Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> VH Cổ Điển Nước Ngoài >> Hai mươi năm sau

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 106527 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Hai mươi năm sau
Alexandre Dumas

Chương 67

Ngày hôm sau một toán lính gác đông đảo dẫn Charles I đến trước toà thượng thẩm để xử án. Dân chúng tràn vào các phố và các ngôi nhà giáp toà án.
 Cho nên vừa mới bước đi, bốn người bạn đã bị ngăn lại bởi bức tường sống hầu như không thể vượt qua ấy. Vài người trong đám dân chúng xô đẩy Aramis rất dữ dội, đến nỗi Porthos phải giơ nắm đấm ghê gớm của anh lên và giáng xuống khuôn mặt trắng bột của một gã làm bánh, nó lập tức thay đổi màu và nhuốm đầy máu, như giập nát  một chùm nho chín. Việc đó gây ra náo động; ba người định xông vào Porthos, nhưng hai người bị Aramis và d Artagnan gạt ra, còn người thứ ba bị Porthos ném qua đầu. Mấy người Anh ham mê võ thuật rất phục cách đánh nhanh chóng và dễ dàng ấy và vỗ tay. Thế là Porthos và các bạn mình lúc đầu sợ bị đám đông đánh chết, suýt nữa thì được hoan hỉ chúc mừng. Nhưng bốn lữ khách của chúng ta sợ bất cứ cái gì có thể làm lộ họ, nên cố thoát ra khỏi sự hoan hô. Tuy nhiên nhờ cuộc biểu diễn sức mạnh Hecquyn ấy(1) họ giành được một điều, đó là đám đông dãn ra trước họ và họ đạt tới kết quả đó một bức tường như không thể thực hiện được, tức là tới được toà xử án.
Tất cả London chen chúc nhau ở cửa các khán đài. Cho nên khi bốn người bạn lách được vào một khán đài thì đã thấy ba hàng ghế đầu hết chỗ. Đối với những người không muốn mình bị nhận ra thì đó chỉ là một nửa điều không may thôi. Họ bèn đến ngổi ở phía dưới, rất hài lòng là đã tới được đây, trừ Porthos vì muốn khoe cái áo chẽn đó và đôi giày xanh, nên cứ tiếc là không được ngồi ở hàng ghế đầu.
Các ghế bố trí theo kiểu vòng cung từ thấp lên cao, nên từ chỗ ngồi của mình, bốn người bạn bao quát tất cả cử toạ. Do tình cờ mà các anh vào đúng khán đài ở giữa và ngồi đúng trước mặt cái ghế bành dành cho Charles I.
Khoảng mười một giờ sáng, vua xuất hiện ở cửa phòng. Ông đi vào giữa đám lính gác, nhưng vẫn đội mũ, vẻ mặt điểm tĩnh và đưa mắt nhìn một cách  cương quyết khắp mọi phía y như ông đến chủ trì một cuộc họp các quần thần chịu khuất phục, chứ không phải để trả lời những điều buộc tội của một triều đình phản loạn.
Các quan toà hãnh diện vì có một ông vua để làm nhục, rành rành đang sử dụng cái quyền mà chính họ đã tước đoạt. Cho nên một quan toà đến bảo Charles I rằng theo tục lệ bị cáo phải bỏ mũ ra trước mặt hắn.
Chẳng nói chẳng rằng, Charles ấn sâu mũ xuống đầu và quay đi chỗ khác, rồi khi các quan toà rời đi, ông ngồi xuống cái ghế bành đã để sẵn trước mặt chánh án, và ông vụt vào đôi giày của mình bằng một cái que cầm ở tay.
Parry vẫn đi theo ông, đứng ở phía sau.
Đáng lẽ xem những nghi thức ấy thì d Artagnan nhìn Arthos; gương mặt Arthos phản chiếu tất cả những sự xúc động của nhà vua mà chính vua do cố sức tự kiềm chế đã xua đuổi khỏi gương mặt mình. Nỗi xao xuyến ấy của Arthos, con người lạnh lùng và điềm tĩnh, khiến anh hãi hùng, Anh ghé tai bạn và nói:
- Tôi hy vọng rằng anh noi gương Hoàng thượng và chớ để mình bị giết một cách dại dột ở trong cái cũi này.
