Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Tập Truyện ngắn >> Tập Truyện Ngắn của Khúc Thụy Du

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 22005 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Tập Truyện Ngắn của Khúc Thụy Du
Khúc Thụy Du

TO BE OR NOT TO BE

Gần mười một giờ đêm, tôi trở về nhà sau ca trực. Má đang ngồi bên bàn trà, nét mặt lộ vẻ căng thẳng. Tôi dựng xe vào góc nhà, ngồi xuống chỗ trống đối diện má.
- Có chuyện gì hả, má?
Má khẽ gật đầu. Mái tóc muối tiêu lòa xòa trên vầng trán nhấp nhô rảnh đời. Má đã già thật rồi.
Tôi đón ly trà nóng từ tay má, nhấp một ngụm nhỏ. Tôi nghiện trà Thiết quan âm nhưng phải do chính tay má pha.
Má khẽ ho ran mấy tiếng. Đôi mắt mờ đục nhìn tôi hồi lâu. Tôi, năm nay đã gần sáu mươi nhưng trong ánh mắt của má dường như tôi hãy còn là đứa bé con.
- Hai à, - má nói lào khào trong cổ họng, :- ngày mai con xin nghỉ không lương vài ngày có được không?
- Chắc là không được. Tổ của con đang thiếu người, công việc lại rất gấp..
Má thở dài:
- Con thử thuyết phục họ xem. Nghĩa tử là nghĩa tận..
Tôi đặt tách trà xuống chiếc  đĩa sứ. Mắt nhìn má. Ngạc nhiên:
- Con không hiểu gì cả. Chẳng lẽ trong họ hàng nhà mình có người vừa qua đời?
Má gật đầu xác nhận:
- Đúng đó Hai à, một người quen vừa báo tin, bác Ba của con đã qua đời..
- Ủa, nhà mình làm gì người bác nào thứ ba? Chỉ có bác Hai, cô Năm và cô Sáu nhưt cả đã lần lượt qua đời cả rồi.
- Có đấy, con không nhận thấy họ hàng bên nội thiếu một người thứ ba sao?
Tôi nghĩ thầm, đúng là xét theo thứ tự bên nội còn thiếu một người con thứ ba. Lúc nội còn sống, ông thường mang chuyện con cái kể cho các cháu nghe. Bác Hai là tay đấm cự phách, khắp Nam kỳ lục tỉnh, ông không có đối thủ. Cha tôi thuở nhỏ thường hay trốn học theo bạn bè tắm sông. Cô Năm rất sợ sâu, nhất là sâu rọm. Cô Sáu có khiếu về hội họa. Tôi chưa bao giờ nghe nội nhắc đến người con thứ ba. Những dịp lễ tết, giỗ quảy cả họ tập trung đông đủ, mọi người thường nhắc đến ơn đức sanh thành, tình nghĩa anh em, những kỷ niệm thời thơ ấu. Nhưng  tuyệt nhiên không ai đề cập đến nhân vật bí ẩn này. Má đã gần tám mươi, người già thường hay lú lẫn.
- Con nghĩ, có lẽ, người bác thứ ba đã mất từ thuở nhỏ.
Má lắc đầu:
- Không đâu, Hai à. Bác Ba của con chỉ mất cách đây ít lâu.
- Lạ thật, - tôi lẩm bẩm, :- vậy tại sao suốt một thời gian dài bác Ba không liên lạc với gia đình, những người thân ruột thịt. Thậm chí lúc nội mất cũng không có mặt bác ấy. Chẳng lẽ bác Ba vô tình đến thế hay sao?
Má lắc đầu:
- Má cũng không hiểu tại sao nữa. Nhưng thật sự, con có một người bác thứ ba.
Tôi hỏi:
- Lúc về ở với cha, má có gặp bác Ba bao giờ?
- Không, má chỉ nghe mọi người kể lại. Bà nội kể rằng bác con tính tình rất lập dị, từ lúc lọt lòng đến lúc đi tu chưa từng đặt chân ra khỏi nhà. Bác luôn giam mình trong phòng riêng, thậm chí ăn cơm cũng phải có người mang vào. Đến tuổi phải học chữ, nội con  phải mướn thầy đến dạy. Bác con sợ ánh sáng, sợ chỗ đông người, sợ tiếng ồn, sợ bụi, sợ tất cả..
Tôi vẩn bán tín bán nghi:
- Chẳng lẽ trên đời lại có người kỳ quặc đến thế. – Đoạn, tôi ngẩng mặt nhìn má:- Bác Ba đi tu từ lúc nào vậy, má?
