Ngày biển quê hương nổi cơn sóng gió dữ dội, làm én nhạn tung cánh bay đi tìm đất Tự Do khắp bốn biển năm Châu !
Rời khỏi quê hương yêu dấu. Mười tám năm sau...
Vào mùa hè, Khanh trở về Sài-gòn thăm quê-hương. Chàng tạm trú tại khách sạn Majestic góc đường Tự Do - bến Bạch Đằng quận nhứt (Sài-gòn). Mấy ngày đi viếng những cảnh cũ đường xưa, lòng vòng một mình buồn tẻ. Vì vợ con không đi theo. Một chiều, Khanh cảm thấy mệt mỏi, chàng nhấc điện thoại gọi xuống phòng tiếp tân nhờ họ kêu cho chàng một nàng kiều-nữ đấm bóp...
Hải Lệ, cô gái xinh như mộng, đẹp như mơ, dáng vóc thon thon, nước da trắng trẻo, mái tóc thề tha thướt, đôi mắt sáng ướt long lanh dưới màn lệ mỏng, sóng mũi dọc dừa, miệng cười như đóa hồng chớm nở. Cô tô son điểm phấn rất đơn sơ, cô mặc quần Jean, chiếc áo thun trắng có in hai chữ Sài-Gòn màu vàng rực trước ngực. Ai nhìn cô là có cảm tình ngay. Bởi không thể nào cho cô làm cái nghề đấm bóp được... Nhưng buồn thay !
Hải Lệ xách giỏ lên gõ cửa phòng số... rồi đẩy cửa đi vào gật đầu chào Khanh và tự giới thiệu tên mình. Khanh chẳng để ý gì đến sắc vóc của cô mà chỉ cần đưa lưng cho cô đấm bóp thôi.
Hải Lệ bắt tay vào việc... Sau nửa tiếng đồng hồ, cô thoa dầu, xoa bóp, nắn nót khắp thân người Khanh. Giây phút hưởng thụ khoan khoái, hồn lâng lâng vào trong cơn mê-lộ. Làm Khanh thèm khát ái ân cao độ... Chàng xoay mình nằm ngửa, định đưa tay lên mơn trớn vuốt ve cánh hoa non vừa hé nụ để tiến vào động hoa vàng. Tự nhiên Khanh có linh cảm lạ lùng, chàng nhìn kỹ gương mặt Hải-Lệ, rồi tự hỏi :‘’Sao cô bé này có nhiều nét giống hệt một người mình đã quen !’’. Khanh vội đẩy cô ra, rồi bật ngồi dậy thật nhanh và hỏi :
- Ba má em làm nghề gì, ở đâu ?
Hải Lệ hết hồn và ngơ ngác, rồi từ từ trả lời :
- Dạ, em có má, chớ không có ba !
- Ba em đâu ?
- Má em nói, ba em bị tử trận hồi đó rồi !
- Em có biết ba em tên gì không ?
- Dạ, má em thường nói, ba em là thằng cha ‘’Sở-Khanh’’. Mà nghe đâu ông ấy tên... giống anh đó.
- Còn tên má em ?
- Má em tên Tím !
- Tím !
Khanh thấy cái tên Tím chàng không quen. Chàng hỏi tiếp :
- Năm nay em được mấy tuổi ?
- Dạ, em vừa mười tám tuổi.
- Má em làm nghề gì ?
- Hồi đó, má em làm thâu ngân viên cho nhà hàng Đồng-Khánh trong Chợ-Lớn.
Khanh chẳng quen biết ai làm nghề ấy, chàng tiếp :
- Còn bây giờ ?
Trên gương mặt Hải Lệ hiện lên nét buồn, đôi mắt long lanh tươm lệ, cô nói :
- Hiện giờ... thì má em đang bệnh nặng lắm !
- Bệnh gì ?
- Bệnh tim... tới thời kỳ nguy ngặt !
- Ở nhà hay ở nhà thương ?
- Đâu có tiền mà nằm nhà thương !
- Vậy là nằm nhà à ?
- Dạ !
- Còn tên của em ?
- Hồi nãy, em đã nói rồi. Sao anh còn hỏi. Em tên Hải Lệ. Mà anh hỏi làm chi dữ vậy ? Anh điều tra như là công-an !
- Xin lỗi em ! Anh quên mất rồi ! Công-an đâu mà Công-an. Em làm ơn cho anh đến thăm má em được không ?
- Để làm gì ?
- Thì... thì để anh thăm cho biết vậy mà. Biết đâu anh có quen ?
- Trời đất ! Làm sao có quen được ? Thôi, không được đâu anh ơi !
- Không sao đâu ! Em cứ cho anh lại nhà em đi.
- Thôi được. Em cho anh địa chỉ. Rồi mai mốt anh lại. Chớ đừng có đi chung với em bữa nay.
- Tại sao em sợ ?
- Lối xóm thấy kỳ lắm ! Ai mà dắt khách về nhà !
- Không. Anh không phải là khách của em. Bằng chứng là giữa anh và em chưa có...
Nói đến đây Khanh khựng lại. Chàng nhìn Hải Lệ kỹ hơn. Rồi chàng tiếp :
- Sao em giống hệt một cô... anh quen hồi xưa quá ! Tự nhiên anh thấy thương em như con.
Hải Lệ lõ đôi mắt bồ câu tròn xoe nhìn Khanh, tự nhủ : Ông này cũng phải năm mươi tuổi trở lên rồi. Ổng nói mình đáng con của ổng cũng phải !
Hải Lệ mỉm cười :
- Làm sao em được cái hân hạnh làm con của anh !
