Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Hồi Ký, Tuỳ Bút >> Những gương mặt - Chân dung văn học

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 14673 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Những gương mặt - Chân dung văn học
Tô Hoài

13. Trọng Hứa


"Đây gió... đây trong rừng”

Năm 1950, Nam Cao và tôi được chuyển công tác từ báo Cứu Quốc về hội Văn Nghệ. Rừng Chiêm Hoá trên Tuyên Quang xuống huyện Đại Từ dưới Thái Nguyên. Gặp Trọng Hứa trong xóm Yên Dã, chân triền núi Tam Đảo, đã ở cơ quan trước khi chúng tôi về.

Hơn bốn mươi năm đã qua, vậy mà tưởng như vẫn thế. Nguyễn Trọng Hứa biệt hiệu là Phong Giang - tuổi trẻ mơ ước mây gió sông hồ, ai mà chẳng một thanh xuân như thế.

Bóng núi Tam Đảo âm u xanh ngắt trên đầu. Sau này, có lần trông ảnh Trọng Hứa, lần ấy đi công tác, chụp đứng ven tường Vạn Lý Trường thành ngoại ô Bắc Kinh, phương trời và thời gian khác nhau, nhưng vẫn ngỡ như ở xóm núi Yên Dã, Trọng Hứa ôm cây đàn ghi ta mốc thếch - may mà mối đồi chưa xông đến.

Tiếng trầm tiếng thanh và câu hát ngẩn ngơ của một ca khúc Phần Lan, Đào Vũ dịch lời Trung Quốc: Đây gió, đây trong rừng...

Năm tháng vô tình và độc ác, chúng ta lụ khụ cả rồi. Nhưng lặng lẽ trong ta vẫn những muốn, những ước của mỗi người. Ngày ngày, chiếc bóng tha thủi rẽ phải rẽ trái sang đường... Ngày ngày... chúng ta...

Trọng Hứa hay nói: Tôi lúc nào cũng đói sách. Tôi nhèm phố phường. Tôi muốn viết. Tôi sẽ viết... Trên hè đường, chúng ta lút vào những ngổn ngang quanh mình. Kẻ quen nhận ra không phải ở cái mã người chẳng còn đáng vướng đuôi mắt ai. Ông già từ tốn giơ tay phải ra cho xe đạp, xe máy biết có người làm hiệu sang đường. Xưa kia thì lướt phăng phăng trong cái đám nườm nượp quanh co ấy chứ!

Những ai mắt trắng, chớ tưởng mảnh giẻ lau bát này chưa khi nào đã là tấm lụa Trữ La. Thời ấy trai Hà Nội mê đến cuồng lên, tìm cách được đầu quân Nam tiến, ai đến huyện Gio Linh viếng nghĩa trang Trường Sơn của hai cuộc kháng chiến trên đồi chính giữa, cả nghìn tấm bia liệt sĩ Hà Nội hy sinh 1946-1947... 1953, 1965... 1979... Trọng Hứa cùng một lớp thanh niên sôi nổi và lãng mạn ấy. Chàng tuổi trẻ về quê ở Bắc Ninh rồi với chiếc đàn ghi ta nhập ngũ vào trung đoàn Bắc Bắc.

Tôi chưa công tác cùng Trọng Hứa thời kỳ đầu ở hội Văn Nghệ, khi cơ quan vất vả chạy giặc chiến dịch thu đông 1947, địch nhảy dù Bắc Cạn, Cao Bằng, ngược sông Lô lên tàn phá Chiêm Hoá. Cơ quan hội văn Nghệ vượt sông Công, sông Thao, ở Thái Nguyên sang Phú Thọ, rồi Yên Dã sang Gia Điền, Văn Lang, Đan Hà...

Sau mới đến những ngày cùng ở Tuyên Quang, qua đò bến Phao Lồ, chui vào rừng Thượng Yên. Khi lên cây số 7 ở làng Dao trong Động Móc chân núi Là.

Không quên được mấy chuyện tiếu lâm. Con tê tê ở đồi chạy ra thung lũng Yên Dã, ông Phan Khôi cuống quít hò hét giục người ta đuổi bắt “thịt tê tê ngon hơn thịt gà" ở Thượng Yên, ông Ngô Tất Tố xơi thịt lợn lửng của cụ bếp Ban kho, tanh quá, ông Tố mửa ngay ra bếp. Nam Cao quá chén, chửi Sôlôkhốp ầm lên "thằng ấy viết ra chó gì"... Nhưng ai nấy hầu như vương vấn nhiều về thị xã Tuyên Quang, cái Hà Nội tha hương của chúng tôi.

Thường ra thị xã chơi, ai đi những đâu, chiến dịch lên biên giới, chuyển công tác khu 3, khu 4, có khi vào tận miền Nam rồi trở lại đây, Trọng Hứa, Dương Bích Liên, Nguyễn Sáng, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Tuân và những trang hảo hán ngựa hồng súng côn bạt từ mặt trận về hậu phương, lạnh lùng làm điệu ném cương ngựa vắt lên cửa quán ven đường. Hơi hướng thành phố theo chúng tôi từ xuôi lên ngược, qua những băm sáu phố phường tưởng tượng ở Thái Nguyên, ở Đại Từ, ở Phú Thọ, ở Thanh Cù, Vũ Yên tới Bắc Cạn rồi dừng lại thị xã Tuyên Quang "Ngày nào trở lại cố đô. Ôi Thăng Long rợp bóng cờ vinh quang. Hẹn nhau ý thiếp lòng chàng. Xuân mười phương mộng tuổi vàng đêm nay" (Đinh Hùng).

Nào những phở Đất, phở Dơi bờ sông Lô, cà phê, cô Pháo êm đêm, cô Hạ máy chém "Cây đa nước chảy”, thế mà ai cũng muốn kề cổ vào, rồi cốc sữa dê tươi nóng cây số 3 đường Hà Giang, riêng Trọng Hứa và tôi hay lui tới. Bỗng dưng nửa đêm trăng sáng ấy giữa đường tôi gặp lại cố nhân. Cầm tay mà không nói được nên lời... Quả thực, nhớ những giăng gió hẹn hò ngoài làng mạc, phố xá thị xã nhiều hơn ở trong rừng.

