Tôi tìm thấy Jurgy đang ngồi cạnh bể bơi, trong bộ đồ tắm và chiếc mũ cói giống chiếc bình rượu pha là thứ nó thường mặc khi ra biển. Tôi bảo: "Donna và tớ có xe đi siêu thị. Cậu muốn đi cùng chứ?"
"Tất nhiên"
"Hay lắm, thay quần áo ngay, tớ sẽ chờ ở hành lang cửa chính"
Nó phóng vụt đi như tên lửa, còn tôi cũng vòng về khách sạn và ngồi xuống chiếc ghế tựa bọc da - ngực ưỡn ra, hai đầu gối khép lại - theo dõi thang máy. Có một cái gì đó rất quái dị trong cái kiểu ngồi này: đám đàn ông lẽ ra phải nhìn tôi chăm chú từ đầu đến chân, thì họ chỉ liếc một cái rồi quay đi, cứ như tôi là một bà xơ hoặc một bà đỡ đẻ, hay có thể là nhân viên Cục tình báo trung ương đóng giả con gái để bắt họ không bằng. Chắc chắn cô Webley biết con gái nên ngồi thế nào để không bị đàn ông để ý.
Đúng 3 phút sau Jurgy xuống trong bộ quần áo vẫn mặc đến lớp. Sau đó chúng tôi phóng xe ra siêu thị, mua hầu như tất cả những gì chúng tôi thấy, từ xà phòng cho đến bơ lạc, đút đầy ba túi giấy to tướng với số tiền là 23 đôla và 37 xu. Không thể nào khác được vì toàn là những thứ rất cần cả. Việc nội trợ là phải như thế. Số tiền phải trả làm chúng tôi giật mình.
Chúng tôi cho xe chạy chậm trên đường về, tận hưởng những giây phút ngồi trong chiếc Impala đẹp như trong mơ, ánh nắng chan hoà, những cây cọ mọc trên vỉa hè, những ánh mắt người qua đường nhìn chúng tôi chăm chú vì hình như họ thấy ba chúng tôi cũng hay hay. Rồi bỗng nhiên Donna hét lên: Này các cậu, hiệu mỹ phẩm kia mới đẹp chứ". Nó đạp mạnh phanh,làm suýt nữa chiếc xe sau húc vào xe chúng tôi, thế mà nó vẫn thản nhiên như không.
Chúng tôi ngồi ngắm và thấy nó cũng sang chẳng kém gì những cửa hàng mỹ phẩm mà tôi đã thấy ở các nơi khác.
Donna bảo: "Tớ sẽ hỏi xem họ có làm đầu cho tớ bây giờ không"
Tôi nói: "Donna, chúng mình phải về khách sạn
"Nhưng Tinh hoa của phụ nữ Hoa Kỳ ơi, cậu biết cô Webley bảo gì rồi chứ? Tối nay tớ phải cắt tóc".
Tôi nhắc lại: "Chúng mình phải về khách sạn"
"Thôi được, cho tớ xuống đây. Hai cậu lái xe về trước đi, tớ sẽ nhảy tắc-xi về sau .
Tôi nói: "Tớ không muốn lái xe này".
"Nhưng sao lại không?"
"Cậu thừa biết tại sao"
"Thế cũng được. Các cậu đi tắc-xi, tớ trả tiền xe cho. Làm đầu xong tớ sẽ lái xe chở đồ về".
Tôi rất bực: " Được rồi, chúng mình cứ theo cách ấy. Nhưng cám ơn, chúng mình cũng trả nổi tiền tắc-xi.
Jurgy và tôi leo ra khỏi xe, và tôi chợt nghĩ ra nên bảo: "Chúng tớ mang hai túi đồ về trước để ít ra cũng có thể bắt đầu nấu bữa tối .
"Tuỳ các cậu .
Chúng tôi thuê xe về khách sạn, và Jurgy không hề hỏi tại sao lại có chuyện vừa rồi. Thế cũng hay. Nó biết khi nào cần im lặng.
Gần 10h30 Donna về. Nó không nói đã đi những đâu và cũng không ai hỏi. Nó đã làm lại đầu và sửa móng tay, trông có vẻ thoả mãn lắm, giống như con mèo vừa chén kem xong; mà kem trong trường hợp này của Donna là rượu gin. Nó không say, nhưng người toàn mùi rượu.
Chúng tôi thức đến 1h30 sáng nghiên cứu bài về máy bay Martin 404, các thuật ngữ và định nghĩa, các chữ viết tắt. Và đến 5h45, Donna nhẹ nhàng đánh thức tôi dậy và bảo: "Này, có xuống bể bơi nhúng ướt người một tý trước khi ăn sáng không?"
Tôi nhìn nó. Vẫn như mọi sáng, nó vẫn trần truồng như thuở mới ra đời, xinh đẹp, thân ái và đầy vẻ ranh ma.
