoài là một người hầu mặc đồng phục có nhiệm vụ mở cái dây cho bạn qua, nếu anh ta nghĩ bạn là người đến đúng chỗ. Ông Courtenay búng tay một cái, và anh này khúm núm nhấc sợi dây lên, hấp tấp đến nỗi suýt nữa bị trẹo chân.
Ông Courtenay giang tay chỉ trỏ và nói: " Thưa các cô, đây là phòng ăn nhỏ của khách sạn chúng tôi, được gọi là phòng Vua Mặt Trời, hay tiếng Pháp là Le Roi Soleil. Chắc các cô cũng biết đó là tên gọi của Louis XIV vĩ đại và lừng danh. Xin mời các cô vào".
Còn biết nói gì nữa. Ông ta muốn sao chúng tôi cũng phải chịu. Ông ta đi trước, còn chúng tôi theo sau. Tôi nghĩ đến 7 đôla và 50 xu trong ví của tôi, và tờ một đô mà Alma gài chặt nơi bụng. Tôi lại nghĩ may mà Donna đã phòng xa mang theo tờ 100 đôla. Nhưng ngay cả thế cũng chắc gì đã đủ. Bởi vì phòng Vua Mặt Trời không chỉ rộng thênh thang mà còn được trang hoàng lộng lẫy. Những chiếc bàn to được kê cách xa nhau, được trải khăn trang nhã, được bày cốc tách và những bộ đồ ăn bằng bạc. Ngay cả thằng ngốc cũng có thể hiểu một mẩu bánh vụn ở đây cũng phải trả cả đống tiền, huống hồ là những món tự chọn khác. Hàng triệu mét xa-tanh màu xám lóng lánh chăng kín trần nhà, quy tụ vào giữa và được gài bằng một chiếc trâm vàng hình mặt trời toả sáng. Ba mặt tường là tranh, chắc là miêu tả những quãng đời say đắm tình ái của Le Roi Soleil. Nhưng mặt thứ tư lại là một khoang cửa sổ hình vòng cung thật lớn, một đầu mở ra hiên, nơi dàn nhạc đang chơi và mấy đôi trai gái đang nhảy. "Ở đây hệt như Roma", Alma trầm trồ.
Lúc này chúng tôi như một đoàn diễu hành: đi trước ông Courtenay là anh bồi chính tên là Henri và ba người hầu bàn khác. Trong phòng chật kín người ăn, và hình như họ đều có ấn tượng đặc biệt về sự có mặt của chúng tôi giữa bọn họ. Donna trong bộ đồ Schiaparelli màu mạng nhện rõ ràng trở thành trung tâm thu hút sự chú ý, nhưng tôi và Alma cũng được mọi người để mắt tới, làm tôi cảm thấy người đỏ dừ đến tận đầu ngón chân.
Cuối cùng chúng tôi đến được bàn. Mấy người hầu bàn kéo ghế mời chúng tôi ngồi, và đưa cho chúng tôi bản thực đơn to gần bằng tờ Thời báo New York bọc da. Rồi ông Courtenay thẳng người, và bắt đầu một bài diễn văn nữa. Rõ ràng là ông ta thích diễn thuyết, hễ mở miệng là phải đọc diễn văn, nhưng đưọc cái ông nói năng nhiệt tình, sôi nổi nên người nghe cũng không đến nỗi chán: "Thưa các cô quý mến", ông ta mở đầu. "Đây là đêm đầu tiên các cô ở khách sạn Charleroi chúng tôi. Cho phép tôi được nhắc lại những gì tôi nói khi trước. Chúng tôi hân hạnh, chúng tôi vui mừng có các cô ở đây. Vì vậy, đêm nay các cô phải là khách quý của chúng tôi. Khách sạn này là của các cô. Xin các cô cần gì cứ gọi. Bất cứ thứ gì, chúng tôi xin vui lòng phục vụ".
