Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Dài >> Năm cô gái trường bay

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 14030 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Năm cô gái trường bay
Bernard Glemer

Chương 11

Sáng hôm sau, cô Webley mắng chúng tôi tới tấp. Chúng tôi vừa đưa được chân vào những cái cùm ở trong lớp, thì cô đứng lừ lừ nhìn chúng tôi, chúm môi và bảo: "Ái chà! Cuối tuần vừa rồi mấy cô chơi bời cũng khá đấy chứ. Elizabeth, sáng nay cô có là áo trước khi mặc không?"
Elizabeth, cô gái tóc nâu duyên dáng của bang Nevada, trả lời: "Ồ, thưa cô Webley, em nghĩ áo này không cần phải là"
"Không bao giờ được mặc áo chưa là đến lớp, cô hiểu chứ?"
"Vâng, thưa cô Webley"
"Joan, tóc cô làm sao thế?"
"À, thưa cô Webley, hôm qua em bơi ngoài biển..."
"Không đội mũ bơi?"
"Dạ, em quên đội"
"Lisa, cuối tuần rồi cô có ngủ không?"
"Thưa cô Webley, có chứ ạ"
"Ngủ mấy tiếng?"
"Em không thể nói chính xác..."
"Trông cô như không mở mắt nổi nữa"
Và v...v..., và v...v... Cuối cùng, sau khi đã xạc khoảng hơn chục người, cô quay ra chỉnh cả lớp. Cô đứng thẳng người, tay chắp sau lưng và nói: "Các cô! Trước khi học tiếp, chúng tôi cần hiểu rõ thế này. Miami là nơi nghỉ tuyệt vời. Người ta có thể nghỉ ngơi xả láng: ngày tắm nắng, tối vui chơi nhảy múa. Song rất tiếc, các cô đến đây không phải để nghỉ. Các cô đến đây để học. Tất nhiên không ai phải đối các cô xả hơi đôi chút vào cuối tuần. Các cô cần nghỉ ngơi, giải trí, nhưng chúng tôi không cho phép lạm dụng điều đó. Đấy! Cứ nhìn các cô xem. Đến gần nửa lớp không mở nổi mắt. Các cô sẽ không qua được hết khoá nếu thứ hai nào cũng như thế này, phải hết cả ngày các cô mới lại sức sau những trò du hý cuối tuần. Các cô! Tôi hy vọng trong tương lai, các cô đến lớp ngày thứ hai không phải trong tình trạng kiệt sức, mà là khoẻ khoắn hơn. Các cô rõ cả chứ?"
"Thưa cô, rõ"
"Nào, các cô ngồi thẳng lên, cố mà tỉnh táo"
Chúng tôi cố gắng, rồi lao ngay vào bài học. Tuần trước chúng tôi học về nhiệm vụ của cô ong chúa trên máy bay Martin 404 chỉ có một chiêu đãi viên.
Tôi đoán ý của họ là cho chúng tôi bức tranh tổng thể về nhiệm vụ của chiêu đãi viên nói chung. Bây giờ chúng tôi nghiên cứu loại máy bay có hai, hoặc ba chiêu đãi viên, như loại Constellation chẳng hạn. Học xong phần này, chúng tôi sẽ chuyển sang loại phản lực cánh quạt có bốn chiêu đãi viên. Rất đơn giản. Chúng tôi chỉ cần tiêu hoá và thuộc độ một ngàn trang trong cuốn sổ nhỏ màu đen. Nhưng đấy mới là loại máy bay cánh quạt. Rồi nếu còn sống sót, chúng tôi sẽ nghiên cứu loại máy bay phản lực trong cuốn sổ tay hoàn toàn mới, có trọng lượng và kích thước tương đương cuốn đang học. Chương trình học phải nói là nặng.
Ngày trôi qua nhanh đến mức không ngờ. Toàn những điều phức tạp, mới mẻ đến nỗi không còn thời gian mà buồn chán nữa. Bộ óc của tôi, một vũng lầy tù đọng chất xám bị buộc phải làm việc, và đến cuối buổi, đầu tôi đau buốt. Tôi đoán chắc cũng giống như chứng đau vai mà bạn có thể bị vì vận động quá sức trong quần vợt, hoặc chứng khô khớp trong bơi lội. Khô não, đấy, tôi bị cái bệnh như thế.
