Aramis nói:
- D Artagnan, cậu nghĩ gì thế, và điều gì đã khiến cậu mỉm cười vậy?
- Bạn thân mến ơi, tôi nghĩ rằng khi cậu còn là lính ngự lâm cậu luôn luôn hướng về tu viện trưởng, con bây giờ đã là tu viện trưởng, hình như cậu lại hướng mạnh về ngự lâm quân.
- Đúng thế, - Aramis cười nói, - D Artagnan ạ cậu biết đấy người là một sinh vật toàn những mâu thuẫn. Từ khi tôi là tu viện trưởng, tôi chỉ mơ toàn những trận mạc.
- Điều ấy thấy rõ qua đồ đạc bày biện của cậu: cậu có kia những thanh trường kiếm đủ các dạng và cho những thị hiếu khó tính nhất. Cậu chơi kiếm vẫn tốt chứ?
- Tôi ấy à, tôi chơi tốt như cậu ngày xưa, và còn tốt hơn là khác. Suốt ngày tôi chỉ tập kiếm, thôi mà.
- Với ai?
- Với một thầy dạy kiếm tuyệt diệu mà bọn tôi có ngay ở đây.
- Sao, ở đây à?
- Phải, ở đây, ngay trong tu viện này, bạn thân mến ạ. Có đủ mọi thứ ở trong tu viện Jésuites.
- Thế có lẽ cậu giết đức ông de Marcillac, nếu ông ta đến một mình tấn công cậu, chứ không phải là cậu đấu với hai chục người.
- Hoàn toàn đúng, kể cả trường hợp hắn cầm đầu cả hai chục người, nếu như tôi kịp rút gươm ra mà không bị phát hiện.
- Xin Chúa xá tội, - D Artagnan nói rất khẽ, - mình thấy cậu trở thành Gascogne(1) hơn cả mình. - Rồi cao giọng - Này Aramis thân mến, cậu hỏi vì sao tôi đến tìm cậu ư?
- Không, tôi không hỏi cậu, - Aramis nói với vẻ ranh mãnh, - tôi đợi cậu đến nói điều đó.
- Vậy thì, tôi đến tìm cậu chỉ độc có mỗi chuyện là để hiến cậu một cách giết chết ông de Marcillac, khi nào cậu thích, dù ông ta có là ông hoàng chăng nữa?
- Này, này, này, - Aramis nói, - đó cũng là một ý kiến hay đấy…
- Mà tôi mới cậu lợi dụng nó, anh bạn thân mến ạ. Nhưng này, với cái chức tu viện trưởng được một nghìn êquy và mười hai nghìn livres mà cậu kiếm được do bán các bài thuyết pháp, cậu có giàu có không? Cậu hãy trả lời thành thật đi.
- Tôi ấy à? Tôi nghèo xác xơ như thánh Job, và moi cả túi lẫn hòm ra, tôi chắc cậu cũng không thấy nổi một trăm pistol ở đây.
D Artagnan tự nhẩm thầm: Ghê chưa! Một trăm pistol hắn gọi như thế là nghèo xác như một thánh Job! Nếu như lúc nào mình cũng có được một số tiền như thế, mình sẽ thấy mình giàu sụ như Crésus. Rồi anh nói to:
- Cậu có tham vọng không?
- Như Enceladet(3)?
- Vậy thì, bạn ơi, tôi mang đến cho cậu cái thứ để cậu trở nên giàu có, hùng mạnh, và tự do làm bất cứ điều gì cậu muốn.
Một bóng mây thoáng qua trên trán Aramis nhanh như bóng mây trôi qua cánh đồng lúa tháng Tám, nhưng nhanh đến mấy, d Artagnan vẫn nhận thấy.
- Cậu nói đi. - Aramis bảo.
- Thêm một câu hỏi trước đã. Cậu có làm chính trị không?
