Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Tiểu Thuyết >> Chuyện làng Cuội

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 29925 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Chuyện làng Cuội
Lê Lựu

P4 - Chương 1
Con Huyền đi đâu về, bảo:
- Bà ơi, nghe tin bố còn sống đấy.
- Ai bảo thế?
- Có người họ đi tàu Thống Nhất chở chuyến khách đầu tiên vào cảng Nhà Rồng bảo có trông thấy ông ấy cầm máy ảnh ra đón. Xem ra có vẻ làm to lắm. Trông béo đen. Ông ấy không biết anh này. Khi anh ta bảo là cùng quê thì ông ấy cũng hỏi thăm tình hình.
- Sao cháu không hỏi anh ta cho kĩ xem có thực sự bố cháu không? Dăm bảy năm không có tí tin tức gì làm sao biết được sống hay chết.
- Chắc là “líp” với cô nào đấy rồi. Nó kẹp chặt quá không rút ra được làm sao còn tin tức được cho bà cháu mình hở bà?
- Bà đã cấm con không được ăn nói bố mẹ như thế. Ai lại con gái cứ gọi bố là ông bô, ông ấy, lão ta, ông via, ông vỉa… gì, nghe nó chướng lắm, bà không chịu được nữa đâu.
- Vâng vâng, cháu xin lỗi bà. Cháu cứ quên mất. Căn bản là bố con đối xử với nhau thế nào chứ gọi nhau thế nào chả được.
- Không có cái kiểu “họ nhà tôm” ấy. Như thế nào cũng là bố đẻ ra mình. Cháu là phận con cái, ăn ở nó phải ra trên ra dưới, nghe ra chửa?
- Cháu chửa rồi, à quên cháu nghe ra rồi bà ạ.
- Mà sao mày đã ra vườn. Dễ như lội cả xuống ao rồi phải không?
- Cháu chỉ rửa chân thôi.
- Thôi chết bà rồi. Bà lại quên không bảo cháu là chưa được rửa chân bằng nước lã. “Giải quyết” mới được hơn hai tháng! Một lần sa bằng ba lần đẻ. Không kiêng cữ cẩn thận về già khổ lắm con ạ. Thôi không được đi đâu nữa. Để bà lấy lá sắc mà uống, rồi tối tối bà pha nước muối ngâm chân. Không thể đùa được con ạ.
- Nhưng bà ơi, con lại “bị” rồi.
Bà trợn mắt lên như người động kinh. Phải dăm phút chết lặng đi, sắc mặt bà mới hoàn lại, giọng hơi run run:
- Cháu bảo thế nào? Có phải...
- Cháu lại thấy quá hạn mười ngày rồi. Mà người lại nôn nao, giống như lần trước bà ạ.
Bà không thể nói được nữa. Vậy là nó mới được khoảng một tháng, lại “bị”. Lần trước nó mang nhau đi Hà Nội “giải quyết” bà có hề biết đâu. Thực ra bà cũng đã ngờ ngợ. Con gái dậy thì mà lông mày dựng ngược lên, cái lưng ngay ra, đứng ngồi, đi lại ngượng nghịu là bà biết có sự chả lành. Phần thương cháu, phần sợ nó buồn bã, đành câm lặng. Vì là nó buồn thì bà lại đau hơn nỗi buồn của nó. Nó mà có sự gì thì y như một lưỡi dao phạt ngang vào thân cây bà đang vin, tựa, bấu víu ở đấy. Cái cây ấy đổ xuống, cái thân già chông chênh vất vưởng của bà biết tựa vào đâu mà sống? Năm năm trước, khi mặt bà phải gục xuống vì miệng tiếng đồn đại xa gần bà là kẻ đã giết mẹ nó “không gươm”, chính nó quả quyết ở bất cứ đâu rằng không ai được vu oan cho bà nó. “Thì giấy trắng mực đen ghi rõ ràng ý kiến của bà mày?”