Tượng đài “ Hòa Bình “ đặt bên cạnh nhà hát “ Thanh Niên “ như chiếc gai nhọn chọc vào mắt người dân thành phố. Ngay từ hôm ông Chủ tịch cầm kéo cắt băng khánh thành trước những tràng pháo tay như sấm, sâm banh chảy tràn, trong vô vàn lời chúc tụng, thì đã có vài ý kiến cho rằng khối bê tông cốt thép nặng cả chục tấn vô hồn kia không xứng đáng là biểu tượng, ý chí và nguyện vọng của người dân thành phố. Có vị lên án gay gắt, công trình tiêu tốn tiền tỉ này đã “ góp phần “ đẩy lùi nghệ thuật tạo hình vốn dĩ còn non trẻ trở về điểm xuất phát.
Sừng sững trên con tàu, ( tất nhiên chỉ có mũi tàu tượng trưng. Phải chăng, ý đồ của tác giả muốn hướng đến tương lai? ) là hình ảnh một nữ, hai nam, đại diện cho Công – Nông – Binh. Người công nhân đứng ngoài cùng tay trái cầm búa giơ thẳng lên trời, cô gái tay ôm bó lúa với nụ cười mãn nguyện, anh quân nhân hai tay cầm súng giơ lên cao. Trên vòm trời là đôi chim câu bay lượn...Kiểu mẫu đặc trưng của các nước Đông Âu, đặc biệt là Liên Xô cũ vào những năm đầu thập niên sáu mươi thế kỷ trước.
*
Trước khi tạm bằng lòng với công việc bơm, vá xe, hắn đã bôn ba đủ nghề. Từ những nghề lương thiện như; phu khuân vác ở bến tàu, nhân viên bảo vệ, thợ hồ, đến những công việc bất lương; phe vé lậu, cò bán máu, đến nghiệp đâm thuê chém mướn. Làm người hiền lành ngay thẳng không xong, mà trở thành kẻ côn đồ cũng chỉ xếp vào hàng tép riu. Sau vụ chém người gây thương tích, hắn bị kết án bốn năm. Ra tù, hắn không về nhà mà đi thẳng lên bãi vàng Phước Sơn ôm mộng làm giàu. Ba năm sau, hắn trở về xóm Than với hành trang trên người là chứng sốt rét vàng da, hai ngón tay cụt do một lần đánh mìn bất cẩn, cái chân trái đi cà thọt do bị sụp hầm suýt chết, không một phân vàng, chẳng một xu dính túi. Mọi người giễu hắn là kẻ vô tích sự chẳng bao giờ làm nên cơm cháo gì... Bằng hữu trong giới “ giang hồ “ đặt cho hắn biệt danh rất ấn tượng “ Bại Sự Dị Nhân “.
Sống giữa thành phố đất chật người đông tìm được một chỗ làm ưng ý còn khó hơn việc khám phá sự sống trong hệ mặt trời, thanh niên trai tráng khỏe mạnh, bằng cấp này chứng chỉ nọ dán đầy trên vách còn thất nghiệp dài cổ, huống hồ một kẻ “ phế thải “, chữ nghĩa không đầy lá mít như hắn. Sau nhiều ngày trăn trở suy tính, rốt cuộc, “Bại Sự Dị Nhân “ đành bằng lòng với công việc bơm, vá xe hai bánh.
Sau khi tìm được địa điểm, hắn mượn tiền mua sắm ít cờ lê, mỏ lết, keo dán..và chiếc máy bơm hơi cũ mèm do người quen đã giải nghệ bán trả góp không tính lời, “Bại Sự Dị Nhân “ chiếm dụng vỉa hè gần siêu thị năm tầng đối diện với tượng đài Hòa Bình làm chỗ hành nghề. Tuy nhiên việc làm ăn luôn xảy ra trục trặc, do Thành phố đang có chiến dịch “ Lập lại trật tự đô thị “. Chẳng trách được, giữa thanh thiên bạch nhật, khách du lịch tứ phương đổ về tham quan, mua sắm...thì sự hiện diện của hắn làm ô nhiễm mỹ quan Trung tâm thành phố.
