Tôi muốn giới thiệu với bạn đọc về nhà văn Nguyên Hồng, mà không biết nên bắt đầu từ đâu.
Ở sách giáo khoa, từ trung học đến đại học, học sinh các lứa tuổi đã học những đoạn trích giảng của Nguyên Hồng. Có những ai lơ đễnh, ít chú ý đến văn học, nhất định cũng đã học văn và biết lý lịch Nguyên Hồng.
Tôi bạn với Nguyên Hồng, mấy chục năm đã qua.
Nhiều khi, đối với người thân, lại không hay chú ý nhau như thế nào. Cũng như lắm khi hay đến nhà, đến luôn, lai nhãng không để ý số nhà.
Có điều, có thể nói ngay là, nếu như những năm trước, nhiều lớp bạn đọc khác nhau của Nguyên Hồng, ai đã tình cờ gặp nhà văn - dẫu cho bạn có thói quen nhận xét tinh tế đến thế nào, cũng không thể ngờ ngợ một chút - một chút thôi, người vừa gặp ấy lại là một nhà văn. Không thể có một nét, một nét để ta bám lấy làm cớ cho nhận xét của ta, dù chỉ một nhận xét thoáng qua. Bởi ít ra, trong tưởng tượng mơ màng và sáng trong của bạn đọc, nhà văn ấy nhiều từng trải, khi còn ít tuổi đã viết hồi ký Những ngày thơ ấu hay cực, nhà văn ấy đã lặn lội xông pha khắp nơi, ở mặt trận và trong hầm lò. Và bất kể người như thế nào, trước trang bán thảo, theo cách nghĩ của bạn đọc, hình ảnh nhà văn phải liên quan đến bóng dáng bút mực, trang giấy, tập sách, với nét mặt hằn những ưu tư, vừa đăm chiêu lại vừa thơ mộng, vân vân...
Đừng ai đợi như thế ở Nguyên Hồng.
Tưởng tượng như thế, không bao giờ trông thấy Nguyên Hồng.
Lần ấy, trong kháng chiến chống Pháp, ở một hàng cơm dọc đường, quãng Ba Giăng gần tới Đại Từ, đường đi thị xã Thái Nguyễn trên Việt Bắc. Sáng ra, theo thói quen của phố kháng chiến, vách nữa, mái nữa ghép dựa nhau, lèo tèo, vừa bảnh mắt, nhà nào cũng đã dọn đồ đạc giấu vào bụi cây, bờ rào và khách trọ thì sắm nắm đi sớm. Để tránh máy bay.
Thế mà trong góc cái giường giát nữa lạch cạch ở gian trong vẫn còn có một khách trọ nằm co quắp, run rẩy, rên rỉ. Khốn khổ, người đi đường ấy đương lên cơn bệnh sốt rét.
Một người khách khác cũng nghỉ đêm ở nhà hàng đang soạn ba lô, sắp bước ra cửa. Bỗng ngừng lại nhìn sang giường có tiếng rên trong bóng tối âm xâm.
- Anh làm sao thế? Sốt ngã nước à?
- Hừ... hừ...
- Tiêm nhé. Ki-lô-phoóc(1) mạnh đấy. Nhưng mà dậy đi được ngay.
Người khách sốt sắng nọ hối nhà hàng lấy nồi đun nước luộc kim. Rồi trèo vào chỗ người ốm nằm, tiêm luôn.
Cái người tốt bụng ấy là nhà văn Nguyên Hồng.
Chúng tôi đã thuộc tính Nguyên Hồng, cạnh chiếc ba-lô con cóc trên lưng, trong cặp đúp(2) da bò nâu xỉn giữ gìn từ ngày trước cách mạng vẫn được tha đi bất cứ đâu, Nguyên Hồng xếp chồng bản thảo, lại còn lỉnh kỉnh những hộp tiêm, kim tiêm, nhiều thứ thuốc tiêm, thuốc uống, thứ cho không, thứ bán, phân minh, ai nhờ tiêm, Nguyên Hồng tiêm ngay. Lại còn hỏi bệnh, đoán bệnh và bảo người ta phải để mình tiêm. Như một thày thuốc, một y tá thực thụ.