Vừa nói, ông ta vừa nhìn Donna đăm đăm, và cô nàng cũng mở to mắt nhìn lại, cười tươi với ông ta. "Ôi, ông Courtenay, ông thật đáng yêu. Các bạn, ông Courtenay là người đáng yêu nhất phải không?".
Mặt ông đỏ dừ.
Alma ngồi, miệng há ra kinh ngạc.
Tôi cũng vậy.
Ông Courtenay nói: "Henri sẽ phục vụ các cô. Tôi sẽ quay lại". Nói rồi ông ta bước đi.
Henri người gầy gò, cổ ngẳng. Anh ta cúi người về phía chúng tôi, trông cứ như cái kim cài đầu, và nói nhã nhặn: "Thưa, các bà cần dùng gì ạ? Bắt đầu bằng món tôm Borticelli được chứ ạ?"
Vừa hình dung món tôm Borticelli ấy là bụng tôi đã quặn cả lại.
Donna bảo: "Henri, trước hết xin mang cho tôi một suất đúp martini".
"Donna, đừng dại dột", tôi nhắc nhở.
"Cái gì cơ, cô bạn?"
"Trông kìa! Quanh đây chắc không ít người của trường huấn luyện. Nếu họ thấy cậu uống Martini thì coi như xong đời cô bé ạ. Nhớ nội quy chứ?"
"Cậu biết không, Carol, lần này cậu nói đúng". Nghĩ một lát, nó nói: "Henri này, mang cho tôi suất vôt-ka đúp. Nhưng cho vào cái cốc uống nước ấy, và bỏ nhiều đá vào. Được chứ? Chúng ta phải cẩn thận một chút".
"Tôi hiểu, thưa bà. Bà có thể tin ở tôi".
"Donna", tôi nhắc.
"Ôi, Carol thân yêu", nó khẩn khoản. "Mình cam đoan là không ai có thể phân biệt được cốc vôt-ka với cốc nước từ khoảng cách 20 bước. Chúng giống hệt nhau mà".
Henri nói với Donna: "Bà dùng bữa tối ngay sau cốc rượu khai vị chứ?"
"Henri, tôi biết mình cần cái gì rồi. Một miếng bít-tết, thật tái, và ít xa-lát. Mang cho tôi càng sớm càng tốt".
Vâng, thưa bà , anh ta nói rồi quay sang tôi: "Còn bà?"
"Một bánh mì kẹp thịt băm và một cốc cà-phê.
Anh ta sửng sốt không nói được câu nào.
Tôi bảo: "Ở đây không có bánh mì kẹp thịt băm hay sao?"
"Không phải thế, thưa bà. Chúng tôi có những món đặc biệt như thịt bê cuốn lá mộc tê Barbarossa, mà khách hàng của chúng tôi rất ưa dùng".
"Tốt lắm", tôi đáp. "Nhưng thực sự nó là món gì?"
"Món thịt băm, thưa bà", anh ta thở dài nói.
"Thế là được, và xin ông cho cốc cà-phê nữa.
Anh ta quay sang Alma: "Thưa bà, bà dùng gì ạ?"
Miệng nó thoáng nét cười khát khao, đôi mắt vàng óng màu mật ong thoáng vẻ mơ màng: "Thịt ngõng"
Tất cả lặng đi một lúc. Rồi Henri thì thầm lễ phép: "Bà nói là thịt ngõng, phải không ạ?"
"Đúng, thịt ngõng. Tôi rất thích thịt ngõng"
Henri nhìn tôi, rồi nhìn Donna và nhún vai.
Tôi bảo Alma: "Cậu muốn nói là thịt ngỗng, đúng không?"
Alma bỗng khoa chân múa tay: "Không phải là thịt ngỗng. Tôi muốn nói là thịt ngõng. Người ta săn nó bằng súng. Nó lẩn trốn. Nó rất ranh ma. Người ta không tìm được nó..."
"Nỡm ạ, cô ta muốn nói là thịt nai rừng đấy", Donna bảo.