- Yên trí, - Arthos đáp.
- A, a? - D Artagnan nói, - Hình như người ta lo sợ một cái gì vì xem này, các điểm gác tăng gấp đôi, trước chỉ có gươm giáo, nay có cả súng ống nữa. Bây giờ có vũ khí cho tất cả mọi người: gươm giáo đối với những thính giả ở dưới sàn, súng ống dành cho chúng ta.
- Ba mươi, bốn mươi, năm mươi, bây mươi…, - Porthos lẩm bẩm đếm những lính mới đến.
- Ê, Porthos, cậu quên viên sĩ quan à, - Aramis nói, hình như hắn cũng đáng được đếm đấy chứ!
- Ôi cha, - D Artagnan thốt lên. Và anh tức giận tái người đi, vì nhận ra Mordaunt, gươm tuốt trần, dẫn toán lính ngự lâm đứng sau nhà vua, nghĩa là trước mặt khán đài.
- Liệu hắn có nhận ra chúng ta không? - D Artagnan nói.
Trường hợp hắn nhận ra, thì tôi sẽ đánh để rút lui ngay. Tôi chẳng thích để người ta áp đặt cho tôi một kiểu chết đâu. Tôi rất muốn chết theo cách mình chọn. Mà tôi thì không chọn cách được bắn chết trong một nhà ngục.
- Không, hắn không nhìn thấy chúng ta đâu, - Aramis nói. - Hắn chỉ nhìn vua thôi. Hắn đang nhìn vua bằng con mắt thật ghê gớm , đúng là một thằng láo xược. Liệu nó có thù ghét hoàng thượng bằng thù ghét chúng ta không?
- Mẹ kiếp, - Arthos nói, - Chúng ta chỉ tước mất mẹ nó, còn vua đã tước cả tên họ và tài sản của nó rồi còn gì.
- Đúng đấy, - Aramis nói - Nhưng hãy yên lặng nào? Ông chánh án đang nói với vua.
Thật vậy ông chánh án Bradshaw gọi kẻ bị cáo uy nghi và nói:
- Stuart, ông hãy nghe điểm danh các vị thẩm phán và nếu có ý kiến gì thì trình bày với toà.
Như thể những lời ấy chẳng phải nói với mình, nhà vua quay đầu ra chỗ khác.
Viên chánh án chờ đợi và do chẳng có câu trả lời nào đáp lại, nên đợi một khoảnh khắc trong im lặng.
Trong số một trăm sáu mươi ba uỷ viên được chỉ định, chỉ có bảy mươi ba người có thể đáp lại cuộc điểm danh, những người khác sợ hãi bị đồng loã với một hành động như vậy nên tránh mặt.
Không tỏ ra chú ý đến sự vắng mặt của ba phần năm số uỷ viên, ông chánh án nói:
- Tôi tiến hành điểm danh.
Và ông lần lượt đọc tên những uỷ viên có mặt và vắng mặt những người có mặt đáp lại bằng một giọng mạnh mẽ hoặc yếu ớt, tuỳ theo họ có can đảm hay không về quan niệm của mình. Lại có một khoảnh khắc  im lặng ngắn ngủi tiếp sau tên những người vắng mặt được nhắc lại hai lần.
Tên của đại tá Fairfaxc cũng được tiếp theo bằng một khoảnh khắc im lặng nhưng rất trang trọng, nó tố giác sự vắng mặt của những người không muốn cá nhân mình tham gia vào cuộc xét xử này.
- Đại tá Fairfaxc có không? - Bradshaw nhắc lại.
- Fairfaxc à? - Một tiếng nói giễu cợt đáp lại, qua giọng kim ấy, người ta nhận ra là giọng một phụ nữ, - Ông ta quá là khôn ngoan để có mặt ở đây.
Một trận cười vang lên tiếp đón những câu nói ấy thốt ra với sự táo bạo mà nhưng người phụ nữ rút ra từ chính sự yếu đuối của họ, sự yếu đuối ấy tránh cho họ mọi sự trả thù.
