Nhược Lan và Bội Dung đều nhập học trường Văn Khoa Đại Học Tinh Hoa, một học viện nổi danh tại Hương Cảng.
Ngoài ra để chóng tiến bộ về môn Anh Văn, Bội Dung được mẹ và cậu chấp nhận việc rước một giáo sư đến nhà kèm riêng.
Vị giáo sư nầy chẳng phải ai xa lạ, vốn là một trong các thầy ưu tú của nhà trường mà Bội Dung đang theo học. Ông đã ngoài ba mươi tuổi, dáng người thanh tú, trang nhã như cái tên của ông. Sương Quân.
Lẽ cố nhiên ngày nào Sương Quân giáo sư cũng đến tận nhà, chỉ dạy cho Bội Dung. Đã hơn một lần, giáo sư lấy làm bằng lòng gian phòng học của Bội Dung, giáo sư thành thật khen trước mặt Bội Dung:
- Phòng học nầy xinh xắn, thanh tĩnh lắm!
Được khen như thế, Bội Dung hãnh diện lắm. Cả người ngợi khen lẫn người hãnh diện, đều hữu lý. Vì quả nhiên gian phòng này vừa phải chỗ, vừa được trần thiết rất trang nhã.
Bội Dung kê thêm chiếc bàn học vừa vặn, kiểu đẹp, ngang bên khung cửa sổ.
Mỗi lần thầy trò vào buổi học, Sương Quân giáo sư ngồi chiếc ghế bên hữu và Bội Dung ngồi ở ghế tả bên đối diện.
Theo tân học nên Sương Quân giáo sư không chấp nhận nền nghi lễ nghiêm khắc bề ngoài mà cũng chẳng quá buông thả đến bừa bãi lố lăng.
Sương Quân giáo sư chỉ nghiêm vừa đủ cho người ta phải kính nể, nhưng cũng phải nẩy ra sự thân ái. Đó mới đúng là nghệ thuật giáo huấn. Ngày nay, giáo sư phải làm sao chỉ sinh viên chẳng những coi là thầy, mà còn xem như bằng hữu, như thế sư, học tập mới thoải mái, để gặt hái kết quả khả quan.
Vì bàn học đặt cạnh cửa sổ, nên lúc nào trước mặt thầy trò cũng sảng có một vuông trời: bất chợt nhìn ra song ngoại có thể biết trời đang nhiều hay ít mây, phù vân trôi vào hướng nào, và đàn én liệng dập dìu giữa không trung... Thơ mộng biết bao!
Có lẽ vì ngoại cảnh thơ mộng dường ấy, nên nhứt phen rồi lại nhị thứ, giữa giờ Sương Quân đang giảng bài, đột nhiên Bội Dung đưa mắt ra song ngoại reo:
- Kìa! thầy xem, thanh nhiên hồng vân tuyệt mỹ, như một bức tranh!
Lần thứ nhứt, thầy bỏ qua. Lần thứ hai, thầy hơi nhăn mày, lần thứ ba, thầy bật cười, nhưng tức khắc lập nghiêm ngay.
Đến nhiều lần quá, không biết trong đầu thầy nghĩ gì mà thầy thở dài, và từ từ xếp sách lại, Sương Quân bỗng cất giọng trang trọng:
- Bội Dung tiểu thư! Tôi cảm thấy dường như đã bất lực. Vậy kể từ nay, tôi xin chấm dứt việc giảng tập, ngay ngày mai tiểi thư có thể mời một giáo sư khác.
Bội Dung sửng sốt một chút rồi bình tĩnh lại ngay, hơi cúi gầm xuống, tiếng nói khẽ:
- Em xin lỗi đã làm thầy bực mình! Nhưng... dù sao, em cũng mong thầy hiểu cho em.
Sương Quân vẫn đè tay lên quyển sách:
- Hiểu Bội Dung ư? Tôi phải hiểu như thế nào nữa?
- Hay thầy vẫn coi em là một đứa học trò còn trẻ nít, nên thầy bực mình!
Thình lình bị hỏi ngược lại. Sương Quân còn chưa biết nên đối đáp làm sao cho thích ứng, thì Bội Dung lại tiếp lời, hết sức thành khẩn:
- Thưa thầy, em muốn được học hỏi tiến bộ và chỉ có thầy mới giúp em toại nguyện nếu thầy nhứt định không đến nữa, thì...
Nói đến đây Bội Dung nghẹn ngào và bỗng phục xuống bàn, bật khóc nức nở.
Nghe lòng mềm nhũn. Sương Quân lặng người một lúc, đoạn bước tối, đưa khăn tay lau nước mắt cho Bội Dung.