"Không phải thịt nai", Alma gắt gỏng. "Đây này, ghi trong thực đơn đấy thôi"- cô ta dứ bản thực đơn vào mặt Donna. "Grosse à la maniere de la Chateau de Balmoral (gà gô theo kiểu lâu đài Balmoral). Cậu đọc đi. Ngõng Xcôt, mang từ Xcôtlen tới.
"Xin bà thứ lỗi"; Henri vỡ lẽ. "Vâng, tất nhiên là ngõng rồi. Bà dùng rượu vang chứ ạ?"
"Cố nhiên", Alma nói. "Rượu gì đi với thịt ngõng hả Carola? Vang trắng Orvietto hay Lacrima Christi? Hay vang đỏ Nebblolo? Santa Maddalena? Barolo? .
Ngán ngẩm quá chừng! Hoá ra tôi đã cặp với những tay bợm rượu. Tôi bảo: "Alma, nhớ nội quy đấy. Họ mà vớ được thì cậu toi ngay. Uống một cốc nước lạnh có phải hay hơn không?"
Mặt cô ta trắng bệch ra: "Tớ mà uống nước lọc? Tớ là dân La Mã, và bổn phận của tớ là phải uống rượu vang. Nước lọc! Cậu biết nước lọc thế nào không? Nó làm han gỉ mọi thứ. Tớ không muốn ruột gan tớ bị han gỉ." Cô ta nói với Henri: "Cho một chai Orvietto thật ngon, loại 1954 ấy".
"Vâng, thưa bà"
Henri nhẹ nhàng rời khỏi bàn. Mấy người hầu bàn khác cũng đi nốt. Không khí yên tĩnh trở lại, nhưng dần dần tôi nhận ra quá nửa khách ăn trong căn phòng rộng thênh thang này, nghĩa là cỡ hàng trăm con mắt đang xoáy vào chúng tôi, soi mói từng chân tơ kẽ tóc, và tôi bỗng thấy nóng bừng sau gáy. Chắc họ đều đã biết chúng tôi là ba cô học sinh chiêu đãi viên ở tầng 14. Lạy Chúa, họ đang thực sự xét nét chúng tôi, và ý nghĩ đó làm tôi sợ hãi, co rúm người. Tôi lấy trong ví ra bao thuốc, rút một điếu, nhưng chợt nhớ ra cung cách xử sự của mình, tôi bèn đưa mời Donna và Alma.
"Cám ơn", Donna nói và rút một điếu.
"Cám ơn cậu", Alma nói và làm như Donna.
Người hầu bàn dọn hết những cốc uống nước cùng bình đựng nước ở bàn chúng tôi. Một người khác mang đến ba chiếc cốc và bình nước mới. Thế là bằng mẹo vặt của mình, Donna có được suất đúp vôt-ka nhẹ nhàng như không. Tôi không tán thành chuyện đó vì xem ra chẳng hay ho gì, nhưng quả thật phải khâm phục Donna. Henri và mấy người dưới quyền ông ta đã hiểu rõ công việc của họ.
*
Trong ít phút chờ đợi đồ ăn, chúng tôi đã chân tình hỏi thăm về đời tư của nhau.
Donna khơi mào, hỏi Alma trước: Tinh hoa ơi, cho mình biết cậu tới đây vì lẽ gì đi .
"Vì đói. Mình đang đói run cả người đây. Mình có thể xơi hết cả con bò mộng. .
Tôi nói: "Không, Donna muốn nói đến trường huấn luyện này này .