Thu đông chiến dịch Trung du, chiến dịch Đông Bắc, Tây Bắc, chiến thắng Điện Biên Phủ, ban ngày rồi cả ban đêm, máy bay Pháp lên bom bắn tơi bời mà không đánh gẫy nổi Cầu Chả, cái cầu sắt chơ vơ giữa thị xã. Thì chúng tôi vẫn thế thôi. Vẫn nhơn nhơ và đam mê thế.

Cứ như nô giỡn với sống chết, với mọi trang, nghiêm hàng ngày. Có phải tinh thần niềm vui và nghị lực? Bởi lại nhớ những lần lên bến Ngọc làm công tác thu xe đạp của người qua đường phục vụ mặt trận Điện Biên. Xe đạp sang bến, “mặt trận mượn” hết. Chiến trường trên biên giới đương khẩn trương. Mỗi người bị giữ xe được phát một biên lai chứng nhận. Thế là bằng lòng. Rồi lại đổ đi các làng làm công tác vay thóc cho tiền tuyến - Nam Cao đã viết kịch Đóng góp và tôi viết truyện Tạm vay phát hành ngay trong chiến dịch. Lại những hôm xếp hàng một nghiêm chỉnh ra thị xã tham quan trại tù binh Pháp ốm sắp được thả mảng xuôi sông Lô về trao trả ở Việt Trì. Hai lần chi bộ họp kết nạp vào đảng Nguyễn Tuân và Xuân Diệu. Đãng tử Phong Giang đồng chí Trọng Hứa nhiệm kỳ ấy làm bí thư đã cùng chi uỷ quyết định kết nạp hai đảng viên mới. Tố Hữu, một trong hai đảng viên cũ giới thiệu.

Bao nhiêu cái nghĩ trong hai buổi kết nạp ấy. Rồi chúng tôi liên hoan nhảy "sòn la sòn" trên sàn nhà ông chánh Cuốn. Kim Lân bíu vai áo Ngô Tất Tố níu vào nhau nối theo dòng dài Nam Cao, Nguyễn Huy Tưởng, Ngô Quang Châu, Nguyễn Văn Mãi, Nguyễn Hổng... có cô Bích Thuận bên hội phụ nữ đến chơi cũng nhảy góp vui. Đoàn rồng rắn vằn vèo lạt xạt sàn nhà, ai nấy hò sòn la sòn... sòn la sòn... và hát réo lên: Dân Liên xô vui hát trên đồng hoa... Dân Liên Xô vui hát trên đồng hoa...

Tài tử Trọng Hứa một mình uốn éo ôm đàn đứng trước đoàn người hí hửng như trẻ con đồng quê làm trò chơi "rồng rắn đi lấy thuốc cho con”. Tiếng ghi ta réo rắt và: Đây gió... đây trong rừng... Đây... cánh đồng...

Rồi chiến thắng Điện Biên Phủ. Sắp trở về Hà Nội, Trọng Hứa bị ốm liệt giường. Bệnh sốt rét viêm gan hiện lên vàng lạnh tận mắt, hai tròng con mắt như bôi nghệ. Trần Phương đạo diễn điện ảnh nghệ sĩ ưu tú bây giờ, với Phùng Cung, hai cậu làm văn phòng, đã khiêng người sắp chết ra bệnh viện ngoài Lang Quán.

Thế nào mà Trọng Hứa mò về được, lại vào đoàn tiếp quản Hà Nội trước cả mọi người. Cái bệnh gan kinh niên không vật chết nổi người, nhưng đã thành cục trai gan dai dẳng hành hạ Trọng Hứa đến tận hôm nay.

Trọng Hứa được phân công sang phụ trách văn nghệ đài Tiếng nói Việt Nam. Tình hình mới, đài và các báo đương cần bổ sung. Nguyễn Văn Bổng ở khu 5 mới ra, cùng Bùi Hiển với tôi về phóng viên báo Nhân Dân. Từ Tuyên Quang, báo yêu cầu tôi xuống thẳng Phúc Nhạc, không qua Hà Nội. Dưới ấy, các vùng công giáo nhiều người di cư đương bối rối.

Giữa năm 1946, truyện ngắn Thằng Bần của Trọng Hứa đăng hai kỳ tạp chí Tiên Phong của hội Văn hoá Cứu quốc Việt Nam ở Hà Nội. Có lẽ vì cái duyên ấy mà vào kháng chiến, Nguyễn Huy Tưởng mời Trọng Hứa cộng tác và Trọng Hứa đương ở báo Bắc Sơn đã được bộ tư lệnh quân khu I cho về hội Văn Nghệ.

Trọng Hứa viết không nhiều. Nhưng đọc thì thiên kinh vạn quyển. Ngày nay vẫn miệt mài, cặm cụi đèn sách thế. Lắm lúc bực mình, tôi bảo: Đọc mãi làm gì?

Trọng Hứa hiền lành, nhỏ nhẹ: thành tật mất rồi.

Thường buổi sáng chỉ đạm bạc chén nước chè, phong lưu đôi chút thì tách cà phệ. Nhưng không chịu được đói sách.

Trọng Hứa đọc la liệt. Kể chơi cho thấy màu sắc vài món chữ mà xưa và nay con người ấy đã ngốn.

Của nước ngoài và sách dịch: Đôttôiepsky, A. Môravia, K. Malapac, B. Patecnac, F. Sagăng. I. Ka phu, A. Ka bo, G. Simơnông, H. Milơ, Kapka, Guê... Liêu trai chí dị, Hồng lâu mộng, Sử ký, Đông chu liệt quốc, Anh hùng náo, Hoàng Truyền tam pháp yếu, Đạo đức kinh, Nam hoa kinh, Ánh lửa đằng trước, Thánh Tông di thảo, Khoá hư lục, Thiền học, Tuệ Tĩnh, Tuyển tập Mác (đọc có ghi chép hồi học trường Nguyễn Ái Quốc trung ương).

