Theo lệnh của Moscow, Giang Tây được chọn làm căn cứ hồng quân TQ. Một lần nữa Mao phải bày kế để giựt quyền lãnh đạo ở đây, từ tay một cán bộ cộng sản tên là Li Wenlin. Mao đề nghị triệu tập một hội nghị gồm tất cả các đại diện đảng ở Giang Tây tại Pitou. Hội nghị dự trù bắt đầu ngày 10-2, thế nhưng Mao đột nhiên đổi lại là ngày 6, vì thế Li Wenlin không đến kịp. Mao và tay chân chia nhau tóm gọn quyền hành. Những kẻ chống đối bị thanh trừng một cách dã man. Trung ương đảng đóng ở Thượng Hải dĩ nhiên không chấp nhận, nên gửi một đại biểu, Khang Sinh, tới nắm quyền lãnh đạo thay Mao và đòi Mao trở về trình diện. Biết được chuyện này Mao bàn giao quyền lãnh đạo cho người em rể, Liu Shiqi, và để không còn phải gửi báo cáo về Thượng Hải nữa cũng như để đặt Trung ương đảng vào sự kiện là đã có người thay Mao rồi, Mao liền giả chết.
Hai tuần sau đó khi Thượng Hải biết được Mao vẫn còn sống, một văn kiện được gửi đi khắp các cơ sở của đảng loan báo là mọi đảng viên chỉ nhận lệnh từ Trung ương đảng bộ ở Thượng Hải mà thôi. Dù văn kiện không nêu tên Mao, nhưng đã khơi dậy một cuộc nổi loạn chống Mao ở Giang Tây. Mao và Liu thẳng tay đàn áp. Trong vòng một tháng cả ngàn người bị giết. Cuộc tàn sát chỉ chấm dứt khi Mao kẹt đánh nhau ở Trường Sa giành quyền với Bành, quân đội Giang Tây nổi dậy và đuổi Liu ra khỏi Giang Tây. Liu trở về Thượng Hải nhận lệnh mới, còn Mao trên đường trở về Giang Tây, hy vọng giành lại được quyền lãnh đạo, thì nhận được tin Cộng sản Quốc tế đệ tam đã thăng chức cho Mao thành nhân vật số 1 của ĐCSTQ. Với quyền sinh sát trong tay, Mao ra lệnh mở một cuộc thanh trừng quy mô, tàn sát tất cả những ai chống đối ông ta. Chỉ trong một tháng số người chết lên tới 4 ngàn người. Không chịu đựng được sự tàn ác của Mao, binh sĩ và dân chúng nổi dậy chống Mao, thì may mắn thay cho Mao lúc đó có mặt một phái đoàn của đảng bộ Thượng Hải. Phái đoàn khuyên họ giải tán vì Mao có sự ủng hộ của quốc tế, và đề nghị với họ là gửi bằng cớ dã man của Mao về cho Trung ương ở Thượng Hải. Dù với đầy đủ bằng cớ, Mao vẫn được Stalin hết lòng tin tưởng. Được sự ủng hộ từ Moscow và sự đồng loã từ Thượng Hải, Mao lần này mở rộng cuộc thanh trừng, hậu quả hàng chục ngàn người nữa, đa số là đảng viên và quân sĩ, chết ở Giang Tây. Trang sách bi thảm này của ĐCSTQ cho tới ngày hôm nay vẫn bị che giấu.