Tôi trả lời: "Cũng được"
*
Sáng hôm ấy, trên đường tới lớp, một không khí im lặng kỳ lạ bao trùm trong xe. Ít chuyện trò và nếu có nói, cũng rất nhỏ. Đây mới là buổi sáng thứ ba nên tôi cứ thắc mắc về việc đó - mới qua có 2 ngày, tất cả chúng tôi đã thay đổi. Ngay cả Donna cũng vậy mặc dù nó tìm mọi cách cưỡng lại. Có thể do chúng tôi đều mệt mỏi vì bài vở mà cũng có thể do thần kinh căng thẳng, không biết cô Webley còn bày đặt những việc quái quỷ gì nữa trong buổi sớm trời ban phước lành này. Song tôi nghĩ, cơ bản là chúng tôi chịu sức ép rất nặng và chúng tôi hiểu điều đó. Chúng tôi cũng biết sức ép đó ngày càng dữ dội hơn, mãnh liệt hơn. Và tôi cho rằng mỗi chúng tôi đều đang tự hỏi mình sẽ chịu đựng được đến mức nào. Sức ép ấy còn dữ dội đến đâu, khi nào sẽ không chịu nổi nữa và lúc ấy việc gì sẽ xảy ra?
Vào lớp, cô Webley nhìn qua từng người, bình phẩm đầu tóc của chúng tôi với những lời lẽ nhẹ nhàng. Tôi thở phào nhẹ nhõm khi cô không nhắc đến tôi. Jurgy đã tỉa cho tôi rất gọn. Tôi sẽ chẳng giành được vương miện trong các cuộc thi hoa hậu với bộ tóc ấy, nhưng ít ra nó cũng hợp với khuôn mặt tôi. Còn tôi thì đánh vật với bộ tóc Jurgy và mặc dù trầm tĩnh là thế, nó vẫn phải kêu oai oái. Nhưng cũng chẳng quan tâm, miễn phù hợp với quy định là được. Donna bị cô Webley nhắc nhẹ: tóc vẫn quá dài và quá rậm, khó đội vừa chiếc mũ chiêu đãi viên. Cô bảo: "Các cô nhớ là chỉ một chiếc mũ nhỏ đơn sơ,không lược, không lưới trùm, không cặp tóc gì hết". Bạn hầu như có thể nghe tiếng cánh xào xạc của nữ tính bay mất ra ngoài cửa sổ. Cô Webley nhìn Alma, cười thật dễ thương nhưng không nói gì về mái tóc quăn đen rất lẳng của nó. Có lẽ ông "Chánh cẩm" vẫn chưa cho ý kiến gì về trường hợp ngoại lệ này.
Vào đầu giờ học, chúng tôi nghiên cứu các quy định của chiêu đãi viên. Hãng hàng không quốc tế Mangna đòi hỏi phải có kỷ luật, và còn hơn thế nữa. Giả dụ đến phiên bạn, không thể hiểu theo cách nào khác hơn là: đến phiên bạn đi làm, nếu bạn không đến nhận phiên bay thì kể như đi đứt. Có một tình huống gọi là "cho nghỉ bay không tự nguyện", trong đó cơ trưởng treo giò bạn vì uống rượu, hoặc vì không tuân lệnh, hoặc vì lời xử sự không bình thường nào đó. Tôi hiểu được điều ấy, cả Donna cũng đồng ý, nhưng có bảo lưu: "Ồ, đương nhiên là phải thế. Tưởng tượng xem một cô chiêu đãi viên mắt lờ đờ mang nước cà chua đến cho cậu khi máy bay đang qua cơn bão thì hiểu ngay. Nhưng dù sao nó cũng sặc mùi quân đội".
Sau giờ nghỉ, đến bài kiểm tra đáng sợ ấy. Và một lần nữa tôi nhận thấy mình đang cùng học với một đám thiên tài. Vô khối người đạt điểm 100/100. Ngay cả ông hiệu trưởng MIT (Viện Đại học kỹ thuật tiếng tăm ở Mỹ thành lập năm 1861) chắc cũng sẽ có ấn tượng sâu sắc. Không phải tất cả các cô gái này đã đủ tài giật giải Nobel, nhưng trí tuệ và sắc đẹp mấy khi đã đi cùng với nhau? Thompson số đen cũng vẫn được 90, Donna làm tôi kinh ngạc với số điểm 95, chứng tỏ cô ta vốn dĩ thông minh, vì tôi cứ tưởng thế nào nó cũng xơi điểm không to tướng sau cái việc ngốc nghếch đêm qua. Còn Alma, cầu Chúa phù hộ cho cô ta, vẫn cứ ngang điểm với tôi.
Để trọn buổi sáng, chúng tôi nghiên cứu tất cả các công việc một chiêu đãi viên phải làm trên chuyến bay của loại máy bay Martin 404: trước khi hành khách lên máy bay; trong khi họ lên máy bay; trong khi bay; và khi hạ cánh. Cũng không quá 70 công việc và xem ra cũng chẳng phức tạp hơn việc đếm từ cao xuống thấp trước khi tên lửa ba tầng được phóng từ Mũi Canaveral. Một cô gái, chỉ có một thân một mình mà phải làm ngần ấy việc ư? Tuy nhiên cô Webley hình như nghĩ rằng một đứa trẻ bình thường ba tuổi cũng có thể làm được không khó khăn gì. Rồi mọi người bỗng lại căng thẳng vì sẽ lại có kiểm tra: "Sau giờ nghỉ giữa chừng ngày mai, các cô nhé", cô Webley nói, vẫn ngọt ngào và nhẹ nhàng như trước. Buổi chiều, chúng tôi học cách sử dụng khoang nhà bếp. Trên chiếc Martin, một thiết bị ngồ ngộ trông giống cái bồn rửa bát bằng thép không gỉ khổng lồ, chỉ khác là nó có đủ mọi thứ cần dùng như ở nhà. Nó hết sức phức tạp, với một bảng điện to tướng đầy công tắc và đèn báo, một chiếc tủ sáu ngăn chỗ này và hàng chục cái cửa chỗ kia, đến nỗi tôi phát hoảng. Ngay cả Donna cũng có vẻ choáng. Làm thế quái nào học được cách sử dụng con quái vật này chỉ trong có 4 tuần? "Hết sức đơn giản, các cô ạ", cô Webley nói, sau đó còn thêm, chắc để chúng tôi đỡ lo: "Thế này đã ăn thua gì, nếu so với các khoang nhà bếp trên các máy bay lớn hơn, thật đấy".