Như thế, nhà văn đi đường lẫn vào đám đông. Cái quần nâu, tấm áo cánh mồ hôi muối ăn đã bạc cả hai vai, chiếc mũ lá cọ, đôi dép lốp chẳng khác chút nào với màu sắc, dáng nét những người đi chợ, người nghỉ quán hàng, người trên đường.
Nguyên Hồng chen vai giữa mọi người, như mọi người. Nét mặt lúc nào cũng đăm đăm - không phải khó đăm đăm, mà đăm đăm chăm chú, dường như ít khi rỗi rãi, cả lúc đương đi. Người nhanh nhảu trò chuyện hay có ý kiến với xung quanh. Cái bà này mắt để đâu, sao mà quang gánh nghênh ngang, sắp đâm vào người ta kia kìa. Nguyên Hồng giơ tay gạt gạt: đi cho ra hàng ra lối chứ. Một người xách bu vịt vào chợ. Vịt của nhà à, đúng rồi, vịt của nhà mới béo nần nẫn ra như thế chứ. Đám gì mà quần lại như ở sân chọi gà như kia. Sao? Trẻ con đánh nhau. Này các con ơi (các cháu ơi), quá tay mà rách áo rách quần thì rầy rà đấy. Thôi mỗi đứa nhịn nhau một tý.
Chúng tôi ngồi nhìn cửa sổ trên gác xuống đường Hàng Bài. Bỗng chốc, nhà thơ Thế Lữ đội mũ phớt, lững thững qua dưới bờ hè. Nguyên Hồng gọi to: "Thế Lữ! Thế Lữ". Rồi chạy sầm sầm ngay xuống, tay bắt mặt mừng chào anh Thế Lữ, vồ vập như lâu lắm mới gặp:
- Tôi nhớ suốt đời Tiếng sáo Thiên Thai, từ ngày xưa ở Hải Phòng kia.
Rồi cứ nắm tay ông Thế Lữ, Nguyên Hồng cất tiếng sang sảng đọc to một mạch bài thơ Tiếng sáo Thiên Thai, trong khi người đi trên hè phố và cả lũ trẻ con dần dần xúm lại quanh hai người.
Đã nhiều lần chúng tôi lên nhà anh ở Nhã Nam.
Một quả đồi cạnh chân rừng vùng Yên Thế. Đấy là nơi tản cư khi kháng chiến, ở cùng chỗ với gia đình các nhà văn Ngô Tất Tố, Kim Lân, hoạ sĩ Trần Văn Cẩn và Tạ Thúc Bình... Đến khi hoà bình, mọi nhà về xuôi, Nguyên Hồng cũng dọn về Hà Nội ít lâu rồi bầu đoàn thê tử lại lên, thế là một mình nhà Nguyên Hồng ở đấy, thành quê.
Tôi xin nói về nơi làm việc và cung cách làm việc của nhà văn. Đấy là gian nhà ngang vách đất cạnh bếp trống hốc. Đứng ngoài giọt gianh trông xuống chân đồi, thấy mặt ruộng liền vào đến viền rừng xanh sẫm.
Nguyên Hồng thường ngồi yên hàng giờ, lơ đãng nhìn thăm thẳm. Bàn làm việc là chiếc chõng tre, chập tối lại bê ra đầu hè, nhà văn và các con nhỏ nằm chơi xem sao, tìm con vịt bơi trên sông Ngân Hà.
Mảnh chiếu trải xuống mặt đất thay ghế ngồi. Lúc nào mỏi, ngả lưng luôn xuống chiếu. Nguyên Hồng ngồi xếp bằng tròn trên chiếu. Mánh ván gỗ che mặt chõng lổn nhổn những trang giấy học trò có kẻ xanh.
Và lọ mực tím, cái bút quản gỗ. Thứ giấy ấy, mực ấy có lẽ Nguyên Hồng đã dùng quen từ thời xa xưa Những ngày thơ ấu đến bây giờ. Cứ thế, ngoẹo người, trễ kính, hí hoát viết một thôi một hồi. Đôi lúc, đứng dậy, ra cái sân trước mặt, khua khoắng chân tay máy động tác thể dục. Có khi lấy chiếc thùng, xăm xăm xuống cái giếng chân đồi, xách lên mấy thùng nước giúp chị ấy chốc nữa thổi cơm.