Một tia chóp lóe lên trong đôi mắt Aramis cũng nhanh như bóng mây đã lướt qua trán anh, nhưng nhanh đến mấy cũng không lọt khỏi mắt d Artagnan.
- Không. - Aramis đáp.
- Thế mọi điều tôi đề ra đều hợp với cậu, bởi vì lúc này cậu không có chủ nào ngoài Thượng đế, - chàng Gascon cười nói.
- Có thể lắm.
- Aramis thân mến ơi, có khi nào cậu nhớ tới những chuỗi ngày đẹp đẽ thời thanh xuân mà chúng ta đã trải qua trong vui chơi, chè chén và choảng nhau không?
- Có chứ, chắc chắn như vậy, và nhiều lần tôi đã luyến tiếc nó. Đó là một thời sung sướng, delectabile tempus (2).
- Này, bạn ơi, những ngày tươi đẹp ấy có thể sống lại, cái thời sung sướng ấy có thể lại đến? Tôi lĩnh sứ mệnh đi tìm các bạn đồng đội của tôi, và tôi muốn bắt đầu từ cậu, cậu là linh hồn của cả đội.
Aramis cúi mình xuống, với vẻ lịch sự hơn là thân ái. Rồi anh nói bằng một giọng như sắp chết và vật mình ra ghế bành.
- Tôi lại tham gia vào chính trị ư? D Artagnan thân mến ơi, cậu xem tôi đang sống bình thường và thoải mải. Chúng ta đã từng nếm sự vong ân của các vị đại thần, cậu biết đấy!
- Đúng thế, - D Artagnan nói, - nhưng có thể các đại thần hối hận là đã vong ân.
- Trường hợp ấy lại là chuyện khác. Chà? Nhất tội nhất xá, vạn tội vạn xá. Vả chăng cậu có lý ở một điểm ấy là nếu lòng ham muốn xui chúng ta dây vào công việc quốc gia thì tôi nghĩ cũng đã đến lúc rồi đó.
- Làm thế nào mà cậu biết điều đó, vì cậu có quan tâm đến vấn đề chính trị đâu?
- Ô, lạy Chúa! - Aramis đáp. - Cá nhân tôi không làm chính trị, nhưng tôi sổng trong một thế giới mà người ta làm chính trị. Vừa trau dồi thi ca, vừa đeo đẳng tình ái, tôi kết thân với ông Sarazin là người của ông chủ giáo, vấ với ôngDe Bois - Robert, ông này nếu không là của ông giáo chủ de Richelieu thì không là của ai hoặc là của tất cả thiên hạ, tuỳ ý cậu, thành thử ra phong trào chính trị tôi không quên bẵng hẳn.
- Tôi hoài nghi đấy, - D Artagnan nói.
- Hơn nữa, anh bạn thân mến ơi, - Aramis nói tiểp, - cậu chớ coi những điều tôi sắp nói với cậu là lời của một gã thầy tu ở ẩn, một kẻ nói như một tiếng vang, nhắc lại thuần tuý và đơn giản cái gì mà hắn nghe thấy. Tôi nghe nói trong lúc này giáo chủ Mazarin đang lo sốt vó về cung cách biểu diễn các vấn đề. Dường như ông ta không có được trong sự chỉ huy của mình tất cả niềm kính trọng mà ngày xưa người ta đã tỏ ra đối với ông ngáo ộp cũ - vị cố giáo chủ - mà cậu nhìn thấy chân dung đây này; bởi vì anh bạn ạ, muốn nói gì thì nói, phải thừa nhận rằng đó là một con người vĩ đại.
- Ý tôi không trái ý cậu về điều đó đâu, Aramis thân mến ạ, chính ông ta đã phong tôi làm trung uý.