Phần thời gian còn lại, cô tiếp tục nói về các biện pháp an toàn trên máy bay. Mọi người cười ồ lên khi cô bảo: "Này, các cô cẩn thận đừng có bước vào động cơ cánh quạt đấy", nhưng đến khi cô có một số nhận xét về chủ đề này thì không còn ai cười nữa. Rồi cả lớp lặng như tờ khi cô nói về động cơ trên máy bay phản lực, sau đó lại nói về ôxy. Tôi bao giờ cũng kính phục ôxy vì nó là thứ thiết yếu của sự sống, song ôxy cũng có cái nguy hiểm của nó. Chẳng hạn nếu bạn đang phải thở khí ôxy, bạn không được phép cùng một lúc hút thuốc. Ngay cả chỉ ngồi gần một hành khách đang phải dùng đến ôxy, bạn cũng không được hút.
"Bởi vì ôxy là chất dễ cháy, các cô biết điều đó chứ?", cô Webley hỏi.
"Vâng", chúng tôi đáp.
Ngừng một lát, rồi cô nói: "Các cô ạ, tôi nghĩ các cô là một nhóm tuyệt vời. Tôi nghĩ tất cả các cô sẽ vượt qua được nếu các cô thực sự muốn. Học thật tích cực, cũng đáng như vậy". Cô quay mặt và nói: "Hôm nay ta dừng ở đây. Chúc các cô một đêm tốt lành".
"Chúc cô ngủ ngon, cô Webley. Chúc cô ngủ ngon với nhiều giấc mơ đẹp".
*
Vừa bước vào phòng 1 412 Donna hỏi ngay: " Bơi chứ?"
"Đi"
"Được rồi, nhưng phải nhanh lên"
"Donna, đừng có giục tớ. Tớ bã hết cả người ra đây. Phải để tớ có thời gian thay đồ tắm đã chứ"
"Này cậu, 5h15 tớ phải về gặp tay bác sĩ tâm thần đấy".
Tôi quên khuấy đi mất. Sau bữa trưa, cô Webley đọc danh sách những người đến gặp bác sĩ Duer, giải thích rằng ông muốn nói chuyện với họ càng sớm càng tốt, nghĩa là có thể vào các buổi tối tuần này tại phòng riêng của ông. Cả Alma và Donna sẽ gặp ông sau buổi học, và tôi hơi buồn vì không thấy tên mình. Tôi đã gặp ông rồi, tất nhiên, nhưng dẫu sao cũng chưa đủ. Tôi muốn nữa, nhiều hơn nữa. Từ sau cái nhìn như có điện giữa hai chúng tôi bữa ấy, tôi không thấy bóng dáng ông đâu. Tôi chợt ghen tức khi nghĩ rằng điều tương tự có thể xảy ra với các cô gái mà ông sắp gặp. Cái kiểu chữa trị bằng điện ấy là không mất tiền. Nhưng không, không thể được, không thể nghĩ như thế được. Ông đã cau mày, ông buồn bực, rối trí, cứ như thể để xảy ra chuyện ấy là ông đã vi phạm lời thề của một tín đồ Freud hoặc những gì các bác sĩ tâm thần đã thề khi nhận bằng tốt nghiệp và bước vào đời thực thi Nghệ thuật thần bí của họ. Hiểu theo một nghĩa nào đó - theo cách suy nghĩ hoàn toàn đàn bà - đây là phần thú vị nhất của toàn bộ sự việc. Nét mặt cau có, cái chia tay vội vã. Tai sao? Tôi đã gây ra điều gì trong tâm thần ông ta? Tôi lờ mờ cảm thấy được điều ông đã gây ra trong tôi, nhưng còn tôi đã làm ông rối lòng đến mức độ nào?
Alma nằm dài trên giường, mắt nhìn trần nhà. Tôi hỏi: "Cậu xuống tắm cùng bọn mình không?"
"Tớ nghỉ"
"Mệt à?"
"Mệt là thế nào? Tớ không bao giờ mệt. Tớ cần nghỉ ngơi trước khi đến gặp bác sĩ Duer".
Mắt tôi bỗng tối sầm vì ghen tức. Cô gái mắt vàng màu mật ông, mông to, ngực nở, đầy vẻ khêu gợi nhục dục này ở một mình trong phòng với bác sĩ Duer, trong khi không khí thơm nức của vùng Florida tràn qua cửa sổ, trong tiếng ghita Hawaii réo rắt từ dưới vườn vẳng tới. Không! Tôi không thể để như thế được. Nhưng rồi tôi tĩnh trí lại. Ông ta đâu có ngây thơ đến thế. Ông ta thần kinh vững, đúng là người của hãng Magna. Ông ta sẽ không dễ gì bị lung lạc trước ngực với mông đâu.