. “Kể cả bà tôi kí hàng trăm chữ, điểm chỉ cả mười đầu ngón tay vào đấy cũng không ai được bảo lòng dạ bà tôi độc địa”. Nó còn nói nó biết hết vì sao bà nó phải làm những việc ấy. Nhờ nó bà đã dần dần ngẩng mặt lên nhìn dân làng. Dù còn gượng gạo nhưng bà con dân làng ai cũng nghĩ “đúng là bà Đất không thể tự nhiên nói ra những lời sai ngoa”. Nó vừa là ân nhân, vừa là người bạn, chỉ có nó như một người lớn từng trải, mới hiểu thấu lòng bà. Không phải là nó, không ai dám bất chấp sự khinh bỉ của cả họ hàng nội ngoại để chăm lo bà hơn hẳn lúc mẹ nó còn sống. Chỉ có nó mới dám có một tình yêu ngược hẳn với đám đông mà không sợ bị tách rời. Mới 17 tuổi đầu nó đã dám nói giữa cuộc họp ở miếu ông Cuội: “Tôi cứ thành thật, có thế nào nói như thế còn hơn vạn lần các ông các bà đem sách ra mà dạy nhau nói dối và đánh lừa. Đang đói nhăn răng ra, không nghĩ cách cứu đói lại cứ tranh cãi nhau hàng tháng trời xem đổi tên Cuội Thượng, Ngoại Thượng, Nhập và Nhằng thành những cái tên gì gọi cho sang, cho hơn hẳn thiên hạ. Lúc nào cũng chỉ muốn đi tiên phong cho thiên hạ theo. Đúng là cái dân học đòi. Bao giờ cũng muốn phải hơn hẳn ông thầy mình học”.Giá bố nó không đi “B”, mẹ nó không vừa chết, người ta đã gô cổ nó cho vào tù rồi. Bà cứ tha hồ lạy van cháu. Cháu lại nhất mực thách đố: “Thì những người đang xoen xoét nói một đằng, làm một nẻo còn khổ hơn ở tù kia. Cháu đi tù về tội nói thật. Cùng lắm chỉ dăm ba năm, còn họ tù cả đời họ như bà ấy, sướng cái nỗi gì”. Nó cứ như thế, rồi cũng thành người. Có người ghét, người hận, người yêu thương nhưng không ai dám coi thường nó. Thành ra, nhiều lúc nghe người ngoài đồn đại chuyện này, chuyện khác bà cũng không tra khảo gì cháu. Cái nhẽ mà bà không dám hỏi khi nó có mang lần trước là thế. Nhưng mà “thằng kia” vì cớ gì lại không lấy cháu bà làm vợ? Cháu bà dưới con mắt bà, nó còn hơn mẹ nó ngày xưa, hơn cả bà nội nó, lại thẳng thắn, không biết thớ lợ, lừa lọc, gian dối, không biết sợ ai, sợ cái gì, ngoài nỗi hoảng sợ bà nội nó ốm đau vì lo nghĩ hoặc đói khổ. Còn bà thì nó giẫm phải cái gai bà đã hoảng lên. Lần trước bà đã phải thuốc thang và nghiêm ngặt bắt nó kiêng cữ. Vậy mà “thằng kia” định làm hại cháu bà hay sao? Mới nhoáy một cái đã hai lần “bị”. Nếu yêu nhau, thương nhau thực sự tại sao nó không báo cáo rồi “tổ chức”. Nó biết bà nó đang nghĩ gì, nó bảo bà:
- Anh ấy có vợ, có hai con. Chưa giải quyết được.
Bà chưa kịp tin vào tai mình, cháu lại giải thích:
- Bà yên trí. Mấy hôm nữa lên Hà Nội, Tiễn anh ấy vào công tác trong Nam, cháu “giải quyết” luôn.
Trời đất ơi, nó cứ nói tông tỗng như là chuyện của ai, như cái bụi bám vào áo phủi đi một cái là xong. Bà nó thì ruột gan cứ như chín nẫu ra. Bà phải cố lấy lại bình tĩnh hỏi cho ra nhẽ:
- Cháu nói bà xem, nó là thằng nào, làm gì, ở đâu?
- Bà định bắt đền người ta à?