- Năm mười bảy tuổi bác con xuất gia. Trước khi đi bác ấy chỉ để lại vài dòng ngắn ngủi để mọi người khỏi phải lo lắng, tìm kiếm..
- Bức thư ấy má còn giữ không?
- Thậm chí má còn chưa nhìn thấy nữa là. Má cũng chỉ nghe kể lại mà thôi.
- Bác Ba tu ở chùa nào?
Má lắc đâu:
- Không biết. Nội con đã cho người đi dò la khắp nơi suốt cả năm trời ròng rã nhưng chẳng có kết quả gì.
- Chắc gì bác Ba đã đi tu?
Má quả quyết:
- Đi tu, má chắc chắn như thế. Bác con bỏ nhà khi nội quyết định hỏi vợ cho bác ấy.
Má càng nói, tôi càng không hiểu. Người tu hành luôn lấy hiếu đạo làm gốc, cha mẹ qua đời mà không về chịu tang thì làm sao mong đến cõi niết bàn?
- Con cố thu xếp thời gian đi với má tìm hài cốt bác Ba về an táng tại đất nhà. Cả họ nội đều chôn một nơi, để hài cốt bác ấy vất vơ vất vưởng là có tội với tổ tiên, dòng họ. Dù sao đi nữa, bác ấy vẫn là chỗ ruột thịt, là con cháu phải có trách nhiệm.
Câu chuyện về người bác kỳ quặc choán hết tâm trí, cả đêm tôi không sao chợp mắt được. Nếu thật sự có người bác như thế, tôi không hiểu tướng mạo của bác như thế nào; đẹp trai hay xấu trai, hiền lành hay dữ tướng? Tất cả các người con của nội đều giống nội như tạc. Giống đến nỗi chỉ nhìn thoáng qua là nhận ra anh em, con cháu nhà ai. Không những giống tất cả đều giống nhau cả tính nết và thói quen. Cả nhà đều thích món thịt kho tàu, cải chua kho với ruột heo. Và cùng ghét các món cá. Nhất là cá nhám.
Tôi xin nghỉ không lương nhưng ông giám đốc chỉ đồng ý vào thứ ba tuần sau, khi cậu Thoái kết thúc kỳ nghỉ phép, quay trở lại với côc. Má tỏ vẻ rất sốt ruột. Cả ngày cứ đăm chiêu.
Tôi lục tìm quyển gia phả dòng họ trong chiếc tủ thờ bám đầy mạng nhện. Nội tôi xuất thân từ gia đình khoa bảng, dòng họ có nhiều người đổ đạt, làm quan, thậm chí có người được tôn làm thành hoàng, quanh năm khói hương nghi ngút, vì thế ông rất coi trọng việc ghi chép gia phả. Đấy cũng là cách thể hiện lòng tôn kính với những bậc tiền nhân. Sinh thời,  cha tôi cũng ghi chép gia phả đều đặn nhưng đến đời tôi thì chểnh mảng.
Thân thế bác Ba chỉ gói gọn vài dòng ngắn ngủi. Tên trong khai sinh của bác là Lê Tấn Phát, sinh vào giờ ngọ, năm tân sửu. Chỉ có vậy, gia phả hoàn toàn không nhắc đến thuở thiếu thời của bác đến lúc bỏ nhà đi tu. Tôi thật sự thất vọng và mối hoài nghi mỗi lúc càng dâng cao. Những câu hỏi liên tục nhảy múa trong đầu tôi; bác chết trẻ hay chết già? Bác ẩn mình vào cửa Phật hay theo đuổi mục đích khác? Tại sao bác khước từ dòng tộc? Và tại sao không ai nhắc đến bác nếu thật sự bác hiện hữu trên đời này?
Má nói:
- Nếu tính theo tuổi, bác Ba đã ngoài chín mươi. Con có thể hỏi thăm những người sống xung quanh. Trong xóm còn ba người sống cùng thời với bác Ba của con.
Người thứ nhất tôi tìm đến là bà Năm Ngà. Bà được mệnh danh là quyển tự điển sống của làng, tất cả những việc lớn, việc nhỏ từ thời Pháp thuộc đến thời đại computer bà đều thuộc vanh vách.
- Ba Phát hả? – Bà giương ánh mắt mờ đục nhìn tôi rồi lắc đầu:- Không, bà không biết, cái tên hoàn toàn xa lạ, mới nghe lần đầu. Mà ông Tư Hương ( ông nội tôi ) có người con tên Phát từ lúc nào sao bà không biết?
Tôi cố gợi ý với hy vọng đánh thức mớ tro tàn ký ức trong cái đầu mụ mẫm:
- Ba Phát là anh ruột của Tư Lành, ba cháu, từ nhỏ đến lớn bác ấy chỉ ở trong nhà. Năm mười bảy tuổi thì xuất gia, bà còn nhớ không?
