Arthos và Aramis đi theo hành trình mà d Artagnan đã vạch ra và cố sức đi thật nhanh. Họ thấy dường như nếu bị bắt giữ ở gần Paris thì vẫn lợi hơn ở xa.
Trong nỗi thấp thỏm lo bị bắt , nên vào ban đêm tối nào họ cũng vạch lên tường hoặc lên kính ám hiệu đã thỏa thuận. Nhưng sáng ra tỉnh giấc họ rất đỗi ngạc nhiên thấy mình vẫn tự do.
Lần lần họ tìm về Paris, những biến cố lớn mà họ đã chứng kiển và đã làm đảo lộn nước Anh dần dần tan biến như những giấc mơ.
Trong khi đó trái lại những biến cố trong thời gian vắng mặt họ đã khuấy động Paris và các tỉnh xuất hiện trước mặt họ.
Trong sáu tuần vắng mặt họ, ở Pháp đã xảy ra rất nhiều sự việc nhỏ, chúng hợp lại cũng thành như một biến cố lớn. Nhân dân Paris buổi sáng tỉnh dậy không thấy hoàng hậu, không thấy vua, xôn xao náo động cả lên về sự ra đi này; và sự vắng mặt của Mazarin mà họ rất mong muốn cũng không bù lại nổi sự vắng mặt của hai hoàng thượng bỏ trốn.
Khi Paris biết tin cuộc chạy trốn đến Saint-Germain, cuộc chạy trốn mà chúng tôi đã để bạn đọc chứng kiến, thì tình cảm trước tiên khuấy động đô thành là một kiểu hốt hoảng mà trẻ con thường cảm thấy khi chúng thức giấc giữa ban đêm hoặc trong cảnh vắng lặng.
Nghị viên hốt hoảng và quyết định cử một phái đoàn đến tìm hoàng hậu và yêu cầu bà trở về Paris sớm.
Nhưng hoàng hậu còn đang say sưa với chiến thắng Lens và với niềm kiêu hãnh về cuộc bỏ trốn thực hiện thật là đẹp đẽ. Những đại biểu Nghị viện không những không có vinh dự được bà tiếp đón, mà còn phải đứng đợi ở ngoài đường cái. Tại đây quan chưởng ấn - vẫn viên chưởng ấn Séguier mà trong cuốn "Ba Người lính ngự lâm" chúng ta đã thấy hắn ngoan cố truy lùng một bức thư giấu tận trong yếm bà hoàng hậu - Séguier trao cho họ một bức tối hậu thư của triều đình nêu rõ là Nghị viện phải tự hạ mình nhận lỗi trước Hoàng thượng về những vấn đề đã dẫn tới cuộc xích mích chia rẽ họ nếu không thì ngày hôm sau Paris sẽ bị bao vây.
Ngay lúc này, theo dự kiến của cuộc bao vây đó, quận công d Orléans đã chiếm cầu Saint-Clou và ngài Hoàng thân đang còn chói lọi về chiến thắng Lens của ngài đã giữ Charenton và Saint-Denis.
Một sự trả lời ôn hoà của triều đình có lẽ sẽ được nhiều người đồng tình. Tiếc thay lời đe doạ kia đã gây tác dụng ngược lại với điều mong đợi. Nó đã chạm lòng tự ái của Nghị viện, Nghị viện đang cảm thấy được sự ủng hộ mạnh mẽ của giai cấp tư sản mà việc thả Broussel vừa rồi càng tỏ rõ sức mạnh. Nghị viện bèn trả lời bức công hàm đó bằng cách tuyên bố rằng giáo chủ Mazarin rành rành là thủ phạm của tất cả những sự lộn xộn và bị coi là kẻ thù của nhà vua và quốc gia.
Nghị viện ra lệnh cho Mazarin rút lui khỏi triều đình ngay hôm đó và rời khỏi nước Pháp trong vòng tám ngày; quá hạn đó mà hẳn không chấp hành thì sẽ ra lệnh cho tất cả quần thần của nhà vua đuổi đánh hắn.