- Ý kiến ban đầu của tôi là hoàn toàn ủng hộ ông giáo chủ hiện nay. Tôi tự nhủ rằng một vị tể tướng chẳng bao giờ được người ta yêu mến, nhưng với thiên tài mà người ta thừa nhận cho ông này, ông ta cuối cùng sẽ chiến thắng các kẻ thù của ông và làm cho người ta phải sợ hãi mình, điều đó theo tôi có lẽ còn tốt bằng mấy là làm cho người ta yêu mến mình.
D Artagnan gật đầu, vẻ như muốn nói rằng anh hoàn toàn tán thành cái phương châm đáng ngờ ấy.
- Ỷ kiến ban đầu của tôi là như vậy đấy, - Aramis nói, - nhưng vì tôi dốt đặc cán mai về tất cả những khoa ấy và vì cái tính nhún nhường mà tôi luôn tự nhận đặt ra cho tôi luật lệ là chớ có tin cậy vào sự suy xét của chính mình, cho nên tôi đã được thông tỏ. Vậy thì! Bạn thân mến ạ…
- Vậy thì, - Aramis nói tiếp - tôi cần phải sỉ nhục tính kiêu ngạo của tôi, tôi cần phải thú nhận rằng tôi đã lầm.
- Thật thế ư?
- Phải, tôi đã được thông tỏ, như đã nói với cậu, và đây là câu trả lời của nhiều người khác hẳn nhau về thị hiếu và tham vọng: ông de Mazarin không phải là một người thiên tài như tôi tưởng.
- Chà! - D Artagnan thốt lên.
- Không. Đó là một con người vô giá trị, trước là người hầu của giáo chủ Bentivoglio, tiến phát bằng âm mưu, một kẻ bạo đạt, một kẻ vô danh, hắn sẽ chỉ làm ở Pháp một con đường đảng phái. Hắn sẽ tích luỹ hàng đống tiền vàng, xoay thả cửa hoa lợi của nhà vua, sẽ chi cho riêng mình tất cả những trợ cấp mà cố giáo chủ de Richelieu chi cho thiên hạ, nhưng hắn sẽ chẳng bao giờ cai trị bằng pháp luật của kẻ mạnh nhất, của người vĩ đại nhất. Ngoài ra hình như vị tể tướng ấy chẳng phải nhà quý tộc cả phong cách lẫn tâm địa. Đó chỉ là một thứ thằng hề, một thứ Pulcinello, một thứ Pantalon (5). Cậu có biết rõ hắn không? Tôi, tôi không biết hắn.
- Hừ! – d Artagnan nói. - Điều cậu vừa nói cũng đúng một phần nào đấy.
- Chao ôi! Cậu làm cho tôi hãnh diện quá, bạn thân mến ạ, nhờ chút thông tuệ tầm thường mà tôi vốn có, tôi có thể tương ngộ với một người như cậu đang sống ở triều đình.
- Nhưng cậu chỉ mới nói với tôi về cá nhân ông giáo chủ chứ chưa nói về phe phái và những nguồn lực lượng của ông ta.
- Đúng đấy. Ông ta có hoàng hậu theo ông ta.
- Tôi thấy đó là một cái gì đáng kể đấy.
- Nhưng ông ta không có được nhà vua.
- Một đứa bé ấy mà!
- Một đứa bé sẽ trưởng thành trong bốn năm.
- Nói hiện tại ấy chứ!
- Ừ, thì chưa phải tương lai, ngay hiện tại, ông ta không có cả nghị viện lẫn dân chúng, nghĩa là tiền bạc; ông ta không có cả giới quý tộc lẫn các vị hoàng thân, nghĩa là thanh gươm.
D Artagnan gãi tai, anh buộc phải thú nhận rằng điều Aramis suy nghĩ không những nhìn xa trông rộng mà còn đúng đắn nữa.
- Này, anh bạn tội nghiệp của tôi ơi, nếu như tôi vẫn được trời phú cho chút mẫn tiệp thông thường, tôi sẽ nói với cậu rằng có lẽ tôi đã lầm khi nói chuyện với cậu một cách cởi mở như vậy, bởi vì cậu, cậu có vẻ nghiêng về phía Mazarin.