Ba chúng tôi trở về phòng 1412, người mệt rã rời. Donna và tôi cho rằng xuống tắm một lát có thể đỡ mệt, nhưng tôi chưa kịp thay quần áo đã nghe tiếng Jurgy gọi từ buồng bên cạnh: "Này, Carol"
Nó ngồi trên giường, mặt nhợt nhạt. Tôi hỏi Chuyện gì thế?"
"Annette đi rồi. Tớ đoán là về nhà. Đồ đạc của nó không còn ở đây. Quần áo, túi gói không thấy đâu"
"Nhưng tại sao? Có chuyện gì vậy?"
Jurgy đáp: "Sáng nay nó bị gọi ra ngoài, sau không thấy quay lại. Tớ đoán là lên gặp ông Garrison hoặc bà Montgomery"
"Thôi chết! Có nghĩa là nó bị đuổi học ư?"
Jurgy buồn bã gật đầu.
Mới nghe có vẻ không ổn, nhưng xem chừng lại có lý. Annette là đứa hiền lành, dễ thương, song có đôi lần tôi tự hỏi liệu nó có đủ sức chịu đựng một cuộc sống gò bó sắp tới không? Annette quá dịu dàng, quá mềm yếu.
Jurgy bảo: "Còn có ba đứa nữa cũng bị gọi ra ngoài"
Tôi sực nhớ ra: "Lạy Chúa, lớp tớ cũng có ba. Không thấy họ quay lại, chẳng biết thế nào".
"Đi hỏi thử xem", Jurgy giục.
Chúng tôi đi hết các phòng thì được biết có bảy cô tất cả. Bảy cô bỏ về, hoặc bị đuổi về. Không ai để lại chữ nào. Tôi có thể hiểu được tại sao - giá tôi ở trường hợp ấy cũng sẽ làm như thế. Rồi tôi chợt nhớ thêm: sáng qua trong Salon de Fragonard, Ray Duer bảo tôi ông ta tới gặp ông Garrison. Chắc khi đó họ quyết định gạch tên những cô này. Đúng hay không chưa biết, nhưng rõ ràng đây là bằng chứng sống cho thấy ông G, bác sĩ D, bà Montgomery, cô Webley, cô Pierce - đại diện cho Hãng hàng không quốc tế Magna - đã nói là làm, và các cô gà mái trong chuồng tầng 14 bắt đầu hoảng.
Chúng tôi ngồi thầm thì bàn tán, được một lúc Jurgy đứng dậy. Mặt nó tái xanh, trông rất sợ, nên tôi theo về buồng và hỏi: "Jurgy, cậu không làm sao chứ?"
"Tất nhiên. Carol, đóng cửa lại"
Tôi đóng cửa. Và khoá vào nữa. Jurgy muốn vậy.
"Chiều nay lúc về, tớ thấy cái này gửi cho tớ", nó nói và lôi dưới gối ra một chiếc hộp trang trí rất vui mắt. "Cậu xem khắc biết"
Tôi cầm chiếc hộp và mở ra. Bên trong là một chiếc hộp nhỏ bọc nhung xanh, tôi mở tiếp và thốt lên: "Ôi, lạy Chúa". Trong hộp là một chiếc lắc bằng vàng, trang trí theo kiểu hiện đại mà tôi luôn ngưỡng mộ và thèm khát.
"Thế nào?" Jurgy lạnh lùng hỏi.
"Ở đâu ra thế? Ai gửi cho cậu?"
"Luke. Bằng vàng, đúng không?"
"Lạy Chúa, tớ không biết". Tôi nhấc chiếc lắc khỏi hộp. "Nó nặng đến một tấn. Lạy Chúa, Jurgy, chắc phải là vàng"
"Chúng mình sẽ biết ngay thôi", nó bảo. "Cậu thấy chữ in trong hộp chứ?"
