Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Hồi Ký, Tuỳ Bút >> Những gương mặt - Chân dung văn học

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 15427 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Những gương mặt - Chân dung văn học
Tô Hoài

10. Vũ Ngọc Phan

Anh Phan, chị Phan

"Tôi viết thành cái truyện ngắn Nước lên hôm đi hộ đê ở Tứ Tổng về.

"Truyện ngắn này tôi gửi báo tuần Hà Nội tân văn.

Đấy là tôi tả quang cảnh bi thảm của một năm sông Hồng nước lớn.

"Sau này, chị Hằng Phương kể cho biết truyện tôi viết vào giấy lèm nhèm, chữ tôi lại gãy nét rất khó xem. Chị tình cờ lấy trong đám truyện đã loại lên đọc và thấy đáng chú ý. Đấy là truyện ngắn đầu tiên của tôi in trên báo mà được trả tiền nhuận bút. Hồi ấy không phải cứ có bài đăng báo thì toà báo đều trả tiền người viết như thể lệ bây giờ. Toà báo chỉ trả tiền người nào được toà báo mời, còn như mình gửi bài "lai cảo" thì người ta đăng đến bao nhiêu bài cũng thế thôi.

"Vì đấy là anh gửi cho người ta, chứ người ta có mời anh viết đâu. Bởi vậy, đồng tiền báo Hà Nội tân văn mở hàng cho tôi vào nghề và những quyển tiểu thuyết Đỏ và đen của Stăngđan, tiểu thuyết của Panai Istrati mà anh Vũ Ngọc Phan khuyên tôi đọc, đó là cái duyên quyến tôi vào nghề văn “(Tự truyện - Nhà xuất bản Văn học (1976).

Bạn đọc hãy tưởng tượng lại quãng những năm 1940 - cách đây gần năm mươi năm. Tôi đương khoảng hai mươi tuổi, anh Vũ Ngọc Phan trạc tuổi bốn mươi - cái so le tuổi tác khá xa xa, nếu anh chị mau mắn, tôi chỉ xấp xỉ đứa con đầu lòng của anh chị. Mà tôi thì chập chững cầm bút. Mà anh Phan thì làm nghề báo từ bao giờ, lâu lắm. Tôi chỉ biết, chỉ lạ lùng rằng cứ như thế mà tôi được làm bạn vong niên với anh và đấy là những năm tháng buổi đầu đời người, đời văn của tôi.

Tôi viết, tôi đọc, tôi lại viết đủ thứ thơ, truyện gửi đi, chẳng báo nào đăng nhưng, lại viết. Không biết khó nhọc, mặc đầu ngày ngày phải đi làm, tối sẩm mới về đến nhà. Cũng không phải vì chăm chút, vì cay cú một cái tên. Nông nỗi cầm bút của tôi gần như một thôi thúc tự nhiên. Bởi tôi không có nổi một mấu cớ nào để có thể nuôi được mơ ước của mình - mà tôi cũng chẳng có mơ ước xa xôi gì. Bấy giờ tôi đương làm công nhật bán hàng cho hiệu giày Ba-ta bên số lẻ giữa phố hàng Đào rồi sau xuống cửa hàng hàng Khay.

Mấy truyện ngắn của tôi được đăng trên tuần báo Hà Nội tân văn: Nước lên, Một đêm sáng giăng suôn, Bụi ô tô... Tranh minh hoạ của hoạ sĩ Ngô Thúc Dung, bạn của hoạ sĩ Nguyễn Đỗ Cung, hoạ sĩ vẽ cái bàn tay to gần bằng người. Tôi mê mải ngắm bức tranh, lại đọc lại truyện không biết bao nhiêu lần, lần nào cũng ngỡ ngàng nhìn dòng chữ mình viết hoá ra chữ in, sờ tay mà vẫn thấy khác thường. Những truyện ngắn của tôi được trình bày trân trọng giữa báo, in cùng với những tiểu thuyết nhiều kỳ: Chuyến tàu định mệnh của Lưu Trọng Lư, Thiếu quê hương của Nguyễn Tuân.

