Ngay từ khi thành lập chính phủ Mao luôn lớn tiếng chống Mỹ. Thậm chí Mao còn tố cáo chính sách sống chung hoà bình của điện Kreml là một nhượng bộ thua thiệt cho Mỹ.
Năm 1969 tổng thống Mỹ Nixon công khai bắn tiếng muốn phát triển quan hệ hữu nghị với Trung Quốc (TQ), Mao không thèm trả lời vì khi đó Mao còn nuôi tham vọng trở thành lãnh tụ khối thứ ba, thiết lập quan hệ với Mỹ sẽ làm hư hỏng hình tượng của Mao trong các quốc gia của khối này. Chỉ sau đó 1 năm Mao thấy rằng chủ nghĩa Mao không còn hấp dẫn với các quốc gia này, Mao quyết định mời Nixon sang thăm TQ. Nhưng mời như thế nào để không bị mất mặt (nếu chẳng may Nixon từ chối)?
Tháng 11-1970 Mao nhắn lời mời qua Romania để thăm dò phản ứng của Mỹ. Nixon nhận được ngày 11-1-1971, nhưng ông được ban tham mưu khuyên không nên nhận lời một cách sốt sắng. Vì thế Kissinger viết thư trả lời Mao là một cuộc thăm viếng như vậy là quá sớm.
Tháng 3-1971 khi đội thể thao bóng bàn của TQ được gửi sang tranh giải ở Nhật (lần đầu tiên kể từ cuộc Cách mạng văn hóa), đội bóng bàn Mỹ yêu cầu cho phép họ được qua thăm TQ. Đội thể thao bóng bàn TQ phải điện về Bắc Kinh hỏi ý kiến, và Mao thẳng thừng bác bỏ. Thế nhưng chỉ mấy tiếng đồng hồ sau, Mao đổi thái độ và ra lệnh mời. Cuộc viếng thăm của đội bóng bàn Mỹ được cả TQ và Mỹ loan tin trên trang nhất như là một sự kiện lịch sử hy hữu. Nixon nhận thấy đây là cơ hội để ông nhận lời mời viếng thăm TQ của Mao. Kissinger được bí mật cử sang gặp Mao, và mang theo rất nhiều quà cáp của Nixon.
Những món quà mà Nixon tin chắc Mao sẽ không thể từ chối, gồm có
1. TQ sẽ được gia nhập Hội đồng Thường trực Liên hiệp quốc thế chỗ Đài Loan ngay
2. TQ sẽ được Mỹ cung cấp những tin tức tình báo Mỹ biết về Liên Xô, kể cả những hình ảnh vệ tinh Mỹ chụp được về cuộc bố trí quân sự của Liên Xô ở biên giới Trung-Xô
3. Mỹ sẽ rút hết quân đội khỏi Indonesia trong vòng 12 tháng
4. Mỹ sẽ rút quân từ từ ra khỏi Nam Hàn (mà không đòi hỏi TQ phải hứa hẹn không giúp Bắc Hàn xâm lăng Nam Hàn)
5. Mỹ sẽ rút quân ra khỏi Nam Việt Nam, dù có đạt được kết quả ở bàn thương thuyết hay không, và hứa sẽ không đem quân trở lại.
Sợ Mao không hiểu, Kissinger còn nói thêm rõ ràng là: "khi đó Mỹ sẽ cách xa VN cả 10 ngàn dặm, trong khi Hà nội thì vẫn gần ngay đó” (We will be 10000 miles away and Hanoi will still be there). Khi bị Chu Ân Lai vặn hỏi về những hứa hẹn này, Kissinger hứa chắc là Mỹ sẽ không đòi hỏi TQ phải ngừng viện trợ cho Bắc Việt và cũng không yêu cầu TQ cắt giảm giọng điệu chửi Mỹ trên trường quốc tế. Thế nhưng món quà hấp dẫn nhất của Nixon dành cho TQ là "Mỹ sẽ chính thức bỏ rơi Đài Loan và sẽ chính thức tái lập quan hệ bình thường với TQ vào năm 1975 nếu ông đắc cử Tổng thống năm1972".
Rõ ràng Nixon rất nóng lòng muốn thiết lập quan hệ bình thường với TQ tới độ sẵn sàng bán đứng không những người bạn đồng minh của mình (Đài Loan, Nam Hàn, Indonesia và Nam Việt Nam) mà cả kẻ cựu thù của mình (Liên Xô), không hay biết rằng Mao còn muốn bình thường hóa quan hệ với Mỹ hơn gấp nhiều lần.
Khi Mao được Chu báo cáo kết quả cuộc họp giữa Chu và Kissinger, Mao kết luận ngay là Nixon rất dễ xỏ mũi và TQ có thể lấy lợi rất nhiều mà không cần phải thay đổi thái độ bài Mỹ hay chế độ độc tài của mình.
Ngày 25-10-1971 Đài Loan bị hất ra khỏi 5 quốc gia thành viên hội đồng thường trực, thay thế bởi TQ. Sự sắp xếp này diễn ra khi Kissinger trở lại thăm TQ lần thứ hai, chuẩn bị cho chuyến đi của Nixon. Mao không quên dặn dò phái đoàn TQ trước khi lên đường tới Liên Hiệp Quốc phải tiếp tục lớn tiếng chửi Mỹ "một cách công khai", phải coi Mỹ là kẻ thù số 1.
Chín ngày trước khi Nixon tới, Mao ngất xỉu. Mao đã rất gần ngày chết. Căn phòng ngay cạnh phòng tiếp tân được tu sửa thành một bệnh viện thu nhỏ. Ngày Nixon đến TQ, Mao nóng lòng gặp Nixon, ông hỏi thăm từng chi tiết lộ trình của Nixon mỗi vài phút. Cả Mao và Nixon đều nóng lòng gặp nhau.
Cuộc gặp mặt cuối cùng cũng diễn ra, nhưng chỉ ngắn ngủi có 65 phút. Ngoài những lời thăm hỏi xã giao, Nixon muốn thảo luận về Đài Loan, Việt Nam và Đại Hàn nhưng Mao không muốn người Mỹ có một bản sao về thái độ của TQ với những nước này, ông nói những chuyện này Nixon nên thảo luận trục tiếp với Chu. Mao vẫn muốn thế giới thứ ba coi Mao là lãnh tụ chống Mỹ.