Tôi chỉ kể riêng cho Donna nghe chuyện đó. Khoảng 10h 30, sau khi làm xong hồ sơ và ký tên dưới một loạt giấy tờ, chúng tôi lại được dẫn qua bao nhiêu là hành lang, như trong ma trận, rồi tới một quầy cà-phê nghỉ khoảng 10 phút. Rất may Alma ngồi ở bàn khác. Cô Webley thân ái kéo cô ta sang tít phía bên kia để ngồi với 2 cô gái người Pháp cùng lớp, vì cô tưởng rằng Alma và hai cô gái Pháp ấy sẽ ngả ngay vào vòng tay của nhau. Vì thế, tôi và Donna được ngồi riêng với nhau mấy phút, ăn bánh rán, uống cà-phê và tôi kể tóm tắt cho Donna về việc bị điệu ra trước toà án giáo hội. Tôi nhấn mạnh màn 1, cảnh 1, khi ông G. đưa tôi vé máy bay trở lại New York. Tôi bảo: "Donna này, không lôi thôi với họ được đâu. Xem ra họ nói là làm đấy. Không chấp hành nội quy là sẽ bị đuổi khỏi trường ".
"Carol, cậu bao nhiêu tuổi?" Donna hỏi.
"22".
"Tớ 23", nó vừa nói, vừa gạt mấy sợi tóc ra sau. "Mình không học tiếp đại học vì phải phụ ông già trông nom khách sạn. Mình đã kể với cậu phải không nhỉ? Mẹ mình mất cách đây 7 năm, mình đóng vai bà chủ cho đến khi cái con chó cái Marion ấy xuất hiện. Kỳ cuối tuần nào may mắn, chúng mình có từ 80 đến 100 khách. Mình phải lo việc phục vụ họ đến nơi đến chốn. Mình phải lo toan đủ mọi chuyện, và bố mình cũng giao phó tất cả mọi công việc cho mình".
"Nghe có vẻ thú vị đấy chứ? "tôi nói.
"Thú vị cái cóc khô gì! Chúng mình là con gái lớn cả, đúng không? Tại sao họ lại đối xử như bọn trẻ con vậy? Mình không thể chịu đựng nổi kiểu này. Nói thật, Carol ạ, họ mà giở trò như với cậu sáng nay thì mình sẽ làm toáng lên ngay. Mình thích công việc này, với mình nó có ý nghĩa rất lớn, nhưng quỷ tha ma bắt mình đi, nếu mình để cho họ đối xử với mình như với cô bé Annie mồ côi. Mình thích rượu chè, thích có bạn trai và không có điều luật nào nói mình không được làm thế. Cậu thử nghĩ xem Carol, lão Garrison nghĩ lão đang quản lý cái gì. Một trường nữ tu kín chắc?"
"Donna, mình đồng ý với cậu", tôi lựa lời nói. "Nhưng thử đặt mình vào địa vị của họ xem. Họ có tất cả 40 đứa mình ở khách sạn Charleroi, nên họ phải có luật lệ kỷ cương nào đó chứ. Cậu hãy hình dung, 40 cô gái cứ làm theo ý của mình thì sẽ ra sao? Nó sẽ trở thành địa ngục, còn hơn cả địa ngục của Dante nữa! Cậu cũng thấy thế chứ? tất cả sẽ loạn cả lên".
Donna ngẫm nghĩ một lát, rồi miễn cưỡng trả lời: "Mình cũng cho là như vậy".
Tôi nói thêm: "Mà cũng chỉ có một tháng thôi".
Nó cười chua chát: "Chẳng hiểu mình có chịu nổi một tháng không nữa!"