"Đi nào" ,Donna gọi. "Cậu làm sao thế Carol, trông cậu cứ như đứa mất hồn".
Thế là loáng một cái, tôi cởi bỏ quần áo và mặc đồ tắm, choàng áo ngoài, đi dép và lại như lần trước, đúng lúc chúng tôi chuẩn bị đi thì chuông điện thoại réo vang.
Tôi bảo: "Thấy chưa, y như lần trước. Lần này cậu trả lời máy đi Donna"
Nó vồ lấy máy, nói Alô rất to "Ồ, bà gọi từ văn phòng ông Courtenay phải không? Đúng à? À tôi là Steward. Bà làm ơn nói lại với ông Courtenay là cô Thompson và tôi đang trên đường xuống bể bơi và xin ông quá bộ tới đó gặp chúng tôi được không? Được ư? Ôi, ông ấy tử tế quá. Cám ơn bà nhiều".
Cô ta dập máy và bảo: "Courtenay. Ông ta muốn mời cậu tới văn phòng"
"Ôi lạy Chúa. Chuyện gì thế không biết?"
Biết đâu được. Lần này có thể là chiếc tàu ngầm cho cậu"
"Ừ, mà tớ biết ai sẽ dùng đến nó"
Xung quanh bể bơi có rất nhiều cô gái xinh đẹp. Jurgy và gần hết lớp cậu ta ở đó, vài cô đang bơi, còn những cô khác chăm chú đọc cuốn sổ tay, rõ ràng cố thuộc 70 công việc phải làm trên chiếc Martin, hoặc có lẽ cố hình dung những công tắc trên bảng điện trong khoang nhà bếp dùng vào việc gì. Khoảng hơn chục gã có máu dê lảng vảng chung quanh, già có, trẻ có, trung niên cũng có - tất cả đều thèm khát những cơ thể trắng ngần ngồn ngộn ấy, nhưng đều bị cản trở bởi các vấn đề kiến thức mà những cơ thể kia đang phải bận tâm. Thật là lý thú khi một trong đám đàn ông ấy cố hết sức bình sinh, đến gần một cô gái, khua môi múa mép điều gì đó và nhận được câu trả lời lạnh tanh hoặc cộc lốc: "Không, cám ơn". Những cô gái này thật sự nghiêm túc. Tôi hiểu được chính xác điều họ nghĩ".
Tôi cùng Donna lòng vòng quanh bể bơi khoảng 5 phút, rồi ngả người trên chiếc ghế dựa dài trong ánh nắng chiều vàng. Người chúng tôi đã bắt đầu mang dấu ấn của Florida, như thể chúng tôi đã qua lò nướng của hãng Crisco, và tôi chỉ tiếc một điều là khi cởi bỏ hết quần áo, tôi trông giống như một loại hươu cao cổ mới lạ, gớm ghiếc. Song Donna nghe nói trên nóc khách sạn có một nhà tắm nắng và ở đó được phép cởi bỏ hết. Chúng tôi quyết định trong tuần tới sẽ lên đó.
Nỗi thanh thản cuối chiều đã bị người phục vụ khách sạn phá vỡ. Từ xa phải đến một dặm, anh ta đã gọi oang oang, và khi đến gần hơn, tiếng nghe cứ như lệnh vỡ.Vừa thấy anh ta, tôi túm ngay, và anh chàng nhìn tôi lấc láo từ đầu đến chân, miệng cười nham nhở: "Ông Courtenay gửi cho cô", rồi đưa tôi chiếc phong bì".
Tôi bóc ra thì lại thấy nét chữ mực đỏ viết trên giấy có tiêu đề của khách sạn. Lá thư không phải của ông Courtenay, mà chuyển qua ông.
Cô Thompson thân mến, Maxwell nói với tôi là cô không nhận chiếc xe. Tiếc quá. Ồ, thôi được, nếu đó là cách cô suy nghĩ. Song tiền thuê xe đã trả, gửi trả lại làm gì? Có thể các cô khác cần dùng đến nó, và nếu vậy xin cứ tự nhiên. Nếu cô muốn tới thăm các làng da đỏ, thợ lặn hái bọt biển.... cô bắt buộc phải có xe"
Thân ái
N.BTôi trở lại bể bơi, cảm thấy khó nghĩ vô cùng. Donna hỏi: "Chuyện không hay gì thế?"
Tôi đưa nó lá thư.
Donna đọc đi đọc lại rồi bảo: "Cái tay Brangwyn này thật tử tế".
Tôi nói: "Tớ phải làm gì bây giờ? Ông Garrison đã nghiêm khắc cảnh cáo tớ không được dính dáng với ông ta".
"Vậy cậu cứ để nó nằm khàn ở gara ư?"
"Nếu tớ không được phép giao thiệp với người nào thì tớ không thể nhận quà của ông ấy được.
Donna bảo: "Nếu vậy..." đến đó nó ngừng lại, cười phô hai lúm đồng tiền.
"Nếu vậy thì sao?"