Tuy nhiên chính sách khủng bố của Mao đã dẫn tới một hiệu quả không ngờ trong cuộc chiến với quân Tưởng Giới Thạch sau đó. Khi quân Tưởng mở chiến dịch càn quét hồng quân thì chiến lược của Mao là rút vào vùng an toàn, dụ quân Tưởng đi sâu vào và khi thuận tiện thì bất ngờ đổ ra đánh. Mao ra lệnh tất cả nhà cửa nơi quân Tưởng sắp đi tới đều phải bị thiêu huỷ, thực phẩm phải được chôn giấu kỹ, và mọi người dân đều phải di tản. Vì khiếp sợ sự tàn bạo của Mao, ai nấy đều tuân lệnh răm rắp. Chiến lược này của Mao thành công không ngờ, tuy thế sự thành công của Mao còn tùy thuộc thêm một yếu tố nữa mà khi đó không ai biết: Liên Xô đã thiết lập được một mạng lưới tình báo ở Trung quốc, và đã chia xẻ các tin tức tình báo này cho ĐCSTQ. Ngày 30-12-1930, nắm được chính xác số lượng quân đội Tưởng và ngày giờ hành quân Mao dùng một quân số hơn gấp năm lần mà bao vây tiêu diệt toàn bộ quân đội Tưởng. Viên tướng tư lệnh bị bắt, bị chặt đầu và thả trôi sông. Tháng 4-1931 lại một lần nữa Mao đẩy lui được đợt tấn công lần thứ hai của quân Tưởng. Tức giận trước sự thất bại này, đầu tháng 7-1931 Tưởng Giới Thạch đích thân dẫn theo 300 ngàn quân đi đánh, quân số của Tưởng gấp 10 lần hơn Mao. Chỉ trong hai tháng quân Mao liên tục tháo lui, căn cứ địa hồng quân càng ngày càng rút nhỏ lại và quân đội Mao đứng trước cơ nguy sụp đổ. Khi đó một cứu tinh của Mao xuất hiện: Nhật bản. Nhật bản vừa chính thức phát động cuộc chiến xâm lăng Mãn Châu.
Ngày 18-9-1931 Tưởng Giới Thạch lên tàu ở Nam kinh đi Giang Tây chuẩn bị tấn công căn cứ địa cuối cùng của Mao ở đó thì lúc 10 giờ tối cùng ngày quân Nhật tấn công Shenyang, thủ đô của Mãn Châu và một số thành phố lớn. Viên tướng trấn thủ Mãn Châu là Trương Học Lương rút quân bỏ chạy mà không bắn một phát súng. Ngày 19-9 Tưởng tới Giang Tây thì được tin Mãn Châu thất thủ, ông liền rút quân về lại Nam kinh. Tưởng Giới Thạch, cũng như Trương Học Lương, tự biết quân đội mình thua xa Nhật về mọi mặt nên ông không chính thức tuyên chiến với Nhật, mà chỉ hy vọng sẽ thắng Nhật nhờ vào địa thế rộng lớn của TQ. Ông cũng hy vọng vào sự can thiệp của Hội Quốc liên, và nhờ đó có đủ thời gian để hiện đại hoá quân đội.
Để có đủ tiềm lực đánh Nhật, Tưởng phải ngưng chiến dịch tiêu diệt Mao và kêu gọi Mao hợp tác đánh Nhật. Thế nhưng trong con mắt chiến lược của Mao thì Tưởng nguy hiểm hơn Nhật nhiều, nên Mao cương quyết tẩy chay chuyện hợp tác, và khi quân Tưởng rút ra khỏi Giang Tây quân Mao nhanh chóng chiếm lại những đất đã mất. Sự kiện này đã được các sách giáo khoa ĐCSTQ viết ngược lại là chính Tưởng đã không chịu hợp tác chống Nhật. Thực ra thì chính sách của Mao không bao giờ là chống Nhật. Sau này chính Mao xác nhận: "Nếu không có Nhật, giờ này chúng tôi còn ở trên rừng".
Ngày 7-11-1931 Mao tuyên bố thành lập chính phủ cách mạng ở Giang Tây, lấy Thụy Kim làm thủ đô, dù không một quốc gia nào thừa nhận kể cả Liên Xô. Một Uỷ ban nhân dân ra đời và Mao là thủ tướng kiêm luôn Chủ tịch nước. Danh từ Chairman Mao (Mao chủ tịch) có từ đó.