Của nước ta: Nguyễn Đỗ Mục, Đỗ Đức Thu, Vũ Bằng, Hồ Biểu Chánh, Hàn Mặc Tử, Đinh Hùng, Đỗ Tốn, Vũ Trọng Phụng (Trọng Hứa còn nhớ: Đông Dương tạp chí 1939, Nguyễn Giang chủ bút in truyện ngắn Sao mày không vỡ, nắp ơi của Vũ Trọng Phụng), Nguyễn Bính, Vũ Quần Phương, Phạm Tiến Duật, Bằng Việt, Xuân Quỳnh, Hoàng Thị Ý Nhi. Vũ Thị Thường, Bùi Đức Ái, Võ Huy Tâm, Đoàn Giỏi, Nguyễn Quang Sáng, Ngô Ngọc Bội, Nguyễn Quang Thân, Nguyễn Văn Chuông, Chu Thiên (Trọng Hứa viết thư cho tôi "đọc được đến đâu, do mọi cách có sách trong tầm tay mà thôi. Nếu điều kiện đủ thì thích nhất nghe nhạc, ngồi chơi xơi nước và đọc lung tung, không phải làm việc, không viết, lúc nào muốn đi chơi phố thì đi, về lại đọc, nhưng...”

Trọng Hứa viết ít, mà kỹ. Và có những cái ao ước tưởng như không bao giờ viết được. Người ta thường theo đuổi những mong muốn, đôi khi cũng đơn sơ, nhưng làm được và tới được hay không lại là chuyện khác. Cái chẳng bao giờ lới được ấy đã trở nên khắc khoải suốt đời. Lúc nào Trọng Hứa cũng thiết tha yêu vùng Vĩnh Yên. Những trang sách phảng phất Vĩnh Yên, từ Nhất Linh đến Đỗ Tốn và cho tới bây giờ dù chỉ hơi hướng khoảng khắc, một bóng dáng mơ hồ Vĩnh Yên đã khiến tâm sự anh bồi hồi rồi. Nhưng chưa khi nào Trọng Hứa viết được một chữ về Vĩnh Yên, nơi đã in hình ảnh tuổi thơ, mà dẫu cho đời người vui buồn thế nào cũng không phải mờ. Ở đấy, những chập chững, bi bô đã đến với thằng út thứ mười bốn trong gia đình, khi mẹ mới sinh đã "ốm thiếu tháng", đến độ đã nên người, nghe tiếng gió kẽo kẹt chân tre cũng vẫn ngơ ngác. Ở Vĩnh Yên, năm Trọng Hứa tám tuổi, một chuyện không may trong gia đình đã xảy ra.

Ông thân sinh Trọng Hứa làm quản lý cho một chủ đất người Pháp ở Nam Kỳ. Đồn điền lớn, năm thoảng ba thì chủ mới ra Bắc. Người quản lý tay hòm chìa khoá nghiễm nhiên là một điền chủ giàu sang. Chuyện xa xưa ấy tôi chỉ được biết vang bóng. Năm trước, Trọng Hứa đưa tôi đến may, chữa quần áo ở hiệu Đông Hà phố Huế. Cụ Đông Hà lịch sự thưa gửi với Trọng Hứa một điều cậu, hai điều cậu. Ông phó may này ngày trước đã được thuê riêng may cắt xống áo mọi người trong nhà.

Một ngày kia, người đại diện chủ Tây ở Nam Kỳ ra thăm đồn điền. Không biết ông ta với người quản lý vấp chuyện vặc nhau thế nào, quản lý nóng mắt cầm khẩu súng săn bắn ông kia một phát chết tươi. Mấy năm theo kiện thoát được án thì nhà cũng khánh kiệt.

Đỗ thành chung rồi, Trọng Hứa ở lại Hà Nội, ăn cơm trọ chùa Bát Mẫu, học đàn nhạc sĩ Bùi Công Kỳ, sống nhờ vả bè bạn và lang thang.

Kháng chiến, Trọng Hứa vào bộ đội. Ông cụ làm chủ tịch Uỷ ban kháng chiến xã rồi tản cư mất bệnh già trên Thái Nguyên.

Ở hội Văn Nghệ, Trọng Hứa chuyên trách công tác cơ quan. Quanh năm chạy gạo, chuyển địa điểm.

Những khi có chiến dịch, dù chiến trường tận Tây Bắc, Đông Bắc ở cơ quan vẫn phải sẵn sàng đề phòng. Bởi địch đã nhiều phen thình lình nhảy dù xuống đánh úp thị xã Bắc Cạn, chợ Mè Phú Thọ, trường đại học Y ở Liễn Sơn chân Tam Đảo.

Trọng Hứa đã biết truyện vừa Gợi khổ (Nhà xuất bản Văn Nghệ) về cải cách ruộng đất và khi hoà bình, năm 1954 cho in tập truyện Quê ta (Nhà xuất bản Văn Nghệ), lấy tài liệu khu căn cứ du kích chợ Cháy, địa đấu vùng trũng Hà Đông và Hà Nam. Quang cảnh đồng chiêm Quê ta của Trọng Hứa buồn man mác đến chân mây, như những cánh rừng cằn taiga bạt ngàn trong truyện Đồng cỏ của Sêkhốp.

Khi ấy, những người có trách nhiệm đã đánh giá cao truyện Gợi khổ, Nhà xuất bản Văn Nghệ in lần thứ hai hàng vạn quyển, nhưng tôi thì tôi thấy ruộng đất hay đồng chiêm không phải là Trọng Hứa. Trọng Hứa không a dua thời thượng được. Trọng Hứa chỉ viết cái gì Trọng Hứa. Hai tập truyện ngắn Ngã ba cuối phố (Nhà xuất bản Hà Nội) và Ngã ba ngã tư (Nhà xuất bản Tác phẩm mới) mới thật Trọng Hứa. Trọng Hứa, người phố phường.

Nhân vật của Trọng Hứa trong hành động, trong tư tưởng, trong triết lý, con người giữa phố xá, như tác giả, là tác giả. Có lúc nào bạn lại ngồi một quán hàng ngã ba, ngã năm mà trông ra. Các ngả đường đấy là những tác phẩm quyến rũ kỳ thú. Bạn dần dần thấy trước mắt đương phơi bầy, đương chuyển động. Cái túi, cái cặp đến cơ quan. Chiếc làn đi chợ. Đôi giày, đòi dép hay đi chân đất. Người bước tất tả, người thì nhẩn nha. Một đám túm tóc chửi nhau. Những cuộc gặp gỡ tình cờ, những câu đầu Ngô mình Sơ. Cái ô tô cứu thương ở ngoại thành vào đỗ ven hè, người lái xe xuống lôi ra trong gầm xe mấy bìu ni lông xanh Trung Quốc bọc bong bóng rượu lậu Phú Xuyên lên. Người kia đứng thần mặt là cán bộ thuế? Người vừa mất tiền? Hay người sắp định móc túi? Nếu bạn bắt chuyện mỗi người, mỗi kể lể bất chợt đều hôi hổi tràn vào tưởng tượng và trang giấy. Làm thế nào chúng ta chỉ biết bái phục cuộc sống sôi sục xoay vần. Vô vàn nhân vật con người ngoài đường không người nào biết người nào, nhưng tất cả là trời đất bao trùm sinh sôi ra sáng tạo.