"À, à, một câu hỏi rất hay." Suốt nửa tiếng đồng hồ Alma trả lời câu hỏi đó. Trong thời gian ấy, người ta mang đồ ăn đến, có cả chai rượu Orvietto. Alma cứ ca thán mãi về con gà gô bé tẹo đáng thương, nhăn mặt ngửi cốc rượu vang, rồi lại kể tiếp về đời tư và những chuyện yêu đương của mình. Tôi cam đoan chuyện của Alma chỉ cần gói gọn trong vài câu là đủ, nhưng nó kể tỉ mỉ đến từng chi tiết một những kỷ niệm tình ái của mình. Đại để là, từ năm 16 tuổi Alma bắt đầu đi làm ở một hiệu chuyên bán thánh chỉ cho khách du lịch, và chính lúc đó, nó bắt đầu học tiếng Anh để có thể bán được nhiều hàng hơn cho khách nước ngoài. Ở đó, Alma đã gặp được một người bạn tử tế, đàng hoàng (tôi có thể hình dung được) giúp nó có việc làm trong một đại lý xe hơi. Rồi Alma lại gặp một anh bạn điển trai, đàng hoàng khác, chàng này kiếm cho nó việc làm trong một hãng hàng không. Công việc này đã giúp nó gặp được một người đàng hoàng nữa, ông này lại kiếm việc cho nó tại văn phòng đại diện của Hãng hàng không quốc tế Magna ở Roma. Ở đó, nó cũng lại gặp một người đẹp trai, đàng hoàng, ông này đã giúp nó học tiếng Anh và kiếm cho nó một chân chiêu đãi viên trong một số chuyến bay tuyến châu Âu. Rồi khi hãng Magna cần tuyển chọn chiêu đãi viên trên các chuyến bay quốc tế, Alma nộp đơn. Đến đoạn này chuyện của nó trở nên phức tạp, bởi vì nó không nộp đơn qua ông bạn làm cho hãng Magna, nếu làm thế thì đã quá dễ. Đến lúc này, nó đã có một người bạn đàng hoàng khác, người này giới thiệu nó cho bạn mình; anh chàng này có một người bạn, và người bạn này nói chuyện với một người khác của Hãng Magna ở New York. Và người ta trả lời: "Ồ, tất nhiên, đây chính là mẫu người mà chúng tôi cần tìm. Xin cứ gửi cô ta đến đây". Và thế là cô ta có mặt ở đây.
"Thú vị thật , Donna nói. "Xem ra cậu cũng đã nếm trải mùi đời nhiều đấy ".
"Tí chút thôi ", Alma thừa nhận.
"Chắc chắn cậu có vô khối bạn trai?"
"Ít thôi", Alma nói, người cúi về phía trước, giọng có vẻ bí mật: "Nói riêng cho các cậu thôi nhé, biết không? Tớ rất sợ đi máy bay, thật đấy. Cứ mỗi khi sắp phải trèo lên nó, tớ lại bị đau bụng đi ngoài. Tức cười không?"
Donna hỏi: " Đã thế sao cậu lại chọn cái nghề này? Với cái tài bắt bồ của cậu, mình cam đoan là cậu sẽ kiếm được công việc không làm cậu đau bụng đi ngoài".
"Câu hỏi nghe được đấy. Tớ sẽ nói cho cậu biết tại sao". Nó gặm cái đùi gà một lúc rồi nói: "Bởi vì trên máy bay, cậu có thể gặp được nhiều người tử tế".
"Cậu bảo là đàn ông tử tế?", Donna hỏi lại cho rõ ràng.
"Còn ai vào đây nữa?", Alma ngả người, cười phá lên.
Donna nhìn Alma với vẻ rất lạ. Nó không nói gì, chỉ nhìn: nhìn mái tóc, đôi mắt, làn môi, cái cổ, bộ ngực của Alma, và tôi nghĩ chắc Donna đang cố hình dung trong đầu những dư vị của cuộc đời cô ta. Tôi muốn nói cái Alma gọi là người bạn hào hoa phong nhã nghĩa là thế nào cũng đã quá rõ. Có lẽ nó đã ngủ với không biết bao nhiêu người trong những năm qua. Và Donna thì hình như đang dùng một chiếc kính lúp soi kỹ từng tý trong tính cách của Alma, giống như một nhân viên phòng thí nghiệm xem xét con chuột bạch đã qua một loạt thí nghiệm. Mà không thể lầm vào đâu được: con chuột bạch đặc biệt này đã qua được một cách tuyệt vời. Quả thật Alma đã không gây cho người nghe ấn tượng về một cô gái đồng trinh chưa dính mùi trần tục, lẩn tránh ngay cả ánh mắt nhìn của đàn ông. Nhưng mặt khác, nó trông không tã nát như một số cô gái khác nếu đã từng trải qua những cuộc tình như của nó. Trông Alma cũng giống mọi cô gái Ý bình thường khác, nhưng rất đẹp mà máu đang căng chảy trong huyết quản; và nguồn hoocmôn dự trữ còn rất dồi dào.
