Cuộc "chỉnh huấn42-45" ở Diên An cũng cải tạo thành công các cán bộ gộc như Lạc Phủ và Bác Cổ. Hai ông này tuyên thệ trung thành với Mao. Thế nhưng Vương Minh cương quyết không chịu khuất phục. Ông này dự trù sẽ đưa vấn đề ra trước đại hội đảng, và nếu cần, cả Quốc tế Cộng sản đệ tam. Thế nhưng tháng 10-1941 ông ngã bịnh và được đưa vào nhà thương. Một bác sĩ của bệnh viện, Bác sĩ Jin Mao-yue, được lệnh của Mao đầu độc Vương Minh cho đến chết. Vương Minh không chết vì đã không uống thuốc, và cũng vì đã có sự can thiệp kịp thời của Liên xô. Nhưng ông không còn có thể đứng dậy được nữa. Ông được đưa đi Moscow trị bệnh ngày 19-8-1943 và chết ở đó năm 1974. (Bác sĩ Jin sau này bị kết tội là gián điệp của Quốc dân đảng)
Khi đó Chu Ân Lai (đang ở Trùng Khánh làm đại diện cho Mao) được gọi về, và ông này hết lời xiểm nịnh Mao. Dù thế, Mao vẫn bắt Chu phải tự thú trước Bộ chính trị và tại các cuộc đấu tố đảng liên tục trong 5 ngày liền là "tôi đã phạm rất nhiều tội không thể tha" và "Chính Mao chủ tịch đã cứu tôi". Chu hoàn toàn bị khuất phục bởi Mao.
Bành Đức Hoài cũng bị gọi về Diên An và ông được để yên cho tới đầu năm 1945 thì cũng bị đấu tố liên tục 40 ngày với đủ các lời xỉ nhục và tố cáo. Cuộc đấu tố chỉ chấm dứt khi Nhật đầu hàng. Khi đó Mao cần Bành trong cuộc chiến với Tưởng sắp xảy ra.