‘’Trời thu ảm đạm một màu
Gió thu hiu hắt thêm rầu lòng em
Trăng thu bóng ngả bên thềm
Tình thu ai để duyên em bẽ bàng !’’
Như Trinh ngồi ngâm nga mấy câu thơ trong bài ‘’Giọt Lệ Thu’’ của nữ sĩ Tương Phố mà nghe lòng buồn vô tận. Nàng là một thiếu phụ ngoài ba mươi tuổi, sắc vóc trung bình, khuôn mặt hơi vuông, mái tóc chấm vai, ánh mắt diệu hiền, nhưng thường đăm chiêu nhìn xa vắng. Nàng sống một mình trong một căn nhà nho nhỏ, có sân vườn rộng khoảng vài trăm thước vuông, trồng chút ít hoa kiểng. Hiện tại trời cuối thu nên những cành cây trơ mình trọi lá trông buồn hiu hắt. Như Trinh ngồi thẩn thờ, bất chợt nhớ đến Hồng Đào, một trong những đứa bạn học hồi nhỏ, hiện đang tỵ-nạn bên Oslo (Na-Uy). Nàng liền ngồi vào bàn viết thư :
Vương Quốc Bỉ, Liège, ngày... tháng... năm 19...
Hồng Đào, bạn hiền ơi !
Trời cuối thu, tao thấy lòng buồn quá, nhớ đến mầy đây ! Mầy cũng như tao. Đời mình ví như thân cây của cuối mùa thu Âu Châu, thân cây không còn một chiếc lá. Tao tự hỏi : Sao thân cây kia không còn lá mà nó vẫn sống ? Thu qua, đông đến, thân cây phải chịu đựng bao mùa sương, tuyết, giá buốt lạnh lùng. Nhìn thân cây mà tao nghĩ đến thân phận của chúng mình. Phải chịu đựng Đào ơi ! Chịu đựng sự lạnh lùng và cô đơn để chờ mùa xuân đến !
Giờ đây tao đang viết cho mầy, nghĩ thương mầy bên kia sầu chiếc bóng, mà tao chẳng khác gì ! Hiện tại, tao đang ngắm nhìn những thân cây trơ cành, trọi lá, đứng sừng sửng trong khu vườn. Tao nghe lòng ray rức, xót đau. Thân cây có khác gì chúng mình đâu ?
Những ngày tháng vui bay qua thật nhanh. Sau đó trở về với những u buồn, sầu muộn. Ngồi đếm từng giây phút cho tàn một ngày. Sao mà dài lê thê trôi chậm quá. Ngoài kia sương trắng bao quanh, thân cây đứng chơi vơi để hứng chịu những giọt sương thu lạnh lùng, yên lặng. Có lẽ, chúng ta nghĩ gì, chắc thân cây cũng nghĩ thế ! Cây cũng có hồn như ta chứ ?
Hễ ‘’hữu thân thì hữu khổ’’. Đời bắt buộc ta phải sống. Như thân cây kia phải an phận với bốn mùa thay đổi. Xuân, hạ sao mà quá ngắn. Còn thu đông lại kéo dài. Có lẽ, vì ta nghĩ thế ! Chớ mùa nào cũng có ba tháng thôi.
Giờ đây chúng ta không còn lựa chọn gì cả. Không còn có những bước nhẹ nhàng ngoài sân vườn hay đi nhởn nhơ dạo phố, đưa mắt nhìn trời, nhìn đời và mơ mộng những gì vui thú nữa. Thôi, chúng ta hãy ráng chờ đợi mùa xuân đến từ cõi lòng và cả ngoài trời. Chờ đợi Đào nhé !
Tao nghe người đời thường nói :‘’Sống trăm năm, chết một giờ’’. Nhưng sống như thế này, thật là một kiếp người kéo dài lê thê chán nản ! Tao thường nghĩ, (chắc không giống ai ?). Nếu chết, thì đó mới là đi vào ‘’tuyệt đối’’. Thân cây hay thân chúng ta, khi chết đều giống như nhau. Đều là trở về với cát bụi, tro bùn. Tạo hóa đã dựng lên, thì tạo hóa cũng hủy diệt sau một thời gian dài hoặc ngắn tùy theo sức sống của con người hay vạn vật muôn loài.
Nơi đây, thu, đông là hai mùa buồn chán nhứt trong cõi lòng . Tất cả cỏ cây, vạn vật đều bao phủ dưới một màn sương mù dầy đặc hoặc bị tuyết phủ đè lên lạnh tê tái.
Hiện tại, trước mắt tao, nhìn xa xa có những cánh chim bay nặng nề, chúng nó cố chọc thủng màn sương trắng để tìm mồi ăn trong cơn đói lạnh. Tao nghe dường như tiếng chim đang kêu la như oán trách : ‘’Sao trời lạnh quá ! Lạnh quá ! Đói quá ! Đói quá’’ ! Nhưng chúng nó phải cố gắng bay để đi tìm sự sống. Vẫn biết kiếp sống nào rồi cũng phải đi vào con đường ‘’tuyệt đối’’. Sau đó sẽ ra sao ? Ra sao, chúng ta cùng toàn thể vạn vật nào có hay biết !