- Tôi ấy à! - D Artagnan kêu lên. - Tôi ấy à Aramis? Không hề, không một chút nào cả.
- Cậu đã chẳng nói về sứ mệnh là gì?
- Tôi đã nói về sứ mệnh ư? Thế thì tôi nhầm đấy. Tôi tự nhủ với mình giống như cậu nói: kìa xem các công chuyện đang rối rắm cả lên. Vậy thì ta hãy ném chiếc lông chim theo gió, gió cuốn theo chiều nào thì ta đi về đó và chúng ta sống lại cuộc đời phiêu lưu. Chúng ta đã là bốn hiệp sĩ dũng cảm, bốn trái tim thân thương gắn bó; nay ta lại gắn bó không những bốn trái tim chưa hề bao giờ xa cách, mà cả vận hạnh và lòng quả cảm của chúng ta nữa. Thời cơ rất tốt để đoạt lấy một cái gì quý giá hơn cả một báu vật kim cương.
- D Artagnan ơi, cậu nói chí lý, bao giờ cũng chí lý, mà bằng chứng là tôi có cùng một ýghĩ như cậu, song le đối với tôi là người không có cái tr tưởng tượng sôi nổi và phong phú như cậu, ý nghĩ ấy đã khơi gợi cho tôi rằng: ngày nay tất cả mọi người đều rất cần nhưng phụ tá; người ta đã đưa ra với tôi nhưng đề ghị trong đó toát ra một cái gì đó như những chuyện chọc trời khuấy nước của chúng ta ngày xưa, và tôi xin thẳng thắn thú nhận với cậu là ông chủ giáo đã cho mọi người nói với tôi như vậy.
- Ông de Gondy, kẻ thù của giáo chủ ấy à? - D Artagnan kêu lên.
- Không, bạn của nhà vua, - Aramis nói, - bạn của nhà vua, cậu hiểu chưa! Này nhé, vấn đề là phụng sự Đức vua, đó là bốn phận của người quý tộc.
Nhưng bạn thân mến ơi, vua lại đi cùng với ông Mazarin.
- Trên thực tế chứ không phải tự nguyện, bề ngoài chứ không phải thật tâm, và đó chính là cái bẫy mà những kẻ thù của vua giăng ra với cậu bé.
- Ra thế! Nhưng đó là một sự thật, là một cuộc nội chiến mà cậu đề xuất với tôi đấy, Aramis thân mến ạ.
- Cuộc chiến tranh vì nhà vua.
- Nhưng nhà vua sẽ đứng đầu quân đội trong đó có Mazarin.
- Nhưng nhà vua sẽ một lòng với quân đội do ông de Beaufort chỉ huy.
- Ông de Beaufort ư? Ông ấy đang bị giam giữ ở Vincennes.
- Tôi đã nói Beaufort à? - Aramis nói, - Ông de Beaufort hoặc một người khác, ông de Beaufort hoặc ngài Hoàng thân(6).
- Nhưng Hoàng thân sắp đi đến quân đội, ông ấy hoàn toàn cùng cánh với ông giáo chủ.
- Hề, hề! - Aramis cười nói. - Họ có cùng nhau bàn luận một số công việc đúng vào lúc này. Nhưng với lại nếu không phải Hoàng thân thì sẽ là ông De Gondy…
- Nhưng ông De Gondy sắp thành giáo chủ rồi, người ta đang xin mũ cho ông ấy.
- Dễ thường không có những ông giáo chủ cực kỳ hiếu chiến đó sao? - Aramis nói. - Cậu thử nhìn quanh xem, bốn ông giáo chủ cầm đầu quân đội cũng ngang tài ông De Guébriant và ông De Gassion.
- Ồ, một ông tướng gù lưng.