Một hôm, tôi đến gặp anh Vũ Ngọc Phan ở nơi làm việc của báo tại một bộ phận nhà in Trung Bắc đầu phố Hàng Buồm. Không phải đến đưa bài, cũng không phải tìm người "đàm đạo văn chương”. Tôi vốn đọc như ngốn sách. Không mượn đâu được đủ sách cung đốn nổi cái đói sách của tôi. Trong thành phố có một thư viện lớn ở Tràng Thi. Nhưng thư viện này chỉ cấp thẻ đọc cho người đỗ bằng thành chung trở lên. Tôi muốn nhờ anh Phan giúp tôi được vào thư viện ấy, một giấy giới thiệu, hoặc anh quen ai, chẳng hạn.

Anh Phan đã kể lại cảm tưởng lần ấy gặp tôi, anh rất ngạc nhiên. Một đêm sáng giăng suông của tôi nói về một cô gái làng quê ra thành phố bị dụ dỗ thành gái điếm... Bụi ô tô tả vợ chồng nhà nghèo kia quảy con đi chợ bán... ít nhất anh tưởng tượng tôi cũng như một Tam Lang, một Nguyễn Công Hoan con con đeo bàu quảy níp làng văn làng báo thế nào. Nhưng tôi chỉ là một cậu bé ngoại ô mặc áo dài thâm, quần vải ta, đi đôi guốc mộc.

Tôi nói:

- Thưa ông, tôi muốn ông làm ơn giúp cho tôi được vào đọc sách ở thư viện Tràng Thi.

Anh Phan người nhỏ nhắn, trắng trẻo, mặc bộ đồ tuýtxo lụa ngà hoa cau, đi đôi giày tây màu gan gà, đúng như tôi vẫn tưởng tượng thế, “nhà văn nhà báo phải gày gò, lịch sự, nho nhã". Bàn làm việc của anh ngay giữa nhà, đối mặt bàn chủ nhà in. Cái nhà in tối như hũ nút, chỉ có khoảng ngoài cùng áp hè không phải thắp đèn điện. Gian sắp chữ, gian máy, ầm ầm rậm rịch như tàu ngoài ga chuyển bánh. Luôn luôn, thợ chữ, người sửa bài đem bản in thử ra.

Anh Phan mời tôi ngồi xuống cái ghế đẩu mà người sửa bài vừa đứng lên, anh ra nói nhỏ với bác loong toong ngoài cửa rồi lấy ví đưa tiền cho người ấy.

Trở vào, anh Phan nói:

- Bánh ngọt bên cao lâu Nhật Tân khá lắm. Nhà văn Nguyễn Tuân hay ăn trưa bên ấy.

Lát sau, bác loong toong cấm về một bọc giây bóng mở ra, đặt bốn chiếc bánh xốp lên cái khay khảm, bên chén và ấm chè. Cả ông Khánh chủ nhà in cũng sang uống nước. Rồi anh hỏi tôi đủ mọi chuyện.

Thế là anh đã biết tôi là người đương bán hàng hiệu giày phố Hàng Đào gần đây. Nhà tôi trên Bưởi, đi làm tôi vẫn qua đẩu phố này. Tôi thích viết văn. Tôi thích đọc truyện tiếng pháp, vừa đọc vừa học.

Tôi chỉ nhớ cảm tưởng anh đã biết thật rõ về tôi và có lẽ anh thương tôi. Bởi khi tôi ra về, anh nói:

- Anh đừng phải vào thư viện, nhà tôi có một thư viện nhó, nhỏ cũng đủ cho anh thừa sức đọc. Tôi sẽ bảo anh đọc cho có phương pháp. Chủ nhật này xuống nhà tôi nhé!

Nhà anh Phan ở dưới ấp. Xuống xe điện cổng chùa Đồng Quang rồi rẽ vào. Chỉ tạt vài bước ra đường Ngã Tư Sở ồn ào, vào đây đã ra quang cảnh thôn trang êm đềm. Những bụi tre, hàng rào ô rô dọc bên bờ kênh dài, nước phẳng lặng, cuối xa nhìn lúa cánh đồng Láng.