Còn cuộc đời chúng ta sẽ ra sao, và đi về đâu ở ngày mai ? Nhưng ngay bây giờ, chúng ta mỗi đứa mỗi nơi trên xứ người. Tao cảm thấy bơ vơ, cô đơn và lạnh !
Đào ơi ! Chúng ta hãy an phận, chấp nhận cùng với thân cây, bốn mùa, dưới tuyết sương hay dưới những tia nắng ấm. Rồi ngày qua ngày thế nào cũng sẽ đến ngày mình trở lại quê hương yêu dấu để gởi nấm xương tàn...
Buồn quá hả Đào ? Thôi nha bạn ! Tao tạm dừng bút, hẹn mầy thư sau. Chúc mầy can đảm và vạn sự an lành.
Hôn mầy nhiều
Như Trinh
Như Trinh viết xong lá thư, bỏ vào bao thư và dán tem đàng hoàng, nàng xoay qua sắp xếp lại những hồ sơ kế-toán của hãng sô-cô-la Parline hiện nàng đang làm việc. Sắp xếp nửa chừng, nàng đứng lên đưa mắt nhìn ra cửa sổ mà nghe lòng chán nãn. Một cơn buồn vô cớ len lẻn vào hồn. Bất chợt có tiếng chuông điện thoại, nàng đến nhấc lên :
- A-lô ! Ai đó ?
- Moa. Khang đây Như Trinh ơi !
Như Trinh đang buồn, nghe tiếng Khang, nàng vui lên :
- Ha ! Anh Khang ! Có chuyện gì lạ không anh ?
- Có chứ. Chiều mai, thứ bảy, nếu Như Trinh có rảnh, mời Trinh đi xem đại-nhạc-hội ‘’Tình Thu’’ với moa ?
- Dạ, rảnh... à, Trinh có đứa bạn gái chút nữa nó đến nhà Trinh chơi cuối tuần, Trinh rủ nó đi chung nha !
- Ô-kê ! Moa sẽ lấy thêm một vé nữa. Có phải Hồng Đào bên Oslo không ?
- Không. Anh không biết đâu !
- Vậy, cô nào, tên gì, cho moa biết được không ?
- Xuân Giao !
Khang nghe cái tên, chàng thốt lên :
- Xuân Giao ! Ôi cha, cái tên nghe hay quá ta !
Như Trinh cười khúc khích :
- Cái tên nghe rất hay, mà người lại đẹp, và đặc biệt có máy tóc dài như dòng sông Cửu-Long vậy đó !
Khang cười, nói đùa đùa :
- Nghe cái tên, tả máy tóc, tự nhiên moa thấy lòng bồi hồi, thổn thức rồi !
Như Trinh nghiêm giọng nói :
- Thôi nha ! Trinh không muốn chị Ly-Lan và hai cháu khổ à !
- Nói đùa mà Trinh !
- Đùa. Ở đó mà đùa, lỡ nhằm giờ linh là chết toi hết đa nghe !
- Chết chóc gì ba cái... si tình những người đẹp !
- Anh còn nhớ năm trước mới gặp Trinh không ?
- Nhớ rồi cô Nương ! Cô giảng cho tôi một bài không khác gì mấy Ma-Sơ trong Nhà Trắng.
- Nhờ thế, mà giữa anh và Trinh còn làm bạn tới bây giờ.
Bỗng dưng, Như Trinh thấy lo lo trong lòng, tự nhủ : ‘’Anh Khang này đẹp trai, nhưng rất đa tình. Rủi gặp con Xuân Giao cũng lãng mạn thì hai người cáp vô thì mình sẽ bị tội... Nhưng lỡ nói với ảnh rồi. Hy vọng không có chuyện gì đáng tiếc xẩy ra sau này !’’. Nàng nói tiếp :
- Nè, anh không đưa tình, liếc mắt với Xuân Giao à nghe !
Khang thở ra :
- Ta đã nói, nghe cái tên là con tim muốn yêu liền !
- Vậy thì Trinh không thèm rủ Xuân Giao đi xem hát ngày mai này đâu.
Khang cười ngất, tự nhủ : ‘’Cô này thiệt ! Cứ làm kỳ đà cản mủi hoài !’’. Chàng giả vờ năn nỉ :
- Xin Trinh, làm ơn cho moa gặp người đẹp đi mà !
- Trời ơi ! Chưa gặp mặt Xuân Giao, sao Trinh thấy dường như anh đang si mê nó tột độ rồi ! Thiệt là...
Khang cướp lời :
- Thiệt là đa tình, lãng mạn hén ?
- Còn gì phải nói nữa !
Ngoài sân có tiếng kèn xe inh ỏi, Như Trinh cười và nói tiếp :
- Rồi, nàng tới kìa !
Khang hỏi nhanh :
- Nàng từ đâu tới vậy ?