Nhân vật ngã ba, ngã tư đầu phố, cuối phố của Trọng Hứa như vậy. Bóng mờ làn sương thu trôi trong lòng đường, mông lung và đáng yêu. Đến cái lão xích lô ngái ngủ vừa đạp xe vừa đái xuống lòng đường, hai đầu gối khoắng loằng ngoằng cho kịp đón tàu đêm dưới Phòng lên cũng chẳng nên ghét guổng lão không nếp sống mới. Những hoàng hôn thành phố trong truyện Trọng Hứa mới khác thường sao. Cô hàng gạo nhà mậu chặp tối vừa xong công việc ở nơi sơ tán ngoại thành về. Còi báo động vẫn “máy bay gần... máy bay xa”. Chạng vạng tối rồi mà, cái bếp thổi nấu muộn còn chập chờn. Tay đôi kia vừa dựng vội xe đạp vào gốc cây ven hồ. Sau xe treo buộc lỉnh kỉnh cái nõn, chiếc mũ lá, túi bột mỳ và chai dầu. Họ vội ôm nhau rồi tưởng đi hoá ra lại dừng lại. Chốc nữa, đạp ra đến làng tránh máy bay ngoài kia chắc cũng đã khuya.

Nhân vật truyện Trọng Hứa, những người trong nhà ngoài đường âm thầm nặng trĩu lo toan giữa thoáng chớp bom mà chỉ những năm tao loạn ấy mới thế. Mỗi con người không tên đã nhật ký vào đời sống thành phố.

Giọng văn Trọng Hứa ngẩn ngơ một cách sáng trong, thâm thuý. Như những thằng ngốc, những ả gái điếm, bọn cờ bạc cặn bã xã hội lại là những đầu óc minh mẫn, những người trong trắng và cao thượng nhất nước Nga, ở tiểu thuyết của Đôttôiepsky.

Một lần kia, tôi được thư Chế Lan Viên ở Sài Gòn kể vừa đọc xong tập truyện ngắn Ngã ba ngã tư. Những truyện ngắn phong cách rất riêng của Trọng Hứa đã khiến Chế Lan Viên khám phá được một mảng Hà Nội thực mà không thực, vừa mơ hồ vừa chi tiết đến cặn kẽ, Chế Lan Viên chưa biết bao giờ.

Người viết có được vài ba bạn đọc hiểu thấu mình, tưởng cũng đủ.

Ít lâu sau, Trọng Hứa bỏ đài phát thanh về cơ quan cũ. Ngẫm nghĩ, chẳng khác sự tích và số phận các nhân vật Trọng Hứa. Trước mắt mọi người. sự chuyển đổi công việc ấy chỉ là câu chuyện hôm sớm bên hè đường, thờ ơ trôi qua.

Nhưng với cả cuộc đời Trọng Hứa lại là một ngạc nhiên đến không hiểu nổi. Năm ấy, Trọng Hứa muốn lập gia đình. Nhưng không được cơ quan bằng lòng. Bởi người đàn ông là trưởng ban văn nghệ một cơ quan quan trọng, người đàn bà thì lý lịch không rõ ràng.

Buồn quá không biết làm thế nào. Trọng Hứa giận dữ theo lối riêng của người yếu đuối. Trọng Hứa lẳng lặng trở về với chúng tôi.

Cái anh chàng lom đom như chiếc que đóm, bệnh gan vàng úa mặt, mỗi bước rụt rè khẽ khàng như đợi tránh trước người ta. Ấy thế mà những "chuẩn người trong mộng" lại kiêu sa, khắt khe đến kỳ quặc. Giai nhân của chàng phải là bồ liều, không lệ liễu, phải là một nàng Kiều "khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang". Tôi cũng có căn vặn Trọng Hứa về những điều kiện oái oăm “hết ý” ấy, Trọng Hứa lại chỉ mỉm cười.

Nông nỗi nhân duyên, làm thế nào! Cái gì bây giờ cũng đưa được vào máy tính, chỉ có tơ tình thì hình như chưa. Có giơ ngón tay bấm từng đốt chung quy rồi cũng lại qua nhịp cầu dải yếm ngang sông mà thôi.

Những nhớ thương xa lăng lắc của anh chàng kiết xác nọ trong truyện của Đốt, ngồi bên cửa sổ hầm rượu ẩm ướt, bẩn thỉu, xỉa tiền uống đếm từng cốc bia lại ngỡ mình sắp đi làm phò mã lấy nàng công chúa con vua bên nước Ấn Độ. Điều kiện bên trai thách bên gái của Trọng Hứa là nàng công chúa nhất thiết phải gốc Trung Quốc. Tàu lai cũng tạm được, nhưng người đẹp phải béo tốt phẳng lừ như chiếc chăn bông phủ kín giường. Vậy mà Trọng Hứa đã gặp được như thế.

Cô ấy tên là Lầy, cô Lầy Tán Lầy, làm nhà bàn ở cao lâu Bôđêga phố Tràng Tiền. Nguồn cơn họ quen nhau và rồi dan díu đến nặng tình, tôi chỉ láng máng.

Nhưng tôi biết Trọng Hứa thân quen với cả mẹ đẻ ra cô Lầy.

Tôi cũng hơi biết cô Lầy. Chỉ bởi cô ấy thì bưng bê, mà chúng tôi là khách quen nhà hàng. Nghĩ lại bấy giờ cũng hay. Tiền nong lương soạn vét túi, mà tối tối vẫn la cà được quanh gánh cháo gà, cháo cá, hàng chè hạt sen vỉa hè các rạp Chuông Vàng, Kim Phụng, Lạc Việt chim quay Tứ Kỳ, óc đậu nhà Siêu Nhiên. Rượu Ý Chianti chai quấn rơm ở Bôđêga, cơm rang bọc lá sen Tiểu Lạc Viên, cà phê Phúc Châu...

