Gần đến sinh nhật lần thứ tám, con trai tôi tỏ vẻ bồn chồn không yên, thần hồn nhát thần tính, hầu như nó chẳng tập trung làm được việc gì cả, bởi đầu óc cứ treo lơ lửng trên mây. Nó chểnh mảng cả việc học, bài tập cô giáo cho về nhà nó chẳng thèm động đến, tôi phải liên tục nhắc nhở. Buổi chiều, nó ngồi bên cửa sổ, mắt ngước nhìn lên trời xanh rồi liên mồm ca thán thời gian đi như rùa bò. Sao mà ghét thế! Nhìn nét mặt đăm chiêu như ông cụ non của nó, tôi bấm bụng cười thầm. Chiều hôm qua tình cờ gặp cô giáo chủ nhiệm trong siêu thị điện máy, tôi mới hay con trai tôi chỉ đạt điểm bốn môn toán đố, điểm hai môn tiếng Việt. Tôi thật sự bất ngờ vì xưa nay nó luôn là học sinh giỏi nhất khối. Chết thật, thằng bé đã bị khoảng không bao la, vô tận hớp mất hồn rồi.
- Tôi rất thông cảm cho cháu, - cô giáo nói:- bất kỳ đứa trẻ lên tám nào cũng có tâm trạng nôn nóng như thế. Tuy nhiên việc học là quan trọng, là tương lai cả một đời, vì thế, tôi mong phụ huynh nên kiểm tra nhắc nhở cháu chú tâm học tập. Những điểm kém của cháu tôi cho khất lại. Sắp đến ngày thi học kỳ một rồi. Hơn thế, cháu còn gánh trên vai trách nhiệm nặng nề, đại diện trường đi thi học sinh giỏi cấp thành phố. Giáo viên chủ nhiệm và Ban giám hiệu nhà trường rất kỳ vọng vào lần thi này. Mong anh hiểu cho.
- Tôi sẽ uốn nắn lại cháu. Cô và mọi người hãy yên tâm, nhất định cháu sẽ không khiến mọi người thất vọng. Thật sự, đây là giai đoạn khó khăn, mọi người hiểu và thông cảm cho cháu, tôi thật sự rất cảm kích.
Vợ tôi sau khi biết chuyện chẳng những không trách lại cười dễ dãi. Điều này khiến tôi rất thất vọng.
- Trẻ con đứa nào mà không như vậy. Em, ngày trước còn hơn nó nữa là đàng khác, người lúc nào cũng nhấp nhỏm như ngồi trên đống lửa.
- Nói như thế khác nào vẽ đường cho hươu chạy! Con bị tụt hạng là tại em. Đúng là con hư tại mẹ, cháu hư tại bà!
- Con trai em mà hư hỏng thì cả thế gian hóa thành đạo tặc mất. Khi ở vào tuổi con, anh không làm loạn lên đấy chứ!
Tôi im lặng. Quả thật, khi ấy tôi thậm chí tôi còn bỏ ăn, bỏ ngủ, lúc nào cũng ngơ ngơ ngác ngác như người mắc bệnh tương tư. Ông hiệu trưởng vài lần dọa sẽ đuổi học nếu tôi tiếp tục không đến lớp. Cũng chính vì chuyện này, mà cha tôi đã không cho tôi tập bay đúng một tuần.
Cuối cùng, ngày chờ đợi mỏi mòn cũng đã đến.
Hôm ấy, không ai bảo ai cả nhà cùng thức dậy rất sớm. Con trai tôi hầu như suốt đêm không chợp mắt. Ba giờ sáng cu cậu đã ngỏm dậy, đánh răng, rửa mặt rồi ra hiên ngồi đợi trời sáng. Trong bữa điểm tâm, vợ tôi cứ nhắc đi nhắc lại:
- Con mới tập bay lần đầu không nên quá sức rất nguy hiểm. Tuyệt đối không được nóng vội, ngày trước mẹ phải mất cả tuần mới bay được như chim.
Vợ tôi ngừng nói, quay xuống bếp lấy thêm thức ăn. Nhìn bát cơm chỉ vơi đi một ít, tôi dọa:
- Bụng đói, không đủ sức tập bay đâu nhé!