- Amsterdam, Hòa Lan.
Khang hít hà :
- Bên đó, là một xứ nổi tiếng về hoa tu-líp, đất pha cát vàng, và còn... nhiều thứ khác ác ôn hơn nữa đó !
- Thứ gì ? Lúc nào trong đầu anh cũng ham...
Như Trinh nói tới đây, Xuân Giao đẩy cửa vô nhà, vẫy tay, miệng mỉm cười. Như Trinh cũng vẫy tay, và nói nhanh với Khang :
- Thôi nhe anh Khang, có gì mình liên lạc sau !
Khang vội nói :
- Nhớ mời người đẹp đi chung nghe Trinh !
- Được rồi. Chào anh !
- Chào Trinh và... người đẹp luôn !
Như Trinh cúp điện thoại, nàng xoay lại hỏi Xuân Giao :
- Mầy đi đường có mệt không ?
Xuân Giao lắc đầu, cỡi áo măn-tô ra máng lên thành ghế, xổ mái tóc dài ra, rồi quấn lên kẹp lại, miệng tươi cười :
- Mệt cái khỉ gì. Mầy tưởng tao như bà già hả ? Ê, hồi nãy mầy nói chuyện với ai mà tao nghe như nói chuyện với kép vậy ?
- Kép đâu mà kép. Anh Đặng Vũ Khang, bạn trong Cộng Đồng người Việt mình. Ảnh rủ tao, chiều mai đi xem đại-nhạc-hội ‘’Tình Thu’’. Có trung tâm băng nhạc ‘’Thùy-Dương’’ bên Paris đưa đoàn hát qua đây trình diễn. Tao nói có mầy qua chơi cuối tuần. Anh ta vừa nghe tên mầy là thả hồn bay bổng như bị con ma tình lôi cuốn theo vậy đó.
Xuân Giao cười khoái chí :
- Cái tên của anh chàng, tao nghe cũng hay hay đấy !
Như Trinh lõ mắt nhìn Xuân Giao :
- Trời đất ! Mầy cũng vậy nữa sao ? Thôi, tiêu rồi !
- Tiêu cái gì ?
- Người ta đã có vợ và hai con rồi mầy ơi !
- Có vợ ! Ừa, mặc kệ có vợ. Nếu khi người ta yêu thì... chỉ biết chiếm đoạt cho bằng được ! Hí hí...
- Thôi, đừng có nghĩ bậy, nói xàm con quỉ ơi ! Ê, nhỏ ! Chiều nay, tao có hai món đãi mầy nè !
- Món gì vậy ?
- Bò tái-chanh và chã cá thìa-là. Được hôn ?
- Cha, hấp dẫn à ! Tao nghe đói bụng rồi !
Cả hai cô nói, cười vui nhộn, rồi kéo nhau đi xuống bếp lo cơm nước.
Qua hôm sau, chiều thứ bảy, Như Trinh và Xuân Giao sửa soạn, chải chuốt rất kỹ lưỡng. Như Trinh mặc chiếc áo dài nhung màu tím đậm có thêu cành lan trắng. Còn Xuân Giao thì mặc màu vàng, gấm Nhựt. Cả hai vóc dáng dịu dàng, tha thướt, trông thật mát mắt. Hai nàng lái xe ra Liège, đến rạp hát... đậu xe xong, đi tà tà. Như Trinh nhướng mắt tìm Khang. Họ thấy nhau. Khang tiến lại nhanh và gọi :
- Như Trinh ! Moa đây nè !
Như Trinh và Xuân Giao đi tới, chưa kịp giới thiệu, Khang nói nhanh :
- Chào Như Trinh ! Chào... Xuân Giao !
Họ bắt tay nhau. Như Trinh để ý thấy Khang và Xuân Giao nhìn tình. Khang móc trong túi áo vết ra ba tấm vé hát và nói :
- Thôi, mình vô rạp sớm. Chớ chút nữa đông người nối đuôi mệt lắm !
Khang ga-lăng, chàng đưa vé cho người soát vé và tránh qua cho Xuân Giao và Như Trinh vô trước, Khang tòn ten theo sau. Trong đầu Khang nghĩ : ‘’Làm sao sắp cho Xuân Giao ngồi gần mình cà ?’’. Nhưng Như Trinh để cho Xuân Giao ngồi chính giữa. Khang thấy vui vui và nghe lòng khoan khoái...
Sau khi xem hát xong, cả ba kéo nhau đi uống cà-phê và ăn kem. Họ chuyện trò vui nhộn và trao đổi địa chỉ, số điện thoại. Dường như trong tim Khang và Xuân Giao giao động cùng chung nhịp. Họ đưa ánh mắt trao tình và những cử chỉ thân mật. Như Trinh thì nhủ thầm : ‘’Rồi, cá đã cắn câu ! Ly-Lan, cô vợ đầm của anh Khang sẽ khổ nữa !’’. Nghĩ đến đây, Như Trinh quay sang Khang và Xuân Giao :
- Trinh thấy hai người có vẻ mết nhau quá vậy ta !