- A, tiếng nói của một phụ nữ, - Aramis kêu lên. - Thực tình tôi sẵn sàng cho đi rất nhiều để nàng ta sẽ trẻ trung và xinh đẹp.
Và anh trèo lên bậc để cố nhìn xem tiếng nói ấy từ đâu phát ra.
- Xin thề là nàng ta kiều diễm thật! Xem này d Artagnan, mọi người đều nhìn bà ta, và mặc dầu cái nhìn của Bradshaw, bà ta chẳng tái mặt đi.
- Thì chính là Fairfaxc phu nhân đấy, - D Artagnan nói, - Porthos, cậu có nhớ không? Chúng ta đã gặp bà ta cùng chồng ở nhà tướng Cromwell.
Sự yên tĩnh do sụ việc khác lạ đó làm rộn lên một lát lại trở lại và việc điểm danh tiếp tục.
- Bọn kỳ quặc này sắp bế mạc phiên họp đấy, khi nhận thấy không đủ số người cần thiết, - Bá tước de La Fère nói.
- Arthos anh không hiểu rõ họ đâu, - D Artagnan nói. - Hãy chú ý cái cười của Mordaunt, hãy xem nó nhìn vua kia. Đó là một cái nhìn của một kẻ sợ nạn nhân của hắn trốn thoát chăng? Không, không, đó là cái cười của nỗi hằn thù được thoả mãn, của lòng phục thù chắc chắn được toại nguyện. A, con mãng xà độc địa này(2), ngày nào mà ta được chọi nhau với mi chỉ bằng mắt thôi cũng đã là một ngày sung sướng đối với ta.
- Vua trông đẹp thật! - Porthos nói, - và xem kìa, là tù binh mà ông ta vẫn ăn vận chính tề. Cái lông cài mũ của ông ta cũng đáng giá ít ra là năm mươi pistol, Aramis nhìn xem!
Cuộc điểm danh xong, ông chánh án ra lệnh chuyển sang bản buộc tội.
Arthos tái mặt, anh lại sai lầm một lần nữa trong sự chờ đợi. Mặc dầu các thẩm phán không đủ số người, việc xử án vẫn tiến hành, như vậy là nhà vua bị kết án từ trước.
D Artagnan nhún vai bảo Arthos:
- Tôi đã nói với anh rồi mà. Nhưng anh vẫn hoài nghi. Bây giờ anh hãy giơ cả hai tay ra mà giữ chắc lấy lòng can đảm của mình và lắng nghe, đừng có thất vọng những việc ghê gớm nho nhỏ mà cái ông mặc áo đen kia sắp nói về vua của mình với đặc quyền đặc lợi ấy. Thật vậy, chưa bao giờ người ta làm nhục vẻ tôn nghiêm vương giả bằng sự buộc tội độc ác hơn, bằng những lời chửi rủa hèn hạ hơn, bằng điều công kích đẫm máu hơn. Cho đến đây, người ta sẵn lòng ám hại các ông vua, nhưng người ta có lăng nhục thì cũng chỉ là lăng nhục những thi hài của họ mà thôi.
Charles I lắng nghe bài diễn văn của kẻ buộc tội với một sự chú ý đặc biệt, cho qua những lời chửi rủa, giữ lại những điều bất bình, và khi nỗi hằn thù quá tràn trề, khi kẻ buộc tội tự nhận trước làm đao phủ, vua chỉ đáp lại bằng một nụ cười khinh bỉ. Kết thúc thì đó là một bản cáo buộc chủ yếu và ghê gớm, trong đó vua tìm thấy tất cả những điều khinh suất của mình biến thành một âm mưu, những lỗi lầm của mình biến thành một âm mưu, những lỗi lầm của mình biến thành trọng tội.
D Artagnan để mặc dòng thác chửi rủa ấy trôi đi với niềm khinh thị xứng đáng với nó, anh chỉ dùng hết cái trí xét đoán đúng đắn của mình ở vài ba điều cáo buộc của kẻ buộc tội.