Trên nền lụa trắng có hàng chữ: "Hiệu kim hoàn khách sạn Charleroi, Miami, Florida". Tôi bảo: "Đó là hiệu kim hoàn sang trọng ở gian chính dưới nhà. Lạy Chúa, ở đó còn đắt hơn ở hiệu Tiffany".
Jurgy ngồi ngay đơ, mặt càng xanh xám hơn.
Tôi bảo: "Jurgy, cậu định giải quyết sao đây? Cứ giữ hay là thế nào? Lạy Chúa, cái lắc phải đến một ngàn đôla"
"Hôm nay ông ấy đáp máy bay về Kansas, vì thế tớ không trả lại được. Tối thứ Sáu ông ấy trở lại". Nó quay lại nhìn tôi và hỏi: "Cậu nghĩ tớ có nên trả lại không?"
Nó định bắt tôi phải nói rõ ý kiến của mình. Tôi bảo: "Tự cậu quyết định. Cậu sẽ gặp ông ta cuối tuần này chứ?"
"Ừ"
"Lại đi xem giống Brahman à?"
"Không. Ông ấy muốn mình đi chơi thuyền suốt cả cuối tuần. Rồi nó nhăn nhó bảo: "Cậu đừng lo. Trên thuyền có nhiều người khác nữa". Cô ta bắt đầu lắc lư: "Tớ chẳng biết làm thế quái nào nữa, đã bao giờ gặp chuyện thế này đâu. Phải làm gì bây giờ, Carol?"
"Về cái lắc này à?"
"Về cái lắc, về chuyến đi cuối tuần. Tất cả"
"Tuỳ cậu quyết định"
Nó nhìn tôi, vẻ cáu kỉnh: "Ông ấy đã già, 56 tuổi. Con gái không nên nhận đồ tặng của ông già chứ gì?"
Tôi không trả lời.
Nó lại bảo: "Chỉ có điều là...", rồi dừng, mắt nhìn tận đâu đâu. Lát sau nó thở dài với vẻ đau khổ: "Có lẽ tớ phải suy nghĩ thêm về chuyện này, Carol ạ. Thôi, cám ơn cậu. Đừng nói gì với mấy đứa kia nhé".
"Tất nhiên", tôi trả lời và đi ra.
Tối hôm đó Donna quên cả cái lệ đi uống rượu vào lúc 9h. Trong mấy đứa, nó là người run nhất trước sự tàn nhẫn thầm lặng của Hãng Magna. Tôi đã nhầm khi đánh giá nó. Tôi nghĩ nó là người thích vui, bất cần đời, không quan tâm đến bất cứ việc gì, v...v... Song không phải như vậy. Một tối, chúng tôi dứt ra khỏi những trang sách về thiết bị dùng cho trường hợp khẩn cấp trên máy bay loại Constellation, xuống bể bơi tắm vội trước khi cửa chuồng đóng lại vào lúc 10h30, và chúng tôi đã nói với nhau về chuyện ấy. Tôi nói xa xôi về việc nó bắt đầu hết lòng vì hãng Magna và nó nói một thôi một hồi với giọng rất nghiêm trang: "Này, đối với cậu thì không sao. Cậu đã đi đó đi đây, đã qua nhiều việc khác nhau. Nếu Garrison mà nện cậu, cậu có thể tìm được một công việc khác mà cậu thích. Với tớ thì lại khác. Tất cả những gì tớ đã làm là ở cái nhà trọ ấy. Tớ không biết đánh máy, chẳng biết cóc gì về những việc đơn giản ở văn phòng; tớ sẽ chết nếu phải đứng đằng sau quầy bán hàng. Đơn giản là tớ không biết nên làm cái quái gì nữa. Tớ nghĩ có khi phải bán mình nữa chưa biết chừng"
"Donna, cậu vẫn có thể quay về cái nhà trọ ấy cơ mà"
Nó gạt phăng ngay: "Về khi ông già tớ đã lấy con chó cái Marion ấy ư? Ồ, không có chuyện đó. Những năm trước, cha con tớ sống rất vui vẻ, còn bây giờ mụ ta là chủ mới của gia đình, tớ sẽ sống như người thừa trong nhà. Không đâu, cô bạn ạ". Nó ngồi với vẻ tư lự: "Và cũng không thể xin mãi tiền ông già được. Tớ muốn nói tất nhiên ông cũng sẽ cho thôi, ông là người hào phóng nhất trên đời. Nhưng tớ cũng hiểu ông còn phải chi những khoản rất lớn cho việc lắp đặt hệ thống cáp lên núi cho khách trượt tuyết hoặc đại để như vậy. Vậy thì miễn, từ nay tớ sẽ phải tự kiếm lấy mà sống".