Như Trinh đập vai và nhìn thẳng vào mắt Khang, nàng tiếp :
- Thôi, đừng để cho người-ta và mấy đứa nhỏ khổ nha !
Xuân Giao xoay qua hỏi Như Trinh :
- Mầy nói gì mà tao không hiểu ?
- Ừa, mầy không hiểu, nhưng anh Khang hiểu !
Khang cười cười :
- Như Trinh ơi ! Cho moa tự do chút đi mà !
Như Trinh thở ra, ngước mắt nhìn lên trần nhà và nói :
- Thì ai mà dám cấm đoán anh... Thôi, khuya rồi, đi về Xuân Giao ơi ! Anh Khang cũng về nữa. Nếu không thì chị đợi tội nghiệp !
Khang chắc lưỡi, lắc đầu, rồi gọi cậu bồi lại lấy tiền. Cả ba đứng lên đi ra ngoài đường. Khang đi sát bên Xuân Giao và nói nho nhỏ :
- Thứ hai này, Xuân Giao gọi moa trong sở nha !
Xuân Giao mỉm cười và gật đầu. Khang đưa hai nàng đến tận xe, chờ cho chiếc xe khuất dạng, rồi chàng trở lại lấy xe lái về.
Sau cuộc gặp gỡ giữa Xuân Giao và Đặng Vũ Khang. Rồi họ yêu nhau. Hay nói đúng hơn là họ mê nhau. Chỉ trong vòng sáu tháng, Khang đòi ly dị với vợ. Ly-Lan, vợ Khang ôm hận trở về Pháp. Nàng bỏ lại hai con cho chồng và Xuân Giao nuôi...
*
Vào khoảng đầu thập niên 1960, Khang được sang Pháp du học. Sau khi đậu bằng Kỹ Sư Kiến-Trúc. Khang lập gia đình với Ly-Lan, người con gái Pháp, học chung trường đại học... Thuở ấy, bên Tây ít có nữ sinh viên Việt Nam. Khang và Ly-Lan quen nhau, yêu nhau tha thiết, mấy năm mới tiến tới hôn nhân. Rồi năm năm sau Ly-Lan sanh song thai hai đứa con trai đặt tên Việt và Frank. Họ sống hạnh phúc, êm đềm. Trong khi đó, Khang có người bạn học chung khóa, người Bỉ, tên Benoît Mauris. Cha Benoît có hãng thầu xây cất G.C.M., cậu rủ Khang sang Bỉ làm việc trong hãng cha cậu. Khang thích thay đổi cảnh nên liền khăn gói cùng vợ con đi qua bên ấy lập nghiệp.
Sau tháng 4, năm 1975, đợt sóng Thuyền-Nhân Việt Nam tràn qua tị-nạn. Khang vì thương xót đồng bào mình nên thường bỏ vợ con đi dự các sinh hoạt trong Cộng Đồng người Việt. Chàng rất nhạy cảm dễ si tình, nhứt là khi gặp những người đàn bà, con gái Việt. Bởi tâm hồn Khang quá đa tình, lãng mạn và cộng thêm sự khao khát nói tiếng mẹ đẻ. Chàng muốn trở về nguồn. Vì đã lìa xa quê hương khá lâu năm. Khang sanh trưởng trong một gia đình giàu có ở Sài-Gòn. May mắn thay ! Cha mẹ chàng nhận định được thời thế, họ chuyển tiền bạc ra ngoại quốc trước ngày biến cố xẩy ra. Một thời gian sau, cha mẹ của Khang lần lượt qua đời, chàng thừa hưởng trọn gia tài khá lớn.
Gần như, đàn bà, cô gái nào biết Khang, họ cũng mơ ước được chàng chiếu cố. Bởi Khang là ông Kỹ Sư giàu có, dáng vóc cao ráo, khá đẹp trai, tánh tình phóng khoáng, hào hoa, phong nhã...
Năm ngoái, lúc mới quen Như Trinh, Khang cũng si tình nàng. Nhưng, Như Trinh lại có tâm hồn, đặt hoàn cảnh của người vào mình. Nên nàng cố đè nén lòng tham, dục vọng và tiền tài. Nàng khuyên Khang hãy nghĩ trước hết là hai đứa con. Vì đời của nàng đã trải qua cảnh sống với dì ghẻ hồi nhỏ. Và bị người đàn bà khác giựt chồng vài năm về trước. Nàng ôm đau thương, sầu hận tột cùng. Nhưng với tấm lòng vị tha, nàng dễ dàng xóa bỏ những việc thường tình thế gian. Cũng may, nàng không có con, và người chồng bạc tình kia, để lại cho nàng một căn nhà nhỏ. Nàng đi làm thư ký kế-toán, sống âm thầm một mình với cuộc sống trung bình vừa đủ.