Không phải Nguyên Hồng chỉ mới quen giản dị ở cái khi ai cũng ba lô trên lưng, thời kháng chiến. Từ trước năm 1945, hồi vợ chồng Nguyên Hồng thuê nhà dưới bãi Phúc Xá, đã thế. Ở Hà Nội mà chui rúc ngoài bãi trong mành mành cửa, kê vừa một cái giường, còn hòm xiềng, nồi niêu và mấy cái hoả lò, mấy bó củi nhét cả dưới gầm. Đến bữa, chị ấy lôi các thứ ra nhóm bếp, Nguyên Hồng ngồi trên giường - ngồi xếp băng từ ngày ấy, hai đầu gối vểnh lên, và viết. Đọc Nguyên Hồng, bạn đọc hắn đã được biết chiếc phản mọt cạnh vại nước trong gian nhà ọp ẹp với một thanh niên mê mải cắm cúi ngồi viết, từ thuở ông kể mình đã viết Những ngày thơ ấu như thế nào.
Khi người viết say mê đưa xuống ngòi bút những điều mình ấp ủ, không hề biết đến xung quanh nữa, miễn sao có mực, có bút và chỗ kê được trang giấy lên.
Nghề nghiệp nhà văn bề bộn giữa mọi người, mọi nghề trong xã hội. Nỗi lo suốt đời của Nguyên Hồng là những tập bản thảo.
Hầu như những thú vui, cả những khó nhọc, khi có tiền cũng như xưa kia đói khó, miếng cơm manh áo, tâm hồn và tất cá, chí tận tuỵ gắn bó với những công việc sáng tác.
Những năm gần đây. Nguyên Hồng đã có tuổi, thỉnh thoảng lại khoanh tay đấm lưng thùm thụp.
Nguyên Hồng chữa đau lưng bằng rượu ngâm vỏ quít và cách đấm lưng như thế. Một người hay tiêm hộ cho người ta, tiêm cả lúc đi trên xe hoả, mà không lấy y bạ, chẳng hề biết đến cửa bệnh viện. Thế nhưng, vẫn cọc cạch cái xe đạp thiếu nhi Liên Xô không phanh, màu xanh rợ thủng thỉnh Hà Nội - Nhã Nam. Ấy là nói chuyện gần đây đấy.
Nguyên Hồng thường kể cách thức mình đi xe đạp từ Hà Nội lên. Không phải than thở, cũng không hẳn thích thú, nói vui bình thường thôi. Ngày trước đi một mạch không biết cả đêm tối, lúc nào về đến nhà cũng thế. Bây giờ không "hái hăng” thế được - tiếng nói rỡn của Nguyên Hồng. Phải chia ra từng trạm. Nhà trọ ngả lưng, trạm số một ở dốc Vân. Cơm nước nhà hàng này khá. Vả lại đi lâu năm, hàng cơm đã quen khách. Đến Bắc Giang, có nhà thằng con công tác ở đấy. Từ thị xã lên, còn trạm nữa, trạm nữa, cung đường dài, cung đường ngắn, tuỳ sức chân đạp và mình phải tính. Đấy, đấy... Cái xe đạp con con, lúc ở Nhã Nam xuống, thồ nào lạc, nào rượu ngâm vỏ quít, khi lên cũng trăm thứ bà rằn. Ghé vào cửa hàng quốc tế phố Hàng Trống mua đôi chiếu. Xách ra, buộc dọc vào khung xe, lại lạch xạch thồ lên Nhã Nam. Lúc đạp, lúc dắt, vẫn vậy.
Đối với Nguyên Hồng, quần lành áo tốt hay áo quần lôi thôi, đều chỉ như vậy. Năm ấy, tình cờ gặp nhau, có cả Nguyễn Tuân, ở khách sạn Bắc Kinh trung tâm Mát-xơ-va. Chúng tôi chén một bữa linh đình, mời cả bạn nhà văn Liên Xô. Mừng thọ nhà văn Nguyễn Hồng sáu mươi tuổi. Nguyên Hồng, đôi giày mới chững chạc, thắt cà-vạt cẩn thận. Nhưng, làm sao mà vẫn thấy trong cái bề ngoài tươm tất ấy, con người tất bật, luộm thuộm như mọi khi, ở chợ Bắc Qua, ở dọc đường lên Nhã Nam.