- Sự thật là, - Anh nói, - Nếu người ta trừng phạt vua về tội thiếu thận trọng và nhẹ dạ thì cũng là xứng đáng; nhưng hình như cái hình phạt mà ông phải chịu đựng lúc này đây mới thật là tàn nhẫn.
- Trong mọi trường hợp, - Aramis nói, - Hình phạt không nhằm vào vua mà vào các tể tướng, bởi vì điều luật đầu tiên của hiến pháp là: Vua không thể sai lầm.
Porthos chỉ nhìn Mordaunt và chỉ quan tâm đến hắn. Anh thầm nghĩ:
"Đối với ta, nếu chỉ để làm rối loạn vẻ trang nghiêm của tình hình, ta sẽ nhảy từ khán đài xuống dưới kia, bằng ba bước nhảy ta sẽ chồm vào Mordaunt và bóp cổ hắn, ta sẽ cầm hai cẳng hắn mà quật chết tất cả lũ ngự lâm quân xấu xa kia chúng học đòi ngự lâm quân Pháp. Trong khi ấy d Artagnan vốn giàu trí xảo và ứng phó kịp thời có lẽ sẽ tìm ra một kế cứu vua. Ta cần nói điều này với cậu ta".
Còn Arthos, mặt nóng bừng, hai nắm tay quặp lại, môi ứa máu vì răng cẳn phải, người đẫm mồ hôi, anh tức giận về điều lăng nhục của nghị viện và sự nhẫn nại bền bỉ của vua chúa; và cánh tay vững vàng ấy, trái tim không hề nao núng ấy đang biến thành một bàn tay run rẩy và một cơ thể gai rợn.
Vừa lúc ấy kẻ buộc tội kết thúc ban cáo trạng của mình bằng câu:
"Bản cảo trạng này do chúng tôi làm nhân danh nhân dân nước Anh".
Nghe câu đó có tiếng rì rầm ở các khán đài và giọng nói không phải của đàn bà mà là một giọng đàn ông, hùng mạnh và giận dữ, vang lên phía sau d Artagnan:
- Mày nói láo? Chín phần mười nhân dân Anh ghê tởm những điều mày nói.
Đó là tiếng nói của Arthos, anh không kiềm chế được mình, đứng lên giơ tay ra chất vấn kẻ buộc tội công khai.
Nghe tiếng nói ấy, vua, quan toà, khán giả tất cả mọi người quay lại nhìn phía khán đài có bốn người bạn ngồi, Mordaunt nhận ra nhà quí tộc và ba người Pháp cũng đứng dậy vẻ mặt tái đi và hăm doạ.
Mắt hắn rực sáng lên vì mừng rỡ, hắn vừa mới tìm được những người mà hắn đã mang cả cuộc đời mình ra để tìm kiếm và giết chết. Hắn tức giận vẫy hai chục lính ngự lâm đến gần và trỏ tay lên khán đài nơi có kẻ thù của mình, hắn quát:
- Bắn lên khán đài kìa!
Nhưng, nhanh như cắt, d Artagnan nắm lấy ngang mình Arthos, Porthos ôm lấy Aramis, lao vào các hành lang, nhảy bổ xuống các cầu thang và mất hút trong đám đông. Trong khi ấy, ở trong hội trường, những nòng súng hỏa mai giơ ra de doạ ba nghìn khán giả, họ hoảng sợ và kêu la ầm ĩ nên ngăn chặn được một cuộc tàn sát đã chuẩn bị.
Charles cũng nhận ra bốn người Pháp; một tay ông đặt lên ngực để nén những nhịp đập dồn dập của con tim, một tay che mắt để khỏi nhìn những người bạn trung thành của mình bị thảm sát.
Mặt Mordaunt tái đi và run lên vì tức giận, nhảy bổ ra khỏi gian phòng tay lăm lăm gươm trần cùng với mười kích thủ, sục sạo trong đám dân chúng, hỏi han, căn vặn thở hổn hển, rồi quay về mà chẳng tìm được ai cả.
Rối loạn khôn tả xiết. Hơn nửa giờ trôi qua mà nói chẳng ai nghe. Các quan toà tưởng như mỗi khán đài đều sẵn sàng vang lên như sấm. Các khán đài trông những mũi súng hướng về phía mình, vừa sợ hãi vừa tò mò cứ ồn ào và náo động lên .