Hồi mới gặp Khang, Như Trinh cũng thích chàng lắm. Nếu Khang không có vợ thì nàng đã gieo đầu vô rồi. Nhưng Như Trinh là người đàn bà đã từng nếm ít nhiều kinh nghiệm đời nên biết được nỗi khổ của kẻ khác cũng là nỗi khổ của chính mình, chớ nàng chẳng phải Thánh-thần gì cả...
*
Khang và Xuân Giao cặp bồ một thời gian mới làm hôn thú. Hai người ăn ở với nhau gần mười năm mà chưa có con. Xuân Giao rất mong cầu, trông đợi. Bấy giờ, nàng đã hơn bốn mươi. Còn Khang ngoài năm mươi, nên chàng chẳng muốn có con nữa. Nhưng Xuân Giao đòi nằn nặc. Nàng đi bác sĩ sản khoa, khám hết ông này tới ông kia. Những ông bác sĩ cho biết, nàng rất khó có con, vì cổ tử cung bị chai cứng nên tinh trùng khó chui vào. Chỉ có thể cấy vô thôi. Và bác sĩ khuyên nàng không nên để có con, vì tuổi tác hơi lớn. Nhưng Xuân Giao không nghe lời bác sĩ. Nàng bắt buộc Khang phải cùng nàng đi làm cho có con. Khang vì quá yêu và si mê Xuân Giao, chàng bỏ tiền ra khá nhiều để làm vừa lòng người yêu. Những lần thử nghiệm thất bại. Rồi cuối cùng cũng thành công. Xuân Giao được đậu thai, nàng mừng lắm. Nhưng Bác sĩ nói, dưỡng thai rất cực nhọc, không được mang giày cao gót, đi đứng phải cẩn thận, không được làm việc gì nặng...
Xuân Giao ngày đêm lo âu cho cái thai, nên bỏ bê hai đứa con của Khang bù lơ, bù lốc. Lắm lúc nàng nổi cáu và đánh hai đứa nhỏ. Khang nghe hai con mét lại, chàng rất khổ tâm. Chàng hay ngồi im lặng, lòng nghe hối hận những điều mình đã làm, và đôi khi còn nghe văng vẳng đâu đây lời khuyên của Như Trinh : ‘’Anh Khang à ! Đừng để hai trẻ thơ vắng cha hoặc thiếu mẹ nghe anh ! Cha là khối óc, mẹ là trái tim. Hoặc, cha là quan toà, mẹ là luật sư. Cha răn dạy, rầy la, mẹ bênh vực, vuốt ve. Chúng nó không thể thiếu một trong hai thứ đó trong đời được. Vì thiếu một thứ là chúng nó sẽ bị mất thăng bằng ngay. Trinh là nạn nhân của sự thiếu thốn ấy, nên Trinh hiểu rất rõ. Trinh mong mỏi giữa anh và Trinh chỉ làm bạn cho bớt cô đơn giữa đời...’’. Khang hồi tưởng lại những lời khuyên của Như Trinh mười mấy năm về trước, chàng thấy thật là chí lý. Nhưng đã muộn rồi !
Sau này, Khang hay dẫn hai con đi chơi riêng. Đôi khi cuối tuần, chàng lái xe đưa hai con qua Paris thăm mẹ chúng nó. Một hôm Xuân Giao biết được, nàng lồng lộn nổi cơn ghen ngược. Nàng đã không chút từ tâm, nên càng ngày nàng càng lên cơn xì-nẹc dữ tợn hơn. Có lẽ, tại vì vậy mà làm cái thai bị động. Xuân Giao mang thai được tám tháng, rồi bị băng huyết và sẩy thai. nàng được cứu sống. Còn hài nhi là bé gái, chết liền sau khi lọt lòng mẹ. Từ đó, Xuân Giao luôn luôn bệnh hoạn.
*
Vào mùa đông, năm 198... ngoài trời rét buốt, tuyết rơi suốt cả tuần, làm thành phố và ngoại ô Liège biến thành một vùng biển trắng...
Buổi sáng, Khang vừa ra ga-rai lấy xe để đi làm, sắp leo lên thì chú phát-thư đem mấy lá thư đưa cho Khang. Trong đó có một lá của phòng thử nghiệm... gởi về. Khang bèn đem theo, vô sở mở ra đọc (...). Họ cho hay là vợ chàng bị ung thư toàn bộ phận sinh dục đến thời kỳ không cứu chữa được nữa. Khang biết tin ấy, chàng rất lo buồn, lòng không muốn cho Xuân Giao biết. Nhưng làm sao dấu được ? Vì Xuân Giao cứ hỏi hoài. Một hôm buộc lòng Khang phải nói thật cho nàng biết...