Ngôi nhà ngói cổ giữa khoảng vườn râm mát. Một tầng xép cửa sổ trông xuống vườn. Ngôi nhà hương hoả của cụ thân sinh anh đế lại, anh kể trước kia đây là nhà tiến sĩ Dương Khuê, người Vân Đình. Chí một câu ấy, tôi đã mê... "Bác Dương thôi đã thôi rồi. Nước mây man mác ngậm ngùi lòng ta...". Những câu thơ mà lứa tuổi tôi cắp sách đến trường ai cũng thuộc lòng. Nơi đây, xưa kia cũng như bây giờ, liên quan đến ý tình, tâm sự các danh nhân. Riêng tưởng tượng như thế cũng đã cảm đượm một vẻ thơ mộng mơ màng thế nào rồi, mặc dầu cũng chỉ là ngôi nhà cũ kỹ, vườn cây nho nhỏ, nhiều lần anh Phan chị Phan chỉ cho tôi những cây hoa quỳnh, đỏ quyên, đỗ quyên Nhật cánh tim tím và những cây gì nữa, tôi không thể nhớ mà chỉ nhớ khoảng vườn và nếp nhà thanh bạch và ngay bên kia bờ rào ruối lưa thưa là nơi xưởng xe đay, đập nữa, người ta lao lực cởi trần đánh thừng đánh chão bán đứng bên này thấy rõ mồn một.

Anh Phan chị Phan vốn hiếu khách. Chỉ để ý khách đến chơi cũng có thể thấy ra được bóng thời thế qua số đông trong tầng lớp trí thức, nhà báo, nhà văn vào thời kỳ căng thang trước và sau đảo chính Nhật.

Những bè bạn nhà anh Phan, đến bây giờ, kẻ khuất người còn, nhưng hầu hết đã như anh chị, cùng nhau bước vào chặng đường sóng gió nhất của sự nghiệp đất nước trong thế kỷ. Các anh Nguyễn Công Hoan, Lưu Trọng Lư, Nguyễn Tuân, Mạnh Phú Tư. Đoàn Phú Tứ, Xuân Diệu, Huy Cận, Đỗ Đức Thu, chị Vân Đài, chị Lê Thị Xuyến... Một số tờ báo mà anh cộng tác đương lung lay, rồi đình bản như tạp chí Pháp Việt của E. Babuýl, một người Pháp có xu hướng Đờ Gôn, anh Phan đem về những quyển sách gáy dày cộp, nói của Babuýt gửi. Babuýt lo có thể bị Nhật bắt. Một hôm, anh nói nhó nhỏ: Babuýt bị Nhật bắt rồi. Tôi cũng đã biết mặt Babuýt ở một cuộc mít tinh trong nhà kỷ niệm Quốc khánh Pháp năm 1939. (Sắp chiến tranh thế giới lần thứ hai. Chính quyền thành phố không cho phép tổ chức mít tinh lớn như ở khu Đấu Xảo năm trước).

Babuýt đại diện chi nhánh đảng Xã hội Pháp ở Hà Nội.

Văn Tiến Dũng phát biểu (bằng tiếng Pháp) thay mặt các hội ái hữu thợ thuyền. Nhưng tôi im lặng nghe anh kể. Như chưa được trông thấy cái ông Babuýt râu tóc lụ khụ ấy bao giờ.

Khách đến nhà anh Phan hầu hết là nhà văn và các bạn của anh chị cũng lắm cung cách, lứa tuổi và kiểu sinh hoạt khác nhau. Nhưng với ai, anh Phan chị Phan cũng vui bạn đến nhà, anh Nguyễn Công Hoan dạy học ở Lào Cai, ở Móng Cái, ở Thái Bình, thỉnh thoảng về ở chơi cả tuần, anh Mạnh Phú Tư gặp khó khăn việc vợ con, anh chị giúp đỡ đến nơi đến chốn. Bạt tử như Lưu Trọng Lư vẫn là bạn đến nhà được. Hà Nội tân văn của anh Vũ Ngọc Phan in tiểu thuyết từng kỳ, truyện Chuyến tàu định mệnh của anh Lư. Hồi ấy, các nhà văn đã có tiếng khi viết truyện dài thường chỉ viết từng đoạn, đưa báo in dần, có lúc viết từng kỳ như Thiếu quê hương của anh Nguyễn Tuân. Báo Hà Nội tân văn in Chuyến tàu định mệnh được vài kỳ, tác giả viết nối đoạn kết rồi bán cho Nhà xuất bản Cộng lực(, với cái tên tiểu thuyết Em là gái bên song cửa. Nhà Cộng lực kiện báo Hà Nội tân văn in quyển sách mà tác giả đã bán bản quyền cho mình. Tôi đã theo anh Vũ Ngọc Phan hôm phải ra toà. Trạng sư Phan Anh cãi cho báo Hà Nội tân văn, rất hăng.