Câu trả lời kiên quyết ấy mà triều đình còn lâu mới ngờ tới, đồng thời đặt cả Paris và Mazarin ra ngoài vòng pháp luật. Bây giờ chỉ còn chờ xem Nghị viện hay triều đình sẽ thắng.
Triều đình bèn chuẩn bị tấn công và Paris chuẩn bị phòng thủ.
Thể là những nhà tư sản, thị dân lại bận vào cái việc thông thường của họ trong thời tao loạn, nghĩa là chăng các dây xích và đào phá nền đường phổ.
. Họ bỗng thấy ngài chủ giáo dẫn đến viện trợ cho họ hoàng thân de Conti, em của hoàng thân de Condé, và quận công de Longueville, em rể ông. Từ lúc đó họ vững dạ vì có hai vị thân vương về phe mình và hơn nữa lại có lợi thế về số đông. Sự viện trợ không hy vọng thà cô ấy đến với dân chúng Paris ngày mồng mười tháng Giêng.
Sau một cuộc bàn cãi sôi nổi, hoàng thân de Conti được phong làm tổng tư lệnh các quân đội của vua ở ngoài Paris, cùng với quận công d Elubeuf, quận công de Bouillon và thống chế La Mothe làm trung tướng. Quận công de Longueville không chức trách và tước vị đành bằng lòng với việc phụ tá cho anh vợ mình.
Còn quận công de Beaufort từ Vendôme tới, sử chép rằng ông mang theo cái dáng bộ kiêu kỳ, mớ tóc dài và đẹp và cái tính được lòng dân nó khiến ông xứng đáng với vương quyền của các khu chợ.
Thế là quân đội Paris được tổ chức một cách vội vã; những người tư sản, thị dân do một tình cảm nào đó thôi thúc hối hả cải trang thành binh sĩ, đội quân lâm thời đã thử làm một cuộc xuất quân chủ yếu nhằm tự trấn an mình và trấn an những người khác bằng sự tồn tại của mình hơn là nhằm một điều gì nghiêm túc.
Nó mang một lá cờ phấp phơi trên đầu và ghi một tiêu ngữ thật lạ lùng: "Chúng ta đi tìm đức vua của chúng ta!"
Những ngày tiếp sau, họ làm một vài cuộc hành quân bộ phận chẳng có kết quả nào khác ngoài việc cướp đi mấy đàn gia súc và đốt cháy vài ba ngôi nhà.
Lúc ấy vào những ngày đầu tháng Hai. Đúng ngày mồng một, bốn người bạn của chúng ta cập bến Boulogne-sur-Mer và chia làm hai ngả đi về Paris.
Đến ngày thứ tư, họ tránh Nanterre một cách thận trọng để khỏi rơi vào tay một nhóm nào đó theo hoàng hậu.
Arthos làm những việc phòng bị ấy một cách cẩn thận, nhưng Aramis đã nhắc nhủ anh rất chí lý rằng: họ không có quyền bất cần, họ được vua Charles ủy nhiệm một việc tối thượng và thiêng liêng và nhiệm vụ ấy được định hướng trao từ dưới chân đoạn đầu đài chỉ kết thúc ở dưới chân bà hoàng Henriete.
Arthos dành nhượng bộ.
Đến ngoại ô hai lữ khách thấy việc canh phòng cẩn mật, toàn Paris được vũ trang. Lính canh không cho hai nhà quý tộc đi qua và gọi viên đội.
Viên đội ra ngay lập tức và lấy bộ dạng quan trọng như những người tư sản thường làm khi có vinh dự được mang một chức vị nhà binh.
- Các ông là ai? - Hắn hỏi.
- Hai nhà quý tộc, - Arthos đáp.
- Các ông từ đâu đến - Từ London.
- Các ông đến Paris làm gì?
- Thực hiện một sứ mệnh nơi hoàng hậu Anh quốc.
- Ái chà! Hôm nay tất cả mọi người đều đến nhà hoàng hậu Anh quốc cả! viên đội đối đáp. - Ở đồn này đã có ba nhà quý tộc đang đưa kiểm tra giấy tờ và sắp đi đến chỗ hoàng hậu. Giấy thông hành của các ông đâu?
- Chúng tôi không có.
- Sao, các ông không có à?