Sau khi Xuân Giao được biết sự thật bệnh tình của mình, nàng buồn rầu và thường bị ngất xỉu. Tự biết mình không còn sống bao lâu nữa. Thay vì nàng hối hận, nhưng ngược lại, càng ngày càng đâm ra khó chịu và tức tối nên căn bệnh càng tăng nhanh. Khang thấy vợ quá yếu. Một hôm, chàng đề nghị với vợ là, nhờ Như Trinh đến nhà chăm sóc và trông nôm luôn hai đứa nhỏ. Bởi hiện tại Như Trinh trong tình trạng thất nghiệp. Vì hãng sô-cô-la parline bị khánh-tận phải đóng cửa. Ban đầu Xuân Giao không chịu. Có lẽ nàng bị mặc cảm xấu hổ hay lý do gì khác với Như Trinh ? Vì lúc Xuân Giao và Khang mới cặp bồ, Như Trinh có ngăn cản, khuyên lơn rất nhiều lần. Nhưng ai mà cản ngăn nổi, một khi hai người say đắm yêu nhau ? Như Trinh kết tội Xuân Giao là người phá hoại gia can của Khang. Dạo sau này, Như Trinh ít khi lui tới nhà Khang. Xuân Giao suy nghĩ, rồi cuối cùng phải bằng lòng nhờ Như Trinh lại nhà.
Khang điện thoại hỏi Như Trinh, và bảo Xuân Giao cũng phải nói vài lời... Như Trinh nghe vậy, nàng hơi suy nghĩ một chút. Nhưng nàng sẵn có tâm hồn bao dung, dễ giải, nàng nghĩ : ‘’Dù sao Xuân Giao cũng là bạn học của mình hồi nhỏ. Còn Khang là người bạn đồng hương, cùng sinh hoạt trong Cộng Đồng người Việt tị-nạnvới mình tại Bỉ này. Mình nên nhận lời đến nhà họ... Nếu không, người đời sẽ cho mình là kẻ ích kỹ, hẹp hòi. Bây giờ hai đứa nhỏ được mười hai tuổi rồi. Tụi nó tự túc đi học, mình khỏi cần đưa rước...’’. Như Trinh suy nghĩ, rồi bằng lòng xách gói đến nhà Khang như người giúp việc.
Căn bệnh trầm trọng của Xuân Giao, càng ngày càng nặng. Nàng không ăn uống được, thân xác ốm tông, ốm teo chỉ còn da bộc xương. Nàng đớn đau, quằn quại, và vô ra nhà thương như cơm bữa. Căn bệnh hành hạ thân xác nàng, cả năm sau nàng mới lìa đời.
Đám tang của Xuân Giao thật lớn. Người đưa đám rất đông. Nhưng hình như cái chết của Xuân Giao không làm ai xúc động gì nhiều. Phần đông bạn bè đôi bên đều biết nàng là người đàn bà rất đẹp. Tuy đẹp, nhưng thiếu hẳn lòng nhân. Nàng chỉ muốn chiếm đoạt tình lẫn tiền của kẻ khác. Vì thế, nàng mới làm đủ mọi cách cho có con với Khang để sau này được chia gia tài đồ sộ của chàng thôi. Thật, trời cao có mắt tham thì thâm !
Sau khi Xuân Giao chết, Như Trinh vẫn còn ở đó để châm sóc và lo cơm nước cho ba cha con Khang. Xem như nàng là một bà quảng gia trong nhà này. Bởi Khang trả tiền lương và khai báo đàng hoàng.
*
Vào một đêm cuối mùa thu, nhân dịp sắp làm sinh nhựt cho hai bé Việt và Frank. Sau khi ăn cơm tối xong, hai đứa nhỏ vô phòng ngủ. Ngoài salon, Như Trinh bàn chuyện với Khang, nàng nói :
- Anh Khang à ! Theo Trinh thấy, anh và hai đứa nhỏ viết thư hoặc điện thoại mời chị Ly-Lan qua đây để mừng sinh nhựt hai con của anh tuần tới nghe ?
Khang đưa ánh mắt tình tứ nhìn Như Trinh, chàng suy nghĩ một hồi rồi nói :
- Không được đâu Trinh à !
Như Trinh hỏi nhanh :
- Tại vì sao ?
Khang ngập ngừng buông lời nhè nhẹ :
- Anh muốn... Trinh làm vợ anh !
Như Trinh vừa nghe câu nói của Khang, nàng điếng người, nghe tim lòng như vỡ nát. Nàng ngồi lặng thinh mà nước mắt trào rơi. Nàng thốt lên :
- Trời ơi ! Anh Khang ! Anh vẫn không tha Trinh à ! Bây giờ Trinh gần năm chục tuổi, già rồi anh Khang à !
- Thì anh có trẻ đâu ?
Như Trinh lắc đầu, nước mắt cứ tuôn trào...
Khang vẫn để cho con tim điều khiển, chàng không còn lý trí gì nữa cả. Chàng đứng lên tiến gần, định đưa tay ôm choàng hai vai Như Trinh, nhưng nàng né qua một bên và liền nói :
- Anh Khang ! Sao anh tạo chi những cảnh rối rắm vậy ?