Tôi nói: "Nào Donna, cậu kể đi. Làm sao cậu lại đến đây?"
"Có quái gì đâu", nó noi. "Lý do thật đơn giản: ở New Hampshire mình buồn muốn chết. Mình sống ở đấy từ nhỏ đến lớn. Ông già mình mở khách sạn..." Nó nhìn quanh phòng Vua Mặt Trời. "Không phải thế này đâu. Chỉ là một quán trọ trên đỉnh núi Washington, một hệ thống cáp và ghế ngồi đưa khách trượt tuyết lên núi, một cửa hiệu bán áo trượt tuyết và cho thuê giầy trượt. Đại loại như vậy".
"Có vẻ tuyệt đáy chứ", tôi bảo. "Rồi sao nữa?"
"Rồi sao ư?", Donna nhắc lại. "Nhìn mãi dàn trượt tuyết mình đâm chán. Mình sững sờ khi nghĩ được rằng ngoài chuyện trượt tuyết ra, trên đời này chắc còn phải có nhiều cái khác nữa. Rồi các cậu biết không? ngoài Boston ra, chắc còn có các thành phố khác nữa chứ. Thế là suốt cả một năm, mình buồn chán, ngứa ngáy không yên. Mình chẳng làm đưọc việc gì nữa. Vì vậy, mình bỗng nảy ra ý hay, mình viết thư đến tất cả các hãng hàng không mà mình nhớ được. Cuối cùng mình được đến gặp ông Garrison ở Boston và bây giờ thì ở đây".
"Ông già cậu nghĩ thế nào về chuyện cậu bỏ nhà đi?"
"Bố mình à? Ồ, bố mình là con người vĩ đại nhất trên đời. Ông cụ rất mừng về chuyện đó. Thực ra cụ nhẹ người, vì đã thấy mình cứ bứt rứt không yên. Vả lại mẹ mình mất đã được 7 năm, bố mình cũng muốn tục huyền nhưng còn ngại, vì nghĩ mình chắc không hoà hợp đưọc với bà dì ghẻ. Cụ đã nghĩ đúng. Mình thấy ghét cái con chó cái ấy. Mình không thể sống chung với mụ ấy dù chỉ là một ngày."
"Cậu đã 2 lần đính hôn rồi, phải không?", Alma hỏi.
"Mình ấy à?" Donna hỏi lại.
Alma chìa bàn tay phải ra: "Cậu có chiếc nhẫn này, lại còn chiếc nữa ở trên phòng".
Donna hờ hững nói: "Tinh hoa ơi, hai lần đã ăn nhằm gì. Mình đã đính hôn cả chục lần rồi. Mùa xuân đến, nhựa sống tràn trề, con bé này sẵn sàng để bất cứ gã đàn ông nào đưa đến trước bàn thờ Chúa. Đêm trăng đẹp cũng có tác động tương tự".
Câu chuyện của chúng tôi phải dừng ở đó. Một cô gái đeo tóc màu bạch kim, áo blu rộng thùng thình, váy kêu sột soạt nhún nhảy đến bàn chúng tôi, mang trên tay một lẵng hoa đan bằng cành liễu. Cô ta nói: Xin lỗi đã làm gián đoạn câu chuyện. Một ông có lòng ngưỡng mộ nhờ tôi chuyển đến các bà món quà này". Rồi cô ta trao cho mỗi đứa chúng tôi một nhành phong lan nhỏ cực đẹp.
Donna hỏi: "Của ông Courtenay phải không?"