"Đừng lo, cậu sẽ qua khoá này nhẹ nhàng như không"
"Tớ lo chứ, cậu có bảo tớ đừng lo cũng chẳng ích gì. Còn điều này nữa, Carol. Cậu đã đi khắp thế giới, còn tớ chưa hề được đi đâu. Lạy Chúa, đây là cơ hội lớn của tớ. Tớ muốn nói tớ sẵn sàng xoay trần ra mà học nếu đó là cách duy nhất giúp tớ được thấy London, Paris và Rôma. Hãy tưởng tượng xem! Cuối tuần ở Paris! Với tớ, đó là thiên đường"
Tôi bảo: "Lại nói chuyện cuối tuần, cậu có định đến thăm những người mà cậu gọi là bà con ở Palm Beach nữa không?"
Nó cười ngặt nghẽo và hổn hển trả lời: "Không, tớ nghĩ nên nghiền cuốn sổ tay chết tiệt này thì hơn".
Donna đã thay đổi, thay đổi rất nhiều. Tôi còn nhớ nó đã công phẫn như thế nào sau cái vụ tôi gặp ông Garrison ngay sáng đầu tiên. Lúc đó nó bảo: "Họ không thể đối xử với tớ như cô bé Annie mồ côi ấy được". Bây giờ nó đành phải chịu.
Còn Alma thì lại xây tổ trong cuốn sổ nhỏ màu đen và đố ai lôi nó ra được. Đó lại là điều đáng ngạc nhiên nữa. Trông nó hừng hực dục tình, đến độ ta chỉ có thể nghĩ rằng lúc nào nó cũng muốn trưng ra những chỗ lồi lõm của mình trước đám người trầm trồ thán phục. Không đâu. Nó vùi đầu vào học hoạ hoằn lắm mới ra khỏi phòng. Về nó, tôi cũng lập luận như sau: xuất thân trong một gia đình Ý nghèo khổ, và mặc dù có biết bao chuyện tình lãng mạn với rặt những kẻ đẹp trai và đàng hoàng nó vẫn muốn tự mình tạo dựng cuộc sống của mình. Làm chiêu đãi viên trên các tuyến bay quốc tế là bước rất quan trọng. Nó sẽ có dịp gặp các nhà ngoại giao, luật sư, thợ săn các trò chơi lớn, bọn trộm cắp vàng bạc, nghĩa là đủ các hạng người lý thú, trong khi nếu ở nhà, cùng lắm nó cũng chỉ có thể là cô tình nhân bị bỏ rơi của tay chủ hiệu bán xe hơi. Trong tình hình này, chẳng cần phải nói lại những gì N.B đã báo trước về Sonny Kee.

*
Chiều thứ Năm, chúng tôi được hướng dẫn kỹ về cách ăn mặc, điều mà cô Webley đã hứa từ đầu khoá học.
Sau bữa trưa, chúng tôi thay đồ, mặc quần và áo sơ-mi rồi trở về lớp nghe bài giảng ngắn về cách đi đứng. Cách ngồi ghế thế nào, chúng tôi đã học. Song tôi ngạc nhiên khi thấy phải học cả cách đứng dậy khỏi ghế. Đâu phải cứ khom người đứng vụt dậy mà được. Ồ, không đâu. Bạn phải từ từ đứng dậy một cách duyên dáng, nhẹ nhàng. Và chỉ được cử động từ bụng trở xuống thôi đấy. Rồi chuyện bắt tay thế nào, đừng có túm tay người ta mà lắc lấy lắc để. Bạn phải "đưa" tay ra và "nhận" bàn tay của người kia, v...v...và v...v...