- Mặc áo giáp vào thì chẳng ai nhìn thấy cái bướu. Hơn nữa, cậu hãy nhớ rằng Alexandre thọt chân và Annibal thì chột mắt.
- Cậu thấy có những lợi thế gì lớn trong phe phái ấy? - D Artagnan hỏi.
- Tôi thấy có sự che chở của những ông hoàng mạnh thế.
- Với sự cấm chỉ của chính phủ.
- Bị bác bỏ bởi các viện và những cuộc bạo loạn.
- Tất cả những cái đó có thể làm được, như cậu nói, nếu người ta thực hiện việc tách rời nhà vua khỏi mẹ.
- Có thể sẽ đạt được.
- Không bao giờ, - D Artagnan kêu lên, lần này anh trở lại niềm tin của mình. - Aramis bạn ạ, tôi xin hỏi cậu, cậu là người hiểu biết Anne d Autriche cũng rõ như tôi. Có bao giờ cậu tin hoàng hậu lại có thể quên rằng con trai bà là sự an toàn, là bảo chứng, là vị thủ thần của bà, của tài sản và cuộc đời bà không? Phải làm sao cho bà cùng với con bỏ Mazarin mà đi sang phía hoàng thân, nhưng cậu biết rõ hơn ai hết là có đâu những lý do mạnh mẽ để bà chẳng bao giờ bỏ ông ta đâu.
- Có thể cậu nói đúng, - Aramis trầm ngâm nói, - vì thế tôi sẽ không giao ước.
- Với họ, - D Artagnan nói, - nhưng còn với tôi.
Không với ai hết. Tôi là linh mục, làm chính trị để làm gì! Tôi không đọc một quyển sách kinh nào hết; tôi có một đám bạn bè nho nhỏ, mấy thằng cha tu viện trưởng hóm hỉnh và mấy phụ nữ kiều diễm; các công chuyện càng rối ren thì các vụ lẻn chơi càng ít bị tai tiếng; tôi chẳng cần dây vào những vụ kia mà mọi sự vẫn tuyệt diệu; này bạn thân mến ơi, dứt khoát ta sẽ không dây vào nữa đâu.
- Này, bạn thân mến ơi. - D Artagnan nói. - Thì cái triết lý của cậu làm tôi xiêu lòng, xin thề đấy, và chẳng biết cái con mòng tham vọng quỷ quái nào đã châm đốt tôi thế nhỉ? Tôi có một khoản trợ cấp đủ sống, ông de Treville tội nghiệp ấy già yếu rồi, khi nào ông chết tôi có thể trở thành đại uý; đó là một chiếc gậy thống chế cực oai đối với một thiếu sinh Gascogne và tôi cảm thấy mình gắn bó với cương vị của chiếc bánh đạm bạc nhưng là bữa hàng ngày. Đáng lẽ chạy theo những cuộc phiêu lưu, ôi dào? Tôi sẽ nhận lời mời của Porthos, sẽ đi săn trong vùng đất đai của cậu ấy, cậu biết rằng Porthos có đất đai chứ?
- Sao lại không? Tôi biết chứ. Mười dặm rừng, đầm lầy với thung lũng; cậu ấy là lãnh chúa của núi non và vùng đồng bằng, và cậu ta đang kiện cáo linh mục Noyon về những quyền thái ấp.
"Tốt - D Artagnan tự nhủ, - đó là điều ta cần biết; Porthos ở vùng Picardi".
Rồi anh nói to:
- Và cậu ta đã lấy lại cái tên cũ Du Vallon rồi chứ?
- Còn thêm vào đó tên Bracieux, một khoảnh đất đã được phong nam tước, nói thật đấy!
- Thành thử chúng ta sẽ thấy Porthos là nam tước.
- Tôi không hoài nghi. Bà nam tước Porthos thật tuyệt vời!
Hai người bạn cùng bật cười.