Thằng bé vội lùa cơm lia lịa. Nó ăn liền ba bát, phá kỷ lục mọi ngày. Vợ tôi vừa thu dọn các thứ, vừa nói chuyện:
- Anh phải luôn để mắt đến con. Thằng bé bị rụng một sợi tóc là không yên với em đâu. – Đoạn bà xã day mặt về phía con chị đang lấy nước từ bình lọc:- Con Nga nhớ lưu ý giùm mẹ nhé. Chẳng biết nhà bên cạnh tập tành như thế nào để cậu con trai rơi xuống đất phải nhập viện. Nếu không bận việc nhà, mẹ sẽ bay với mọi người cho vui.
Tôi dẫn hai con ra bãi đất trống cạnh nhà máy xay lúa. Con chị lượn mấy vòng trên không cốt để khoe thằng em.
Tôi bảo:
- Con làm như thế, em bắt chước thì rất nguy hiểm. Cha đã dạy con như thế nào, con còn nhớ không?
Con bé gật đầu biết lỗi:
- Dạ nhớ, trước khi bay phải thực hiện những bài khởi động ạ.
- Tại sao ta phải làm như thế?
- Để tránh không bị chuột rút ạ.
Tôi gật đầu tỏ vẻ hài lòng:
- Con phải thuộc nằm lòng và thực hiện nghiêm túc bài học bắt buộc này. Con bé Lành nhà Sáu Dậu bị mất một chân vì tội khinh suất. Mẹ sinh ra các con đều xinh đẹp và nguyên vẹn, cha không muốn bất kỳ đứa nào phải sống trong cảnh tật nguyền.
Tôi bắt đầu hướng dẫn mấy động tác làm nóng cơ thể. Thằng con trai lóng ngóng làm theo. Nó tỏ vẻ ngạc nhiên:
- Sao giống bài tập trước khi xuống nước vậy, ba?
- Đúng vậy, con à, tuy nhiên chúng ta phải thực hiện nhiều lần hơn, bởi nếu chìm xuống nước vẫn có thể cứu được, chứ từ trên không rơi xuống, chẳng ai có thể can thiệp kịp thời. Hậu quả thật khôn lường.
Thằng bé hiểu ra và tập tành rất chăm chỉ. Xong xuôi, tôi bắt đầu tập bài đầu tiên:
- Con đã từng thấy máy bay cất cánh chưa?
Thằng bé gật đầu, nói:
- Phải chạy lấy đà.
- Đúng vậy, những người mới tập phải lấy đà mới có thể nhấc mình lên khỏi mặt đất. Sau này khi đã thuần thục, điều kiện sức khoẻ cho phép đứng yên một chỗ vẫn có thể thực hiện dễ dàng như máy bay lên thẳng. Con xem này!
Đoạn tôi đứng thẳng người, hai tay mở rộng bằng vai, hít một hơi thật sâu vào lồng ngực. Thở ra từ từ kết hợp hai tay vẫy mạnh tựa như cánh chim, tôi có cảm giác cơ thể nhẹ dần và rời khỏi mặt đất. Tôi bay cao khoảng hai trăm mét thì đáp xuống ngay chỗ cũ, trước ánh mắt thán phục của hai đứa trẻ.
- Ta có thể bay đến đâu vậy, ba? – Con gái tôi hỏi.
- Đến đâu cũng được tùy theo sức khỏe mọi người. Tuy nhiên chúng ta không nên bay quá cao. Điều quan trọng là phải biết phân phối sức. Đã có vài trường hợp đáng tiếc xảy ra, do chủ quan, lúc hạ đất thì không còn sức nữa, thế là rơi tự do. Và một điều quan trọng các con phải nhớ, nên tập trung bay càng nhiều người càng tốt, mọi người sẽ giúp đỡ lẫn nhau.
Tôi bắt đầu làm động tác mẫu:
- Động tác chạy lấy đà như sau; người chúi về phía trước khoảng hai mươi lăm độ, hai tay nắm lại ngang hông, nhón gót lên, sức nặng cơ thể dồn lên mũi bàn chân. Con làm theo ba xem nào. Sai rồi. Đừng chồm lên nhiều như thế, dễ mất đà. Phải rồi. Gót nằm chân không được chạm đất. Chạy!