Cô Webley xé lẻ chúng tôi để đưa đến những chỗ khác nhau. Thế là cả buổi sáng mất vào việc chờ đến lượt được gọi, đo quần áo, hoặc các việc khác. Buổi sáng hôm ấy trôi qua một cách buồn tẻ, nhưng sau bữa trưa, tôi lên lầu kiểm tra sức khoẻ và thấy thích thú với từng giây phút, vì nữ bác sĩ là người rất dễ thương. Tên chị là Elisabeth Schwartz. Chị còn trẻ, khuôn mặt thanh tú, nhưng tóc bạc hơi sớm, và khi thấy tôi cũng hay chuyện, chị nói cười rất hồ hởi. Chị sờ chỗ này, nắn chỗ nọ, lấy mẫu nước tiểu và mẫu máu của tôi.Chị cân thể trọng, đo huyết áp, kiểm tra mắt, tai, mũi, họng cho tôi. Vừa làm, chị vừa nói chuyện một cách thân mật giữa người lớn với nhau, giải thích tại sao phải làm tất cả những việc đó. Như máu chẳng hạn. Tôi không thể làm việc thường xuyên trên máy bay nếu bị bệnh thiếu máu vì khi lên cao, máu không có đủ dưỡng khí. Trong thực tế, các chiêu đãi viên không được phép hiến máu trước khi bay 14 ngày, và nếu vì những lý do khẩn cấp buộc họ phải cho máu, thì phải báo phòng y tế để kiểm tra màu và lượng hồng huyết cầu trước khi được phép bay lại. Còn cả việc khám các bộ phận kín, nhưng cũng không đến nỗi đáng sợ lắm. Lúc đã khám xong và tôi mặc lại quần áo, bác sĩ nói: "Sức khoẻ rất tốt, Carol ạ. Mạch hơi nhanh một chút nhưng không đáng lo".
Chị thật tốt bụng, nên tôi đánh bạo cười và nói: "Tôi không ngạc nhiên khi mạch hơi nhanh. Đây là ngày đầu tiên tôi ở đây, và vừa mới đến đã xảy ra chuyện rắc rối. Ông Garrison gọi tôi đến văn phòng và quạt cho một trận nên thân. Đến bây giờ tôi vẫn còn run".
Tin đồn đã lan xa, vì chị bác sĩ hỏi tôi: "Thế ra cô là một trong ba cô mặc váy dạ hội xuống ăn tối ở khách sạn Charleroi à?"
"Vâng"
Chị bảo: "Tôi nghe nói ba cô trông lộng lẫy đến nỗi mọi người tròn xoe cả mắt".
Đây là điều tôi mới nghe lần đầu. Tôi ngạc nhiên đến nỗi lắp bắp: "Thế hả chị? Ông Garrison bảo bọn tôi đã làm ô danh Hãng Hàng không quốc tế Magna".
Chị bác sĩ rũ ra cười, rồi nói: "Tôi nói riêng với cô điều này nhé. Trưa nay tôi cùng ngồi ăn với ông Garrison. Ông ta khoe với mọi người ngồi gần đấy rằng các cô là ba cô gái xinh đẹp nhất từ trước đến giờ ở trường này. Ồ, ông ta rất tự hào về các cô, cứ kể toang toác như thể ông ta đã ấp cho các cô nở ra vậy".
Chà, lão chó đẻ! Tôi nghĩ và suýt nữa bật ra thành lời.
Chúng tôi trở lại lớp lúc 3h 30 và cô Webley bảo: "Chiều nay chúng ta chỉ còn một tiếng đồng hồ, hãy xem các cô có học thuộc được tên các bộ phận của máy bay không nhé? Rồi đây các cô sẽ phải làm việc nhiều trên các chuyến bay, và các cô không thể nào lại cứ gọi "cái bộ phận quái quỷ kia" mà không biết được tên nó. Sau đó, nếu còn thời gian, chúng ta sẽ học tên các sân bay và ký hiệu của chúng. Các cô hãy giở trang 5 cuốn sách nhỏ bìa đen, ở đó có ghi: các thuật ngữ và định nghĩa."
Trong ngày hôm đó, mỗi đứa chúng tôi được phát một tập sách dày, nặng phải đến 3 pao, với cái tên chính thức là: "Sổ tay chiêu đãi viên Hãng hàng không quốc tế Magna . Nó nhỏ hơn cuốn danh bạ điện thoại New York một chút, được gọi ngắn gọn là: "Sổ tay", hoặc trìu mến hơn là "Cuốn sổ nhỏ màu đen", vì nó được đóng bằng bìa đen. Người ta trịnh trọng báo trước rằng chúng tôi phải giữ nó như giữ sinh mạng mình, rằng nếu chúng tôi qua được khoá huấn luyện, trở thành chiêu đãi viên, chúng tôi vẫn phải mang nó theo trên các chuyến bay làm tài liệu tham khảo và hướng dẫn.