- Tại sao không được ? Nếu anh có vợ sớm, thì con anh lớn hơn em nữa đó. Nè, anh muốn đến nhà em. Để thăm má em. Coi anh có giúp má em được gì không. Em đừng sợ.
Hải Lệ nhứt quyết không chịu, cô nhìn Khanh :
- Em nói là không được. Mai hay mốt gì anh đến đi. Để về nhà, em nói cho má em biết trước cái đã.
Khanh nghe trong người ruột gan nóng bừng lên. Chàng đứng dậy đi đến áo veste móc bóp lấy hai trăm đô-la ra đưa cho Lệ và nói :
- Nè, em cầm số tiền này về đưa má em đi bác sĩ. Chiều mai, lối ba bốn giờ anh sẽ đến nhà em. Em ghi địa chỉ thật, chớ đừng cho địa chỉ ma nha ! Anh ngán mấy cô lắm !
Hải Lệ nhìn Khanh, cảm thấy chàng là người thành thật. Cô lấy viết, vừa viết địa chỉ vừa hỏi :
- Sao anh sợ em cho địa chỉ ma. Chắc anh đã bị kiểu ấy nhiều rồi phải không ?
Hải Lệ đưa miếng giấy đã ghi địa chỉ cho Khanh. Khanh lấy đọc, chàng thấy nét chữ của Lệ rất đẹp và cứng, chàng nghĩ : Cô bé này có trình độ học vấn cũng khá, chớ không phải là dân dốt ! Khanh xoay qua nhìn Hải-Lệ và trả lời :
- Không. Anh chưa bị, mà hồi xưa mấy thằng bạn của anh bị nhiều lần lắm. Nhà em ở miệt Bình-Tiên cầu Cây-Gõ hả ?
- Dạ... Xóm em ở nghèo khổ lắm ! Anh có tới thì nhớ hỏi là nhà cô Ba Tím nha ! Vì trong hẻm nhỏ và quanh co lắm !
- Má em mấy tuổi ?
- Ba mươi sáu !
Khanh bóp trán, suy nghĩ vài giây :
- Má em trẻ vậy à !
- Dạ, má em sanh em ra, lúc má em cỡ em bây giờ.
- Thôi, em về đi. Chiều mai anh đến nhà em.
- Dạ, chào anh ! Ý quên ! Chào chú cháu về !
- Ừa, gọi bằng chú mới đúng đó ! Mai chú gặp cháu nha !
- Dạ !
Hải Lệ ra về mà trong lòng cô mừng vô hạn. Vì Khanh chưa làm gì đến thân xác cô mà còn cho số tiền khá lớn. Bởi vì đi đấm-bóp kiểu như vậy giỏi lắm được cỡ vài chục đô-la là cùng. Mà còn chia cho người dẫn mối vài chục phần trăm nữa. Hải Lệ cũng biết ma-lanh và khôn. Cô dấu một trăm đô trong quần lót. Chỉ nói là ông khách xộp cho một trăm đô-la thôi. Những người dẫn mối, tuy khách đã trả tiền họ rồi. Nhưng các cô vẫn chia thêm. Là vì làm như thế họ mới kêu tới. Nếu không thì sẽ bị ế, bị phèo. Mọi nghề trên đời, nghề nào cũng phải có lương, có lời, có huê-hồng, tiền đầu, tiền đuôi... không nhiều thì cũng ít, chớ có ai làm không công bao giờ đâu !
*
Trưa hôm sau, Khanh bao xe-ôm chạy vô Chợ-Lớn ăn trưa và bảo cậu xe-ôm chạy lòng vòng qua cầu Cây-Gõ tìm đến địa chỉ của Hải Lệ đưa chiều hôm qua.
Đến nơi, vào xóm lao-động nhà cửa chằng chịt, chen chúc. Thật là xô bồ xô bộn. Những vũng sình lầy có đầy rau muống và cỏ hoang mọc tùm lum tà la khi xưa. Bây giờ thì dân chúng đã lấp và cất nhà đầy ngập. Khanh hỏi thăm từng nhà, lần lần vô tới nhà mẹ con cô Ba Tím. Khanh bước vô căn nhà nhỏ bé lụp xụp. Bên trong có cái bàn nhỏ vài chiếc ghế đẩu, trên giường trải chiếc chiếu bông cũ mèm xơ xác. Một người đàn bà gầy ốm đang nằm bất động như chết, đắp chiếc mền nhà binh lủng hai ba lổ lên tới cổ. Khanh định mở miệng hỏi thăm thì Hải Lệ về tới, cô vội vàn nói :
- Dạ, mời chú ngồi. Má ơi ! Có chú Việt-Kiều đến thăm má nè !
Khanh vội cản :
- Được rồi cháu ! Để má cháu ngủ.
Tím nghe văng vẳng tiếng người, nàng định ngồi dậy. Nhưng vì sức lực quá yếu nên chỉ xoay mình qua gật đầu chào, đôi mắt mất thần lờ mờ nhìn ông khách. Khanh thấy nét mặt bà ấy quen. Nhưng không thể nào moi tim óc để nhớ là quen ở đâu. Vi cái tên Tím xa lạ với chàng quá. Còn Tím thì nhận ra Khanh liền. Hải Lệ đến đỡ mẹ ngồi dậy. Trong lòng Tím nghe mừng, nhưng vì tự ái và còn ôm hận bị Khanh bỏ rơi ngày xưa ấy... Nước mắt Tím tuôn trào, cổ họng nghèn nghẹn, nàng cố gắng chào hỏi Khanh :
- Chào ông ! Cám ơn ông có lòng đến thăm tôi. Hôm qua tôi có nghe con tôi nói về ông. Nhưng...