Nó cười rồi bảo bà nó không cần biết tên tuổi làm gì. Chỉ biết anh ấy là người Hà Nội về đây dạy học. Cả ba năm học cấp ba nó học toán của anh ấy. Đấy là một bộ óc thần kì nhớ từng chữ, từng con số, từng cái dấu phẩy trong tất cả các sách đại số, hình học và lượng giác từ lớp tám đến lớp mười. Tóm lại, anh ấy là người dạy giỏi kinh khủng. Cô mê. Cô cũng biết anh ấy có vợ, có con từ khi mới học lớp tám. Nhưng với bộ mặt và giọng nói đau khổ của thầy khiến tất cả học sinh gái ở lớp đều tin chắc chị ta là người đàn bà hẹp hòi, ích kỉ. Cử chỉ đầu tiên của chị ta mỗi lần chồng về là móc túi xem “thương vợ”, “thương con” nhiều hay ít. Lần nào hào phóng lắm chị ta mới để lại cho thầy được ba hào vưa đủ vá một miếng săm hoặc ăn một bát mì “không người lái”. Muốn cái gì, chỉ được một thứ. Đạp xe đi về gần một trăm ki lô mét mà có tiền để “ước được cả hai thứ thì viển vông, cao xa quá”. Nghe thầy tâm sự mà cô nào cũng thấy cảm động rưng rưng. Thầy bảo trước sau rồi hai người cũng phải chia tay, không thể hợp nhau. Thương thầy, cũng chỉ biết vậy thôi. Kể cả những lúc đột nhiên bồi hồi nghĩ đến thầy, con gái nông thôn dù đầy đủ sức lực ở tuổi 17 “bẻ gãy sừng trâu” cũng không bao giờ dám nghĩ chuyện đùa cợt giăng gió với thầy. Quan hệ của cô với thầy chỉ sau khi đã tốt nghiệp cấp ba, không thi vào đại học, cô ở nhà với bà và xung phong vào trung đội nữ dân quân của huyện, cơ động bắn máy bay tầm thấp. Trong số 42 chị em, có đến 35 người đã có chồng và quá nửa số ấy mới bén mùi “lửa rơm” đã phải tiễn chồng đi Nam chiến đấu. Họ thèm nhớ những đàn ông đến nỗi phải dồn hết sức lực, tâm trí vào những bộ mặt căng thẳng, cứng nhắc trước anh huyện đội phó và các cán sự huấn luyện, tác chiến để chứng tỏ rằng họ không hề mảy may đòi hỏi, nhớ nhung. Như thể họ là những người sinh ra chỉ biết có tập trung tư tưởng vào việc rèn luyện bắn rơi máy bay giặc. Sự nghiêm trang của họ khiến các anh chàng trai trẻ của huyện đội cũng phải thường xuyên cảnh giác với những ý nghĩ không trong sáng xuất hiện, làm giảm sút ý chí chiến đấu của chị em. Nhưng đến khi nằm riêng biệt hoàn toàn với chỗ ở của các anh huyện đội, họ đã xếp thành 21 cặp “anh và em”. Chỉ trừ vài ba cặp lớn tuổi, còn hầu hết các cặp “anh chị” ngủ chung trong chiếc màn một. Dù có là nóng đầm đìa mồ hôi thì họ vẫn “chung chăn, chung gối” bày ra đủ trò “ái ân chồng vợ”. Cô bé học sinh lớp 10 là người duy nhất của xã Ngoại Thượng được bác Nạc gửi vào đội bắn máy bay của huyện. Cô đã “làm vợ” một “anh”. Lấy chồng được bảy ngày phải tiễn chồng trở lại chiến trường “B”. Sự “chung đụng” với “chồng” đã làm cho Huyền mất khả năng tự vệ là cảm giác thẹn thùng, rụt rè của người con gái.