Sau đó cô Webley phát cho mỗi người một chiếc gương để trên bàn, và chúng tôi dùng kem lạnh tẩy sạch lớp son phấn cũ trên mặt. Chỉ riêng việc này cũng đã là điều đáng sợ - các cô gái mấy phút trước còn đẹp như tiên nữ giáng trần, bỗng trông như những người bị bệnh thương hàn. Vài người không có mắt, mấy người khác không có mồm, và dăm ba người nữa hình như không có cả mặt. Lạy Chúa, chúng tôi không có phấn son đáng giá mười xu thì trông chẳng khác gì một lũ con gái nặc nô.
"Nào, các cô", cô Webley nói. "Vấn đề là thế này. Bay trên cao, da mặt sẽ bị khô. Vả lại các cô làm việc cả ngày trên máy bay, không phải phơi mặt ra nắng, do đó da dễ bị nhợt nhạt và đây chính là cách để lấp nó đi".
Cô hình như không hề khó chịu trước vẻ gớm ghiếc của chúng tôi. Cô cứ tiếp tục nói bằng giọng ngọt ngào vốn có, giải thích rằng chúng tôi luôn luôn phải bôi kem lạnh thật kỹ để khỏi có nếp nhăn, và muốn tẩy sạch lớp kem đó phải dùng giấy mềm lau thật kỹ. Rồi ngay sau khi lau sạch, chúng tôi phải dùng chất làm se da mặt; sau đó, cô bảo, phải thoa loại chất làm mềm và loại này dứt khoát phải ở dạng lỏng.
Chỗ này cười ngặt nghẽo, chỗ kia kêu ca, chỗ nọ rên rỉ. Tôi cũng hoảng, vì xưa nay chưa dùng loại bôi nền này bao giờ - thực tế tôi cũng không hay dùng phấn nền, mà chỉ bôi qua một chút rồi đánh son. Nhưng cô Webley đã phát bông và các lọ nước bôi nền, chẳng hề bận tâm tới đám học sinh đang kêu ca phàn nàn, và giảng giải cách bôi cái thứ nhờn nhờn này thế nào. "Chỉ cần chấm nhẹ một cái lên trán, đầu mũi, hai má và cằm", cô bảo vậy. Và Thompson, bao giờ cũng ngoan ngoãn vâng lời, liền bôi đúng như được hướng dẫn, xoa rất kỹ theo vòng tròn, để dần dần chẳng thấy gì nữa vì thuốc dây vào mắt.

Có lẽ tôi dùng quá liều cần thiết đến cả ngàn lần, vì khi mở được mắt, thấy hình mình trong gương, tôi bủn rủn chân tay. Thompson! Thompson đâu rồi? Đây đâu phải là Thompson, mà là thủ lĩnh Wa-wa-wa-wa, niềm tự hào của bộ lạc Zulu, nỗi kinh hoàng của vùng thảo nguyên xứ Nam Phi, và tôi không thích ông ta. Tôi liền hét lên gọi Donna.
"Ôi, lạy Chúa", nó thốt lên. "Ngoảnh mặt lại đây", rồi lấy tay lau cái chất tôi bôi trên mặt (tôi cảm thấy như chiếc máy đánh bóng nền nhà lướt qua da mặt), rồi bắt tôi làm lại từ đầu. Cả lớp kêu chí choé, vì có đến nửa lớp chưa dùng loại này bao giờ và họ sợ chết khiếp khi bỗng thấy mình trở thành đám người Phi khát máu đang trên đường xung trận.
Rồi sau khi lau khô mặt, chúng tôi phải thoa phấn hồng. Cô Webley bảo: "Đừng bao giờ dùng son thay phấn hồng thoa mặt. Phấn hồng! Và hãy thoa sát lên tận mắt".
Chúng tôi làm theo.
"Donna", tôi hét toáng lên.
"Nào, nào. Đừng dùng đến cả một ký lô phấn như vậy. Ôi lạy Chúa, nào ngoảnh mặt lại đây đi".