Cũng chính lúc này chúng tôi mới phát hiện ra tính cách thực sự của cô Webley. Trông cô ai cũng nghĩ rằng đến bơ cũng không tan chảy trong miệng cô; cô thuộc loại phụ nữ dịu dàng theo kiểu xưa, mảnh mai, mỏng mày hay hạt, ăn mặc giản dị, tóc vàng mềm mại, mắt xanh, má lúm đồng tiền và giọng nói nhỏ nhẹ. So với cô Pierce, là người lúc nào trông cũng như đủ sức một mình kéo cả một chiến hạm ra khơi, thì cô Webley của chúng tôi là một thiên thần đầy lòng trắc ẩn và tình thương yêu. Hay như cách Donna nói, cô trông "dễ dãi ra mặt".
Thế thì bạn nhầm to rồi. Cô Webley trông giống như thiên thần, cười như thiên thần, nói như thiên thần, nhưng chẳng may cô lại có ý chí sắt đá. Chúng tôi ngồi nhại các thuật ngữ và định nghĩa, và tôi phải thú nhận rằng rất thích việc đó, bởi vì tôi thuộc loại người thích thu thập những chuyện vặt vãnh hay hay. Chẳng hạn, tôi thích thú khi biết rằng bộ phận tôi thường gọi là đuôi thực ra lại có tên là thăng bằng hậu, trong đó phần thẳng đứng được gọi là thăng bằng trục, còn phần nằm ngang là thăng bằng ngang. Nhờ Trời, cánh vẫn được gọi là cánh, nhưng có đủ các loại chi tiết phụ như cánh tà, cánh phụ, tấm lái chuyển hướng, máy chống đóng băng - mà trên máy bay phản lực thì có cánh phụ điều khiển ngang, rồi cánh tà trước, trên cả hai loại máy bay đều có động cơ, chứ không bao giờ gọi là mô-tơ cả.
Thật thú vị. Tôi không biết Alma có hiểu không, chỉ thấy cô ta ngồi nhìn như xoáy vào miệng cô Webley; còn Donna có vẻ luống cuống. Cô ta thầm thì: "Carol này, tớ chịu không nhớ nổi ba cái thứ này. Với tớ thì cần gạt là cần gạt, chứ còn là cái quái gì nữa. Chả lẽ họ đòi chúng ta phải lái được cả máy bay chắc?"
"Về nguyên tắc thì không", tôi trả lời. "Nhưng giả dụ phi công chính ra lệnh cho cậu trèo ra lau sạch tấm lái chuyển hướng, mà cậu không biết là cái gì thì thật khó coi quá phải không?"
"Cậu bảo phi công có thể ra lệnh cho mình trèo ra ngoài cánh làm việc đó thật à?"
"Thật chứ", tôi nói.
Cô Webley nhắc: "Hai cô ngồi bàn cuối tập trung nghe".
Cô dành 45 phút giảng giải các định nghĩa, rồi như đã hứa, cô chuyển sang phần tên các sân bay và ký hiệu của chúng trong 15 phút còn lại. Phần này cũng rất hứng thú. Hình như tất cả các sân bay đều có ký hiệu riêng. Chẳng hạn, sân bay Allen-town-Bethlehem-Easton ở Pensylvania đọc mỏi cả mồm thì được rút ngắn lại là ABE, chỉ cần nói ABE thì phi công nào cũng biết ngay, và người ta yêu cầu chiêu đãi viên cũng phải biết. Los Angeles ký hiệu là LAX; sân bay quốc tế Miami nơi chúng tôi đang có mặt là MIA; La Guardia ký hiệu là LGA... Nghe cũng có lý và rõ ràng là tiện dụng không chỉ cho phi công, mà cho cả việc chuyển hành lý nữa. Song cũng như nhiều cái khác, trông có vẻ dễ, nhưng cũng lắm rắc rối. Ví dụ, sân bay Willow Run ở Detroit, ta sẽ nghĩ ngay ký hiệu là WRD hoặc DWR, hoá ra không phải mà lại là YIP. Sân bay Stifel Field ở Wheeling bang Tây Virginia lại là HLG.
Cô Webley cẩn thận chỉ rõ những cái rắc rối ấy và thừa nhận là rất dễ lầm lẫn. Tuy nhiên , cô nói chúng tôi sẽ quen rất nhanh và sẽ sử dụng những ký hiệu đó dễ dàng. Sau đó cô tuyên bố: "Nào các cô, hôm nay thế là đủ. Xe buýt đang đợi đưa các cô về khách sạn". Khi chúng tôi thở phào nhẹ nhõm đứng lên, cô nói thêm: "À quên, sáng mai sau giờ nghỉ uống cà-phê, chúng ta sẽ kiểm tra viết về các thuật ngữ máy bay, các định nghĩa và cả ký hiệu tên các sân bay".