Giữa những ngày “căng thẳng” ấy cô gặp lại thầy giáo cũ đã từng quan tâm đặc biệt đến cô và vẫn biết từng ngày cô ở đâu, làm gì, kể từ khi thôi học. Nhưng bà của Huyền thì không biết chuyện này. Hai năm Huyền đi lại với anh, vẫn không thấy anh nhắc nhở gì đến chuyện “chia tay” với người vợ mà anh từng nói trước đây. Huyền vẫn kiên trì chờ. Đến khi lên Hà Nội “giải quyết” lần vừa rồi, Huyền mới nhận ra tư cách thật của con người anh. Anh đạp xe đưa Huyền đến chỗ bác sĩ quen. Trông thấy chị ta, lập tức chân tay, mặt mũi của anh như là mượn của ai. Chỉ thoáng một giây nhìn thấy “ruột gan” anh, Huyền thấy cái hèn ở anh không thể chấp nhận. Huyền rẽ vào con đường đến nhà bác sĩ còn anh vội vã đạp xe theo vợ như thể anh và Huyền chỉ là hai kẻ đi cùng chiều. Cô thấy người lạnh đi và mọi cảm xúc về anh cũng nguội đi. Nhưng đến chiều anh đến nhà bác sĩ đón cô thì lại khác. Vì một mình bơ vơ giữa thủ đô? Vì sự hồn hậu tất bật rất khổ sở của anh? Vì thói quen “gái phải hơi trai” hay vì những kỉ niệm mê man về một tài hoa? Vì một tình cảm đã ăn sâu khó có thể dứt bỏ hay vì một hi vọng còn chờ đợi? Anh lai cô đi suốt 50 ki lô mét trong mưa gió, lầy lội! Cô thì mặc áo mưa, đội mũ, đi giày tất, còn anh đầu trần ướt luốt chuốt. Từ đường nhựa ra đến bến đò ba ki lô mét, bùn trơn anh phải khoá xe gửi, cõng cô ra bến đò rồi mới quay lại dắt xe... Có lẽ vì tất cả những cái đó để chỉ chưa đầy ba tháng sau, cô lại đi “giải quyết” lần thứ hai và tiễn anh đi xa với một mệnh lệnh nghiêm ngặt khiến hàng chục năm sau anh còn phải làm theo: “Dù hoàn cảnh thế nào anh cũng phải súc miệng nước muối thường xuyên để chữa cái “họng hạt” đấy. Nào thôi chia tay. Em vẫn coi anh như một người bạn lớn. Không cần đâu. Em tự lo về được. Phải dũng cảm lên, đừng buồn thế”.
Bà lại hỏi:
- Thế cái thằng giời đánh, thánh vật ấy nó định thế nào?
- Sao bà lại nói thế? Anh ấy là người tốt. Cháu chả cần thế nào cả. Chị vợ anh ấy tốt hơn anh ấy nói nhiều. Hiền và đại lượng, đàng hoàng lắm. Cháu có đến nhà để chia tay anh ấy. Cháu hôn anh ấy. Chị ta biết mà vẫn ngơ đi, vui vẻ như không. Chị ta bảo chồng: “Thôi anh cứ vào trong ấy một thời gian đi. Rồi sau này chúng mình xử sự với nhau thế nào cũng được. Nhưng cố giữ để các con nó không biết chuyện bố mẹ”.
Nó cứ nói bô bô, đi lại thoăn thoắt mặc cho bà ngồi thở dài não nuột. Trong khi ấy bác Nạc thì thầm với mấy ông trong đảng uỷ ở đầu nhà rằng con Huyền có quan hệ bất chính thật. Anh nhất trí không thể để một phó bí thư xã đoàn phá hoại hạnh phúc của người khác. Phải thay thôi. Huyền gọi:
- Cứ nói to lên bác Nạc ơi. Cháu nghe hết rồi, việc gì phải thì thầm. Các bác đảng uỷ mà làm việc cứ thậm thà thậm thụt nó thế nào ý.
Nạc quát:
- Còn đẹp mắt lắm đấy hả? Liệu mà viết kiểm điểm, nhận kỉ luật đi.
- Kiểm điểm với ai hả bác?
- Với ban chấp hành của mày, còn với ai.
- Cháu thôi rồi. Còn cái kiểm điểm thì cho cháu chịu bác nhé.
Bà Đất lật đật chạy đến lấy tay bịt mồm nó, van lạy nó để nó im đi.
Đến đêm, khi nó nằm ôm lấy bà, bà mới hỏi:
- Cháu ơi, mày định lấy chồng không hở cháu?
- Có chứ ạ. Không lấy chịu thế nào được hở bà.
- Giời ơi, ăn với nói.
- Bà ơi, thế ngày xưa ông cháu mất, bà mới 19, 20 tuổi, làm thế nào bà lại cứ nhịn được mãi thế hả?
- Đừng nói thế cháu.