Anh Phan thua kiện phải nộp phạt một đồng bạc và thôi không được đăng tiếp Chuyến tàu định mệnh nữa.

Anh Phan bảo: "Anh Lư nhắn tôi: cái thằng Cộng lực kiện láo, sợ gì nó. Đoạn cuối Chuyến tàu định mệnh tôi viết cho báo của anh khác sách bán cho nó cơ mà.

"Nhưng thôi..." Giọng anh nhẹ nhàng, anh cũng chẳng để tâm giận anh Lưu Trọng Lư.

Ai người thế nào, một khi dã vào qua cái vườn xinh xắn, lên thềm ngôi nhà nền nếp, thì dẫu cho áo quần lôi thôi lếch thếch, người bã ra vì rượu, thuốc phiện, vì bao nhiêu đêm thức trắng, thì những câu chuyện văn chương thanh lịch ở đây cũng đưa anh vào công việc nghề nghiệp và những ước mơ sạch sẽ trở lại.

Thế mà, anh Phan không phải là người hiền lành đâu nhé! Anh nói anh chưa thành nhân vật trong tiểu thuyết Bốc đồng của Đỗ Đức Thu tả chân một số văn nghệ sĩ chơi bời, vì tác giả nể anh, mà ngại đấy, anh bảo cho tôi biết các nhân vật Tịnh là Nguyễn Tuân, Văn là Mạnh Phú Tư, và Đoàn Phú Tứ, Đỗ Đức Thu... là nhân vật nào trong Bốc đồng. Tôi đến nhà in phố Hàng Buồm, anh bảo tôi: "Thiết Can vừa ở đây ra, bị Nguyễn Doãn Vượng đón đánh. Tôi phải ra, nó mới thôi đuổi đánh Thiết Can. A đừng có đụng đến tôi. Mác sen Hàng Bạc, Hy Chả Cá bạn tôi cả. Tôi sẽ bảo chúng nó nện cho biết tay. Không hỗn được với tôi”.

Có lần anh kể:

- Anh ạ, một đêm tôi đi hát cô đầu với mấy tướng ấy. Khuya về, thấy Hằng Phương vẫn đứng đợi cửa. Từ đấy, mình thôi.

Rồi anh cười, vẻ lịch lãm.

Thật ra, những câu chuyện làng văn, làng báo ở trên, phần nhiều tôi cũng chỉ nghe anh Phan chị Phan kể lại. Tôi chưa được quen các đấng ấy và chưa được có cơ hội để khoác lác với bạn: mình mới đứng nói chuyện với nhà văn Giáp, mình vừa bắt tay nhà văn Ất, con người tôi lúc ấy tương tự năm xưa. Ở Sài Gòn, Vũ Bằng viết hồi ký về nghề làm báo, khi chợt nhớ đến tôi anh đã chụp ảnh cho tôi một dòng - "cái anh chàng mặt non choẹt, uống nước lã cũng say".

Tôi cũng không đủ gan học đòi các cha Đinh Hùng. "Giannin Lệ Thuỷ" Trần Hồi, cả bọn thường ngày ngày cất công kẽo kẹt đạp xe hàng một theo từ trường về nhà, thành cái đuôi dài dài sau xe của các nàng tiên Hằng em chị Phan. Bọn này muốn vào làm quen với nhà anh Phan bằng chết, mà không dám.

Chúng nó đâm ra tức tôi, chửi tôi, gán cho tôi...

Nhưng tôi đến với anh chị, là người trong nhà.