- Như vậy là, - D Artagnan nói tiếp, - cậu không muốn sang với Mazarin?
- Cậu cũng không muốn sang với các hoàng thân?
- Không. Chúng ta chẳng sang với ai cả, và chúng ta vẫn là bạn, chúng ta sẽ chẳng phải là phe giáo chủ, cũng chẳng là người Fronde.
- Phải đấy, - Aramis nói. - Chúng ta là ngự lâm quân.
- Với cả chiếc áo thầy dòng. - D Artagnan nói.
- Nhất là với chiếc áo thầy dòng! - Aramis kêu lên. - Có thế mới duyên dáng.
- Vậy thì xin từ biệt nhé, - D Artagnan nói.
- Tôi không dám giữ cậu, bạn thân mến ạ, vi tôi không biết sẽ để cậu nằm ở đâu, mà tôi không thể thất thố mời cậu chia sẻ một nửa cái nhà kho với Planchet được - Với lại đây cách Paris không đầy ba dặm; ngựa nghẽo nghỉ ngơi rồi, và chỉ độ non một tiếng đồng hồ là tôi sẽ về đến nhà.
- Và d Artagnan rót cho mình một cốc rượu vang cuối cùng.
Chúc mừng thời xưa của chúng ta. " Anh nói.
- Đồng ý, - Aramis nói, tiếc thay đó là một thời đã qua "fugit irreparabile tempus…"(7)
- Ô hay, - D Artagnan nói. - Có thể trở lại. Dù sao, nếu cậu cần đến tôi, xin cứ đến phố Ticơton, khách sạn "Con dê cái nhỏ".
- Còn tôi, ở tu viện thày dòng Jésuites: từ sáu giờ sáng đến tám giờ tối qua lối cửa chính, từ tám giờ tối đến sảu giờ sáng, qua lổi cửa sổ.
- Từ biệt bạn thân mến.
- Ồ! Tôi không từ giã cậu như vậy, để tôi đưa cậu đi.
Và Aramis lấy gươm và áo choàng.
D Artagnan tự nhủ thầm: "Cậu ấy muốn chắc chắn là ta đi thật".
Aramis huýt sáo gọi Bazin, nhưng Bazin ngủ ở tiền sảnh trên đống thức ăn thừa của buổi tối, và Aramis buộc phải lắc tai bác để đánh thức dậy.
Bazin dang tay ra, dụi mắt và định ngủ tiếp.
- Này, này, ông trạng ngủ, lấy thang ra mau lên.
Bazin vừa ngáp đến trật quai hàm vừa nói:
- Cái thang vẫn để ở cửa sổ.
- Cái khác vậy, cái thang của bác làm vườn ấy, bác không thấy là d Artagnan lên thang đã khó, xuống thang còn khó hơn ấy à?
D Artagnan sắp bảo Aramis rằng anh xuống rất thạo thì một ý nghĩ chợt đến làm anh im bặt.
Bazin thở dài đánh thượt một cái và ra đi tìm thang. Lát sau, một cái thang gỗ tốt và chắc chắn đã được đặt dựa vào cửa sổ.
- Thế chứ, - D Artagnan nói - cái gọi là một phương tiện giao thông? Một phụ nữ có lẽ trèo được một cái thang như thế này đấy nhỉ.
Một cái nhìn sắc như dao của Aramis như muốn tìm kiếm ý nghĩ của bạn mình thấu tận đến đáy lòng, nhưng d Artagnan chịu đựng cái nhìn ấy với vẻ thật thà tuyệt diệu.
Vả lại vừa lúc ấy anh đặt chân lên bậc thang đầu tiên và bước xuống.
Lát sau anh tới đất. Còn Bazin đứng ở cửa sổ.
Aramis bảo bác:
- Cứ ở đấy, tôi về ngay.
Hai người lần đến nhà kho, gần tới nơi thấy Planchet đi ra dắt theo hai con ngựa.