"Thưa không phải", cô bé nói rồi cười thật dễ thương. "Đây là của ông Nat Brangwyn đấy ạ".
Thật là điều bất ngờ nhất, hay là một trong những điều bất ngờ nhất đời tôi. Tôi đưa mắt tìm ông ta. Kia rồi, ông ta ngồi cạnh chỗ chúng tôi 4 bàn, chỉ có một mình trong bộ đồ màu trắng, chiếc nơ đỏ sẫm, và đang nhấm nháp cốc uyt-xki pha. Ông ta cười, vẫy tay chào. Tôi cũng cười đáp lại nhưng không vẫy tay.
Đợi đến lúc chúng tôi ăn xong, ông ta mới ngập ngừng đến. Vẫn mảnh khảnh, rụt rè nhưng nhạy cảm tuyệt vời. Đâu phải ngày nào ta cũng gặp được một con bạc chuyên nghiệp? Và bất cứ con bạc nào còn nợ chính phủ liên bang 150.000 đôla tiền thuế mà vẫn không để chính phủ rờ được đến mình thì cũng đều đáng được một cô gái chuyện trò trong vài phút.
À, cô Thompson, xin chào", ông ta nói.
"Chào ông Brangwyn. Lẽ ra ông không cần gửi tặng chúng tôi những nhành phong lan đáng yêu này".
"Sao thế, có đáng gì đâu?"
Tôi giới thiệu ông ta với Donna và Alma.
Donna cất tiếng: "Ông Brangwyn, đây là những nhành phong lan đẹp nhất mà tôi chưa từng thấy. Chúng thật dễ thương".
"Vâng", ông ta nói. "Chúng mọc ngay ở Florida này. Sự thực là vậy".
Alma để nhành hoa sát vào ngực, im lặng chỉ thở dài và liếc mắt đưa tình với ông Brangwyn. Tôi chưa từng thấy ai trong đời thực lại liếc mắt tống tình kiểu ấy. Trong những phim cũ trên TV, đôi khi cũng có cảnh đó; nó cho ta ý nghĩ kỳ quặc nhất về sinh hoạt tình dục thời tiền sử là thế nào".
"Ông Brangwyn, mời ông cùng ngồi đây với chúng tôi", Donna nói nhưng ông ta vẫn đứng và nhìn tôi như thể đợi tôi cho phép. Tôi nói: "À, xin mời ông". Ông ta ngồi giữa Alma và Donna để được đối diện với tôi và hỏi: "Thế nào, tất cả đều ổn chứ? Ông Courtenay đối xử với các cô tử tế chứ?"
"Đối với chúng tôi, ông Courtenay thật là một thiên thần", Donna trả lời. "Ông ta thật hào phóng".
"Đúng vậy. Maxwell mà đã ra tay thì cũng không phải tồi đâu. À, mà đầu óc tôi để đâu thế này? Chúng ta hãy uống chút gì nhé. Các cô dùng gì nào?" Tôi trả lời trước khi Donna kịp mở miệng: "Ông Brangwyn, ông thật tử tế. Nhưng chúng tôi không uống gì đâu.
Ông ta có vẻ ngạc nhiên: "Không thật ư?"
"Tuyệt đối không", tôi nói mà thực sự không hiểu tại sao tôi lại có thể nói năng bình tĩnh và chắc chắn như một hội viên của: "Hội những người cai rượu" ấy.
Ông Brangwyn bảo: " một cốc cô-nhắc thì có hại gì? Để tôi gọi bồi bàn..."
Tôi đáp: "Thưa ông, đó là quy định. Chúng tôi không được phép uống rượu ở chỗ đông người".
Donna xen vào: "Chúng tôi không được phép uống vụng uống trộm".
Ông Brangwyn thực sự công phẫn: "Thế là thế nào? Chúng ta đang sống ở nước Mỹ đấy chứ? Trên chuyến máy bay tới đây cô cũng gặp chuyện như thế này phải không cô Thompson? Này, nếu đây là cung cách của hãng Magna đối xử với các cô gái, thì tôi sẽ không đi máy bay của hãng họ nữa. Thiếu gì hãng khác. Lạy Chúa, các cô đã qua tuổi 18 rồi chứ?"