Nhà văn Pháp Pier Abraham (1892-1974) chủ nhiệm tạp chí Châu Âu đến Hà Nội, tiếp Nguyên Hồng ở khách sạn Thống Nhất. P. Abraham đã viết trong ký sự thăm Việt Nam về buổi gặp gỡ đó trên tạp chí Châu Âu "Như từ bờ bãi sông Hồng đỏ rực gió cuốn đến đây, nhà văn lớn này là người của đất, thật là người của đất”.
Lại kể chuyện đùa về Nguyên Hồng. Như thế, mới hợp với anh ấy. Tính riêng tôi vốn ưa thầm lặng, vùi mình vào một xó. Lắm khi, đột ngột, Nguyên Hồng can thiệp ồn ào vui vẻ với xung quanh, mà mình cứ ngượng sững người. Cả những khi thong thả đi chơi cũng vậy. Chúng tôi hay uống bia ở một quán bia hơi gần phố Huế. Những năm ấy, các hàng bia chưa có cốc vại, người Hà Nội mới quen với cốc bia pha nước ngọt si-rô. Khách biết uống, chúng tôi đã thân ngay với nhà hàng. Mỗi lần xe bia về, người xích-lô đẩy những thùng bia xuống đường. Cứ tự nhiên, Nguyên Hồng ra ghé vai vác thùng bia vào. Bà hàng bia béo phục phích, cũng cứ tự nhiên đứng nhìn, không cười không cảm ơn ông khách tốt bụng. Nguyên Hồng hì hục vác cả bốn thùng, lại còn cẩn thận kê một thùng lên bậc cửa, đặt vào chỗ cho bà ấy mở chốt rót cốc bia đầu tiên, chẳng bao lâu, mọi lần xe bia đến, thấy chúng tôi, người xích-lô đã quen mặt, lại gọi to:
- Ông khách ra đỡ một tay nào!
Thế là Nguyên Hồng lại ra tận xe khiêng thùng bia, người xích-lô khói đạp thùng lăn xuống hè. Sau đó, người xích-lô và chúng tôi uống những cốc bia mới nhất vừa rót trong thùng ra. sáng khoái.
Bà hàng bia người đẫy đà ở cái phố khuất nẻo nọ không bao giờ biết bạn tôi là ông nhà văn. Cũng như năm trước, người đi đường được tiêm phát thuốc sốt rét và cũng nhiều người khác nữa, đâu biết cái ông dễ tính ấy là ai. Bà hàng nghĩ đấy cũng là bác xích-lô, bác xã viên hợp tác xã nghề mộc: nghề đan lát ở quanh đấy ra uống bia và cũng có ý bờm xơm bà và bà đã lợi dụng sự phải lòng đôi chút quá mùa ấy. Có lẽ Nguyên Hồng cũng nghĩ về mình chẳng khác bà hàng bia.
Nghề văn một nghề lương thiện như mọi nghề trong xã hội, có gì mà phải khoe với ai.
Nhất nghệ tinh... Đã gọi là nghề cơ mà. Sự quý trọng: công phu trau dồi, rèn luyện của Nguyên Hồng đối với nghề, những cái đó mới là điều đáng quan tâm cả đời. Nguyên Hồng giữ gìn từng trang bản thảo. Cẩn thận đến độ đi đâu cũng ôm đồm vác theo. Không yên tâm để chỗ nào. Sợ lạc, sợ mất, Nhà văn quá lo lắng về bản thảo còn hay tưởng ra những việc oái oăm bi đát nhất, không dễ gì xảy ra: để ở đấy, ngộ nhà nó cháy thì sao. Thôi, chịu khó đem theo. Cẩn tắc vô ấy náy...
Nghề văn cũng là trăm nghề lao lực, lao tâm như mọi nghề. Những bản thảo, sự sáng tạo, cái dáng ngồi nghiêng nghiêng vất vả, thật quan trong, thật nghiêm.