Lần này tôi hầu như rớt nước mắt, thế mà cô Webley không mảy may mủi lòng. Chúng tôi thoa tiếp phấn. Chúng tôi dùng chì tô lông mày, kẻ lông mi, đánh màu mi mắt trên. Cô Webley lại dặn dò: "Không bao giờ đánh màu mi dưới". Sau đó tập bôi son. "Các cô", cô Webley bảo. "Bí quyết là ở chỗ làm sao môi trên trông đầy đặn hơn môi dưới, lý do là môi dưới bao giờ cũng dầy hơn môi trên, nên phải làm thế cho cân đối. Và hãy dùng chổi son là tốt nhất".
Khi làm xong, tôi cứ ngồi ngắm mãi mình trong gương. Tôi không còn giống người lính chiến Zulu nữa, mà giống như vừa từ một nhà chứa Thượng Hải ra.Dù sao cũng là sự thay đổi.
Một sinh vật nào đó lại gần tôi và hét lên: "Carol, trông cậu đẹp thật!"
"Hả", tôi hỏi lại.
"Mắt cậu trông linh lợi hẳn lên"
"Người là ai?"
"Mình là Shirley, ở sát ngay phòng cậu trong khách sạn. Cậu không nhận ra mình à?"
Tôi trả lời: "Ôi, đến bà cụ cậu cũng chẳng nhận ra cậu nữa là"
Cô ta cười rũ ra.
Tôi quay sang cô bạn ngồi cạnh vốn là Donna.
"Có phải cậu không? Donna ấy?"
"Tớ đây", nó trả lời. Trông nó đẹp hết sảy.
Ngồi cạnh tôi ở phía bên này, Alma cặm cụi không nói một lời. Tôi có thể hiểu được tại sao. Nó chỉ tẩy sạch lớp son phấn cũ rồi dùng lại đúng loại ấy. Trông nó chẳng khác đi một chút nào.
Cô Webley đi các bàn, khuyên người này, bình phẩm với người kia. Cô bảo Donna: "Ôi, đẹp thật đấy. Hành khách sẽ hết sức hài lòng khi thấy cô ".
"Cám ơn cô Webley", Donna nói, mặt đỏ dừ, nhưng là đỏ dừ dưới cái lớp nhầy nhầy dầy như mặt nạ.
Cô Webley nói với tôi: "Này Carol, cô có cặp môi đáng hôn nhất trên đời".
"Em ấy ạ?", tôi hỏi lại, suýt nữa ngất xỉu.
Cô nhìn Alma một lúc, bối rối vì không thấy nó khác trước tý nào. Cô không bình luận gì, mà chỉ nói: "À Alma này, tôi đã nói với ông giám đốc về chuyện tóc của cô. Rất tiếc, ông ấy bảo cô phải theo đúng quy định, tóc cắt cao trên cổ áo như các cô khác. Tôi rất lấy làm tiếc"
"Em hiểu, thưa cô Webley"
"Tối nay cô cắt tóc được chứ?"
"Cô Webley, khi học xong, em sẽ bay các tuyến quốc tế, đúng không?"
"À đúng vậy, tôi cho là thế".
"A, thế thì em sẽ đến hiệu làm đầu của Giuseppe ở Rôma và ông ấy sẽ cắt cho em. Thế được chứ?"
"Alma..."
"Vâng. Giuseppe hiểu được tóc em mọc thế nào. Thợ làm đầu người Mỹ không hiểu điều đó. Tóc của người Ý khác lắm. Được chứ, thưa cô?"
"Tôi không biết, Alma ạ. Tôi sẽ lại phải xin ý kiến của ông Garrison".
"Cô cứ hỏi ông ấy. Ông ấy rất nhạy cảm, chắc là được."
Cô Webley trở lại bàn. "Nào xin các cô chú ý nghe tôi nói".
Chúng tôi ngồi thẳng người, ngực ưỡn, gối khép lại, v...v...
"Nào, các cô trông đều thật đáng yêu. Tôi không thể nghĩ tôi được phụ trách một lớp toàn những cô đẹp mê hồn như thế này. Từ nay trở đi, hàng ngày các cô chỉ dùng một loại son phấn này thôi".
"Ôi, ngày nào đến lớp cũng phải thế này ư? Nhưng phải mất hàng tiếng, chúng em sẽ phải dậy từ bốn giờ sáng mới xong được. Ôi, thưa cô Webley, hàng ngày sao được!"