- Không, - bà Năm Ngà đáp chắc nịch:- Có thể là sự nhầm lẫn. Hồi còn bé, bà vẫn thường lui tới nhà ông Tư, nhưng chưa bao giờ nhìn thấy, hay nghe ai nhắc đến  người đó cả.
- Nhưng trong gia phả có ghi rành rành.
- Chuyện đó, bà không biết. Thằng Hai mày  thử tìm đến ông Bảy Trật xem sao. Ông Bảy với ba mày là bạn đồng học đấy.
Tôi tìm đến nhà ông Bảy Trật. Tuy đã ngoài chín mươi nhưng trông ông vẫn còn tráng kiện, minh mẫn. Ông đang nhổ cổ sau vườn:
- Ba Phát à?  - Ông Bảy nhắc lại một cách máy móc:- Có, tao có nghe ba mày nói loáng thoáng.
- Ông đã từng giáp mặt với Ba Phát?
- Không, - ông Bảy Trật lắc đầu:- Tao chưa tiếp xúc bao giờ. Tư Lành nói có một người anh tính tình rất kỳ khôi, không chịu tiếp bất kỳ ai. Thậm chí ăn uống phải có người mang vào tận phòng. Dường như Ba Phát bỏ nhà đi tu thì phải. Những gì ông già này biết chỉ có vậy thôi, thằng Hai hỏi thêm, tao chẳng biết đường trả lời.
Đoạn ông cầm tay tôi lắc mạnh:
- Bộ có tin tức gì của Ba Phát hử?
Tôi im lặng thở dài chán nản. Hai đáp số hoàn toàn trái ngược khiến tôi như sa vào trận mê hồn. Dù muốn dù không, tôi phải gặp người thứ ba,  bà Tám Kiểm.
Nhưng bà Tám Kiểm đã khiến tôi hoàn toàn thất vọng, bởi bà đã quá lú lẫn, thậm chí không nhớ cái tên của mình. Tôi hỏi đông, bà đáp tây, chẳng ra đầu cua tai nheo gì cả.
- Bà có biết Ba Phát không? Ba Phát là con ông Tư Hương trước từng làm thầy đồ đó.
- Cái gì cá ươn? Đồ đạc gì?
Gần một giờ cùng với sự nhẫn nại tuyệt đối chẳng thu được kết quả gì, quá chán nản tôi đành ra về. Những nghi vấn về người bác thứ ba như hòn đá đeo nặng bên lòng.
Má hỏi tôi:
- Thằng Hai đã sáng tỏ vấn đề chưa?
Tôi lắc đầu:
- Ông nói gà, bà nói vịt, chẳng biết tin vào ai.
- Má cũng thấy ngờ ngợ nhưng thật sự ba con đã từng nói đến người bác thứ ba, tên Phát.
Tôi không tin, thời gian gần đây trí nhớ của má rất sa sút, thậm chí có lúc bà không nhận thức đêm hay ngày. Đi chợ vừa về, bà lại xách giỏ đi lần hai. Vả lại, nét chữ trong gia phả viết về bác Ba hoàn toàn khác với nét bút còn lại. Phải chăng có ai đó cố tình phá bĩnh?
Tờ mờ sáng hôm sau, tôi đón xe khách đi theo chỉ dẫn của má. Đường sá xa xôi, trắc trở, tôi khuyên má nên ở nhà nhưng má không nghe:
- Để bây đi một mình, má không yên tâm.
Xuống xe khách chúng tôi phải đi xem ôm thêm mấy cây số và sau đó phải xắn quần lội bộ vì không có đường đi. Chúng tôi vừa đi, vừa hỏi thăm, mãi đến gần hai giờ chiều mới đến nơi. Nhìn ngọn núi chót vót, tôi thật sự thấy ngại.
- Má ở dưới này để con lên trên đấy.
Má đưa cho tôi chiếc túi đựng vài thứ linh tinh cúng tế và dặn:
- Trước khi bốc hài cốt con phải đốt nhang cầu khấn trời Phật nghe chưa.