Cuối cùng sự yên lặng được lặp lại.
Bradshaw hỏi vua:
- Ông có nói gì để tự bào chữa không?
 Thế là bằng giọng một quan toà chứ không phải của một bị cáo, Charles đứng lên không phải với vẻ hổ nhục mà với vẻ chế ngự, ông nói:
- Trước khi hỏi tôi, hãy trả lời tôi đã. Ở Newcastle tôi vẫn tự do, tôi đã ký một hiệp nghị với hai viện. Tôi đã thực hiện phần của tôi. Còn các ông đã mua tôi ở tay bọn Scotch, không đắt đâu, tôi biết, và điểu đó làm vinh dự cho nền kinh tế của chính phủ các ông. Nhưng mua tôi với cái giá của một tên nô lệ, các ông mong rằng tôi không còn là vua nữa chăng? Không đâu. Trả lời các ông là quên mất điều đó. Cho nên tôi chỉ trả lời các ông khi nào các ông đã xác minh được quyền chất vấn tôi. Trả lời các ông tức là thừa nhận các ông là quan toà, mà tôi chỉ thừa nhận các ông là đao phủ của tôi thôi.
Và giữa một sự im lặng chết chóc, Charles vẫn đội mũ bình tĩnh và kiêu kì, ngồi xuống ghế. Rồi với niềm kiêu hãnh, ông quay lại nhìn chỗ khán đài lúc nãy có mấy người Pháp xuất hiện và lầm bẩm:
- Tiếc rằng mấy người Pháp của mình không ở đây nữa? Họ sẽ thấy rằng người bạn của họ sống thì xứng đáng được bảo vệ, chết thì xứng đáng được than khóc.
Song ông đã uổng công dò tìm trong đám đông dày đặc và như cầu xin ở Thượng đế những sự mầu nhiệmr ngọt ngào và an ủi ấy. Ông chỉ nhìn thấy toàn những bộ mặt ngây dại và sợ sệt; ông cảm thấy mình đang đánh nhau với thù hằn và hung bạo.
Thấy Charles quyết định giữ thái độ im lặng đến cùng, ông chánh án nói:
- Thôi được! Mặc dù ông im lặng, chúng tôi vẫn xét xử ông. Ông bị buộc tội phản nghịch, lạm dụng quyền hành và ám sát. Những nhân chứng sẽ làm chứng. Một phiên toà sáp tới sẽ hoàn tất những gì mà ông không chịu làm trong phiên họp này.
Charles đứng dậy và quay lại trông thấy Parry mặt tái mét, thái dương đẫm mồ hôi.
- Ơ kìa? Parry thân mến, ngươi làm sao thế và vì cớ gì mà xúc động dữ vậy?
Nước mắt rưng rưng, giọng năn nỉ, Parry nói:
- Ôi thưa Hoàng thượng, khi ra khỏi phòng, xin ngài chớ nhìn sang bên trái.
- Tại sao thế. Parry?
- Ôi đức vua của tôi ơi, tôi van xin ngài đừng có nhìn.
Charles vừa cố nhìn qua hàng rào lính gác đứng sau mình vừa hỏi:
- Nhưng mà có cái gì cơ chứ? Nói đi.
- Có đấy ạ Nhưng mà ngài sẽ không nhìn chứ! Người ta đã đem đặt trên bàn cái lưỡi rìu mà người ta vẫn dùng để xử tội nhân. Trông cái đó thật là đáng sợ; ngài chớ có nhìn, tôi van ngài.
- Bọn ngu ngốc? - Charles nói, - Chúng nó tưởng ta cũng hèn nhát như chúng sao? Nhà ngươi đã báo trước cho ta như thế là tốt đấy, cảm ơn Parry.
Đã đến lúc phải rút lui, vua đi ra theo bọn lính.
Quả thật ở phía trái cổng lấp lánh ánh sáng ghê rợn của một tấm thảm đó trên đó đặt một lưỡi rìu sáng loáng có cán dài nhẵn bóng bởi bàn tay đao phủ.