Khang khựng lại, bóp đầu suy nghĩ, rồi đến ngồi bên cạnh Như Trinh và nói :
- Như Trinh à ! Anh biết, từ hồi nào đến giờ, Trinh thương anh lắm. Vì Trinh sống quá đạo đức hay sợ sệt gì đó, nên Trinh âm thầm đè nén lòng. Mà chỉ mong sao anh có hạnh phúc. Trinh hành động như thế, anh thấy thật là vô lý. Sao Trinh tự đày đọa mình chi vậy ? Trinh đừng làm con rắn hay đầu, tự quật cắn lấy mình ! Còn riêng anh. Anh quá nông nỗi làm đỗ vỡ gia đình để cưới Xuân Giao. Bây giờ Xuân Giao đã mất. Anh nghĩ, anh sẽ tìm lại hạnh phúc bên cạnh Trinh. Và anh sẽ chừa... cái tật si tình... Và hơn nữa, hai đứa nhỏ cũng mến thương Trinh. Trinh rất xứng đáng...
Nước mắt Như Trinh càng tuôn nhiều hơn, nàng nghe tim mình như bị một cái gì đè nặng. Nàng lắc đầu và nghẹn ngào nói :
- Không. Không thể nào được anh Khang à ! Xin anh để cho Trinh yên. Người đem lại hạnh phúc cho anh và hai đứa nhỏ, không ai khác hơn ngoài chị Ly-Lan, vợ trước của anh. Chị ấy mới xứng đáng... Còn cá nhân và lòng riêng của Trinh. Trinh xin anh đừng khuấy động. Anh hãy để cho mặt hồ yên tịnh, Trinh vang xin anh ! Vang xin anh !
Như Trinh khóc thút thít. Khang im lặng đứng lên đi lấy ống bíp đốt lửa, hít vài hơi nhả khói, rồi nói :
- Cái việc anh phải quay đầu để năn nỉ Ly-Lan trở về với anh thì thật là khó. Anh cũng xin em đừng khuyên anh như thế. Dù sao đi nữa, anh phải tự trọng và còn tự ái chứ !
Như Trinh đưa ánh mắt sắt bén lườm Khang. Nàng hỉ mũi, lau nước mắt rồi nói chầm chậm, nhưng gay gắt :
- Xin lỗi anh Khang ! Anh cho phép Trinh nói...
- Trinh cứ nói. Anh sẵn sàng nghe.
Như Trinh nổi giận và mắng Khang :
- Anh còn biết tự trọng, tự ái sao ? Há ! Lòng tự ái, tự trọng của anh đừng đặt vào đây nữa... Anh... Anh là thuộc loại đàn ông : Già không bỏ, nhỏ không tha...
Khang vừa nghe những lời của Như Trinh nói, chàng nghe đau điếng người. Nhưng nghĩ lại tự cho là Như Trinh nói rất đúng, tự nhủ : ‘’Như Trinh là người tốt và thành thật, thẳng thắn. Trên cõi đời này khó tìm được người bạn nào có tấm lòng như nàng !’’. Khang xoay mình nhìn Như Trinh, rồi nói một giọng đầy hối hận :
- Đã trễ mất rồi Trinh à ! Ly-Lan thù ghét anh lắm !
Như Trinh nín thinh vài giây... Nàng nhìn Khang và nói dịu giọng :
- Trinh không nghĩ như vậy. Vì chị Ly-Lan là người đàn bà hiền từ, có học thức và đầy đủ tư cách. Chị không có thù oán anh đâu. Hồi trước chị ôm nỗi đau khổ ra đi. Chị không đòi hỏi điều kiện gì cả, và chẳng có một lời trách móc hay nguyền rủa ai. Chị vẫn ở vậy không lấy chồng. Có lẽ, chị hy vọng cái gì đó...? Gặp người khác, anh và Xuân Giao khó mà có thể sống yên được bên nhau lâu dài đâu.
Khang ngồi nín thinh. Như Trinh cảm thấy chàng hối hận thật, nàng liền hỏi :
- à, này ! Anh có cho phép Trinh sang Paris gặp chị Ly-Lan không ?
- Để làm gì ?
- Làm gì thì mặc Trinh.
- Tùy Trinh.
- Cảm ơn anh. Vậy sáng mai, Trinh sẽ đi...
Sáng hôm sau, Như Trinh thức dậy sớm, ra ga lấy xe lửa qua Paris. Đến nơi, nàng điện thoại cho Ly-Lan :
- A-lô ! Tôi nghe !
- Dạ, thưa bà cho tôi nói chuyện với bà Đặng Vũ Khang !
- Vâng, tôi đây ! Xin lỗi, bà là ai ?
- Tôi là Như Trinh ! Như Trinh... bạn của ông Đặng bên Liège đó, bà còn nhớ tôi không ?
Ly-Lan nghe nhắc đến chồng mình, bà nghe nóng rần người lên, bà trả lời hơi mai mỉa :
- Vâng, tôi nhớ... Tôi có nghe tin người bạn thân của bà đã mất. Tôi rất lấy làm buồn !
Như Trinh đọc được tâm trạng của Ly-Lan, nàng nhẹ giọng và nói chuyện khác :
- Thưa bà ! Tôi đang ở Paris. Tôi muốn mời bà đi dùng cơm trưa với tôi. Mong bà không từ chối !