Trên núi có một cái am. Trong am có Phật. Dưới tượng Phật là bộ nâu sồng mục nát. Dưới mục nát  nguyên vẹn bộ xương khô. Tôi thắp nhang lâm râm khấn nguyện, đoạn lấy lọ cồn mang theo rửa từng mẫu xương, sau đó bọc chúng vào lớp giấy sáp và cho vào túi. Trước tiên tôi rửa xương sọ rồi đến xương sườn, ống tay, ống chân. Khi cầm mẩu xương ống chân trên tay, tôi phát hiện ra một chi tiết, người quá cố có chiều cao rất khiêm tốn, điều này hoàn toàn trái với những người bên họ nội ai cũng có chiều cao như vận động viên bóng rổ. Cô Sáu của tôi cao một mét sáu mươi lăm, cao hơn những phụ nữ khác hẳn một cái đầu lại là người thấp nhất trong họ và thường bị mọi người trêu chọc là “ cô lùn “. Chẳng lẽ, bác Ba lại khác hẳn với mọi người? Hay là có sự nhẩm lẫn? Tôi còn phát hiện thêm chi tiết nghi vấn,  hài cốt người chết lại thâm đen và nhẹ. Theo hiểu biết của tôi, xương đàn ông có màu trắng và nặng hơn xương phụ nữ có màu đen do sinh đẻ. Vậy người đang nằm tại đây là nam hay nữ? Và nếu là nữ thì chẳng có liên quan gì đến tôi và họ hàng bên nội. Phải chăng đây là một người hoàn toàn xa lạ?
Đầu nghĩ như thế nhưng tay tôi vẫn cho từng mẩu xương vào túi. Việc bốc hài cốt đúng ra phải vào ban đêm và kết thúc trước khi mặt trời mọc nhưng vì không có điệu kiện nên tôi đành phá lệ. Xong xuôi, tôi bước xuống núi. Tất cả những dây thần kinh trong đầu căng ra như sợi dây đàn. Tôi đang mang người hoàn toàn xa lạ trên lưng? Khi xuống gần đến chân núi, tôi bắt gặp hai đứa trẻ đi lên, nhìn thoáng qua tôi biết chúng đi kiếm củi. Tôi bèn lân la làm quen:
- Chào các cháu.  Các cháu có ở gần đây không?
Một đứa nhanh nhẹn đáp:
- Gần đây thôi, - đoạn, nó xây người chỉ về phía những căn nhà lúp xúp bên thung lũng:- Nhà chúng cháu ở đó. Ngày nào hai đứa cũng lên đây nhặt củi về đun.
- Vậy các cháu có biết người tu trên núi?
- Biết chứ, nhưng bà ấy mất đã lâu rồi. Ba hay bốn năm gì đó.
Đứa còn lại trừng mắt nhìn bạn:
- Đâu phải là bà. Đàn ông chứ.
- Đàn bà.
- Đàn ông.
Rối càng thêm rối. Bỏ mặc bọn trẻ cấu chí lẫn nhau, tôi men theo lối mòn xuống núi. Thấy tôi, má lập tức đứng dậy hỏi han rối rít. Tôi thuật lại những điều tai nghe mắt thấy, nhưng má vẫn khăng khăng hài cốt đó là của bác Ba:
- Nội con từng kể với má, bác Ba lùn giống bà nội.
 Tôi ngẩn người ra suy nghĩ mông lung. Trăm người, mười ý, biết tin ai bây giờ.
- Như vậy là tốt rồi, - má thở phào khoan khoái:- Chúng ta sẽ an táng bác bên cạnh mộ bác Hai. Tất nhiên con cũng nên trồng vài cây gì đó để tạo thêm bóng mát.
Tôi ậm ừ cho qua chuyện. Má có tính vị tha, thương người. Ông ngoại kể lại, hồi nhỏ hễ mỗi lần thấy thầy chùa, là má chắp tay xá mấy xá rồi thì gạo, bánh, trái cây trên bàn thờ  đem ra dâng tất cho các thầy, thấy người ăn xin là cho tiền, cho gạo, gặp người cơ nhỡ thì ra tay giúp đỡ hết lòng chẳng toan tính thiệt hơn. Bà ngoại nhiều lần nói đùa, đáng lẽ má phải vào chùa ở mới phải.
- Chúng ta không biết ngày mất của bác, theo ý má, ta lấy ngày này làm ngày giỗ của bác, con thấy thế nào?
Tôi gật đầu cho má vui chứ chẳng còn lòng dạ nào nghĩ đến chuyện giỗ quải, cúng kiến, ma chay. Lúc này, trong đầu tôi chỉ duy nhất mỗi ý nghĩ, người tôi đang cõng trên lưng là ai? Có tình thân máu mủ với tôi không? Má ơi, phải chăng má thương một linh hồn không nơi nương tựa nên nhận là người  thân để chúng con sớm hôm hương khói. Con sẵn sàng làm điều thiện nhưng con xin má hãy thành thật với con.

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 09 tháng 11 năm 2006

<< BỨC THƯ TỪ ĐỊA NGỤC | VẬT CHẤT >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 375

Return to top