Chúng tôi kêu chỉ hoài hơi. "Nào, các cô", cô Webley bảo. "Bây giờ chúng ta nói về chế độ ăn uống".
Vậy là chúng tôi chuyển sang nghiên cứu về chế độ ăn uống.

*

Trên xe trở về khách sạn, mặt tôi cứ kêu cót két. Đó là loại âm thanh kỳ lạ nhất trên đời - mặt bạn cót két như đôi giày mới. Tôi bảo Donna: "Mình không bao giờ ra khỏi khách sạn nếu không đeo chàng mạng"
"Lạy Chúa, sao thế?"
"Chả lẽ cậu nghĩ mình muốn mọi người thấy mặt mình thế này sao? Mình sẽ phải kiếm tấm chàng mạng đen, khoét hai lỗ để nhìn và sẽ đeo suốt ngày đêm".
"Nói thực là trông cậu rất kháu, Carol ạ"
"Vậy ư? Thế mà tớ lại nghĩ bất cứ lúc nào họ cũng có thể đánh một chữ A màu đỏ (dùng đánh dấu lên người phụ nữ phạm tội ngoại tình thời xưa) lên người tớ cơ đấy."
Jurgy đang ở trong phòng, mặt mày vô cùng rạng rỡ. Tôi thốt lên: "Ôi, tuyệt chưa. Hôm nay cậu có chuyện gì thế?"
"Bọn tớ cũng học về cách ăn mặc mà"
"Chà, rất hợp với cậu đấy Jurgy ạ. Tuyệt, tuyệt vời"
"Cậu cũng thế"
"Đâu có", tôi đáp. Mặt tôi vẫn đang kêu cót két. "Tớ sẽ không bao giờ quen được kiểu này mất"
Nó bảo: "Carol, lúc nào cậu rảnh, mình nói chuyện với cậu được không?"
"Được chứ, có chuyện gì nào, tớ đang được tự do như làn gió đây"
Chúng tôi vào buồng trong, rồi Jurgy lại ôm gối trên giường như vẫn thường ngồi. Và cũng lại như mọi khi, hàng tiếng đồng hồ mới rặn ra được một từ. Mắt nó nhìn mãi ra xa trong khi tôi ngồi chờ đợi. Cuối cùng nó quay lại, nhìn tôi rất lâu với vẻ dò xét và nói: "Carol, cậu biết gì về chuyện câu cá không?"
"Câu cá! Cậu lôi tớ vào đây chỉ để nói chuyện ấy sao? Tớ ghê tởm chuyện ấy. Tớ cho đó là việc dã man nhất mà người ta có thể làm...".
Nó bảo: "Tớ đang nói về chuyến đi chơi thuyền với Luke cuối tuần. Ông ấy muốn đi câu cá ngoài biển"
"Câu cá biển thì lại là chuyện khác. Ôi chao! Cái đó mới thật tuyệt vời".
"Tớ cũng chẳng biết nữa", Jurgy cười thiểu não. "Ở Buffalo chúng tớ chưa bao giờ làm chuyện đó. Tớ còn không biết phải mặc thứ gì nữa"
"Cái đó thì tớ chịu, Jurgy ạ. Gượm nào, để tớ hỏi Donna..."
"Đừng", Jurgy nói sẵng. "Tớ không muốn cậu ta dúng vào chuyện này"
"Đừng lo, tớ sẽ hỏi khéo thôi. Mà ở đây cậu ấy là chuyên gia về câu cá đấy".
Tôi ra ngoài. Donna đang mặc đồ tắm. Tôi bảo: "Này Donna, bảo tớ cái này nhé. Khi đi câu cùng ông già, cậu mặc quần áo gì?"
Nó nhìn tôi chằm chằm: "Thế quái nào cậu lại hỏi chuyện đó chứ?"
"Thì cứ nói đi nào"
"Đi ủng. Bằng cao su, cao đến tận bẹn để khỏi ướt khi cậu lội nước"
"Chà, nghe có vẻ hay đấy chứ. Cậu có mang theo đây không?"
"Cậu điên à, chúng nặng cả tấn. Mà cậu cần ủng làm cái đếch gì thế?"