Nói đến đây, Tím ho lên sặc sụa. Khanh nhìn kỹ Tím, chàng toát mồ hôi hột, rồi bằng một giọng run run :
- Cẩm ! Cẩm phải không ? Cẩm ơi ! Anh là Khanh đây nè !
Tím lắc đầu, rồi khóc ngất lên. Hải Lệ không hiểu gì cả. Em hết hồn mà ôm vuốt ngực mẹ và hỏi :
- Sao chú Khanh gọi má là Cẩm ?
Giọng thều thào yếu ớt, thở lấy hơi lên, Tím vẫn lắc đầu :
- Ông ấy... lầm người rồi !
Khanh đứng lên tiến đến giường bằng một giọng nhẹ nhàng, nhưng buồn thảm :
- Trời ơi ! Oan trái ! Nhưng cũng cám ơn trời đã đưa đẩy con gặp hoàn cảnh này. Cẩm ! Cẩm ơi ! Em hãy bình tĩnh mà nói thật dùm anh. Có phải Hải Lệ là con của anh không ?
Tím nghe Khanh hỏi bằng một giọng cầu khẩn, nước mắt nàng ràn rụa tuôn chảy nhiều thêm, nàng gật gật đầu... Vài phút sau đôi mắt Tím trợn trắng, tay chân giựt bắn người lên, nàng ngất liệm luôn. Hải Lệ sợ quá khóc thét hoảng hốt và nói lớn :
- Chú Khanh, chú làm má con chết rồi nè ! Má ơi, má đừng bỏ con nghe má ! Chú Khanh ! Chú Khanh ơi ! Cứu má con ! Cứu dùm má con chú Khanh ơi !
Khanh vội ôm Tím vào lòng và gọi :
- Cẩm ơi ! Tỉnh dậy đi em ! Tỉnh dậy Cẩm ơi ! Đừng bỏ con và anh em ơi !
Khanh vói gọi cậu xe-ôm, bảo cậu chạy ra ngoài kêu xe để chở Tím đi nhà thương gấp... Nhưng đã quá trễ, vì Tím đã tắt thở sau cái gật đầu đầy nước mắt. Dường như nàng an lòng giao con lại cho cha nó. Còn Hải Lệ thì khóc nức nỡ và kêu mẹ thảm thiết !
Trời cao có thấu cho chăng ?
Cành hoa bé nhỏ, khổ đằng đằng đeo !
Đám tang của Tím thật buồn. Do chính tay Khanh lo tròn vẹn. Có được năm ba người hàng xóm đi đưa. Vì mẹ con của Tím không có mấy ai là bạn bè thân thuộc. Nàng chỉ còn duy nhứt một người anh cùng cha khác mẹ tên Mầu, hiện sinh sống ở miệt Mỹ-Tho. Nhưng hai anh em không thuận với nhau từ mười mấy năm qua.
Sau khi hỏa táng Tím xong. Khanh và Hải Lệ ôm hủ tro đem vô chùa Xá-Lợi gởi trong đó.
Bây giờ Khanh kề bên đứa con gái bạc phần. Khanh bảo Hải Lệ thu dọn đồ đạc và quần áo theo chàng ra Sài-gòn. Khanh đổi khách sạn khác nhỏ hơn gần chợ Bàn-Cờ cho đỡ tốn tiền.
Còn một tuần nữa là tới ngày Khanh phải trở về Mỹ. Khanh đi tìm nhà người quen để mướn cho Hải Lệ ở tạm chờ ngày chàng về Mỹ lo giấy tờ cho Hải Lệ sang Mỹ đoàn tụ cùng gia đình chàng.
Trời khiến, giữa tình cốt nhục, nghĩa cha con. Nên Hải Lệ không có một cữ chỉ nào bất mãn hay hờn giận cha mình. Mà em vâng lời những gì cha dạy bảo. Dầu sao đi nữa, Hải Lệ cũng được mẹ cho ăn học tới lớp mười một.
Sau hai tuần lễ, hai cha con hàn gắn những vết thương lòng... Khanh đưa Lệ đi lấy máu và cắt chút tóc để chàng đem về Mỹ, có gì thì chàng sẽ chứng minh mà được quyền nhìn nhận con mình.
Đến ngày Khanh trở về Mỹ. Hai cha con lấy taxi lên phi trường Tân-Sơn-Nhứt. Trong túi Khanh còn tám ngàn đô-la, chàng đưa hết cho Lệ và căn dặn :
- Con ráng gìn giữ cẩn thận số tiền này mà tạm sống chờ ba về rước con. Hoặc có thể con đi một mình, đến nơi ba sẽ ra phi trường đón. Con biết nói tiếng Anh mà sợ gì. à, hay là con đi ghi tên tiếp tục sự học và học thêm chữ Anh. Và con nhớ, thỉnh thoảng vào chùa thăm má con và nghe lời các thầy chỉ cách cúng bốn mươi chín ngày. Chừng đúng một trăm ngày, nếu con muốn xả tang má cũng được. Thời buổi này tang chế người ta cũng có phần chăm chước hơn xưa. Ba về Mỹ lo thủ tục, trễ lắm là cỡ sáu tháng con sẽ được qua Mỹ. Tiền ăn ở, ba đã đóng đầy đủ cho họ một năm, con khỏi lo gì cả. Nếu ba có cần giấy tờ gì ở bên này, thì có ông luật sư Phan lo, mà nếu ông ấy có gọi con để ký giấy tờ. Con nhớ đi đến văn phòng ông ta nghe con ! Địa chỉ và số điện thoại ở nhà và trong sở của ba, con nhớ cất kỹ. Con muốn gọi ba bất cứ lúc nào cũng được hết nha. Nhớ nghe con !