Cháu nằm im rồi ngay lập tức nó đã ngủ rất say thì bà lại vật vã nghĩ cách nào van lạy hai bác và anh Nạc để có nhời với mọi người cho chuyện giăng gió của nó khỏi vỡ lở, khỏi chuội mất cái chân cảm tình. Ngày hôm sau bà bảo nó rằng nhà mình cả nội ngoại, dâu rể, ông cháu là 14 đảng viên rồi. Cháu cố phấn đấu nữa là 15. Cả làng cả xã này không có họ nhà ai được như thế. Nó cười phá lên hỏi bà:
- Sao bà không phấn đấu làm cái chân cảm tình hở bà?
Bà đau đớn, chết lặng. Nó nhận ra sự bỡn cợt của nó đụng vào sự kính cẩn linh thiêng của bà, bà không cho ai được phỉ báng, chế giễu. Nó biết bà không thể hiểu hết những chữ ấy và công việc nó phải như thế nào nhưng suốt mấy chục năm nay bà sống được là nhờ tựa vào sự linh thiêng kính cẩn ấy. Nó giống như ngày xưa bà đã tựa vào trời phật, thần thánh và gia giáo. Đến ngày khởi nghĩa, gặp được ông Kiêm bà tin và yêu ông, tin kính cẩn. Không ai có thể phỉ báng được những gì, người chồng của bà đem đến cho bà mấy chục năm nay. Con Huyền biết lỗi nhưng không biết cách nào xin lỗi bà, nó dặn:
- Tối nay bà ở nhà, cháu đi gặp mấy đứa trong ban chấp hành nhá.
- Làm gì?
- Cháu nhờ chúng nó giúp cháu đừng làm to chuyện ra ảnh hưởng đến việc phấn đấu của cháu.
Chả biết nó có đi gặp ban chấp hành thật không, có phấn đấu thật không. Nhưng trông mặt mũi nó nghiêm chỉnh và xăm xắn đi ngay bà cũng thấy đỡ tủi thân, thấy mình không hoàn toàn vô tích sự, thấy được tấm lòng của cháu, chỗ tựa duy nhất của bà còn biết nghe lời bà, một bà già ngây ngô nhưng mà thật lòng, suốt đời đau khổ vì tấm lòng thành thật của mình.

*
* *



Đã định bụng hàng tháng trời, hôm nay mới lựa được lúc chị ấy đi làm, bà đặt cháu, rón rén ra gian nhà ngoài hỏi con:
- Mẹ có chuyện định trình bày với con. Anh xem thế nào hộ mẹ!
Hiếu vẫn ngả mình ở ghế xa lông ngửa mặt nhả khói thuốc hỏi:
- Chuyện gì?
- Dưng mà sáng nay anh có đi làm không đã.
Hiếu là người ưa nói chuyện với mọi người, có thể nói cười hàng nửa ngày liền với bất cứ ai đó, nhưng với mẹ, lúc nào anh cũng tiêng tiếc những lời nói. Dù nói bất cứ điều gì với mẹ lúc này anh cũng cảm thấy khó khăn, nhọc nhằn. Cũng là từ khi anh ấy ra làm việc, nhất là từ ngày ở trong Nam ra. Trước đây anh khác. Trước đây, nhất là những đận gian nan, đêm nào anh cũng rì rầm suốt đêm “bồi dưỡng” cho mẹ nói năng thông thạo. Đến bây giờ như là anh phải cố nén lại để nhẹ nhàng giục bà:
- Bà định nói gì, nói nhanh nhanh lên, tôi còn lo việc khác.
- Mẹ sợ anh phải đến cơ quan!
- Khổ lắm. Thì tôi đang ngồi đây, bà lại tưởng, tưởng cái gì.
- Con biết mẹ sống hay chết cũng là vì các con. Không khi nào mẹ có tư tưởng khác.
- Bà nói thẳng vào việc đi xem nào. Tôi không lúc nào có nhiều thời giờ đâu.
- Thì anh cứ để cho mẹ nói có đầu có cuối.
- Tôi đã bảo tôi không có thì giờ nghe bà kể lể dài dòng.
- Ừ thì mẹ nói vắn tắt thôi vậy. Con biết đấy. Cả hai “lần đò” mẹ cũng chỉ còn có một mình con.