Tôi chạy chậm để hai đứa trẻ theo kịp. Con chị muốn chứng tỏ mình, chạy vượt lên trên rồi lấy đà bay lên như cánh diều. Nó lượn vài vòng trên đầu chúng tôi.
- Biết khi nào em mới theo chị nhỉ.
- Không lâu lắm đâu. Mát quá! Ồ, cánh chim rất đẹp, chị sẽ bay thi với nó.
Đoạn con chị vỗ mạnh hai tay, thân hình nó lao vút như mũi tên về phía mặt trời.
Sau ba lần chạy, thằng bé vẫn không sao nhấc mình lên nổi. Nó tỏ vẻ chán nản. Tôi xoa đầu nó, bảo:
- Nản chí rồi hả, chàng dũng sĩ tí hon? Một người có thể chất trung bình phải mất ba ngày mới có thể bổng khỏi mặt đất. Này, muốn thành đại bàng phải có tính kiên nhẫn. Tiếp tục chạy đi.
- Vậy mà, con cứ nghĩ sẽ bay được ngay. Nhất định con sẽ bay được, bởi vì con là con trai của ba!
Chủ đề bàn luận trong bữa cơm trưa vẫn là chuyện bay lượn. Con trai tôi cứ thắc mắc:
- Con người không có cánh vẫn bay được, tại sao các loài khác thì không?
- Chà, giải thích cặn kẽ phải mất khá nhiều thời gian. Ba chỉ vắn tắt như thế này, nguồn gốc người Việt xuất thân từ chim Lạc. Và vì mang dòng máu chim nên ta có thể bay lượn dễ dàng. Các loài khác không thể bay được vì nguồn gốc của chúng không phải là loài lông vũ. Con có hiểu không?
Sang ngày thứ ba, con trai tôi bắt đầu bổng người. Tuy nhiên phần dưới cơ thể hãy còn nặng nề không nhấc lên được. Như thế, cu cậu đã thích lắm rồi.
- Dang rộng hết tay và vỗ thật mạnh vào, kết hợp hai chân co duỗi như bơi ếch. Đấy, đúng rồi. Con trai của ba giỏi lắm.
Toàn thân thằng bé bắt đầu rời khỏi mặt đất đến độ khoảng hai mét thì không thể lên cao được nữa. Tôi bay song song với nó. Bay được một đỗi, cu cậu bắt đầu đuối sức, tôi bèn dùng cánh tay nâng ngay bụng và dìu đi. Gió ù ù bên tai. Tóc tai bị thổi ngược về phía sau.
- Trong khi bay, mắt phải luôn quan sát. Không nên suy nghĩ đến những chuyện khác dễ xảy ra tai nạn. Đã có người lao vào vách núi vì mất tập trung đấy, con phải nhớ kỹ điều này. Nào đập tay đi chứ!
Đến cuối ngày, con trai tôi có thể bay một mình với độ dài hai trăm mét. Do chưa quen và lực hãy còn yếu nó bay thấp và chậm. So ra, nó học nhanh hơn tôi lúc nhỏ. Với cái đà này, chỉ một tuần nữa, nó có thể bay thuần thục như chim.
Thời giờ thấm thoát thoi đưa, chẳng mấy chốc đã đến kỳ nghỉ hè. Buổi sáng tháng sáu. Bầu trời trong xanh như mặt biển. Gió thoang thoảng mùi thơm nồng nàn của đất trời, hoa cỏ. Bầu rượu thiên nhiên ủ men suốt mùa bắt đầu cất ra những giọt rượu tinh khiết, đậm đà say đắm, không uống rượu mà lòng người cũng đắm đuối hơi men.