Lắm khi có khách anh chị xuống tiếp mình tôi ngồi lại giữa gian sách chất ngất. Tôi thường ăn cơm thêm đũa thêm bát, rau muống, đậu rán, tương ngon. Có gì đâu mà vẫn nhớ. Tôi cũng xấp xỉ bằng trà bằng lứa với những Bê những Tuân, những Hoàng và các em xinh xắn vừa hiền vừa hóm, nhiều em đã cùng cha mẹ lên chơi nhà tôi trên Nghĩa Đô. Khi anh Phan chị Phan làm nhà xuất bản Hà Nội, một trong những sách đầu tiên của nhà xuất bản in là tập hồi ký Cỏ dại, tôi đã đề trang đầu “Tặng đàn thỏ bạch trang Vũ gia" ấy.

Bởi vì, tôi đến nhà anh để học. Đầu tiên, anh Phan đưa cho tôi quyển Đỏ và đen của Stăngđan, anh bảo:

- Đỏ và đen là mẫu mực tiểu, thuyết Pháp thế kỷ 18. Anh phải đọc kỹ!

Tôi đọc chẳng hiểu mấy. Có lẽ vì nhiều chữ khó, phải tra từ điển luôn tay, mất thú, anh đưa tiếp theo kịch Con chim xanh của Mateclinh in khổ lớn trên tạp chí sân khấu Jnluýtxtraxiông. Tôi vừa đăng truyện ngắn Mê con gái (Con gà mái ri) trên báo Chủ nhật của Tự Lực Văn Đoàn, anh bảo: "Có thể cái kịch thần tiên này gợi ý nhiều cho anh về viết truyện loài vật". Một hôm khác, anh cho tôi xem tiểu thuyết của Panai Istrati - nhà văn gốc Rumani, xuất thân làm cu li cảng, viết về những người cùng cực ở các cửa bể Địa Trung Hải, Hắc Hải... anh Phan dặn: “Truyện của tác giả này gần với truyện của anh. Phải đọc thật kỹ”.

Năm này qua năm khác, tôi đến nhà đều đặn. Tôi trả sách, anh đưa sách mới. Dặn cách đọc, cách chú ý.

Anh chị kể cho nghe chuyện làng văn, làng báo. Mọi việc đọc và viết của tôi suốt thời gian ấy đều theo kiểu học trò cắp sách đi học như thế. Và đôi khi tôi giúp anh ghi “phích” cho anh soạn bộ Nhà văn hiện đại.

Anh Vũ Ngọc Phan in cho tôi liên tiếp nhiều truyện ngắn, truyện cổ tích, phóng sự lên báo Hà Nội tân văn. Anh đưa nhuận bút cho tôi. Những tờ giấy bạc quấn băng, chữ viết cẩn thận, nắn nót ghi số tiền và tên tôi được viết có chữ “Ông” trên đầu. Truyện ngắn Nước lên được năm đồng. Năm đồng ấy là cây gậy thần của ông bụt Vũ Ngọc Phan cho tôi. Tôi hô thần chú, lập tức thấy nó hiện lên bộ "phô tuýtxo" thứ vải rẻ tiền may quần áo tây, nhưng bền. Lại đôi giày vải trắng. Mới chỉ hết có hơn ba đồng, mà tôi đã trút được cái áo dài chéo go thâm và đôi guốc mộc. Lại còn tiền mua cân kẹo sìu về chia cho cả nhà. Lại còn mua cho em gái tôi cái vòng huyền. Mà cũng vẫn còn tiền. Trời ơi!

Thế thì tôi còn đi bán hàng cho hiệu giày làm gì nữa? Ngày cuốc bộ hai buổi từ trên Bưởi xuống, đến cửa hiệu, giờ giấc không chệch một phút, từ lúc rỡ cánh cửa mở hàng. Tháng được lương sáu đồng, chia ra, một tuần lễ lĩnh hơn một đồng bạc, trong khi vào lúc bấy giờ mỗi đêm tôi có thể khoắng xong một cái truyện ngắn ngon ơ. Thế là tôi vào nghề văn.

Anh Vũ Ngọc Phan chủ bút Hà Nội tân văn cũng chỉ là người làm công cho nhà tư sản Vũ Đình Dy, chủ báo Éppho tiếng Pháp và tuần báo Hà Nội tân văn. Tới khi phát xít Nhật càng dính sâu vào Đông Dương, thì nhà trí thức cơ hội này đổi màu. Tờ Hà Nội tân văn anh Vũ Ngọc Phan cáng đáng không đáp ứng - có nghĩa là không tán thành chủ trương và thái độ Vũ Đình Dy. Thế là chủ báo không bỏ vốn ra nữa. Báo chết. Sau Vũ Đình Dy theo Nhật sang Chiêu Nam (Xingapo) với Trần Trọng Kim, Dương Bá Trạc.