Vừa vá xe cho khách, vừa đảo mắt nhìn ngang liếc dọc, nhác thấy bóng dáng mấy anh công an, dân phòng, hắn lập tức ba chân bốn cẳng thu dọn đồ nghề gửi tạm nhà gần đấy rồi rút vội tờ báo sau túi quần đọc ngấu nghiến, tuồng như người hay chữ. Lúc sau thấy có vẻ êm êm, hắn liền dọn ra và tiếp tục cuộc mưu sinh trần ai khoai củ. Trò “ cút bắt “ diễn ra mỗi ngày không dưới năm lượt, dần dà, nắm được thói quen, giờ giấc của Đội trật tự nên hắn cảm thấy khá thoải mái. “ Biển động “ thì dẹp, “ biển lặng “ thì bày ra. Tuy nhiên cũng có vài lần, hắn bị “ tổ trác “ do chiếc đồng hồ điện tử hết pin, hay Đội trật tự đi tuần “ mất trật tự “, đồ nghề của hắn bị giong thẳng đến công an phường. Hắn buộc làm cam kết và phải đóng phạt rất nặng. Ra khỏi đồn, hắn rủa thầm :” Mẹ kiếp! Mất toi mấy ngày quần quật! Coi như tiền đóng góp vào ngân sách Nhà nước “.
Những lúc “ biển yên gió lặng “, và chẳng có chiếc xe nào xui xẻo cán phải những chiếc đinh do hắn tự chế rải từ sáng sớm, hắn đành chấp nhận những thú vui chán phèo; đọc báo, nhìn người qua lại và ngắm nghía tượng đài. Cái tượng đài thổ tả ấy càng nhìn càng thấy tức cứ như có ai cầm vật nhọn đâm thẳng vào mắt. Chẳng thà đui mù không nhìn thấy gì có lẽ sẽ tốt hơn, đàng này, thị lực mười trên mười mà khối bê tông cốt thép hổ lốn ấy cứ chình ình trước mặt làm sao không điên lên cho được? Cái thứ chết bằm, chết giẵm này mà mấy ông văn nghệ sĩ dám vỗ ngực tự xưng là sáng tạo nghệ thuật đó ư? Sáng tạo kiểu như vầy thì một đứa trẻ lên ba cũng có thể trở thành nghệ nhân vĩ đại!
*
Một buổi sáng đẹp trời, thấy có nhiều du khách Nhật đến tham quan tượng đài rồi xí xô xí xào điều gì đó với nhân viên hướng dẫn du lịch và lắc đầu bỏ đi, hắn không hiểu người ta nói gì nhưng qua thái độ cũng dễ dàng đoán ra là có ý chê bay. Lòng tự ái dân tộc trong người bỗng bừng lên như ngọn đuốc, ngay buổi chiều hôm đó, hắn nhờ người làm đơn gửi ông Chủ tịch thành phố với đề nghị thiết tha hãy phá bỏ khối bê tông cốt thép đáng nguyền rủa kia. Nhưng tờ đơn khẩn thiết chỉ đến tay mấy nhân viên bảo vệ và điểm dừng chân cuối cùng là ở thùng rác công cộng. Chẳng ai bận tâm đến một kẻ thất học từng vào tù ra khám như hắn.
Mỗi ngày trôi qua tượng đài Hòa Bình là nỗi ám ảnh triền miên, hắn bị trầm uất rất nặng và phải thường xuyên sử dụng thuốc an thần. Những cái nhún vai, những nụ cười châm biếm của du khách đến từ Á, Âu khiến hắn tức tối đến sùi bọt mép. Thế rồi, sau một đêm trằn trọc suy tính, hắn quyết định đơn phương hành động.
*
Tòa hỏi:
- Tại sao bị cáo dám hủy hoại công trình quốc gia? Ai xúi giục bị cáo? Bị cáo tham gia tổ chức phản động nào?
“Bại Sự Dị Nhân “ thản nhiên đáp:
- Tôi rất yêu đất nước của tôi, thành phố của tôi và chính vì yêu tha thiết nên tôi quyết định ra tay dẹp khối ung nhọt đó!
Tòa nghiêm mặt nói:
- Nên thành thật khai báo bị cáo có cơ may được hưởng khoan hồng. Tình yêu và sự hủy diệt là hai định nghĩa hoàn toàn trái ngược. Nói đi, bị cáo thuộc tổ chức nào?
- Đã nói tôi đơn phương hành động. Tượng đài Hòa Bình là nỗi sỉ nhục của người dân thành phố trong đó có tôi! Tôi sẵn sàng chịu sự trừng phạt của luật pháp nhưng xin đừng gán ghép cho tôi những tội danh mà tôi không mắc phải.