"Nếu vậy thỉnh thoảng tớ dùng nó cậu không phản đối chứ? Tớ muốn nói, Brangwyn viết trong thư, các cô khác muốn dùng xin cứ tự nhiên mà"
"Cậu muốn làm gì tuỳ cậu"
"Thôi thôi, đừng ra vẻ cao đạo nữa; Tớ nghĩ nên hỏi cậu: về chưa?"
"Chưa, tớ nghĩ tớ sẽ ở lại đây thêm chút nữa".
Donna nhìn tôi với vẻ khoái chí rồi lảng đi. Tôi nhập bọn với Jurgy và đám bạn cùng lớp nó, ngồi nghe những chuyện đàn bà con gái của họ.
Lát sau Jurgy bảo tôi: "Cậu biết mấy giờ rồi không? 7h kém 15. Cậu nghĩ chúng mình nên về phòng chuẩn bị bữa tối chứ?"
"Chà, muộn thế rồi cơ à? Hèn gì tớ đói chết đi được"
Thực ra tôi đâu có đói, chỉ cảm thấy khổ sở như người sắp ốm.
Chúng tôi về phòng, và vừa bước chân vào Donna đã nhảy khỏi giường, trỏ tay vào mặt tôi quát tướng lên: "Carol Thompson, cái đồ... Tớ phải móc mắt cậu ra mới được"
Tôi nhìn cô ta, ngơ ngác: "Tớ đã làm gì chứ?"
Nó ôm bụng cười ngặt nghẽo, đến nỗi không nói được nữa.
"Chuyện gì thế, Donna"
"Ôi lạy Chúa", nó vừa rên rỉ vừa lau nước mắt. "Ồ Carol, tớ phải cho cậu một chưởng"
"Cậu nói cái quái gì thế?"
"Chuyện ông bác sĩ tâm thần ấy"
"Bác sĩ Duer ư? Ông ta làm sao?". Tim tôi đập thình thịch, dồn dập như trống làng.
"Cậu không nhớ à, đồ chó cái dối trá. Giờ nghỉ hôm qua cậu bảo tớ là phải cởi hết quần áo, mặc đồ bệnh viện, nằm trên giường bọc da và kể cho ông ta nghe toàn bộ đời tình của cậu..."
Jurgy cười rú lên, còn tôi cũng không nén được, cười khúc khichs.
Donna tiếp: "Carol, mẹ kiếp, tớ tin những gì cậu nói. Tớ xuống đó lúc 5h 15, chắc mẩm thế nào cũng có chuyện ly kỳ rùng rợn"
"Rồi sao?"
"Đồ chết tiệt nhà cậu! Ông ta ngồi ở ghế bành, tớ cũng ngồi ở một ghế khác, hút thuốc, và nói chuyện trượt tuyết. Chỉ có vậy".
"Ông ta không hỏi gì về tính cách dâm đãng của cậu sao?"
"Không, chỉ nói chuyện trượt tuyết, về nhà trọ, về việc bố tớ làm cách nào tay trắng mà tạo dựng nên nó 30 năm về trước".
Tôi bảo: "Em ơi, đó là nụ hôn của tử thần đấy. Ngay khi cậu kể về bố cậu với một bác sĩ tâm thần thì ông ta đã nắm được thóp của cậu rồi".
Nó đỏ mặt: "Đừng đùa, Carol"
"Hỏi Jurgy xem"
Mặt Jurgy trắng bợt: "Mình không biết". Và tự nhiên tôi bỗng nhận ra cả ba chúng tôi đều ít nhiều có chuyện không hay về các cụ thân sinh. Song chuyện đó không quan trọng. Ai chẳng có bố, và trong chừng mực nào đó chẳng chịu ảnh hưởng của bố mình, nên tôi không hiểu tại sao họ cứ quan tâm nhiều về chuyện ấy. Có hay không có mặc cảm về người cha là chuyện hết sức tự nhiên trên đời này.
Tôi hỏi: "Alma đâu?Nó tới gặp bác sĩ Duer rồi à?"
Donna lại cười như nắc nẻ.
Tôi bảo: "Donna, tối nay cậu làm sao thế? Cứ như con điên ấy".
Nó hổn hển nói: "Carol , tớ thề là suýt nữa tớ cho người xuống điệu cậu về phòng. Tớ cười muốn chết luôn"
"Tại sao? Chuyện gì vậy?"
"À, lúc tớ từ phòng bác sĩ Duer về, Alma hỏi tớ ở đó phải làm gì, hệt như tớ đã hỏi cậu hôm qua. Và cậu biết không, tớ giở đúng bài của cậu. Tớ bảo sẽ phải bỏ hết quần áo, mặc áo choàng trắng gớm ghiếc của bệnh viện, vừa rộng lại vừa hở hông hốc,và nằm xuống giường..."
Tôi hỏi yếu ớt: "Cậu bảo Alma thế thật à?"
"Thật. Và Alma cũng tưởng thế thật, cứ hét toáng lên: không bao giờ tớ chịu mặc cái thứ quần áo bệnh viện ấy; sau đó chạy vào nhà tắm, khoá trái cửa lại và ở trong đó một tiếng liền. Lúc cậu ta bước ra, trông cậu ta thật là ngon mắt, người sực nức mùi nước hoa..." Donna lại cười ngặt nghẽo.