- Dạ !
Mặc dù Hải Lệ là cô gái mười tám tuổi, sống trong một xả-hội phức tạp và đầy nghiệt ngã thương đau. Cô cũng nếm ít nhiều kinh nghiệm đời. Nhưng sự việc trên vừa xẩy ra quá bất ngờ nên làm tâm hồn cô còn trong tình trạng bàng hoàng như người trong cơn mộng. Có vui buồn lẫn lộn. Vui, vì được gặp cha. Còn buồn, vì vừa mất người mẹ thân yêu đã hy sinh nuôi nấng cô suốt mười tám năm nhiều lận đận. Nhưng để có chút gì an ủi, cô mất mẹ mà bây giờ được gặp cha. Nhờ thế, cô mới thoát ra cái nghề đấm-bóp mà cô đã làm hơn một năm nay. Vì mẹ cô mang căn bệnh tim càng ngày càng nặng. Để cho tròn chữ hiếu, Hải Lệ phải nghỉ học, cô cố gắng tìm kiếm việc làm đàng hoàng, nhưng rất khó. Cuối cùng cô phải hành nghề trên.
Bao nhiêu lời dặn dò của Khanh, Hải Lệ ngồi nghe và ghi nhớ rất kỹ. Sắp tới giờ máy bay bay. Hai cha con bịn rịn bằng những giọt lệ lăng dài trên má. Khanh ôm con hôn mạnh hai bên má, rồi đi vô trong. Hải Lệ đứng bên ngoài vẫy tay đến khi Khanh khuất dạng. Nàng thẩn thờ đi ra ngoài lấy xích-lô trở về nhà trọ. Chú xích-lô đạp xe từ từ lăng bánh dưới ánh nắng vàng chói chang nóng bức giữa mùa hè Sài-gòn.
Khanh vào trong máy bay ngồi gài dây nịt an toàn đàng hoàng. Máy bay từ từ cất cánh, Khanh thẩn thờ nhìn ra cửa sổ nhỏ mà nghe lòng thương đứa con gái vô cùng. Chàng nghĩ : ‘’Không ngờ mình có một đứa con gái xinh đẹp hiền ngoan như thế. Cũng may là mình có giác quan thứ sáu bén nhạy. Nếu không, thì chắc mình phải tự tử chết quá ! Và nếu không có mình đến kịp thời, thì thân xác con mình sẽ vùi chôn vào chốn bụi hồng đầy nhơ nhuốc suốt cuộc đời rồi. Thật tội nghiệp cho con mình và Cẩm quá ! Biết lấy gì đền đáp tấm tình của nàng bây giờ. Thôi, mình chỉ mong sao lo chu toàn cho Hải Lệ để vơi đi phần nào tội lỗi của mình đối với Cẩm. Ngày xưa, Cẩm yêu mình chân thật, còn mình thì có ý chơi qua đường với nàng. Trời ơi ! Tôi thật là thằng đàn ông khốn nạn !’’. Nghĩ đến đây, Khanh phát rùng mình toát mồ hôi lạnh và mắt rưng rưng, lòng xót xa cho đời Cẩm và đứa con gái thương yêu. Giây phút suy nghĩ, Khanh nghe tim mình hồi họp từng cơn, lòng tự nhủ : ‘’Cám ơn trời, Phật đã cứu con thoát cảnh loạn luân. Mình sẽ nói lên sự thật, để nhắn nhủ với những đấng mày râu, nam tử (nếu ai có một thời bay bướm lúc còn trẻ...), thì trước khi thèm muốn giải quyết sự thỏa mãn tình ái với người con gái nào tuổi đáng con mình, thì phải nhớ hỏi lý lịch về người mẹ cô ấy thật rõ ràng kỹ càng để tránh khỏi cảnh thảm thương đáng chết được !’’
Mặc dù Khanh chưa mang tội loạn luân, nhưng tòa án lương tâm nó vẫn dày vò hành hạ tâm hồn chàng không ít. Rồi Khanh giựt mình lo lắng, vì sợ vợ chàng sẽ không chấp nhận cho Hải Lệ qua ở chung và có thể xẩy ra những chuyện không hay cho gia đình. Khanh suy nghĩ lo lắng miên man và tự trách mình đủ điều. Làm tinh thần chàng mệt đừ. Sau đó, Khanh ngả đầu vào ghế mà ngủ thiếp một giấc dài tới Washington DC.
Cầu xin gió thuận mưa hòa
Cho đời yên lặng, cho hoa hé cười
Cho vườn xuân mãi thắm tươi
Nắng vàng, mây biếc sáng ngời muôn phương.
*
Sau khi Khanh trở về Mỹ. Chàng thường liên lạc với con gái từ trong sở. Về nhà thì chàng cứ trầm tư suy nghĩ. Bởi vì Khanh chưa dám mở miệng nói với vợ và hai con biết. Nhưng chàng âm thầm đi lo giấy tờ cho Hải Lệ. Một tháng sau, trong bộ ngoại giao Mỹ cho biết, là sự liên hệ giữa Việt-Nam và Mỹ, chưa có tòa đại-sứ. Và hơn nữa, Hải Lệ đã quá mười tám tuổi, cô chỉ xin chiếu khán xuất ngoại từ bên Việt-Nam. Nếu bên ấy, họ cấp cho đi, thì bên Mỹ sẵn sàng cho nhập cảnh. Vì Khanh là cha và chàng đã vô dân Mỹ lâu rồi.