Trong khoảng khắc ấy, tựa hồ có một sức cuốn hút của ma điện, bất giác hai bàn tay chạm vào nhau.
Đúng hơn là Bội Dung nắm chặt lấy bàn tay Sương Quân và càng khóc nức nở hơn Sương Quân càng xốn xang tấc dạ, tự nhiên đặt nhẹ bàn tay trái còn lại lên vai Bội Dung.
Giữa khung trời song ngoại, mấy cách én bay lượn như quyện vào nhau...
Hôm sau và liên tục những hôm sau nữa Sương Quân vẫn đến như thường lệ. Và, đúng giờ mọi khi, trong thư phòng trên phòng lầu hai lại vang lên tiếng giảng bài.
Nghĩa là bên ngoài không có gì thay đổi.
Nhưng bên trong đã có sự thay đổi: sau buổi học, Sương Quân chưa vội về ngay như dạo trước, mà còn nán lại một đôi khắc.
Bây giờ thì khung trời song ngoại trở thành chứng nhân trước những phút lặng thinh của Sương Quân và Bội Dung. Hai người vẫn giữ nguyên sự ngăn cách bằng chiếc bàn nhỏ với hai ghế ngồi đối diện, trong khi hai bàn tay, bốn bàn tay, tìm nhau. Và đôi lúc, dưới gầm bàn, không biết vô tình hay hữu ý. Bội Dung dẫm trúng cả bàn chân lên chân Sương Quân, nhưng liền đó nàng rụt chân lại và cúi xuống, đôi má đỏ bừng.
Chỉ có ngần ấy, rồi Sương Quân đứng lên, cầm lấy quyển sách, cáo từ.
Bội Dung tiễn giáo sư ra tận cổng.
Những bước tiễn chân cũng lặng thinh như những phút vừa qua. Mãi đến khi lên xe và rồ máy rồi Sương Quân mới thốt:
- Tạm biệt!
Bội Dung tươi cười:
- Dạ, xin chúc thầy như ý.
- Chúc Bội Dung vui vẻ!
Xe lăn bánh, vút chạy, quẹo ra đại lộ nhập vào dòng thác xa mã đang đổ vào thành phố.
Một tay giữ lấy tay lái, một tay cầm thuốc hút, Sương Quân điều khiển chiếc xe bằng thói quen hơn là với ý thức, vì chàng cứ mãi loay hoay với câu hỏi chưa tự giải đáp được:
- Nên hay không, ta đã yêu thật chăng, hay vì thương hại?
Cùng lúc đó, Bội Dung đứng thẫn thờ một chập, cảm giác ngất ngây như ngấm say một chất men nồng.
Bỗng dưng nàng mường tượng có cái gì khác lạ, liền quay đầu lại nhìn về phía tả bên quãng đường đằng kia. Song, mắt nàng không thể lầm lẫn được: Phùng Vinh!
Không biết tại sao Phùng Vinh lại đỗ xe từ nơi ấy, rồi đi bộ, tiến lại. Cũng chẳng hiểu là chàng có trông thấy Bội Dung chưa mà tiến lại khá nhanh.
Một thoáng bàng hoàng dâng lên nhưng tắt ngay sau tiếng "ồ" kêu khẽ. Bội Dung vội khoa chân, chuyển động thân hình, lùi mau vào trong đóng sầm cửa lại.
Kế đó, nàng không theo còn đường trải sỏi từ cổng chạy vào nhà, mà lại men theo chân tường rào (xây theo kiểu cao và kín không cho người ở phía ngoài nhìn suốt vào trong được) Nàng thăn thoắt lẩn khuất vào khu hoa viên xum xuê bên hông biệt thự.
Nàng ngồi im dưới giàn hoa thiên lý, sau hòn non bộ thật lâu, mới rón rén tiến nhập cửa nghách, lên lầu chạy về thư phòng, khóa trái cửa lại. Bước tới chậu rửa mặt, nàng vặn nước chảy thật mạnh và cúi xuống, cho nước lạnh dội khắp mặt mũi, sau gáy, cốt tìm một sự tỉnh táo. Rồi, vừa lau mặt nàng vừa lẩm bẩm:
- Đến giờ này, dù có ghé, chắc cũng đã ra về...
Ngay lúc ấy chợt có tiếng gõ cửa.
Bội Dung giật mình đánh thót, định thần lắng nghe.
Một giọng trong trẻo vang lên từ bên ngoài:
- Cô! Cô ơi! Dậy đi thôi! ngủ đã lâu quá rồi.
- A Quế đấy hả, có chuyện gì đó?
- Thưa cô, đại tiểu thư bảo em lại xem cô có ở đâu không?