Đến trước lưỡi rìu, Charles dừng lại và mỉm cười nói:
. - À !Thật là một lũ ngốc !  Dụng công và rất xứng đáng đối với những kẻ không biết thế nào là một nhà quý tộc .
Rồi lấy cái que mảnh dẻ cầm trong tay, ông vụt lên chiếc rìu và nói tiếp
 - Hỡi lưỡi rìu của đao phủ, mi chẳng khiến ta sợ hãi đâu; ta quất mi trong khi chờ đợi một cách kiên nhẫn và sùng tín rằng mi sẽ quật trả lại ta.
Rồi nhún vai với dáng ngạo mạn vương giả, ông tiếp tục đi, để lại những bộ mặt kinh ngạc của những kẻ xúm đông lại quanh chiếc bàn, để xem thái độ của vua ra sao, khi trông thấy cái lưỡi rìu nó sẽ chặt lìa cái đầu của mình ra khỏi cổ.
- Parry này, - Vua nói,
 - Xin Chúa tha tội! Thực ra tất cả lũ người ấy coi ta như một tên lái buôn bông Ấn Độ, chứ không phải một nhà quý tộc đã quen trông những gươm kiếm lấp lánh. Chắc rằng chúng nghĩ rằng ta không bằng một gã hàng thịt.
Vua ra đến cổng. Một đoàn người dài dằng đặc chạy đến; không kiếm được chỗ trên khán đài họ muốn ít ra cũng được thưởng thức đoạn cuối của quang cảnh đó mà phần thú vị nhất đã bị hụt. Đám người đông nghìn nghịt trong đó rải rác những bộ mặt hằm hè khiến vua buông một tiếng thở dài:
- Biết bao nhiêu là người, - Vua nghĩ, - Mà chẳng có lấy một người bạn tận tâm.
Ông vừa tự nhủ thầm với mình những lời hoài nghi và chán nản ấy thì bỗng nghe một giọng nói lẩm bẩm bên cạnh ông:
- Kính chào Hoàng thượng sa cơ!
Vua quay ngoắt lại, lệ tràn trong khóe mắt và trong tim.
Đó là một người lính già trong đội ngự vệ của ông không muốn trông thấy ông vua bị bắt của mình đi qua mà không dâng ông một kính lễ cuối cùng.
Nhưng cũng lúc ấy con người khốn khổ đó bị nện một chuỗi gươm xuống đầu ngã gục.
Trong số những kẻ giết người, nhà vua nhận ra đại uý Groslow.
- Chao ôi, - Charles nói, - Một hình phạt thật nặng nề đối với một lỗi thật nhỏ nhặt.
Rồi, lòng quặn đau, ông lại tiếp tục đi, nhưng chưa được trăm bước thì một kẻ hung hãn ghé đầu vào giữa hai tên lính áp giải và nhổ toẹt vào mặt vua, như xưa kia một tên Do Thái hèn mạt và xấu xa đã nhổ vào mặt Chúa Giêsu.
Những chuỗi cười hô hố và những tiếng rì rầm áo não đồng thời vang lên.
Đám đông lúc dãn ra, lúc cụm lại rập rờn như mặt biển trong cơn dông, và giữa làn sóng sống động ấy vua hình như trông thấy cặp mắt nảy lửa của Arthos. Charles chùi mặt và nói với một nụ cười buồn bã:
- Tên khốn kiếp! Cho nó một xu nào cũng sẽ làm như vậy đối với bố nó.
Vua không nhầm. Quả thậtông đã trông thấy Arthos và các bạn mình lại chen lấn vào đám dông và bằng cái nhìn cuối cùng hộ tống ông vua tuẫn nạn.
Khi người lính già chào Charles, Arthos vui mừng lắm; và khi người lính tội nghiệp ấy tỉnh lại, bác ta sẽ lấy mười đồng guinées của nhà quý tộc Pháp nhét vào túi bác. Nhưng lúc tên lăng mạ hèn nhát nhổ vào mặt vua, Arthos sờ tay vào cán dao găm. D Artagnan vội ngăn lại và nói bằng giọng khàn khàn:
- Khoan đã cậu!