- Tôi đã bảo bao nhiêu lần là đừng bao giờ kể lể những chuyện ấy. Mà bà định nói cái gì thế?
- Mẹ chỉ cốt anh hiểu cho lòng mẹ. Ừ thì thôi mẹ không kể ra làm gì. Mẹ chỉ định nói với con độ này cháu nó cứng cáp gửi nhà trẻ được rồi, anh cho mẹ về.
Phải nói ra điều này vì chỉ khi trốn làng đi đẻ ra anh ấy, còn không bao giờ bà ra khỏi nhà được một tuần lễ. Lần này khi chị ấy sinh cháu bà đã lên tỉnh bảy tháng trời không về nhà. Đúng là hơn cầm tù bà. Ở nhà có ăn nắm dải khoai bà cũng thấy nó thoải mái hơn ở đây ăn cơm gạo trắng, có thịt, có cá. Cái tuổi ngoài 60 của bà, lạy trời còn mạnh chân khoẻ tay, còn chợ búa, nấu cơm, gánh nước, giặt giũ cho chị ấy, cho cháu cứ quần quật như một con ở bà vẫn lo được chu tất không có nề hà gì. Đời bà lam lũ nó quen rồi, có quản gì khó nhọc. Bà cứ âm thầm héo hắt đi, nó ở hai nhẽ. Thứ nhất, bà thèm, bà nhớ cái cảnh tối tăm, lặng lẽ ở làng Cuội chứ không chịu được cái bóng điện nó cứ sáng loé lên soi vào mặt không sao ngủ được. Lại ồn ào quá. Lúc nào ở phố xá cũng như có đám đánh nhau, không mấy khi yên ắng, tĩnh mịch. Xóm làng, sớm tối, trừ khi đấu tranh ra còn quây quần, chào hỏi nhau, đằng này sát tường nhau, ai làm gì kệ người nấy. Nghe nó cứ lạnh lẽo thế nào. Cái nhẽ thứ hai là bà đã cố nhịn nhục cái nỗi nhớ âm u để hầu hạ con dâu, nhưng chị ấy lại không thèm sai bảo quát mắng bà, khiến bà thèm cái thèm của một con chó được chủ quát mắng mà không được. Mỗi khi chị ấy định sai bà làm gì, thì chị ấy sai chồng để chồng sai lại bà. Bà làm cái gì không vừa lòng chị ấy, chị ấy lại chiềng ra trước mặt chồng, để anh ấy đe nẹt, xỉ vả:
- Anh nhìn thấy con muỗi đậu vào bát bột của con không? Nhà này đã lụn bại đến mức không sắm nổi cái chạn để bát bột vào hay sao? Vứt bát bột đấy, con bé ăn vào đi ỉa chảy, kiết lị thì chỉ một mình con này đau đớn khốn khổ chứ ai biết đấy là đâu.
Anh chồng quát:
- Ai để ra đấy hả?
Chị vợ lặng lẽ quay đi chỗ khác. Anh chồng gọi mẹ:
- Bà đâu rồi? Vào đây tôi nhờ một tí. Ai để bát bột của con bé cho ruồi bâu, kiến đậu thế kia?
- Đang ăn cháu nó bậy, tôi vội vàng phải vứt đấy rồi đi rửa cho cháu.
- Vội thế nào thì bà cũng phải đậy điệm vào rồi mới đi chứ. Quen cái thói ma mút ở nhà quê, ăn xó mó niêu.
Hay là:
- Đã bảo làm được thì làm, không để đấy, con này vẫn phải lo. Cùng lắm, bỏ ra vài chục bạc là có tất. Việc gì phải nhờ vả, mang ơn khổ sở thế này.
- Cái gì đấy?
- Mở to mắt nhìn vào cái phuy nước xem cái gì thì biết.
Anh chồng quát:
- Bà đâu rồi. Ai bảo bà xách nước trâu đầm trông khốn nạn thế?
- Thì vẫn hứng ở máy như mọi lần. Nằm nghe thấy máy chảy là phải vội vàng lẻn ra hứng để người khác khỏi tranh mất. Đêm tối, mắt mẹ có biết được nước trong hay nước đục. Thôi để nó lắng xuống xem. Nếu không ăn được mẹ sang giếng công đoàn mẹ gánh.