Tôi túm Donna, lắc lấy lắc để và bảo: "Tiếp đi, kể tiếp đi nào".
"Cậu sẽ không tin, Carol ạ. Alma mặc chiếc váy ngủ lụa đen khêu gợi nhất mà mình chưa từng thấy trong đời.Nói thật, nó đủ sức làm nổ con ngươi mắt cậu. Ngực phồng lên như hai quả bóng, đến chỗ eo lại bó cứng vào..."
"Cậu nói là Alma đến phòng bác sĩ Duer mà ăn mặc như vậy à?"
"Đúng như thế. Có khoác thêm chiếc áo thêu mỏng để khỏi bị bắt giữ trên đường xuống đó"
"Ôi lạy Chúa", tôi thốt lên, rồi ngồi xuống giường"
Donna kể tiếp: "Tớ hỏi sao lại mặc như thế, nó vênh mặt lên bảo, nếu phải mặc váy ngủ bệnh viên khi gặp bác sĩ, thì cần phải mặc loại váy ngủ đứng đắn. Trông rất là dâm đãng, Carol ạ".
Tôi lấy tay che mặt như để khỏi phải thấy cảnh đó. Đúng lúc ấy Alma chạy ào vào.
Cái áo khoác thêu ren của nó quả là đẹp, song đó chỉ là thứ tối thiểu mà cô gái cần khoác vội lên người kèm những tiếng hét thất thanh khi một gã đàn ông lạ bước vào phòng không gõ cửa. Bên dưới cái thứ loè loẹt rẻ tiền ấy là chiếc áo ngủ màu đen mỏng dính buộc bằng dây. Tôi đã thấy trong các tạp chí in hình những cô gái ăn mặc như vậy, nhưng tôi không thể hình dung lại có thực trong đời.
Alma đến cạnh Donna, cáu kỉnh bảo: "Cậu lừa tớ".
Donna không hề nao núng hỏi lại: "Tớ lừa cậu?"
"Cậu bảo có giường bọc da, tớ sẽ phải nằm xuống đó. Nhưng làm gì có giường, chỉ có ghế"
"Lạ thật", Donna tỉnh bơ. "Tớ dám thề là có giường mà. Bác sĩ Duer thích chiếc áo ngủ của cậu chứ, Alma?"
"Ông ta rất đàng hoàng"
"Thật ư?"
"Đương nhiên. Ông ta là người rất đàng hoàng".
"Đừng làm chúng tớ hồi hộp nào! "Donna hét to. "Ông ta nói gì với cậu?"
"Hừ, cậu muốn biết à?"
"Tất nhiên rồi. Khi cậu mặc bộ cánh này bước vào thì thế nào?"
Alma nhún vai: "Tớ bước vào, thế thôi. Tớ bỏ áo khoác ngoài đặt xuống ghế. Tớ bảo: bác sĩ Duer, ông muốn tôi mặc áo khoác bệnh viện, nhưng cái thứ đồ bông rẻ tiền ấy làm da tôi ngứa ngáy, vì thế tôi xin phép được mặc chiếc áo cũ này của tôi. Và ông ta trả lời: được quá đi chứ, cô ngồi xuống, hút thuốc đi. Tớ ngồi xuống. Ông ta bảo: có lẽ cô nên khoác áo vào kẻo bị cảm lạnh. Tớ cười phá lên và bảo: "bác sĩ , ông thật vui tính. Đây là Florida cơ mà, khí hậu ấm áp đấy chứ. Ông ta bảo: à đúng thật, xin lỗi cô".
Tôi không kìm được, hỏi ngay: "Ông ta nói với cậu những gì?"
"Carol, cậu là cô gái thông mình, cậu phải biết đấy là chuyện riêng giữa tớ và ông ấy. Đang kiểm tra giữa chừng thì xảy ra một chuyện rất hay..."
"Kiểm tra người cậu...! " tôi buột miệng kêu lên.
"Nói chuyện. Tâm lý học. Ông ta kiểm tra xem đầu óc tớ thế nào"
"À"
"Đang dở chừng, cậu có biết ai vào không? Ông Garrison! Ông ta nhìn, mặt đỏ như gấc và bước ra ngay. Ha ha ha, vui thật!"
Tôi bảo: "Cười hô hố thế là phải. Lạy Chúa, chắc rồi bác sĩ Duer cũng phải liệu chừng".
"Carol, kiểm tra phụ nữ là nghề của bác sĩ Duer. Đó là một việc thiêng liêng. Ông ta chỉ cười và bảo: Garrisson phải học để lần sau vào cần gõ cửa đã. Rồi đúng như bậc chính nhân quân tử, ông ta xin lỗi vì việc gián đoạn và chúng mình trở lại việc còn đang làm dở".
"Ồ, cậu nói về tay bác sĩ Duer như vậy là chính xác đấy", Donna bảo. "Chắc hẳn ông ta có cái mà người Pháp gọi là savoir faire (biết cách sống, khéo léo)
Tôi giận dữ đến mụ cả người: "Donna, cậu biết cậu đã làm gì không? Tớ nói cho cậu biết nhé. Cậu vừa làm thịt con ngỗng của gã con hoang tội nghiệp ấy, thế đấy"
Im lặng như tờ. Donna nhìn, tôi, Alma nhìn tôi. Jurgy và Annette cũng chăm chú nhìn tôi. Rồi Donna hỏi: "Cậu bảo sao? Tớ làm thịt con ngỗng của gã con hoang tội nghiệp nào?"