Cống hiến của tác phẩm Nguyên Hồng vào kho tàng văn học Việt Nam thế nào, nhà phê bình cực kỳ vô tư là thời gian đã lên tiếng và sẽ đánh giá. Nhưng tôi nghĩ thái độ, cách sống hàng ngày về nghề nghiệp, cho nghề nghiệp của Nguyên Hồng thật tỏ rõ trách nhiệm với ngòi bút.
Làm sao mà quên được chợ Bắc Qua những năm ấy.
Chúng tôi đi chợ Bắc Qua đã bao nhiêu lần, nhưng khi nào nhớ lại cũng nhớ những đêm chợ vào mùa đông thời chống Mỹ. Người ta đi suốt đêm, chợ và phố xá suốt đêm, có lẽ đấy chỉ là tưởng tượng và còn lẫn lộn theo kỷ niệm. Mỗi khi Nguyên Hồng về Hà Nội, thế nào chúng tôi cũng đi Bắc Qua.
Bấy giờ lại đương độ máy bay Mỹ đánh phá vào Hà Nội. Suốt ngày, trời thành phố rả rích còi báo động.
Loa, đài báo "máy bay địch cách hai mươi, ba mươi ki-lô-mét... mười ki-lô-mét! rồi máy bay địch đã bay xa..." Hồi ấy, tôi cũng đương làm công tác khu phố. Đêm thường cùng ban bảo vệ đi tuần. Nguyên Hồng thích đi với tôi, đòi đeo băng đỏ cẩn thận. Chúng tôi la cà ra cửa ga - ga Hàng Cỏ thức suốt sáng. Làm cốc bia hơi mậu dịch rồi kéo bộ thẳng lên chợ Bắc Qua vào nửa đêm.
Chợ Bắc Qua đêm đông hơn cả ngày, nhất là từ quãng một hai giờ sáng đổ ra. Người các miền giáp ranh Bắc Ninh - Bắc Giang về chợ kìn kìn gồng gánh suốt đêm sang sông.
Nói theo tiếng chợ búa, chợ Bắc Qua, cái chợ đổi vai: Mọi vùng bên sông phía bắc thành phố, từ thật xa trên Cao Thượng, ở Quế võ bên kia bến Hồ, người buôn, người trồng tỉa đưa xuống thành phố mọi thứ rau quả, mùa nào thức ấy. Xe ba gác cải tiến và người gánh nào cà-rốt, su-hào, nào cải bắp, cái bẹ, cải Lạng Sơn, hoa lơ. Những bó hành hoa, củ trắng nõn xếp chật cả hai bên thùng sau xe đạp.
Những xe đạp thồ gà, chim câu, chim sẻ. Áp tháng chạp dương lịch, tiếng gà tây kéc kéc kéc kéc loạn gầm cầu Long Biên. Vùng bến Hồ có nhiều hợp tác và nhiều nhà mới biết nuôi gà tây. Gà tây bên Bắc được thồ về, nhà Hoả Lò ra mua làm cỗ lễ Nô-en cho tù binh giặc lái Mỹ - phong tục nước Mỹ, tết năm mới nửa đêm nhà nào cũng chén thịt gà tây. Thế là chợ Bắc Qua mỗi cuối năm lại nảy nòi ra mặt hàng mới. Và hầu khắp các chợ nội với các hàng bán rong phố từ trong cầu Giấy lên Bưởi xuống Ô cầu Dền đều ra chợ Bắc Qua đợi mua rau cỏ bên Bắc sang. Đổi vai đòn gánh bán cất bán mớ ở chợ ấy người ta quẩy vào các chợ trong, chợ đông vui suốt đêm, khắp các ngả. Đèn đường loáng thoáng và mỗi xó một đốm đèn con le lói, như hội làng ngày trước. Lúc còi báo động, chẳng còn một ánh lửa. Trong bóng tối, tiếng rào rào râm ran. Chúng tôi len vào, kẻ mua người bán xúm xít quanh các hàng cơm bát, gánh cháo lòng tiết canh, thịt chó, thúng bánh cuốn và miến dong riềng. Hàng nào cũng sắp sẵn đôi quang, có báo động một cái, gọn ghẽ ngay.