Tôi không tin vào tai mình nữa. Tất cả bọn con gái trong lớp đứng lặng người, mấy người kêu ca ầm cả lên:" Kiểm tra viết bao nhiêu là bài ngay sáng mai ư?"
"Kìa các cô, có nhiều nhặn gì đâu. Và toàn những điều cơ bản mà các cô phải biết cả. Các cô còn cả một buổi tối để học cơ mà!". Cô cười, má lúm đồng tiền, răng đều trắng bóng mới dễ thương làm sao! "Mới có ngần này các cô đã kêu là nhiều, xin hãy chờ đến cuối khoá". Rồi cô không cười nữa: "Các cô hãy ngồi lại một chút, được không? Tôi chưa có dịp nào nói chuyện với các cô một cách nghiêm túc. Đừng lo, chiếc xe buýt bé nhỏ cũ kỹ ấy sẽ đợi các cô".
Chúng tôi lặng lẽ ngồi xuống.
Cô ngồi ghé lên mép bàn: "Nào", cô nói, "chắc một hai cô, chứ không phải là tất cả, cho rằng tôi giao quá nhiều bài cho các cô làm tối nay. Cô nào nghĩ như vậy nên lên thẳng văn phòng ông Garrison lấy vé về nhà. Tôi cam đoan ông ấy sẽ trao vé cho cô, không do dự hay gạn hỏi gì."
Cô ngừng lời, ngồi lại cho chắc chắn rồi nói tiếp: "Chúng ta hãy nói thật với nhau. Chúng tôi nghĩ các cô là một nhóm đặc biệt, không phải là 20 cô chúng tôi nhặt ở ngoài phố về. Hàng ngày, văn phòng tuyển dụng của chúng tôi nhận được hàng đống đơn xin được làm chiêu đãi viên". Cô dừng lại để chúng tôi kịp tiêu hoá dữ liệu ấy, rồi tiếp tục: "Cứ 600 người đâm đơn, chúng tôi mới chọn được một cô để đào tạo".
Không một ai dám nhúc nhích.
Cô nói tiếp: "Có thể các cô đang tự hỏi tại sao chúng tôi lại kỹ tính quá như thế. Tôi xin trả lời: lý do rất đơn giản. Khi phục vụ trên các chuyến bay của hãng chúng tôi, các cô có trong tay nhiệm vụ nặng nề nhất mà bất cứ người phụ nữ nào hiện nay đang có. Đâu phải chỉ là kê thêm gối cho hành khách, phục vụ cà-phê, chè, sữa hay mỉm cười duyên dáng với mọi người. Trách nhiệm của các cô còn lớn hơn nhiều, rồi các cô sẽ thấy, nó liên quan đến sinh mạng của biết bao con người. Tôi không có ý doạ các cô đâu, thật sự nó là như vậy. Chúng tôi không thể để các cô làm việc trên máy bay, nếu chưa biết tuyệt đối chắc chắn là các cô có thể đảm đương được trọng trách ấy. Chúng tôi phải biết người đó thông minh và làm việc có đầu óc". Giọng cô bỗng lạnh như băng. "Tôi xin lỗi nếu những điều tôi nói nghe có vẻ nhàm tai, song nếu các cô không đáp ứng đúng những tiêu chuẩn ấy, chúng tôi không thể tuyển dụng các cô được. Các cô nên về tìm việc khác thì tốt hơn.
Rõ ràng cô diễn đạt ý tứ của mình bằng những từ ngữ không phải là không dứt khoát. Tôi chờ đợi loạt đạn tiếp theo, nhưng cô không tiếp tục. Cô đứng xuống thẳng người duyên dáng và bảo: "Các cô, tất cả là như vậy. Tôi không giữ các cô thêm nữa. Chúc các cô ngủ ngon".
"Chúc cô ngủ ngon", chúng tôi đáp mặc dù lúc ấy mới hơn 5h chiều. Đó chính là lúc Donna đưa ra nhận xét nổi tiếng: "Lạy Chúa, thế mà tớ lại nghĩ cô ấy là người dễ dãi.
"Tớ cũng thế", tôi nói.
Khiếp thật!