Khi ba cha con chúng tôi đến sân đình làng thì mọi người đã có mặt đông đủ. Đáng lẽ ra chúng tôi đã đến từ sớm, nguyên do tại con bé Nga cứ tháo ra rồi mặc vào những đôi cánh gấm thêu hoa sặc sỡ. Tôi đã bảo vợ nên may cho nó một đôi thôi nhưng cô ấy không nghe, còn bảo, con gái nên diện một chút. Bây giờ đã sáng mắt chưa, cứ kén cá chọn canh mãi mà chẳng vừa ý đôi cánh nào. Tất nhiên không có đôi cánh chúng tôi vẫn bay được như thường, chẳng qua đó chỉ là vật trang trí để giống những nàng tiên trên thượng giới mà thôi. Cái Đẹp bao giờ cũng phiền phức.
Vào những ngày nghỉ cuối tuần , cả làng thường tập trung trước sân đình để cùng bay. Chẳng phải là cuộc thi chính thức nên không có danh hiện thưởng gì cả, tuy nhiên không vì thế mà kém phần hào hứng. Đây là dịp để mọi người chứng tỏ mình. Đúng bảy giờ sáng, sau khi có hiệu lệnh từ ông trưởng làng, tất cả nhất loạt vươn thẵng lên nền trời như những mũi tên lao vào không khí, chỉ trong phút chốc cả bầu trời được trang điểm bằng vô số những sắc màu rực rỡ chẳng khác nào những cánh bướm trong vườn hoa. Thường thì nam bay theo nam, nữ theo nữ. Nhưng thỉnh thoảng gươm cố tình đi lạc vào rừng hoa để tìm một nửa còn lại của mình.
Chúng tôi chia ra thành tám nhóm. Mỗi nhóm có một nhóm trưởng. Người được bầu là nhóm trưởng phải là người bay giỏi nhất, người này luôn bay trước dẫn đầu và giữ cờ hiệu. Những thành viên trong nhóm nhất nhất phải di chuyển theo hiệu lệnh cờ, nếu cố tình làm sai sẽ bị loại ra khỏi cuộc chơi. Và mỗi nhóm trưởng phải thực hiện theo hiệu lệnh cờ của đội trưởng, người chỉ huy cao nhất. Đội trưởng có thể bay không giỏi nhưng phải là người biết tổ chức, có óc sáng tạo. Thành công hay thất bại cuộc chơi phần lớn phụ thuộc vào nhân vật này.
Tôi và thằng nhóc bay trong tốp thứ hai từ bên trái lượn theo hình vòng cung sang bên phải. Những nhóm khác bay theo lộ trình riêng của mình; từ trong hướng ra ngoài, từ phải sang trái, bay theo trục tung, trục hoành nom có vẻ rối rắm, mất trật tự nhưng những người bên dưới sẽ mục kích những màn trình diễn thật ấn tượng. Ban đầu chúng tôi sếp những hình đơn giản; thửa ruộng, ngôi nhà..sau đó phức tạp dần; hoa sen, ngôi đình, con trâu..
Lần đầu tiên được tham gia cuộc chơi thú vị này, con trai tôi vừa ngỡ ngàng, vừa sung sướng. Nó làm theo hiệu lệnh cờ rất chính xác, thậm chí nhiều người còn thốt lên kinh ngạc khi biết nó tập tành chưa được bao lâu lại bay giỏi đến thế.
- Con đang là gì vậy, ba?
- Là nhụy hoa đấy. Từ dưới nhìn lên, con là cái nhụy vàng rất đẹp.
Lát sau, nó bay từ dưới lên trên:
- Con là gì?
- Là cái mỏ chim đại bàng đấy.
- Lạ nhỉ! Con là mỏ chim à!
Cuộc vui kéo dài đúng một giờ đồng hồ thì kết thúc. Lúc này, mọi người tự do làm theo ý mình; ra về hay tiếp tục tung tăng trên bầu trời xanh tùy ý. Con trai tôi có vẻ đã mệt nhưng cu cậu chưa muốn dừng cuộc chơi tại đây:
- Ồ, không ngờ khu rừng cạnh làng mình lại nhiều cây cối đến thế. Lại có rất nhiều chim!