Những lúc ấy mắt Nguyên Hồng ánh lên, gò má bóng nhẵn chòm râu hất ra như người ốp đồng lắp bắp sắp nói. Những đêm vui, đầm ấm, thú vị của Nguyên Hồng ở chợ. Quang cảnh ăn uống, lẫn lộn quanh gánh với người nằm ngủ úp nón lên mặt, người đương bơm xe sắp sang cầu, một cái bu sắt nhốt chó với cả những thồ hành hoa vừa tới. Tiếng à ầm ầm không ngớt líu tíu bối rối mà lại như rẽ ràng, đâu ra đây, vẻ lộn xộn lẫn với nền nếp của cái chợ đêm lắm thức mua bán.
Nguyên Hồng ngồi ngất ngưởng, bắt chuyện với mọi người. Chốn hàng quán giữa chợ, ai cũng vui tính cả ồ, những người bán quán chợ Bắc Qua, chẳng ai buồn lưu tâm, chắc lại như cái bà bán bia dưới phố Huế, ứõc đoán già ra cũng chỉ ngỡ đấy là ông lão kỹ tính, theo con cháu xuống chợ. Đứa cháu mới đi thồ lần đầu, ông phải chịu khó đi theo bảo bạn chúng nó.
Ông lão ấy vào hàng ăn uống, vừa gắt với lũ cháu bướng bỉnh rồi lại cười xoà. Những ông lão trong làng ra chợ búa thành phố, nửa lấm cẩm, nửa cẩn thận, hay hỏi dớ dẩn như thế, ở chợ đêm Bắc Qua này chẳng thiếu.
Hồi ấy, Nguyên Hồng đã để râu. Bộ râu ria lưa thưa mà chúng tôi thường đùa: bộ râu già nua của ông không hợp với hai con mắt lúng liếng nhanh như chớp còn tống tình được của ông. Nguyên Hồng rung đùi, cười khơ khớ, nói: "Quái quỷ! Quái quỷ!". Chẳng hiểu tự cười mình hay thú vị vì câu nói đúng.
Vậy mà cả đến bộ râu hiếm hoi ấy cũng chẳng phải Nguyên Hồng cố ý điểm trang cho vẻ già của mình đâu. Nguyên Hồng để râu khoảng ngoài năm mươi. Nhưng nói Nguyên Hồng để râu, chữ nghĩa cùng sự việc chưa thật chính xác. Nguyên do là lắm khi Nguyên Hồng ở bên cả mấy tháng trên Nhã Nam, ngày đêm viết miệt mài. Mấy năm, xong cả bộ tiểu thuyết Cửa biển, vở kịch Thái hậu Dương Vân Nga, đôi khi cao hứng, làm bài thơ, hay viết cho thiếu nhi.
Ở nơi khuất nẻo, hết dao cạo râu. Hồi này, lưỡi dao cạo không dễ kiếm. Thế là mặc kệ, rồi đâm quen. Chỉ vậy thôi, thành "để râu”.
Những đêm chợ Bắc Qua, những đêm chợ Bắc Qua. Chẳng mấy chốc, ông nhà văn đã như hàng xay hàng xáo với mọi người từ bao giờ. Giá hành, cà chua ra sao. Đem được mấy chục gà tây xuống, ở nhà còn lứa nào không. Đợi tuyển quân trên ấy đã xong chưa, à ra thế.
Lại nói lỡm, lại đùa nhả, cấu véo, đẩy vai nhau.
Chuyện cứ nổ ngô rang. Ông bên cạnh vừa nói choang choác đã đắp mảnh ni-lông, gối đầu lên chiếc đòn gánh đặt ngang vành bánh sau xe đạp. Tiếng ngáy khò khò hoà tiếng rào rào không dứt của buổi chợ đêm đương đông.
Bỗng còi báo động trên đầu cầu Long Biên rú lên.
Đèn điện và các đốm đèn dầu lập loè, vụt tắt. Bóng Nguyên Hồng khom khom đứng lên.