Trên xe, tôi ngồi với một cô cùng lớp tên là Julia nào đấy. Đó là một cô gái tóc đỏ hoe, da trắng mịn. Không trắng bóc như kiểu Donna, nhưng có vẻ đẹp riêng của nó.
Cô ta bảo tôi với vẻ nuối tiếc: Tớ sẽ chẳng bao giờ thuộc các ký hiệu tên sân bay này mất".
"Ồ, yên chí là cậu học được. Dễ thôi mà"
"Cậu biết chúng mình phải thuộc tên bao nhiêu sân bay không? Tớ đã đếm, khoảng 60 cái tất cả .
Thì sao? "
"Chẳng sao cả", cô ta đáp. "Số tớ nó thế. Cậu nhớ tên sân bay Detroit mà ký hiệu lại là YIP chứ?"
Tôi bảo cô ta: "Này cậu, tớ cũng tin là có điềm xấu điềm tốt, nhưng nghĩ như cậu thì hơi quá. Tớ muốn nói, tại sao cậu lại nghĩ đó là điềm xấu? Tại sao không nghĩ đó là điềm lành?"
"Tớ chưa bao giờ gặp may cả".
Năm giờ chiều mà bãi biển Miami vẫn còn chói chang ánh nắng. Mọi người đều vui vẻ huýt sáo, vẫy tay chào chúng tôi. Các khách sạn dọc đường sáng loáng trong ánh chiều tà, cọ hoàng gia, dừa, chà là rì rào trong gió, khí trời thơm như mùi rượu vang, đến nỗi tôi hơi ngạc nhiên tại sao ông Garrison không ghi trong nội quy cấm hít thở loại không khí ấy. Về đến khách sạn là cả ngàn gã đàn ông quay lại nhăn nhở cười với chúng tôi. Ông già, thanh niên, trung niên, râu tóc xồm xoàm, đầu hói bóng, tất thảy đều nhăn nhở, toe toét cười. Trời đất, không biết họ cười như vậy để làm gì chứ? Có thể bạn sẽ nghĩ đó là cách đàn ông phương Tây phô bày cái nam tính của họ - miệng cười càng to bao nhiêu, những cái khác cũng to bấy nhiêu.
Đối với cái lũ đười ươi này, cách duy nhất là coi như không có họ, và tất cả chúng tôi không trừ một ai đều làm như vậy. Thật tuyệt vời, không ai dừng lại, vẫn vừa đi vừa thản nhiên nói chuyện cho đến tận thang máy, bỏ lại đằng sau cả đám đàn ông đang đứng nhăn nhở cười như một lũ ngớ ngẩn. Đàn ông nhìn tôi một cách lành mạnh thì không sao, nhưng tôi ghét cái lối nhìn tôi cười nhăn nhở, như thể vừa nghe một chuyện tiếu lâm tục tĩu vậy.
Về đến phòng 1412 tôi vẫn còn tức. Tôi quẳng cuốn sách xuống giường, rồi hỏi Donna với giọng cộc lốc: "Bây giờ cậu định làm gì?"
"Cô em ạ, tôi sẽ thay đồ tắm và đi thẳng xuống biển ngoài kia"
"Đừng thay đồ vội, việc đầu tiên là phải kiếm cái ăn đã"
"Ăn à? Mình không đói. Thịt viên ăn hồi trưa vẫn còn chưa tiêu hết".
"Tớ muốn nói là đồ để chuẩn bị nấu bữa tối ở đây. Jurgy bảo cậu ấy sẽ nấu bữa sáng,còn tớ chuẩn bị bữa tối. Tuy nhiên, tớ cần biết các cậu thích món gì để còn tính thực đơn".
"Gì cũng được, cô em ạ", Donna đáp. "Tôi rất vui lòng để cô tự quyết định"
Tôi gõ cánh cửa ngăn hai buồng. Ai đó bảo: "Mời vào", nhưng chỉ có Annette nằm duỗi chân trên giường học bài. Cô ta bảo: "Ôi lạy Chúa, cậu biết không Carol? Chúng mình phải học đến cả triệu tên sân bay và tên của tất cả các bộ phận trên máy bay".
"Bọn tớ cũng thế. Jurgy đâu?"
"À, cậu ấy chạy ra ngoài".
"Ra bể bơi à?"
"Có thể thế. Carol này, cậu ấy trông không được vui lắm".
"Cậu bảo không vui là nghĩa làm sao?"