Hay là:
- Mấy hôm nay anh đã nghe thấy khu tập thể người ta nói gì chưa?
- Cái gì?
- Người ta bảo tôi là con thối thây chỉ có nằm ngửa mà ăn chơi đú đởn để hết mẹ chồng rồi đến chồng nai lưng ra hầu hạ.
- Ai nói kệ xác họ.
- Giá như thằng con nào nó ở ngoài thối mồm, kệ cha nhà nó. Đằng này, tự trong nhà thóc mách ra.
- Cô nói gì thế?
- Tôi nói, tôi đ… cần thằng nào con nào đến đây. Vừa tốn cơm, tốn của, vừa mang tiếng ác vào thân.
- Câm mồm đi, đồ vô văn hoá. Vô đạo đức.
- Tao vô văn hoá nhưng tao còn học hết đại học. Học trường Tuyên giáo có bằng cấp hẳn hoi nhé. Còn hơn cái thằng trưởng ty giao thông chỉ biết bịp người ta bằng cách gương mẫu lặn xuống sông. Có cái bằng đại học tại chức thì đổi bằng gà lợn, gạo nếp, đỗ xanh. Còn đạo đức à? Cái thằng xui vợ tố chú dượng ngủ với con dâu để được tách thành phần, được làm cốt cán. Đến sửa sai lại lấy cớ đó mà bỏ vợ để người ta phải phẫn uất treo cổ chết là đạo đức đấy hả?
- Tiên sư con đĩ, không câm họng đi, ông tống ra khỏi nhà.
- Tao thách đấy. Tao nói cho mà biết mặt nhá, không biết điều, cái chức trưởng ty ấy đừng hòng vào tỉnh uỷ nay mai đâu. Thường vụ “cấu tạo” và cái mác chiến trường để trốn cái tiếng giết vợ chỉ đánh lừa được ông Văn Yến thật thà. Con này mà nói toạc ra mọi chuyện thì mười ông Văn Yến cũng phải bỏ chạy để giữ lấy thân, không có con nuôi, cháu nuôi gì đâu nhá.
Bà Đất khóc âm thầm từ lúc nào, bây giờ chạy đến quỳ trước mặt con dâu, van lạy thề thốt:
- Lạy giời có bóng điện chứng giám, không đời nào mẹ lại đi nói chuyện nhà mình với ai. Thôi mẹ lạy con. Tha cho chồng con nó nóng nảy. Mẹ xin, mẹ xin...
Hiếu im lặng. Hiếu lại đành nuốt hận. Anh không ngờ con mẹ nó, mụ Nho, lại trả thù anh ghê gớm như vậy. Năm ngoái ở miền Nam ra anh và mụ về quê “đi lại” với nhau, mụ ấy bảo: “Con Hiền, anh còn nhớ nó không? Con bé học chạy ở Từ Sơn mà hồi sơ tán em bảo anh mang đường sữa và các thứ cho con đấy. Nó dạy học được ba năm thì bị khớp. Xin đi học xuất bản ở trường tuyên giáo. Bây giờ về làm thư viện tỉnh mình. Anh về đấy quan tâm giúp cháu. Em cứ giao hẳn nó cho thủ trưởng đấy”. Không ngờ chỉ bốn tháng sau khi “thủ trưởng quan tâm” thì Hiền đã có mang và nhất định bắt anh phải cưới. Nếu không, cô ta sẽ báo cáo tổ chức và tự tử ngay tức khắc. Nhưng cưới thì Nho giết anh. Chính Hiền phải về nhà hàng chục ngày khóc lóc vừa van xin vừa doạ mẹ:
- Anh ấy đáng tuổi bố con thật nhưng con đã yêu hàng chục người, năm sáu lần phá thai rồi. Con thiết gì trẻ với già. Nếu mẹ cấm con, con chuẩn bị sẵn con dao đây rồi. Mẹ đâm vào bụng con cho hai mẹ con con chết một lúc rồi mẹ sẽ xỉ vả, chửi bới anh ấy.
Người mẹ cứng ra như chết. Nghe nói chị định đi tự tử mà giời rét quá. Ra khỏi cửa thấy lạnh run nên phải quay về mặc áo ấm. Mặc xong lại ngại không đi nữa.