Mấy tháng trời, Khanh điện thoại qua lại với ông luật sư Phan, và hối thúc ông lo nhanh. Khanh phải tốn tiền khá nhiều mới xong việc.
Khi Khanh được nghe tin còn hai tháng nữa Hải Lệ sẽ qua Mỹ. Một buổi thứ bảy đang ngồi ăn cơm tối. Khanh ngập ngừng mở miệng nói với vợ con :
- Hoa à ! Ăn cơm xong, chút nữa em và Tuấn, Tú qua salon uống cà-phê. Vì anh có chuyện rất quan trọng muốn nói cùng em và hai con.
Hoa, vợ Khanh khoảng năm mươi tuổi. Bà rất lanh lợi và tính toán. Nhưng bà khó chuyên quyền chồng được. Bởi tánh tình của ông Khanh khá cứng rắn. Bà Hoa chỉ nghi và đoán mò, nghĩ là từ khi Khanh đi Việt-Nam về mấy tháng nay chàng có tâm sự riêng tư, chắc chàng bị vướng víu ái-tình với cô nào. Hoa là loại ghen theo kiểu Hoạn-Thư, bà cố đè nén máu ghen để ý theo dõi chồng thôi. Còn Tuấn và Tú thì không để ý việc gì cả. Bởi hai cậu tối ngày lo ăn học.
Hoa nghe Khanh nói thế, nàng đưa ánh mắt cú rọ nhìn Khanh :
- Em thấy, từ khi anh đi Việt-Nam về tóc anh bạc trắng hết cả đầu. Chuyện gì thì anh cứ nói đi cần gì mà phải qua salon.
Tuy nói vậy, nhưng Hoa quay sang Tú :
- Tú, con lo nấu nước pha cà-phê rồi thức cho ba bây nói chuyện quan trọng !
Tú, đứa con trai được mưới bảy tuổi. Còn Tuấn hai mươi tuổi. Cả hai còn đi học.
Ăn cơm xong, họ lo dọn dẹp. Tú pha hai tách cà-phê cho cha mẹ. Còn hai cậu uống cô-ca. Khanh vẫn ngập ngừng hỏi này hỏi nọ với hai đứa nhỏ về sự học hành. Cuối cùng chàng mở lời :
- Hoa, anh có đứa con gái ở Việt-Nam !
Cả ba mẹ con của Hoa giật mình. bà hỏi :
- Mấy tuổi ?
- Mười tám tuổi !
- Vậy, vậy là sao ? Bộ hồi trước anh... anh đã có... Trời ơi !
Tuấn đến gần mẹ :
- Má, má bình tĩnh để cho ba nói hết.
Tú cũng đến ngồi trên thành ghế salon vuốt mẹ :
- Má để cho ba nói đi má à !
Khanh bưng tách cà-phê lên ực một cái. Chàng nói tiếp :
- Hồi trước, anh có quen một cô tên Cẩm. Em biết đời trai độc thân mà. Nhưng anh cũng không ngờ...
Nói đến đây Khanh ngừng lại. Còn Hoa thì bảo Tú đi nhúng nước khăn cho bà lau mặt, bà hỏi chồng :
- Bây giờ cô ấy đã khôn lớn. Có chồng chưa ?
Khanh nghe giọng nói của Hoa trầm tĩnh, mà gay gắt. Ông không còn cách nào hơn. Vì Hải Lệ sắp qua đây và ở trong căn nhà này. Nên Khanh kể hết sự thật cho vợ con nghe...
(... ... )
Tuấn, Tú lắng tai nghe hết câu chuyện, trong lòng hai cậu rất vui. Nhưng Hoa không bằng lòng, bà nói :
- Đem nó qua đây làm gì. Biểu nó ở bên Viêt-Nam, rồi mỗi tháng gởi vài trăm đô cho nó sống. Chớ em không chấp nhận cô Hải Lệ ở trong nhà này.
Khanh nghe vợ nói gắt. Ông liền bảo Tuấn và Tú :
- Các con cho ba nói chuyện riêng với má nghe các con !
Tuấn và Tú bỏ đi vô phòng. Đứa đọc sách, đứa chơi máy điện tử. Còn lại hai vợ chồng, Khanh nhỏ nhẹ nói với vợ :
- Anh van xin em hãy tội nghiệp dùm con Hải Lệ. Mẹ nó đã chết rồi. Hiện giờ đời nó bơ vơ lắm.
- Thì mai mốt nó lấy chồng sẽ hết bơ vơ.
- Anh muốn cho Hải Lệ qua đây để tiếp tục sự học.
- Ai đóng tiền ?
- Thì lúc đầu mình giúp đỡ. Từ từ con nó sẽ tìm việc, vừa đi làm vừa đi học.
Bà Hoa nổi cáu lên :
- Nói thiệt cho anh nghe rõ đây. Tôi không chấp nhận.
- Anh van xin em, đừng đẩy anh vào con đường khó xử.
- Biết có phải là con của anh không. Hay là anh bị người ta gạt !
- Em đừng nghĩ vậy. Vì anh đã có đủ bằng chứng.
- Tôi đã nhứt quyết rồi. Không được, là không được !
Bà Hoa đứng dậy đi lấy nước lạnh uống và nói vói :
- Cái thứ bá vơ. Rồi nhận bừa nhận đại.
Khanh nổi nóng :
- Anh cấm em không được nói bậy nha !
- Bậy gì ? Mới đi về có một chuyến Việt-Nam là gây sóng gió.