Annette lưỡng lự: "Tớ không biết nói thế nào. Cậu ấy có vẻ hơi ủ rũ, buồn bực. Carol, tớ thấy lo cho cậu ấy".
Tôi ngồi xuống giường Jurgy rồi hỏi: "Tại sao?"
"Cậu sẽ tự hiểu, Carol ạ. Tớ muốn nói là hãy xem cuộc sống trước khi cậu ấy đến đây. Carol, tớ không phải loại hợm mình. Tớ mến Jurgy, mặc dù cậu ấy không phải người hồ hởi lắm.Nhưng từ trước đến giờ cậu ấy chỉ làm chân chạy bàn, thậm chí còn chưa học hết phổ thông".
"Thì đã sao?"
"À, cậu xem phần bài tập bọn mình phải làm tối nay. Cô Pierce nói thẳng với bọn tớ: đây mới chỉ là bắt đầu đấy, trong vài ngày tới mới thực sự là bắt tay vào học. Chính vì thế tớ lo cho Jurgy. Có thể là cậu ấy chưa sẵn sàng cho một việc như thế này. Có lẽ vì vậy cậu ấy bỏ ra ngoài, mặt mày buồn thiu".
Tôi xuống nhà tìm Jurgy. Đầu óc tôi cứ bận rộn với chuyện ăn uống, nên muốn tìm nó bàn cho xong. Khoảng hơn chục cô gái đang nằm dài cạnh bể bơi, có vẻ thích thú lắm. Họ có quyền như thế. Nước trong suốt như pha lê, bầu không khí thơm lành, mặt trời như quả cầu vàng, hàng cọ, lùm cây đang trổ hoa, dáng vời vợi của khách sạn bằng thép và kính - tất cả hoà trộn tạo nên một khung cảnh tuyệt đẹp.
Tôi đi lòng vòng ra bãi biển, cảm thấy ngớ ngẩn khi mang giày cao gót và vận bộ áo cao cổ mà phía trước có đến ba chục chiếc khuy. Cuối cùng, tôi hỏi một cô tóc hung đang ngồi dựa lưng vào gốc cọ, đọc cuốn sổ tay.
Cô ta trả lời: "Để xem nào, hình như tôi có thấy cô ta ở đây lúc nãy. Chắc cô ta đang đi dạo theo lối kia kìa".
"Cám ơn", tôi nói. "Tôi sẽ đến gặp cô ấy. Tối nay có ai đi bơi không? Nước đẹp quá!"
Cô ta buồn rầu nói: "Tôi biết, nhưng 5h nhân viên cứu trợ nghỉ, nên chúng mình không được phép xuống tắm".
Tôi tụt giày, đi chân không trên bãi biển và nhẹ người khi đi được quãng 100m thì gặp Jurgy từ xa đang tư lự đi lại phía tôi. Nó mặc bộ đồ tắm màu côca, đầu đội mũ cói trông như cái bình rượu pha, lơ đễnh men theo mép nước, chốc chốc lại cúi xuống nhặt vỏ sò và ngắm chúng rất kỹ. Cô ta chăm chú đến nỗi không nhìn thấy tôi, cho mãi đến khi tôi hầu như đâm sầm vào cô ta.
"Chào cậu"
"Ồ Carol, cậu đấy à?"
Jurgy thoáng nhìn tôi, và tôi ngạc nhiên khi nó lại tiếp tục rảo bước như không muốn tôi đi cùng.
"Này", tôi gọi. "Chúng mình phải bàn xem chuyện nấu nướng thế nào chứ?"
Nó dừng lại nói: "Ừ nhỉ, nhưng mình không muốn nói chuyện ấy lúc này Carol ạ, để mai đi". Nói xong nó lại tiếp tục rảo bước, làm nước bắn tung toé".
Tôi đuổi kịp và hỏi: "Cậu làm sao thế, Jurgy?"
Nó lùi xa mép nước mấy bước, rồi ngồi chéo chân, mắt nhìn chân trời phía xa.
Tôi đến ngồi cạnh và bảo: "Jurgy, nói thật với cậu là tớ lo lắm. Không biết cô Pierce có thế không, chứ cô Webley nói làm bọn tớ sợ rúm cả người. Tối tối chúng mình sẽ phải cùng nhau học tên các sân bay và ký hiệu của chúng..."
"Tớ chẳng lo chuyện sân bay với ký hiệu".
"Không lo ư?"