"Vâng", tôi đáp.
"Nếu vậy uống cốc rượu thì đã làm sao?"
Chúng tôi tiếp tục tranh luận về vấn đề nóng bỏng ấy, loanh quan luẩn quẩn một hồi, và tất nhiên chẳng đi đến đâu. Tuy nhiên đã rõ ra một điều lý thú: một Donna đẹp mê hồn, một Alma đầy khêu gợi, còn tôi không sao sánh kịp với họ. Thế mà ông Brangwyn vẫn trung thành với tình thân mật mà chúng tôi đã có trên chuyến bay. Tôi cảm nhận được điều đó bằng cái ngoại cảm kỳ lạ, những điều vô hình truyền qua giữa con người với con người. Ông ta đưa mắt nhìn tôi với vẻ bối rối, ông ta nhìn đi nơi khác cũng với vẻ bối rối. Và tôi hiểu mình đã chiếm một chỗ rõ ràng trong tâm trí ông ta. Ý nghĩ ấy làm tôi ngây ngất. Cái khó của ông ta là làm sao bày tỏ được lòng mình khi còn có các cô gái khác ngồi cùng bàn. Vì vậy, cuối cùng ông ta nói: "Thôi vậy, nếu các cô không được phép uống thì thôi vậy. Cô Thompson này...."
"Gì ạ, thưa ông?"
Ông ta không dám nhìn thẳng vào mắt tôi. "Cô có thấy cái sàn nhảy ngoài kia không? Coi cũng được lắm".
"Tôi cũng vừa mới khen nó xong".
Ông ta hắng giọng: "Tôi muốn mời cô nhảy, được chứ?"
Lạy Chúa tôi! Chuyện mới rắc rối làm sao? Tôi cố nhớ từ đièu một đến điều 1000 trong nội quy xem có điều nào nói đến chuyện nhảy dưới ánh đèn lồng Trung Quốc, đến việc tù nhân được phép ra sàn nhảy hay không.
"Ra đi chứ, Carol", Donna cười thành tiếng. Cô ta biết vì sao tôi còn ngần ngại. "Dàn nhạc chơi mê quá".
Đúng vậy. Những điệu nhạc Nam Mỹ thật êm dịu và tôi đã nghe chúng trong suốt bữa ăn tối. Mỗi khi nghe tiếng nhạc Nam Mỹ trầm lắng, dịu dàng, máu trong người tôi lại trào lên vị ngọt.
Tôi nói: "Tôi rất thích nhảy, ông Brangwyn ạ. Nhưng chỉ một vòng thôi nhé. Quả thực chúng tôi còn phải về phòng".
Ông Brangwyn đi trước. Khi chúng tôi sắp ra sàn nhảy, tôi nhìn thấy ông Garrison đang ngồi bên bàn cùng với cái ông đeo kính gọng sừng, người đã không nói gì trong cuộc họp mặt của chúng tôi lúc 7h 30. Cả hai người nhìn tôi bằng ánh mắt lạnh băng.
Tôi chỉ muốn độn thổ ngay tại đấy. Tôi cảm thấy mình có tội mặc dù không rõ là tội gì.
Tôi mỉm cười với ông Garrison, một nụ cười dễ thương và đầy tình thân ái mà bất cứ cô gái nào gặp cảnh ngộ này cũng phải cười như thế với người đàn ông.
Ông ta nhìn đáp lại như thể tôi là một bức họa gớm ghiếc khắc trên đá ở đảo Phục Sinh vậy. Tôi biết tôi đã bị tống vào nồi hầm. Tôi đã làm tất cả theo đúng nội quy, thế mà bây giờ lại ngã sấp mặt xuống bùn như thường lệ. Một sự bất công đáng nguyền rủa. Tôi chỉ còn đủ sức lê gót theo ông Brangwyn, và điệu nhạc rumba trầm lắng, ngọt ngào nghe như tiếng kèn đám ma.