- À, chị Nhược Lan muốn tìm ta. Chi vậy A quế? Vừa nói Bội Dung vừa tiến ra mở cửa cho đứa tớ gái vào và hỏi tiếp:
- Chị Nhược Lan hiện ở đâu? Bảo kiếm ta làm gì? Có ai nữa không?
- Thưa cô, đại tiểu thư đang ở bên thư phòng một mình muốn vào gặp cô.
Bội Dung thở phào:
- À ra thế! Được để ta ra đó.
- Thưa cô, để em đi báo với đại tiểu thư.
Đứa tớ gái quay người dợm đi, Bội Dung bỗng vói tay giữ nó lại:
- Này, A Quế, tự nãy giờ có khách nào tới không?
- Thưa, để em nhớ coi... vì em ở miết nhà sau nên không rõ. À dường như có...
Bội Dung hỏi dồn:
- Ai vậy? Khách nào? Đàn ông hay đàn bà? Lúc khách đến có chị Nhược Lan đấy chớ?
- Dạ, dường như có hai vị khách, đều là nam giới cả. Khách chỉ gặp ông cậu
Lại thở phào lần nữa. Bội Dung buông đứa tới gái ra:
- Thôi, A Quế đi mời chị Nhược Lan đi.
Bội Dung chải chưa xong mái tóc thì Nhược Lan đã vào tới:
- Muội muội ơi! chị mới ghé đằng nhà Phùng Vinh rồi về thẳng đây.
Tim đập thình thịch, Bội Dung lấy lại giọng bình tĩnh:
- Thế à! có chi lạ không tỷ tỷ?
- Phùng Vinh đi vắng, chị chỉ được gặp dì Hai thôi. Người hỏi thăm muội nhiều lắm, nhắc mãi một câu: "sao chẳng thấy Bội Dung đến chơi"...
- Tỷ có biết Phùng Vinh đi đâu vắng không?
- Nghe dì Hai bảo Vinh đi thăm người chú Út, cũng đang ở tại Hương Cảng này.
Vừa ngừng, Nhược Lan sực nhớ điều gì. liền tiếp:
- À này, muội có biết không, về câu chuyện người chú Út Phùng Vinh, chị nghe dì Hai kể khá ly kỳ. Rằng, cậu ruột bên nội Phùng Vinh ngoài ông bác và bà cô ở Hương Cảng còn hai người chú xít xoát tuổi nhau vẫn du học Âu Châu từ lâu, cho nên Phùng Vinh chưa từng biết mặt hai chú ấy bao giờ. Cách nay mấy tháng, hai người chú đều thành tài nhưng chỉ có chú Út trở về Hương Cảng thôi. Về đây, nhưng ông ấy ở nhà riêng chớ không ngụ chung tại nhà ông anh cả, vĩ vậy, tuy Phùng Vinh từng tới lui nhà người Bác hoài song vẫn chưa có dịp hội diện người chú;. Trớ trêu thêm nữa là dù người chú ấy cũng từng đến thăm thân mẫu Phùng Vinh, mà mấy lần đều chẳng có Phùng Vinh ở nhà. Mới hồi đầu tuần nầy trong một cuộc hội thảo văn học, hai chú cháu cùng có dự nhưng chả ai biết ai, thành thử lúc thảo luận, hai chú cháu đã cãi nhau một trận nẩy lửa, sau đó mới biết nhau. Xem có buồn cười chưa?
Trong khi Nhược Lan kể một cách say sưa thì Bội Dung có vẻ hững hờ. Thấy vậy Nhược Lan nhắc khéo:
- Này, muội có hiểu tại sao chị nói chuyện vừa rồi hơi tỉ mỉ không? Chẳng qua là vì muội đấy. Bề gì trong tương lai muội cũng sẽ là con dâu của nhà họ Phùng. Vậy thì bây giờ nên biết càng nhiều càng tốt về Phùng gia, để mai kia mốt nọ sẽ khỏi bỡ ngỡ chứ!
Bội Dung miễn cưỡng gật đầu, nhưng hỏi lảng.
- Vừa rồi tỷ bảo rằng dì Hai hỏi sao em chẳng tới chơi, thế tỷ trả lời thế nào?
Nhược Lan cười:
- Khá đấy! dù sao cũng biết lo về bà mẹ chồng tương lai. Chả hề chi đâu, vì chị đã nói đỡ cho muội hết. Chị... tả oán rằng mấy lúc sau này muội cố học quá nên chẳng chịu đi đâu cả; hoặc giả lắm khi nhớ dì Hai, muốn đi thăm, nhưng rồi lại thôi, vì ngày càng lớn muội đâm ra mắc cở, nhút nhát chả ai bằng. Nghe qua, dì Hai gật gù, tỏ ra thông cảm, mến thương muội lắm.