"Của Duer"
"Tớ làm thịt ngỗng của Duer?"
"Đúng. Mà còn hơn thế nữa".
"Thôi được rồi. Nói xem tớ còn quá thể ở chỗ nào"
"Lừa Alma xuống đó trong bộ cánh thế này, gần như loã lồ. Và ông Garrison gặp cậu ta ở đó. Đấy, cậu làm thịt con ngỗng của ông ta bằng cách ấy đấy".
"Hô, hô, Carol", Alma cười to
Tôi gắt: "Này cậu, đi mà đậy hai cái vú chết tiệt của cậu lại"
"Kìa Carol", Alma bảo. "Lạ chưa! Cậu phải lòng ông bác sĩ Duer này rồi".
"Cậu thì có", tôi trả lời, bỏ vào bếp và bắt đầu chuẩn bị bánh mỳ kẹp thịt cho bữa tối.
Tôi nhai chừng nửa miếng bánh mỳ kẹp thịt mà cảm thấy như chết nghẹn. Mấy cô bạn đều tỏ ra giữ ý, trừ Alma cứ khúc khích cười khoái trá, nghe giống như ống thoát nước bị tắc. Họ tránh không nói đến chuyện bác sĩ, nhà tâm thần học yêu đương hay tình dục (với Donna cũng là lạ) để khỏi chạm đến nỗi buồn bực của tôi. Rõ ràng một chuyện điên rồ đã đến với tôi - nói theo lối hình ảnh, nhìn mặt tôi lúc nào cũng thấy mặt mặt bác sĩ Duer và ngay cả tôi cũng ngạc nhiên về điều đó. Lạy Chúa lòng lành. Tôi mới chỉ thấy ông ta một lần, mà tại sao đầu óc tôi cứ vương vấn về ông ta thế này? Quát tháo Donna, rồi quát nạt Alma. Tình yêu chăng? Đó không phải là tình yêu. Đó hoàn toàn là sự điên rồ đến mức lạc cả giọng khi gọi ông ta là gã con hoang tội nghiệp. Thật đúng là: "lạy ông tôi ở bụi này". Bất cứ cô gái nào cũng biết ngay, khi một cô bạn của họ bỗng dưng gọi một người đàn ông là đồ con hoang tội nghiệp bằng cái giọng đầy thương yêu và chứa chan nước mắt.
Ăn xong, chúng tôi cắm đầu vào học, nghiên cứu các bộ phận của chiếc Martin 404 cùng các thứ khác. Đến khoảng 9h30, Donna vươn vai, ngáp dài và nói: "Tớ ra ngoài đây, cần hít thở không khí trong lành một chút". Chẳng cần có bộ óc như máy tính điện tử IBM tôi cũng biết cô ta sẽ xuống gara lấy xe Chevrolet rồi tới một quán rượu nào đó làm vài cốc Martini.
10 phút sau tôi học không thể vào được nữa, lòng nặng trĩu ưu tư. Tôi gập sách lại và bảo: mình xuống nhà bơi một lát""
"Cậu muốn mình đi cùng không?"
"Không, cám ơn". Tôi định tới cầu nhảy để gạt bớt nỗi buồn đang đè nặng trong tôi, và nếu tôi có vỡ toác đầu dưới đáy bể bơi, tôi cũng không muốn cô ta lặn xuống cứu.
Dưới ánh đèn sáng, bể bơi trông giống như cõi bồng lai tiên cảnh. Tiếng nhạc từ xa vẳng tới, không khí dịu ngọt đến nỗi tôi chỉ muốn ăn vài miếng. Đây đó nhiều người đang ngồi uống rượu, cười đùa vui vẻ; mấy cặp còn lại ôm nhau tình tứ trên mặt nước màu xanh nhạt. Một cô gái định làm trò nhào lộn từ cầu nhảy vào ban đêm. Trên bể bơi rực sáng ánh đèn, trong khi nhiều người theo dõi động tác của cô ta, tất nhiên chỉ có thể được coi là đứa thích phô trương, song tôi cóc cần. Tôi muốn làm mình mệt mỏi, muốn thoát bớt cái sức lực đang làm thần kinh tôi căng thẳng, thế là tôi lao người xuống. Đến khi tôi trồi lên mặt nước trong lần nhảy đầu, tôi đã thấy bác sĩ Duer đang ở cạnh bể bơi nhìn tôi. Ông ta mặc quần tắm, mồm ngậm tẩu.
Tôi chăm chú nhìn ông, và ông cũng nhìn tôi, miệng thoáng nét cười: "Tôi nhập bọn với cô được không?" ông hỏi.
"Xin mời ông"
Nghe tôi nói thế, ông ta lao ùm xuống nước, rồi trồi lên ngay cạnh tôi, mồm vẫn ngậm tẩu.
Tôi lấy tay chỉ cái tẩu, rồi cười phá lên như một con điên đến nỗi uống mất mấy ngụm nước, ho sặc sụa rồi bắt đầu chìm nghỉm. Trong mấy giây trời cho ấy, ông ta quàng tay đỡ tôi, mồm vẫn ngậm tẩu, trong khi tôi thở dốc từng hồi.