Tôi nói với ông Brangwyn: "Xin lỗi, mong ông bỏ quá cho. Tôi không cảm thấy thích nhảy nữa".
"Thôi cũng được". Ông ta thật tử tế hết mức khi nói vậy .
"Tôi muốn ta đi dạo một vòng, rồi nếu ông không cảm phiền, chúng ta trở lại bàn .
"Vâng, tất nhiên là thế".
Ông ta thậm chí không tìm cách cầm tay tôi. Chúng tôi thong thả đi dưới hàng cọ sáng ánh đèn, trong mùi thơm hoa nhài thoảng bay theo gió, tiếng sóng thầm thì của đại dương hôn lên bờ cát, và muôn ngàn vì sao lấp lánh trên đầu. Ông Brangwyn nói: "Tôi nói đúng không? Ở đây đẹp đấy chứ?"
"Vâng, rất đẹp".
"Tôi xin nói với cô là Florida còn nhiều thứ khác đẹp hơn".
"Thật ư?"
"Ồ, thật chứ. Nơi đây đã được văn minh hoá qua mức. Nhưng vẫn còn những nơi hoang dã, như ở vùng đầm lầy Everglades chẳng hạn. Cô có thể gặp hàng đàn lợn rừng, cá sấu hoặc các loài vật khác".
"Tôi có nghe nói về cá sấu".
"Cô cần phải tận dụng những ngày ở đây mà thăm thú những gì mới lạ. Những làng của dân da đỏ, những người lặn tìm bọt biển, những bãi đá ngầm. Ối thứ để xem".
"Chúng tôi chỉ được phép rời thành phố vào dịp cuối tuần"
"Thế thì được rồi. Cô có thể đi vào cuối tuần".
"Muốn thế thì phải có xe hơi chứ"
"À..." ông ta ngẫm nghĩ.
"Ông Brangwyn, thật đáng tiếc, nhưng tôi phải quay về".
"Được, được thôi".
Chúng tôi trở lại phòng Vua Mặt Trời. May sao, ông Garrison và người đàn ông mang kính gọng sừng không còn ở đó. Tôi cùng ông Brangwyn trở lại bàn và nói:
"Nào các cậu, ta phải về thôi".
"Mới có 10h 15", Donna bảo. "Chúng mình ở lại thêm vài phút nữa đã".
"Đứng lên nào", tôi nói.
"Cậu biết ai vừa ở đây ra không?" Alma hỏi. "Ông Garrison và một ông bạn đấy. Mình mỉm cười với ông ta, nhưng mình cho là ông ta không nhìn thấy. Ông ta có vẻ vội lắm".
Tôi để tờ 5 đôla trên bàn cho mấy người hầu bàn, nhặt nhành phong lan và nói với ông Brangwyn: "Rất sung sướng gặp lại ông. Cảm ơn ông đã tặng hoa cho chúng tôi, những nhành hoa thật đáng yêu".
"Tôi lấy làm sung sướng", ông ta đáp, mắt buồn buồn và bối rối.
Chúng tôi ra khỏi phòng. Donna bảo: " Mình muốn tìm gặp ông Courtenay. Ít nhất cũng phải cám ơn ông ấy về bữa ăn tối này chứ".
Tôi bảo: "Donna, ông Garrison đã thấy chúng mình. Ông ta đang điên tiết đấy".
"Hả, cớ gì mà ông ta điên tiết chứ? Chúng mình chẳng làm điều gì sai trái cả".
"Tớ đã thấy vẻ mặt ông ta".
"Điên khùng! Cậu chỉ khéo tưởng tượng"
Tôi nghĩ mình tưởng tượng hơi quá dễ dàng. Đêm đó tôi mơ thấy chiếc máy bay gặp nạn ở sân bay Tokyo. Cảnh tượng mới rõ nét làm sao. Tôi đã sống những phút giây đầy khiếp đảm.