- Không, chúng tôi đã nói là chúng tôi từ bên nước Anh về. Rời Paris từ trước khi nhà vua ra đi, chúng tôi hoàn toàn không biết tình hình chính trị diễn ra đến đâu rồi.
- A! - Viên đội nói với vẻ ranh mãnh - Các ông là những người thuộc phái Mazarin định vào đây để dọ thám chúng tôi.
Từ nãy Arthos vẫn để Aramis trả lời, bây giờ mới nói:
- Ông bạn thân mến ơi, nếu chúng tôi là người phải Mazarin thì trái lại, chúng tôi đã có đủ mọi thứ giấy tờ. Trong hoàn cảnh của các ông lúc này tôi thiết tưởng trước hết các ông hãy đề phòng những người có đầy đủ các giấy tờ hợp lệ.
- Các ông hãy vào trong đơn vị canh phòng, - viên đội nói, - và trình bày lý lẽ với ông chỉ huy đồn.
Hắn ra hiệu cho lính gác đứng ra một bên, rồi đi trước dẫn hai nhà quý tộc vào.
Đơn vị canh phòng gồm toàn những nhà tư sản và lớp bình dân người này đánh bạc, người kia uống rượu, người khác tán chuyện gẫu.
Trong một góc được canh chừng, ba người quý tộc đến trước đang đợi kiểm tra giấy tờ thông hành. Viên sĩ quan xem xét giấy tờ ngồi ở phòng bên cạnh, cấp bậc của anh ta khá quan trọng nên được dành một phòng riêng.
Cử chỉ trước tiên của những người đến trước và những người đến sau là từ hai đầu của đơn vị canh phòng, họ đưa mắt nhìn nhau rất nhanh và dò xét.
Những người đến trước khoác những tấm áo choàng dài phủ lên những bộ y phục chỉnh tề. Một người nhỏ nhắn hơn đồng bọn đứng ở phía sau khuất trong bóng. Nghe viên đội báo rằng, rất có khả năng hắn dẫn vào hai kẻ thuộc phái Mazarin, ba người quý tộc lắng tai lên và chú ý. Người nhỏ nhất trong bọn họ đã bước lên hai bước lại lùi lại một bước và lẩn vào bóng tối. Nghe nói hai người mới đến không có thông hành cả đơn vị canh phòng hầu như nhất trí là không để cho họ vào.
- Có chứ? - Arthos nói, - Trái lại, rất có khả năng là chúng tôi sẽ vào bởi vì dường như chúng tôi đang tiếp xúc với những người biết chuyện. Vả lại có thể làm một điều rất đơn giản là thỉnh tên họ của chúng tôi đến Lệnh bà hoàng hậu Anh quốc. Nếu như Lệnh bà bảo đảm cho chúng tôi, thì chắc các ông sẽ thấy rằng để chúng tôi đi vào chẳng có điều gì tai hại cả.
Nghe câu nói ấy, sự chú ý của người quý tộc nấp trong bóng tối càng tăng gấp bội, thậm chí kèm theo một cử chỉ kinh ngạc, đến nỗi tấm áo choàng mà ông ta quấn chặt lại đẩy rơi chiếc mũ xuống đất:
Ông ta cúi xuống và vội vã nhặt lên.
Ồ! Lạy Chúa! - Aramis thúc khuỷu tay vào Arthos mà nói - Anh có trông thấy không?
- Cái gì cơ? - Arthos hỏi.
- Khuôn mặt của người nhỏ nhất trong số ba nhà quý tộc kia.
- Không.
- Hình như tôi đã…, nhưng điều ấy không thể có được.
Vừa lúc ấy viên đội vào phòng riêng của viên sĩ quan chỉ huy để nhận lệnh đi ra, hắn trao một tờ giấy cho ba người quý tộc và nói:
- Giấy thông hành hợp lệ cả, hãy để cho ba ông này đi qua.
Ba người quý tộc cúi đầu chào và vội vã đi ra lối cửa đã mở theo lệnh viên đội.
Aramis đưa mắt dõi theo và lúc người khách nhỏ nhất đi qua trước mặt, anh siết mạnh tay Arthos.
- Có chuyện gì đấy hả bạn? - Arthos hỏi.