Nhà anh Phan, chị Phan khó khăn nhất vào thời kỳ này. Nhưng trình độ nghề nghiệp, phong thái nền nếp, cách làm việc chu đáo của anh khiến một nhà xuất bản lớn, nhà Tân Dân, đã ký hợp đồng in trọn bộ 5 quyển Nhà văn hiện đại của anh. Cũng khi ấy, nhà Tân Dân chủ trương loại sách "Truyền bá" cho thiếu nhi, anh Vũ Ngọc Phan giới thiệu tôi viết. Có lần anh Nguyễn Công Hoan cũng kể anh mách nhà xuất bản mời tôi viết "Truyền bá", vì "tôi đọc thấy văn của cậu tinh nghịch, trẻ con chắc thích”. Sinh thời hai anh, chưa bao giờ tôi hỏi lại việc đó. Bởi tôi tin là cả hai anh đã giới thiệu tôi, anh Phan tìm việc cho một bạn trẻ bấy lâu anh chăn dắt, giúp đỡ, anh Hoan yêu văn tôi dí dỏm - khi ấy tôi cũng chưa được quen anh Hoan.

Bây giờ thoạt nghe thấy nhuận bút một cái truyện ngắn hồi ấy mà mua được nhiều thứ như thế, có vẻ dễ dàng, dễ chịu quá, thế nhưng viết văn cho kiếm được miếng thời kỳ này chẳng dễ chút nào. Chợ búa buôn văn bán chữ theo luật cung cầu thị trường. Quyển sách in ra, mà cả năm vốn chưa quay vòng lại được, thì anh hãy lỉnh đi, chớ vác mặt lại nhà xuất bán ấy nữa. Bởi vì thế là anh đương làm sạt nghiệp người ta. Ngòi bút phải múa may thế nào cho có được người đọc bỏ tiền ra mua. Cả trăm nghìn người viết thời ấy, bây giờ còn lại mấy ai. Phải khác thường ngay lập tức, Nguyễn Công Hoan với những truyện ngắn có một không hai. Thanh Tịnh - Quê mẹ. Nguyên Hồng - Những ngày thơ ấu và Bỉ vỏ, Thạch Lam với Cô hàng xén, Đỗ Đức Thu truyện vừa: Ba, Bùi Hiển: Nằm vạ... Và Nam Cao. Mở đầu đã phải có giọng điệu không lẫn với ai. Phải thế mới mọc mũi lên được ạ.

Anh Vũ Ngọc Phan giúp tôi hiểu cái vất vả và công phu ấy, anh làm cẩn thận mà hồn nhiên, tự nhiên. Tập truyện ngắn O Chuột in trong tủ sách Những tác phẩm hay nhà Tân Dânl, Vũ Ngọc Phan đề tựa, anh cầm bản thảo, và nói:

- Anh viết cả loạt truyện loài vật thế là được, phải viết hàng loạt cho nổi hẳn. Tôi đề tựa, tôi “lăng xê" anh.

Anh nói, thích thú, sảng khoái như một công trình của anh vừa xong. Khen chê của anh, cũng như sự kèm cặp, tình nghĩa và nghiêm, anh Phan bảo tôi đến học công việc làm báo với nhà in. Tôi được cái sẵn tính chịu khó, tỉ mỉ, anh chỉ tôi cách chữa bông bài, để ý những khâu nối tiếp của bản thảo với sắp chữ, với sửa bài. (Ngày trước, bài đưa thẳng nhà in, ít đánh máy, thợ chữ cầm trang bán thảo mặt sau tờ giấy bị bẩn mực cho nên có thể lệ bản thảo viết một mặt). Cả chữ ký của tôi bây giờ cũng là tôi ký theo kiểu của anh. Thoạt đầu dấu chấm chữ i sau cùng, tôi đưa loăng quăng lên trời bắt chước "đài mây" của Xuân Diệu. Rồi tôi thấy anh ký rõ ba chữ Vũ Ngọc Phan nghiêng nghiêng với cái gạch dài ở dưới. Tôi cũng ký chân phương hệt thế cho đến ngày nay. Chỉ khác, tôi viết ngang dòng.