Cô Lầy làm nhà bàn tầng hai. Không phải vì cô đi đôi giày nhung thấp gót mà đoán được cô là người Thượng Hải. Mái tóc Hỷ Nhi xén la tha trước trán, vừa đi khuất vào góc phòng đã réo rắt bài hát "Nhị lang sơn". Nét mặt, mái tóc và nụ cười, má tròn trắng, phúng phính mà Trọng Hứa thờng tán vẻ thành thạo rằng người Tầu không để ý về nơi ở, chỉ trọng miếng ăn, cứ trông đôi môi hơi dậm của cô Lầy cũng biết.

Tôi đã làm việc chín năm với Trọng Hứa trên Việt Bắc. Bây giờ Trọng Hứa lại về giữa bề bộn công việc, anh tiếp tục những lo lắng ngày trước. Cơ quan sơ tán sang Quế võ, máy bay ném bom kho xăng Đức Giang, lại chuyển về qua sông Hồng, vào mạn chùa Hương.

Không phải tôi đã biết ngay mối tình dang dở ấy của Trọng Hứa. Anh chàng vốn e dè. Ít lâu sau, Trọng Hứa cho tôi tin không vui: mẹ con Lầy Tán Lầy đã về Thượng Hải.

Quán cà phê nhà Lý Hảo ở ngóc ngách hẻm Đào Duy Từ. Chỗ này không ai tơ vương ai. Chúng tôi lui tới Lý Hảo để cho anh hàn sĩ Trọng Hứa mê cái đẹp đất Trung Nguyên được dịp trải dài nỗi nhớ thương Hà Nội - Thượng Hải. Lý Hảo là một trong hai cô con gái đẹp của “xinh xáng” Lý Quảng, nhà buôn lớn ở hàng Buồm trước kia. Cứ ví quá đi cho sướng mắt, chị em Lý Hảo như Chiêu Quân, như Tây Thi, như Thuý Kiều, tài sắc lồ lộ ở khuôn mặt trái xoan và đôi má hồng kiều diễm. Chỉ khác, người đẹp Lý Hảo này vừa sắc nước hương trời làm hoa cho quán cà phê, lại khỏe quá, tuyệt giỏi thể thao, thể dục. Hội thi lướt ván hồ Hoàn Kiếm năm nào danh thủ Lý Hảo cũng đứng quán quân.

Chao ôi, ngắm và mơ mộng. Bông hoa Lý Hảo nhởn nhơ, chồng là thằng Thái thì pha cà phê và thu tiền. Tách cà phê nhạt đường mà chúng tôi rất ưa, trò chuyện đôi ba câu, khi với nàng, khi với Thái. Tôi chẳng bận tâm đến khoảnh khắc chiêm bao của Trọng Hứa mà tôi thú vị tên Thái kia hơn. Có khách mà Thái vẫn mặc may ô trần, lông nách sum sê, dáng thấp lực lưỡng hệt một thằng Nhật, vai vuông, mày chổi xể, mắt một mí, mặt lầm lỳ, cười nhếch mép.

Những tưởng cứ năm nào cũng đến hội lướt ván hồ Gươm và nhà thể thao nữ Lý Hảo lại chiếm giải nhất và tay Thái thì cứ đứng pha cà phê để cho các ông khách, người chiêm ngưỡng Bao Tự, người mê lại thời bài hát Hà nhật quân tái lai (Ngày nào chàng trở lại).

Không, đời dữ dằn hơn mọi suy nghĩ nhút nhát, trễ tràng của ta. Rồi thằng Thái ngủ với một nàng khác.

Lý Hảo lấy chồng mới. Cả Lý Hảo và Thái bây giờ đứa bên Mỹ, đứa sang Canađa. Hôm rồi, Thái bên Canađa mới về chơi. Tôi tò mò tìm nhưng không gặp. Thái bận lên ngược thăm người cô ruột vẫn còn ở thị xã Hà Giang. Lão Sẵn đầu bếp nhà đặc sản Phương kể: “Ông ạ, thằng Thái bây giờ béo bụng xệ, để ria Hoa Kỳ”.

Nhưng tất cả những chiếc bóng có thể làm khuây khoả cơn sầu Thượng Hải đưa con người thất tình bất đắc dĩ, phải kể về cà phê Sính. Cũng không hiểu làm thế nào Trọng Hứa am tường cả đến những nỗi khó khăn, ế ẩm khi quán Sính còn ở phố Hàng Da rồi mới dọn về đường Cột Cờ. Lại biết mỹ nhân đã từng là một trong hàng tá nhân tình của vua hộp đêm Bảo Đại. Sinh đã có phen thuê người đi phục nắm tóc, xé quần đánh ghen những con Mộng Hà, Lệ Hà nào đó của Bảo Đại.

Nàng chỉ hút "ba số" và quanh năm dù giữa mùa hạ, nàng đều tắm nước ấm pha nước hoa Mộng Vàng Rêve d’Or Pháp chính cống. Cho hay cái anh chàng bụt mọc Trọng Hứa mới tinh tế và đa tình làm sao!

Mỗi lần đến quán Sính chúng tôi âm thầm xám xịt như cơn mưa rấp vào một xó khuất. Trọng Hứa im lìm tựa một khách lạ - hoặc bởi quá quen nên thân, như không có mình ở nơi khách khứa thiên hạ. Hay thực cũng là ngõ ngoài mà những tọc mạch nơi thâm khuê kia chỉ nghe hơi cho phảng phất thêm một giọt nước hoa Mộng Vàng vào mây trời Thượng Hải. Tức rằng là chúng tôi không một chút kình dịch, tình địch, chẳng dám nhô ra khỏi cái bàn âm u để đối mặt với hiệp sĩ kiêu hùng Từ Chi và tổng binh chạy cờ rạp hát Trần Quốc Vượng mỗi khi các "xếnh xáng" này tưng bừng vào chủ nhân nở nụ cười hàng quán ra thềm đón.

Nhưng mà tôi, tôi ấy, riêng tôi thôi, cũng đôi chút một mình biết tiểu thư Sính ngày xưa. Tôi nhấp lách cà phê pha rượu rom nhấm nháp lại những trang thơ ấy.