"Không". Nó vốc một nắm cát, ném lên trời.
Tôi hỏi lại: "Thế thì cậu lo lắng chuyện gì vây?"
"Ta về đi", nó nói với giọng khô khan, cố đứng dậy, rồi lại ngồi thụp xuống. "Để làm gì chứ, Carol? Nói ra cũng vô ích. Họ sẽ đuổi tớ về nhà".
"Bậy nào! Tại sao lại thế?"
Mặt nó tái đi: "Trưa mai, tớ phải đến gặp bà Montgomery. Bà ta sẽ tống cổ tớ về".
"Lạy Chúa, Jurgy, tại sao mới được chứ?", tôi hỏi dồn.
Jurgy bắt đầu lộ ra cái vỏ khép kín: "Carol, cậu là người may mắn. Cậu có gia đình, cậu được học hành đến nơi đến chốn. Cái con chó cái cao to Donna hay đi cùng với cậu cũng vậy. Cậu còn nhớ cái tối cô ta vứt cuộn tiền và hai chiếc nhẫn kim cương tối qua chứ?" Cô ta muốn tỏ vẻ ta đây là dòng dõi con nhà. Annette từng là nhân viên nhà băng, bố cậu ấy là trợ lý giám đốc. Cậu biết bố tớ làm gì không? Chân gác đêm, nếu bố tớ kiếm được việc làm. Cũng là nghề đấy chứ? Ông ấy là tay bợm rượu, lúc nào cũng say tuý luý. Và cậu biết tớ trước nay làm nghề gì rồi phải không? Gái chạy bàn, bưng bê chén bát".
"Này cậu, hãy tin lời tớ. Chẳng ai để ý đến chuyện cậu làm nghề gì hay bố cậu làm gì.Cậu đã đến đây, giờ cậu bằng vai phải lứa với tất cả mọi người."
Cô ta tiếp tục dốc bầu tâm sự: "Carol này, tớ không còn chịu nổi cuộc sống ở Buffalo nữa. Tớ ớn tận cổ. Tớ cũng là người, tớ có quyền được sống. Vì thế, tớ đánh liều nộp đơn vào hãng Magna. Ông Garrison đến Buffalo kiểm tra tớ, và cậu biết ông ta nói thế nào không? Ông ta bảo: "Cô Jurgens, cô là loại người mà chúng tôi cần". Ông ấy nói thế, là người đầu tiên nói về tớ như vậy. Cuộc đời là thế đấy. Ôi, cuộc đời". Jurgy bắt đầu sụt sịt.
Tôi hỏi: "Này cậu, hôm nay có chuyện gì không hay phải không? Sao ngày mai cậu lại phải đến gặp bà Montgomery?"
Nó lau vội nước mắt, rồi nói, giọng trở lại khô khan: "Sáng nay cậu cũng phải kiểm tra sức khoẻ chứ? Chị bác sĩ có khám từ đầu đến chân cậu không?"
"Ôi lạy Chúa, Jurgy, bác sĩ Schwartz phát hiện ra cậu có bệnh gì à?"
"Bệnh gì đâu. Có điều mình đã một lần mang thai".
Bạn thường không biết nói thế nào khi nghe những lời thẳng thừng này. Tôi hỏi: "Cậu có thai lúc nào thế?"
"À, lúc ấy mình cũng đã lớn. 16 tuổi".
"Ôi, Jurgy".
"Đứa bé bị chết", Jurgy nói tiếp. "Tớ không kịp thấy mặt nó nữa. Thằng bồ của tớ trốn biệt tăm. Tớ không còn mặt mũi nào mà trở lại trường, vì thế tớ kiếm việc làm tại một nhà ăn".
"Ôi Jurgy, lạy Chúa".
"Cậu ngạc nhiên ư?" Jurgy nói. "Ở tầng lớp như loại mình, chuyện đó thường xảy ra luôn".
"Làm sao bác sĩ Schwartz biết được?"
Jurgy cười chua chát: "Cậu ngây thơ quá". Nói rồi nó vạch đùi cho tôi xem. Tôi chẳng thấy có gì khác lạ, nhưng nó bảo: "Cậu thấy không? Còn cả đây nữa", cô ta để tay lên ngực. "Có con rồi, ngực cậu sẽ khác ngay". Nó dúi cả hai tay xuống cát, như thể tay bị ô uế khi sờ vào những chỗ đó. Chị bác sĩ rất tử tế, nhưng chị ấy bảo vẫn phải ghi vào y bạ. Mình không trách chị ấy, ai cũng phải làm tốt công việc của mình. Sau đó, lúc 4h chiều mình nhận được giấy báo lên gặp bà Montgomery".