Cả buổi thẩm vấn, Tòa không khai thác được tình tiết nào mới đành phải xử hắn với tội danh “ phá hoại tài sản...”. Trước khi Tòa tuyên án, hắn được nói lời sau cùng:
- Tôi không xin giảm án. Và cũng không ân hận về hành động của mình. Tội tôi làm tôi chịu. Nhưng những người có trách nhiệm của thành phố đã chi ra tiền tỉ cho việc “ sáng tạo “ nên tác phẩm phi nghệ thuật trở thành nỗi nhục của cả nhân dân thành phố tại sao không phải chịu bất kỳ trách nhiệm gì? Công lý phải bình đẳng...
Để bịt cái miệng phát ngôn bừa bãi không có lợi, Tòa lập tức rung chuông. Hắn được áp giải áp phòng riêng trong khi chờ Tòa nghị án. 5 năm, đó là bản án nghiêm khắc dành cho hắn. Khi xe chở phạm về trại giam, hắn còn mỉm cười, vẫy tay chào mọi người hiếu kỳ đứng hai bên đường.
*
Thụ án được 2 năm, vào một buổi chiều, giám thị trại đến vỗ vai, bảo có người đến thăm. Hắn trợn tròn mắt ngạc nhiên, bởi vì hắn đã trở thành đứa con bị ruồng bỏ kể từ khi bị tống vào trại giam. Mẹ hắn chì chiếc, hắn là kẻ đã bôi tro trát trấu lên lý lịch trong sạch ba đời ăn củ chuối của cả dòng họ. Anh chị hắn một mực khăng khăng, hắn chỉ là con nuôi. Hắn không cùng huyết thống với họ.
Khách là chàng trai trẻ có gương mặt thông minh sáng sủa. Trên tay anh ta khư khư chiếc cúp bằng pha lê. Anh ta tự giới thiệu qua loa về mình và nhanh chóng vào nội dung chính câu chuyện:
- Đây là phần thưởng dành cho thí sinh đoạt giải nhất trong cuộc thi thiết kế tượng đài Hòa Bình do Hội Nghệ sĩ Tạo hình thành phố phát động đấy.
Chuyện này thì có liên quan gì đến hắn, - hắn nghĩ thầm.
]Người thanh niên nói:
- Tượng đài mới được xây dựng trên nền cũ, nơi anh đã từng.. - Chàng thanh niên kéo dài những dấu chấm lửng.
- Tốt lắm! – Hắn reo lên:- Anh có thể mô tả phác thảo tượng đài, tôi rất muốn nghe.
- Vâng, - chàng kiến trúc sư trẻ tuổi vui vẻ đáp,:- tôi đến đây cũng vì mục đích này. Đoạn anh ta say sưa kể cho hắn nghe về mẫu thiết kế đã đoạt giải nhất. Kết thúc câu chuyện chàng trai nói:
- Để hoàn thành tác phẩm này, tôi phải vùi đầu trong thư viện Quốc gia cả tháng trời ròng rả, tôi phải liên tục di chuyển từ Nam ra Bắc như con thoi để gặp gỡ các nhà khoa học. Tôi phải thức trắng đêm để tìm kiếm tài liệu có liên quan trên mạng...
Nghe xong, hắn thốt lên trong vui sướng:
- Tuyệt! Tuyệt vời! Đấy là một sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, một sự sáng tạo độc đáo, xứng đáng là biểu tượng, là niềm tự hào của người dân thành phố – Đoạn hắn siết chặt tay người thanh niên:- Chúc mừng cậu! Chúc mừng!
Đoạn hắn xuống giọng ngập ngừng:
- Nhưng, chẳng lẽ, anh đến gặp tôi chỉ để nói điều này?
Chàng trai bỗng đứng nghiêng người một cách kính cẩn, trao cho hắn chiếc cúp đoạt giải:
- Người sáng tạo chính là anh! Tôi đến đến đây để chúc mừng và trao phần thưởng này cho chủ nhân đích thực của nó!
Hắn ngơ ngác nhìn chàng kiến trúc sư trẻ vừa mới ra trường nhưng mang đầy nhiệt huyết trong tim, đôi mắt tròn xoe như hai dấu hỏi. Tại sao có chuyện lạ như thế? Hắn sáng tạo gì chứ?
Thành phố Hồ Chí Minh ngày 26/04/2006