Khanh ôm đầu, rồi ngước lên nói :
- Sóng gió gì đâu ? Đáng lý ra, em nên mừng cho anh và thương hại con bé. Nhưng anh hoàn toàn thất vọng.
- Thất vọng ! Nếu anh thất vọng thì dễ mà !
- Dễ ! Dễ là như thế nào ?
- Ly dị !
Khanh nói hơi lớn tiếng :
- Đàn bà ở đây, hở ra là đòi ly dị. Em bắt chước thiên hạ hả ? Sao em không nhớ... nhớ...
Nói đến đây, Khanh kịp nín lại. Trong lòng chàng muốn nhắc lại dĩ vãng của Hoa. Nhưng tâm hồn quân tử không cho phép chàng nói. Nhưng Hoa lại nóng lên :
- Nhớ gì ? Hả, anh muốn tôi nhớ gì nói luôn ra đi.
Khanh cố nhịn nhục, chàng đứng lên đi vô phòng của Tuấn. Tuấn lại hé cửa nghe lén hết câu chuyện của cha mẹ vừa cãi vã. Tuấn lỡ trớn, cậu đi ra salon ngồi khuyên mẹ :
- Má à, xin má tội nghiệp dùm em gái con.
Bà Hoa vì quá ghen, nên bà vội hỏi con :
- Ai là em gái mầy ? Mầy, mầy là...
Khanh chợt tới gần và bụm miệng vợ :
- Em đừng có điên rồi nói bậy đi nghe !
Hoa gạt tay Khanh ra, mắt quắc lên :
- Tôi điên hay ông điên ?
Khanh chịu hết nỗi :
- Tùy em !
Tâm hồn Hoa quá ích kỹ. Bà lấy ngón tay chỉ Khanh mà nói với Tuấn :
- Người này không phải cha của mầy. Mầy đừng có bênh bậy.
Tuấn nghe mẹ vừa nói, làm tâm hồn cậu bị chấn động mạnh, cậu liền hỏi cha mẹ :
- Má nói cái gì kỳ vậy má ? Ba ! Sao má nói vậy ba ?
Khanh thấy tình trạng này cũng chẳng dấu diếm làm chi nữa, và Tuấn cũng hai mươi tuổi rồi. Khanh nói một giọng buồn :
- Lời má con nói không sai sự thật ! Nhưng lúc nào ba cũng xem con như con ruột.
Tuấn bị cú sốc, cậu liền đứng lên chạy vô phòng lấy áo khoác và đi nhanh ra xe đề máy vọt mất. Bà Hoa hết hồn gọi Tuấn, nhưng cậu đã đi rồi. Bà quay qua nhìn Khanh và khóc thét nói lớn :
- Con tôi mà có bề gì là do ông tất cả đó !
Khanh chỉ ngồi gục đầu, mà trong lòng chất chồng nỗi khổ ! Còn Hoa thì hồi họp lo cho Tuấn !
Khanh và Hoa lấy nhau đã mười tám năm. Đêm nay là lần đầu tiên hai người cãi lộn về vấn đề con cái. Làm Khanh khổ tâm vô cùng. Mà Hoa có sung sướng gì đâu ! Bởi do lòng ích kỷ của bà đã làm trong gia đình xào xáo. Phải bà có chút từ tâm thì mọi việc đẹp đẽ biết bao nhiêu !
Mấy đời bánh đúc có xương
Mấy đời dì ghẻ yêu thương con chồng.
Hai người quen biết nhau trong những ngày cùng ở chung đảo Guam. Hoa ẵm bé Tuấn trốn chạy. Lúc ấy, Tuấn được hai tuổi. Khanh thương yêu Hoa vì đồng cảnh ly hương với nhau. Chàng chẳng ngại Hoa đã có con vô thừa nhận. Khanh cưới Hoa và nhìn nhận bé Tuấn như con ruột của mình. Rồi một năm sau bé Tú chào đời. Khanh và Hoa là hai kẻ trắng tay xây dựng sự nghiệp từ đó đến bây giờ.
Đã hơn nửa đêm mà Tuấn chưa về, làm cả nhà sốt ruột chẳng ai ngủ được.
Còn Tuấn sau khi lái xe chạy lòng vòng, rồi đến công viên... ngồi một mình, cậu nghĩ : ‘’Trời ơi ! Mình không phải là con của ba ! Trời ơi ! Ba tôi là ai ? Từ thuở nhỏ tới giờ có nghe ba má nói gì đâu. Vì chuyện của em Hải Lệ nên mới lòi ra, đó cũng là dịp may để cho sự thật được phơi bày. Bây giờ mình còn kính trọng và thương ba nhiều hơn xưa nữa. Biết rằng, mình làm vậy má sẽ tức giận lắm. Nhưng không sao, từ từ mình và thằng Tú họp nhau thuyết phục má. Ba Khanh thật là người đáng kính, đáng yêu thương hơn bao giờ hết. Ba có tâm hồn quân tử và cao thượng quá ! Ba yêu thương và cưng chiều mình như thằng Tú. Mình còn nhớ là có nhiều lần mình phá phách bị má rầy đánh đít, ba chạy lại bênh vực mình mà rầy má. Và có một lần, lúc mình được bảy tám tuổi, vô tình được nghe ba nói với má : Bé Tuấn đẹp trai lắm, tại nó là con trai cho nên hay rắn mắc và phá phách, em ráng trông chừng đừng để nó chạy nhảy quá, rủi ro bị té mang thẹo trên mặt làm hết đẹp trai con mình đó. Nếu nó làm bậy thì mình nên phạt không cho ăn bánh kẹo, chớ đừng đánh đòn, vì bị đòn thường, riết con nó sẽ lì đòn là mình khó dạy đó...’’