"Jurgy này, bà ta sẽ hiểu. Bà ta cũng thuộc loại biết điều..."
"Carol, cậu có thể là tay chơi bời bạt tử, song không ai có bằng chứng về việc đó. 6 năm trước tớ cũng vậy, và bây giờ họ có đủ các bằng chứng mà họ cần. Chả lẽ cậu nghĩ là bà Montgomery hoặc ông Garrison lại muốn tuyển một cô như vậy làm chiêu đãi viên trên các tuyến bay ư?"
"Quên chuyện đó đi, Jurgy. Ta kiếm cà-phê hay thứ gì đó uống đi".
Hai thằng khỉ ranh đầu tóc bù xù hò nhau chạy về phía chúng tôi. Này, này, các cô gái trường bay, đi một mình thôi à?" Một thằng mang chiếc máy ảnh Leica mới cứng rất đẹp. Đến cách chỗ bọn tôi mấy bước nó quỳ xuống và bảo: Cứ thế, các em, cứ thế? Ảnh sẽ đẹp hết ý. Đó, cứ ngồi yên như thế".
"Xéo đi", Jurgy quát.
Thằng phía sau vừa nói vừa cười nhăn nhở: "Nhìn thẳng và cười lên, các em"
"Xéo ngay", Jurgy lại quát. "Có nghe thấy không?"
Thằng đang đứng hất hất ngón tay về phía cô ta và nói: "Ấy ấy đừng cáu. Con gái trường bay là lúc nào cũng phải tươi cười chứ!"
"Tôi nói lần cuối cùng", Jurgy bảo. "Cút ngay"
Nghe rõ tiếng bấm máy, Jurgy vụt đứng dậy, bước nhanh đến cạnh thằng nhãi và giang tay tát thật lực vào thái dương,làm nó ngã bổ chửng, chiếc Leica văng xa đến 10 thước và rơi ngập trong cát ướt gần mép nước. Tôi chưa từng thấy cú đánh nào hay đến vậy, bằng cánh tay tích tụ bao nỗi đắng cay, và với cú đánh ấy, đến nhà cũng phải sập. Thằng bị đánh nằm thẳng cẳng không cựa quậy. Thằng kia chỉ chiếc máy ảnh ngập trong nước biển Đại Tây Dương và nói: "Này, cô đã làm hư chiếc máy rồi".
Jurgy dằn giọng: "Hai đứa khỉ chúng mày mà còn lảng vảng lại gần thì vỡ mặt, chứ không chỉ vỡ máy mà thôi đâu".
Jurgy quay mặt đi với vẻ kinh tởm, sau đó bảo tôi: "Hừ, bây giờ mình cảm thấy dễ chịu hơn. Carol ạ, chúng mình đi uống cà-phê như cậu vừa nói đi".
"Jurgy, cậu giáng cho hắn một cú khiếp quá. Từ giờ phút này, hãy để tớ làm ông bầu thể thao của cậu .
"Thế đã ăn nhằm gì. Cậu phải thấy lúc tớ thực sự điên lên cơ".
Chúng tôi đi tiếp. Tôi nói: "Tớ nói với cậu điều này, Jurgy. Không hiểu sao tớ có cảm giác mọi chuyện sẽ kết thúc tốt đẹp"
Chúng tôi ăn bánh mỳ kẹp thịt mua ở quầy cà-phê, rồi cả 5 đứa ngồi trên giường trong căn phòng rộng cho đến tận 1h sáng, cố học thuộc tên các sân bay chết tiệt và các ký hiệu của chúng, cũng như các bộ phận của máy bay. ALB là Albany; ABQ là Albuquerque, tất cả dài đặc 2 trang, mà cuối cùng là ICT mà đến thằng ngốc cũng biết đó là sân bay Wichita ở Kansas và AVP, tức là Wilkes_Barre_Scranton.
Đúng ra tôi phải mơ về những cái tên ấy, hoặc về Jurgy, hoặc về cái gì đó gần gần hơn. Nhưng không. Hai đêm liền tôi lại mơ thấy tai nạn máy bay ở Tokyo, và tôi cảm thấy khốn khổ quá chừng.