Cái mụ Sính đẫy đà hôm nay - người trong mộng của Trọng Hứa, vẻ khoan thai đài các của mụ không dính dáng máy may đến cô Sính ngày xưa nhà ở phố Mới - phố Hàng Chiếu đông ngộn người bây giờ.

Sính chưa hắn được điểm danh vào hạng người đẹp đầu sổ như cô con gái nhà thuốc lào Đông Mỹ cửa chợ Đồng Xuân mà các nhà thơ giời đầy Nguyễn Bính, Đinh Hùng đương mê mẩn. Ngày ngày viết lách, không thì đi nã liền, chè chén còm rồi phất phơ phố xá xem đâu có cô nào đáng để mắt, thách nhau dám làm quen, chịu khó hơn thì cố vào trong một cái, hỏi một câu bâng qươ cũng đã hách hơn thằng khác.

Nguyễn Bính quê kệch nhưng lại mới in tập thơ Lỡ bước rớc sang ngang, đi với Đinh Hùng trắng trẻo, nhỏ nhắn, lắm khi bị các nàng thoạt đầu nhầm chàng công tử bột này là người đã làm ra những bài thơ não lòng ai cũng thuộc. Không sao, họ cũng chẳng hơi đâu mà tức tối nhau. Các cha ném bao nhiêu đồng xu, đồng năm xu không cán trả lại vào cái thúng nhòi đựng tiền của cô hàng thuốc lào. Mỗi bận mua một phong, hai người hai phong, ngày mấy phong, hút thuốc đến tuôn khói ra đằng nách, vừa hút vừa vứt đi rồi lại vào mua.

Để được hỏi "cho tôi phong thuốc" điểm theo đôi mắt ốc nhồi của Nguyễn Bính và cái liếc trai lơ của Đinh Hùng... cô Đông Mỹ vẫn dửng dưng. Mấy chàng suốt mùa rét mặc bađờxuy môngtanhăc dạ trơ khố tải cứ sớm tối mua phong thuốc lào, cũng bằng bỏ tiền xuống cống thôi. Rồi người đẹp cửa chợ Đồng Xuân lên xe hoa về với một quan tri huyện trẻ, với cô Sính thì khác. Nhà Sính không buôn thuốc lào, không bán chiếu, bán củ nâu như trong phố. Sính là con gái rượu tiên sinh Lý Ngọc Hưng, nhà dịch truyện kiếm hiệp. Chẳng biết ông dịch hay ông bịa, nhưng ông là người Tàu, chẳng hiểu Tàu nguyên chất hay Tàu lai, chỉ biết bạn đọc cho là người Tàu, thì các pho giang hồ mãi võ của ông được khách hơn. Tôi cũng còn đương tuổi mê Thất kiếm thập tam hiệp, Hoả thiêu Hồng liên tự, Hoang giang nữ hiệp, bộ Bồng lai hiệp khách nhà thuốc cao đan hoàn tán Lê Huy Phách hay thuốc đau mắt Từ Ngọc Liên in, mỗi tuần một quyển ba xu. Bồng lai hiệp khách của Lý Ngọc Hưng còn bán được hơn những truyện đơm đặt quá trời như Người cá voi của Văn Tuyền Phạm Cao Củng, Người nhạn trắng của Thanh Đình hay nặng mùi diễm tình bay bướm, Người đẹp mài gươm của Tân Hiến.

Hồi ấy, Sính đã phây phây, phổng pháp, thường ra đứng cửa, thướt tha tấm áo dài màu hoàng yến. Bởi ông "via" nhà cô chơi trội, nội thất toàn màu vàng. Hoành phi câu đối vàng chóe. Khăn bàn vàng. Con gái áo vàng, ông mặc sơ mi lụa chuội vàng. Hoạ mi vàng- hoàng yến lồng vàng, chim ăn gạo trộn lòng đỏ trắng gà và kê vàng.

Chỉ bởi vì trong bộ Bồng lai hiệp khách của Lý Ngọc Hưng có kiệt nữ kiệt Hồ Điệp tài sử dụng phi tiêu Phi tiêu Kim Hồ Điệp phóng đi, địch thủ mất vía ngã quay đơ. Kim Hồ Điệp cài vào ngực áo người vừa toi mạng một con bướm vàng - xưng danh Kim Hồ Điệp đã hạ thủ.

Vì thế cả nhà Lý tiên sinh chơi màu vàng. Nhưng vàng hay hồ lơ trứng sáo chúng tôi không để tâm.

Hiềm một nỗi, vào cô thuốc lào chỉ mất một xu một phong. Chẳng lẽ chốc chốc lại kiểm cớ mua một số Bồng lai hiệp khách ba xu. Mà ba xu, năm xu không nhỏ, chỉ vậy đã gọi được một đĩa phở xào giòn, xào mềm rồi.

Những chuyện xa xưa của tôi dừng lại đấy, như mỗi lần đến lầm lỳ ngồi một góc thế này. Nhưng hẳn cái tên Sính, cũng như Lầy, như Sồi với khổ người phổng phao và cái sự Tàu ở người đàn bà nạ dòng kia đã gợi nhớ cho ai. Còn tôi lơ đãng nhìn sang hiên nhà trên. Nghe nói ông Lý ở buồng ấy. Thỉnh thoảng vẫn trông thấy ra đầu tường tưới mấy chậu lan địa.

Nhưng những chuyện nghìn đêm lẻ ở cà phê Sính không phải chỉ có tráng men thế. Hãy sửng sốt dương mắt lên, những địch thủ của Trọng Hứa. Vợ chồng hoạ sĩ Linh Chi, anh chị của Trọng Hứa đã lên thăm hỏi nhà Sính. Có một bạn người Hoa đứng ra làm mối Sính cho Trọng Hứa.