Nguyên Hồng hét:
- Đâu ngồi đấy nhé, đâu cứ ngồi đấy nhé!
Hai tay Nguyên Hồng dang ra. Nhưng chẳng đợi có người quát lên như ra lệnh thế, cái chợ mới khỏi nhốn nháo. Chợ không vỡ đâu. Chợ đêm thời bom Mỹ có qui luật và nền nếp chợ thời chiến. Tiếng ồn vẫn tiếp tục đều đều mọi chỗ, nghe rõ cả tiếng cắt nem, tiếng kéo tanh tách của anh hàng đu đủ thịt bò khô và những lời lẽ ngã giá thúng cà chua. Đằng kia, bọn gà tây bị nhốt trong gầm cầu vẫn khục hục, khẹc khẹc rộn rã. Và, ngẩng đầu, trên mênh mông trời nhung thẫm, rét ngọt, long lanh những vì sao. Cái chợ không biết bóng tối và dường như không nghe tiếng còi báo động, nhưng đã ra một vé thích ứng tối mò mò.
Nguyên Hồng rất mê chợ. Chúng tôi cũng nghĩ giống nhau. Cái chợ giúp ta biết nhanh mà chính xác về sự thật tình hình trong vùng. Không phải chỉ những thứ đem ra chợ, mà chính trị, kinh tế, văn hoá, phong tục, đủ vẻ, đều có thể trông ra cái chợ mà luận ra.
Nguyên Hồng nói:
- Học đấy chứ đâu. Người ta nói bao nhiêu chữ cho mà học, mình biết cái mách gì. Cái bà hàng gọi lão nằm ngủ lúc còi báo động: trỗi, trỗi, đúng là người chợ Thắng. Trên ấy người ta nói: trỗi trỗi. Chứ không nói đầy đủ: trỗi dậy, trỗi dậy đâu nhé. Chữ nghĩa hình thức trong sách lại đâm ra thừa.
Từ những nhỏ nhặt bình thường trong ý ăn nhẽ ở hàng ngày, mọi lúc, đã hoà liền như dòng máu cùng trên cơ thể, với tư tường và nghệ thuật của ngòi bút.
Thực tế sâu sắc tự nhiên như đời sống con người đã góp phần tạo ra tâm hồn và phong cách sáng tác, một khi quan niệm được cốt cách một tác phẩm nhất thiết phải bắt nguồn từ mọi mặt của xã hội, từ tâm tư tình cảm cuộc sống con người, trong đó có người cầm bút.
Toàn bộ tác phẩm Nguyên Hồng, từ hồi ký Những ngày thơ ấu đến bộ tiểu thuyết lịch sử Núi rừng Yên Thế viết chưa xong, mỗi tình huống được sáng tạo, ở nhân vật nào, vấn đề nào, tinh thần nhân đạo của tư tưởng chủ thể thật đằm thắm, thật thiết tha từ bắt đầu như thế.
Một đời chuyên cần, yêu thương, mải mê...
Lại thấy ra bao nhiêu điêu muốn nói nữa về Nguyên Hồng. Ngỡ như chưa biết đặt bút từ đâu, từ ky niệm nào.
Thường thường đêm Nô-en chúng tôi hay đi chơi quanh hồ Hoàn Kiếm rồi vòng vào nhà thờ Hàng Trống. Cả đêm Nô-en 1972, trận Điện Biên Phủ đương ác liệt trên trời Hà Nội. Và đêm Nô-en năm trước, ở hiệu cao lâu ông Khải 202 phố Huế ra.
Chúng tôi dừng lại trên hồ, chỗ ánh điện ngõ Bảo Khánh trông xuống.
Tôi kể với Nguyên Hồng:
- Nhà chị Vân Đài ngày trước ở đầu phố này trên hàng Trống. Chị bảo khi còn nhỏ, bờ hồ còn ăn sâu vào tận đây. Nhiều cầu ao nhà trong phố bắc ra hổ, tắm giặt, vo gạo, rửa rau.
Nghe thế, Nguyên Hồng bỗng sa nước mắt.
Nguyên Hồng vốn mau nước mắt. Chắc câu nói vừa rồi của tôi gợi điều gì Nguyên Hồng đương nghĩ.