Chưa bao giờ d Artagnan gọi Arthos hoặc bá tước de La Fère bằng cậu.
Arthos đứng lại.
D Artagnan tì vào tai Arthos và ra hiệu cho Porthos và Aramis cùng dừng lại. Rồi anh đến đứng đằng sau cái người tay để trần vẫn còn cười về các trò đùa đê tiện của hắn được mấy kẻ hung dữ khác khen ngợi
Người ấy đi về phía khu Cité, d Artagnan vẫn vịn vai Arthos đi theo hắn và ra hiệu cho Porthos và Aramis cùng đi.
Người để cánh tay trần trông giống như một kẻ mổ thịt, cùng với hai tên đồng bọn đi theo một phố dốc và hẻo lánh dẫn xuống bờ sông.
D Artagnan rời Arthos vả đi sau kẻ lăng mạ.
Tới bờ sông ba kẻ kia nhận thấy có người bám sát mình bèn dừng lại và vừa nhìn những người Pháp một cách xấc xược vừa trao đổi với nhau mấy lời giễu cợt.
- Arthos này, - D Artagnan nói, - Tôi không biết tiếng Anh, nhưng anh biết, vậy anh hãy làm thông ngôn cho.
Nói xong anh bước gấp lên và vượt qua ba người kia. Rồi quay ngoắt lại, d Artagnan bước thẳng đến trước mặt gã mổ thịt, hắn cũng dừng lại. Anh chỉ tay vào ngực hắn và nói với Arthos:
- Anh hãy nhắc lại với hắn câu này: "Mày là đồ hèn mạt. Mày đã lăng nhục một người không có tự vệ mày đã bôi bẩn mặt vua của mày, mày phải chết!…"
Arthos mặt tái nhợt và tay bị d Artagnan nắm chặt dịch lại những lời nói lạ lùng ấy cho gã kia nghe. Nhìn thấy những sự sửa soạn ghê gớm ấy và con mắt khủng khiếp của d Artagnan, hắn toan tự vệ Aramis bèn đặt tay lên thanh kiếm, nhưng d Artagnan bảo:
- Không dùng gươm kiếm, không dùng gươm kiếm! Gươm kiếm là để cho những nhà quý tộc.
Rồi túm lấy cổ gã mổ thịt, anh nói:
- Porthos, cậu hãy đập chết tên khốn nạn này hộ tôi bằng một cú đấm thôi.
Porthos vung cánh tay khủng khiếp của mình lên làm nó kêu rít trong không khí như một cánh ná và cả một khối nặng nề giáng xuống đầu tên hèn mạt đánh ịch một cái và đập vỡ sọ hắn.
Hắn đổ vật xuống như một con bò dưới một nhát búa tạ. Những tên đồng bọn muốn kêu, muốn chạy trốn, nhưng há miệng mà chẳng ra lời, đôi chân run rẩy như biến đâu mất.
- Arthos hãy nói với chúng điều này nữa, - D Artagnan bảo -
 "Sẽ chết như thế này tất cả những kẻ quên rằng một người bị xiềng xích là một người bất khả xâm phạm, một ông vua bị tù đầy thì hai lần thay mặt cho Chúa".
Arthos dịch lại lời d Artagnan.
Hai gã kia miệng câm như hến, tóc dựng ngược lên, nhìn cái xác của bạn chúng ngập trong những vũng máu đỏ ngầu. Rồi như lấy lại được tiếng nói và sức lực, chúng vừa chạy vừa kêu rú lên vừa chắp hai bàn tay lại.
- Công lý đã thực hiện! - Porthos lau trán và nói.
- Và bây giờ đây, - D Artagnan bảo Arthos,
- Anh đừng có nghi ngờ gì tôi và hãy yên trí, tôi sẽ đảm nhiệm mọi việc liên quan đến vua.
Chú thích:
(1) vị thần cực kỳ khỏe trong thần thoại Hy Lạp, đã hoàn thành mười hai kỳ tích
(2) Trong nguyên bản nói basilic là con rắn hoang đường chỉ bằng cái nhìn cũng đủ giết chết người ta.

<< Chương 66 | Chương 68 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 242

Return to top