Ly-Lan ngập ngừng nói :
- Xin bà gọi lại tôi cỡ mười một giờ được không ?
- Được !
Ly-Lan suy nghĩ : ‘’Mấy năm nay, Như Trinh lo hai con mình rất chu đáo. Mình nghe hai con kể là Như Trinh thương tụi nó lắm. Vậy mình phải biết ơn nàng. Mình nên nhận lời đi dùng cơm với nàng mới được, và để coi nàng muốn nói chuyện gì đây ?’’. Ly-Lan sửa soạn và đợi cú điện thoại của Như Trinh. Đúng giờ Như Trinh gọi lại... Hai người nói chuyện vài ba câu... Ly-Lan bằng lòng đi dùng cơm trưa, bà hỏi Như Trinh :
- Bà đang ở đâu vậy ?
Như Trinh nghe lòng vui lên :
- Dạ, dạ. Tôi đang ở gần nhà bà, số 12..., đường Raspail, quận 6 đây. Xin hẹn bà ở nhà hàng Le Havre, cỡ mười hai giờ trưa nha !
- Vâng, chút nữa nhé !
- Dạ, tôi đợi bà !
Như Trinh và Ly-Lan gặp nhau. Họ dùng cơm Tây đơn sơ. Như Trinh khôn khéo lựa lời, chỉ nói và khen về hai con của Ly-Lan. Cuối cùng Như Trinh thuyết phục và mời được Ly-Lan sang Liège vào cuối tuần tới để mừng sinh nhựt hai bé Việt và Frank...
Trước khi đến cuối tuần để tổ chức tiệc tùng. Trong mấy ngày đêm, Như Trinh suy nghĩ thật nhiều. Tại vì mấy chữ tình-tiền và danh-vọng nên lý trí và con tim của nàng chống chọi nhau mãnh liệt, nó làm tâm hồn nàng giao động không ít. Thật ra, Như Trinh cũng là phàm phu, tục tử như ai. Nhưng cuối cùng lý trí thắng con tim. Nàng tự nhủ : ‘’Mình phải cương quyết âm thầm ra đi khi có mặt Ly-Lan buổi tiệc tuần tới mới được !’’.
Tới ngày sinh nhựt của hai bé Việt và Frank. Kỳ này, Khang cho phép hai con mời những đứa bạn học trong trường thật đông. Và chàng cũng mời bạn bè của chàng nữa. Tất cả cỡ hơn một trăm người lớn và con nít. Khang bảo Như Trinh đặt đồ ăn ở tiệm và mướn hai cậu chạy bàn. Nàng chỉ lo sửa soạn chưng hoa và trang hoàng nhà cửa cho đẹp thôi.
*
Hơn mười năm trước đây, Ly-Lan ôm hận ra đi. Hôm nay nàng trở lại, tuy ngôi biệt thự có phần thay đổi màu sơn và cách trang hoàng. Nhưng những thứ đó không làm bà quan tâm. Vấn đề hệ trọng nhất, là bà đang kề cận bên chồng và hai con của bà. Trong lòng bà sung sướng như đã tìm lại được kho tàng hạnh phúc.
Đã hơn tám giờ đêm, mọi người nhập tiệc, bầu không khí tưng bừng, quan khách đông đảo, cười nói ồn ào, trẻ con vui đùa, tiếng nhạc vang vội. Những người bạn của Ly-Lan khi xưa, họ rất vui mừng gặp lại bà. Dường như, Ly-Lan quên hẳn bà đang làm khách trong ngôi biệt thự sang trọng này. Bà tiếp đón ân cần quan khách, bạn bè của chồng và các con. Bà rất tự nhiên như người chủ nhà.
Còn Như Trinh, nàng đang nghĩ gì ? Nàng chỉ gượng cười, đi tới, đi lui, để ý. Rồi nàng nhìn thấy nét mặt Ly-Lan vui vẻ, hai đứa nhỏ quây quầng bên cạnh mẹ thật hồn nhiên. Như Trinh rất toại nguyện... Nhưng lại nghe lòng lâng lâng - vui, buồn pha lẫn khó tả được. Thừa cơ hội ấy, nàng vào phòng thu xếp quần áo, đồ đạc bỏ vào valise và viết vội một lá thư để lại. Bìa thư đề : ‘’Kính gởi : Ông Bà Đặng Vũ Khang - Ly-Lan’’. Rồi nàng âm thầm xách valise ra đi trong khi mọi người đang vỗ tay và cùng hát bài ‘’Chúc Mừng Sinh Nhật’’ cho hai bé Việt và Frank. Trên cái bánh sinh nhật khá lớn có cắm mười ba ngọn đèn cầy nho nhỏ đủ màu đang cháy...
Hoa nào tránh khỏi gió mưa
Bướm nào là bướm lánh chừa vườn xuân ?
Ngẫm hay cuộc thế xoay vần
Bướm hoa, hoa bướm chất chồng nghiệp căn
.
(Paris, 8/2001)