"Bây giờ khá hơn chứ?"
"Vâng", tôi trả lời. Đáng ra thì tôi còn khá hơn nếu người coi bể bơi không quát:"Này ông kia, không được hút thuốc trong bể bơi". Tôi lại bật cười và lại sặc. Nó không chỉ buồn cười, nó hầu như giết chết tôi và Ray Duer phải dìu tôi vào bờ.
Khi cả hai lấy lại được thăng bằng, chúng tôi đến ngồi bên một chiếc bàn. Ông buồn rầu nhìn cái tẩu và bảo: "thôi, thế là xong". Rất may tôi có mang theo bao thuốc, hộp diêm, son môi và mấy đôla lẻ gói trong chiếc khăn nhỏ bằng lụa. Khi tôi mời ông hút thuốc, ông bảo: "Tuyệt vời, cám ơn cô. Tôi gọi rượu cho cô được chứ?"
"Thưa ông, chúng tôi không được phép uống rượu"
"Ừ nhỉ", ông ta nói. Đầu óc tôi rũ rượi. "Lạy Chúa, may mà tối nay đầu óc tôi vẫn còn tỉnh táo". Sau đó ông ta bảo: "Đừng gọi tôi là ông nữa".
Tôi đáp: "Tôi quen mồm rồi. Từ bé tôi đã được dạy là phải lịch sự"
"Tôi không thích chuyện thưa bẩm lắm, thế thôi, nhất là khi ở ngoài trường". Ông nhìn đi chỗ khác, hỏi tôi: "Cô uống cà phê đá, được chứ?"
"Được ạ, tôi thích lắm"
Ông ta gọi thức uống và khi người bồi bàn đi rồi, tôi nói: "Bác sĩ Duer, tôi muốn xin lỗi về cái cách Alma đến văn phòng ông lúc tối"
Ông có vẻ ngạc nhiên một lát, rồi cười to: "Cô bày ra chuyện dó phải không?"
"Tất cả là lỗi tại tôi", tôi trả lời rồi giải thích tại sao lại như vậy.
"Thôi cho qua đi. Tôi đã từng gặp nhiều chuyện tệ hại hơn". Ông ta có vẻ thích thú lắm.
"Nhưng thưa bác sĩ Duer, theo chỗ tôi hiểu, ông Garrison đã vào phòng khi Alma đang còn ở đó với ông?"
"Thực tình cô không cần lo về chuyện ấy"
"Tôi sợ nó có thể thành chuyện rắc rối"
Ông ta nhìn tôi tò mò:" Tại sao lại thành chuyện rắc rối?"
"Dạ... Ông Garrison thấy một cô ăn mặc hở hang đang ở phòng ông trong khách sạn"
"Ông Garrison cũng hiểu đó là rủi ro nghề nghiệp"
"Thế ạ?". Lần này đến lượt tôi ngạc nhiên. Mà thực ra là sửng sốt. Ông ta mới trầm tĩnh và vô tình chứ. Con gái hở hang trong bộ váy ngủ mà ông cũng chỉ coi nhu là rủi ro của nghề nghiệp. Lạy Chúa!
Ông ta lại cười và bảo: "Có lần chúng tôi có một cô bị chứng: "mộng du hướng nguyệt", tức là vừa đi vừa ngủ do tác động của mặt trăng theo một cách nào đó chưa giải thích được. Ở trường hợp cô gái này, cứ kỳ trăng tròn là cô ta bị rối loạn tâm thần". Cặp mắt xám của ông đầy vẻ ranh mãnh. "Một lần cô ta đến phòng tôi vào lúc ba giờ sáng, không cả mặc váy ngủ nữa"
Đó là loại đàn ông mà Thompson chọn cho mình, loại người cứ đến kỳ trăng tròn lại bị đàn bà săn đuổi. "Lạy Chúa", tôi thốt lên. "Vợ ông có nói gì không?"
Mắt ông ta vẫn đầy vẻ láu lỉnh:" Vợ tôi không nói gì. Tôi chưa có gia đình".
Đàn bà thường xấu tính vậy đó, hết sức xấu tính, nhưng họ không thể làm khác được. Có một số điều họ cần phải biết chắc trước khi bắt đầu một mối quan hệ, cho dù việc biết trước những chuyện đó có khi cũng chẳng ảnh hưởng gì đến diễn tiến của các sự kiện tiếp theo. Tôi dám đánh cuộc là Eva cũng hỏi đúng câu đó trong cuộc nói chuyện lần đầu với Adam, chỉ đơn giản là vì bà phải biết, và nếu ông trả lời: "À, thực tình có một phụ nữ nhỏ nhắn đang sống trong bụi cây ở cuối vườn địa đàng kia kìa", tôi vẫn không tin là nó có ảnh hưởng tý nào đến các sự kiện tiếp theo. Ông là người đàn ông duy nhất trên thế gian, một ông Ray Duer của 5000 năm trước Công nguyên, và bà phải giữ chặt ông trong khi người đàn bà nhỏ nhắn kia đang dòm ngó. Bà không có cách nào khác. Tôi không định nói là tôi cũng đã hành động như vậy đối với bà Ray Duer, nếu quả là có bà ấy thật. Tôi chỉ thấy lòng đầy biết ơn thượng đế chí tôn đã tránh cho tôi một điều phức tạp ghê gớm.