- Tôi thấy… chắc là một tưởng tượng của tôi.
Rồi quay lại phía viên đội, anh hỏi:
- Xin ông cho biết ông có quen ba nhà quý tộc vừa ra khỏi dây không.
- Tôi biết họ qua giấy thông hành: đó là các ông de Flamarenx, de Châtillon và de Bruy, ba nhà quý tộc phái Fronde đang đi tới chỗ quận công de Longueville.
Aramis như trả lời cho ý nghĩ của chính mình hơn là nói với viên đội:
- Quái lạ, mình tưởng như nhận ra chính lão Mazarin.
Viên đội bật cười, nói:
- Lão ấy à! Liều mạng đến chỗ chúng tôi để được treo cổ à? Đâu lại ngu ngốc đến thế!
- A! - Aramis lẩm bẩm, - Có thể mình bị lầm lắm chứ; mình chẳng còn con mắt sắc sảo như d Artagnan.
- Ai nói đến d Artagnan đó? - Viên sĩ quan vừa lúc ấy ra đến ngưỡng cửa hỏi.
- Ôi! - Grimaud trợn tròn mắt kêu lên.
- Cái gì thế? - Aramis và Arthos cùng hỏi.
- Planchet! - Grimaud nói - Planchet với giáp che cổ.
- À! Các ông de La Fère và D Herblay, - viên sĩ quan reo lên. - Các ông trở về Paris! Ôi, tôi mừng quá! Chắc hẳn các ông đến với các vị hoàng thân?
Trong khi Arthos mỉm cười nhìn người bạn cũ của Mousqueton, Bazin và Grimaud giữ một cấp bậc quan trọng trong đội tự vệ tư sản thì Aramis nói:
- Như cậu thấy đấy, Planchet thân mến ạ.
- Thưa ông D Herblay, liệu ông có thể cho tôi biết tin tức về ông d Artagnan mà ông vừa nhắc đến.
- Bạn thân mến ơi, chúng tôi chia tay ông ấy cách đây bốn ngày, và chắc hẳn ông ấy đã tới Paris trước chúng tôi.
- Không đâu, tôi chắc chắn là ông ấy chưa trở về đô thành, có lẽ ông ấy ở lại Saint-Germain.
- Tôi vừa mới qua đấy hôm nay mà.
Aramis mỉm cười hỏi:
- Thế mỹ nhân Madeleine có tin tức gì về ông ấy không?
- Không, tôi cũng chẳng giấu ông rằng bà ta tỏ vẻ rất lo lẳng.
- Kể ra thì giờ cũng gấp lắm rồi - Aramis nói - mà chúng tôi cũng rất vội vã. Vậy nên Arthos thân mến ơi, tôi chẳng hỏi tin thêm về anh bạn của chúng ta, và hãy cho phép tôi chúc mừng ông Planchet.
- A! Ông hiệp sĩ! - Planchet nghiêng mình nói.
- Ông trung uý! - Aramis đáp.
- Trung uý và được hứa hẹn lên đại uý.
- Tuyệt lắm! - Aramis nói. - Thế nhưng vinh dự ấy đến với anh như thế nào?
- Trước hết, các ông có biết rằng chính tôi đã cứu ông de Rochefort không.
- Biết quá đi! Ông ta đã kể cho chúng tôi nghe.
- Việc ấy khiến tôi suýt bị lão Mazarin treo cổ và tất nhiên cũng khiến tôi được lòng dân hơn nữa.
- Và cũng nhờ được lòng dân…
- Không, nhờ có một cái gì hơn thế kia. Hẳn các ông biết rằng trước kia tôi đã phục vụ ở trung đoàn Piémont và được vinh dự làm đội trưởng.
- Phải rồi.
- Ấy thế! Một hôm có một đám tư sản và thị dân vũ trang đi diễu hành mà người thì bước chân trái, người thì bước chân phải, chẳng ai có thể xếp họ thành hàng lối cả. Tôi mới hướng dẫn họ và khiến họ đi đều bước hẳn hoi, và thế là người ta bèn phong cho tôi làm trung uý ở ngay bãi… tập.
- À, ra thế đấy! - Aramis nói.