- Vừa hay - Aramis nói, thật là một tên hầu năng nổ và chu đáo, chẳng như cái gã lười Bazin, không còn được tích sự gì khi là người nhà thờ. Planchet, đi theo chúng tôi, chúng ta vừa đi vừa trò chuyện đến tận đầu làng.
Quả vậy, hai người đi qua suốt làng, nói những chuyện bâng quơ rồi khi đến mấy ngôi nhà cuối cùng, Aramis nói:
- Thôi, đi nhé, bạn thân mến, cứ theo cái nghề của cậu, vận may đang cười với cậu đấy, đừng có để vuột mất; nên nhớ rằng vận may là một cô gái giang hồ và nên đối xử cho thích hợp; còn về phần tôi, tôi an phận trong cảnh hèn mọn vả trong tính lười nhác của tôi, xin vĩnh biệt!
- Thế là dứt khoát hẳn đấy à!- D Artagnan nói. - Điều tôi đề nghị với cậu không hợp ý cậu ư?
- Trái lại, rât hợp ý tôi. - Aramis nói, - nếu như tôi là một người giống như người khác. Nhưng, tôi xin nhắc lại, thật ra tôi là một hỗn hợp những mâu thuẫn: điều hôm nay tôi ghét, ngày mai tôi sẽ tôn thờ và vice versa(8). Cậu thấy rõ tôi không thể hứa hẹn như cậu chẳng hạn, với những ý nghĩ định đoạt hẳn hoi.
"Tào lao, đồ thâm hiểm, - D Artagnan tự nhủ thầm, - trái lại mi là người duy nhất biết chọn lấy một mục đích và đi tới đó một cách thầm lặng"
- Thôi, vĩnh biệt nhé, bạn thân mến, - Aramis nói, - và cảm ơn về nhưng ý đồ tuyệt diệu của cậu, và nhất là về những kỷ niệm tốt đẹp mà sự hiện diện của cậu đã làm thức tỉnh trong tôi.
Họ ôm hôn nhau. Planchet đã lên ngựa. D Artagnan trèo lên yên, rồi họ còn siết tay nhau lần nữa. Hai kỵ sĩ thúc ngựa và rời xa về phía Paris.
Aramis vẫn đứng yên lặng giữa lòng đường cho đến lúc hai người mất hút.
Nhưng đi được độ hai trăm bước, d Artagnan dừng phắt lại, nhẩy xuống đất, ném cương ngựa vào tay Planchet, rồi lấy mấy khẩu súng ngắn ở bao yên ngựa giắt vào thắt lưng mình.
- Ông ơi, ông làm gì thế? - Planchet hốt hoảng nói.
- Dù cho hắn có xảo quyệt đến mấy đi nữa, - d Artagnan nói, - tôi cũng làm cho người ta không thể bảo rằng tôi đã mắc lừa hắn. Cậu ở đây và chớ có động đậy; nhưng cậu hãy nép xuống vệ đường và đợi tôi nhé
Nói xong d Artagnan băng mình sang bên kia đường hào chạy men theo đường cái, đâm thẳng qua cánh đồng để vòng quanh làng.
Trước đó anh đã trông thấy một khoảng trống chỉ có một hàng rào che nằm giữa ngôi nhà bà de Longueville và tư viện Jésuites.
Một giờ trước đó có lẽ khó mà tìm lại hàng rào, nhưng trăng vừa mới mọc, và dù rằng chốc chốc lại bị mây che phủ, ngay trong lúc tối tăm, người ta vẫn có thể trông rõ và tìm lại đường đi.
D Artagnan bèn đi tới hàng rào và nấp mình sau đó. Khi đi qua trước ngôi nhà nơi đã xảy ra cuộc xung đột mà chúng tôi đã kể trên, anh nhận ra vẫn cái cửa sổ lúc này lại sáng lên, anh tin rằng Aramis chưa trở về nhà mình, và khi nào trở về, anh sẽ không về một mình.