"À, bọn mình đang trao đổi với nhau thôi. Thế khi đi câu ngoài biển cũng đeo ủng à?"
"Ôi Carol, lạy Chúa, cậu phải tự hình dung ra chứ! Khi câu ngoài biển, cậu đâu có lội, biển sâu lội sao được. Hiểu chưa?"
"Việc gì phải gào lên thế! Thế cậu mặc gì khi cậu câu ngoài biển? Đeo chân vịt à?"
"Này, cậu đâu có lội dưới nước. Cậu ngồi trên thuyền mà câu. Cậu mặc thứ gì gọn là được - quần và áo chui cổ chẳng hạn. Tại sao cậu hỏi kỹ thế?"
"Tớ đã bảo là chúng tớ đang tranh luận nhau mà lại"
Tôi trở lại nói cho Jurgy biết.
Nó bảo: "Ngày mai sau khi lĩnh học bổng, tớ phải đến cửa hàng Burdine. Cậu đi cùng tớ nhé".
Ngày mai thứ sáu, là ngày phát tiền. Tôi bảo: "Tiền học bổng cậu lĩnh không đủ mua đâu. Cậu không có quần áo nào mặc được sao?"
"Chẳng có cái nào ra hồn. Trên thuyền Luke còn có nhiều bạn bè"
"Khỏi lo đi. Tớ có khối thứ mặc được"
"Tớ không thể cứ mượn cậu mãi"
"Thôi, im đi Jurgy, cậu làm tớ phát ốm lên. Suốt ngày lúc nào cũng hằm hè, như sắp đánh ai, cự nự, cãi vã. Cậu phải hiểu chúng mình còn sống với nhau chứ".
Thế là nó im, và khi Donna vừa ra khỏi phòng, chúng tôi liền lục lọi đống quần áo của tôi trong tủ. Và đã có được đôi giày thật duyên dáng, có kẻ sọc hình răng cưa trông vui mắt, chiếc quần túi chéo màu xanh biếc rất hợp khi đi biển, hai áo sơ-mi khá đẹp và một chiếc khăn lụa màu tươi gần như làm riêng để đón những ngọn gió ngoài khơi xa. Khá lắm, Lord và Taylor! Mi đã nghĩ đến mọi việc để đẩy nhanh con người ta vào những chuyện tình lãng mạn.
Jurgy bảo: "Carol..."
"Hãy mang những thứ này vào phòng cậu, kẻo Alma ra khỏi nhà tắm lại tò mò rách việc"
Chúng tôi mang các thứ vào đặt cả lên giường nó. Rồi chợt nhớ ra còn cần túi xách nữa, tôi về mở tủ mang sang cái túi nhỏ nhất bằng da lợn màu trắng trông rất sang và bảo: "Còn cái này. Nếu cậu cần gì thêm thì cứ bảo tớ, hiểu chưa?"
"Carol..."
"Thôi thôi, dẹp chuyện ấy đi. Rồi khắc có ngày cậu được đền ơn đáp nghĩa tớ".
Tôi không hiểu nó có chuyện gì, cứ như người mất hồn. Nó mở ngăn kéo, quờ quạng lung tung, lôi ra thứ gì đó, quay lại và cố ấn nó vào tay tôi. Đó là chiếc hộp bọc nhung xanh, trong đó có cái lắc vàng rất nặng.
Hai đứa gần như cãi nhau. Tôi hét: "Cậu làm cái trò gì thế?"
"Tớ muốn cậu nhận cái này. Cầm lấy, Carol, cầm lấy đi"
"Cậu điên à?"
"Cầm lấy, nào"
"Đồ ngốc. Cất đi"
"Cầm lấy"
Tôi bảo: "Mary Ruth Jurgens, hãy tỏ ra người lớn một tý chứ"
Nó cắn môi, không nói một lời đặt trả cái hộp bọc nhung xanh vào ngăn kéo. Nó không nhìn tôi, quay mặt nhìn ra cửa sổ. Lát sau tôi ra phòng ngoài đọc cuốn sổ tay.

<< Chương 10 | Chương 12 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 953

Return to top