Nghĩ nhớ đến đây, nước mắt Tuấn ràn rụa. Cậu ôm đầu và kêu lên : ‘’Ba ! Ba ơi ! Con là con của ba. Em Hải Lệ là em gái của con. Con sẽ năn nỉ và lạy má cho em con đoàn tụ với mình. Ba ơi ! Ba ơi ! Con là con của ba !’’
Sau khi Tuấn khóc hét một mình giữa trời đêm. Rồi cậu leo lên xe lái về nhà. Bà Hoa nghe tiếng xe, bà mở cửa đi ra :
- Con làm má sợ quá Tuấn ơi ! Con đi đâu mấy tiếng đồng hồ vậy ?
Tuấn nín thinh không nói tiếng nào với mẹ mà đi thẳng vô phòng. Bà Hoa đi theo con, bà hỏi tiếp :
- Sao má hỏi con, con không trả lời ?
Đôi mắt Tuấn còn đọng đầy lệ, cậu quay lại nhìn mẹ và nói :
- Má muốn con nói gì bây giờ ? Khuya rồi, má đi ngủ đi. Mai sẽ nói chuyện tiếp !
Bà Hoa tức mình hỏi :
- Mầy bênh ổng mà bỏ má mầy hả ?
- Trời ơi ! Con lạy má mà !
- Bây giờ mầy khôn lớn, có ăn học sắp làm ông Tòa rồi !
- Để cho ba và thằng Tú ngủ má ơi !
- Còn tao ?
- Thì má cũng đi ngủ đi. Mai con sẽ mở phiên tòa...
Bà Hoa thấy nói chuyện không nỗi nữa với con mình. Nên bà đi ra và nói vói lại :
- Ừa ! Mai mầy xử má mầy coi được không nha !
Sáng chủ nhật, ánh nắng vàng tỏa khắp bầu trời, tiếng chim ríu rít hót vang ngoài sân vườn. Trong căn nhà lớn rộng của Khanh còn chìm trong giấc ngủ. Vì đêm qua ai cũng ngủ trễ...
Tiếng điện thoại reo vang, Tuấn ngồi dậy chạy nhanh ra salon nhấc lên :
- A-lô ! Dạ, tôi nghe !
- A-lô ! Dạ, thưa có phải nhà của ông Võ Quan Khanh không ?.
- Đúng rồi, xin cho biết quí danh ?
- Con gái ông Khanh !
- Oh ! Hải Lệ !
- Ủa, ai đó, anh Tuấn hay Tú vậy ?
- Anh Tuấn đây. Em đợi một chút, anh vô gọi ba nha ! ... Ba ơi ! Có Hải Lệ gọi qua.
Cả nhà thức dậy hết. Tuấn đưa điện thoại cho cha. Khanh bấm nút phát ra cho cả nhà cùng nghe :
- A-lô ! Hải Lệ, con khỏe không ? Con cứ tự nhiên nói chuyện đi.
- Dạ, thưa ba ! Con điện thoại cho ba biết, là con sẽ đi về Mỹ-Tho tìm cậu Hai Mầu coi có gặp không, để con từ giã cậu con đi Mỹ. Còn hai tháng nữa con sẽ gặp ba, dì, anh Tuấn và em Tú. Con nôn quá ba ơi !
Bà Hoa nghe đến tên Hai Mầu, nét mặt bà đổi sắc. Bất chợt bà nói với chồng :
- Ông, ông đưa tôi nói chuyện với Hải Lệ vài lời coi.
Ông Khanh khựng lại và nhìn các con. Tuy ông hơi sợ bà vợ nói bậy làm con nhỏ khổ nữa. Nhưng ông không thể từ chối được, bèn đưa điện thoại cho Hoa. Giọng của Hoa hơi run run :
- A-lô ! Tôi là vợ ông Khanh. Xin lỗi cô, chúng tôi ở đây cùng nghe cô nói chuyện trong điện thoại với ba cô. Xin cô cho tôi hỏi thăm.
- Dạ, thưa dì, dì cứ tự nhiên.
- Hồi nãy cô nói, cậu cô là Hai Mầu ở Mỹ-Tho. Vậy ông ấy già hay trẻ ?
- Dạ, cậu con cũng trọng tuổi rồi. Nghe má con nói, cậu ấy lớn hơn má con gần hai chục tuổi. Năm nay chắc cậu con cũng cỡ năm mươi lăm hay năm mươi sáu tuổi gì đó.
- Má cô tên Cẩm phải không ?
- Dạ, thưa không !
Hoa nhìn chồng và hỏi :
- Ủa, sao kỳ vậy ?
Khanh nói :
- Với anh thì tên Cẩm. Còn tên thật là cô Ba Tím.
Bà Hoa toát mồ hôi, và buông lời nhẹ :
- Trời ơi ! Đúng rồi !
Tuấn vội hỏi mẹ :
- Má, má sao vậy má ?
Bà lắc đầu, đưa điện thoại cho Khanh, bà đứng dậy đi vô nhà tắm. Ngoài này mấy cha của Khanh con tha hồ thay phiên nhau nói chuyện với Hải Lệ.
Bà Hoa đánh răng rửa mặt xong. Bà ra bếp lo ăn sáng cho chồng con như thường lệ. Ba cha con của Khanh thấy Hoa nín thinh làm ai cũng ngán, sợ bà lên cơn gợi lại chuyện cãi vã tối hôm qua. Nhưng bà ngồi ăn và có vẻ lo cho chồng con chu đáo hơn mọi bữa. Rồi bà nhìn chồng con và hỏi :
- Sao, trưa nay tất cả có đi ra phố, rồi đi ăn ở ngoài như thường lệ không ?