Chẳng may, lại không đến đâu. Rồi nhà này cũng biến hết. Sang Tây Đức hay Canada, hay Menbuốc, Sít Nây bên Úc. Những giấc mộng kê vàng dài dài của Trọng Hứa có còn tiếp theo chương hồi chuyện Tàu nào nữa không. Chỉ thấy anh chàng vẫn e ấp, vẫn hồi hộp như vốn tính thế. Và con người đường phố vẫn ngày ngày thẩn thơ. Từng nhà, từng cửa hàng, chú ý nghe ngóng, quan sát, ngẫm nghĩ. Bà Lìn ngã năm Lò Đúc xưng là con dâu quán phở tái lăn Nghi Xuân hàng Quạt. Lại bà Lìn người ta lấy chồng Tàu hiệu vằn thắn phố Huế. Trọng Hứa thuộc cả. Cái hồi vằn thắn nước, vằn thắn khô ở hàng Da, ở Cầu Gỗ, các nhà ấy bỏ đi, mấy ông ta cũng vờ đeo tạp dề xanh, cửa treo bảng hai chữ hán “hoành thánh" kèm dòng quốc ngữ: vằn thắn, sủi cảo Nhưng không qua mắt được Trọng Hứa. Tầu thật, Tầu lai, Tầu dởm, biết ngay.

Gặp Trọng Hứa giữa phố, tôi hay trêu, hỏi bô bô:

- Thế nào, có con nào, con Nga, con nước đá, con nước mắm, chúng nó còn đến quấy ông không?

Trọng Hứa nghiêng mình chào lịch sự, thoáng nhìn quanh rồi thì thào:

- Khẽ... khẽ chứ...

Tôi vẫn cố ý nói to: "... Có con nào thì khai ra...!".

Chưa kịp hết câu Trọng Hứa đã giơ tay làm hiệu che miệng: "Khẽ... khẽ...". Ơ hay, cái ông cụ trai tơ còm nhom như con mèo ốm đã chẵn bảy mươi tuổi rồi mà vẫn còn giữ được nền nếp kín đáo tế nhị. Quý hoá thật.

***

Nhiều bác đến tuổi thì về hưu, Trọng Hứa cũng thế. Cái bình thường một đời cạo giấy hiền lành, lương thiện, thế mà đâm ra cũng khổ. Bác Vạn Lịch tính: bán cái xe máy Giava, gửi tiết kiệm. Lương hưu cùng với lãi tiết kiệm, làm con số cộng cũng đủ tùng liệm hết đời. Tự nghĩ chẳng hơn ai kém ai, một đời chiến trận và công tác từ thuở tóc xanh đến nay đầu bạc, thế cũng là được. Nhưng rồi ngân hàng thình lình đổi tiền. Một nghìn đồng hoá một, một đống bạc còn ăn có vài tờ.

Bác Vạn Lịch mất cả xe, cả tiền lãi. Từ đấy, triền miên điêu đứng, con người như cái rác quay cuồng giữa cơn lốc mưu sinh. Chẳng biết xoay xở ra sao. Mùa đông tới, đi tìm ông chữa giày, nhờ thăm lại cho những mép dây khâu đã ải. Bệnh áp huyết phải giữ chân ấm, thầy thuốc dặn thế. Nhưng mấy ông giày dép thường đóng đinh treo giày trên tường các góc phố, mỗi năm một vắng. Thời buổi mới, giày hỏng thì vứt xe rác, không vá víu lôi thôi. Chỉ mỗi việc tìm đâu ra ông chữa giày mà cũng loanh quanh ca cẩm cả đêm, thì còn làm nên nỗi gì. Người có tuổi đâm mụ mị lẩm cẩm lúc nào không biết.

Cụ Trọng Hứa về hưu, mỗi mùa đông lại tìm lão vá giày, chẳng có nổi cái xe Giava gửi tiết kiệm như cụ Vạn Lịch để được ngồi chửi cái thằng sinh ra chuyện đổi tiền. Quá nghèo cũng làm cho người ta được đạo sống thanh thản vậy. Nhìn bề ngoài thế thôi, Trọng Hứa cũng lo, phải lo. Bà chủ rượu trước rạp xiếc và bà lão Có bán nước ở hẻm chợ Hôm. Chúng tôi uống nước và rượu suông ở hàng bà Có từ khi chồng bà còn hay chống gậy ra ngồi đầu ghế. Ông chủ cho thuê xe đòn đám ma vẫn mặc áo lụa mỡ gà ngày xưa, cái thời trong nhà từng chen chúc vợ hai, vợ ba, vợ tư chứ chẳng vừa.

Làm sao mà hai bà già hàng nước lại một lúc cũng lo lắng giùm cho ông khách lâu năm đến thế.

- Thuốc lá cuốn hồi này bán được, ông ạ.

Chợ thuốc lá bao đương tàn. D’rao, Sông Cầu, Bắc Sơn... xuống dốc. Thuốc Thăng Long, người bên Đình Bảng, chợ Dầu mua tay trong tận nhà máy cả vỏ với giấy thuốc. Đầu lọc, giấy cuốn thuốc “ba số” chính cống được xe tải bên Thái Lan sang theo đường Lào.

Riêng ruột thuốc sợi vàng trộn lá đu đủ, từng mẹt phơi khắp các nhà hàng huyện Từ Sơn. Người hút đâm ra hãi của giả, chỉ còn điếu thuốc cuốn tay thì ngửi biết.

Nghe bà chủ rượu cửa rạp xiếc kể lại: Trọng Hứa đã thành nhà sản xuất thuốc lá cuốn. Cuốn thuốc lá, làm bánh ngọt đưa các quán nước, chuyện ngã ba ngã tư thường tình.

Ngày tám tiếng cơ quan rồi về nhà kiếm việc làm thêm. Người ta bây giờ soi tờ giấy bạc và chỉ vàng, cây vàng lên nhìn nhau, nguýt nhau, chửi nhau. Nhà kia bỗng dưng xe cúp, cát sét, cửa xếp, chó bẹc giê - không buôn lậu thì cũng ăn cắp, đi lừa. Người ta thương hại cô ấy hết giờ ở bệnh viện về, ra cửa ngồi quạt bánh đa. Lúc đầu, cô bác sĩ huyết học còn đội nón che mặt trước xoong than. Nhưng sau quạt vướng, cũng bỏ nón. Xóm giềng cười buồn, thở dài khen cô chịu khó.

Cũng may, còn giữ sĩ diện, ông Trọng Hùa cuốn, dán, đóng gói thuốc lá trong buồng, chỗ vẫn ngồi đọc sách. Ông không biết làm thế, nhưng giá có thái kèm lá sắn, lá đu đủ thì cũng chẳng sao. Lá sắn vẫn để làm dưa và lá đu đủ, quả đu đủ xanh cho vào nồi sáo chó càng chóng nhừ.