Quả nhiên, một lát sau anh nghe thấy tiếng những bước chân đi tới gần và hình như có cả tiếng nói chuyện rầm rì.
Tới đầu hàng rào, những bước chân dừng lại.
D Artagnan quỳ một đầu gối xuống đất, tìm chỗ nào dày nhất để nấp.
Vừa lúc đó hai người đàn ông xuất hiện trước sự kinh ngạc hết sức của d Artagnan. Nhưng nỗi ngạc nhiên của anh đã tan biến khi nghe thấy một giọng nói dịu dàng, du dương, một trong hai người đàn ông ấy là đàn bà cải trang làm kỵ sĩ.
- Cứ yên tâm, ông René thân yêu của tôi, - giọng dịu dàng nói - Việc như thế sẽ không diễn lại nữa đâu; tôi đã phát hiện ra một đường hầm đi qua dưới mặt đường phố và chúng ta chỉ có việc nhấc một trong những viên đá lật ở ngay trước cửa nhà để mở một lối ra cho ông.
- Ồ thưa bà quận chúa, - một giọng khác cất lên và d Artagnan nhận ra là của Aramis - tôi xin thề với bà rằng nếu như danh tiếng của chúng ta không phụ thuộc vào tất cả những thứ không đề phòng ấy và tôi chỉ mạo hiểm có tính mạng của tôi thôi…
- Phải, phải, tôi biết, ông dũng cảm và phiêu lưu như một người thuộc xã hội thượng lưu phải thế; nhưng ông không phải chỉ thuộc về một mình tôi đâu, mà ông còn thuộc về tất cả đảng của chúng ta. Vậy ông nên thận trọng, nên khôn ngoan.
- Thưa bà, - Aramis nói, - bao giờ tôi cũng tuân theo khi người ta biết ra lệnh cho tôi bẳng một lệnh ngọt ngào đến thế.
Anh cầm lấy tay bà ta mà hôn âu yếm.
- Ấy? Người kỵ sĩ có giọng dịu dàng kêu lên.
- Sao vậy? - Aramis hỏi.
- Thế ông không trông thấy gió thổi tung mũ của tôi ư?
Và Aramis băng mình theo chiếc mũ bay đi. D Artagnan lợi dụng hoàn cảnh ấy tìm một chỗ rào thưa thớt để có thể nhận rõ người kỵ sĩ khả nghi. Đúng lúc ấy trăng có lẽ tò mò như viên sĩ quan chui ra khỏi mây và nhờ ánh sáng tọc mạch ấy, d Artagnan nhận ra cặp mắt to xanh biếc, mớ tóc vàng óng và mái đầu thanh cao của bà công tước De Longueville.
Aramis tươi cười trở lại một cái mũ trên đầu và một cái mũ cầm tay, và cả hai tiếp tục đi về phía tu viện thầy dòng Jésuites.
D Artagnan vừa đứng lên vừa phủi quần vừa nói: "Hay lắm, bây giờ ta nắm được cu cậu rồi, cu cậu là frondeur và là tình nhân của bà De Longueville".
Chú thích:
(1) Người Gascogne có tính huênh hoang, liều lĩnh.
(2) Crésus - vua xứ Liđi (Tiểu Á) thế kỳ thứ sáu trước Công nguyên, nổi tiếng giàu có, người ta đồn là do khlai thác cát có vàng ở sông Păcton.
(3) Ăngxơiat theo thần thoại Hy Lạp, một trong những người khổng lồ đã công kích núi Ôlempơ nơi trú ngụ của các vị thần.
(4) Thần khoái lạc. (Tiếng La-tinh).
(5) Tên những vai hề và múa rối của sân khấu.
(6) chỉ Hoàng thân de Condé.
(7) Thời gian qua không trở lại (Tiếng La-tinh)
(8) Ngược lại (Tiếng La-tinh).