Mùa thu 1944, tôi bị bắt vì hoạt động Văn hoá Cứu quốc Được thả ở Nam Định về, tôi xuống nhà anh chị Phan. Trông thấy cái đầu trọc lốc của tôi, chị Hằng Phương rơm rớm nước mắt. Anh Phan thì lặng im. Tôi lại được ăn cơm trưa trên gác làm việc của anh chị như mọi khi. Cho đến lúc về, chị Hằng Phương hỏi nhỏ:

- Thế có nguy hiểm không?

Dễ thường anh chị muốn bảo tôi nên tránh ở đây ít lâu chăng. Tôi cười và thưa:

- Tôi đã về nhà rồi, chẳng có gì lo anh chị ạ.

Tôi tự coi anh chị Phan như anh cả chị cả, như thầy cô giáo lớp vỡ lòng cho mình. Dường như anh chị cũng nhìn tôi như thế. Lúc vui, khi bảo ban, khi thương khi giận cho tới bây giờ - dần dà bây giờ tôi cũng đã là ông lão sáu bảy mươi rồi.

Nhưng bao giờ cũng vẫn thế.

Cái năm đi chiến dịch Tây Bắc 1952, về Tuyên Quang ít lâu, tôi gặp anh ở hội Văn nghệ, anh chị và cả nhà mới từ Thanh Hoá chuyển lên Việt Bắc. Có đến bảy năm mới được gặp lại. Tôi đưa anh xem tập ghi chép của tôi về thơ ca Mường, Thái, Mèo mà tôi đã sưu tầm được khi vào hậu địch Sơn La, Lai Châu vừa giải phóng, anh khen rất thày giáo:

- Ừ! Anh đã biết làm việc có phương pháp khoa học.

Đến khi in Tục ngữ, ca dao, dân ca Việt Nam, anh đã lấy nhiều bài trong tập ghi chép của tôi vào phần cuối, và với tính cẩn thận minh bạch xưa nay, anh chú thích rõ ràng: Trích sổ tay của...

Anh viết bài phê bình tập truyện Vỡ tỉnh của tôi trên Tạp chí Văn học. Gặp anh, tôi cám ơn. Nhưng anh nghiêm mặt nói:

- Lâu lắm sao không đến chơi nhà? Hằng Phương rất không bằng lòng như thế.

Tôi chỉ biết lặng im. Tôi không dám nói với anh rằng người ta mỗi tuổi lại cứ thành nét những tính nết kỳ quặc, riêng biệt, dần dần về sau tôi đâm ra lười nhác giao thiệp, ưa lủi thủi. Tôi ngờ ngợ có thể anh chưa cần trò chuyện thêm, đã "có ý kiến ngay" rồi. Các thày giáo thường thế. Quá nhiên; anh bảo tôi, vẫn nghiêm nghị:

- Cái khinh bạc của anh trong văn chương tôi nói ngày trước đã lây sang cả tính nết anh rồi đấy, nặng đấy!

Tôi bỗng nhớ lại, khi đọc bản thảo tiểu thuyết Xóm Giếng với cái tựa Xóm Giếng ngày xưa, anh Phan báo tỏi: "Anh viết có nhiều cái mới. Nhưng hơi văn anh có vẻ khinh bạc, mà khi anh mới viết không có. Không nên a dua thời thượng", anh cũng đã phê bình thành chữ nghĩa như thế, về tôi, trong tập Nhà văn hiện đại.

Đến bây giờ vẫn nhắc nhở vậy. Trước mắt anh bao giờ tôi cũng chỉ là anh chàng mới cầm bút, hôm ấy lần đầu tiên đến tuần báo Hà Nội tân văn ở phố Hàng Buồm.
Chao ôi, làm sao thành phố đã lên đèn, mà trời vẫn xanh trong tưởng tượng của tôi hôm nay nhìn lại vẫn trong xanh như thế.

<< 9. Trần Huyền Trân | 11. Vũ Bằng >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 713

Return to top