Một hôm, bà hàng cửa rạp xiếc bảo tôi:

- Ông ấy thôi quấn thuốc rồi.

- Sao thế?

- Chán quá.

- Ông ấy chán? Bà không bỏ mối giùm cho ạ?

- Vưỡn chứ.

- Thế mà ông ấy lại thôi.

- Chẳng thấy ra đưa.

Bà hàng chép miệng:

- Cũng vất vả. Chắc ông ấy không quen.

Một nhận xét phải và một câu nói khéo. Chúng tôi đã chót cả đời ngay xương dài lưng tốn vải rồi, không mỗi chốc khác đi được. Dù có mua giấy, mua sợi thuốc sẵn về thì cũng phải lăn, phải cuốn, hì hục, cắm cúi, tay chân thoăn thoắt chứ đâu như nằm dài đọc sách và đi bát phố.

Tôi cũng không nói lại, hỏi lại Trọng Hứa. Một lần nào đấy gặp nhau, chúng tôi ngồi quán bia phố Thiềng Cuông. Trọng Hứa hỏi toi:

- Anh có biết tôi đương làm gì không?

- Lại cuốn thuốc lá.

- Dẹp lâu rồi.

- Thế thì chịu.

- Gác đêm!

Đi gác đêm ôi cái việc gác đêm xa lạ mà chúng tôi thường dọc thấy trong tiểu thuyết phương Tây, Trọng Hứa làm gác đêm. Tôi hỏi lại, Trọng Hứa gật và kể hai hôm nay đi gác đêm cho một hợp tác xã làm vành xe. Ngồi ở chỗ này cũng trông thấy bên kia ngã ba đường cái bảng treo trên tường nhà xưởng "Quyết Thắng" hợp tác xã cấp cao sản xuất vành xe cải tiến. Ấy đấy.

Tôi chẳng biết thế là tốt lành hay cực chẳng đã, việc đi gác cho cái xưởng làm vành xe. Tất nhiên, chắc Trọng Hứa không dám nửa đêm trèo tường dỡ mái kho. Nhà văn đương làm việc tử tế. Như cô bác sĩ huyết học quạt bánh đa ở phố nọ.

Trọng Hứa cắt nghĩa:

- Tôi khó ngủ, ngủ ít, anh biết đấy. Việc này có thể khá hợp. Một cái gậy. Chiếc đèn tám pin. Mười giờ người ta tan ca, mình gác đến sáng. Sẽ viết được một cái gì cũng nên.

Trọng Hứa ra vẻ khoái. Tôi cũng vui lây như tróng thấy bạn có đồng ra đồng vào thêm thắt. Ngày trước, tôi đã biết người Miên người Chà gác đêm ở rừng cao su Dầu Tiếng, ở nhà máy thuộc da Thuỵ Khuê, nhà bia Ô Mền. Ông Tây đen quấn thừng đặt cái tích nước trước mặt, cạnh chiếc đồng hồ chẩm cầm gẩy đàn báo giờ. Mảnh khố tải khoác cho sương xuống khỏi ẩm vai. Hai chân duỗi thẳng. Chiếc gậy để ngang đầu gối. Ông ngủ ngồi hay đang thức, trông vào cái mặt râu xồm tối sẫm, thánh cũng không thể biết. Đồng hồ đến giờ, cuộn gai đồng quay lên những tiếng tính tang. Ông đứng dậy, bỏ vào túi chiếc đồng hồ vẫn đương kêu. Xách tích nước, cầm gậy đi, dạo hai tua quanh tường nhà máy rồi lại về ngồi ngủ đúng cái chiếu chỗ lúc nãy. Trên Việt Bắc, Trọng Hứa và tôi cũng đã nhiều đêm gác cơ quan. Mới dạo trước, làm công tác khối phố, đêm tôi cũng đi tuần tra với tổ dân phòng. Cái đèn pin, cái băng đỏ, cái còi và rà các ngõ hẻm chỗ tối đèn. Việc gác đêm chẳng lạ, nhưng chỉ từng giờ và chưa khi nào gác suốt đêm được trả lương, như Tây đen, như Trọng Hứa thế này, tôi tìm ra câu an ủi vuốt đuôi:

- Ừ, sẽ có cái để viết. Cũng hay!

- Chưa biết thế nào. Hồi đi thực tế vào đường sắt công phu thế, cũng chưa viết được. Nhưng cũng có thể hy vọng.

Nhất định rồi. Thành phố ban đêm, lâu lắm chúng mình không biết.

- Ờ, ờ...

Một ngày kia, tôi gặp lại Trọng Hứa.

Trọng Hứa nói nho nhỏ:

- Được một tuần, xin thôi rồi.

- Sao thế?

Trọng Hứa mỉm cười, rầu rĩ:

- Không phải cứ ai ít ngủ thì làm gác đêm được ông ạ.

Cũng lại chẳng hỏi thêm làm gì. Cái câu ngậm ngùi buồn thiu kia mang tính tổng kết và triết lý đã cắt nghĩa đủ.

Bây giờ, thỉnh thoảng vẫn gặp nhau ngoài phố.

Trọng Hứa nhẩn nha mấy phố quanh nhà. Chẳng đủ sức, đủ tiền đi qua hồ Gươm tung tẩy lên vùng cà phê Lý Hảo Phúc Châu xưa. Nghe biết những nơi ấy các hàng quán lại mở, cả người nước ngoài kéo đến chè chén, đông vui gấp mấy lán trước. Đành chịu.

Từ xa, đã nhận ra, dù trên vỉa hè, các lô quần áo cũ, mới Thái Lan, Đài Loan, Nhật treo bán lấp cả mặt người đi Nhưng thoáng trông đôi ống quần quá quen và cái mõm giầy da cóc đã đoán được Trọng Hứa đương đi tới.
Những mối tình hờ, những lo toan ký cóp, những dự định không bao giờ có, ấy vậy. Trọng Hứa vẫn đương cùng những nhân vật hiu quạnh không tên, đi lẫn vào mọi người. Đây... gió... Đây... trong rừng...

<< 12. Vân Đài | 14. Võ Huy Tâm >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 292

Return to top