Hiếu bí mật đăng kí xong, hai người “biệt tăm” một tháng. Tháng sau về Hà Nội bảo cưới ở quê. Về tỉnh bảo cưới ở Hà Nội.
Mụ Nho đã lôi hết “tung tích” của anh do sự thông minh của mụ tổng hợp các tin vặt ở quán nước nói lại với con để cản nó không được lấy “bồ” của mình. Đến khi con gái đẻ, mụ ấy vẫn từ mặt. Còn con gái mụ, con Hiền vợ anh, nó không thể trông cậy vào ai trong những ngày trở dạ và lúc con còn đỏ hon hỏn, nên nó mẹ mẹ con con vui vẻ với mẹ anh. Từ khi con bé biết lẫy, biết hóng chuyện có thể đem gửi nhà trẻ và chồng có thể thay mẹ giặt giũ cơm nước thì Hiền càng ngày càng khó chịu sự có mặt của bà. Hiếu biết điều đó hàng mấy tháng nay nhưng sợ mọi việc lại đổ hết lên đầu mình, nhất là lúc con ốm đau. Quan trọng hơn nữa là sợ mẹ cho rằng lúc cần anh bắt buộc bà lên ở với vợ chồng anh. Khi không cần lại đuổi mẹ về. Cho nên anh cứ lờ đi như không biết đến chuyện đó. Sáng nay mẹ anh nói ra, anh thấy trong người nhẹ hẳn. Song, anh vẫn nói với mẹ như có ý trì hoãn:
- Hãy khoan đợi xem thế nào đã.
Đợi đến tối, lúc vợ chồng vui vẻ anh hỏi vợ:
- Bà định về quê, ý em thế nào?
Cô xoay ngoắt người nói:
- Sao anh lại hỏi em!
- Thì vợ chồng phải thống nhất. Anh muốn bà ở đây thêm ít tháng nữa để con cứng cáp thêm mà em cũng đỡ vất vả.
- Tuỳ anh. Nhưng em nghĩ bà đã định, đừng nên trái ý bà. Vất vả thì vẫn ngần ấy việc. Thêm người, có thêm được việc gì đâu. Lại mang tiếng mẹ già phải hầu hạ.
Hai hôm sau, vào buổi sáng thứ bảy Hiếu mời bạn bè, quan chức ở tất cả các cơ quan xung quanh tỉnh đến uống nước để bà cụ chào mọi người, về dưới quê. Cả buổi sáng, hàng dăm bảy chục người thành mươi mười lăm đợt đến chào bà. Đợt nào bà cũng phải nói cái câu:
- Thôi thì các bác thông cảm cho tôi. Hai cháu thì nó cứ tha thiết bảo mẹ phải ở lại để có bà, có cháu nó vui vầy mà chúng con cũng có điều kiện chăm sóc mẹ. Nhưng tôi thì tôi cứ nhớ nhà quá, không ăn không ngủ được. Tôi xin các bác cho tôi về, dăm bữa nửa tháng lên với cháu tôi lại xin đến chào các bác.
Sau những lời can ngăn của bao nhiêu người bà vẫn nhất mực đòi về.
Hiền nói:
- Em xin báo cáo thật với các anh, bao nhiêu đêm em nói như van lạy cụ: Cháu nó cứng cáp đi nhà trẻ được rồi nhưng bà cứ ở lại đây với chúng con, với cháu. Cả đời bà cụ vất vả rồi bây giờ được lúc con cháu nó chăm sóc, trông nom, tại sao cụ lại cứ khăng khăng đòi về. Nhưng không tài nào lay chuyển được cụ em. Chúng em đành chịu. Mà thật lòng để cụ em về chúng em không thể nào yên tâm được.
Không biết bà cảm động quá hay nghĩ đến cái lúc đau đớn, xót xa mà nước mắt bà ướt đầm má đứa cháu bà đang bế trong tay. Bà vội vàng lấy vạt áo lau. Rồi nhớ ra điều gì bà lại vôi vàng tìm cái khăn riêng của cháu, nhúng nước sôi lau lại cho cháu. Bà cười cười mà khuôn mặt như méo đi, như đang cố kìm tiếng khóc bật ra.

<< P3 - Chương 4 | P4 - Chương 2 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 456

Return to top