- Thành thử ra, - Arthos tiếp lời, - Các anh có một đám quý tộc đi với mình phải không?
- Đúng vậy! Chắc các ông cũng biết lúc đầu chúng tôi có hoàng thân de Conti, quận công de Longueville, quận công de Beaufort, quận công de d Elbeuf, quận công de Bouillon, quận công de Chevreuse, ông Brissac, thống chế de La Mothe, ông de Luyne, hầu tước de Vitry, hoàng thân de Marcillac, hầu tước de Marcillacs, bá tước Noirmoutiers, hầu tước de Fiesque, hầu tước Laigues, công tước de Montrésor, hầu tước de Sévigné, rồi còn ai mà biết không nữa nhỉ…
- Thế còn ông Raoul de Bragelonne đâu? - Arthos hỏi với giọng xúc động. - D Artagnan có nói với tôi là khi ra đi đã gửi gắm ở nơi anh Planchet tốt bụng của tôi mà.
- Vâng, thưa bá ông d Artagnan đã coi cậu Raoul như chính con đẻ của mình, và tôi phải thưa rằng tôi không lúc nào rời mắt khỏi cậu ấy.
Giọng lạc đi vì mừng rỡ, Arthos lại hỏi tiếp:
- Thế cậu ta có mạnh khỏe không. Có gặp tai nạn gì không?
- Không sao cả, ông ạ.
- Cậu ta hiện ở đâu?
- Vẫn ở phố Grand-Roi-Charlemagne..
- Hằng ngày cậu ta làm gì?
- Khi thì đến hoàng hậu Anh quốc, lúc tới bà de Chevreuse. Cậu ấy và bà de Guise chẳng rời nhau mấy khi.
- Cảm ơn Planchet, cám ơn nhé! - Arthos vừa nói vừa chìa tay ra.
Planchet khẽ chạm đầu ngón tay mình vào bàn tay Arthos và đáp:
- Ôi! Thưa ông bá tước.
- Ơ kìa! Bá tước làm cái gì vậy! Với một tên đầy tớ cũ! - Aramis nói.
- Bạn ơi, - Arthos đáp, - Anh ta cho tôi biết tin tức về Raoul.
Planchet không nghe thấy lời nhận xét ấy nói:
- Thế bây giờ các ông định làm gì?
- Planchet thân mến ơi, nếu anh cho phép thì chúng tôi trở về Paris, - Arthos nói.
- Sao! Tôi mà cho phép các ông? Ông bá tước nhạo tôi đấy ư? - Tôi chẳng là gì khác ngoài kẻ hầu hạ ông. - Planchet đáp và cúi đầu.
Rồi quay về phía quân mình, anh bảo:
- Hãy để các ngài đây đi qua. Tôi biết các ngài, các ngài là bạn của ông de Beaufort đấy.
- Ông de Beaufort muôn năm! - Cả đồn đồng thanh hô và mở đường cho Arthos và Aramis. Riêng viên đội đến gần Planchet và lẩm bẩm.
- Sao! Không có giấy thông hành à?
- Không giấy thông hành - Planchet đáp…
- Thưa đại uý, - Viên đội nói và thăng tước cho Planchet cấp bậc mà người ta đã hứa, - Hãy chú ý là một trong số ba người đi ra lúc nãy có nói nhỏ với tôi là phải đề phòng các ông này.
Planchet trịnh trọng nói:
- Còn tôi, tôi quen các ông này và tôi xin bảo đảm.
Nói rồi anh bắt tay Grimaud, bác ta có vẻ lấy làm vinh dự về sự đối xử đặc biệt ấy.
- Tạm biệt đại uý nhé! - Aramis nói với giọng giễu cợt, - Nếu có chuyện gì xảy ra, chúng tôi sẽ kêu nài lên ông đấy.
- Thưa ông, về điều này cũng như về mọi việc khác, tôi vẫn là kẻ hầu hạ của ông.
Aramis lên ngựa nói:
- Cái thằng ranh này xem ra sáng trí lắm.
- Sao lại không? - Arthos cũng nhảy lên yên và nói: sau bao nhiêu năm chải mũ cho chủ nó mà!