Tú lấy tay xoa xoa trên vai mẹ và đưa ngón tay lên nói :
- Con !
Tuấn cũng làm theo :
- Con nữa ! ... Còn ba ! Sao ba không đưa tay lên luôn ?
- Thôi, hôm nay ba ở nhà.
Tuấn và Tú đồng hỏi :
- Sao vậy ba ? Đi, đi nghe ba !
- Ba nhức đầu lắm !
Hoa biết chồng còn khổ vì mình lắm, bà lấy tay khều chồng :
- Xin anh làm ơn đi cho các con vui.
- Nếu muốn tôi đi, thì tôi ra điều kiện được không ?
Hoa nhìn hai con và mỉm cười, bà nói :
- Rồi, chịu. Tụi con cũng chịu luôn cho ba vui nghe !
Tuấn và Tú đồng reo :
- Ok ! Ok !
Khanh thấy Hoa thay đổi bất ngờ, không giống như tối hôm qua nữa, nghe trong lòng nhẹ nhàng, ông từ tốn nói :
- Vậy thì kể từ đây, vấn đề của Hải Lệ không còn rắc rối. Hải Lệ sẽ qua đây ở trong căn nhà này và tiếp tục đi học. Bà không chống đối tôi nữa chớ ? Bà hứa đi, hứa trước mặt các con đi.
Hoa nhìn hai con :
- Nè, tụi con làm chứng nha. Má không nhắc tới mà ba bây nhắc đó nha !
Sau cơn sóng gió đêm qua. Sáng nay gia đình Khanh bỗng nhiên yên tịnh.
Nhờ đâu mà êm ái như vậy ?
Chẳng qua là như thế này... Bởi ngày trước Hai Mầu là người tình của bà Hoa. Họ vương víu với nhau một thời gian rất ngắn ở đất Sài-gòn, rồi chia tay. Trong lúc họ chia tay, Hoa có thai Tuấn vài tháng mà nàng không biết. Đến khi biết thì Hai Mầu đã đi rồi. Cậu trở về Mỹ-Tho mấy tháng sau là cậu cưới vợ. Mọi việc đã trễ, Hoa cam đành gánh chịu nuôi con một mình.
Trái đất tuy rộng, nhưng tròn, quay lòng vòng. Kẻ ở Việt-Nam người tha hương sống xa lơ xa lắc, rồi cũng gặp lại nhau, mà lại gặp trong một hoàn cảnh thật là đặc biệt. Ngẫm nghĩ, ông trời thật oái oăm và đôi khi rắn mắc nên mới sắp bày ra những cảnh trớ trêu, rồi cuối cùng ông bù đáp lại đầy đủ. Không biết có phải nhân loại là đào kép hát mà ông trời vẽ vời tuồng tích đặt cho mỗi người một vai để đóng tuồng trên sân khấu đời này chăng ?
Bây giờ tới phiên bà Hoa đang gặp cơn sóng động trong lòng mà chồng con chẳng ai hiểu nỗi chuyện thầm kín ở tận đáy lòng bà. Thật đúng với câu : Cá ăn kiến, rồi có ngày kiến ăn cá.
Nhưng làm sao bà Hoa âm thầm chịu đựng cho nổi, và hơn nữa, bà cũng sợ Tuấn và Hải Lệ nghĩ là không có ruột rà máu mủ,
rồi sanh lòng yêu nhau là sẽ chết hết cả đám. Nên cuối cùng, bà phải kể ra tất cả sự thật cho chồng con nghe...
*
Hải Lệ xuống Mỹ-Tho tìm được người cậu. Cậu Hai Mầu có vợ con nhà cửa đàng hoàng. Mặc dù ngày xưa ông ruồng bỏ đứa em cùng cha khác mẹ. Lý do, bởi vì Tím có chửa hoang. Nhưng thời gian ông cũng quên lãng chẳng còn giận hờn gì nữa. Hôm nay nghe cô cháu kể lại sự tình, làm cậu rất hối hận và xúc động. Suốt buổi chiều hôm ấy, hai cậu cháu hàn huyên tâm sự.
Mặt trời đã xuống thấp phía tây. Hải Lệ xin phép cậu trở lên Sài-gòn. Cậu Hai Mầu, chúc cô cháu qua Mỹ bình an nhiều may mắn và sẽ được sung sướng mãi sau này. Hải Lệ cũng chúc cậu mình ở lại may mắn và an lành. Hai cậu cháu trao đổi địa chỉ. Rồi Hải Lệ từ giã cậu đón xe đò trở lên Sài-gòn .
Sáng mai là tới ngày Hải Lệ lên đường. Tối hôm nay cô xuống nhà ăn cơm chung và nói cám ơn để từ giã hai vợ chồng người chủ nhà. Đêm nay Hải Lệ không làm sao ngủ được. Trong lòng cô nôn nao mà cứ nằm thao thức. Đến sáng lấy taxi, một mình một thân lên phi trường, đợi tới giờ máy bay, bay qua Mỹ.
Còn bên nhà ông Khanh, hai vợ chồng ông nghỉ làm, Tuấn và Tú nghỉ học ngày hôm ấy. Cả gia đình Khanh kéo lên phi trường đón Hải Lệ về nhà.
Kể từ đó, Hải Lệ như chiếc Lá rơi về cội được hưởng tràn đầy tình thương yêu của mọi người trong một gia đình ấm cúng.
(Ivry-sur-Seine, 2/2001)