Đoạn, cu cậu lao nhanh về phía đàn chim đậu trên những tán cây rậm rì, sợ con mải vui lạc đường về, tôi liền bám theo nó. Đàn chim thấy người bay đến liền tỏa ra tứ tán, con trai tôi vẫy mạnh đôi cánh tay đuổi theo con diều đầu đen:
- Dừng lại, chúng ta là anh em với nhau mà. Tớ chẳng làm gì cậu đâu. Dừng lại!
Nhưng con diều đã vút đi thật xa. Con người dù có bay giỏi đến đâu cũng không thể nào đuổi kịp loài chim.
- Ba ơi, nó bay mất rồi. Nó không chịu chơi với con!
Hai cha con bay qua khu rừng, vượt qua những cánh đồng lúa chín, những ngọn núi cao ngất trời xanh. Chúng tôi nhào lộn trên những đám mây trắng xốp như bông, rồi lao đầu xuống bên dưới. Khi mặt gần chạm đất thì ngoi đầu và vút lên không trung. Con trai tôi đã biết cách phân phối sức rất hợp lý.
Chúng tôi bắt đầu hướng về phía biển. Càng đến gần mùi tanh nồng của biển càng rõ rệt. Gương mặt thằng nhóc bừng sáng trước vẻ đẹp kỳ vĩ của thiên nhiên:
- Loài chim lông trắng, cánh đen là chim gì thế? Con mới thấy lần đầu.
- Đấy là chim hải âu, chúng sống ký sinh vào biển đấy con à.
- Thật tuyệt vời, - con trai tôi thốt lên:- Biển mênh mông quá! Mình bay qua biển nhé, ba?
- Không được đâu, con trai. – Tôi bảo:- Con chưa đủ sức qua biển rộng, phải đợi đến tuổi trưởng thành.
- Là bao lâu?
- Mười tám tuổi con à.
Chúng tôi bay ngược trở lại. Thằng nhóc ngoáy cổ nhìn lại tỏ vẻ nuối tiếc.
Tôi nói:
- Con đói chưa? Chúng ta về nhà nhé!
- Được bay như thế này con chẳng thấy đói chút nào. Bay một chút nữa nghe, ba?
Đứa trẻ nào lần đầu tung cánh đều phấn khích như thế, phải thông cảm cho nó. Tôi gật đầu, nói:
- Thôi được, chúng ta lượn qua khu rừng về ăn cơm là vừa.
Chúng tôi bị kẹp giữa đàn chim nhạn hàng trăm con, bay ngược ra biển. Lũ nhạn đã quá quen với người, chúng chẳng tỏ vẻ sợ hãi, thậm chí còn đậu trên vai tôi rồi bậy ra một bãi.
Từ trên cao nhìn xuống khu rừng, chúng tôi thấy một đàn bốn con cọp đang chí chóe bên dòng suối. Một con nai rừng mãi uống nước ở đầu nguồn, không hề hay biết con báo lông vàng đốm đen đang rình rập.
- Ba ơi, mình phải tìm cách gì cứu con nai tội nghiệp. – Giọng nó rè rè muốn khóc.
- Không được làm như thế, con ạ. – Tôi đáp:- Luật của rừng xanh cần phải tôn trọng. Và con báo kia lúc nào đó sẽ là mồi cho những con thú to lớn, hung dữ hơn.
Vượt qua khỏi khu rừng nguyên sinh, chúng tôi bắt đầu sải cánh qua trảng cỏ bao la, xanh rờn. Từng đàn bò đang lim dim nhơi cỏ. Tôi định lao xuống, bất chợt có tiếng gọi bên tai:
- Hai cha con định bay cả ngày hả?
Ngoáy cổ lại thì thấy vợ và con gái đang đuổi theo phía sau. Vợ tôi có dáng bay rất đẹp tựa như thiên nga. Tôi đã phải lòng, ngay từ lần đầu tiên nhìn thấy cô ấy bay giữa trời chiều nắng nhạt.
Con trai tôi reo lên mừng rỡ:
- Mẹ với chị bay nhanh lên. Đàng kia có con suối róc rách kia!
Hai người bay vượt lên và nhập cùng một tốp. Bé Nga nói:
- Vui quá! Hiếm khi cả nhà mới có dịp vui vẻ như thế này. Nào, cả nhà cùng bay!